Những tai nạn hạt nhân

Vietsciences-Đặng Đình Cung         21/10/2005

 

Báo điện tử Tiền Phong, thứ bảy 7/5/05, dẫn lời ông Vương Hữu Tấn, viện trưởng viện Năng lượng Nguyên tử, xác định lại thông tin theo đó “ nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam sẽ đi vào hoạt động trong khoảng thời gian từ 2017 - 2020 với công suất từ 2000 - 4000 MW ”.

Ông Tấn khẳng định các loại lò phản ứng « nước -nước » (bao gồm : lò nước áp lực (PWR), lò nước sôi (BWR) và CANDU) mà VN sẽ chọn lựa « có độ an toàn rất cao ». Điều đó chắc không phải không có cơ sở, nếu chỉ nói về kỹ thuật. Nhưng... vâng, nhưng vấn đề không chỉ là lò, mà là người. Diễn Đàn số trước đã đưa tin về hiện tượng (phổ biến!) các công trình bị « rút ruột ». Gần đây hơn, theo Lao Động 18.5.2005, chỉ 3 ngày sau khi chính thức thông xe trên cầu Bính cây cầu dây văng vào loại đẹp nhất Đông Nam Á, niềm tự hào của thành phố cảng Hải Phòng hơn 1.000 êcu thép trên cầu đã bị tháo mất. Một tuần trước đó, ở Hà Tây, kẻ gian đã tháo mất hơn 70 thanh giằng trên cầu Xuân Mai... Chúng ta có thể tưởng tượng nếu những vụ việc đó xẩy ra cho nhà máy nguyên tử, hậu quả sẽ ra sao ? và sẽ có chăng một đội ngũ điều hành, bảo trì và cấp cứu đủ tiêu chuẩn ? câu hỏi không thừa sau kinh nghiệm của Nga và Nhật.

Bài viết dưới đây so sánh các điều kiện đã xảy ra những tai nạn hạt nhân trên thế giới, cho thấy vấn đề không chỉ là kỹ thuật !

 

Ngày 4 tháng chín 2004, ở nhà máy nhiệt điện Mihama, Nhật-bản, xảy ra một biến cố nghiêm trọng : một ống hơi siêu nhiệt ổ máy số 3 nổ làm thiệt mạng bốn người.

Về mặt kỹ thuật, đây là một tai nạn không có liên quan gì đến năng lượng hạt nhân. Một nhà máy điện hạt nhân có ba mạch : mạch thứ nhất tải nhiệt từ lò phản ứng đển một bộ chuyển nhiệt, mạch thứ nhì tải hơi nước từ bộ chuyển nhiệt đó đến tua bin và mạch thứ ba làm đọng hơi nước của mạch thứ nhì. Mạch thứ nhất dùng để ngăn những chất trong lò phản ứng hạt nhân không liên lạc trực tiếp với hai mạch thứ nhì và thứ ba và, như vậy gia tăng an toàn của nhà máy. Ống hơi của nhà máy Mihama nổ là một ống hơi của mạch thứ nhì.

Với những tiến bộ của ngành luyện kim những tai nạn đó trở nên hiếm nhưng vẫn có khả năng xảy ra trong một nhà máy nhiệt điện, một nhà máy hóa học hay ở mọi nơi cần đến hơi nước siêu nhiệt. Có nhiều trường hợp ống dẫn hơi siêu nhiệt của hệ thống sưởi công cộng nổ, kể cả ngay giữa tỉnh Paris. Ống dẫn hơi nhà máy Mihama nổ là một tai nạn cổ điển đáng tiếc ngẫu nhiên xảy ra trong một nhà máy điện hạt nhân. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những tai nạn thuần túy hạt nhân. Từ năm 1942, khi lò phản ứng hạt nhân đầu tiên phân tỏa tại Chicago, hơn sáu chục năm đã trôi qua và nhiều tai nạn hạt nhân đã xảy ra làm nhân loại sống trong lo âu.

Để đóng góp vào thảo luận về vấn đề này chúng tôi xin trình bày và phân tích diễn tiến của ba tai nạn điển hình và trầm trọng nhất của ngành năng lượng hạt nhân.

Three Mile Island

Ngày 28 tháng ba 1979, nước làm nguội chảy ra khỏi lò phản ứng hạt nhân số 2 nhà máy điện Three Mile Island, huyện Middletown, tiểu bang Pennsylvania, Hoa-kỳ, làm cho thùng lò bị nguy cơ nấu chảy. Thống đốc tiểu bang Pensylvania thận trọng ra lệnh di tản phụ nữ có thai và trẻ em chưa tới tuổi đi học, sống trong vòng 5 dặm (9 km) xung quanh nhà máy có tai nạn. Rất may không có tử vong mà cũng không có thương vong.

Tai nạn khởi đầu ở mạch thứ nhì của nhà máy. Khi mạch đó bị chảy mất nước làm nguội thì những máy bơm mạch thứ nhất tự động ngưng để tránh làm hỏng bộ chuyển nhiệt giữa mạch thứ nhì và mạch thứ nhất. Vì mạch thứ nhất không tải nhiệt ra ngoài lò phản ứng, nhiệt độ trong lò tăng cao, nước trong lò bốc hơi và không tải ra ngoài nhiệt của những thanh nhiên liệu. Thùng lò phản ứng có nguy cơ bị nấu chảy làm cho những chất phóng xạ chảy thấm vào lòng đất. Đây là tình huống nguy kịch nhất mà các chuyên gia về năng lượng hạt nhân có thể tưởng tượng được : hiện tượng "Chinese syndrome" [i].

Nhiệt độ hơi nước tăng làm những phân tử nước phân tách thành khí hydro và oxy. Hai khí này pha trộn như vậy có khả năng nổ. Với khối lượng hỗn hợp khí chứa trong lò phản ứng nếu nổ thì sẽ có sức tàn phá tương đương với 300 tấn chất nổ TNT.

Để làm giảm nhiệt và để tránh cho hai sự cố đó xảy ra, nhân viên cấp cứu khẩn tốc cho chạy những máy bơm của mạch thứ nhất. Nhờ thế, sau một thời gian lo lắng, nhiệt độ trong lò phản ứng giảm và dây chuyền phản ứng trở về trạng thái ổn định. Giai đoạn này suýt nữa dẫn tới một tai biến tương tự như thảm họa Tchernobyl mà chúng tôi sẽ kể trong phần sau.

Ngay khi tai nạn xảy ra nhân viên điều hành nhà máy đã khẩn tốc báo động để được cấp cứu. Khi khí hydro và oxy đọng trong lò phản ứng, nhân viên cấp cứu hiểu ngay rằng cần phải làm nguội lò và khởi động ngay những máy bơm mạch thứ nhất đã tự động tắt.

Vì hiện tượng Chinese syndrom là một tình huống đã được rà xét trước nên những biện pháp đối phó đã được bố trí ngay từ khi thiết kế nhà máy. Khi lò phản ứng bị nấu chảy thì những chất chứa trong lò sẽ ở nhiệt độ cao làm cho nền móng nhà máy bị nấu chảy. Lò phản ứng lún xuống lòng đất mang theo những chất phóng xạ chứa trong lò. Như thế những chất phóng xạ sẽ bị giam trong lòng đất và không tỏa ra ngoài làm nguy hại đến sức khỏe dân chúng địa phương. Địa điểm nhà máy đã được chọn để nước ngầm không chuyển những chất phóng xạ đó đi nơi khác.

Trong khi tai nạn xảy ra, một chút khí phóng xạ thoát ra khỏi nhà máy. Nhưng vì nhà máy đã được thiết kế trước để khi khí phóng xạ thoát ra ngoài thì sẽ được phun lên cao để tỏa trên một diện tích lớn và, như thế, sẽ không làm nguy hại đến dân chúng địa phương. Trong tiến trình tai nạn một chút khí phóng xạ đã được thổi lên cao như đã dự doán. Quả nhiên, sau vài ngày hoạt tính xung quanh nhà máy có gia tăng, nhưng vẫn ở xa dưới mức an toàn. Cho tới nay người ta không ghi nhận một việc gì đáng lo ngại cả.

Tchernobyl

Đêm 26 tháng tư 1986, lò phản ứng hạt nhân số 4, nhà máy điện Tchernobyl, Liên Xô (bây giờ thuộc Ukrania), nổ và bốc cháy. Tai nạn làm 31 người chết vì bị đốt cháy hay bị trực tiếp nhiễm xạ, 135.000 người phải di tản, ít nhất 800.000 người hấp thụ những chất phóng xạ, ba triệu tera becquerel phóng xạ bị phun ra ngoài khí quyển và rơi trên hầu hết lãnh thổ Châu Âu. Thêm vào đó, một vạn kilô mét vuông được biến thành một cấm địa vô hạn định. Chưa ai ước lượng được tổng số tử vong gián tiếp của tai nạn này. Đây là thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử loài người.

Trước ngày xảy ra tai nạn, một số thiết bị an toàn tự động bị nhân viên điều hành cố ý tắt đi. Ngày 26, một nhân viên không thạo nghề tự ý thực hiện một thí nghiệm. Bỗng nhiên mức nước làm nguội lò phản ứng giảm xuống làm cho công suất lò gia tăng. Người điều khiển nhà máy tắt lò. Nhưng những phản ứng hạt nhân thặng dư tiếp tục phát ra năng lượng làm cho nước trong lò bốc hơi. Áp suất của hơi nước làm nổ lò phản ứng. Vì lò không có vỏ ngăn chặn bảo vệ, những chất phân hạch tung ra khí quyển. Sau đó, nhiệt độ trong lò gia tăng và, như vậy, dây chuyền phản ứng tăng trưởng làm cho nhiệt độ lại gia tăng hơn. Những phân tử hơi nước trong lò bị phân tách thành một hỗn hợp khí hydro và oxy. Hỗn hợp này gây ra những sự nổ tiếp sau. Vì vỏ lò đã bị phá hủy, không khí bên ngoài xô vào làm cho vật điều tiết bằng than chì bốc cháy.

Gần một ngày sau thì chính quyền trung ương can thiệp. 5.000 tấn boron và dolomit [ii] được đổ từ trên trời xuống nhà máy để dập tắt dây chuyền phản ứng hạt nhân và đám cháy. Ngày 28, hai ngày sau tai nạn, dân địa phương được lệnh di tản. Khi dây chuyền phản ứng và đám cháy được dẹp tắt, một khối lượng bêton rất lớn được đổ trên đơn vị bị nạn để kiềm chế những chất phân hạch phóng xạ không cho chúng tiếp tục tỏa ra khí quyển.

Trên phương diện kỹ thuật sự cố Tchernobyl rất là đơn giản : tất cả những nhân tố có thể tưởng tượng được để gây nên một thảm họa đều hội tụ. Và tai nạn « phải đến » đã đến.

Kỹ sư Grigori Medvedev là phó giám đốc xây dựng những nhà máy hạt nhân của Liên Xô. Sau biến cố Tchernobyl, ông phân tích trong một cuốn sách những tình tiết việc lấy quyết định xây những nhà máy hạt nhân tại Liên Xô và những quyết định của những nhà cầm quyền khi được tin có tai nạn ở Tchernobyl [iii]. Chúng tôi xin tóm lược sau đây.

- Nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl là một tập thể bốn lò phản ứng RBMK. Đây là một loại lò phản ứng dùng than chì làm vật điều tiết và nước làm chất lưu chuyển nhiệt. Những chuyên gia Liên Xô nêu rằng loại lò này điều hành không ổn định. Nhưng ý kiến của họ bị gạt bỏ và họ được lệnh xây nhà máy với những lò thuộc loại RBMK bất chấp an toàn của dân chúng [iv].

- Những người điều khiển nhà máy không được đào tạo quy củ. Họ vô trách nhiệm đến nỗi tắt những thiết bị bảo vệ an toàn để tự do làm những gì họ muốn mà không phải báo cáo lên cấp trên. Khi tai nạn xảy ra, họ tìm cách giấu giếm lỗi lầm của họ bằng cách xử lý một mình thay vì cầu viện ngay. Trong một thời gian họ đã dối trá rằng tai nạn đã được kiềm chế.

- Khi những lãnh đạo ở Mạc Tư Khoa nhận được hung tín thì phản ứng đầu tiên của họ là cấm không cho di tản dân chúng địa phương để không làm mất uy tín của ngành năng lượng hạt nhân Liên Xô. Họ chần chừ tới hơn một ngày trước khi ra lệnh di dân và gửi lực lượng cứu viện.

Tokaimura

Ngày 30 tháng chín 1999 xảy ra một phản ứng dây chuyền quá hạn tại nhà máy sản xuất nhiên liệu hạt nhân JCO, một chi nhánh tập đoàn Sumitomo Metals and Mining, ở Tokaimura, hạt Ibaraki, Nhật Bản. Tổng cộng 63 người bị nhiễm xạ trực tiếp hay gián tiếp, trong số đó hai người chết vài tháng sau. Những gia đình gần nhà máy được di tản tạm thời và 300.000 người bị quản thúc trong hơn một ngày.

Tokaimura là một cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân chứ không phải là một nhà máy điện như Three Mile Island và Tchernobyl. Tai nạn xảy ra khi ba công nhân đổ một dung dịch uranil nitrat vào một thùng kết tủa. Vì thùng chứa đến 16,6 kg uranium, nhiều hơn lượng quá hạn, phản ứng dây chuyền tự nhiên khởi động. Sau đó, vì thùng không có hệ thống dập tắt dây chuyền phản ứng, phản ứng dây chuyền duy trì trong 17 đến 20 giờ. Trong mấy ngày liên tiếp hệ thống quạt thổi không khí nhiễm chất phóng xạ từ nhà xưởng tỏa sang làng Tokaimura lân cận.

Hai tuần sau tai nạn thủ tướng Keizo Obuchi đến ăn tối ở Tokaimura [v]. Thực đơn gồm có dưa và rau hái từ một vườn cách nơi xảy ra tai nạn non 700 mét, cơm thổi bằng gạo địa phương và cá ngừ câu ở bờ biển gần đó. Ngài thủ tướng tuyên bố với các đài truyền hình ngài đã ăn một bữa cơm tuyệt vời.

Cũng như Tchernobyl, người ta không hiểu tại sao tai nạn Tokaimura không xảy ra sớm hơn.

Sau tai nạn, một uỷ ban điều tra nhận thấy rằng lãnh đạo cơ sở Tokaimura đã cho phép dùng thùng kết tủa gây ra tai nạn mặc dù, trên nguyên tắc, thùng đó không được thiết kế để chứa uranil nitrat, tình trạng này đã kéo dài từ bảy tám năm trước nhưng cho tới ngày xảy ra tai nạn thì chưa có ai báo tình trạng không chuẩn này, và ba công nhân gây ra tai nạn làm việc đó lần đầu tiên và chưa được huấn luyện để làm việc đó, họ mặc áo thun thay vì áo bảo hộ quy định và không mang phim đo độ nhiễm xạ.

Điều đáng sợ là những tai nạn tương tự, mặc dù không nghiêm trọng như vậy, thường xuyên xảy ra ở những cơ sở công nghiệp, hạt nhân hay không, của Nhật Bản. Sau mỗi tai nạn, một uỷ ban điều tra khám phá ra những thiếu sót về thiết kế, điều hành an toàn và đào tạo nhân viên, lãnh đạo xí nghiệp công khai xin lỗi gia đình các nạn nhân và dân chúng địa phương, còn chính phủ Nhật thì ra lệnh rà xét và điều chỉnh những cơ sở tương tự.

Sau một thời gian ngắn những xí nghiệp lại ngưng thi hành lệnh rà xét và cải tạo những quy trình, thiết bị và nhân viên sản xuất. Họ lại vi phạm đại trà những quy định về an toàn. Công chức thanh tra Nhà Nước tiếp tục làm ngơ. Tai nạn Mihama gần đây là một bản kịch tương tự.

Kết luận

Khi phân tích những tai nạn trên chúng ta nhận thấy tai nạn Tchernobyl và Tokaimura có bốn điểm giống nhau :

- thiết bị và quy trình sản xuất không được thiết kế để bảo đảm an toàn,

- nhân viên điều hành không được đào tạo để có khả năng làm những việc đã được giao phó,

- trước và sau khi tai nạn xảy ra nhân viên điều hành cũng như lãnh đạo Nhà Nước cố ý làm trái những quy định về an toàn,

- nhân viên cấp cứu không được huấn luyện, thiết bị không được bố trí và quy trình cấp cứu không được dự trù sẵn để đối phó một tai nạn.

Tại Three Mile Island

- nhà máy được thiết kế đúng theo những tiêu chuẩn an toàn thời đó,

- nhân viên điều hành được đào tạo để có đủ năng lực nghiệp vụ và được luyện tập lại thường xuyên,

- khi xảy ra tai nạn, mọi người đều biết sẵn những gì phải làm và có sẵn nhũng dụng cụ cần thiết để thiệt hại không tràn lan,

- và chính quyền địa phương đã lo ngay đến sự an toàn của dân chúng.

Có người nói rằng nếu Three Mile Island không trở nên một thảm họa là nhờ họ may mắn [vi]. Rất có thể hỗn hợp khí hydro và oxy nổ làm nổ lò phản ứng như ở Tchernobyl bảy năm sau. Nhưng vỏ ngăn chặn bảo vệ đã được thiết kế để không bị phá hủy khi lò phản ứng nổ và giữ những chất phóng xạ trong khối lượng vỏ ngăn chặn bảo vệ. Thêm vào đó, nhân viên điều khiển lò đã mau chóng khởi động những máy bơm của mạch thứ nhất để làm nguội lò phản ứng và kết tụ hỗn hợp hydro và oxy thành nước trở lại.

Nhà máy Three Mile Island đã không nổ và không ai muốn sự cố đó tái diễn để có cơ sở cụ thể để tranh cãi [vii].

Khi xảy ra tai nạn Tchernobyl, nhà cầm quyền Pháp tuyên bố rằng một tai nạn như vậy sẽ không bao giờ xảy ra trên lãnh thổ Pháp. Rất có thể lời nó đó biểu lộ sự thiếu khiêm tốn của người Pháp nhưng cũng có ít nhiều cơ sở.

Một cơ sở công nghiệp dù là cơ sở hạt nhân hay không chắc chắn cũng có rủi ro tai nạn. Vấn đề là rủi ro đó có thể chấp nhận được hay không. Vì một tai nạn hạt nhân sẽ ảnh hưởng đến hẳn một địa phương, nếu không nói đến một nước, những người quyết định chấp nhận rủi ro tai nạn đó phải là dân dịa phương đó hay nước đó. Một cá nhân hay một nhóm cá nhân, dù giỏi về khoa học đến đâu, cũng không có quyền quyết định thay thế được cho những người sẽ chịu rủi ro.

Một khi đã quyết định xây một cơ sở công nghiệp thì phải giao việc thiết kế, xây dựng và điều hành cho những người có khả năng kỹ thuật, có tinh thần trách nhiệm đối với cấp trên cũng như đối với dân và có tự do nêu lên những khó khăn, sai lầm và rủi ro của dự án. Nhưng để dân có thể kiểm soát và sử dụng quyền quyết định cuối cùng thì những nhà khoa học và chính trị phải có khả năng và can đảm giải thích những chọn lựa kỹ thuật, những ưu điểm, khuyết điểm và mức độ hiểm nguy của dự án.

Mọi việc đó phải được quy định rõ rệt từ quy trình quyết định trên nguyên tắc đến các quy trình thực hiện thiết kế, xây dựng và điều hành cơ sở. Nhiều khi những nhà đầu tư cố ý không tôn trọng những quy định đó để tiết kiệm tiền và gia tăng lợi nhuận. Vì thế phải có một cơ quan độc lập, có khả năng kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra việc thừa hành nghiêm chỉnh những quy định đó.

Nước Pháp và những nước công nghiệp dân chủ khác có môi trường chính trị và kỹ thuật để hội đủ ba điều trên. Nhờ thế mà rủi ro hạt nhân được dân chúng chấp nhận và xác suất tai nạn hạt nhân được tối thiểu hóa.

Đặng Đình Cung


[i] Chúng tôi không biết tại sao họ gọi hiện tượng này như vậy.

[ii] Boron có tác dụng hấp thụ neutron và, như thế, làm tắt dây chuyền phản ứng. Chất này thường dùng để điều khiển một lò phản ứng hạt nhân. Còn dolomit dùng để làm tắt lửa những đám cháy cơ sở công nghiệp.

[iii] Bản dịch tiếng Pháp là La Vérité sur Tchernobyl, do Albin Michel xuất bản năm 1990. Chúng tôi được biết có bản dịch sang tiếng Anh.

[iv] Những lò của các nước Tây Âu thuộc loại PWR an toàn hơn vì nếu lò phản ứng mất nước làm nguội và nhiệt độ gia tăng thì dây chuyền phản ứng sẽ giảm cho tới khi tắt. Những lò RBMK ngược lại nếu nhiệt độ trong lò phản ứng gia tăng thì dây chuyền phản ứng sẽ duy trì hay tăng trưởng.

[v] Times    October 18, 1999 Vol. 154 No. 15.

[vi] Có người nói rằng người Mỹ đã cầu nguyện Đức Chúa một cách nhiệt tâm nên mới thoát nạn như vậy.

[vii] Những đơn vị sản xuất ở Tchernobyl không có vỏ ngăn chặn bảo vệ. Ví thế sau tai nạn phải đổ bêton lên đơn vị bị nạn để tránh những chất phân hạch phóng xạ tiếp tục ô nhiễm khí quyển. Vỏ bêton đó gọi là quan tài !

 

© http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Đặng Đình Cung