Andrei Dmitrievich Sakharov chào đời ngày 21/5/1921 tại thành phố Moscow, nước Nga. Ông Sakharov là một nhà vật lý hạch tâm, một nhân vật can đảm tranh đấu cho nhân quyền, đòi hỏi các tự do dân sự (civil liberties) cũng như các cải tiến tại Liên Xô. Vào tháng 12 năm 1975, ông Andrei D. Sakharov được trao tặng Giải Thưởng Nobel Hòa Bình (the Nobel Prize for Peace) vì các công trình hoạt động của ông trong nhiều năm trường.
Ông Sakharov là con trai của một giáo sư vật lý rất danh tiếng và tác giả của các sách giáo khoa, các công trình khoa học thực dụng. Ông Sakharov cha lại còn là một nhạc sĩ dương cầm có tài, thường hay trình diễn các nhạc phẩm của Chopin, Grieg, Beethoven và Scriabin. Trong thời kỳ nội chiến tại nước Nga, ông Sakharov cha đã kiếm sống bằng nghề đánh đàn để ghép tiếng nhạc vào các phim ảnh câm bởi vì vào thời đại đó, kỹ thuật điện ảnh chưa đủ tiến bộ. Từ nhỏ, cậu Sakharov lớn lên trong một khu nhà tập thể với nhiều bà con sinh sống bên trong và từ một gia đình có truyền thống tôn trọng tài năng chuyên môn, ưa chuộng văn chương và khoa học.
Vào thời niên thiếu, cậu
Sakharov còn chịu ảnh hưởng sâu
đậm của bà nội, bà Maria
Petrovna. Cụ bà Petrovna qua đời
vào tuổi 79, trước thời kỳ Thế
Chiến Thứ Nhất nhưng bà cụ đã có
công gây dựng được 6 người con
thành tài. Lúc tuổi 50, bà cụ
Petrovna đã tự học tiếng Anh rồi
đọc các cuốn truyện của Dickens,
Marlowe, Beecher-Stowe hay
Puskin, sau đó kể lại nhiều câu
chuyện cho các con cháu nghe.
Nhờ ảnh hưởng tốt của gia đình,
Andrei D. Sakharov đã sớm trở
thành một học sinh xuất sắc về
khoa học. Vào năm 1938 khi mới
17 tuổi, Sakharov được nhận vào
Phân Khoa Vật Lý của trường Đại
Học Moscow và sau này đậu văn
bằng Tiến Sĩ năm 26 tuổi.
Năm 1942 khi chiến tranh lan tràn tới gần thành phố Moscow, Andrei Sakharov phải di tản về miền Ashkhabad, làm việc tại Kovrov và ông đã tiếp xúc với các công nhân và nông dân nên hiểu rõ các gian khổ của họ. Từ tháng 9 năm 1942 đến năm 1945, ông Sakharov được phái đi làm việc trong một cơ xưởng lớn sản xuất đạn dược nằm bên bờ sông Volga, với chức vụ kỹ sư và nhà phát minh. Trong thời gian này, ông đã thực hiện được một số phát minh rồi vào năm 1944, đã viết vài bài khảo cứu về lý thuyết vật lý để gửi tới các viện nghiên cứu tại Moscow.
Qua năm 1945, ông Sakharov theo học chương trình Tiến Sĩ tại Viện Lebedev, đây là Phân Khoa Vật Lý của Hàn Lâm Viện Khoa Học Liên Xô (the Academy of Sciences of the USSR), với vị thầy là nhà vật lý lý thuyết danh tiếng Igor Yevgenyevich Tamm (1895-1971). Nhà bác học Igor Y. Tamm sau này trở thành Viện Sĩ của Hàn Lâm Viện Khoa Học Liên Xô kể trên và cũng là một trong ba nhân vật lãnh Giải Thưởng Nobel về Vật Lý vào năm 1958, hai vị kia là các nhà bác học Pavel A. Cherenkov và Ilya M. Frank.
Năm 1947, ông Andrei D. Sakharov
bảo vệ luận án Tiến Sĩ về Vật Lý
Hạch Tâm (nuclear physics) rồi
qua năm sau, 1948, được mời tham
gia vào nhóm các nhà nghiên cứu
khoa học mà nhiệm vụ của họ là
làm phát triển các võ khí nguyên
tử, với vị đứng đầu nhóm là ông
Igor Y. Tamm . Từ đầu năm
1950, nhà bác học Igor Y. Tamm
(giải Nobel Vật lý) cùng với
Tiến Sĩ Andrei D. Sakharov và
nhóm chuyên gia, đã nghiên cứu
và thử nghiệm các phản ứng nhiệt
hạch tâm có kiểm soát
(controlled thermonuclear
reaction), rồi sau đó chế tạo
các máy phát từ khổng lồ
(magnetic generators), nhờ đó đã
đạt được một kỷ lục về từ trường
mạnh tới 25 triệu gauss. Năm
1949 một nhóm nhà nghiên cứu
phát triển bom nguyên tử
(4 năm sau Hoa Kỳ) và phát minh
ra bom Hydrogen năm 1953.
Trong vòng 20 năm, ông Sakharov đã làm việc trong các điều kiện an ninh tuyệt đối, dưới các căng thẳng lớn, đầu tiên tại khu vực thành phố Moscow rồi về sau tại một trung tâm nghiên cứu bí mật. Các công trình nghiên cứu xuất sắc của ông Sakharov về khí động học của chất khí (gas dynamics), sự hạn chế từ tính của các hạt chứa điện tích (magnetic confinement of charged particles) cũng như các vấn đề chính yếu trong công trình chế tạo bom khinh khí (hydrogen bomb), lần đầu tiên được thử vào tháng 8 năm 1953. Do những đóng góp lớn lao này, ông Sakharov được bầu làm Viện Sĩ của Hàn Lâm Viện Khoa Học Liên Xô năm 32 tuổi, cũng như được trao tặng nhiều danh dự và thụ hưởng các đặc quyền, đặc lợi khác.
Nikita Khrushchev và Kennedy
![]() |
![]() |
Pauling |
Schweitzer |
Vào thời gian đầu của thập niên 1950, ông Sakharov cũng như nhiều nhà bác học Liên Xô khác, đã say sưa với tầm quan trọng của công trình võ khí nguyên tử, tin tưởng rằng nhờ chương trình này mà có sự cân bằng thế lực trên thế giới, giữa hai khối tư bản và cộng sản, nhưng qua giữa thập niên, dưới ảnh hường của bác sĩ Schweitzer và nhà khoa học Linus Pauling (1), ông bắt đầu suy nghĩ tới các nguy hiểm do các vụ nổ nguyên tử gây ra, lo lắng về các phóng xạ từ trái bom khinh khí 100-megaton nổ trong không trung, rơi xuống nhiều miền đất rộng lớn, gây ra tai họa cho nhân loại và môi trường thiên nhiên. Ông vạch rõ những nguy hại của chất phóng xạ và mong thuyết phục nhà cầm quyền Liên Xô bãi bỏ loạt thử nghiệm:
- Tại một buổi họp trong Điện Kremlin vào năm 1961, ông Sakharov đã chuyển tới vị Tổng Bí Thư Nikita Khrushchev một bản viết chỉ trích việc tiếp tục các thí nghiệm võ khí hạch tâm.
- Ông Sakharov đã vận động thành công việc chống đối và vạch trần các chủ thuyết giả mạo (spurious doctrines) của nhà sinh học đầy thế lực Trofim Denisovich Lysenko (1898-1976).
- Ông đã quan tâm tới các vấn đề sinh học (biological) cũng như đạo đức (moral) do bởi các thử nghiệm hạch tâm kể trên, rồi kể từ năm 1967, ông đã báo động cho nhiều người khác biết rõ các tai họa sẽ xẩy ra.
Trong bài luận văn viết vào năm 1968 với nhan đề là "Suy Nghĩ về Tiến Bộ, Cùng Sống trong Hòa Bình và Tự Do Trí Tuệ" (Reflections on Progress, Peaceful Coexistence, and Intellectual Freedom), ông Sakharov đã biện hộ việc giảm bớt căng thẳng (détente) giữa hai khối đối nghịch Đông và Tây và kêu gọi cách hội tụ của hai hệ thống tư bản và xã hội chủ nghĩa. Bài luận văn kể trên đã được phổ biến trong vòng bí mật bởi hệ thống lưu truyền "samizdat" bên trong Liên Xô và được dịch sang nhiều thứ tiếng tại các nước bên ngoài Liên Xô. Sự việc này đã khiến cho ông Sakharov bị chấm dứt các công tác liên quan đến quân sự và bị tước hết các đặc quyền, đặc lợi của giai cấp "Nomenclatura", tức là giai cấp hưởng quyền lợi cao nhất của đất nước để trở về lại Viện Vật lý, với đồng lương thấp. Vợ ông mất. .
Bài luận văn kể trên của ông Sakharov đã là một khúc quanh quan trọng đối với tương lai của ông, bởi vì trên khắp thế giới, mọi người đã chú ý đến các quan điểm của ông, trong khi tại Liên Xô, người ta lại coi các suy nghĩ này là ngây thơ hay võ đoán.
Từ năm 1970, ông Andrei D. Sakharov cùng với hai đồng nghiệp là ông Valery Chalidze và Andrei Tverdokhlebov, sáng lập ra Ủy Ban Nhân Quyền (the Committee for Human Rights) và công tác của Ủy Ban này là việc vận động cho các tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tôn giáo và tự do di cư (freedoms of speech, assembly, worship and emigration), tất cả các tự do này đã được Hiến Pháp của Liên Xô bảo đảm nhưng trên thực tế, lại bị từ chối. Ông Sakharov thường hay ký tên vào các bản thỉnh nguyện, tham dự các buổi xét xử các người bất đồng chính kiến (dissidents) bị kết tội một cách bất công, tổ chức các buổi họp báo với các phóng viên nước ngoài để công bố các hành động lạm dụng của chính quyền và đôi khi ông Sakharov cũng tuyệt thực để phản đối nhà cầm quyền. Và chính tại đây, ông gặp Elena Bonner, một nhà hoạt động nhân quyền và kết hôn với bà năm 1971.
Các hoạt động vì nhân quyền, các phản đối trước nhiều vụ đàn áp chính trị trong xứ, trước các liên lạc thù nghịch của Liên Xô đối với các nước ngoài, đã khiến cho các công an, mật vụ thường xuyên kiểm duyệt và xách nhiễu hai ông bà Sakharov. Hai ông bà đã bị cô lập tại nơi cư ngụ, gặp rất nhiều khó khăn địa phương. Qua năm 1973, giới truyền thông Liên Xô đã tấn công ông bà Sakharov, coi hai nhân vật này là bất trung đối với đất nước nhưng vào tháng 10 năm 1975, ông Andrei D. Sakharov được trao tặng Giải Thưởng Nobel Hòa Bình (the Nobel Peace Prize).
Trong lúc giải Nobel gọi ông là "lương tâm của loài người" và bảo rằng "ông đã chiến đấu không những chống lại sự lạm quyền và những vi phạm nhân phẩm con người dưới mọi hình thức, mà còn phải tranh đấu cho lý tưởng của một quốc gia căn cứ trên nguyên tắc của công lý cho mọi người", ngay lúc đó, chính quyền Liên Xô gọi ông là "Judas" và "con chuột của phòng thí nghiệm miền Tây".
Họ từ chối, không cho phép ông Sakharov đi Oslo, Na Uy, nhận Giải Thưởng, lấy cớ là ông đã biết quá nhiều các bí mật quốc gia khi nghiên cứu khoa học cho giới quân sự. Vợ ông lúc đó đang ở Ý để mổ mắt, mới ghé qua Oslo để đọc bài diễn văn nhận giải của ông, trong đó ông nhấn mạnh sự tôn trọng nhân quyền là chìa khóa của sự vững bền, phát triển và hòa bình thế giới. Năm năm tiếp theo sau giải Nobel, nhân quyền cũng chẳng tiến triển gì thêm. Cũng vào thời gian này, ông Sakharov chịu đau khổ bởi vì hai người bạn thân của ông là Sergei Kovalev bị kết án tù 7 năm và 3 năm lưu đầy và chính ông Andrei Tverdokhlebov cũng bị xét xử bất công.
![]() |
![]() |
![]() |
Tại Gorky |
Tại Gorky |
Sakharov đã phản đối cuộc xâm lăng Afghanistan |
Vào tháng 12/1979, ông Sakharov đã phản đối cuộc xâm lăng Afghanistan của Liên Xô và kêu gọi mọi người hãy tẩy chay Thế Vận Hội tổ chức tại thành phố Moscow (the Moscow Olympic Games). Điện Kreimlin trả lời thật nhanh chóng:
Tình báo bắt Sakhorov và Yelena Bonner lúc họ đang đi trên đường ở thành phố Moscow ngày 22 tháng 01 /1980 và ông bị lưu đày tại Gorky cùng ngày (bây giờ là Nizhniy Novgorod), một thành phố kỹ nghệ cách Moscow 250 dặm về phía Đông, xa hẳn tầm của các ký giả ngoại quốc. Mặc dù sức khỏe suy yếu và bị kiểm tra chặc chẽ của mật vụ KGB, ông Sakharov vẫn viết hồi ký và gửi ra nước ngoài các bức thư vận động cho nhân quyền. Vợ ông trở thành sợi dây liên lạc của ông với thế giới bên ngoài, là người mang về Moscow và mang ra ngoại quốc những bài phát biểu của ông về những lối thoát quan trọng của chính trị, trong số đó có "Sự hiểm nguy của chiến tranh nhiệt hạch" (Ngoại vụ, Hè năm 1983), về sự chống án của ông cho nửa số tù nhân và phần lớn của Hồi ký của ông. Sakharov viết lại phần lớn của tiểu sử mình ba lần, hơn ngàn trang để bù vô những phần đã bị cơ quan tình báo đánh cắp
Ông nhất quyết
đòi chính quyền cho phép vợ ông
qua Âu châu để khám tim bằng
hai lần tuyệt thực, năm
1984-1985. Năm 1981 Sakharov và
vợ cùng tuyệt thực để xin cho
con dâu qua Mỹ sum họp với con
trai bà Bonner. Cũng năm
1881, Sakharov bị ép buộc phải
nhập viện và bị cấm tiếp xúc với
vợ ông. Lúc bấy giờ những tin
tức lọt qua Tây âu toàn là những
tin ông chết, có khi thì tin ông
bị uống thuốc tẩy não... nhưng
tinh thần của ông vẫn vững. Năm
1985, để làm cảm kích dư luận
công chúng Tây âu, cuộc họp
thượng đỉnh giữa Ronald
Reagan, Mikhail Gorbachev
đã cho phép bà Bonner du lịch
sang Hoa Kỳ. Sau cuộc giải phẫu
tim, bà trở về với chồng nơi xứ
lưu đày cho tới ngày 16 tháng 12
năm 1886 bỗng dưng điện thoại
phòng họ reo và Gorbachev gọi
điện thoại mời Sakharov trở về
Moscow để hoàn thành "nghĩa vụ
công dân". Lúc trở về, khi thì
miễn cưỡng, khi thì lúng túng
nhưng ông luôn luôn can đảm,
liêm chính, sáng suốt và đầy
tình thương. Là một phát
ngôn viên cho dân chủ, ông đã
làm trách nhiệm người công dân.
Ông được bầu vào Đoàn chủ tịch
Hàn lâm viện Khoa học (the
Presidium of the Academy of
Science), và
Hội
Đồng Đại Biểu Nhân Dân (the
Congress of People's Deputies),
và được bổ nhiệm làm thành viên
của chính quyền để
dự thảo
một hiến pháp xô viết mới. Ông
làm thanh tra quốc gia (ombudsman),
kiểm tra những việc làm
của cơ quan nhà nước vi phạm đến
quyền lợi của cá nhân,
đi khắp liên bang Xô viết để trợ
giúp những người đau khổ vì bị
nhà nước lạm dụng
Năm 1988 Quốc hội Âu châu (Parlement européen) theo tinh thần của Sakharov đã lập ra một giải thưởng để vinh danh cá nhân, tổ chức hay đoàn thể đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát huy nhân quyền và các quyền căn bản của con người, trong sự tranh đấu cho tự do tư tưởng chống lại mọi áp bức cùng bất công. Giải thưởng này mang tên ông. Khi nghe tin này, ông rất vui.
Tháng 6 năm 1989, tại kỳ họp đầu tiên của Hội Đồng Đại Biểu Nhân Dân, Sakharov kêu gọi sự cải cách triệt để hệ thống xô viết và chấm dứt sự độc tài của Đảng Cộng sản. Vài ngày trước khi mất, ông hoàn tất dự thảo cho hiến pháp mới cho Cộng hòa liên bang Xô viết của Âu châu và Á châu (Union of Soviet Republics of Europe and Asia)
Ông Andrei D. Sakharov qua đời vào ngày 14 tháng 12 năm 1989 tại Moscow vì bị cơn đau tim và đã được an táng theo quốc lễ. Tập Hồi Ký của ông Sakharov được Richard Lourie dịch sang tiếng Anh và xuất bản vào năm 1990.
Nhiều người dân Liên Xô rất thương tiếc ông Andrei D. Sakharov bởi vì sự quá vãng của ông đã để lại một khoảng trống to lớn về nhân quyền và đạo đức, cho một quốc gia mới bắt đầu học hỏi về nền Dân Chủ./.