Winston Churchill

Vietsciences- Phạm Văn Tuấn        09/04/05      

 

Sir Winston Leonard Spencer Churchill (1874-1965) là một trong các chính khách danh tiếng nhất trong Lịch Sử Thế Giới và cũng là một bậc vĩ nhân của nước Anh. Vào năm 1895, ông Winston Churchill phục vụ quân đội Anh với cấp bậc Trung Uy dưới thời đại của Nữ Hoàng Victoria, ông về hưu vào năm 1964 khi làm Dân Biểu trong triều đại của Nữ Hoàng Elizabeth II, cháu 4 đời của Nữ Hoàng Victoria. Ít có người công dân nào phục vụ Tổ Quốc Anh lâu như ông Churchill.

Sau khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, một mình nước Anh phải chịu đựng cuộc chiến chống lại Đức Quốc Xã. Thủ Tướng Churchill khi đó đã dùng lới nói, niềm tin và lòng can đảm cá nhân để thúc đẩy mọi người dân nước Anh phải kiên nhẫn, chiến đấu đến toàn thắng. Hình ảnh của ông là một nhân vật bệ vệ, luôn luôn có điếu thuốc xì-gà trên miệng và hai ngón tay giơ lên theo hình chữ V, tượng trưng cho chữ Victory là chiến thắng, đã mang lại niềm tin cho dân chúng nước Anh, dù cho khi ông Churchill thăm viếng cảnh đổ nát gây nên bởi oanh tạc cơ Đức Quốc Xã, hay khi ông ra nước ngoài, vận động vì chiến thắng và hòa bình. Ông Churchill đã từng tuyên bố chỉ cống hiến cho dân tộc Anh "máu, công sức khó nhọc, nước mắt và mồ hôi" để giúp cho người dân nước Anh bảo vệ được Tự Do của họ.

Không những là một nhân vật lịch sử, một chính khách danh tiếng, Sir Winston Churchill còn là một phóng viên chiến trường, một chiến sĩ, một diễn giả, môt sử gia và một nhà văn xuất sắc. Sir Winston Churchill đã quán triệt được Ngôn Ngữ Anh, đã đọc nhiều bài diễn văn và viết ra nhiều tác phẩm bằng lời văn rõ ràng, trong sáng, hùng hồn. Năm 1953, Giải Thưởng Nobel về Văn Chương đã được trao tặng cho ông. 10 năm sau, 1963, Quốc Hội Hoa Kỳ cũng vinh danh Sir Winston Churchill là Công Dân Danh Dự của Hiệp Chủng Quốc.

 

1/ Thuở thiếu thời của Winston Churchill.

         Winston Leonard Spencer Churchill chào đời vào ngày 30 tháng 11 năm 1874 trong lâu đài John, Jennie và WinnieBlenheim tại miền Oxforshire, nước Anh. Winston là trai lớn trong hai người con trai của Lord Randolph Churchill (1849-1895) và bà Jennie Jerome (1854-1921), một phụ nữ Hoa Kỳ nổi tiếng về sắc đẹp. Lord Randolph là con trai thứ ba của Hầu Tước thứ bẩy thuộc giòng họ Marlborough. Vị Hầu Tước thứ nhất là Sir John Churchill, một vị đại tướng đã chiến thắng tại Bleinheim, nước Đức, vào năm 1704 nên được phong chức Hầu Tước Marlborough. Cha và mẹ của Winston đã gặp nhau tại thành phố New York rồi thành hôn tại thành phố Paris vào năm 1874.

         Cũng giống như các con trẻ thuộc các gia đình quyền quý của nước Anh, Winston ít khi được gặp cha mẹ: họ đang bận rộn vì nhiều công việc xã hội, chính trị, bởi vì Lord Randolph là thủ lãnh của đảng Bảo Thủ. Winston được giao cho một người vú nuôi chăm sóc trong suốt thời kỳ thơ ấu và tên của bà này là Everest. Winston vẫn thương nhớ mẹ, và về sau đã ghi lại như sau: "mẹ tôi sống xa tôi như Ngôi Sao buổi chiều. Tôi yêu mẹ tôi lắm, nhưng luôn luôn từ xa".

 

 

 

         Năm Winston được 6 tuổi, một người em trai ra đời và được đặt tên là John. Khoảng cách về tuổi tác đã khiến cho hai anh em không thân mật với nhau. Cũng vào tuổi này, Winston được dạy tập đọc, tập làm toán, nhưng sở thích của cậu bé là chơi với bộ đồ chơi gồm nhiều người lính bằng chì, cao khoảng 2 tới 3 inches, mặc quân phục và sơn màu sặc sỡ. Với bộ đồ chơi này, Winston đã cùng một người bạn tập dàn các thế trận giả tưởng. Cậu bé Winston vào luc này cũng yêu thích đọc sách, nhưng lại ghét môn Toán học.

 

        

 

Bà vú nuôi EverestVào tuổi lên 7, Winston được gửi tới trường Saint James, một trường nội trú chủ trương kỷ luật rất nghiêm khắc, thường dùng roi vọt để trừng phạt học sinh. Sau hơn hai năm chịu đựng gian nan tại ngôi trường này, nhờ lời năn nỉ của bà vú nuôi và lời cố vấn của bác sĩ gia đình, Winston được chuyển về học tại một ngôi trường nhỏ hơn, gần thị trấn nghỉ mát Brighton. Ngôi trường này do hai bà giáo đứng tuổi trông nom với kỷ luật nhẹ nhàng hơn và tại nơi đây, Winston được học về tiếng Pháp, Lịch Sử và Văn Thơ. Nhà trường cũng dạy cho học sinh về Kịch Nghệ và Winston cũng ưa thích bộ môn này.

Sau ba năm vui sướng theo học trường Brighton, Winston phải theo bậc trung học. Sir Randolph đã nạp đơn cho con trai vào trường Harrow, một cơ sở giáo dục danh tiếng không thua gì Trường Eton. Muốn được nhận vào trường này, học sinh phải vượt qua nhiều bài thi tuyển. Winston đã không đủ điểm về môn La Tinh nhưng vì là con trai của Lord Randolph danh tiếng nên vị hiệu trưởng đặc biệt chấp nhận Winston vào trường. Vào ngày nhập học, các học sinh xếp hàng theo thứ tự điểm đậu, từ xuất sắc xuống rất kém và cậu Winston đã cảm thấy xấu hổ khi đi cuối cùng vào hội trường trước các con mắt của những người quen biết gia đình.

Do kém về tiếng La Tinh, Winston được học nhiều hơn về tiếng Anh với bà giáo Somerwell, người đã dạy văn phạm và văn chương khác hẳn với các giáo sư khác và đã khiến cho Winston yêu thích ngôn ngữ Anh. Một thành tích của cậu Winston là đã đọc thuộc lòng 1,200 câu thơ trong cuốn thơ "Lays of Ancient Rome" (các bài thơ kể về Đế Quốc La Mã cổ) của nhà thơ và sử gia người Anh tên là Thomas Macaulay.

Trong thời gian bốn năm rưỡi theo học tại trường Harrow, Winston phải chọn 1 trong 3 ngành dành cho con cháu của các gia đình quý tộc, đó là Luật Pháp (để theo đuổi chính trị), Tôn Giáo (để làm nghề tu sĩ) hay Quân Đội (sau này trở thành sĩ quan), còn các ngành học chuyên môn khác như Y Khoa, Khoa Học, Thương Mại … được coi là chỉ thích hợp với các trẻ em của giới trung lưu. Nhân một hôm nhìn thấy con trai đang bày chiến trận với các người lính bằng chì, Lord Randolph cho rằng việc gia nhập quân đội thích hợp với các đứa trẻ có trí thông minh bị giới hạn và hợp với sở thích của Winston.

Năm 1893 vào tuổi 18, Winston Churchill theo học Học Viện Quân Sự Hoàng Gia (the Royal Military College) tại Sandhurst. Đây là trường Võ Bị có danh tiếng giống như trường West Point tại Hoa Kỳ. Tại trường Sandhurst, kỷ luật rất chặt chẽ, việc học dài và nghiêm minh, ngoài các môn học căn bản các sinh viên được học về Luật Pháp, Chiến Thuật và phép vẽ bản đồ. Trong dịp này, Winston bắt đầu làm quen với môn Lịch Sử Thế Giới, Lịch Sử Quân Sự cùng các câu chuyện về những cuộc chiến tranh đã qua. Winston Churchill cũng bị ám ảnh bởi các trận đánh của Napoléon. Trước mùa Giáng Sinh năm 1894, Winston Churchill tốt nghiệp Học Viện Quân Sự Sandhurst với hạng 8 trong số 150 tân sĩ quan. Hơn một tháng sau khi Winston ra trường, Lord Randolph đã qua đời vào ngày 24-1-1985 thọ 47 tuổi.

 

2/ Quân nhân và phóng viên.

         Vào tháng 3 năm 1895, Winston Churchill rời khỏi Học Viện Quân Sự với cấp bậc Trung Uy và mong được biết tới các cuộc mạo hiểm, các cuộc chiến. Vào thời kỳ đó, chỉ có tại xứ Cuba cuộc nổi loạn của người dân địa phương chống lại chính quyền cai trị Tây Ban Nha. Hơn 80,000 lính Tây Ban Nha đã được gửi qua xứ Cuba để dùng vào công tác bình định. Luật lệ của sĩ quan người Anh là phải phục vụ quân đội trong 7 tháng. Winston Churchill muốn dùng 5 tháng nghỉ ngơi để đi Cuba làm quan sát viên. Ông đã thương lượng với nhật báo The Daily Graphic, tờ báo hàng đầu của thành phố London, để viết các bài tường thuật về chiến cuộc. Do sự giúp đỡ của vị Đại Sứ Anh và với sự vận động của gia đình, Winston Churchill được cấp giấy phép rồi cùng một người bạn sĩ quan tên là Reginald Barnes xuống tầu qua New York vào mùa thu năm 1895. Họ tới thành phố Havana, Cuba, vào tháng 11 năm đó. Người Cuba vào thời bấy giờ đã dùng chiến thuật du kích để đánh lén quân đội Tây Ban Nha và khi đi quan sát các mặt trận, Winston Churchill đã bị bắn hụt nhiều lần. Trước tình hình lực lượng nổi dậy không thể thắng nổi cuộc chiến, ông Churchill đã tiên đoán rằng người Tây Ban Nha cũng gặp tình trạng tương tự. Cuối cùng vào năm 1898, Hoa Kỳ đã đánh thắng người Tây Ban Nha, giúp cho xứ Cuba giành được độc lập.

         Sau khi trở về từ xứ Cuba, Winston Churchill phục vụ một trung đoàn Anh đóng tại Ấn Độ. Vào thời kỳ đó, Ấn Độ là một thuộc địa của nước Anh và nhiều đoàn quân Anh đồn trú trên xứ Ấn Độ để bảo vệ các cơ sở chính quyền và thương mại. Đời sống quân nhân tại Ấn Độ của một sĩ quan như Winston Churchill đã không gặp vất vả và nguy hiểm. Từ 6 giờ sáng là thời gian tập dượt, kéo dài 1 giờ 30, sau đó là giờ ăn điểm tâm. Từ 9 tới 12 giờ trưa là giờ hành chánh, các sĩ quan lo đọc và viết các văn thư. Kế tới là bữa ăn trưa kéo dài 1 giờ 30 phút rồi tới giấc ngủ trưa, cho tới 5 giờ chiều bắt đầu thời gian giải trí, gồm chơi "polo" hay các thứ khác. Winston Churchill bắt đầu yêu thích chơi polo từ lúc này.

         Vào thời gian rảnh rỗi này, Winston Churchill bắt đầu đọc các sách do mẹ gửi qua từ nước Anh: các tác phẩm viết về các nhà triết học người Hy Lạp như Socrates, Plato, Aristotle, các công trình khoa học của Charles Darwin, các sách về kinh tế của Adam Smith và Thomas Malthus, nhưng ông ưa thích nhất bộ sách lịch sử "Suy Tàn và Sụp Đổ của Đế Quốc La Mã" của Edward Gibbon.

         Từ năm 1897 tại từng phần của xứ Ấn Độ, đã có vài cuộc nổi dậy chống lại người Anh. Vào mùa hè năm đó, bộ lạc Pathan thuộc miền tây bắc đã cầm súng vùng lên. Winston Churchill được vị chỉ huy đoàn quân thứ 4 Hussars là Sir Bindon Blood nhận làm phóng viên chiến trường. Người Ấn Độ được trang bị nghèo nàn, làm sao thắng được đội quân Anh hùng hậu. Sau chiến thắng này, Winston Churchill đã có đủ kinh nghiệm và tài liệu để viết ra cuốn sách đầu tiên với tên là "Câu chuyện của lực lượng dã chiến Malakand" (the Story of the Malakand Field Force), mô tả về thành tích của Sir Bindon.

         Cuốn sách do Winston Churchil viết ra, do nhiều đặc tính xuất sắc, đã khiến cho các nhân vật cao cấp trong chính quyền Anh tại London phải chú ý. Trong một lần đi về phép, Winston Churchill được mời gặp Thủ Tướng Anh là Lord Salisbury và ông này đã hứa sẽ giúp đỡ Churchill khi cần. Vào mùa hè năm 1898, một đoàn quân Anh khác đang hoạt động tại xứ Sudan thuộc châu Phi, để dẹp cuộc nổi dậy địa phương có tên là Whirling Dervishes. Winston Churchill yêu cầu Thủ Tướng Anh cho ông được theo đoàn quân Anh do Lord Earl Kitchener chỉ huy, nhưng Lord Kitchener vì không ưa lời nói bộc trực của Churchill nên đã không chấp nhận ông vào ban tham mưu. Trong trận đánh Omdurman, Winston Churchill đi trong đội kỵ binh cuối cùng và bị quân Dervishes phục kích, giáp chiến. Trong lần giao tranh này, ông đã phải dùng gươm và súng bắn hạ kẻ địch trong tầm tay, rồi sau đó kết quả là cuốn sách "Trận Chiến Giòng Sông" (the River War) được xuất bản, mang lại danh vọng cho Churchill là một nhà văn có tài và một nhà mạo hiểm.

         Nhờ đã có danh tiếng, Winston Churchill chọn con đường chính trị nên nạp đơn xin phục vụ đảng Bảo Thủ, là đảng phái của cha mình khi trước, và được chỉ định nói chuyện trước câu lạc bộ của đảng Bảo Thủ tại tỉnh Bath. Sau buổi nói chuyện đó, nhà bình luận của tờ báo Daily Mail đã phải khen ngợi Winston Churchill và một tờ báo khác lại tiên đoán ông có thể trở thành "một lãnh tụ bình dân, một nhà báo danh tiếng hay một nhà sáng lập ra một cơ sở quảng cáo".

         Buổi nói chuyện của Winston Churchill là bước đầu trong sự nghiệp chính trị của ông. Nước Anh vào thời kỳ này cũng theo đuổi thể chế dân chủ nhưng Quốc Hội Anh gồm hai Viện. Viện Dân Biểu được gọi tên là The British House of Commons, tương đương với Hạ Viện Hoa Kỳ, còn Thượng Viện được gọi là The House of Lord, ít có quyền hành hơn, gồm các nhân vật nhận lãnh chức tước theo thừa kế hay do chỉ định bởi nhà Vua hoặc Nữ Hoàng. Nước Anh không có Tổng Thống, quyền hành pháp thuộc về Thủ Tướng, là nhân vật của Viện Dân Biểu, được bầu ra từ đảng chiếm đa số ghế. Vào mùa hè năm 1899, có hai ghế Dân Biểu trống thuộc thành phố kỹ nghệ Oldham ở mạn tây bắc. Đảng Bảo Thủ đã chọn Winston Churchill làm một ứng viên. Sau cuộc bỏ phiếu, Winston Churchill đã gặp thất bại dù rằng ông có danh tiếng và đã vận động tranh cử tích cực. Nhưng ông không nản lòng về kinh nghiệm ban đầu này.

         Winston Churchill là một con người nhiều tham vọng và nghị lực. Sau lần thất bại đầu tiên về tranh cử, ông trù liệu dấn thân vào các công tác khác. Hai cuốn sách của ông đã được xuất bản và thuộc loại bán chạy nhất, nên đã mang về cho ông một lợi tức vào khoảng 50,000 bảng Anh. Đây là một món tiền lớn đối với thời bấy giờ. Vào năm 1899, Churchill xin ra khỏi quân đội Anh để chuẩn bị một chuyến mạo hiểm khác.

         Vào thời đó, một trận chiến khác đang diễn ra tại xứ Nam Phi thuộc châu Phi. Đây là một miền đất do người Anh và người Hòa Lan xâm chiếm. Người Hòa Lan, được gọi là người Boers hay Dutch Afrikaaneers, đã tới miền cực nam của châu Phi vào đầu thế kỷ 16 để tìm tự do tôn giáo và một đời sống mới, đồng thời với nhóm người Pilgrims từ nước Anh dùng tầu thuyền qua Bắc Mỹ. Người Anh đặt chân lên châu Phi trễ hơn, bắt đầu bằng một thuộc địa tại Cape Town. Khởi đầu do Sir Cecil Rhodes, người Anh đã tìm thấy trong đất đai của xứ Nam Phi có rất nhiều vàng và kim cương. Tại xứ Nam Phi này, hai sắc dân Hòa Lan và Anh đã không hòa hợp được với nhau. Vào năm 1881, người Boers, hay sắc dân gốc Hòa Lan, nắm giữ được chính quyền trong khi người Anh làm chủ nhiều nhà máy và nhiều tiền đồn đóng quân. Trong thập niên 1890, người Anh bắt đầu phản đối chính quyền địa phương vì họ bị đánh thuế mà không có đại diện và tranh chấp đã diễn ra, giống như tại miền Bắc Mỹ. Tới năm 1899, quân đội của người Boers đã bao vây các trại quân Anh đồn trú tại hai thành phố Mafeking và Ladysmith.

Cuộc xung đột tại xứ Nam Phi đã làm cho Winston Churchill chú ý. Winston xin được chân phóng viên chiến trường của tờ báo The London Daily Mail và vào ngày 11-10-1899, xuống tầu đi Nam Phi. Vào cuối tháng 10 năm đó, Winston cập bến Cape Town thì trận chiến đang diễn ra tại Ladysmith, cách đó 700 dậm về phía tây bắc. Phải mất nhiều ngày dùng xe lửa và đi xe, Winston tới được thành phố Durban hiện do người Anh chiếm đóng. Ngày 14-11 năm đó, một chuyến xe lửa bọc thép chạy từ Durban tới Ladysmith do Đại Uy John Haldane chỉ huy. Viên đại úy này đã mời nhà báo danh tiếng là Churchill cùng đi nhưng không may, đoàn tầu đã lọt vào ổ phục kích của người Boers. Đại úy Haldane, Churchill và toàn thể đội quân Anh đều bị bắt rồi bị giải về Pretoria, thủ phủ của người Boers, cách đó 300 dậm về phía bắc. Tất cả 6 sĩ quan và các người hầu bị nhốt trong một ngôi trường học có hàng rào kẽm gai, còn gần 2,000 binh lính Anh bị giữ trong một doanh trại gần đó. Như vậy, vào ngày sinh nhật thứ 21, Winston Churchill là một tù binh chiến tranh. Cùng với đại úy Haldane và hai người khác, Winston Churchill bàn kế hoạch vượt ngục. Vào nửa đêm ngày 11 tháng 12, Winston đã trèo được ra ngoài hàng rào nhưng các người kia không ra được, nên ông đành phải trốn đi một mình. Ông đã đi trong đêm tối, nhẩy lên một chiếc xe lửa. Do mạo hiểm và gặp may mắn trên đường lẩn trốn, Winston được một người Anh định cư tại xứ Nam Phi giúp đỡ nên tới được thị trấn Laurenco Marques, là thủ đô của thuộc địa Bồ Đào Nha, cách xa Pretoria 300 dậm.

Winston Churchill đã ở lại Nam Phi trong nhiều tháng để tường thuật về cuộc chiến tranh với người Boers, về việc giải vây hai thành phố Mafeking và Ladysmith. Các bài viết của ông đã hấp dẫn độc giả tại nước Anh và cả tại Hoa Kỳ rồi sau này được xuất bản thành sách, thuộc loại bán chạy nhất, có tên là "Từ London tới Ladysmith".

Winston Churchill trở về nước Anh vào tháng 7-1900 và được đón mừng như một vị anh hùng. Danh tiếng của Churchill được nhiều người biết tới nên đảng Bảo Thủ Anh lại yêu cầu ông ra tranh cử tại thành phố Oldham, nơi mà trước kia ông đã gặp thất bại. Trong cuộc vận động kỳ này, đảng Cấp Tiến (the Liberals) đã tìm cách dèm pha ông nhưng chiến thuật của họ đã không có kết quả. Ngày 1-10-1900, Winston Churchill được bầu vào Quốc Hội Anh.

 

3/ Hoạt động chính trị và lập gia đình.

         Vào khoảng đầu thế kỷ 20, các đại biểu Quốc Hội không được trả lương, họ phải sống bằng các nguồn lợi tức khác. Vì đã được coi là một anh hùng trong trận chiến với người Boers, Winston Churchill được mời đi các nơi diễn thuyết và tại mỗi địa điểm, ông được trả từ 500 tới 1,000 bảng Anh. Mỗi tuần lễ, Winston Churchill đã nói trước khán giả 4 hay 5 lần và những người nghe đã hoan hô, cổ võ ông như đối với các nhà vô địch thể thao.

         Winston Churchill gặp một người Mỹ là thiếu tá Pond. Ông này thu xếp một chuyến đi để Churchill qua Hoa Kỳ và Canada. Vào tháng 12 năm 1900, Winston Churchill xuống tầu qua Bắc Mỹ để trình bày trước thính giả Hoa Kỳ về những kinh nghiệm chiến tranh của ông. Churchill được thiếu tá Pond giới thiệu là "một vị anh hùng trong 5 trận chiến, một tác giả của 6 cuốn sách và là thủ tướng tương lai của nước Anh". Nhưng điều làm ông cảm động nhất là lời giới thiệu trong buổi diễn thuyết tại thành phố New York bởi Đại Văn Hào danh tiếng Mark Twain, tác giả các cuốn truyện kể về Tom Sawyers và Huckleberry Finn, mà độc giả Hoa Kỳ ai cũng biết đến. Đại Văn Hào Mark Twain đã nói rằng ông Winston Churchill "có cha người Anh và mẹ người Hoa Kỳ khiến cho ông là một người hoàn toàn". Khi viếng thăm thủ đô Washington, Winston Churchill cũng được gặp Tổng Thống McKinley và Phó Tổng Thống Theodore Roosevelt.

         Tại thành phố New York, Winston còn gặp một người quen cũ, hiện nay là một chính trị gia hàng đầu: ông Bourke Cochran. Cochran gốc người Ái Nhĩ Lan, được giáo dục tại Pháp, di cư qua Hoa Kỳ lúc còn trẻ. Ông là một luật sư thành công, một nhân vật có uy tín và một diễn giả hữu hạng. Cochran đã giúp đỡ và đối xử với Winston Churchill như một người con, đã chỉ dạy cho Churchill các bí quyết của tài hùng biện. Về chính trị, ông Cochran là một nhà cấp tiến, chủ trương tự do mậu dịch giữa các quốc gia và chính quyền phải giúp đỡ dân nghèo. Ông Cochran cũng cho rằng chính quyền Anh đối xử với người Boers tại Nam Phi là sai nhầm và sắc dân Ái Nhĩ Lan đứng về phía các người Boers. Tư tưởng của ông Bourke Cochran đã ảnh hưởng tới Winston Churchill về sau này.

         Vào ngày 22-1-1901, Nữ Hoàng Victoria qua đời sau khi đã trị vì 64 năm, lâu nhất trong lịch sử vương quyền của thế giới. Vị Vua mới của nước Anh là Edward VII kêu gọi Quốc Hội họp vào giữa tháng 2. Ngày 2 tháng này là ngày An Táng của Nữ Hoàng và cũng là ngày Winston Churchill xuống tầu từ hải cảng Boston để trở về nước Anh. Ngày 14-2, lần đầu tiên Churchill tham dự Quốc Hội Anh, ông đã lên tiếng trên diễn đàn Quốc Hội, yêu cầu cách đối xử tử tế đối với người Boers tại Nam Phi. Lời nói của Churchill đã được cả hai đảng Bảo Thủ và Cấp Tiến cũng như giới báo chí Anh khen ngợi mặc dù Winston Churchill không đồng ý với đường lối của đảng Bảo Thủ.

         Winston Churchill xuất thân từ giai cấp quý tộc của nước Anh nhưng ông lại lo lắng về các điều kiện làm việc và gia cư của giới công nhân, của giới dân nghèo. Ông cũng nhớ lại người mẹ nuôi khi trước, bà Everest, nay đã già và loại người này không được chính quyền giúp đỡ khi tuổi cao không cho phép họ làm việc như trước kia. Vì vậy, ông hô hào lập nên quỹ an sinh xã hội. Thời gian bị cầm tù ngắn hạn tại Pretoria cũng làm cho Winston Churchill suy nghĩ về tình trạng nhà tù và ông tìm kiếm các đạo luật cải thiện các nhà giam. Vào tháng 3 năm 1904, Winston Churchill chỉ trích chính quyền Anh, cho rằng họ phí phạm ngân quỹ khi đòi hỏi chi tiêu nhiều hơn về Lục Quân và để phản đối bài diễn văn của ông, Thủ Tướng Anh thời đó và vài nhân vật đã bước ra khỏi phòng họp của Quốc Hội. Một tháng sau, ông lại ủng hộ quyền của công nhân được thành lập nghiệp đoàn, khiến cho các báo chí của phe bảo thủ gọi ông là "cấp tiến" (radical). Winston Churchill luôn luôn lên tiếng bênh vực cho những gì ông tin là có lợi cho đất nước Anh.

         Tới ngày 31-5-1904, trong phòng họp Quốc Hội, Winston Churchill đã bỏ chỗ ngồi bên phe Bảo Thủ để qua phía Cấp Tiến, ngồi cạnh ông David Lloyd George. Tới năm sau, Winston Churchill đắc cử Dân Biểu từ thành phố Manchester, một nơi đa số người dân thuộc đảng Bảo Thủ. Vào năm này, đảng Cấp Tiến thắng lớn trong cuộc bầu cử và Tân Thủ Tướng là Sir Henry Campbell Bannerman đã mời Winston Churchill giữ một chân trong Nội Các: Thứ Trưởng Bộ Thuộc Địa. Nhưng khi ông Thủ Tướng bất ngờ qua đời, Herbert Asquith trở nên Thủ Tướng và Lloyd George trở thành Bộ Trưởng Ngân Khố, thì Winston Churchill được thăng chức lên làm Bộ Trưởng Thương Mại. Tới lúc này, bởi vì Winston Churchill đã thay đổi từ đảng Bảo Thủ sang đảng Cấp Tiến, nên theo nội quy, ông phải tranh cử lại và kỳ này, ông đã đắc cử dễ dàng tại thành phố Dundee, thuộc xứ Tô Cách Lan.

         Trong cuộc vận động tranh cử tại thành phố Dundee, Winston Churchill đã gặp cô Clementine Hozier, một thiếu nữ thuộc gia đình Tô Cách Lan thượng lưu nhưng không giàu có, nên phải làm nghề dạy trẻ. Vào lúc này, Winston 33 tuổi và cô Clementine 23, vóc người cao, có sắc đẹp và bệ vệ. Họ tìm thấy ở nhau nhiều điều hợp ý, không phải chỉ về các quan điểm chính trị. Vào ngày 12-9-1908, họ làm lễ cưới tại Westminster Abbey, ngôi giáo đường danh tiếng nhất của thành phố London và bà Clementine luôn luôn đứng cạnh chồng trong những giờ phút khó khăn nhất. Họ đã sống hạnh phúc bên nhau trong các năm trước Thế Chiến Thứ Nhất với hai đứa con chào đời: Diana sinh năm 1910 và Randolph năm 1912. Gia đình Churchill này có người con thứ ba là Sarah vài tháng sau khi Thế Chiến bùng nổ, rồi Marigold là người con gái thứ tư chào đời vào năm 1918 và cuối cùng là cô gái Mary sinh năm 1922.

         Kể từ năm 1908 tới khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, Winston Churchill đã nắm giữ nhiều chức vụ cao trong chính quyền Anh, ông luôn luôn tìm các đạo luật tăng lương cho công nhân và giảm thời gian làm việc, nhưng đây là giai đoạn căng thẳng tại châu Âu. Nước Đức vào lúc này đang tăng cường lực lượng quân sự. Các đạo quân Đức đang đe dọa miền Bắc Phi và Kênh Đào Suez, khi đó dưới quyền kiểm soát của nước Anh. Vào năm 1911, tầu chiến Đức đã biểu dương sức mạnh tại Morocco và hai chính phủ Pháp và Anh phải lên tiếng phản đối. Tại nước Anh, một số nhân vật cao cấp hô hào nên tăng cường ngân quỹ cho quân lực và giảm bớt việc trợ giúp dân nghèo. Hoàn cảnh này đã làm cho Winston Churchill bối rối. Tới năm 1913, khi ông Herbert Asquith trở nên Thủ Tướng, Winston Churchill được mời giữ Bộ Trưởng Hải Quân. Từ nay, ông Churchill có cơ hội thi hành các quyền lực dành cho mình.

 

4/ Winston Churchill và Thế Chiến Thứ Nhất.

         Vào cuối thế kỷ 19, nước Đức trước kia gồm nhiều vương quốc, đã được thống nhất thành một quốc gia hùng mạnh đặt dưới quyền cai trị của Hoàng Đế Wilhelm II. Giống như nước Anh và nước Pháp, nước Đức cũng sở hữu nhiều miền đất thuộc địa tại châu Phi và châu Á, trong khi đó người Đức đang lo tăng cường sức mạnh quân sự. Nước Đức đã liên kết với Đế Quốc Áo-Hung, với vài quốc gia tại miền Balkan và với nước Thổ Nhĩ Kỳ. Đối nghịch với khối quân sự này là liên minh các nước Anh, Pháp, Nga và Ý.

         Trước đe dọa của chiến tranh, Winston Churchill phải lo lắng cải tiến ngành Hải Quân. Ông đi xem xét từng chiến hạm, đề nghị cải tiến loại tầu chiến dùng than thành loại dùng dầu nhờ vậy các tầu chiến có thể nhận tiếp liệu trên mặt biển. Các đại pháo đặt trên tầu chiến cũng được thay từ loại 13 inches sang loại 15 inches có tầm bắn xa hơn và sức công phá mạnh hơn. Winston Churchill cũng tìm cách cải thiện đời sống của các binh sĩ trên tầu, ra lệnh cho họ tập dượt để sẵn sàng ứng phó khi cuộc chiến diễn ra. Vào năm 1912, Winston Churchill đã tiên liệu vai trò quan trọng của máy bay trong các cuộc chiến tương lai, nên ông đã cho thành lập một ngành Không Quân trong Bộ Hải Quân "để bảo vệ các hải cảng và tầu dầu của nước Anh".

         Ngày 18-6-1914 tại Sarajevo thuộc xứ Serbia, ngày nay là Nam Tư, một thanh niên 17 tuổi đã ám sát ông Hoàng Ferdinand Charles và bà vợ Katharine. Biến cố này đã gây nên Thế Chiến Thứ Nhất. Do sự việc kể trên, nước Áo tuyên chiến với xứ Serbia. Xứ Serbia này được nước Nga bảo vệ cùng với đồng minh của Nga là nước Pháp. Nước Đức là kẻ thù của nước Pháp và là đồng minh của nước Áo, bèn tuyên chiến với hai nước Nga và Pháp trong khi đó, nước Anh cũng chống lại nước Đức.

         Khi quân đội Đức tràn qua nước Bỉ trung lập để tiến đánh sang nước Pháp, quân đội Anh đã được chuẩn bị sẵn sàng. Winston Churchill do tiên liệu cuộc chiến, nên đã chuẩn bị Hải Quân Anh và ông đã tiên đoán quân Đức sẽ đánh bại quân Pháp tại giòng sông Meuse thuộc phía đông, và rồi người Đức sẽ thất bại tại giòng sông Marne. Các lời tiên đoán của Winston Churchill đã rất chính xác, nhưng ông Churchill không phải là không gặp thất bại. Khi quân đội Đức tràn vào thành phố Antwerp của nước Bỉ, ông Churchill đã đích thân dẫn một toán lính thủy Anh tới Antwerp để ngăn chặn quân Đức và ông đã mặc bộ quân phục Đề Đốc Anh lộng lẫy, trông giống như đi đại hội hơn là ra chiến trường, và kết quả là đoàn quân Anh và ông Churchill đã đại bại, phải bỏ chạy về hải cảng Dunkirk của nước Pháp. Các báo chí Anh và các người chống đối ông Churchill đã chỉ trích sự thất bại này, gọi đoàn quân Anh là "Đoàn Xiếc Antwerp".

Ông Churchill còn chịu trách nhiệm về một thảm cảnh chiến tranh nặng nề hơn. Trong cuộc Thế Chiến Thứ Nhất, nước Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng về phe Đức bằng cách tấn công nước Hy Lạp. Khi đó người Thổ đang kiểm soát eo biển Dardanelles, gần thành phố Constantinople (ngày nay gọi là Istanbul). Bởi vì Dardanelles là cửa ngõ dẫn vào Biển Đen (the Black Sea) và nước Nga, nên muốn cho các đồ tiếp liệu quân sự được chở tới nước Nga, các nước đồng minh Anh Pháp phải tấn công Thổ Nhĩ Kỳ. Tư lệnh của lực lượng Anh thời đó là Lord Kitchener đề nghị một chiến lược hành quân tấn công vào Dardanelles trong khi các chuyên viên quân sự Anh cho rằng việc đánh bại quân Thổ và tăng cường cho nước Nga sẽ làm cho chiến cuộc mau chấm dứt. Winston Churchill nghiên cứu kế hoạch oanh tạc phối hợp với việc đổ bộ lên bờ biển. Thế nhưng, cuộc oanh tạc của Hải Quân Anh tuy kéo dài, đã không tiêu diệt được quân Thổ Nhĩ Kỳ cố thủ tại Dardanelles, trong khi quân tăng cường Đức được gửi tới. Trên bờ biển của bán đảo Gallipoli, đoàn quân Thổ với võ khí tối tân, nằm trong các công sự phòng thủ kiên cố, đã tàn sát hàng ngàn binh lính đổ bộ người Anh và người Uc trong 9 tháng trường của năm 1915. Winston Churchill đã nhận lãnh trách nhiệm về thảm bại này. Để tránh cho đảng Cấp Tiến (the Liberal Party) không bị sụp đổ, các nhà lãnh đạo đảng này đã mời đảng Bảo Thủ tham gia chính quyền nhưng đảng Bảo Thủ đã ra điều kiện là ông Churchill phải bị gạt ra khỏi Nội Các mới. Vào tháng 11 năm 1915, Winston Churchill từ chức trong cảnh cay đắng nhưng ông vẫn còn là một Dân Biểu trong Quốc Hội. Trong thời gian thất vọng này, Winston Churchill tìm an ủi bên gia đình và ông đã khám phá ra một hoạt động tiêu khiển mới, đó là bộ môn Hội Họa.

Thế Chiến Thứ Nhất vẫn tiếp diễn. Không bên nào thắng thế. Hàng triệu người lính của hai phe Đức-Áo và đồng minh Anh-Pháp đã sống trong các chiến hào, trong các hầm hố, bên trên có các bÁo cát và dây kẽm gai chằng chịt. Tháng 11 năm 1915, Winston Churchill tình nguyện tham chiến với cấp bậc Thiếu Tá, phục vụ tại mặt trận của nước Pháp và ông đã nhiều lần thoát hiểm. Churchill đã mô tả cuộc chiến là "tàn bạo và dữ tợn".

Sau 6 tháng ngoài trận tuyến, Winston Churchill xin từ chức và trở về London bởi vì tiểu đoàn của ông được sát nhập với một đơn vị khác và ông không còn nắm quyền chỉ huy nữa, đồng thời Lloyd George và vài chính khách khác cũng cho rằng ông Churchill hữu ích hơn trong chính quyền. Từ các kinh nghiệm ngoài mặt trận, Winston Churchill đã viết ra các bài chỉ trích các chiến lược của quân đội Anh và ông cũng đề nghị nên phát triển loại "xe tăng" (the tank) để bảo vệ mạng sống của các binh sĩ. Thực ra, ông Churchill không phải là người phát minh ra xe tăng, nhưng ông đã đề nghị cách dùng dây xích để xe tăng leo qua được các hầm hố, vượt qua các hàng rào kẽm gai và được dùng như một thứ pháo đài di chuyển của bộ binh.

Vào tháng 4-1917, Hoa Kỳ tham chiến bên cạnh phe Đồng Minh, sự kiện này đã làm gia tăng cơ hội chiến thắng. Cũng vào thời gian này, David Lloyd George đã thay thế ông Herbert Asquith làm Thủ Tướng và các nhà lãnh đạo đảng Cấp Tiến đề nghị Winston Churchill lãnh chức Bộ Trưởng Đạn Dược (minister of munitions) và với nhiệm vụ này, ông Churchill sẽ làm việc gần gũi với ông Bernard Baruch, vị bộ trưởng tương tự của Hoa Kỳ. Trong thời gian này, do các việc làm cần mẫn và tốt đẹp, cộng tác với lực lượng quân sự Mỹ, ông Winston Churchill được ân thưởng "Bội Tinh Phục Vụ Đặc Biệt" (the Distinguished Service Cross) của Hoa Kỳ, do Tướng John Pershing, Tham Mưu Trưởng Hoa Kỳ, trÁo lại.

Việc tham chiến của lực lượng quân sự Hoa Kỳ chống lại quân đội Đức đã có kết quả, mặc dù quân Đức đã dùng tới võ khí hơi ngạt, gây tử vong khủng khiếp cho phe đồng minh. Ngày 11-11-1918, nước Đức thua trận.

 

5/ Winston Churchill sau Thế Chiến Thứ Nhất.

         Sau khi chiến tranh chấm dứt, Winston Churchill cùng một số người khác nhận lãnh trách nhiệm mang hàng triệu binh lính từ mặt trận trở về đời sống dân sự. Ong cũng giúp các đạo quân đồng minh trú đóng tại các nước Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và tại miền Trung Đông xây dựng lại từ các đổ nát do chiến tranh.

         Một vấn đề khác đã làm bận tâm Winston Churchill là "vấn đề Ái Nhĩ Lan". Xứ sở này đang bị phân hóa. Đa số người dân Ái Nhĩ Lan theo đạo Catholic đang đòi hỏi một quốc gia độc lập nhưng các người theo đạo Tin Lành thuộc 5 hạt phía bắc, được gọi là Miền Ulster, lại muốn địa phương của họ tiếp tục là một phần của nước Anh. Để giữ cho "sân sau của nước Anh" được ổn định, Winston Churchill đã giúp công vào thỏa ước nhờ đó xứ Ái Nhĩ Lan không bị xáo trộn trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Nhất, dù cho có xẩy ra một cuộc nổi loạn của các người Catholic vào năm 1916.

         Vào năm 1920, là Bộ Trưởng Thuộc Địa, ông Churchill đã tìm cách thương thảo với ông Michael Collins, một người cương quyết bảo vệ chủ trương Catholic. Lúc đầu, hai người đã coi nhau như kẻ thù nhưng dần dần, họ đã trở thành hai người bạn. Churchill và Collins đồng ý về một thỏa ước chuyển xứ Ái Nhĩ Lan thành một miền đất có một phần độc lập, giống như hai xứ Canada và Australia, và nền độc lập của xứ Ái Nhĩ Lan đã trở thành sự thực vào năm 1923 trong khi cho tới ngày nay, tại miền Ulster vẫn còn các xung đột giữa hai sắc dân Tin Lành đa số, và Catholic thiểu số.

         Winston Churchilll cũng giữ một vai trò quan trọng trong các chính sách được thi hành tại miền Trung Đông. Đây là một miền đất do người Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát trong nhiều thế kỷ. Đây cũng là cái nôi của ba tôn giáo lớn: đạo Thiên Chúa, đạo Hồi và đạo Do Thái. Trước khi Thế Chiến Thứ Nhất kết thúc, nước Anh đã hứa hẹn sẽ giúp đỡ các quốc gia Ả Rập, kể cả Ai Cập, giành lại độc lập từ tay người Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng một điều rắc rối khác đồng thời cũng xẩy ra : vào năm 1917, chính quyền Anh đã công bố "Bản Tuyên Cáo Balfour", hứa hẹn xây dựng tại Palestine một xứ sở dành cho người Do Thái. Người ủng hộ mạnh mẽ nhất chính sách này là ông Winston Churchill. Ông Churchill tin tưởng rằng sắc dân Do Thái đã bị lưu lạc trong gần 2,000 năm, nên cần có một mảnh đất quê hương và ông cũng tin rằng quốc gia Do Thái trên miền đất chiến lược này sẽ là một lợi điểm quân sự cho nước Anh.

Năm 1921, Winston Churchill và một số viên chức cao cấp của chính quyền Anh đã tạo dựng nên các quốc gia Iraq và Trans-Jordan cắt ra từ lãnh thổ cũ của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nhân vật hoàng gia Ả Rập, giòng họ Feisals, được người Anh đặt lên ngai vàng và ông Churchill hy vọng rằng cách xếp đặt này sẽ làm vừa lòng người dân Ả Rập đồng thời cũng sẽ cho phép lập nên một quốc gia Do Thái mà không gây ra xung đột. Trong khi các chính sách kể trên đang được thi hành thì tại gia đình, ông Churchill đã gặp phải hai điều bất hạnh. Tháng 6 năm đó, bà mẹ của ông bị ngã và qua đời rồi tới tháng 8, đứa con gái trẻ nhất, Marigold mới 3 tuổi, đã chết một cách bất ngờ. Hai tin buồn này đã khiến cho ông bà Churchill hủy bỏ tất cả các hoạt động công cộng và lui về sống ẩn dật tại miền Tô Cách Lan. Winston Churchill đã tìm quên trong bộ môn Hội Họa.

Năm 1922, các điều kiện không ổn định tại nước Anh đã khiến cho đảng Cấp Tiến phải tổ chức một cuộc bầu cử mới. Trong kỳ này, Winston Churchill ra tranh chức Dân Biểu Cấp Tiến tại thành phố Dundee, nhưng bệnh đau ruột dư đã không cho phép ông vận động tích cực. Ông Churchill đã bị thất cử và đây là lần đầu tiên trong 20 năm, ông trở về với cuộc sống gia đình. Tháng 11 năm 1922, Winston Churchill mua một lâu đài nhỏ tại Chartwell, thuộc miền Kent. Cũng chính tại nơi cư ngụ mới này, ông Churchill bắt đầu một chương trình biên khảo lớn, đó là Bộ Sách Lịch Sử Thế Chiến Thứ Nhất, gồm 6 cuốn với nhan đề là "Cuộc Khủng Hoảng Thế Giới" (The World Crisis). Ông Churchill đã làm việc hàng giờ với nhiều người thư ký thay phiên nhau đánh máy các bản thảo. Trong hai năm bận rộn với công việc viết Sử, Winston Churchill vẫn chú ý tới các hoạt động chính trị. Năm 1923, ông Churchill lại bị thất cử tại địa điểm West Leicester rồi sau đó, do không được đảng Bảo Thủ ủng hộ, Winston Churchill đã khởi đầu một đảng phái mới có tên là đảng Hiến Pháp (the Constitutionalists) và ông Churchill ra tranh cử với tư cách độc lập.

Việc tạo ra một đảng phái thứ ba là điều trái ngược với các truyền thống cũ của nước Anh và đã theo nền nếp của nền chính trị Hoa Kỳ. Ông Winston Churchill đã vận động tranh cử trên chiếc xe ngựa có gắn loa phóng thanh, tại một xã hội gồm những người quý tộc và những người lao động, ông đã được sự giúp đỡ của các phụ nữ giàu có, các nhà thể thao và các diễn viên danh tiếng, họ đã đóng góp bằng nhiều thời giờ và công sức. Thế nhưng, mặc dù các hào hứng trong cách vận động, ông Churchill vẫn bị thất cử, chỉ thua 43 phiếu.

Tinh thần tranh cử và phương cách vận động của Winston Churchill đã khiến cho Lord Arthur Balfour phải chú ý và ủng hộ ông Churchill. Vị cựu Thủ Tướng Anh này đã phải thuyết phục các nhân vật then chốt trong đảng Bảo Thủ hãy tha thứ cho Winston Churchill về những lần thay đổi đảng tịch và dành cho ông Churchill nơi tranh cử là thành phố Epping, một địa phương mà đảng Bảo Thủ thường thắng phiếu. Hơn nữa, vị Thủ Tướng mới là ông Stanley Baldwin lại mời Winston Churchill giữ một chức vụ trong Nội Các: Bộ Trưởng Tài Chính (the Chancellorship). Đây là chức vụ quan trọng thứ hai trong Nội Các nước Anh, chỉ đứng sau Thủ Tướng, với quyền hạn tương đương với Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện, Bộ Trưởng Ngân Khố và Chủ Tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang của Hoa Kỳ. Như vậy vào tuổi 50, Winston Churchill đã đảm nhiệm chức vụ quan trọng mà gần 40 năm về trước, cha của ông đã nắm giữ.

Là Bộ Trưởng Tài Chính, Winston Churchill phải trù liệu các ngân sách của chính phủ, quyết định các ngân khoản phải tiêu và các loại thuế phải thu. Công việc này thực ra không thích hợp với tài năng của ông Churchill. Hơn nữa, thập niên 1920 không phải là giai đoạn tốt đẹp về tài chính cho nước Anh. Thế Chiến Thứ Nhất đã làm yếu đi nền kinh tế và nền kỹ nghệ. Thời kỳ khó khăn đã khiến cho ông Churchill trở thành mục tiêu bị chỉ trích. Các người cấp tiến đã gọi ông là kẻ phản bội, ông còn bị gán cho danh hiệu "kẻ thù của giới lao động". Dù thế, vào năm 1925, ông Winston Churchill đã vận động thành công việc thông qua một đạo luật về An Sinh Xã Hội nhờ đó hơn một triệu người nghèo nhận được trợ giúp của chính quyền.

Vào năm 1926, khi ông Churchill đang giữ chức vụ, một cuộc tổng đình công đã diễn ra trên toàn nước Anh với sự tham dự của các thợ mỏ, công nhân hỏa xa và công nhân nhà máy, tài xế xe tải và các phóng viên báo chí … Năm 1929, cuộc đại khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới đã ảnh hưởng tới nước Anh. Sau cuộc bầu cử, đảng Lao Động (the Labor Party) thắng phiếu và Ramsay MacDonald trở nên Thủ Tướng lần thứ hai. Winston Churchill không còn nằm trong Nội Các nữa dù cho ông vẫn giữ ghế Dân Biểu Quốc Hội. Tương lai chính trị của Winston Churchill vào lúc này rất u tối.

 

6/ Winston Churchill trước Thế Chiến Thứ Hai.

         Trong thời gian 10 năm từ 1929 tới 1939, cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế đã làm cho người dân tại nhiều quốc gia gặp cảnh đói khổ, thiếu thốn. Tại nước Đức, Hitler và đảng Quốc Xã lên nắm chính quyền trong khi về phía châu Á, nước Nhật Bản đang tăng cường quân sự và bành trướng ảnh hưởng sang các quốc gia khác. Tại nước Anh, hai đảng Bảo Thủ và Cấp Tiến đã cộng tác với nhau trong một chính phủ liên hiệp nhưng họ có các chính sách khác với chủ trưởng của Winston Churchill. Chính vào thời gian bị gạt ra khỏi chính trường này, ông Churchill đã cùng với người con trai tên là Jack, người em trai Randolph và con trai của ông này, cả bốn người cùng du lịch qua xứ Canada, sau đó qua thăm tiểu bang California của Hoa Kỳ. Tại Hollywood, Winston Churchill đã làm quen với nhiều ngôi sao điện ảnh danh tiếng, đặc biệt nhất là Charlie Chaplin. Ông Churchill cũng gặp ông William Randolph Hearst, chủ nhân của nhiều tờ báo lớn xuất bản tại Hoa Kỳ.

         Trong thời gian lưu lại California và theo lời khuyên của vài người bạn, Winston Churchill đã bỏ tiền ra mua một số cổ phần chứng khoán. Tới tháng 10-1929, thị trường chứng khoán mất giá. Nhiều người tại Hoa Kỳ đã tự sát vì bị mất hết tài sản. Ông Churchill cũng bị thiệt hại nặng và ông đã tìm cách kiếm tiền lại bằng cách viết nốt các cuốn sách còn dang dở. Vào năm 1931, hai cuốn sách của Winston Churchill được xuất bản, đó là cuốn cuối cùng trong Bộ Sách Lịch Sử Thế Chiến Thứ Nhất và cuốn thứ hai có tên là "Các năm đầu của tôi" (My Early Years). Cũng giống như các sách xuất bản trước kia, các tác phẩm của Winston Churchill đã được bán rất chạy vì rất phổ biến. Winston Churchill còn bắt đầu viết bộ sách bốn cuốn về lịch sử của các dân tộc nói tiếng Anh. Ông cũng ký hợp đồng với một nhà xuất bản lớn để viết về tiểu sử của tổ tiên của ông, ông John Randolph, Hầu Tước miền Marlborough. Ngoài ra, Winston Churchill còn có nhiều bài viết gửi cho các nhật báo và tạp chí, và qua những bài viết này, ông thường vạch ra những yếu kém của chính quyền, của các nhà lãnh đạo đảng tại nước Anh.

         Vào thời gian này tại châu Âu, Hitler bắt đầu tìm cách tăng cường quân lực. Đối với vấn đề này, chính quyền Anh đã đề nghị mọi quốc gia cùng tài giảm binh lực và đã có lần, Thủ Tướng Anh Ramsay MacDonald đã cắt giảm binh lực Anh để làm gương. Trước những tham vọng của Hitler, ông Churchill luôn luôn đặt vấn đề cảnh giác và ông đã báo động về việc Đức Quốc Xã xây dựng Không Quân trong khi Không Lực Hoàng Gia Anh còn quá yếu kém. Lời tiên đoán của Winston Churchill đã thành sự thực khi Không Quân Đức oanh tạc các thành phố tại Tây Ban Nha trong cuộc nội chiến xẩy ra vào năm 1937.

         Trước các lời cảnh cáo, chống đối chính phủ Anh của Winston Churchill, trước các người ủng hộ ông Churchill, trước các đe dọa từ nước ngoài, phe chống đối ông Churchill đã gọi phe Churchill là một thứ chính phủ bí mật, còn trong bóng tối. Nhưng ông Winston Churchill đã nhận được sự ủng hộ của Lord Beaverbrook, chủ nhân của nhật báo lớn nhất nước Anh, của Ralph Wigram, một sĩ quan Anh đã từng theo dõi đà tiến bộ của Không Quân Đức. Một nhân vật khác đã giúp đỡ Winston Churchill là Thiếu Tá Desmond Morton, đã thu lượm các tin tức về cách tăng cường và chuẩn bị kỹ nghệ và quân sự của Đức Quốc Xã, đồng thời chỉ huy trưởng Không Quân Torr Anderson cũng thông báo cho Winston Churchill về tình trạng yếu kém của Không Quân Hoàng Gia Anh R.A.F.

         Với các tài liệu chính xác và phương cách thận trọng, các lời cảnh tỉnh của Winston Churchill chưa gây được tiếng vang. Tới năm 1937, Hitler sát nhập nước Áo vào nước Đức rồi vào đầu năm 1938, Hitler đòi hỏi độc lập giành cho miền Sudeten tách ra khỏi nước Tiệp Khắc. Tình hình chính trị tại châu Âu càng trở nên căng thẳng vì các tham vọng của Hitler. Tháng 9-1938, Thủ Tướng mới của nước Anh là ông Neville Chamberlain đã bay qua Munich để gặp mặt Hitler nhưng sau đó, đành phải công nhận nhiều đòi hỏi của Hitler. Khi ông Thủ Tướng Chamberlain về tới phi trường London, ông đã vẫy chào đám đông bằng một bản thỏa ước ký với nhà độc tài Quốc Xã và ông hô lớn "Hòa Bình trong thời đại của chúng ta" (Peace in our time). Trái lại, Winston Churchill đã coi thỏa ước này là một bản đầu hàng. Trước Quốc Hội Anh, Winston Churchill đã nói với ông Chamberlain: "Ngài được chọn lựa giữa chiến tranh và sự mất danh dự. Ngài đã chọn sự mất danh dự và Ngài sẽ gặp chiến tranh" (You were given the choice between war and dishonor. You chose dishonor and you will have war).

 

7/ Winston Churchill và Thế Chiến Thứ Hai.

         Sau khi quân đội Đức Quốc Xã đã chiếm trọn xứ Tiệp Khắc, người dân nước Anh mới nhận ra những điều cảnh cáo của Winston Churchill là đúng. Dân chúng và nhiều tờ báo đã yêu cầu ông Churchill trở lại chính quyền nhưng Thủ Tướng Chamberlain vẫn còn tin tưởng rằng nhà độc tài Hitler đã được mãn nguyện. Sau đó, Hitler lại đòi hỏi hải cảng Danzig của nước Ba Lan (ngày nay là Gdansk) phải được trả về cho nước Đức. Tháng 7 năm 1939, nước Đức và nước Nga vốn là hai kẻ thù, đã ký một hiệp ước hòa hoãn. Ngày 8-8-1939, Winston Churchill nói trên đài phát thanh hướng về Hoa Kỳ, nhắc nhở cho người Mỹ nhớ lại 25 năm về trước, vào năm 1914, quân đội Đức đã xâm lăng nước Bỉ và ngày nay, chiến tranh sẽ xẩy ra. Sự việc này khiến cho Thủ Tướng Chamberlain phải ký một hiệp ước bảo vệ xứ Ba Lan nếu nơi này bị tấn công.

         Ngày 1 tháng 9 năm 1939, quân đội Đức Quốc Xã tiến vào Ba Lan. Không quân Đức đã oanh tạc các thành phố trước khi thiết giáp Đức xông đến. Trong hai ngày, Thủ Tướng Chamberlain kêu gào quân Đức ngừng lại, nhưng vô hiệu quả. Ngày 3-9-1939, hai nước Anh và Pháp tuyên chiến với Đức và Ý.

         Tới thời điểm này, dân chúng Anh đòi hỏi Winston Churchill trở về chính quyền. Vị anh hùng khi trước, nay được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Hải Quân (the First Lord of the Admiralty). Điện tín được đánh đi tới các con tầu chiến Anh như sau: "Winnie đã trở về". Winnie là tên gọi thân mật của Winston Churchill. Các con tầu Hải Quân Anh đều treo cờ, chào mừng sự trở về ngành Hải Quân của Winston Churchill.

         Sau khi nước Ba Lan bị chia cắt làm hai, phần phía đông thuộc Liên Xô, phía tây thuộc Đức Quốc Xã, tình hình chiến tranh lắng đọng trở lại. Các binh lính Anh và Pháp vẫn hướng súng, phòng thủ sau trận tuyến Maginot dài 300 dậm. Ngày 10 tháng 5 năm 1940, quân lực Đức Quốc Xã tấn công nước Bỉ và Hòa Lan. Xe tăng Đức đè bẹp dễ dàng mọi kháng cự. Thủ Tướng Chamberlain đành phải từ chức. Winston Churchill được mời nhận chức vụ Thủ Tướng. Nội Các mới gồm các lãnh tụ của cả ba đảng: ông Anthony Eden, thuộc đảng Bảo Thủ, lo Bộ Chiến Tranh, Sir Archibald Sinclair, nhà lãnh đạo đảng Cấp Tiến, đứng đầu Bộ Không Quân, lãnh tụ đảng LÁo Động là ông Clement R. Attlee đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ Tướng, còn Winston Churchill kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng.

         Bài diễn văn đầu tiên của Thủ Tướng Churchill nói trước Quốc Hội Anh là một văn bản mạnh, đầy ý nghĩa của ngôn ngữ Anh. Ông Churchill đã nói: "Tôi không có gì để cống hiến ngoài máu, công sức khó nhọc, nước mắt và mồ hôi…" và ông kêu gọi phải thực hiện "Vinh Quang bằng mọi giá, bởi vì không có Vinh Quang, sẽ không có Sống Còn". Các lời nói của Thủ Tướng Churchill là các vũ khí, và sức mạnh của các bài phát biểu của ông đã được chứng tỏ trong các năm sắp đến. Lời kêu gọi của ông Winston Churchill đã làm gia tăng tinh thần chiến đấu của dân tộc Anh, giúp họ có thêm cam đảm trong cuộc chiến đầy gian nan trước lực lượng quân sự Quốc Xã.

         Ngày 16-5-1940, Thủ Tướng Churchill bay qua Pháp, nơi này đang chống cự sức tấn công của Đức. Khi người Pháp yêu cầu Thủ Tướng Anh trợ giúp nước Pháp về các phi cơ quân sự thì ông Churchill đã từ chối, bởi vì không quân Anh chỉ bằng một phần năm không lực Đức, còn cần dùng để bảo vệ các hòn đảo Anh Cát Lợi. Ông Churchill chỉ hứa hẹn sẽ cung cấp nơi ẩn náu cho những người Pháp kháng chiến.

         Ngày 2 tháng 6, 300,000 quân nhân Anh và Pháp phải rút lui về bờ biển Dunkirk trên lãnh thổ Pháp, họ đang cầm cự trước sức tấn công vũ bão của lực lượng Quốc Xã. Vào lần nguy ngập này, Thủ Tướng Churchill lại phải kêu gọi dân tộc Anh hỗ trợ một công tác giải cứu trong cảnh tuyệt vọng và trong vòng 24 giờ, hơn 800 tầu thuyền đủ loại, từ tầu chiến tới thuyền buồm, từ du  thuyền tới tầu kéo, công cũng như tư, đã qua lại Eo Biển Channel rộng 35 dậm, để cứu các đạo quân rút về nước Anh trong khi đó, Không Lực Hoàng Gia Anh vẫn bay lượn, ngăn cản các phi cơ săn đuổi của Đức Quốc Xã. Kết quả là các đoàn quân Anh và Pháp đã phải bỏ lại toàn bộ võ khí nặng và đã được cứu thoát.

         Sau cuộc rút lui Dunkirk, Thủ Tướng Churchill lại nói với nhân dân nước Anh: "Chúng ta sẽ bảo vệ hòn đảo của chúng ta bằng mọi giá … Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên các mảnh đất đổ bộ, chúng ta sẽ chiến đấu trên các cánh đồng, chúng ta sẽ chiến đấu trên các ngọn đồi …, chúng ta sẽ không bÁo giờ đầu hàng".

         Tại thủ đô Washington, Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt đã lắng nghe lời Thủ Tướng Churchill và ông Roosevelt đã quay sang nói chuyện với ông Harry Hopkins là phụ tá của Thủ Tướng Anh rằng: "Những gì chúng tôi cung cấp cho nước Anh sẽ không là thứ tiền đổ xuống mương, khi nào mà ông già đó còn đảm đương nhiệm vụ. Nước Anh sẽ không bao giờ đầu hàng".

         Ngày 14-6-1940, quân đội Quốc Xã tiến vào thành phố Paris. Một tháng sau, Hitler đề nghị một giải pháp hòa bình với nước Anh, với ý nghĩa là lính Quốc Xã sẽ kiểm soát đời sống của người dân Anh. Thủ Tướng Churchill đã nhờ Lord Halifax, Đại Sứ Anh tại Hoa Kỳ, lên tiếng trên đài phát thanh, bác bỏ đề nghị của Đức Quốc Xã.

         Sau khi nước Pháp đầu hàng, nước Anh đang đứng trước hiểm họa xâm lăng của Đức Quốc Xã. Khi phải đối đầu với hiểm nguy này, Thủ Tướng Churchill đã nói: "Trận chiến trên đất Pháp đã xong. Tôi trông đợi trận chiến trên đất Anh bắt đầu. Lệ thuộc vào trận chiến này là sự sống còn của nền Văn Minh Thiên Chúa Giáo… Nếu chúng ta bại trận, toàn thể thế giới kể cả Hoa Kỳ, sẽ chìm vào trong vực thẳm của một thời đại đen tối mới … Bởi vậy, hãy chuẩn bị vì các nhiệm vụ của chúng ta và nếu nước Anh và khối Thịnh Vượng Chung còn tồn tại trong một ngàn năm nữa, thì đây là giờ phút quyết định".

         Có lẽ do chủ trương kháng cự mãnh liệt của Thủ Tướng Churchill, cuộc xâm lăng hải đảo Anh Cát Lợi đã không diễn ra. Đức Quốc Xã chỉ tấn công nước Anh bằng không lực vì Hitler tin rằng do triệt hạ các cơ sở phòng thủ và lực lượng Không Quân Hoàng Gia Anh, nước Anh sẽ phải đầu hàng.

         Trận chiến tiêu diệt nước Anh bắt đầu vào tháng 8 năm 1940. Vào tháng 9 năm đó, Không Quân Đức đã oanh tạc nặng nề thủ đô London và các thành phố khác. Tất cả 25 không đoàn của Không Quân Hoàng Gia Anh đã bay lên nghênh chiến, và ngăn chặn các kẻ xâm lấn. Trong dịp này, nhiều phi công đã bay 18 giờ một ngày. Công sức của các phi công Anh đã mang lại kết quả: 56 oanh tạc cơ Đức đã bị bắn hạ trong 1 ngày và các phi cơ Đức khác đã phải bỏ chạy. Khi khen ngợi lòng dũng cảm của các phi công Anh, Thủ Tướng Churchill đã nói: "Chưa bao giờ trên mặt trận xung đột, một số người lớn như vậy lại mắc nợ một số người nhỏ như vậy".

         Công cuộc oanh tạc dữ dội của không quân Quốc Xã đã khiến cho thành phố London trở thành đống gạch vụn, 100 ngàn thường dân bị giết, các đám cháy lớn do bom nổ gây nên cũng làm gia tăng thiệt hại về nhân mạng và tài sản. Từ nay, trẻ em được di tản thật xa thành phố, các người còn ở lại thành phố London phải sống dưới các con đường hầm. Trong cảnh đổ nát này, Thủ Tướng Churchill đã đi an ủi người dân Anh. Ông Churchill thường chào đám đông dân chúng bằng cách giơ hai ngón tay thành hình chữ V, tượng trưng cho chữ "Victory" hay "Chiến Thắng". Dấu hiệu này của Winston Churchill đã được mọi người Anh dùng đến để biểu lộ niềm tin vào thắng lợi của ngày mai.

         Vào mùa xuân năm 1941, các trận oanh tạc của Không Quân Đức đã giảm bớt nhưng nước Anh vẫn còn nằm trong tầm nguy hiểm. Thiếu thực phẩm, thiếu tiếp liệu, nước Anh trông chờ vào nguồn tiếp tế từ hai xứ Canada và Hoa Kỳ và khi hàng hải thương thuyền Anh chở các mặt hàng  trên Đại Tây Dương, nhiều con tầu đã bị các tầu ngầm Đức loại U bắn chìm. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng, Thủ Tướng Churchill đã kêu gọi Hoa Kỳ và để đáp lại lời yêu cầu, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đã cho nước Anh mượn 50 khu trục hạm để bảo vệ các đoàn tầu Anh trên mặt biển. Việc trợ giúp của Hoa Kỳ đã làm cho dân chúng Anh lên tinh thần. Vào thời điểm này, Hoa Kỳ vẫn còn đứng trung lập trước trận chiến tại châu Âu bởi vì nhiều người Mỹ phản đối việc Hoa Kỳ liên hệ tới chiến tranh, nhưng các bài diễn văn của Thủ Tướng Churchill đã gây được niềm tin nơi người dân Mỹ, rằng nước Anh xứng đáng được trợ giúp để chống ngoại xâm.

         Vào tháng 7 năm 1941, quân đội Đức Quốc Xã hướng qua phía đông, xâm lăng Liên Xô mặc dù hai quốc gia này đã ký thỏa ước bất tương xâm.

         Tháng 8 năm 1941, Thủ Tướng Churchill qua Hoa Kỳ bằng chiến hạm Prince of Wales, để họp bàn với Tổng Thống Roosevelt. Cả hai nhà lãnh đạo đã ký "Thỏa Ước Atlantic" (the Atlantic Charter) trong đó có các chương trình hòa bình sau khi chiến thắng, chương trình về Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, về nền tự do của thế giới và về các phương cách ngăn ngừa chiến tranh trong tương lai.

         Ngày 7 tháng 12 năm 1941, Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) trên quần đảo Hạ Uy Di, đánh chìm phần lớn hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Ngày hôm sau, Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật Bản và Đức Quốc Xã. Sự kiện Hoa Kỳ tham chiến, đã khiến cho ông Winston Churchill tin tưởng rằng chắc chắn thắng lợi sẽ đến.

         Vào mùa đông năm 1942, quân đội Liên Xô chặn đứng được lực lượng Quốc Xã tại gần thành phố Moscow và thành phố Stalingrad (ngày nay là Volvograd) đồng thời trên mặt trận Bắc Phi, Tướng Bernard Montgomery người Anh đã đánh bại được Thống Chế Erwin Rommel của Đức tại El Alamein và quân đội Nhật Bản cũng bắt đầu phải rút lui trước sức tấn công của quân lực Hoa Kỳ trên biển Thái Bình Dương.

         Vào năm 1943, Thủ Tướng Churchill đã qua Hoa Kỳ hai lần để thảo luận với Tổng Thống Churchill,, Roosevelt và StalinRoosevelt về các kế hoạch tấn công tại châu Âu. Ngoài ra, ông Churchill còn thực hiện nhiều chuyến đi nguy hiểm khác: tới Teheran, nước Ba Tư, để gặp Thống Chế Stalin của Liên Xô, tới Cairo thuộc Ai Cập và Casablanca, Bắc Phi, để hội đàm với Tổng Thống Roosevelt. Mặc dù Liên Xô là một nước đồng minh trong công cuộc chống lại Đức Quốc Xã, nhưng ông Winston Churchill vẫn không tin tưởng Joseph Stalin. Ông chủ trương quân đội đồng minh nên đổ bộ tại Hy Lạp và tại các quốc gia trên bán đảo Balkans để ngăn cản Liên Xô không thể kiểm soát được các vùng đất này nhưng vào giai đoạn đó, Tướng George C. Marshall là Tham Mưu Trưởng của Hoa Kỳ và Tướng Dwight D. Eisenhower, Tư Lệnh Tối Cao các lực lượng Đồng Minh tại châu Âu, lại cho rằng nên tổ chức một cuộc tấn công qua eo biển Channel vào đất Pháp.

         Ngày 6 tháng 6 năm 1944, cuộc đổ bộ của quân lực Đồng Minh bắt đầu. Sáng hôm đó, Thủ Tướng Churchill đã nói trước Quốc Hội Anh: "Tôi phải công bố rằng trong đêm qua và vào các giờ của sáng hôm nay, một hạm đội gồm 4,000 tầu chiến và hàng ngàn tầu nhỏ khác, đã băng qua Eo Biển Channel". Chính ông Churchill đã muốn tham dự vào cuộc đổ bộ lịch sử này nhưng Vua nước Anh đã giữ lại vị Thủ Tướng 70 tuổi, và 6 ngày sau đó, Thủ Tướng Churchill cũng đã qua đất Pháp để quan sát mặt trận cùng với Tướng Montgomery.

         Phải mất thêm 10 tháng nữa, cuộc chiến tại châu Âu mới chấm dứt. Trong thời gian này, Thủ Tướng Churchill đã thực hiện nhiều chuyến đi khác: tới thành phố Quebec, Canada, để gặp Tổng Thống Roosevelt, qua đất Pháp và thành phố Moscow để hội thảo với Thống Chế Stalin, tới Yalta trên miền đất Liên Xô để bàn kế hoạch hòa bình hậu chiến với Tổng Thống Roosevelt và Thống Chế Stalin.

         Ngày 12 tháng 4 năm 1945, Tổng Thống Roosevelt qua đời bất ngờ vì xuất huyết não trong khi đang nghỉ ngơi tại Warm Spring, Georgia. Ngày 30-4, Hitler tự sát dưới hầm trong thành phố Berlin. Ngày 7-5, Đức Quốc Xã đầu hàng. Chiến tranh tại châu Âu chấm dứt.

         Ông Winston Churchill đã hô hào dân chúng Anh kháng chiến vì sự sống còn và nền tự do của nước Anh. Ông cũng vận động chính quyền Hoa Kỳ tham gia vào các công tác trợ giúp cũng như tham chiến để mang lại chiến thắng. Trong các giờ phút hiểm nguy và khó khăn, ông Winston Churchill đã đi khắp nơi và theo ước lượng của người phụ tá của ông, vị Thủ Tướng 70 tuồi này đã "thực hiện hơn 125,000 dậm trong các công tác chiến tranh, trải qua hơn 800 giờ trên biển và hơn 350 giờ trên không". Ông Churchill đã gặp Tổng Thống Roosevelt 9 lần và đã trao đổi với vị Tổng Thống này hơn 1,700 điện tín. Ngoài ra, sự đóng góp của ông Winston Churchill vào chiến thắng còn được Tướng Omar Bradley diễn tả bằng câu nói "Mỗi bài diễn văn của ông Winston Churchill tương đương với một sư đoàn".

 

8/ Sir Winston Churchill.

         Cuộc chiến tranh tại châu Âu đã chấm dứt, nhưng trên mặt biển Thái Bình Dương, quân  lực Hoa Kỳ vẫn còn tấn công quân đội Nhật Bản. Sau hai trái bom nguyên tử thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản chịu đầu hàng vô điều kiện vào tháng 8 năm 1945. Một kế hoạch hòa bình và xây dựng lại châu Âu đổ nát phải được thực hiện. Vì vậy Thủ Tướng Churchill đã hội họp với Tổng Thống Hoa Kỳ mới Harry S. Truman và Thống Chế Stalin tại Potsdam, nước Đức vào tháng 7 năm 1945. Trong cuộc hội đàm này, Stalin đòi hỏi rằng các quốc gia Đông Âu gồm Ba Lan, Hungari, Tiệp Khắc, Rumania, Bulgaria và một phần nước Đức phải ở dưới quyền  bảo trợ của Liên Xô. Ông Churchill đã phản đối kế hoạch này.

         Tại Potsdam, ông Winston Churchill nhận được tin báo rằng đảng Bảo Thủ của ông đã thất bại trong kỳ bầu cử mới và không còn là đảng chiếm đa số nữa. Chức vụ Thủ Tướng mới sẽ về tay ông Clement R. Attlee thuộc đảng Lao Động. Như vậy tại sao vị anh hùng Churchill lại gặp thất bại tại quê hương? Người dân nước Anh vào thời điểm này đã quan tâm nhiều hơn về các vấn đề thực tế như công ăn việc làm, trợ cấp an sinh và y tế, trợ cấp gia cư … Việc rời khỏi chính quyền là một điều thất bại đối với ông Winston Churchill nhưng lại là một niềm vui đối với bà Clementine, bà coi đó là một thứ ân phước được che dấu khi nghĩ về tuổi cao và các công sức lớn lao mà ông Winston Churchill đã đóng góp trong thời chiến.

 Truman và Churchill        Đầu năm 1946, Tổng Thống Harry Truman đã mời ông Winston Churchill nói chuyện trong một buổi lễ ngày 5-3 tại Đại Học Westminster thuộc thành phố Fulton, tiểu bang Missouri. Winston Churchill đã qua Hoa Kỳ và tại khắp nơi, từ Thủ Đô Washington tới thành phố Jefferson, Missouri, ông được dân chúng Hoa Kỳ đón chào. Trong bài diễn văn tại Fulton, ông Winston Churchill đã chứng tỏ là một nhà hùng biện đáng ghi nhớ. Ông đã nói về Thế Chiến Thứ Hai, về Liên Xô và cách bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản, và ông Churchill cảnh giác mọi người: "Hiện nay, một bóng tối đang phủ xuống trên các miền đất mới được chiếu sáng vì thắng lợi của phe Đồng Minh. Từ Stettin trên biển Baltic (một thành phố của nước Đức) tới Trieste trên biển Adriatic (một thành phố của nước Ý), một bức màn sắt đã sập ngang qua lục địa".

 

 

Diễn văn nổi tiếng tại Zurich, bên cạnh là con gái         Winston Churchill đã lo ngại cho các dân tộc sau "bức màn sắt" hiện nay nằm dưới quyền kiểm soát của Liên Xô. Lúc đầu, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thời đó chưa đồng ý với lời cảnh cáo của ông Churchill nhưng dần dần, ý nghĩa của danh từ "bức màn sắt" (the iron curtain) được thể hiện rõ ràng và đã trở thành một danh từ trong từ điển. (Xin đọc bài diễn văn của Churchill tại Missouri - Vietsciences)

         Sau khi rời khỏi chính trường, Winston Churchill trở về với cuộc sống gia đình, với 4 người con đã trưởng thành. Ông cũng dành thời giờ cho bộ môn Hội Họa, đã qua các nước Pháp, Ý và châu Phi để vẽ phong cảnh. Winston Churchill bắt đầu một dự án lớn, đó là biên soạn bộ Lịch Sử Thế Chiến II gồm 6 cuốn, và bộ sách nói về các năm ông làm Thủ Tướng.

         Winston Churchill cũng nhận được nhiều danh dự. Ngày 3 tháng 1 năm 1950, Tạp Chí Time đã đưa hình ông lên bìa báo lần thứ 7, không những ông Churchill được gọi là "Nhân Vật Trong Năm" mà còn là "Nhân Vật của Thế Kỷ" (Man of the Century).

 Vua George VI Anh quốc        Sau vài năm cầm quyền, chính phủ của đảng Lao Động mất dần sức hậu thuẫn của dân chúng Anh. Vào tháng 10-1951, đảng Bảo Thủ thắng thế trong cuộc bầu cử và vào tuổi 77, Winston Churchill lại trở nên Thủ Tướng. Lúc này ông Churchill nhận thấy các kinh nghiệm của ông trong thời chiến đã không thích hợp với thời đại mới, nên ông đã phân quyền cho các nhân viên Nội Các là những người có nhiều khả năng, kể cả ông Anthony Eden. Winston Churchill chỉ lo tập trung năng lực vào các vấn đề ngoại vụ.

         Đầu năm 1952, Winston Churchill qua Hoa Kỳ, hội đàm với Tổng Thống Truman về các vấn đề quốc tế như cuộc chiến tranh tại Triều Tiên, các vấn đề Trung Đông, các khó khăn với Liên Xô, các nhu cầu trong quan hệ đồng minh Anh-Mỹ.

         Không lâu sau khi ông Churchill trở về nước Anh, Vua George VI băng hà. Qua làn sóng truyền thanh, Thủ Tướng Churchill đã truy điệu nhà Vua và trông chờ triều đại của Nữ Hoàng Elizabeth II. Nhưng chính vào lúc này, sức khỏe của ông Churchill cũng suy kém. Bà Clementine cho rằng ông Churchill nên về hưu sau khi chiến tranh chấm dứt. Nhiều nhân vật trong đảng Bảo Thủ cũng đồng ý với ý tưởng này. Nhưng ông Churchill vẫn còn ham hoạt động.

         Vào tháng 1 năm 1953, Winston Churchill dùng tầu qua thành phố New York để thăm viếng Tướng Dwight D. Eisenhower, nhân vật sẽ lên làm Tổng Thống Hoa Kỳ, rồi vào tháng 4 năm đó, ông chấp nhận đề nghị của Nữ Hoàng Elizabeth II phong cho ông chức Hiệp Sĩ (the Knight of the Garter). Đây là một trong các vinh dự lâu đời nhất của nước Anh và chỉ được trao tặng cho các nhà quý tộc, nhưng lần này lại thuộc về một người dân thường. Danh dự này khiến cho ông được gọi bằng Sir Winston Churchill, giống như Sir Winston đệ nhất, người cha của Hầu Tước Marlborough. Ngày 10-10-1953, Winston Churchill rất vui mừng khi hay tin ông được trao tặng Giải Thưởng Nobel về Văn Chương.

         Winston Churchill thường suy nghĩ về sự căng thẳng trong cuộc chiến tranh lạnh, giữa các quốc gia tây phương và khối Cộng Sản sau Thế Chiến II. Ông đề nghị cuộc họp mặt các vị nguyên thủ của Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Nga, nhưng Tổng Thống Eisenhower bác bỏ ý kiến mời lãnh tụ Liên Xô tới Hội Nghị Thượng Đỉnh họp trên đảo Bermuda. Từ cuộc họp cao cấp này, Tổ Chức Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương Nato (the North Atlantic Treaty Organization) đã ra đời.

         Vào buổi chiều ngày 30-3-1955, Winston Churchill đã mời ông Anthony Eden và vài nhân vật trong Nội Các tới Văn Phòng Thủ Tướng đặt tại số 10 đường Downing. Trong buổi họp này, ông Churchill đã nói: "Tôi sắp ra đi và ông Anthony sẽ thay thế tôi". Tối ngày 4-4-1955, Nữ Hoàng Elizabeth II đã tới thăm Winston Churchill. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Anh, một vị Vua hay Nữ Hoàng đã tôn vinh một người dân thường đến mức độ đó.

         Sau khi rời khỏi chức vụ Thủ Tướng, Winston Churchill còn được bầu lại vào Quốc Hội. Winston Churchill đã phục vụ Quốc Hội Anh từ năm 1901 tới 1922, rồi từ 1924 tới khi ông hồi hưu 40 năm về sau. Ông vẫn duy trì một thời khắc biểu rất bận rộn, gồm có vẽ tranh, đi du lịch và viết sách. Ông tiếp tục biên khảo bộ sách 4 cuốn "Lịch Sử các Dân Tộc nói tiếng Anh" (History of the English Speaking Peoples). Winston Churchill cũng chú ý tới Khoa Học và Kỹ Thuật. Khi viếng thăm Viện Kỹ Thuật MIT (The Massachusetts Institute of Technology) và gặp gỡ Giáo Sư Lindermann, Winston Churchill thấy rằng nước Anh đang thiếu một loại đại học cao cấp về ngành kỹ sư. Với sự giúp đỡ của các nhà doanh nghiệp Hoa Kỳ và Tổ Chức Ford, Winston Churchill đã thành lập nên Trường Khoa Học và Kỹ Thuật tại Đại Học Cambridge, hay Đại Học Churchill (Churchill College) vào tháng 10 năm 1959, và ông đã trồng cây khánh thành việc xây dựng ngôi trường này.

         Các danh dự vẫn tới với Winston Churchill. Ngoài Giải Thưởng Nobel lừng danh, Winston Churchill còn được Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle trao tặng Bội Tinh Giải Phóng (Croix de la Libération), một danh dự cao quý nhất của nước Pháp để vinh danh việc giúp đỡ của ông đối với lực lượng kháng chiến Pháp (the Free French Forces) trong Thế Chiến Thứ Hai. Ngày 9-4-1963, Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy đã tôn vinh Winston Churchill là Công Dân Danh Dự của Hoa Kỳ và ca tụng ông Churchill bằng câu "Trong các ngày đen tối khi nước Anh đứng cô đơn … ông Winston Churchill đã vận động Ngôn Ngữ Anh rồi gửi ra mặt trận".

         Vào đầu tháng 1 năm 1965, Winston Churchill bị tai biến mạch máu. Trong hai tuần lễ, nhiều lúc ông bị mê man, rồi ông qua đời vào sáng ngày 24-1-1965 ở tuổi 90.

         Ngày 30-1-1965, nước Anh đã cử hành lễ Quốc Táng cho Cựu Thủ Tướng Winston Churchill để ghi công và kính trọng một vị Anh Hùng của đất nước. Tang lễ được cử hành rất trọng thể tại Giáo Đường Saint Paul rồi quan tài được chở theo giòng sông Thames, đưa về Waterloo Station, trong khi trên không có các đoàn phi cơ thuộc Không Lực Hoàng Gia Anh bay theo. Di hài của Winston Churchill an nghỉ trong phần mộ gia đình thuộc khuôn viên nhà thờ Bladon, gần lâu đài Blenheim. Hàng triệu người trên toàn thế giới đã theo dõi buổi đại tang lễ qua màn ảnh vô tuyến truyền hình.

         Winston Churchill là một sử gia uyên bác. Các tác phẩm danh tiếng của ông gồm có các bộ sách: "Cuộc Khủng Hoảng Thế Giới" (The World Crisis, 4 cuốn, 1923-29), "Các năm đầu của tôi" (My Early Years, 1930), "Giòng họ Marlborough, 4 cuốn, 1933-38), "Thế Chiến Thứ Hai" (6 cuốn, 1948-53) và "Lịch sử của các Dân Tộc nói tiếng Anh" (A History of the English Speaking Peoples, 4 cuốn, 1956-58).

         Winston Churchill là một chiến sĩ, một chính khách, một sử gia, một nghệ sĩ và cũng là một bậc Vĩ Nhân xuất sắc trong Lịch Sử của nước Anh với các đức tính cương quyết trong Chiến Tranh, cao thượng khi Chiến Thắng và đầy thiện chí trong Hòa Bình./.

 

 

Bài đọc thêm:

http://www.churchill-society-london.org.uk/1939Cal.html

http://nobelprize.org/literature/laureates/1953/churchill-bio.html

 

** Bài diễn văn của Churchill tại Missouri, khởi đầu cuộc chiến tranh lạnh

trích từ http://history1900s.about.com/library/weekly/aa082400a.htm

March 5, 1946
Westminster College, Fulton, Missouri

 

I am glad to come to Westminster College this afternoon, and am complimented that you should give me a degree. The name "Westminster" is somehow familiar to me. I seem to have heard of it before. Indeed, it was at Westminster that I received a very large part of my education in politics, dialectic, rhetoric, and one or two other things. In fact we have both been educated at the same, or similar, or, at any rate, kindred establishments.

It is also an honour, perhaps almost unique, for a private visitor to be introduced to an academic audience by the President of the United States. Amid his heavy burdens, duties, and responsibilities - unsought but not recoiled from - the President has travelled a thousand miles to dignify and magnify our meeting here to-day and to give me an opportunity of addressing this kindred nation, as well as my own countrymen across the ocean, and perhaps some other countries too. The President has told you that it is his wish, as I am sure it is yours, that I should have full liberty to give my true and faithful counsel in these anxious and baffling times. I shall certainly avail myself of this freedom, and feel the more right to do so because any private ambitions I may have cherished in my younger days have been satisfied beyond my wildest dreams. Let me, however, make it clear that I have no official mission or status of any kind, and that I speak only for myself. There is nothing here but what you see.

I can therefore allow my mind, with the experience of a lifetime, to play over the problems which beset us on the morrow of our absolute victory in arms, and to try to make sure with what strength I have that what has been gained with so much sacrifice and suffering shall be preserved for the future glory and safety of mankind.

The United States stands at this time at the pinnacle of world power. It is a solemn moment for the American Democracy. For with primacy in power is also joined an awe-inspiring accountability to the future. If you look around you, you must feel not only the sense of duty done but also you must feel anxiety lest you fall below the level of achievement. Opportunity is here now, clear and shining for both our countries. To reject it or ignore it or fritter it away will bring upon us all the long reproaches of the after-time. It is necessary that constancy of mind, persistency of purpose, and the grand simplicity of decision shall guide and rule the conduct of the English-speaking peoples in peace as they did in war. We must, and I believe we shall, prove ourselves equal to this severe requirement.

When American military men approach some serious situation they are wont to write at the head of their directive the words "over-all strategic concept." There is wisdom in this, as it leads to clarity of thought. What then is the over-all strategic concept which we should inscribe today? It is nothing less than the safety and welfare, the freedom and progress, of all the homes and families of all the men and women in all the lands. And here I speak particularly of the myriad cottage or apartment homes where the wage-earner strives amid the accidents and difficulties of life to guard his wife and children from privation and bring the family up in the fear of the Lord, or upon ethical conceptions which often play their potent part.

To give security to these countless homes, they must be shielded from the two giant marauders, war and tyranny. We all know the frightful disturbances in which the ordinary family is plunged when the curse of war swoops down upon the bread-winner and those for whom he works and contrives. The awful ruin of Europe, with all its vanished glories, and of large parts of Asia glares us in the eyes. When the designs of wicked men or the aggressive urge of mighty States dissolve over large areas the frame of civilised society, humble folk are confronted with difficulties with which they cannot cope. For them all is distorted, all is broken, even ground to pulp.

When I stand here this quiet afternoon I shudder to visualise what is actually happening to millions now and what is going to happen in this period when famine stalks the earth. None can compute what has been called "the unestimated sum of human pain." Our supreme task and duty is to guard the homes of the common people from the horrors and miseries of another war. We are all agreed on that.

Our American military colleagues, after having proclaimed their "over-all strategic concept" and computed available resources, always proceed to the next step - namely, the method. Here again there is widespread agreement. A world organisation has already been erected for the prime purpose of preventing war, UNO, the successor of the League of Nations, with the decisive addition of the United States and all that that means, is already at work. We must make sure that its work is fruitful, that it is a reality and not a sham, that it is a force for action, and not merely a frothing of words, that it is a true temple of peace in which the shields of many nations can some day be hung up, and not merely a cockpit in a Tower of Babel. Before we cast away the solid assurances of national armaments for self-preservation we must be certain that our temple is built, not upon shifting sands or quagmires, but upon the rock. Anyone can see with his eyes open that our path will be difficult and also long, but if we persevere together as we did in the two world wars - though not, alas, in the interval between them - I cannot doubt that we shall achieve our common purpose in the end.

I have, however, a definite and practical proposal to make for action. Courts and magistrates may be set up but they cannot function without sheriffs and constables. The United Nations Organisation must immediately begin to be equipped with an international armed force. In such a matter we can only go step by step, but we must begin now. I propose that each of the Powers and States should be invited to delegate a certain number of air squadrons to the service of the world organisation. These squadrons would be trained and prepared in their own countries, but would move around in rotation from one country to another. They would wear the uniform of their own countries but with different badges. They would not be required to act against their own nation, but in other respects they would be directed by the world organisation. This might be started on a modest scale and would grow as confidence grew. I wished to see this done after the first world war, and I devoutly trust it may be done forthwith.

It would nevertheless be wrong and imprudent to entrust the secret knowledge or experience of the atomic bomb, which the United States, Great Britain, and Canada now share, to the world organisation, while it is still in its infancy. It would be criminal madness to cast it adrift in this still agitated and un-united world. No one in any country has slept less well in their beds because this knowledge and the method and the raw materials to apply it, are at present largely retained in American hands. I do not believe we should all have slept so soundly had the positions been reversed and if some Communist or neo-Fascist State monopolised for the time being these dread agencies. The fear of them alone might easily have been used to enforce totalitarian systems upon the free democratic world, with consequences appalling to human imagination. God has willed that this shall not be and we have at least a breathing space to set our house in order before this peril has to be encountered: and even then, if no effort is spared, we should still possess so formidable a superiority as to impose effective deterrents upon its employment, or threat of employment, by others. Ultimately, when the essential brotherhood of man is truly embodied and expressed in a world organisation with all the necessary practical safeguards to make it effective, these powers would naturally be confided to that world organisation.

Now I come to the second danger of these two marauders which threatens the cottage, the home, and the ordinary people - namely, tyranny. We cannot be blind to the fact that the liberties enjoyed by individual citizens throughout the British Empire are not valid in a considerable number of countries, some of which are very powerful. In these States control is enforced upon the common people by various kinds of all-embracing police governments. The power of the State is exercised without restraint, either by dictators or by compact oligarchies operating through a privileged party and a political police. It is not our duty at this time when difficulties are so numerous to interfere forcibly in the internal affairs of countries which we have not conquered in war. But we must never cease to proclaim in fearless tones the great principles of freedom and the rights of man which are the joint inheritance of the English-speaking world and which through Magna Carta, the Bill of Rights, the Habeas Corpus, trial by jury, and the English common law find their most famous expression in the American Declaration of Independence.

All this means that the people of any country have the right, and should have the power by constitutional action, by free unfettered elections, with secret ballot, to choose or change the character or form of government under which they dwell; that freedom of speech and thought should reign; that courts of justice, independent of the executive, unbiased by any party, should administer laws which have received the broad assent of large majorities or are consecrated by time and custom. Here are the title deeds of freedom which should lie in every cottage home. Here is the message of the British and American peoples to mankind. Let us preach what we practise - let us practise what we preach.

I have now stated the two great dangers which menace the homes of the people: War and Tyranny. I have not yet spoken of poverty and privation which are in many cases the prevailing anxiety. But if the dangers of war and tyranny are removed, there is no doubt that science and co-operation can bring in the next few years to the world, certainly in the next few decades newly taught in the sharpening school of war, an expansion of material well-being beyond anything that has yet occurred in human experience. Now, at this sad and breathless moment, we are plunged in the hunger and distress which are the aftermath of our stupendous struggle; but this will pass and may pass quickly, and there is no reason except human folly of sub-human crime which should deny to all the nations the inauguration and enjoyment of an age of plenty. I have often used words which I learned fifty years ago from a great Irish-American orator, a friend of mine, Mr. Bourke Cockran. "There is enough for all. The earth is a generous mother; she will provide in plentiful abundance food for all her children if they will but cultivate her soil in justice and in peace." So far I feel that we are in full agreement.

Now, while still pursuing the method of realising our overall strategic concept, I come to the crux of what I have travelled here to say. Neither the sure prevention of war, nor the continuous rise of world organisation will be gained without what I have called the fraternal association of the English-speaking peoples. This means a special relationship between the British Commonwealth and Empire and the United States. This is no time for generalities, and I will venture to be precise. Fraternal association requires not only the growing friendship and mutual understanding between our two vast but kindred systems of society, but the continuance of the intimate relationship between our military advisers, leading to common study of potential dangers, the similarity of weapons and manuals of instructions, and to the interchange of officers and cadets at technical colleges. It should carry with it the continuance of the present facilities for mutual security by the joint use of all Naval and Air Force bases in the possession of either country all over the world. This would perhaps double the mobility of the American Navy and Air Force. It would greatly expand that of the British Empire Forces and it might well lead, if and as the world calms down, to important financial savings. Already we use together a large number of islands; more may well be entrusted to our joint care in the near future.

The United States has already a Permanent Defence Agreement with the Dominion of Canada, which is so devotedly attached to the British Commonwealth and Empire. This Agreement is more effective than many of those which have often been made under formal alliances. This principle should be extended to all British Commonwealths with full reciprocity. Thus, whatever happens, and thus only, shall we be secure ourselves and able to work together for the high and simple causes that are dear to us and bode no ill to any. Eventually there may come - I feel eventually there will come - the principle of common citizenship, but that we may be content to leave to destiny, whose outstretched arm many of us can already clearly see.

There is however an important question we must ask ourselves. Would a special relationship between the United States and the British Commonwealth be inconsistent with our over-riding loyalties to the World Organisation? I reply that, on the contrary, it is probably the only means by which that organisation will achieve its full stature and strength. There are already the special United States relations with Canada which I have just mentioned, and there are the special relations between the United States and the South American Republics. We British have our twenty years Treaty of Collaboration and Mutual Assistance with Soviet Russia. I agree with Mr. Bevin, the Foreign Secretary of Great Britain, that it might well be a fifty years Treaty so far as we are concerned. We aim at nothing but mutual assistance and collaboration. The British have an alliance with Portugal unbroken since 1384, and which produced fruitful results at critical moments in the late war. None of these clash with the general interest of a world agreement, or a world organisation; on the contrary they help it. "In my father's house are many mansions." Special associations between members of the United Nations which have no aggressive point against any other country, which harbour no design incompatible with the Charter of the United Nations, far from being harmful, are beneficial and, as I believe, indispensable.

I spoke earlier of the Temple of Peace. Workmen from all countries must build that temple. If two of the workmen know each other particularly well and are old friends, if their families are inter-mingled, and if they have "faith in each other's purpose, hope in each other's future and charity towards each other's shortcomings" - to quote some good words I read here the other day - why cannot they work together at the common task as friends and partners? Why cannot they share their tools and thus increase each other's working powers? Indeed they must do so or else the temple may not be built, or, being built, it may collapse, and we shall all be proved again unteachable and have to go and try to learn again for a third time in a school of war, incomparably more rigorous than that from which we have just been released. The dark ages may return, the Stone Age may return on the gleaming wings of science, and what might now shower immeasurable material blessings upon mankind, may even bring about its total destruction. Beware, I say; time may be short. Do not let us take the course of allowing events to drift along until it is too late. If there is to be a fraternal association of the kind I have described, with all the extra strength and security which both our countries can derive from it, let us make sure that that great fact is known to the world, and that it plays its part in steadying and stabilising the foundations of peace. There is the path of wisdom. Prevention is better than cure.

A shadow has fallen upon the scenes so lately lighted by the Allied victory. Nobody knows what Soviet Russia and its Communist international organisation intends to do in the immediate future, or what are the limits, if any, to their expansive and proselytising tendencies. I have a strong admiration and regard for the valiant Russian people and for my wartime comrade, Marshal Stalin. There is deep sympathy and goodwill in Britain - and I doubt not here also - towards the peoples of all the Russias and a resolve to persevere through many differences and rebuffs in establishing lasting friendships. We understand the Russian need to be secure on her western frontiers by the removal of all possibility of German aggression. We welcome Russia to her rightful place among the leading nations of the world. We welcome her flag upon the seas. Above all, we welcome constant, frequent and growing contacts between the Russian people and our own people on both sides of the Atlantic. It is my duty however, for I am sure you would wish me to state the facts as I see them to you, to place before you certain facts about the present position in Europe.

From Stettin in the Baltic to Trieste in the Adriatic, an iron curtain has descended across the Continent. Behind that line lie all the capitals of the ancient states of Central and Eastern Europe. Warsaw, Berlin, Prague, Vienna, Budapest, Belgrade, Bucharest and Sofia, all these famous cities and the populations around them lie in what I must call the Soviet sphere, and all are subject in one form or another, not only to Soviet influence but to a very high and, in many cases, increasing measure of control from Moscow. Athens alone - Greece with its immortal glories - is free to decide its future at an election under British, American and French observation. The Russian-dominated Polish Government has been encouraged to make enormous and wrongful inroads upon Germany, and mass expulsions of millions of Germans on a scale grievous and undreamed-of are now taking place. The Communist parties, which were very small in all these Eastern States of Europe, have been raised to pre-eminence and power far beyond their numbers and are seeking everywhere to obtain totalitarian control. Police governments are prevailing in nearly every case, and so far, except in Czechoslovakia, there is no true democracy.

Turkey and Persia are both profoundly alarmed and disturbed at the claims which are being made upon them and at the pressure being exerted by the Moscow Government. An attempt is being made by the Russians in Berlin to build up a quasi-Communist party in their zone of Occupied Germany by showing special favours to groups of left-wing German leaders. At the end of the fighting last June, the American and British Armies withdrew westwards, in accordance with an earlier agreement, to a depth at some points of 150 miles upon a front of nearly four hundred miles, in order to allow our Russian allies to occupy this vast expanse of territory which the Western Democracies had conquered.

If now the Soviet Government tries, by separate action, to build up a pro-Communist Germany in their areas, this will cause new serious difficulties in the British and American zones, and will give the defeated Germans the power of putting themselves up to auction between the Soviets and the Western Democracies. Whatever conclusions may be drawn from these facts - and facts they are - this is certainly not the Liberated Europe we fought to build up. Nor is it one which contains the essentials of permanent peace.

The safety of the world requires a new unity in Europe, from which no nation should be permanently outcast. It is from the quarrels of the strong parent races in Europe that the world wars we have witnessed, or which occurred in former times, have sprung. Twice in our own lifetime we have seen the United States, against their wishes and their traditions, against arguments, the force of which it is impossible not to comprehend, drawn by irresistible forces, into these wars in time to secure the victory of the good cause, but only after frightful slaughter and devastation had occurred. Twice the United States has had to send several millions of its young men across the Atlantic to find the war; but now war can find any nation, wherever it may dwell between dusk and dawn. Surely we should work with conscious purpose for a grand pacification of Europe, within the structure of the United Nations and in accordance with its Charter. That I feel is an open cause of policy of very great importance.

In front of the iron curtain which lies across Europe are other causes for anxiety. In Italy the Communist Party is seriously hampered by having to support the Communist-trained Marshal Tito's claims to former Italian territory at the head of the Adriatic. Nevertheless the future of Italy hangs in the balance. Again one cannot imagine a regenerated Europe without a strong France. All my public life I have worked for a strong France and I never lost faith in her destiny, even in the darkest hours. I will not lose faith now. However, in a great number of countries, far from the Russian frontiers and throughout the world, Communist fifth columns are established and work in complete unity and absolute obedience to the directions they receive from the Communist centre. Except in the British Commonwealth and in the United States where Communism is in its infancy, the Communist parties or fifth columns constitute a growing challenge and peril to Christian civilisation. These are sombre facts for anyone to have to recite on the morrow of a victory gained by so much splendid comradeship in arms and in the cause of freedom and democracy; but we should be most unwise not to face them squarely while time remains.

The outlook is also anxious in the Far East and especially in Manchuria. The Agreement which was made at Yalta, to which I was a party, was extremely favourable to Soviet Russia, but it was made at a time when no one could say that the German war might not extend all through the summer and autumn of 1945 and when the Japanese war was expected to last for a further 18 months from the end of the German war. In this country you are all so well-informed about the Far East, and such devoted friends of China, that I do not need to expatiate on the situation there.

I have felt bound to portray the shadow which, alike in the west and in the east, falls upon the world. I was a high minister at the time of the Versailles Treaty and a close friend of Mr. Lloyd-George, who was the head of the British delegation at Versailles. I did not myself agree with many things that were done, but I have a very strong impression in my mind of that situation, and I find it painful to contrast it with that which prevails now. In those days there were high hopes and unbounded confidence that the wars were over, and that the League of Nations would become all-powerful. I do not see or feel that same confidence or even the same hopes in the haggard world at the present time.

On the other hand I repulse the idea that a new war is inevitable; still more that it is imminent. It is because I am sure that our fortunes are still in our own hands and that we hold the power to save the future, that I feel the duty to speak out now that I have the occasion and the opportunity to do so. I do not believe that Soviet Russia desires war. What they desire is the fruits of war and the indefinite expansion of their power and doctrines. But what we have to consider here to-day while time remains, is the permanent prevention of war and the establishment of conditions of freedom and democracy as rapidly as possible in all countries. Our difficulties and dangers will not be removed by closing our eyes to them. They will not be removed by mere waiting to see what happens; nor will they be removed by a policy of appeasement. What is needed is a settlement, and the longer this is delayed, the more difficult it will be and the greater our dangers will become.

From what I have seen of our Russian friends and Allies during the war, I am convinced that there is nothing they admire so much as strength, and there is nothing for which they have less respect than for weakness, especially military weakness. For that reason the old doctrine of a balance of power is unsound. We cannot afford, if we can help it, to work on narrow margins, offering temptations to a trial of strength. If the Western Democracies stand together in strict adherence to the principles of the United Nations Charter, their influence for furthering those principles will be immense and no one is likely to molest them. If however they become divided or falter in their duty and if these all-important years are allowed to slip away then indeed catastrophe may overwhelm us all.

Last time I saw it all coming and cried aloud to my own fellow-countrymen and to the world, but no one paid any attention. Up till the year 1933 or even 1935, Germany might have been saved from the awful fate which has overtaken her and we might all have been spared the miseries Hitler let loose upon mankind. There never was a war in all history easier to prevent by timely action than the one which has just desolated such great areas of the globe. It could have been prevented in my belief without the firing of a single shot, and Germany might be powerful, prosperous and honoured to-day; but no one would listen and one by one we were all sucked into the awful whirlpool. We surely must not let that happen again. This can only be achieved by reaching now, in 1946, a good understanding on all points with Russia under the general authority of the United Nations Organisation and by the maintenance of that good understanding through many peaceful years, by the world instrument, supported by the whole strength of the English-speaking world and all its connections. There is the solution which I respectfully offer to you in this Address to which I have given the title "The Sinews of Peace."

Let no man underrate the abiding power of the British Empire and Commonwealth. Because you see the 46 millions in our island harassed about their food supply, of which they only grow one half, even in war-time, or because we have difficulty in restarting our industries and export trade after six years of passionate war effort, do not suppose that we shall not come through these dark years of privation as we have come through the glorious years of agony, or that half a century from now, you will not see 70 or 80 millions of Britons spread about the world and united in defence of our traditions, our way of life, and of the world causes which you and we espouse. If the population of the English-speaking Commonwealths be added to that of the United States with all that such co-operation implies in the air, on the sea, all over the globe and in science and in industry, and in moral force, there will be no quivering, precarious balance of power to offer its temptation to ambition or adventure. On the contrary, there will be an overwhelming assurance of security. If we adhere faithfully to the Charter of the United Nations and walk forward in sedate and sober strength seeking no one's land or treasure, seeking to lay no arbitrary control upon the thoughts of men; if all British moral and material forces and convictions are joined with your own in fraternal association, the high-roads of the future will be clear, not only for us but for all, not only for our time, but for a century to come.

 

© http://vietsciences.net   và  http://vietsciences.free.fr Phạm Văn Tuấn