Hiroshima ngày 6/8/1945

Vietsciences- Võ Thị Diệu Hằng     13/08/2009

 

Video

Những bài cùng đề tài:

Photographs of Hiroshima and Nagasaki

Cách đây đúng 64 năm, quả bom nguyên tử  đầu tiên nổ tung trên thành phố  Hiroshima, Nhật Bản, đã đẩy cuộc chiến tranh thế giới kết thúc nhanh chóng.  Kể từ đó thế giới lo sợ một cuộc xung đột hạt nhân sẽ làm hủy diệt hoàn toàn nhân loại....  
 
  Lo ngại về sự nguy hiểm của khối Đức quốc xã (Nazis) khi biết rằng họ đang chuẩn bị một loại bom chết người từ sự phân hạch hạt nhân nên Mỹ chủ trương phải tiến thật nhanh trong lãnh vực này. Năm 1942, Tổng thống Roosevelt  phê chuẩn kế hoạch bí mật nghiên cứu và chế tạo bom A và H
 
Trong lúc Mỹ hoàn thành quả bom, mặc dù Đức quốc xã chuẩn bị đầu hàng vô điều kiện nhưng Nhật Bản vẫn còn là một mối đe dọa ở khu vực Châu Á-Thái bình dương, tuy quân đội, công nghiệp và khoa học của Nhật hãy còn kém Đức.  
 
Thấy rằng chỉ lấy hòn đảo Okinawa mà đã phải hao tốn tới 7.600 binh sĩ, nên vì vậy quân đội Mỹ sợ sẽ mất khoảng 500.000 quân  để chinh phục Honshu(đảo chính của Nhật Bản, kéo dài từ miền nam Kagoshima lên đến miền bắc Aomori).  Vì vậy,  ý định dùng bom nguyên tử để triệt tiêu sức chống cự của Nhật, tổng thống Harry Truman (thay thế Roosevelt chết ngày 12 tháng tư 1945) vẫn cho tiếp tục tiến hành dự án này. Truman tiêu diệt Nhật bản mà không cần đến sự trợ giúp của Staline. 
 
Ngày 16 tháng bảy năm 1945, Mỹ thử nghiệm bom nguyên tử lần đầu tiên tại sa mạc ở New Mexico. Cuộc thử nghiệm thành công, nhưng vì thiếu kinh nghiệm, các nhà khoa học đã không thể đo lường chính xác hậu quả tai hại khủng khiếp của  quả bom nguyên tử đối với dân chúng. 
 
Vào ngày 26 tháng bảy, Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc (quân đồng minh)  gởi tối hậu thư cho Nhật Bản thông báo về việc ra đời của loại vũ khí kinh khủng này. 
 
Cuối cùng, sáng sớm ngày 6 tháng tám năm 1945, các máy bay ném bom tiến vào quần đảo Nhật, và họ  chiếc máy bay B-29  mang tên “Enola Gay” đã thả một quả bom uranium nặng 4 tấn, có tên ”Little Boy”, xuống trung tâm thành phố công nghiệp Hiroshima (340.000 dân). 
 
Quả bom được thả lúc 8 giờ 15 phút. Hơn 70.000 người bị giết ngay tại chỗ vì luồng khí nóng kinh hoàng. Hàng chục ngàn người bị phỏng nặng và rất nhiều người khác chết sau vài năm do nhiễm xạ.

Ba ngày sau, Fat Man bùng nổ ở độ cao 1.840 feet  trên không phận Nagasaki, với sức mạnh 22.000 tấn TNT,  khoảng 286.000 cư dân sống ở Nagasaki trước vụ tấn công; 74.000 bị thiệt mạng tức khắc và 75.000 người bị thương nặng.

Sự thật thì:

"...Từ tháng 3 đến tháng 8- 1945, Tướng Curtis LeMay ra lệnh oanh tạc Tokyo và 64 thành phố khác, sát hại hàng trăm nghìn thường dân. Nhưng theo cách tính kỳ quặc thời chiến, có người cho LeMay đã giúp ngăn ngừa một số thương vong một triệu về phía Hoa Kỳ và hơn hai triệu người Nhật, qua việc dồn ép Nhật Hoàng phải đầu hàng trước khi kế hoạch xâm chiếm các đảo quốc diễn ra. Vào thời điểm đó, không ai biết chắc  kết quả của dự án Manhattan Project chế tạo bom nguyên tử, vì phải đợi đến 16-7-1945 mới có cuộc thử nghiệm nguyên tử thành công đầu tiên. Hành động của LeMay đã chấm dứt cuộc chiến và tránh được nhiều thương vong, nhưng theo chuẩn mực hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã xem ông như một tội phạm chiến tranh, như chính ông đã có lần tự thú nhận như vậy.

Phán đoán cho rằng nhiều người đã được cứu mạng nhờ hành động thiêu sống hàng trăm nghìn thường dân chỉ là một giả tưởng. Cái chết tức tưởi, kinh hoàng của hàng trăm ngàn nạn nhân là một sự kiện thực tế. Không bao giờ có trường hợp một tên khủng bố lại không tin động cơ gây tội ác của mình là một lý tưởng cao cả. Chính sự hợp lý hóa việc sát hại hàng loạt tự nó đã là một trọng tội vì đã tìm cách đem lại một cơ sở ý thức  biện minh cho những tội ác kinh tởm trong tương lai.

Vả chăng, trong phim tài liệu của đạo diễn Errol Morris năm 2003 "The Fog of War : Eleven Lessons from the Life of Robert S. McNamara" (Sương Khói Chiến Tranh: 11 Bài Học từ Cuộc Đời của Robert S. McNamara), McNamara đã mô tả chiến dịch oanh tạc các thành phố Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến. Lúc đó, ông chỉ giữ vai trò phụ trong các cuộc tấn công -  phân tích thống kê cho Tướng Curtis E. LeMay, không lực của Bộ Binh. McNamara nhớ lại: "Chúng ta đã thiêu sống 100.000 thường dân Nhật ở Tokyo - đàn ông, đàn bà, trẻ con; tất cả lối 900.000 thường dân thương vong. LeMay nói, 'nếu chúng ta thất trận, tất cả chúng ta đều đã bị truy tố như những tội phạm chiến tranh'. Và tôi nghĩ ông ta nói đúng. Ông ta - và tôi nói cả tôi - đều đã hành động như những tội phạm chiến tranh"

"Điều gì làm cho chiến tranh vô luân nếu ta thua và không vô luân nếu ta thắng?" ông tự hỏi.  Và ông đã không tìm được câu trả lời.

Trong mọi trường hợp, theo nhiều sử gia, sử dụng Little BoyFat Man san bằng Hiroshima và Nagazaki không hề có tác dụng rút ngắn Đệ Nhị Thế Chiến. Nhật Hoàng đã bắt đầu thương thuyết các điều kiện đầu hàng ngay sau đợt B-29's oanh tạc tàn sát 100.000 thường dân Nhật ở Tokyo.

Phô trương sức mạnh của loại vũ khí mới chỉ Mỹ mới có, và hiệu quả răn đe của nó đối với khối Cộng Sản do Nga Sô lãnh đạo lúc đó đang bành trướng thế lực ở Đông Âu và lục địa Trung Hoa, có lẽ là lý do có tính thuyết phục hơn nhiều. Và đây cũng có thể là hành động mở đầu kỷ nguyên chiến tranh phòng ngừa của một siêu cường đang lên! Và đây cũng có thể là một tội phạm chiến tranh không hơn không kém...." [*]

Ngày 2 tháng Chín, Nhật đầu hàng vô điều kiện.
 
Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã kết thúc  hơn nửa thế kỷ... nhưng thế giới luôn lo sợ chiến tranh hạt nhân... và nhiều quốc gia đã và đang chuẩn bị cho mình những khối bom nguyên tử để phòng thân (!)...  Khi nào sẽ Tận thế?

=============

[*] trích từ bài "Hiroshima và Nagasaki - Thế giới sáu mươi bốn năm sau"

 


Little boy, bom nguyên tử đầu tiên, nặng 9000 pounds, có sức mạnh 15 kiloton thuốc nổ TNT, nổ tại Hiroshima trong Thế chiến thứ II

Fat Man, vũ khí hạt nhân thứ hai, nặng 10000 pounds và có sức nổ 21 kiloton thuốc nổ TNT, nổ trên Nagasaki, Nhật làm thiệt mệnh 74000 nạn nhân

Hiroshima , tháng 8 năm 1945   Top Foto / Roger-Viollet

Viết ngày 06/08/2009

Bổ sung ngày 13/08/2009

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Võ Thị Diệu Hằng