Những bài cùng tác giả

Cứ mỗi lần trở lại Nhật Bản là tôi có thêm một ấn tượng khác, những ấn
tượng này chồng chất lên nhau cho tôi một kết luận là một xã hội văn
minh cần xuất phát từ những con người văn minh trong đó dân trí và "quan
trí" phải được tôi luyện qua một thời gian dài. Nhưng quá trình "trăm
năm trồng người" của Nhật Bản không phải là con lộ du kích "đi tắt đón
đầu" mà là một con đường dài lắm chông gai. Thời du học vài thập niên
trước của tôi tại Nhật Bản không cho một ấn tượng gì sâu sắc về đất nước
Phù Tang này, có lẽ vì thời gian ở đây không đủ dài, cũng như vì chuyện
học hành chỉ vùi đầu vào sách vở rồi phải tất bật kiếm sống, cộng thêm
một chút ham vui của tuổi trẻ, đã chiếm hết thời gian để có cái nhìn
phân tích khách quan về sự hùng mạnh của Nhật Bản trong vài trăm năm
qua.
Nhờ vào sự sắp xếp cẩn thận của người thân tại Nhật và internet, chuyến
du hành Nhật Bản phần lớn bằng xe lửa siêu tốc Shinkansen đã đưa tôi đi
qua hàng ngàn cây số, ngang dọc miền Tây Nam nước Nhật bao gồm ba đảo
lớn Honshu, Shikoku và Kyushu. Trong vòng mười ngày, tôi đặt chân đến
những thành phố lớn, thị trấn nhỏ, đi tham quan các di tích lịch sử,
những khu du lịch thời thượng và đến tận vùng "hoang vu" quê mùa.
Xe lửa siêu tốc Shinkansen
Với cái vé Japan Rail Pass giá đặc biệt cho du khách nước ngoài, người
ta có thể dùng xe lửa các loại đi khắp nơi, kể cả xe lửa siêu tốc
(bullet train) Shinkansen, với số lần sử dụng vô hạn định trong một thời
gian được qui định trước. Có thể nói xe lửa Nhật là một hệ thống giao
thông công cộng hoàn hảo bậc nhất thế giới. Giờ đi giờ đến được thiết kế
chính xác từng phút và áp dụng nghiêm chỉnh từ xe vài toa chạy chậm ghé
từng nhà ga ở vùng quê tới xe lửa siêu tốc Shinkansen đi xuyên qua các
thành phố lớn nhỏ ở chốn phồn hoa đô hội.
Xe lửa Shinkansen là một niềm tự hào của người Nhật. Hơn 44 năm qua (từ
năm 1964), Shinkansen là một phương tiện di chuyển nhanh được thiết kế
chạy trên đường ray cổ điển bình thường và chưa một lần xảy ra tai nạn.
Từ đống tro tàn chiến bại của Đệ nhị Thế chiến, chính phủ Nhật Bản đã có
một tầm nhìn chiếc lược khôn ngoan là đối với một quốc gia đất hẹp người
đông, Nhật Bản cần một hệ thống đường sắt mới (Shinkansen có nghĩa là
"tuyến đường mới") cho xe siêu tốc để gia tăng sự di động của dân chúng
giữa các thành phố lớn và cũng để kích thích nền kinh tế qua giao thông.
Để thực hiện dự án mang tính cách mạng này chính phủ Nhật đã kiên nhẫn
thuyết phục Ngân hàng Thế giới cho vay 80 triệu USD (không bị cắt xén vì
tham nhũng!) để xây đoạn đường sắt đầu tiên Tokyo - Osaka (600 km) và
khánh thành năm 1964 vài tháng trước Tokyo Olympic. Thời gian đi lại
giữa hai thành phố này giảm từ 7 tiếng xuống còn 3 tiếng. Ở thập niên
1960, đây là một kỳ tích của thế giới. Trong bốn mươi năm qua, tốc độ
của xe Shinkansen tăng từ 200 km/h đến 250 km/h, 280 km/h và bây giờ 300
km/h. Đầu xe bây giờ đa dạng hơn, không còn hình dạng "đầu đạn" nguyên
thủy nữa mà trở nên dài ra hình mỏ vịt. Theo sự quan sát của tôi thì
đường ray không thay đổi nhưng đầu xe đã được thiết kế nhiều dạng khác
nhau để gia tăng hiệu quả khí động lực học làm giảm sức cản không khí
(Hình 1)
.
Hình 1: Xe lửa siêu tốc Shinkansen (ảnh của tác giả).
Đứng trên những nhà ga trung tâm như ga Tokyo, cứ năm mười phút là có
một chuyến tàu Shinkansen đến hoặc đi, hay trên nhà ga tỉnh lẻ những
đoàn tàu siêu tốc sầm sập chạy qua như mũi tên bay, chưa kịp chụp một
bức ảnh thì tàu đã lao đi. Trong khoảng thời gian tôi du hành tại Nhật,
công ty đường sắt Nhật Bản tuyên bố cho về hưu toàn bộ xe siêu tốc
Shinkansen "Hệ Zero" đầu đạn tròn nguyên thủy. Chuyến xe cuối cùng không
còn một chỗ trống. Hàng ngàn "fan" đứng đợi tại các nhà ga để từ giã
chuyến xe cuối cùng và chụp hình kỷ niệm như là chia tay với một người
thân và cũng để cảm tạ sự phục vụ tận tình của Hệ Zero trong 44 năm qua.
Tình cảm người Nhật là như vậy.
Lịch sử phát triển đường sắt gắn liền với sự phát triển đời sống của
người dân và nền kinh tế Nhật Bản. Cùng một nhịp điệu phát triển với xe
siêu tốc Shinkansen, những chuyến tàu chậm địa phương cũng được nâng cấp
toàn bộ. Xe lửa Nhật cũng đã có một thời kỳ mông muội sơ khai. Nhớ lại
vài thập niên trước, bàn cầu toilet của những chuyến xe lửa nhà quê lên
tỉnh chỉ là một lỗ trống thông ra bên ngoài. Có nghĩa là những sản phẩm
bài tiết cứ thế đi thẳng xuống đường ray, "gởi gió cho mây ngàn bay". Vì
vậy trước khi tàu dừng ở ga, ông trưởng tàu lúc nào cũng ân cần dặn dò
hành khách ráng kiên nhẫn ngừng lại những hoạt động bài tiết! Nhưng đây
là chuyện của quá khứ. Những chuyến tàu liên tỉnh giờ đây đèn đuốc sáng
choang, ghế bọc da đẹp hơn ghế cấp business hàng không, toilet có cửa tự
động, sạch sẽ rộng rãi như một en-suit trong khách sạn.
Kochi: Miền đất hào kiệt
Tôi và người thân đến thành phố Kochi (tỉnh Kochi) trong một ngày nắng
ấm. Kochi là một tỉnh phía Nam của đảo Shikoku rất phong phú về nông và
hải sản; phía nam nhìn ra Thái bình dương, phía bắc có rừng núi vây
quanh. Shikoku là đảo nhỏ nhất trong bốn đảo chính, Honshu, Hokkaido,
Kyushu và Shikoku tạo thành nước Nhật.
Mặc dù ở một địa thế không thuận lợi, nhưng miền đất Kochi (tên cũ là
Tosa-han) này đã sản sinh ra hai nhân vật lỗi lạc khác giai cấp, sinh ra
cùng thời, mang trách nhiệm lịch sử to lớn, cùng quyết định sự hưng vong
và canh tân của Nhật Bản. Sakamoto Ryoma là một samurai trẻ tuổi mang ý
chí cách mạng. Ông là một nhà thương thuyết tài ba đã hòa giải hai thế
lực thù địch của hai tỉnh khác nhau (Satsuma-han và Choshu-han) cùng
liên minh để tiến hành việc lật đổ chính quyền Mạc Phủ làm cuộc vận động
Minh Trị Duy Tân (1867) lừng danh thế giới [1]. Ông bị tử thương trong
cuộc mưu sát năm 33 tuổi. Cuộc đời bi hùng nhưng ngắn ngủi của ông được
kịch hóa trong bộ phim tiểu thuyết lịch sử trường thiên và sẽ được phát
hình trên kênh truyền hình quốc gia NHK vào năm 2010.
Nhân vật thứ hai là Nakahama Manjiro. Manjiro xuất thân ngư dân, bị đắm
thuyền ngoài khơi lúc 14 tuổi (1841) được tàu Mỹ vớt mang về Mỹ và được
một người Mỹ nuôi cho ăn học. Do một sự ngẫu nhiên và may mắn, ông là
người Nhật đầu tiên đến Mỹ và cũng là người Nhật nói tiếng Anh đầu tiên.
Ông có tên Mỹ là John, người Nhật gọi ông là "John" Manjiro. Mười năm
sau, ông tìm cách trở về Nhật giúp nước, hoạt động trong ngành ngoại
giao, thông dịch và hàng hải trong buổi giao thời giữa Mạc Phủ và Minh
Trị. Ông cung cấp những thông tin vô cùng quan trọng về Mỹ cho chính
quyền Mạc Phủ đương thời. Ông viết ra quyển tự điển "Anh ngữ Đàm thoại"
đầu tiên cho đại chúng Nhật và dịch sách hàng hải tiếng Anh. Trong những
anh hùng của Minh Trị Duy Tân, ông chỉ là một bóng mờ "văn nhân" nhưng
có công lớn trong quá trình duy tân đất nước.
Ngày nay, người dân Kochi dựng tượng đài, bia đá, tổ chức ngày văn hóa,
các giải thưởng mang tên hai ông để nhớ ơn hai người con Kochi lỗi lạc
của dân tộc.
Kochi: Dòng sông xanh
Kochi nổi tiếng với những dòng sông lớn. Nói là sông lớn nhưng đó chỉ là
những dòng chảy ngắn và nhỏ khi so với những chi lưu của dòng Mekong.
Chúng tôi đến thăm dòng sông Shimanto. Người ta gọi Shimanto là "dòng
sông xanh cuối cùng" của nước Nhật vì đây là dòng sông duy nhất không có
đập nước. Từ thành phố Kochi đến Shimanto không hơn 120 km nhưng cũng
phải vượt qua gần 50 cái đường hầm xuyên chân núi dài ngắn khác nhau,
khi vài chục thước khi vài cây số. Dọc hai bên đường ô tô hay xe lửa là
những thửa ruộng nhỏ vài chục mét vuông hay nhiều lắm vài hecta nối tiếp
nhau bị ngăn chia bởi núi đồi. Địa hình của toàn thể nước Nhật cũng
tương tự như vậy với 70 - 80 % bao phủ bởi rừng núi. Những cánh đồng
ngút ngàn như đồng bằng sông Cửu Long không hiện hữu trên đất nước cằn
cỗi này. Kỹ thuật đào đường hầm hay đào lòng biển của Nhật vì vậy đạt
mức hàng đầu thế giới.
Dòng sông này không phải là Vườn quốc gia (National Park) mà chỉ là một
nơi bình thường với ngư dân sống lác đác dọc hai bên bờ. Sự hiện đại hóa
của nước Nhật để lại rất ít những hình ảnh hoang vu như cảnh vật dòng
Shimanto. "Dòng sông xanh cuối cùng" cũng là một con sông ngắn với dòng
chảy êm đềm. Ngư dân ở đây vẫn còn giăng lưới bắt cá hoặc lươn, một việc
bình thường ở Việt Nam nhưng lại là những cảnh quan hiếm thấy tại Nhật.
Cuộc sống bươn chải, lao lướt của thành phố khiến người Nhật phải tìm
đến những miền hoang dã như dòng sông Shimanto để hòa điệu cùng thiên
nhiên, tìm về cái yên tĩnh và mộc mạc của nước Nhật 50 hoặc 100 năm
trước (Hình 2).

Hình 2: Dòng sông xanh Shimanto (ảnh của tác giả).
Chúng tôi thuê một chiếc thuyền đi dọc theo dòng sông. Dòng sông trong
xanh trôi nhè nhẹ qua những cây cầu xi măng bắt ngang vừa đủ cho một
chiêc xe hơi nhỏ chạy qua. Người dân ở đây gọi những cây cầu này là
Chinka-bashi (Trầm hạ kiều = cầu chìm). Tôi tò mò hỏi ông lái thuyền sao
gọi là cầu chìm, ông từ tốn trả lời "Dòng sông này mỗi năm ngập 2, 3 lần
và ngập luôn cầu nên gọi là cầu chìm". Tôi hỏi tiếp "Sao không làm
cao?", "Làm cao tốn kém lại không cần thiết, nếu ngập thì chỉ 2, 3 ngày
là nước rút đi". Ông bảo vào năm 2005, một trận lụt khủng khiếp xảy ra,
nước dâng cao 20 m chỉ cần thêm 1 m nữa thì tràn qua đê. "Anh có thấy
cái nhà hai tầng xa xa đàng kia không?", ông nói, "Mực nước dâng cao qua
khỏi nóc nhà đấy!". Cuộc sống hơi khó khăn vì lũ lụt thường xuyên nhưng
ông bảo đây là quê hương và ông không muốn bỏ lên thành phố. Mùa Xuân,
ngư dân giăng câu thắp những bóng đèn điện nhỏ để bắt lươn con về đêm.
Những con lươn con sẽ được nuôi trong hồ cho đến khi trưởng thành. Món
lươn nướng khoái khẩu và xúp lươn là một đặc sản trong vùng. Mùa Hè, dân
thành phố kéo về đây để xem hàng vạn con đom đóm bay xung quanh bụi cây
như những cây thông Christmas dọc theo dòng sông. Lâu lắm rồi tôi không
nhìn thấy đom đóm và không biết bây giờ còn ở vùng quê Việt Nam?
Kochi: Ôn tuyền lữ quán
Nước Nhật bị công nghiệp hóa và người Nhật bị "stressed" cao độ. Có dịp,
họ ùa nhau đi tìm sự thư giãn nơi mà họ có thể "yukkuri dekiru" (được
thoải mái). Khi đi du lịch họ trú ngụ ở nhà khách truyền thống gọi là
"ôn tuyền lữ quán" (nhà khách với suối nước nóng). Những lữ quán này có
phục vụ trọn gói với phòng ngủ chiếu tatami, tắm suối nước nóng, ăn tối
và ăn sáng theo phong tục Nhật. An Nam ta có "tứ khoái", nhưng tôi nghĩ
Phù Tang hơn ta một "khoái", có đến "ngũ khoái"! Cái khoái thứ năm là
thú tắm suối nước nóng. Nằm trong vòng lửa Thái Bình Dương, nước Nhật từ
Nam chí Bắc đầy nguồn suối nước nóng, rải rác khắp nơi. Những "ôn tuyền
lữ quán" mọc lên ở những địa điểm du lịch tạo ra khu thư giãn cuối tuần
hay ngày lễ cho dân thành phố. Đây là nơi những cặp vợ chồng son cũng
như những cặp vợ chồng luống tuổi, cụ ông cụ bà, hay là một nhóm đồng
nghiệp lui tới cùng nhau thoải mái trong bể suối nước nóng, rồi sau đó
tận hưởng các món cá, mực sống sashimi truyền thống, cùng khề khà chén
chú chén anh qua cốc rượu sake. Nơi chúng tôi trú ngụ là một "ôn tuyền
lữ quán" nổi tiếng Kochi với cái tên rất nên thơ "Thành Tây Quán"
(Joseikan).
Các nghi thức hành xử (etiquette) trong bể nước nóng từ xưa đối với
người Nhật đã trở thành một qui luật bất thành văn. Nhưng gần đây có lẽ
lối thư giãn này hấp dẫn khách nước ngoài nên phải có "qui luật thành
văn" phụ đề Anh ngữ, treo ở cửa ra vào. Rằng là bất kỳ nam phụ lão ấu
phải hoàn toàn "như nhộng" không được mặc một thứ gì trên người kể cả đồ
tắm; rằng là không được ồn ào, không được uống rượu, phải dội nước sạch
sẽ trước khi ngâm mình trong bể; rằng là người có máu cao, mang thai chớ
có liều lĩnh mà thọt cẳng vào. "Ôn tuyền lữ quán" nơi tôi trú ngụ thuộc
hạng 5 sao nên ban quản lý càng chi tiết hơn về vệ sinh cá nhân. Rằng
người nào có ghẻ nhọt thì không nên vào, nhưng ai mang bịnh trĩ thì cứ
thoải mái không sao!
Bể nước được đặt trong một khoảng không gian rộng rãi, nước suối được
mang từ ngoài vào chảy róc rách, được pha với nước lạnh để điều chỉnh
nhiệt độ khoảng 42 - 45 °C. Tôi tò mò tìm hiểu cái bảng phân tích treo
bên cạnh bể; bảng liệt kê các chất khoáng chứa trong nước và các thứ
bệnh như đau lưng, đau khớp, phong thấp, tay chân rỉ mồ hôi... mà nguồn
suối này có khả năng trị liệu. Tôi từ từ ngâm mình vào nước, vừa lim
nhim đôi mắt, vừa lắng tai nghe tiếng nước chảy để gia tăng sự đê mê
trong bầu không khí đầy hơi nước, tận hưởng cái cảm giác râm ran của
những làn nước nóng tưởng chừng như xuyên qua từng lỗ chân lông, đi vào
từng thớ thịt. Bên cạnh cái bể lớn là cái bể nhỏ có cùng một nguồn nước
nhưng treo thêm một cái bao rất to, hăng hắc mùi thuốc. Bảng phân tích
cho biết cái bao này chứa 10 vị thuốc Bắc như đơn qui, trần bì (vỏ
quít), cam thảo, quế, gừng..., chuyên trị năm ba thứ bệnh linh tinh
khác. Kiểm điểm lại thì tôi thấy không bị mắc thứ bệnh nào, nhưng tiện
chân nhảy vào cho mát da mát thịt. Sau khi tắm và ngâm trong suối nóng,
tôi được trao cái áo yukata, một loại kimono nhẹ, mặc qua đêm và dùng
cơm tối. Tôi súng sính mặc vào, choàng thêm một cái áo ngắn tay, ngắm
tới ngắm lui, đi qua đi lại. Oai phong lắm lắm! Chỉ cần có thêm một búi
tóc phía sau và cạo đầu chừa một chỏm tóc phía trước, bên hông vắt theo
thanh kiếm dài katana là tôi biến thành samurai của thế kỷ 18!
Triết lý nhân sinh của người Nhật tập trung ở chữ "hòa" (hòa hợp, hòa
bình). Sự giao tế giữa con người hay giữa con người với thiên nhiên xoay
quanh chữ "hòa". Ngay trong ẩm thực, tôi cũng cảm thấy cái "hòa" khi ăn
một miếng sashimi chấm nước tương với wasabi rồi uống một ngụm nhỏ sake
(Hình 3, 4). Cái cay nồng của wasabi xông lên mũi chảy nước mắt dường
như được "hòa" dịu bằng cái cay của hơi sake hâm nóng. Thêm cái dư âm
lâng lâng, sảng khoái còn phảng phất sau cuộc ngâm mình trong bể nước
suối "hòa" lẫn cái ngà ngà của men rượu, "mượn ba chén dập dìu trăng
gió" [2]. Hai ba cái "khoái" cùng hòa hợp một lúc tạo ra hiệu ứng cộng
hưởng đồng loạt (synergetic) cho ta một cảm giác tuyệt vời, không thể
nào dùng lời tả hết…

Hình 3: Sashimi cá ngừ (katsuo), một đặc sản Kochi (ảnh của tác giả).

Hình 4: Một phục vụ viên của Thành Tây Quán (ảnh của tác giả).
Hiroshima: Bom nguyên tử
Tôi từ giã người thân và từ đảo Shikoku vượt Đại kiều (cầu lớn) Seto
được bắc trên năm hòn đảo nhỏ nối liền hai đảo Shikoku và Honshu đi đến
thành phố Hiroshima bằng chuyến tàu siêu tốc Shinkansen. Mới hai ngày
trước, bầu trời mùa Thu trong xanh ấm áp bao nhiêu, thì bây giờ ảm đạm
lạnh lẽo bấy nhiêu. Tôi nhìn bản đồ tìm về hướng Công viên Hòa bình.
Ngọn gió đầu Đông mơn man thổi, những chiếc lá vàng bay lả tả như cánh
bướm dọc theo một bờ sông nhỏ trong thành phố. Trong khung trời lãng mạn
này, bỗng nhiên xuất hiện quang cảnh hoang tàn của tòa nhà bị bom nguyên
tử. Ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử đầu tiên đã nổ trên không
cao 600 m trên tòa nhà này, để trơ lại cái vòm sắt và những bức tường đổ
nát. Sức nóng tỏa ra từ quả bom làm sạm đen bề mặt bức tường tưởng chừng
như mới xảy ra, mặc dù đã hơn 60 năm qua (Hình 5).

Hình 5: Tòa nhà bom nguyên tử -Di sản Thế giới (ảnh của tác giả).
Bên kia bờ sông là Công viên Hòa bình với Nhà Bảo tàng Hòa bình lưu trữ
hình ảnh, hiện vật và tài liệu về hậu quả của quả bom nguyên tử
Hiroshima. Ở giữa công viên, người ta xây một cái vòm tưởng niệm bằng đá
hoa cương đơn giản không cao lắm (Hình 6). Đứng nhìn từ xa, cái vòm đá
này như bao trọn tòa nhà bị bom ở phía xa xa, như che chở những linh hồn
vô tội. Trong vòm đá người ta khắc một hàng chữ Nhật để tưởng nhớ cũng
như để nhắn nhủ đến hàng trăm ngàn vong linh chết oan ức: "Xin hãy ngủ
yên, vì lỗi lầm này sẽ không bao giờ lập lại".

Hình 6: Vòm tưởng niệm (ảnh của tác giả).
Trong cái lạnh cuối Thu, Công viên Hòa bình vẫn không vắng người. Hàng
ngàn khách tham quan từ các nơi trên thế giới, những đoàn học sinh tiểu
học, trung học từ mọi miền đất nước nườm nượp kéo về đây. Một nhóm học
sinh mặc đồng phục chỉnh tề tay cầm một tập sách nhỏ, đứng trước tượng
đài tưởng niệm "Thiếu nhi tử nạn vì bom". Tôi khẽ nhìn vào tập sách dày
trên dưới 20 trang, thì ra đó là tập lịch trình tham quan, bài ca, tư
liệu học tập và bài tập được thầy cô chuẩn bị cho chuyến đi. Dưới sự
hướng dẫn của thầy cô, các cháu cúi đầu mặc niệm, sau đó đồng ca một bài
tưởng niệm và tung hô hòa bình thế giới với tiếng nhạc đệm phát ra từ
một máy cassette gần đó. Một cháu đại diện nhóm bước ra nói cảm tưởng
của mình, sau đó là bài diễn văn ngắn của thầy hướng dẫn nói về ý nghĩa
của chuyến đi. Mọi người đều trầm ngâm, không một tiếng nói chuyện cười
đùa. Cuối cùng, các cháu mang những con hạc giấy origami xếp sẵn biểu
tượng cho hòa bình được kết lại nhiều chùm đặt dưới tượng đài. Một buổi
lễ ngắn nhưng thật là cảm động, đầy ý nghĩa.
Trong Nhà Bảo tàng, hiện vật do hậu quả bom nguyên tử gây ra được trưng
bày với lời giải thích tỉ mỉ và những hình ảnh kinh hoàng gây trên cơ
thể con người khiến người xem không cầm được nước mắt hay phải nhắm mắt
bỏ ra ngoài. Từ trung tâm bom nổ đến phạm vi bán kính 1 km, người ta
chết tức khắc vì sức nóng. Nhiệt tỏa ra từ quả bom nóng đến độ làm mềm
gốm sứ và tan chảy kim loại trong vòng bán kính 600 - 700 m. Ta có thể
đoán sức nóng ít nhất phải trên 1000 °C. Toàn thể những tài liệu hướng
dẫn, lời ghi chú, giải thích ở Nhà Bảo tàng, tôi không thấy xuất hiện
những ngôn từ mang tính chất khiêu khích, hiếu chiến như "tội ác", "hận
thù", "đế quốc" hay "xâm lược".
Tôi chú ý đến bức hình của Albert Einstein chụp chung với nhà vật lý
người Mỹ gốc Hung gia lợi, Leo Szilard, trong thời gian khi hai người
cùng thảo bức thư đề nghị tổng thống Roosevelt làm bom nguyên tử (năm
1939). Bản copy của bức thư định mệnh này mang địa chỉ nhà riêng và chữ
ký của Einstein được trang trọng để trong lồng kính. Có một đoạn quan
trọng của bức thư được tô đỏ và dịch ra tiếng Nhật. Trong đoạn này
Einstein nói đến khả năng làm một loại bom cực kỳ mạnh với sức tàn phá
vô song chưa từng thấy và khẩn thiết đề nghị tổng thống Mỹ lập ra một
chương trình chế tạo loại bom này. Đọc xong bức thư, Roosevelt không
chần chừ do dự và chương trình cực mật Manhattan ra đời.
Việc Einstein đề nghị làm bom nguyên tử là một thường thức lịch sử,
nhưng khi đối mặt với bức thư định mệnh này, tôi sốc. Tôi lặng lẽ bước
ra ngoài thầm nghĩ Einstein không những là một thiên tài khoa học mà
cũng là một con người đạo đức đầy tính nhân bản, ông tranh đấu cho công
bằng xã hội, dân chủ, sự thật, nhân quyền suốt cả đời người. Là một
người làm khoa học và hiểu rõ sức mạnh của công thức E = mc2, phương
trình cơ bản cho việc chế tạo bom nguyên tử, Einstein thừa hiểu đây là
một loại vũ khí hủy diệt. Nhưng động cơ nào đưa đẩy ông vào cõi vô minh,
khiến ông có thể viết một bức thư khuyến khích các chính trị gia lao đầu
vào cuộc thí nghiệm trên cơ thể con người bằng phương pháp thảm sát tập
thể đồng loại, tàn phá môi sinh, chưa nói đến những cuộc chạy đua vũ khí
hạch nhân cho đến ngày hôm nay? Tôi thật sự hoang mang, không tìm ra câu
trả lời.
Qua cửa sổ tầng hai của Nhà Bảo tàng, tôi nhìn thấy vòm tưởng niệm đá
hoa cương và tòa nhà bị bom thấp thoáng đàng xa. Ánh sáng ban mai xuyên
qua kẽ hở của những cụm mây dày mùa Thu làm rực sáng bãi cỏ xanh bên
dưới; nổi bật lên những chiếc áo đồng phục màu vàng của đám trẻ con lớp
mẫu giáo đang tung tăng theo cô giáo như đàn gà con theo mẹ. Tôi vừa xốn
xang nhìn về một quá khứ kinh hoàng, vừa đăm chiêu chiêm ngưỡng một hiện
tại an bình. Chưa bao giờ trong tôi lại nổi lên một tình cảm chán ghét
chiến tranh đến thế...
Hiroshima: Miyajima
Hiroshima không phải chỉ có bom nguyên tử. Cách thành phố một giờ xe lửa
và qua một con phà sẽ đưa ta đến đảo Miyajima. Đứng trên con phà, ta sẽ
thấy cái cổng đền (tiếng Nhật gọi là torii) cao 15 m màu đỏ rực xuất
hiện từ xa, đứng sừng sững như in trên nền màu xanh tươi của rừng núi
phía sau. Đây là một kiến trúc đặc thù Nhật Bản và cũng là hình ảnh biểu
tượng của đất nước Thái dương Thần nữ. Torii là cổng dựng trước những
ngôi đền Thần đạo (Shinto). Kiến trúc những đền Thần đạo hay chùa Phật
giáo mang một sắc thái đặc biệt Phù Tang. Với những nét chấm phá đơn
giản, hình dạng và độ cong của mái ngói, chúng dễ dàng phân biệt được
với những kiến trúc Trung Quốc (Hình 7, 8).

Hình 7: Cổng torii trong sương sớm -Di sản Thế giới- (ảnh của tác giả).

Hình 8: Đền Thần đạo tại đảo Miyajima (ảnh của tác giả)
Cổng torii và đền Thần đạo của đảo Miyajima nổi tiếng từ xưa vì nó được
xây trên bãi biển vào năm 1168 và bây giờ là Di sản Thế giới. Một vị
tướng quân cai trị vùng này thời đó có một ý tưởng là xây một ngôi đền
"nổi". Bãi biển là một nơi lý tưởng để dựng đền vì mỗi lần thủy triều
lên, chân đền ngập nước và cho một cảm giác "nổi" trên nước. Tôi đến nơi
này vào một buổi sáng sớm khi thủy triều còn thấp. Nhiều phó nhòm chuyên
nghiệp với dụng cụ nhiếp ảnh đắt tiền kiên nhẫn chờ đợi nước triều lên
và hoàng hôn xuống để chụp được những bức ảnh nhiều màu sắc mang sự hài
hòa giữa kiến trúc của con người, rừng núi và bầu trời của thiên nhiên.
Nagasaki: Thành phố lịch sử
Từ Hiroshima tôi tiếp tục cuộc hành trình đi về hướng Tây tiến về đảo
Kyushu đến thành phố Nagasaki. Việc nối kết bốn hòn đảo chính bằng cầu
hay đường hầm chạy dưới lòng biển là một kế hoạch manh nha từ thời Minh
Trị Duy Tân. Đến ngày hôm nay, Nhật đã hoàn thành tất cả những kế hoạch
này và đây là những công trình vĩ đại của lịch sử công nghệ xây dựng. Từ
đảo Honshu qua đảo Kyushu một đường hầm dài gần 19 km xuyên qua lòng
biển đã được thực hiện cho xe lửa siêu tốc Shinkansen có thể chạy đến
300 km/h.
Nagasaki là một thành phố cảng ở phía Tây Bắc đảo Kyushu, nằm ở một vị
trí chiến lược gần bán đảo Triều Tiên, đại lục Trung Quốc và Đài Loan
(Hình 9). Nagasaki là cái nôi của nền khoa học kỹ thuật hiện đại Nhật
Bản, mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc trong việc canh tân biến nước Nhật
từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một cường quốc ngang hàng với
phương Tây ở thế kỷ thứ 19. Nagasaki là thành phố thứ hai bị bom nguyên
tử. Khi người Nhật chưa hết bàng hoàng vì quả bom Hiroshima, thì ba ngày
sau Mỹ bỏ quả bom thứ hai trên thành phố này.

Hình 9: Sông Nakajima chảy ngang thành phố. Đàng xa là cây cầu đá
Megane-bashi (cầu Mắt kiếng) lâu đời nhất do một nhà sư Trung Quốc xây
vào thế kỷ 17. (ảnh của tác giả).
Cũng như Hiroshima, Nagasaki đã hoàn toàn khắc phục hậu quả của vết
thương nguyên tử và trở thành một thành phố hiện đại. Hiện nay, toàn
tỉnh đang tham gia phong trào vận động chính phủ kéo tuyến đường xe lửa
siêu tốc Shinkansen đến Nagasaki để tăng tốc nhịp độ kinh tế địa phương.
Dù là một tỉnh ở cực Nam nước Nhật (có thể so sánh như Kiên Giang hay Cà
Mau của ta), các cô gái Nagasaki cũng thời thượng không kém dân Tokyo.
Một người bạn viết email hỏi tôi "Con gái Nagasaki có đẹp không?", không
một chút do dự tôi trả lời rằng "Đẹp một cách thần thoại". Các cô gái
trang điểm rất nhẹ, không nặng nề loè loẹt. Nhật Bản là nước có nhiều
trung tâm giải phẫu thẩm mỹ cao cấp, nhưng phụ nữ Nhật dường như không
thích chỉnh sửa bằng dao kéo. Ngược lại quí bà quí cô sẵn sàng trút hầu
bao mua các loại mỹ phẩm Shiseido đắt giá để tạo cho những đôi mắt một
mí Nhật Bản có một vẻ đẹp đặc thù, hay để làm nổi bật cái sóng mũi dọc
dừa, cái cằm trái xoan, bằng sự điều hòa giữa các gam màu mỹ phẩm. Thời
trang của các cô cho mùa Thu năm nay là đôi giày ống da cao đến gối, bó
lấy đôi chân thon dài nhún nhảy, đi với cái mini-skirt trêu ngươi hay là
cái quần short ngắn thật sát để lộ một phần đùi dài ít nhất 20 cm. Mỗi
người mỗi kiểu. Các nhà thiết kế thời trang và công ty mỹ phẩm Shiseido
quả là có nhiều sáng kiến moi tiền và phụ nữ Nhật cũng đáp ứng nhiệt
tình, tiêu xài rộng rãi, đóng góp không ít vào nền kinh tế Nhật qua cái
khoản chi tiêu làm đẹp.
Ngược dòng lịch sử, trở về quá khứ. Từ thế kỷ thứ 16, Nagasaki trở thành
một cảng quốc tế giao thương với người Trung Quốc và các thế lực Âu Tây
đương thời như Bồ Đào Nha và Hà Lan. Cũng từ Nagasaki, các đội thương
thuyền Nhật Bản vượt trùng dương buôn bán với Trung Quốc, Việt Nam (Phố
Hiến, Hội An), Campuchia, Phillipines, Thái Lan và đến tận Indonesia và
Mã Lai. Các giáo sĩ Bồ Đào Nha sớm mang Kitô giáo đến truyền bá trên đất
nước Thái dương Thần nữ và xây nhiều giáo đường trước khi chính quyền
Mạc Phủ ra lệnh "tỏa quốc" (sakoku, tức là bế quan tỏa cảng), cấm đạo,
trục xuất người Bồ Đào Nha và giết giáo sĩ. Số người Nhật theo Kitô giáo
rất ít, nhưng không ở đâu trên nước Nhật dấu ấn của Kitô giáo đậm đà và
sâu sắc như tại Nagasaki. Hàng chục giáo đường lớn nhỏ tại Nagasaki và
những vùng lân cận vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Các vị nữ tu thường đi
lại trên đường phố hay trên các phương tiện giao thông công cộng; một
cảnh tượng hiếm thấy trong các thành phố Nhật Bản. Nhiều giáo đường trở
thành Quốc Bảo (di sản quốc gia) được chính phủ hay các hội đoàn địa
phương trùng tu liên tục (Hình 11). Người Trung Quốc cũng di dân đến
Nagasaki từ thời mạt Minh và đến khi nhà Thanh thành lập số người Hoa
gia tăng, mang theo tinh thần "phản Thanh phục Minh" chờ dịp lật đổ
triều đình Mãn Thanh. Sự ngẫu nhiên lịch sử đã đưa đẩy Nagasaki trở
thành giao điểm của hai nền văn hóa Đông và Tây, đi song song và bổ sung
nhau, tạo thành một nét đặc thù văn hóa không tìm thấy ở các thành phố
khác của Nhật.

Hình 10: Một giáo đường tại Nagasaki (ảnh của tác giả).
Trong buổi sáng đầu tiên lành lạnh của thành phố cảng này, tôi đi xe
điện (tram, streetcar) tìm đến con đường lịch sử, Teramachi-dori (đường
xóm Chùa). Gần 10 ngôi chùa cổ với số tuổi 300 - 400 năm được mang danh
hiệu Quốc Bảo (di sản quốc gia), tọa lạc trên con đường hẹp và dài 2 km
này. Chính quyền Mạc Phủ đương thời cho phép mỗi tông phái Phật giáo xây
một ngôi chùa dọc theo con đường tiếp giáp với chân núi Kazarashira. Hai
ngôi chùa Trung Quốc, Hưng Phước Tự (Kofukuji) và Sùng Phước Tự
(Sofukuji) (Hình 11), ở đầu và cuối con đường có lẽ là hai ngôi chùa cổ
nhất của Teramachi. Chùa được di dân người Hoa ở tỉnh Phúc Kiến (Trung
Quốc) trong thời gian đầu lập nghiệp xây dựng với vật liệu mang từ Trung
Quốc. Hòa thượng Ẩn Nguyên (Ingen) từ Phước Kiến đến đây truyền bá Thiền
Tông (1654), lập ra trường phái thiền Hoàng Bá và trở thành một vị Đại
Sư được tôn kính rất mực của Phật giáo Nhật Bản.

Hình 11: Chùa cổ Trung Quốc, Hưng Phước Tự (ảnh của tác giả).
Nagasaki: Nàng công nương họ Nguyễn
Ở giữa con đường xóm Chùa là Đại Âm Tự (Daionji). Ngôi chùa này có ít
nhiều liên hệ đến Việt Nam. Phía sau ngôi chùa là một nghĩa trang lâu
đời dọc theo triền núi, có hàng ngàn, chục ngàn ngôi mộ chôn hài cốt của
giai cấp quí tộc và giai cấp võ sĩ "samurai" vài trăm năm trước [3]. Dựa
theo thông tin của một ông bạn tại Nagoya, tôi đến thăm chùa với mục
đích tìm ngôi mộ của một vị công nương Việt Nam, con của chúa Sãi Nguyễn
Phúc Nguyên được gả về Nagasaki năm 1619, kết hôn với Araki Sotaro
(Hoang Mộc Tông Thái Lang), một thương nhân nổi tiếng đương thời và cũng
là nhà hàng hải kiệt xuất thuộc dòng dõi samurai. Đại Âm Tự là một trong
những ngôi chùa lớn tại Nagasaki. Tiếc rằng, trận hỏa hoạn năm 1959 đã
thiêu hủy toàn thể ngôi chùa. Chùa được xây cất lại nhưng không còn vẻ
cổ kính như xưa.
Tôi đi đến văn phòng chùa hỏi thăm địa điểm ngôi mộ cổ. Bà quản lý tử tế
chỉ dẫn và nhanh nhẹn lướt qua một số tài liệu, in ra cho tôi một trang
nói về phần mộ của dòng họ Araki. Thì ra, ngôi mộ được chỉ định là "Sử
tích của thành phố Nagasaki". Tôi thầm phục cách lưu trữ tài liệu, phân
loại và xử lý văn bản lịch sử của người Nhật. Chỉ trong vòng vài phút,
một người quản lý bình thường của một ngôi chùa có thể tìm ra tên tuổi
người quá cố qua đời vài trăm năm trước giữa hàng chục ngàn cái tên
khác.
Theo lời chỉ dẫn, tôi leo lên hơn 200 bực đá dọc theo triền núi, quẹo
trái quẹo phải, đi qua hàng trăm ngôi mộ cổ được sắp xếp thứ tự theo
từng gia tộc, phần lớn đã rêu phong, những chữ khắc vào đá cũng đã phai
mờ. Ở mỗi phần mộ tôi nhận thấy có bia đá nhỏ khắc chữ "Thổ thần" giữ
mộ. Một tập tục Trung Quốc ảnh hưởng đến phong tục của người Nagasaki.
Tôi không thấy những bó hoa tươi, dấu vết hương khói hay sự lui tới
thường xuyên của con người, chỉ có những làn gió vi vu thổi qua ngọn đồi
làm không gian vốn đã u tịch lại càng đượm thêm một màu thê lương. Có
lẽ, vì là mộ cổ con cháu của người quá cố đã ly tán khắp nơi, không còn
ai còn nhớ đến quá khứ và trở lại chăm sóc mộ phần. Mộ phần nhà Araki
cũng dễ tìm, trước cổng mộ thành phố Nagasaki có dựng một bảng tóm tắt
tiểu sử của ông Araki Sotaro và người vợ, một công nương Việt Nam với
cái tên Nhật (?) Wakaku (từ Hán Việt: Vương Gia Cữu) (Hình 12, 13). Đứng
trước ngôi mộ tôi chấp tay cúi đầu, hy vọng rằng sẽ có hài cốt của một
công nương quyền quí nằm trong lòng đất này.

Hình 12: Mộ phần dòng họ Araki (ảnh của tác giả).

Hình 13: Bảng tiểu sử ông Araki Sotaro và vị công nương Việt Nam do
thành phố Nagasaki dựng lên (ảnh của tác giả).
Tôi tìm hiểu thêm về mộ phần của Araki Sotaro qua thông tin trên trang
copy từ sách tài liệu của nhà chùa. Được biết, Araki Sotaro sau khi
thành hôn với công nương Wakaku ông tự đặt thêm một tên Việt Nam là
Nguyễn Thái Lang. Công nương Wakaku nổi tiếng và được người dân Nagasaki
gọi bằng cái tên thân mật là Anio-san (anio = A Nương theo từ Hán Việt,
có thể dịch là "cô nương"). Công nương mất năm 1645, như vậy bà sống ở
Nhật 26 năm, được ban pháp danh là Diệu Tâm. Một pháp danh rất là Việt
Nam. Cũng theo trang thông tin này, hơn hai trăm năm sau vào thời Minh
Trị mộ phần của Akira Sotaro và Anio-san được con cháu đời thứ 13 cải
táng và mộ phần hiện tại chỉ có đời thứ 3, thứ 12, 13 và 14 (Araki
Sotaro là đời thứ 1).
Cuộc đời của Araki Sotaro và công nương Việt Nam Wakaku sẽ có rất ít
người biết nếu chỉ dựa vào bảng tiểu sử ở một nghĩa trang heo hút và tài
liệu "đóng bụi" của Đại Âm Tự. Nhưng câu chuyện tình Nhật Việt này đã
được mang ra trình bày và giải thích bằng hai thứ tiếng Nhật và Anh cùng
với những mẩu chuyện khác về Nagasaki ở thế kỷ 17, 18 tại địa điểm tham
quan lịch sử Dejima (đề cập ở phần sau). Tài liệu Nhật còn cho biết khi
nàng Wakaku cập bến Nagasaki, một cuộc đón tiếp long trọng được tổ chức
để đón cô dâu quí tộc đến từ Nam quốc xa xôi. Trang phục của cô dâu đã
gây một ấn tượng đặc biệt cho người dân Nagasaki và từ đó về sau nó trở
thành một tiết mục thời trang cho lễ hội (matsuri) hàng năm của thành
phố đến tận ngày hôm nay. Trong khi đó, lịch sử Việt Nam không có một
giòng chữ nào đề cập đến số phận của nàng công nương xa xứ họ Nguyễn.
Phải công nhận rằng người Nhật có cách quảng bá lịch sử rất sáng tạo và
khoa học. Ở những địa điểm du lịch, họ dựng bảng giải thích các di tích
với hình ảnh, bản đồ, niên biểu, và lời dịch tiếng Anh rất chính xác,
gần đây thêm tiếng Hoa và tiếng Hàn. Đối với những sự kiện lịch sử lớn
lao đặc biệt là vào thời Mạc Phủ và Minh Trị Duy Tân, họ nghiên cứu, sưu
tập tư liệu làm những bộ phim tập trường thiên chiếu trên kênh truyền
hình quốc gia NHK để tôn vinh một thời đại, một vương phi hay một nhân
vật samurai anh hùng. Vì tính chất hấp dẫn của những bộ phim samurai
lịch sử này, phim chưởng Hong Kong hay Trung Quốc với những màn đánh
nhau loạn xị, vô cảm nằm ngoài thị hiếu của khán giả và không bao giờ
xâm nhập được vào thị trường tivi và điện ảnh Nhật Bản. Ngoài ra, kênh
truyền hình giáo dục NHK [4] có những giờ lịch sử được trình bày sống
động theo lối "kể chuyện cổ tích" xen vào những khúc phim miêu tả
(re-enactment) hay phim tài liệu ngắn rất cuốn hút người xem.
Nagasaki: Dejima
Dejima là một địa danh lịch sử của Nagasaki và của Nhật Bản. Nói đến
lịch sử cận đại Nhật Bản thì phải đề cập đến Dejima. Cũng không phải quá
lời khi gọi Dejima là cái nôi của khoa học kỹ thuật cận đại Nhật Bản.
Trong suốt thời kỳ "tỏa quốc" (bế quan tỏa cảng) của chính quyền Mạc
Phủ, nước Nhật tự cấm vận chính mình không giao thương với bất cứ quốc
gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, chính quyền Mạc Phủ khôn ngoan mở ra
một "cửa sổ" nhỏ để nhìn thế giới. Đó là Dejima (Hình 14).

Hình 14: Mô hình toàn cảnh Dejima (ảnh của tác giả)
Dejima là một hòn đảo nhân tạo rộng 15.000 m2 được chính quyền Mạc Phủ
xây cất để cho người Hà Lan mướn và lập văn phòng của các công ty thương
thuyền, nhà ở cho nhân viên. Người Hà Lan được phép đi lại vì họ chỉ
buôn bán và không liên hệ đến các hoạt động truyền giáo. Trong những
đoàn thương nhân này, có những vị bác sĩ đến đây để chăm sóc sức khoẻ
của nhân viên và thủy thủ. Những sĩ phu yêu nước không phân biệt giai
cấp từ Edo (Tokyo), Kyoto, Osaka, đã lũ lượt kéo về Nagasaki đến Dejima
tìm gặp các vị bác sĩ này để "tầm sư học đạo". "Đạo" ở đây là Lan học
(cái học của Hà Lan), có nghĩa là cái học của khoa học kỹ thuật Tây
phương. Năm 1774 bộ sách y khoa về giải phẫu học tiếng Nhật đầu tiên và
cũng là quyển sách khoa học đầu tiên, "Giải thể tân thư", ra đời dựa
theo nguyên bản tiếng Hà Lan. Từ đó Lan học và phong trào dịch thuật lan
rộng cả nước nhanh chóng như lửa rừng, đồng thời đẩy lùi cái học "ngũ
thư, tứ kinh" vào bóng tối. Những môn học khác như thực vật học, dược
học, nông học, vật lý, hóa học, toán học lần lượt được phổ biến. Thời
thế tạo anh hùng. Vào đầu thế kỷ 19, những nhà Lan học lỗi lạc xuất
hiện, lập trường học đào tạo nhân tài, đặt một nền tảng khoa học kỹ
thuật cho cuộc vận động Minh Trị Duy Tân sau này.
Ngày nay Dejima không phải là hòn đảo nữa vì xung quanh người ta đã lấp
đất lấn ra biển. Trên địa điểm cũ những ngôi nhà xưa được phục nguyên và
sinh hoạt của người Hà Lan được tái hiện theo tài liệu lịch sử. Bộ sách
"Giải thể tân thư" và bộ tự điển đầu tiên Nhật - Hán - Anh - Hà Lan viết
bằng tay được trưng bày tại đây cho thấy sự cầu tiến và kiên nhẫn của
các nhà Lan học. Trong phòng triển lãm, tôi chú ý đến cái đồng hồ quả
lắc, ống nhòm thiên văn, cây súng trường, khẩu súng lục chế tạo vài trăm
năm trước mô phỏng theo Hà Lan, Bồ Đào Nha, được cải thiện cho thích hợp
với người Nhật Bản.
Tinh thần phân tích, suy diễn, cải thiện và khiêm tốn học hỏi thấm sâu
trong tư duy người Nhật đã giúp họ phát triển mọi mặt. Vào thế kỷ thứ 8,
người Nhật Bản sang nhà Đường (Trung Quốc) du học, vay mượn Hán tự làm
văn tự của mình và cách tổ chức hành chánh của triều đình nhà Đường để
an bang trị quốc. Họ cải thiện Hán tự và dùng cho đến ngày hôm nay mà
không mang một chút mặc cảm vay mượn. Trái lại, họ đã đóng góp rất nhiều
vào việc phong phú hóa Hán tự và hội nhập văn tự này vào ngôn ngữ khoa
học thế giới. Kể từ khi Lan học xuất hiện, người Nhật đã dùng tiếng Hán
để dịch những từ ngữ y học, khoa học tự nhiên và nhân văn. Những thuật
ngữ như: vật lý, hóa học, số học, vi phân, tích phân, phương trình, quĩ
đạo, lượng tử v.v…, hay trong khoa học nhân văn: kinh tế, chính trị, dân
chủ, xã hội, chủ nghĩa, cộng sản, là những từ Hán Nhật mà sau này ông
thầy Trung Quốc phải vay mượn lại "học trò" Nhật để bắt kịp thế giới.
Đến tham quan Dejima, tôi thấy thêm một lần nữa tinh thần phân tích, suy
diễn, cải thiện và khiêm tốn học hỏi của người Nhật đã đưa đất nước này
từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thiếu thốn tài nguyên đến địa vị một đế
quốc quân sự và sau này một cường quốc kinh tế và khoa học kỹ thuật.
Hai ngày tại Nagasaki vẫn chưa đủ, nhưng đã đến lúc phải chia tay. Trước
khi từ giã thành phố cảng lãng mạn này, tôi lững thững ra ngoài bến cảng
nhìn Nagasaki lần cuối. Mây vẫn lướt thướt bay, sóng vẫn vỗ rì rào và
núi vẫn sừng sững vươn lên. Một dãy sơn hà đã chứng kiến biết bao cảnh
thăng trầm, biết bao tao nhân mặc khách, anh hùng hào kiệt đến đến đi
đi. Ánh sáng bình minh của khoa học đã chiếu trên mảnh đất địa linh nhân
kiệt này và những con người Nhật Bản cầu tiến đã sớm thức tỉnh nắm bắt
lấy cơ hội làm ra những trang sử oai hùng cho đất nước.
Buổi chiều hôm đó lành lạnh, có nhiều mây mù và trời lất phất mưa. Tôi
bỗng chợt bâng khuâng muốn đứng giữa bến cảng êm đềm hát to bài tình ca
của một thời du học, "Nagasaki wa kyo mo ame datta" (Nagasaki trời hôm
nay mưa cũng đã rơi)…
Mùa Giáng Sinh 2008
TVT
Phụ chú
1. Có một sự trùng hợp lịch sử thú vị giữa Việt Nam và Nhật Bản trong
cùng một thời kỳ. Ở giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh tại Việt Nam và
chúa Trịnh nắm hết quyền bính ở Đàng Ngoài biến vua Lê thành nhân vật
biểu tượng, thì tại Nhật Bản chính quyền Mạc Phủ (tên chỉ một thời đại)
do một Tướng quân (Shogun) cầm đầu cai trị cả nước Nhật cũng biến Thiên
Hoàng Nhật thành bù nhìn. Chính quyền Mạc Phủ đi qua nhiều thời đại được
truyền tay qua những Tướng quân lỗi lạc, kéo dài gần 300 năm từ hậu bán
thế kỷ 16 đến Minh Trị Duy Tân năm 1867. Đây là thời kỳ hòa bình lâu dài
nhất trong lịch sử Nhật Bản. Nhận thấy chính quyền Mạc Phủ không còn
thích hợp với thời đại, phe bảo hoàng của các thế lực quân sự tại
Satsuma-han (han: phiên, tương đương tỉnh, bây giờ là tỉnh Kagoshima,
nam Kyushu), Choshu-han (tỉnh Yamaguchi, tây Honshu) và Tosa-han (tỉnh
Kochi, Shikoku) liên minh làm cách mạng lật đổ chính quyền Mạc Phủ tại
Edo (Tokyo), trao trả quyền lực lại cho Thiên Hoàng và mở đầu thời đại
Minh Trị Duy Tân (1867). Tiếc rằng, Việt Nam không có một sự kiện tương
tự.
2. Thơ Nguyễn Công Trứ.
3. Vào thời phong kiến, người Nhật cũng theo truyền thống "sĩ, nông,
công, thương", nhưng "sĩ" của Nhật là giai cấp "võ sĩ" (samurai).
4. Có lẽ Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới có kênh truyền hình
giáo dục hoạt động song song với kênh tổng hợp. Ngoài những tiết mục dạy
bổ túc cho học sinh trung học, kênh giáo dục còn có những tiết mục nhân
văn, xã hội, nghệ thuật, ngoại ngữ đàm thoại cho đại chúng. Hàng tháng
NHK xuất bản những tập sách nhỏ giá rẻ để học viên có thể theo dõi
chương trình học một cách hiệu quả.
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Trương Văn Tân
| |