Danh vọng, tội lỗi, sám hối - Cuộc đời của Robert S. McNamara
![](images/McNamara-Robert.jpg)
Robert McNamara,
nhà phân tích hệ thống và bộ trưởng quốc phòng, đã
từ trần hôm 6-7-2009 tại Hoa Thịnh Đốn, ở tuổi 93.
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ
NGHIỆP
Robert Strange
McNamara - Strange là tên mẹ khi còn độc thân - sinh
ngày 9-6-1916, ở San Francisco, con của ông bà
Robert và Clara Nell McNamara.
Năm 1937, McNamara
tốt nghiệp cử nhân kinh tế, hạng danh dự, tại
University of California, Berkeley, nơi ông còn học
cả triết lý. Sau hai năm học ở Harvard Business
School, ông làm việc một năm với Price,
Waterhouse & Company, một công ty kế toán. Ông
trở về Harvard năm 1940 với chức vụ phó giáo sư quản
trị kinh doanh.
Cùng năm, ông thành
lập gia đình với người tình thời sinh viên,
Margaret Craig. Bà Craig là người sáng lập
chương trình Reading Is Fundamental (Đọc Là Căn
Bản) cho trẻ em, trong thời McNamara làm bộ
trưởng quốc phòng. Vào thời điểm bà mất năm 1981,
chương trình đã phục vụ trên 3 triệu trẻ em.
![](images/mcnamara-giap.jpg)
McNamara
đến Hà Nội
năm 1995 để gặp Đại tướng Võ
Nguyên Giáp
Ông tục huyền với
Diana Masieri Byfield năm 2004 ở San Francisco.
Ngoài vợ, ông còn để lại con trai, Robert Craig,
ở Winters, California; hai con gái, Margaret
Elizabeth Pastor và Kathleen McNamara, cả hai
đang ở Washington, và sáu cháu.
Trong Thế Chiến II,
McNamara dạy phương pháp thống kê cho các sĩ quan
trẻ không quân, nhằm điều hợp chiến tranh trên không
ở Âu châu, như tính xem bao nhiêu phi cơ có thể cất
cánh mỗi ngày trên các chiến trường. Ông đang phục
vụ ở Anh, rồi Ấn Độ, với cấp bậc trung tá, khi chiến
tranh chấm dứt năm 1945.
Sau chiến tranh, cả
hai vợ chồng đều bị polio. Ông phải nằm viện
vài tháng, vợ ông, nặng hơn, phải chữa trị mất 9
tháng. Với đồng lương dạy học ở Harvard không đủ trả
bệnh viện phí, ông phải nhận làm việc cho Ford Motor
Company. Ông và chín nhân viên chuyên về thống kê
không chiến, tất cả đều dưới tuổi 30, đã được Henry
Ford II tuyển dụng và trao trách nhiệm tổ chức lại
công ty đang bị quản lý lệch lạc. McNamara muốn có
những cộng sự viên trẻ như ông, vì nhân viên công
ty toàn là những vị quản lý tuổi đã già thuộc bậc
cha, ông.
Trong vòng tám tháng
sau ngày ông nhận việc, Công ty bị thua lỗ 85 triệu,
tương đương với khoảng 925 triệu hiện nay. Nhưng
McNamara và đội ngũ trẻ tuổi của ông đã đảo ngược
được tình thế. Ông thăng tiến rất nhanh - kế toán
trưởng, tổng quản lý, rồi phó chủ tịch phụ trách tất
cả các cơ xưởng sản xuất xe du lịch và xe vận tải.
Tháng 11-1960, một
ngày sau khi Kennedy đắc cử, McNamara được đưa lên
làm chủ tịch công ty, nhân vật số hai sau Ford đang
giữ chức chủ tịch tổng quản trị. Năm tuần lễ sau,
ông được mời làm bộ trưởng quốc phòng.
McNamara, một bộ
trưởng quốc phòng trí thức và quyết đoán, đã đưa Hoa
Kỳ vào vũng lầy Việt Nam và đã sống những năm tháng
cuối đời, ám ảnh bởi những hậu quả tinh thần và đạo
đức của cuộc chiến.
Ông cũng là vị bộ
trưởng quốc phòng nhiều quyền lực nhất trong thế kỷ
20. Phục vụ dưới thời hai tổng thống John F. Kennedy
và Lyndon B. Johnson từ 1961 đến 1968, McNamara đã
điều hợp hàng trăm phái bộ quân sự, hàng nghìn khí
giới nguyên tử, hàng tỉ USD chi tiêu quốc phòng và
bán vũ khí cho nước ngoài. Ông cũng mở rộng và tăng
cường vai trò bộ trưởng quốc phòng, xử lý ngoại
giao, và điều động quân đội xuống miền Nam nước Mỹ
thực thi các quyền dân sự.
Theo lời T T
Johnson, không ai có sức chịu đựng như McNamara. Ông
luôn làm việc hăng say và quá hoàn hảo.
Ngay từ tháng 4-
1964, Nghị sĩ Wayne Morse, dân chủ bang
Oregon, đã gọi Việt Nam là "Cuộc Chiến McNamara".
McNamara đã không phản đối. Ông nói, tôi rất vui
khi được đồng hóa với cuộc chiến và sẽ làm tất cả
những gì có thể để chiến thắng.
Nửa triệu lính Mỹ đã
được ông gửi ra chiến trường dưới thời ông làm bộ
trưởng quốc phòng. Hơn 16.000 thương vong; 42.000
gục ngã trong vòng 7 năm sau đó.
Cuộc chiến đã trở
thành một ác mộng đối với cá nhân ông. Không có gì
ông làm, phương tiện gì ông sử dụng - sức mạnh của
vũ khí, của kỷ thuật, của lý luận khoa học, của binh
sĩ - có thể chận đứng quân Bắc Việt và đồng minh
Việt Cộng của họ ở miền Nam. Ngay trước khi rời Ngũ
Giác Đài, ông đã đi đến kết luận cuộc chiến hoàn
toàn vô ích và vô nghĩa, nhưng ông đã không hề chia
sẻ cái nhìn của người trong cuộc với quần chúng, mãi
cho đến những năm gần cuối đời.
Năm 1995, ông công
khai chối bỏ các biện minh của chính ông về cuộc
chiến, và, trong một hồi ký, đã thú nhận đã rất
sai lầm, đã sai lầm kinh khủng. Để đổi lại, ông
đã phải đương đầu với bảo tố công luận của người Mỹ.
Howell Raines,
trưởng ban biên tập báo New York Times, trong
một bài bình luận, đã viết: " McNamara chắc chắn
không tránh được sự lên án về đạo đức dài lâu của
đồng bào ông. Chắc chắn trong những lúc bình lặng và
thoải mái, ông đã phải nghe những tiếng thì thầm bất
tận của những trai trẻ đáng thương trong bộ binh,
chết giữa các bãi lau sậy, trung đội nầy đến trung
đội khác, một cách vô ích. Những gì ông đã lấy mất
của họ không thể bù đắp bằng lời xin lỗi trên truyền
hình giờ cao điểm và những dòng nước mắt vô vị ba
thập kỷ sau".
Từ đó, ông luôn mang
vẻ mặt một người bị ám ảnh. Người ta thường bắt gặp
ông trên đường phố Hoa Thịnh Đốn - đầu cúi thấp, tà
áo sơ mi phất phơ trước gió - lui tới văn phòng chỉ
cách Tòa Bạch Ốc vài blocks, đi giày thể dục
sờn rách, mắt nhìn thơ thẩn xa xôi...
McNamara đã ngẩm
nghĩ về những bài học của cuộc chiến trong nhiều
thập kỷ. Như ông đã giải thích trong phim tài liệu
của đạo diễn Errol Morris năm 2003"The Fog
of War : Eleven Lessons from the Life of Robert S.
McNamara" (Sương Khói Chiến Tranh: 11 Bài Học từ
Cuộc Đời của Robert S. McNamara):"Chúng ta phải đặt
mình vào địa vị của kẻ đối nghịch và nhìn lại chính
mình qua nhãn quan của họ".
Nguyên nhân thất bại của Mỹ ở Việt Nam là đã nhìn kẻ
thù qua lăng kính chiến tranh lạnh - một domino,
nếu sụp đổ, sẽ lôi kéo theo sự sụp đổ của các quốc
gia Á châu.
Trong phim, McNamara
đã mô tả chiến dịch oanh tạc các thành phố Nhật
trong Đệ Nhị Thế Chiến. Lúc đó, ông chỉ giữ vai trò
phụ trong các cuộc tấn công - phân tích thống kê
cho Tướng Curtis E. LeMay, không lực của Bộ
Binh.
McNamara nhớ lại:
"Chúng ta đã thiêu sống 100.000 thường dân Nhật ở
Tokyo - đàn ông, đàn bà, trẻ con; tất cả lối 900.000
thường dân thương vong. LeMay nói, 'nếu chúng ta
thất trận, tất cả chúng ta đều đã bị truy tố như
những tội phạm chiến tranh'. Và tôi nghĩ ông ta nói
đúng. Ông ta - và tôi nói cả tôi - đều đã ứng xử như
những tội phạm chiến tranh".
"Điều gì làm cho
chiến tranh vô luân nếu ta thua và không vô luân nếu
ta thắng?"
ông tự hỏi. Và ông đã không tìm được câu trả lời.
TỪ DETROIT ĐẾN HOA
THỊNH ĐỐN
Định lượng hóa -
quantification - là từ Robert McNamara ưa thích.
Con số có thể diễn tả hầu hết các sinh hoạt của con
người. Đã hẳn, ngoại trừ sắc đẹp, danh dự và tình
yêu. Với bốn bước, McNamara có thể thay đổi tư duy
của bất cứ tổ chức nào, kể cả Ngũ Giác Đài: nêu
rõ mục tiêu; vạch kế hoạch đạt mục tiêu; tính mọi
phí tổn; theo dỏi và kiểm soát từng bước tiến của kế
hoạch.
Mười một bài học đã
được ông rút tỉa từ cuộc chiến Việt Nam - những bài
học đã đến với ông quá muộn.
McNamara nói: cái
gì có thể đếm, anh phải đếm.Tại công ty Ford
Motor, năm 1946, ông là một trong nhóm "10 người
trẻ xuất chúng"
được giao
nhiệm vụ cải tổ toàn diện công ty. Tại đây, tất cả
các bộ phận của mỗi xe Chevy mới được bày lên
bàn để khám xét, phân tích. Mục tiêu là để lượng
định tính cạnh tranh.
Tại Sở Kiểm Soát
Thống Kê của Không Quân, nơi McNamara làm việc trong
những năm 1943-45, ông tính số phi vụ oanh kích của
B-29s, ở cao độ nào, bách phân thả đúng mục tiêu
(58% ở Yokohama, 51% ở Tokyo). Tập hợp hệ thống
và dữ kiện đã giúp chiến thắng.
Ở Pentagon, năm
1965, cũng cùng một phương pháp - bách phân đúng mục
tiêu, số tù binh bắt giữ, số vũ khí thu góp, số tử
vong của địch - ông có thể cho biết một cách chắc
chắn người Mỹ đang thua.
Đồng minh Nam Việt
Nam không mấy quan tâm đến con số; vì vậy, McNamara
rất căm giận. Việt Cộng quý từng mạng sống. Sau chiến
dịch bỏ bom trải thảm năm 1965, McNamara đã biết rõ
Việt Cộng vẫn tiếp tục vận chuyển 200 tấn vật liệu
mỗi ngày dọc đường mòn Hồ Chí Minh, và phân phối
hàng trăm thùng 55 gallons xăng dầu đến mỗi
kho bí mật trên toàn miền Nam.
Tầm quan trọng của
những chương trình nông thôn bé nhỏ đối với sự lành
mạnh của mỗi quốc gia đã để lại nơi ông nhiều ấn
tượng. Khi cầm đầu Ngân Hàng Thế Giới -WB, ông đã
chuyển hướng trọng tâm và khả năng tài chánh vào các
chương trình phát triển nông thôn.
Ý niệm chiến bại
hình như không thể đến với người Hoa Kỳ khi McNamara
mới đến Ngũ Giác Đài tháng giêng năm 1961 nhận trách
nhiệm bộ trưởng quốc phòng thứ tám. Ông mới 44 tuổi
và đã được chọn làm chủ tịch Ford Motor Company chỉ
10 tuần trước đó. Về sau, ông đã nói nửa đùa nửa
thực, khi mới tới Hoa Thịnh Đốn, ông hầu như không
thể phân biệt một đầu đạn nguyên tử với một xe
station wagon.
![](images/McNamara_and_Kennedy.jpg)
Với Tổng thống Kennedy
"Thưa Tổng Thống,
thật là phi lý; tôi không đủ tư cách",
McNamara nhớ đã phản đối khi được yêu cầu phục vụ
trong tư cách bộ trưởng quốc phòng. Kennedy trả lời,
"Nầy Bob, tôi cũng không nghĩ có một trường đào
tạo tổng thống".
Kennedy gọi McNamara
là người xuất chúng nhất ông đã gặp. McNamara đã
nổi tiếng với kỹ năng tuyệt đỉnh về phân tích hệ
thống, tối cần cho các định chế khổng lồ - đảm
trách một vấn đề trọng đại, nghiên cứu mọi khía
cạnh, tìm ra cái giản dị trong cái phức tạp.
Sứ mệnh đầu tiên của
ông là giải quyết bí ẩn chênh lệch về tên lửa.
Trong cuộc vận động bầu cử tổng thống măm 1960,
Kennedy lập luận kho tàng nguyên tử chiến lược của
Mỹ không hùng hậu bằng Liên Bang Xô Viết, và hố cách
biệt ngày một gia tăng. Tổng Thống tiền nhiệm,
Dwight D. EIsenhower, trong diễn văn Tình Trạng Liên
Bang cuối cùng, ngày 12-01-1961, đã gọi hố cách biệt
về hỏa tiễn là điều hư cấu.
McNamara nhận nhiệm
vụ chín ngày sau đó. Ông nhớ lại "trách nhiệm đầu
tiên của tôi trong cương vị bộ trưởng quốc phòng là
lượng định trình độ chênh lệch và khởi động quá
trình san bằng sự cách biệt".
Không lâu, như ông
tuyên bố sau đó với nhà sử học ở University of
California, Berkeley (alma mater của McNamara):
"Tôi đã mất 3 tuần lễ để lượng định. Vâng, có sự
sai biệt. Nhưng sai biệt thuận lợi cho chúng ta. Sự
quy trách nhiệm cho T T Eisenhower đã cho phép người
Soviets khai triển một lực lượng hỏa tiễn hùng hậu
hơn là hoàn toàn sai lầm".
Đó là vì thiếu tin
tức tình báo chính xác; việc ước tính sai lạc các
lực lượng của Nga Sô chỉ là sản phẩm của chính
trị và đoán mò (guesswork).
Vào cuối năm 1961,
các vệ tinh tình báo mới của Mỹ đã cho thấy người
Soviets chỉ có 10 giàn phóng có thể phóng hỏa tiễn
đến Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ có khả năng phóng tới
hơn 3.200 vũ khí nguyên tử.
Cùng lúc, McNamara
đã kẹt vào các kế hoạch xâm lăng Bay of Pigs.
Khoảng 1.500 chiến binh gốc Cuba, được CIA huấn
luyện và trang bị, đã thảm bại trong cuộc chạm trán
đẫm máu với lực lượng của Fidel Castro trong tháng
4-1961. McNamara không mấy tin nhân viên CIA gốc
Cuba có thể lật đổ Castro, mới lên cầm quyền từ năm
1959, nhưng ông chỉ xem qua rồi cho phép tiến hành
kế hoạch - đã được soạn thảo dưới thời Eisenhower.
![](images/fidel_castro.jpg)
Fidel Castro
Chỉ thị đầu tiên của
T T Kennedy cho McNamara ngay sau khi kế hoạch đổ vỡ
là khai triển một kế hoạch mới nhằm lật đổ chính
quyền Castro với quân lực Mỹ. Mười ngày sau,
McNamara đã đệ trình một kế hoạch sử dụng 60.000
quân Mỹ , chưa kể hải và không quân. Kế hoạch sau đó
không được hoàn thành.
Theo hồ sơ chính
thức, The Foreign Relations of the United States
(Quan Hệ Ngoại Giao của Hoa Kỳ), McNamara
đã nói với Bộ Tham Mưu Liên Quân: bài học của tai
họa Bay of Pigs là "chính quyền không bao giờ nên
khởi xướng bất cứ điều gì trừ phi có thể hoàn tất,
hay chính quyền phải sẵn sàng đương đầu với hậu quả
của thất bại".
Trong phiên họp tại
Tòa Bạch Ốc ngày 3-11-1961, Kennedy đã cho phép soạn
thảo một chương trình, mang mật hiệu Operation
Mongoose, nhằm bí mật phá hoại chính quyền
Castro. Tài liệu ghi tay buổi họp của Bộ trưởng Tư
pháp Robert F. Kennedy xác nhận McNamara đã
được giao nhiệm vụ điều tra và tìm phương cách khuấy
động tình hình trên hải đảo Cuba với tình báo, phá
hoại, và gây bất ổn. Chiến dịch nầy cũng thất bại.
Năm 1962, Tòa Bạch
Ốc và Ngũ Giác Đài đã thiết kế một chiến lược mới
chống dấy loạn nhằm đối phó với điều McNamara gọi là
chiến thuật khủng bố, sách nhiểu và ám sát của du
kích cộng sản. Chiến lược nầy đã đưa đến sự hình
thành các lực lượng đặc biệt, như đội biệt
kích Green Berets và các cuộc hành quân bán
quân sự bí mật ở khắp Á châu và Mỹ La-Tinh.
Theo Robert Amory,
phó giám đốc CIA trước 1962, nguyên quan chức phụ
trách ngân sách các chương trình mật tại Bạch Ốc,
về sau "chương trình chống dấy loạn đã trở thành
một khẩu hiệu chiến đấu gần như lố lăng".
Trong khi Hoa Kỳ đe
dọa La Havana, Liên Sô khởi sự gửi tên lửa với đầu
đạn nguyên tử đến Cuba, tái lập thế cân bằng lực
lượng với Hoa Kỳ đã có căn cứ hỏa tiễn ở Turkey, sát
biên giới Sô Viết.
Vào cao điểm của
cuộc khủng hoảng tên lửa, ngày 27-10-1962, Bộ Tham
Mưu Liên Quân khuyến cáo tấn công Cuba trong vòng 36
tiếng đồng hồ. Hệ thống ghi âm mật tại Bạch Ốc, do
Kennedy thiết kế, ghi lại lời McNamara trình bày
viễn tượng chiến tranh. McNamara nói, "kế hoạch
quân sự trong căn bản là một cuộc ngoại xâm. Khi
chúng ta tấn công Cuba, chúng ta sẽ phải dốc toàn
lực tấn công".
Ông nói tiếp, "Liên Xô có thể, và, tôi nghĩ có lẽ
sẽ, tấn công căn cứ hỏa tiễn ở Turkey".
Và ông nói, Hoa Kỳ lúc đó sẽ phải tấn công các tàu
chiến hay căn cứ Sô Viết ở Hắc Hải. Xác suất một
cuộc leo thang thoát khỏi tầm kiểm soát là rất cao.
"Và tôi có thể nói điều nầy quá sức nguy hiểm.
Giờ đây, tôi không chắc chúng ta có thể tránh một sự
thể như thế nếu chúng ta tấn công Cuba. Nhưng tôi
nghĩ chúng ta phải hết sức cố gắng tránh sự thể đó.
Và một phương cách để tránh là gỡ ngòi nổ hỏa tiễn ở
Turkey trước khi tấn công Cuba".
Ý kiến của McNamara
- một thỏa hiệp bí mật theo đó Kennedy chịu rút
hỏa tiễn của Mỹ khỏi Turkey nếu Khruschev đồng ý gở
bỏ các đầu đạn nguyên tử của Nga ở Cuba - đã
giúp giải quyết cuộc khủng hoảng. "Cuối cùng,
chúng tôi may mắn thoát nạn - chính sự may mắn đã
giúp tránh được chiến tranh nguyên tử",
McNamara đã nói như thế trong phim tài liệu "The
Fog of War" 40 năm sau.Trong cương vị bộ trưởng
quốc phòng, McNamara đã dành rất nhiều thì giờ tìm
cách điều chỉnh các kế hoạch chiến tranh nguyên tử,
biến cải chiến-lược-dựng-tóc-gáy,
được-ăn-cả-ngã-về-không thành một chuổi các lựa chọn
mang tính hạn chế
.
Nguyên tắc căn bản để ngăn ngừa chiến tranh nguyên
tử đã được biết dưới tên gọi chính sách
bảo-đảm-tận-diệt-lẫn-nhau,
có nghĩa
- cả Hoa Thịnh Đốn lẫn Mạc Tư Khoa đều hiểu rõ có
thể tận diệt phía đối nghịch dù phía nào tấn công
trước.
Sau khi hưu trí,
McNamara lập luận, họach định chiến tranh nguyên tử
là việc làm vô nghĩa. Ông viết: "Vũ khí nguyên tử
chẳng ích lợi gì cho mục tiêu quân sự. Chúng hoàn
toàn vô ích - ngoại trừ chỉ để ngăn ngừa đối phương
sử dụng chúng".
McNamara đã tiến đến
gần kết luận vừa nói sau cuộc khủng hoảng tên lửa
Cuba. Ngày 14-12-1962, trong bài nói chuyện trước
các bộ trưởng ngoại giao NATO ở Paris, ông nói:
"Trong các cuộc chiến trước khi có vũ khí nguyên tử,
thiệt hại có thể cứu chữa và chiến thắng có thể đạt
được. Nhưng sau sự đụng độ nguyên tử toàn bộ, như
khối Sô Viết và liên minh NATO ngày nay có thể thực
hiện, số tử vong có thể vượt quá 150 triệu. Sự
tàn phá sẽ toàn diện và chiến thắng là một từ vô
nghĩa".
TỔ CHỨC LẠI NGŨ GIÁC
ĐÀI
Sau khi nhận nhiệm
vụ vài tuần, McNamara đã nhận thức Ngũ Giác Đài thực
sự là rừng rú. Ông gửi nhiều đoàn thanh niên lỗi
lạc - the whiz kids - đến mọi nha sở để thuần
hóa Ngũ Giác Đài. Nhiệm vụ là tìm hiểu, lựa chọn, và
tái thiết kế các chiến lược trái ngược nghịch lý ,
các hệ thống vũ khí và ngân sách, trong các binh
chủng hải, lục, và không quân. Đó chính là vai trò
của bộ trưởng quốc phòng - chức vụ được thiết lập
bởi Truman năm 1947; nhưng trước McNamara, tất cả
các vị tiền nhiệm đều bất kham và bị tràn ngập.
McNamara áp dụng kỷ năng phân tích hệ thống và đã
thành công - khống chế được nhiều cụm rừng. Cùng
lúc, ông cũng đã làm mếch lòng một số dân biểu, nghị
sĩ then chốt trong Quốc Hội, các tư lệnh binh chủng,
trong quá trình tranh đấu loại bỏ một số vũ khí và
đóng cửa một số cơ sở và căn cứ quân sự.
Khi McNamara nhận
chức, ngân sách Ngũ Giác Đài chiếm gần 50% ngân sách
quốc gia. Ông chỉ huy 3,5 triệu nhân viên - gồm 2,5
triệu quân nhân, một con số đã gia tăng khoảng một
triệu trong nhiệm kỳ của ông. Ông cho biết, mục tiêu
là "đem lại hiệu năng cho một công trình trên 40
tỉ USD, đang bị xâu xé vì ganh tị và áp lực chính
trị".
Trong thời gian ông
làm bộ trưởng, ngân sách Ngũ Giác Đài đã gia tăng từ
48,4 tỉ năm 1962, lên 74,9 tỉ năm 1968. Ngân sách
năm 1968 tương đương với 457 tỉ hiện nay. Phần lớn
trong số nầy là chi phí chiến tranh Việt Nam.
Sau chuyến viếng
thăm Việt Nam lần đầu, tháng 4-1962, McNamara cho
biết: "Mọi tính toán định lượng có được chứng tỏ
chúng ta đang thắng".
Phân tích thống kê của ông cũng kết luận, sứ mệnh
quân sự có thể hoàn tất trong vòng 3 hoặc 4 năm.
Sau khi Kennedy bị
ám sát ngày 22-11-1963, McNamara nhận thấy Johnson
đã trông cậy nhiều vào ông để chiến thắng, một cuộc
chiến, trong năm sau, đã trở thành toàn diện đối với
Hoa Kỳ. Tổng Thống mới đánh giá McNamara rất cao,
đến độ đã mời ông đứng chung liên danh năm 1964.
McNamara từ chối, vì tin không nên khởi đầu sự
nghiệp dân cử bằng cách ra tranh cử chức vụ Phó Tổng
Thống. Johnson sau đó đã chọn Nghị sĩ Hubert H.
Humphrey, bang Minnesota, thay thế.
![](images/mcnamara-johnson.jpg)
Với Tổng thống Johnson
Johnson đã lệ thuộc
vào McNamara rất nhiều trong những vấn đề nhạy cảm,
kể cả việc thương thuyết bán vũ khí cho Israel, hội
nhập chủng tộc trong quân đội, quân trừ bị, và quân
Phòng Vệ Quốc Gia, sau khi Luật Dân Quyền được ban
hành năm 1964. Khi mới nhận nhiệm vụ tổng thống,
Johnson loan báo ông muốn giữ ngân sách dưới mức 100
tỉ; chỉ trong vòng ít ngày, McNamara đã kịp thời ra
lệnh cắt bỏ một số chương trình vũ khí và đóng cửa
vài căn cứ quân sự.
Mùa thu năm 1964,
Việt Nam đã trở thành một ám ảnh. Quốc Hội cho phép
xúc tiến chiến tranh sau khi Johnson đưa ra lý do
tàu chiến của Mỹ đã bị tàu tuần tiểu Việt Nam tấn
công trong Vịnh Bắc Việt ngày 04-8-1964. Cuộc tấn
công không bao giờ xẩy ra, như đã được xác nhận bởi
báo cáo của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia, được giải mật
năm 2005. Tàu chiến Mỹ đã bắn vào bóng radar trong
một đêm tối trời. Tuy vậy, lúc đó, các chuyên viên
tình báo tín hiệu - signals intelligence hay
sigint - của cơ quan, đã trình báo với McNamara
là bằng chứng tấn công hết sức chắc chắn. Theo
Ray Cline, phó giám đốc tình báo CIA lúc đó,
McNamara đã tiếp nhận bằng chứng sigint sơ khởi, và
trình lên tổng thống cái mà họ nghĩ là bằng chứng.
Cline nói tiếp, Johnson chỉ cần có chừng đó.
Đây không phải là
trường hợp tình báo sai lầm duy nhất biện minh cho
hành động quân sự dưới thời McNamara. Tháng 4-1965,
Johnson ra lệnh gửi 24.000 quân đến Dominican
Republic giải quyết cuộc nổi dậy chống chính quyền.
Đó là lần đầu tiên một số khá lớn quân Mỹ đổ bộ vào
một xứ Mỹ-La-Tinh kể từ 1928. Trước công luận,
McNamara tuyên bố sự ra quân đã chứng tỏ giới lãnh
đạo quốc phòng Mỹ luôn "sẵn sàng và có đủ khả
năng hậu thuẩn chính sách đối ngoại của chúng ta".
Trong chỗ riêng tư, ông đã tỏ ra hết sức lo ngại.
CIA đã báo cáo cho Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài:
quân nổi dậy do quân cách mạng Cuba kiểm soát.
McNamara vẫn rất hoài nghi . Theo băng ghi âm các
thảo luận qua điện thoại của Bạch Ốc ngày 30-4-1965,
Johnson hỏi "Anh không tin CIA có thể đưa ra đủ
bằng chứng?".
McNamara đã trả lời:"Thưa Tổng Thống, tôi không
tin như vậy. Tôi thật sự không tin có chuyện đó".
Tuy nhiên, Johnson đã nhấn mạnh, trong bài nói
chuyện với dân Mỹ, ông sẽ không cho phép âm mưu
cộng sản thiết lập một chính quyền cộng sản khác ở
Tây Bán Cầu. Điều nầy đã khiến một số báo chí
quả quyết giữa Tổng Thống và Ngũ Giác Đài đã có
hố cách biệt niềm tin (credibility gap). Thái độ
nầy cũng đúng khi áp dụng vào cuộc chiến Việt Nam.
CUỘC
CHIẾN VIỆT NAM
Năm
1965, hàng chục nghìn lính Mỹ đến Việt Nam, và trong
chiến dịch Rolling Thunder, chiến đấu cơ đã
oanh tạc tới 55,000 phi vụ và 33,000 tấn bom ở Bắc
Việt; năm 1966, 148,000 phi vụ và 128,000 tấn bom.
Số phi cơ bị bắn hạ gia tăng từ 171 năm 1965 lên 318
năm 1966 - trị giá từ 460 triệu nay lên 1,2 tỉ.
Rolling
Thunder chưa bao giờ chận đứng được dòng tiếp tế vũ
khí, đạn dược, và binh sĩ, vào Nam Việt Nam.
Trong
lần gặp gở riêng hiếm hoi với phóng viên tháng
2-1966 ở Honolulu, McNamara không còn tươi vui tự
tin như mọi khi xuất hiện trước công chúng. Ông
tuyên bố chắc nịch "không một số lượng bỏ bom nào
có thể chấm dứt chiến tranh".
Năm
1966, McNamara đưa ra kế hoạch xây dựng một hàng rào
điện tử dọc theo ranh giới vùng phi quân sự phân
ranh giữa Bắc và Nam Việt Nam. Binh sĩ gọi đó là
hàng rào điện tử McNamara, theo kiểu đường
Maginot Line, một phòng tuyến vô dụng mà người
Pháp đã dựng lên để chống quân Đức trước Đệ Nhị Thế
Chiến. Đường rào cản đã tỏ ra hoàn toàn vô giá trị.
Ngày
26-8-1966, sau khi đọc tài liệu nghiên cứu dài của
C.I.A., nhan đề "The Vietnamese Communists' Will
to Persist" (Ý Chí Kiên Trì của Người Cộng Sản
Việt Nam), với kết luận: không có gì Hoa Kỳ làm
có thể đánh bại được kẻ thù, McNamara cho mời
một viên chức C.I.A., George Allen, chuyên gia đã
dành 17 năm nghiên cứu vấn đề Việt Nam, đến vấn kế.
Trong hồi ký về Việt Nam, "None So Blind" (Không
Một Ai Mù Như Thế), năm 2001, Allen viết:
"Ông ta muốn biết tôi sẽ làm gì nếu tôi ngồi vào chỗ
của ông". "Tôi quyết định trả lời một cách thành
thật".
Allen nói, ông đã bảo McNamara :
"Ngừng gửi thêm quân tăng viện. Ngừng ném bom miền
Bắc, và thương thuyết ngưng bắn với Hà Nội".
Ngay sau
đó , McNamara đã chỉ thị các phụ tá bắt đầu sưu tra
các tài liệu tối mật về lịch sử cuộc chiến - sau
nầy được phổ biến dưới nhan đề The Pentagon
Papers ( Các Tài Liệu Bí Mật của Ngũ Giác Đài)
- và ông bắt đầu tự hỏi Hoa Kỳ đang làm gì ở Việt
Nam. Nhiều người Mỹ cũng đã hỏi như thế, dẫn đến
phong trào phản chiến ngày một lớn dần và ngay cả
con trai của ông cũng đã tham gia như một sinh viên
phản chiến ở Đại Học Stanford.
Theo
băng ghi âm của Tòa Bạch Ốc, ngày 19-9-1966,
McNamara đã gọi điện cho Johnson: "Chính bản thân
tôi cũng ngày một tin chúng ta nhất thiết phải có kế
hoạch chấm dứt oanh tạc miền Bắc".
Ông cũng gợi ý ấn định một mức trần cho số quân gửi
đến Việt Nam. "Tôi không nghĩ chúng ta chỉ phải
nhìn về tương lai phía trước và nói chúng ta sẽ
tăng quân và tăng quân và tăng quân và tăng quân -
600,000; 700,000; và bất cứ bao nhiêu khi cần".
Phản ứng
duy nhất của tổng thống là một âm thanh thì thào
không thể hiểu.
RA ĐI VÀ
SẤM HỐI
Lối rẽ
đã đến ngày 19-5-1967, khi Mcnamara gửi một
memorandum với luận cứ chặt chẽ đến Johnson,
thúc đẩy Tổng Thống thương thuyết hòa bình thay vì
leo thang chiến tranh. Văn thư bắt đầu, "chiến
tranh ngày một ít được ủng hộ khi leo thang - gây
nhiều thương vong hơn cho người Mỹ, nhiều âu lo cuộc
chiến ngày một lan rộng, nhiều thiếu thốn hơn ở quốc
nội, và nhiều tang tóc đau khổ hơn cho thường dân
Việt Nam, cả Bắc lẫn Nam. Nhiều người Mỹ tin chúng
ta đã vô tình dính quá sâu. Tất cả mong muốn chiến
tranh chấm dứt, và mong mỏi tổng thống của họ chấm
dứt cuộc chiến. Thành công. Hay không".
Đây là
giọt nước cuối cùng trong ly nước tràn đầy đối với
Johnson, vốn nghi ngờ McNamara đang bí mật tìm cách
giúp Robert Kennedy, nghị sĩ bang New York,
ứng cử viên tổng thống năm 1968, với nghị trình hòa
bình. Ngày 29-11-1967, T T Johnson loan báo,
McNamara sẽ từ bỏ chức vụ bộ trưởng quốc phòng để
lãnh đạo Ngân Hàng Thế Giới. McNamara rời Ngũ Giác
Đài hai tháng sau, và theo lời ông, không rõ "Tôi
đã bỏ cuộc hay bị cất chức".
Rõ ràng là trường hợp thứ hai.
McNamara
đã tìm cách cải tổ các binh chủng. Với lối ứng xử
thường lạnh lùng và đôi khi cao ngạo, ông có rất ít
đồng minh bên trong Ngũ Giác Đài khi cuộc chiến bắt
đầu diễn tiến bất thuận lợi. Tại buổi tiệc giã từ do
Bộ Trưởng Ngoại Giao Dean Rusk khoản đãi,
McNamara đã khóc khi nói về cuộc không chiến thiếu
chính đáng, hoàn toàn vô nghĩa, và vô ích ở Việt
Nam. Nhiều đồng nghiệp của ông kinh hãi khi ông lên
án các chiến dịch không kích, bàng hoàng trước mặc
cảm và gánh nặng tội lỗi của ông. Đã từ lâu, ông tin
Hoa Kỳ không thể thắng. Khi hưu trí, ông đã liệt kê
các lý do: không hiểu kẻ địch, không hiểu giới
hạn của các vũ khí tân tiến, không cho dân Mỹ biết
sự thật, và không thấu triệt bản chất mối đe dọa của
chủ nghĩa cộng sản.
![](images/eisenhower.jpg)
Tổng Thống Eisenhower
Ông nói
tại Đại Học Berkeley, "điều sai trái là không
hiểu hay lượng định sai lầm căn bản mối đe dọa của
người Bắc Việt đối với an ninh của chúng ta. Đó cũng
là nguyên do khiến Tổng Thống Eisenhower năm 1954 đã
tuyên bố nếu Việt Nam mất, hay nếu Ai Lao và Việt
Nam mất, tất cả các dominoes sẽ sụp đổ theo".
Ông nói
tiếp: "Tôi tin chắc chúng ta đã phóng đại mối đe
dọa. Chúng ta đã không hiểu rõ phe đối nghịch; chúng
ta đã không hiểu người Trung Quốc; chúng ta đã không
hiểu rõ người Việt Nam, nhất là người Bắc Việt. Vì
vậy, bài học đầu tiên là phải hiểu rõ đối thủ. Tôi
muốn gợi ý với quý vị là chúng ta cũng không hiểu
các đối thủ tiềm tàng của chúng ta hiện nay".
NGÂN
HÀNG THẾ GIỚI
Trong thời gian làm bộ trưởng quốc phòng, McNmara gần như đã kiệt sức.
Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục làm việc thêm 13 năm trong
chức vụ lãnh đạo Ngân Hàng Thế Giới (World Bank). Tại nhiệm sở
mới, ông bắt đầu với chương trình nới rộng quyền hạn
của Ngân Hàng và tấn công nạn nghèo đói trên khắp
thế giới. Ông đã thành công phần nào, nhưng với
nhiều hậu quả không chờ đợi.
Các quốc gia nghệ hóa đã tạo lập WB vào cuối Thế Chiến II, nhằm giúp
tái thiết Tây Âu. Về sau, Ngân Hàng đã được mở rộng
để đón nhận nhiều quốc gia hội viên mới, và chuyển
trọng tâm qua cung cấp tín dụng trong thế giới thứ
ba, nhằm giúp tăng trưởng kinh tế và ngăn ngừa chiến
tranh. Năm 1973, McNamara tập trung vào chương trình
giảm bớt tình trạng "nghèo đói tột cùng - mất
nhân phẩm cực độ"
ở Phi châu, Á châu, và Mỹ-La Tinh.
Cũng như ở Ngũ Giác Đài và công ty Ford, McNamara đã tìm cách cải tổ
Ngân Hàng Thế Giới. Khi mới đến, WB cho vay khoảng 1
tỉ mỗi năm. Con số nầy đã tăng lên 12 tỉ khi ông rời
Ngân Hàng năm 1981; lúc đó, WB đang tài trợ khoảng
1.600 dự án, trị giá 100 tỉ trong 100 quốc gia, kể
cả các đập thủy điện, các xa lộ, và các nhà máy sắt
thép. Tuy nhiên, tác động của các dự án lên môi sinh
đã không được lưu ý. Trong vài trường hợp, nạn tham
nhũng trong chính quyền các nước được WB hỗ trợ đã
vô hiệu hóa các mục tiêu tốt. Nhiều quốc gia nghèo,
với nợ WB chồng chất, không thể hoàn trái. Tổn phí
các chương trình của McNamara đôi khi vượt quá lợi
ích, do đó, WB đã phải gánh chịu búa rìu chính trị
trong suốt thập kỷ 1980s.
McNamara đã nhận thức được một số trong những vấn đề đang diễn tiến và
đã đổi hướng trọng tâm cho vay qua các dự án nhỏ hơn
- dẫn thủy nhập điền, hạt giống và phân bón, đường
tráng nhựa từ nông trại đến thị trường. Nhưng tiến
bộ rất khó lượng định. Đến cuối nhiệm kỳ của
McNamara, WB ước tính số người thật sự nghèo đói
trên thế giới đã lên đến 800 triệu, gia tăng 200
triệu trong vòng một thập kỷ.
CÔNG
KHAI SẤM HỐI
McNamara
rời WB năm 65 tuổi, sau khi vợ từ trần. Có lúc ông
đã tránh xa thế sự và tìm quên lãng - leo 140
miles lên độ cao 18.000 bộ của Mount
Everest. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm sau, ông bắt
đầu lên tiếng chống lại tai họa thi đua võ trang
nguyên tử. Năm 1995, 14 năm sau khi hưu trí, ông
công khai tố cáo chiến tranh Việt Nam và vai trò của
chính ông trong cuộc chiến, với cuốn "In
Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam",
để rồi bị lên án vì chính tác phẩm nầy.
Không
như các bộ trưởng quốc phòng khác, McNamara đã bị
ám ảnh và đã công khai trăn trở với hậu quả vô đạo
đức của chiến tranh và sử dụng quyền lực của Hoa Kỳ.
Trong
phim tài liệu "The Fog of War" (Sương Khói
Chiến Tranh), được trình chiếu vào thời điểm cuộc
chiến xâm lăng Iraq 2003 bắt đầu, ông tuyên bố:"
Ngày nay chúng ta là quốc gia hùng mạnh nhất thế
giới. Tôi không tin đôi lúc chúng ta cần đơn phương
sử dụng sức mạnh kinh tế, chính trị, và quân sự.
Nếu trước đây chúng ta đã biết và tuân theo nguyên
tắc nầy ở Việt Nam, có lẽ chúng ta đã không bao giờ
có mặt ở đó. Không một đồng minh nào của chúng ta
chịu ủng hộ chúng ta. Không phải Nhật, không phải
Đức, không phải Anh, và cũng không phải Pháp. Nếu
chúng ta không thể thuyết phục các quốc gia, có hệ
giá trị tương đương, về ý nghĩa của cuộc chiến, tốt
nhất chúng ta phải tự xét lại cách lý giải của chúng
ta".
McNamara
kết luận, "chiến tranh rất phức tạp, đến
mức vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Phán
đoán của chúng ta, hiểu biết của chúng ta, không
thích đáng. Và chúng ta tàn sát sinh linh một cách
không cần thiết".
Sau hai
thập kỷ im lặng, ông đã cho xuất bản tác phẩm In
Retrospect, trong đó ông đã phủ nhận tất cả các
biện minh cho cuộc chiến của chính ông trước đây, và
đã nổi danh khi viết về hai chính quyền Kennedy và
Johnson, "Chúng ta đã sai lầm, sai lầm đáng sợ".
Dưới bề ngoài cứng rắn, ông cũng đã nhiều lần tỏ ra
xúc động. Trong những lần thú nhận sai lầm của mình
về cuộc chiến, giọng nói của ông đã trở nên nghẹn
ngào, hơi run, vì thiếu bình thản, và mắt ông ứa lệ.
Tuy
nhiên, theo Jonathal Schell, McNamara dễ
xúc động(emotional) mà không thật sự tự xét
lại tình cảm và tư duy (without being
instrospective). Cuốn In Retrospect là
nhìn lại (retrospective) mà không tự vấn
lương tâm (not introspective) - một suy nghĩ
công về một vấn đề công và không có dấu hiệu rà soát
lại các động lực hay giá trị - rà soát lương tâm
(soul-searching). Trong giọng điệu và phong
cách, cuốn sách - mặc dù chắc đã được viết từ một
nguồn cảm xúc sâu xa - luôn cố vươn tới một cơ sở
vững chắc cho một sự phân tích khách quan.
Nhiều
nhà phê bình đã quả quyết McNamara đã không đi tới
cùng của sự tìm hiểu, vẫn bám chặt lấy khẩu hiệu rao
giảng "ý định cao thượng"(noble intentions),
trái ngược với thực tế.
Liệu
McNamara có cần phải trung thực hơn trong hối tiếc?
Chắc phải thế. Liệu ông có cần bộc lộ sự hối tiếc
sớm hơn? Vâng, chắc phải như vậy. Liệu ông có cần
phải từ chức một khi đã biết cuộc chiến là sai lầm,
vô ích, và vô nghĩa? Vâng, ông ta nên làm như thế.
Liệu ông chẳng bao giờ nên khuyến cáo chiến tranh
hay chủ trì cuộc chiến ngay từ đầu, và phải chăng
Hoa Kỳ chẳng bao giờ nên để cuộc chiến Việt Nam xẩy
ra? Vâng, chẳng ai mong gì hơn!
Thử
tưởng tượng lịch sử Mỹ gần đây - loại trừ cuộc chiến
Việt Nam! Hình ảnh một Hoa Kỳ có thể đã tốt đẹp hơn
rất nhiều đã bị đánh mất!
Đã hẳn,
nếu chúng ta bỏ lên bàn cân một bên những giọt nước
mắt của McNamara và bên kia cái chết của từ 3 đến 4
triệu thường dân Việt và 58.000 quân Mỹ, không ai
còn nghi ngờ bàn cân sẽ nghiêng về phía nào.
Tuy
nhiên, trên một phương diện khác, thử hỏi đã có bao
nhiêu cấp lãnh đạo cùng tầm cỡ đã công khai bày tỏ
hối tiếc về những lỗi lầm, những điên rồ, và những
tội ác của chính mình?
Như lời
của Jonathan Schell, trong thời gian các thập kỷ của
thế kỷ 20 lần lượt trôi qua, nhân loại đã chứng
kiến nhiều gò đống thây ma chồng chất ngày một cao,
cao hơn, cao tít tận trời xanh, và giờ đây các thây
ma lại tiếp tục chồng chất trong thế kỷ mới. Nhưng
có bao nhiêu cấp lãnh đạo êm ấm trên cao , những
người gây ra những sự thật hãi hùng, đau thương đó,
đã cất tiếng nói lên "tôi đã lầm lỗi", hay
"tôi đã cực kỳ sai quấy", hay "đã rơi nước
mắt ăn năn những hành động tội lỗi của chính mình"?
Hình như chỉ có Robert S. McNamara!
Chắc hẳn
những hành động ăn năn, sấm hối, thật sự rất khó
biểu hiện hay nói ra!
Một lần
nữa mượn lời Jonathan Schell, nếu có một tượng
đài được xây cất để tưởng niệm McNamara, chắc sẽ
không có, xin hãy chọn bức tượng ông ta đang khóc.
Đó là điểm tốt nhất nơi ông!
© GS
Nguyễn Trường
Irvine,
California, U.S.A.
27-7-2009
Tài Liệu
Tham Khảo:
1. A
People's History of the Vietnam War, Howard
Zinn, Bookmarks, London, 2001; New Press, New York,
2003.
2.
Fire In The Lake - The Vietnamese and the
Americans in Vietnam, Frances Fitzgerald,
Vintage Books, A Division of Random House, New York,
1973.
3. In
Retrospect - The Tragedy and Lessons of Vietnam,
Robert S. McNamara, Times Books, a division of
Random House,inc., New York.
4. A
Bright Shining Lie - John Paul Vann and America in
Vietnam, Neil Sheehan, Vintage Books, A Division
of Random House, inc., New York.
5.
Magazines: The Economist, The Nation.
|