Ngày 6 và
9-8-1945, hai thành phố Nhật, Hiroshima và Nagasaki, bị bom nguyên tử Mỹ san
bằng. Hai ngày và hai thành phố, được Tổng thống Mỹ Harry S Truman lựa chọn, đã
luôn gắn liền trong lịch sử. Đó là hai sự kiện lịch sử bi thương người Mỹ
không muốn nhớ, nhưng rất khó quên đối với người Nhật. Và nhân loại, muốn
trường tồn, cũng không có quyền quên.
Đầu tháng 8 hàng năm, Hiroshima và Nagasaki luôn vẫn là một trăn trở,
nỗi đau đối với nhiều người Mỹ và người Nhật, mối âu lo ngay cả với bất cứ ai
quan tâm đến tương lai của nhân loại trước nạn chạy đua trang bị vũ khí hạt
nhân giữa các cường quốc và tai họa của các cuộc chiến tranh bạo động đang
liên tục xảy ra ở Nam Mỹ, ở Trung Đông, ở Nam Á, ở Phi châu… Đó là ngày
khi Enola Gay, chiếc máy bay chiến lược B-29, lấy tên thân mẫu của
viên phi công, thả quả bom uranium (explosion), Little Boy, nặng năm
tấn, xuống Hiroshima; và ba ngày sau, phi cơ Bock's Car, mang tên phi
công cầm lái đầu tiên , ném quả thứ hai Fat Man, một bom plutonium
phức hợp (implosion), tên lóng của Thủ Tướng Winston Churchill, xuống
Nagasaki. Và nay là tuần tưởng niệm thứ 64 các nạn nhân vô tội và bất hạnh
trong hai cuộc tàn sát nầy, và lúc nên nghĩ -đến -điều -không -thể -nghĩ (thinking
the unthinkable) đang đe dọa nhân loại ngay trong thế kỷ 21
NẠN
NHÂN HIROSHIMA
Ở Hiroshima, Little Boy đã
thiêu đốt tức khắc từ 70.000 đến 80.000 thường dân. 70.000 khác bị phỏng
nặng. Joseph Siracusa, trong tác phẩm Nuclear Weapons: A Very Short
Introduction (Vũ Khí Hạt Nhân: Một Nhập Môn Rất Vắn Tắt), đã viết: "Trong
một khoảnh khắc kinh hoàng, 60% thành phố Hiroshima ...đã bị tiêu hủy. Nhiệt
độ do vụ nổ bom gây ra được ước tính lên đến trên một triệu độ Celsius, khai
hỏa vùng không khí chung quanh thành một đám lửa khổng lồ với đường
kính 840 feet".
Ba ngày sau, Fat Man bùng
nổ ở độ cao 1.840 feet trên không phận Nagasaki, với sức mạnh 22.000 tấn
TNT. Theo mạng internet "Hiroshima and
Nagasaki Remembered" về vũ khí hạt
nhân dành cho giới trẻ và các nhà giáo dục, khoảng 286.000 cư dân
sống ở Nagasaki trước vụ tấn công; 74.000 bị thiệt mạng tức khắc và
75.000 bị thương nặng. Ngoài số
thương vong tức thì, hay ngay sau khi bom nổ, hàng chục nghìn người khác
cũng đã gục ngã vì các căn bệnh trực tiếp hoặc gián tiếp do phóng xạ trong
những tháng năm sau đó, kéo dài cho đến ngày nay
Trong một bài viết khi đang dạy môn toán tại Đại Học Tufts năm 1983,
Tadatoshi Akiba ước tính, vào năm 1950, 200.000 người đã thiệt mạng vì
bom (hạt nhân) nguyên tử ở Hiroshima, và 140.000 ở Nagasaki. Tiến sĩ Akiba
về sau đắc cử thị trưởng thành phố Hiroshima và đã trở thành một nhân vật
đấu tranh giải trừ vũ khí hạt nhân nổi tiếng.
NHỮNG HIBAKUSHA Ở HIROSHIMA


Một số may mắn sống sót , những
Hibakusha, có nghĩa là những
người đã bị nhiễm xạ vì hai quả bom ở Hiroshima và Nagasaki. Hầu hết những
ai trong hai thành phố đã thoát chết sau hai ngày kinh dị với
nhiệt độ
thiêu đốt, nếu nay còn sống, cũng đã 70 hay 80 tuổi, và họ vẫn tiếp tục kể
lại những câu chuyện kinh hoàng, hủy hoại, và vết thương cháy bỏng của chính
họ. Những lời kêu gọi hòa bình,
giải trừ vũ khí hạt nhân, hòa giải và đền bù khẩn
thiết của họ, thường không được lắng nghe trong môi trường văn hóa cá nhân
và duy vật, sống vội vả trong hiện tại, không nghĩ đến quá khứ, của người Mỹ.
Trong nhiều năm qua, một số người sống sót đã đến Hoa Kỳ
kể lại câu chuyện tổn thương vật chất và tinh thần
của mình, đòi hỏi mọi người không được quên và thế giới phải làm hết
cách để giải trừ vũ khí hạt nhân. Akihiro Takahashi nay đã 77
tuổi. Vào ngày 6-8-1945, lúc ấy ông, mới 14 tuổi, đang đứng sắp hàng với
các bạn cùng lớp, cách nơi Little Boy nổ khoảng chưa (tới) đầy một cây số.
Ông còn nhớ,
ông và các bạn đều bị quật ngã bởi tác động của bom.
Khi gượng đứng dậy,
ông cảm thấy đột nhiên thành phố Hiroshima đã biến mất. Ông nhìn lại chính
mình, áo quần rách nát, tơi tả vì sức nóng. Ông đã bị phỏng phía sau đầu,
sau lưng và cả tứ chi. Da rời khỏi xương thịt và tróc lở khắp mình mẩy.
Từ đó, ông đã phải vào bệnh viện
nhiều lần, mỗi lần trải nghiệm rất nhiều giờ
giải phẩu chỉnh hình. Ngay trong buổi
sáng 6- 8- 1945, trên đường về nhà - mặc dù
rất ít nhà còn sót lại trong thành phố đã bị san bằng - ông đã phải dừng lại
xuống sông Ota tìm cách giải nhiệt và giảm bớt đau nhức vì rát bỏng.
Dọc đường, ông đã gặp nhiều bạn bè bị thương.
Khi đang ngồi nghỉ vì kiệt sức,
ông chợt thấy ông chú bà cô (great uncle and
great aunt) đang đi
tới. Một sự tình cờ như chiêm bao! Người Nhật có câu cách ngôn gặp đức
Phật ở Địa Ngục. Ông nói, gặp lại bà con trong hoàn cảnh đó cũng tương
tự. Đối với tôi, họ giống như đức Phật đang lang thang nơi địa ngục. Đó chính là
câu Jigoku de hotoke ni au you, có nghĩa những bóng cây (oasis) giữa
sa mạc, một thứ quí hiếm đem
lại một cảm giác vô cùng an toàn và hưng phấn.
Ngày 6-8-1945, Hiroshima chẳng còn mấy chùm cây với bóng mát như thế. THÀNH
PHỐ NAGASAKI
Câu chuyện
của Akihiro Takahashi chỉ là một trong số hàng nghìn, và cũng chưa phải là
câu chuyện đau thương nhất. Thực vậy, khoảng 80.000 đến 140.000 câu chuyện
tương tự đã bị chôn vùi theo thân xác nạn nhân dưới đáy mồ. Cùng với các câu
chuyện được kể lại, còn có nhiều hình ảnh có thể giúp chúng ta tưởng tượng
được
điều-không-thể-tưởng-tượng. Yosuke
Yamahata, 28 tuổi,
đang làm việc cho Phòng Thông Tin Nhật (Japanese News Information
Bureau) trong tháng 8- 1945. Cùng với Eiji Yamaha, họa sĩ, và
Jun Higashi, nhà văn, Yosuke được quân đội gởi tới Nagasaki vài giờ
sau khi Fat Man tàn phá, với nhiệm vụ thu thập phim ảnh thành phố cần
thiết cho nhu cầu tuyên truyền quân sự. Xe lửa đến
ngoại ô thành phố vào nửa đêm. Yamahata đã mô tả hiện trường như sau:
"Tôi nhớ rất rõ không khí về đêm giá lạnh và bầu trời đẹp đầy sao... Một
luồng gió ấm bắt đầu thổi. Xa xa đây đó tôi thấy nhiều đóm lửa âm ỉ .
Nagasaki đã bị tàn phá hoàn toàn".
Rạng đông
hôm sau, Yamaha đã tới được trung tâm của
thành-phố-không-còn-là-thành-phố.
Trong suốt ngày ông ta lần bước trở lui, chụp nhiều cảnh tượng máu lửa
và điêu tàn cho đến khi về đến ga xe lửa. Ngày đó, Yamahata đã chớp được
tất cả 119 tấm hình, ghi lại những hình ảnh hãi hùng sau trận bom nguyên tử. Trong hầu
hết các bức hình, đâu đâu cũng thấy xác người, thân thể thiêu rụi thành than, tay
chân tách rời thể xác, đồ gia dụng ngổn ngang, gạch, gỗ đổ nát, rác rưới,
tro bụi... Khắp nơi trong thành phố, nạn nhân kêu la, van xin nước uống hoặc
giúp đỡ tìm kiếm người thân chôn vùi dưới
gạch ngói đổ
nát. Cảnh
tượng thật hãi hùng, không thể tha thứ. Trở về Tokyo, lợi dụng tình trạng
hỗn loạn Nhật đầu hàng Mỹ, Yamahata đã quyết định giữ lại mọi phim ảnh thay
vì giao nộp cho cấp chỉ huy. Một số hình
ảnh nầy đã được báo chí Nhật đăng tải vào cuối tháng 8-1945, trước khi quân
Mỹ đến và bắt đầu thời kỳ chiếm đóng. Tháng 10-1945, nhà cầm quyền chiếm
đóng áp đặt lệnh cấm chụp hình các nơi bom nguyên tử tàn phá, cấm xuất bản
hay phổ biến các bài viết và hình ảnh liên hệ đến Hiroshima và Nagasaki sau
ngày bị bỏ bom. Phải đợi đến 1952, sau khi Nhật được trao trả độc lập, tạp
chí Life Magazine mới xuất bản một số hình ảnh Nagasaki của Yamahata. Cùng
lúc, hầu hết các hình ảnh nầy đã được xuất bản ở Nhật dưới nhan đề
"Nagasaki San Bằng Vì Bom Nguyên Tử: Không Tạc Nagasaki, Một Chứng Tích
Hình Ảnh" (Atomized Nagasaki: The Bombing of Nagasaki, A Photographic
Record). Sách còn có các phác họa của Eiji Yamada và bài bình giải của
Jun Higashi, hai bạn đồng hành của Yamahata ngày đó.
 
  Trong phần
nhập đề, Yamahata đã viết:" ký ức con người có khuynh hướng dần dần quên
lãng và xét đoán thẩm định chóng phai mờ với năm tháng trôi qua và những đổi
thay trong lối sống và hoàn cảnh... Những hình ảnh nầy sẽ tiếp tục cung cấp
cho chúng ta một chứng tích không thay đổi về thực tại của thời điểm đó".
HIROSHIMA VÀ NAGASAKI NGÀY NAY
Sáu mươi
bốn năm sau, chúng ta cần một cái gì ngoài những biểu tượng hòa bình đơn
thuần. Ký ức về sự tàn phá đã phai mờ, các hibakusha đã ngày một già
nua và lần lượt vĩnh viễn ra đi, những tác phẩm chứa đựng những hình ảnh đau
thương đã sờn gáy, và bị lãng quên trên các kệ sách. Trong khi đó, đe dọa
chiến tranh nguyên tử vẫn rình rập. Chín cường quốc nguyên tử - Hoa Kỳ, Nga,
Pháp, Anh, Trung quốc, Israel, Pakistan, India, và Bắc Triều Tiên - tích lũy
hơn 27.000 vũ khí nguyên tử sẵn sàng ứng chiến, một kho vũ khí đủ sức tiêu hủy
một vài hành tinh cùng cỡ với địa cầu. Tháng 5-2009, Mohamed ElBaradei,
Tổng Giám Đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) cảnh cáo: số
cường quốc nguyên tử có thể lên gấp đôi trong vài năm tới trừ phi
việc thương thảo các biện pháp giải trừ vũ khí hạt nhân mới được dành ưu
tiên. Vì vậy, không
có gì đáng ngạc nhiên khi, theo một cuộc thăm dò dư luận Rasmussen gần đây,
một trong năm người Mỹ tin chiến tranh hạt nhân "rất
có thể" (very likely) sẽ xẩy ra trong thế kỷ 21, và hơn 50% tin là "có
thể" (likely). Điều nầy
không mấy nghĩa lý so với các chiến lược gia hàng đầu của Mỹ - những người,
theo tài liệu mật của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đầu thập kỷ 1950s, đã dự
đoán một tai họa khả dĩ: 100 bom nguyên tử rơi xuống các mục tiêu ở Hoa
Kỳ có thể giết hại hay gây thương tích cho 22 triệu người Mỹ ; và một cuộc
tấn công của Hoa Kỳ có thể tiêu hủy trọn vẹn Liên Bang Xô Viết. Vẫn chưa
mấy quan trọng bên cạnh kế hoạch của giới lãnh đạo quân sự Mỹ trong thập kỷ
1960s. Theo tài
liệu đã được giải mật
Kế Hoạch Hành Động Hội Nhập
Thống Nhất (Single Integrated Operational Plan-SIOP) của Văn Khố
An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, ngày nay chúng ta được biết, cách đây hơn 40 năm,
bộ tư lệnh quân sự tối cao Hoa Kỳ đã soạn thảo và đã được cấp lãnh đạo dân
sự chấp thuận kế hoạch tấn công phủ đầu (first strike), nhằm phóng trên
3.200 đầu đạn nguyên tử đến 1.060 mục tiêu trong các nước thuộc khối cộng
sản. Theo con số chính thức, nếu được thực hiện, ít ra 130 thành phố bị tiêu
hủy, 285 triệu tử vong, 40 triệu người bị thương - và vài chuyên gia quân sự còn lo ngại những hậu quả thương
vong lớn lao do phóng xạ ngay trên đất Mỹ. Trong một thế giới đầy những bí
ẩn đế quốc, một cuộc tấn công như vậy có nghĩa: không phải vì lẽ sống còn
mà vì tham vọng bá chủ. Trong thực tế, cho đến nay chúng ta luôn
chung sống với một SIOP như vậy. Sức tàn phá của SIOP hiện nay
kinh hoàng như thế nào vẫn còn là một bí mật tuyệt đối. Sự ám ảnh với thế
lực nguyên tử của giới lãnh đạo quân sự và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ
đã trở thành một ác mộng của nhân loại
nói chung và người Mỹ nói riêng. Người Nhật
ở Hiroshima và Nagasaki là những nạn nhân đầu tiên đã thực sự trải nghiệm
sức hủy diệt của vũ khí nguyên tử. Ám ảnh của
người Mỹ đã lên đỉnh điểm khi T T Kennedy lên truyền hình ngày 22-10-1962
thông báo: các giàn hỏa tiển nguyên tử của Nga ở Cuba trong tình trạng
sẵn sàng ứng chiến, với khả năng tấn công
Tây Bán Cầu. Người Mỹ lúc đó tưởng tượng và âu lo một cuộc
chạm trán nguyên tử có thể gây thương
vong, đổ nát nhiều nơi trên đất Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù kho tàng nguyên tử của
hai siêu cường ngày một gia tăng, nổi lo sợ đã bắt đầu giảm bớt khi cuộc
khủng hoảng tên lữa Cuba được giải tỏa, cũng như các cuộc thử nghiệm được
giới hạn dưới lòng đất với Thỏa Ước Cấm Thử Nghiệm Nguyên Tử (Nuclear Test
Ban Treaty) được ký kết năm 1963.
Trong thực tế, "điều-không-thể-nghĩ-đến"
vẫn luôn được cứu xét - ngay cả khi chính quyền Obama đã có những bước đầu
đúng hướng. Trong bài nói chuyện ở Prague, T T Obama đã công khai chọn theo
đuổi mục tiêu tìm kiếm hòa bình và an ninh cho một
thế giới phi nguyên tử. Sau đó, chính
quyền ông đã bắt đầu thực hiện vài bước tiến, khiêm tốn nhưng quan trọng,
hướng tới mục tiêu nầy: đàm phán trở lại việc
giảm bớt số lượng vũ khí hạt nhân với Nga; thảo luận với Thượng Viện
khả năng phê chuẩn Thỏa Ước Cấm Mọi Thử Nghiệm (Comprehensive Test Ban)
bị bỏ quên từ 10 năm nay; và tiếp tục thảo luận Thỏa Ước Giới Hạn
Làm Giàu Nguyên Liệu Năng Lượng ( Fissile Material Cutoff Treaty) cũng
bị đóng băng trước đây, như một hình thức cấm sản xuất các vật liệu nguyên
tử dùng làm vũ khí dưới quyền kiểm soát quốc tế.
Tuy nhiên, ngày nay, kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ - ít khi được nhắc đến
hay thảo luận - vẫn hùng hậu đáng kinh hãi. Theo Bản Tin Các Khoa Học Gia Nguyên
Tử (Bulletin of the Atomic Scientists), Hoa Kỳ vẫn còn duy trì một kho
vũ khí khoảng 5.200 đầu đạn, 2.700 trong số nầy đang được vận dụng, số còn
lại trong trạng thái dự bị; và chỉ trong năm 2009, chính quyền Obama đã dành
một ngân khoản 6 tỉ cho chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí nguyên
tử mới. Qua năm
2010, chính quyền Obama sẽ hoàn tất dự án Tái Xét Vị Trí Vũ Khí Hạt nhân
(Nuclear Posture Review - NPR) định rõ vai trò vũ khí hạt nhân trong hệ
thống quyền lực Hoa Kỳ. Nếu T T Obama quyết tâm theo đuổi mục tiêu chống vũ
khí hạt nhân, có lẽ tài liệu NPR ít ra sẽ khởi đầu với việc hạn chế số
trạng huống có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong lúc
chờ đợi, chính sách của Hoa Kỳ vẫn không có gì thay đổi kể từ 2004, khi Bộ
Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld ký duyệt Chính Sách Sử Dụng Vũ Khí
Nguyên Tử (Nuclear Weapons Employment Policy). Theo chính sách hiện
hành, Hoa Kỳ sở hữu vũ khí
hạt nhân với mục đích " tiêu
diệt mọi thiết bị và khả năng thiết yếu gây chiến và hỗ trợ chiến tranh mà
một lãnh đạo thù nghịch tiềm ẩn đánh giá cao nhất và có thể sử dụng để thành
đạt các mục tiêu trong thế giới thời hậu chiến .
Với chính sách nầy, chúng ta có thể tự hỏi liệu còn có xứ nào
trên thế giới có thể an toàn
trước sự đe dọa thường trực của Mỹ? Đừng quên
hai quả bom san bằng hai thành phố Nhật và giết hại bao nhiêu sinh linh cách
đây 64 năm chẳng nghĩa lý gì so với vũ khí nguyên tử hiện nay. Little Boy
chỉ là một đầu đạn 15 kilotons. Phần lớn các đầu đạn nguyên tử hiện
nay của Mỹ - 100 hay 300 kilotons - đủ khả năng san bằng không phải
chỉ một thành phố Nhật năm 1945 mà cả một đại đô thị hiện đại. Vài năm trước
đây, Bruce Blair, chủ tịch Viện An Ninh Quốc Tế (World Security
Institute) và nguyên sĩ quan chịu trách nhiệm kiểm soát việc phóng các
Hỏa Tiễn Liên Lục Địa Minutemen, được trang bị các đầu đạn 170, 300, và
335 kilotons, đã nêu rõ: trong vòng 12 tiếng đồng hồ, Mỹ và Nga có thể
cùng lúc phóng tới 100.000 bom cỡ Hiroshima. Thật không
ai có thể nghĩ tới, không ai có thể tưởng tượng! Nhưng đó là một sự thật điên
cuồng, bất nhân và đáng kinh tởm. Người dân Hiroshima và Nagasaki cũng như
mọi người trên thế giới và các thế hệ mai sau của nhân loại có quyền đòi
hỏi các cấp lãnh đạo các cường quốc nguyên tử phải hiểu rõ thảm họa hạt nhân
đang rình rập và phải hành động trước khi quá muộn. Từ tháng 3 đến tháng
8- 1945, Tướng Curtis LeMay ra lệnh oanh tạc Tokyo và 64 thành phố khác, sát
hại hàng trăm nghìn thường dân. Nhưng theo cách tính kỳ quặc thời chiến, có
người cho LeMay đã giúp ngăn ngừa khoảng một
triệu thương vong về phía Hoa Kỳ và hơn hai triệu người Nhật, qua
việc dồn ép Nhật Hoàng Hirohito phải đầu
hàng trước khi kế hoạch xâm chiếm các đảo quốc diễn ra. Vào thời điểm đó,
không ai biết chắc kết quả của dự án Manhattan
Project, vì phải đợi đến 16-7-1945 mới có cuộc thử nghiệm nguyên
tử thành công đầu tiên. Hành động của LeMay đã chấm dứt cuộc chiến và tránh
được nhiều thương vong, nhưng theo chuẩn mực hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu
lịch sử đã xem ông như một tội phạm chiến tranh, như chính ông đã có
lần tự thú nhận.

Hirohito ngồi trên súng đại bác
Phỏng đoán
cho rằng nhiều người đã được cứu mạng nhờ hành động thiêu sống hàng trăm
nghìn thường dân chỉ là một giả tưởng. Cái chết tức tưởi, kinh hoàng của
hàng trăm ngàn nạn nhân là một sự kiện thực tế. Không bao giờ có trường hợp
một tên khủng bố lại không tin động cơ gây tội ác của mình là một lý tưởng
cao cả. Chính sự hợp lý hóa việc sát hại hàng loạt tự nó đã là một trọng tội
vì đã tìm cách đem lại một cơ sở ý thức biện minh cho những tội ác kinh tởm
trong tương lai. Vả chăng,
trong phim tài liệu của đạo diễn ễn Errol Morris năm 2003 "The Fog of
War : Eleven Lessons from the Life of Robert S. McNamara" (Sương Khói Chiến
Tranh: 11 Bài Học từ Cuộc Đời của Robert S. McNamara), McNamara đã mô tả
chiến dịch oanh tạc các thành phố Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến. Lúc đó, ông
chỉ giữ vai trò phụ trong các cuộc tấn công - phân tích thống kê cho Tướng
Curtis E. LeMay, không lực của Bộ Binh. McNamara nhớ lại: "Chúng
ta đã thiêu sống 100.000 thường dân Nhật ở Tokyo - đàn ông, đàn bà, trẻ con;
tất cả lối 900.000 thường dân thương vong. LeMay nói, 'nếu chúng ta thất
trận, tất cả chúng ta đều đã bị truy tố như những tội phạm chiến tranh'. Và
tôi nghĩ ông ta nói đúng. Ông ta - và tôi nói cả tôi - đều đã hành động như
những tội phạm chiến tranh". "Điều gì
làm cho chiến tranh vô luân nếu ta thua và không vô luân nếu ta thắng?"
ông tự hỏi. Và ông đã không tìm được câu trả lời. Trong mọi
trường hợp, theo nhiều sử gia, sử dụng Little Boy và Fat Man
san bằng Hiroshima và Nagazaki không hề có tác dụng rút ngắn Đệ Nhị Thế
Chiến. Nhật Hoàng Hirohito đã bắt đầu thương thuyết các điều kiện đầu hàng ngay sau
đợt B-29's oanh tạc tàn sát 100.000 thường dân Nhật ở Tokyo. Phô trương
sức mạnh của loại vũ khí mới chỉ Mỹ mới có, và hiệu quả răn đe của nó đối
với khối Cộng Sản do Nga Sô lãnh đạo
- lúc đó
đang bành trướng thế lực ở Đông Âu và lục địa Trung Hoa - có lẽ là lý do có tính thuyết phục hơn nhiều. Và
đây cũng có thể là hành động mở đầu kỷ nguyên chiến tranh phòng ngừa của một
siêu cường đang lên! Và đây cũng có thể là một tội phạm chiến tranh không
hơn không kém.
©GS
Nguyễn Trường
12-8-2009
|