Những lời chim bé bỏng từ Hiroshima

Vietsciences- Hồng Lê Thọ         17/03/2009

 

Những bài cùng tác giả

Loạt bài viết về “Chất độc da cam”

 

 

 Hibakusha* 
 

Hiroshima, ngày 20 tháng 9/1971

Trời mưa lâm râm

“Chú T. thân mến

… Thế là gần một tháng trôi qua, hôm nay cháu mới đủ sức cầm bút viết thư thăm chú, cho cháu xin lỗi nhé vì Hiroko đã nhận được thư của chú gần 10 ngày rồi. Mà chú biết không, vừa qua cháu phải mổ trở lại, là lần thứ ba kể từ khi nhập viện…

Buồn và đau lắm chú ơi, không ai biết, nói cháu bị bệnh gì. Mỗi khi mùa thu đến là cả người cháu bị nhức nhối, thế là cháu không ngủ được… Cháu mỏi tay quá, xin phép ngừng ở đây, hẹn chú thư sau nghe.

Chúc chú ngủ ngon.

Hiroko Yamaguchi 
 

Hiroshima, ngày 15 tháng 10 /1971

Trời xanh lơ

“Chú T. ơi,

Hôm qua Hiroko vui lắm vì đọc thư chú “tếu” quá. Không ngờ chú T. của cháu  ưa đùa nhỉ. Chân cháu không đi được mà chú lại rủ cháu đá banh là sao ? Chắc ở nước Việt Nam của chú người ta thích đá banh lắm hở ? Chú phải sắm trò chơi đá banh điện tử cho bớt ghiền đi. Cháu đã đỡ nhức, có lẽ nhờ thuốc tiêm của bệnh viện. Tuần rồi mấy ông bác sĩ người Mỹ qua lấy máu và hình như chích ở xương sống lấy cái gì đó đem về bên ấy… Các bạn cùng phòng của cháu cũng vậy. Cháu không hiểu, nhưng thôi… chỉ còn 5 ngày nữa là sinh nhật cháu, chú có nhớ không đấy?

Mong thư và quà của chú.

H.Y. 
 

Một tháng rồi hai tháng, Tết tây đã qua được mấy ngày mà không thấy có thơ hay thiệp chúc Tết của Hiroko, điện thoại đến bệnh viện sau ngày Tết thì cũng chẳng ai buồn đáp, có gì không ổn đã đến với Hiroko chăng? 
 

Florida (Hoa Kỳ),

ngày 28 tháng 1/1972

Lạnh lắm

“Chú T. thương,

Tết qua rồi, cháu không phải vô tình đâu mà vì cháu được đưa sang Mỹ, tiểu bang Florida để tiếp tục chữa bệnh. Cháu đã nhận được quà Noel và thiệp tết của chú. Mừng ơi là mừng. Ở bên ấy cùng với mấy bạn Mỹ cùng tuổi, cháu làm quen với Jenny và Christine nhưng có nói gì được với nhau đâu. Buồn lắm, chỉ mong được về Nhật. Chú có thường lên Tokyo chơi không, chứ ở Gumma (*) thì chỉ có gió với núi, cháu nghe người ta nói thế. À mà ở bên này cháu xem TV thấy nước Việt Nam của chú rồi, sao chiến tranh hoài thế chú. Chú có nhớ Việt Nam như cháu bên Mỹ không?

Nhớ chú lắm

H.Y. 
 
 

Hiroshima, ngày 8 tháng 3/1972

Trời còn rét

“Chú T. ơi

Hai tuần nay cháu phải vô “dock” cho người ta khám gì đó, không rõ nữa. Mấy cô y tá bắt cháu phải nằm trong cái máy lăn qua lăn lại (2) lạ lắm. Không biết tại sao mà cháu cứ thấy mỏi mệt, có khi ngủ li bì chẳng còn nhớ chú nữa. Bạn cháu được người cô đem vào mấy đóa hoa anh đào mới nở thật đẹp, còn chùm chim hạc bằng giấy của chú kết hôm Tết vẫn luôn ở đầu giường của cháu, ai cũng khen. Chú nói sắp thi ra trường hả, cho cháu chia vui với chú nhé.

Chờ thư chú

H.Y. 
 

Mỗi lần đọc những dòng chữ nắn nót thơ ngây của Hiroko từ Hiroshima gửi về mà lòng nhẹ hẳn, có khi bẵng đi thật lâu, mỗi lần vắng tin là tôi thấp thỏm chờ đợi, hình dung được sức khỏe của Hiroko đang dao động xuống thấp, bệnh máu trắng vì nhiễm xạ từ người mẹ của cháu truyền sang từ khi mới ra đời ngày càng phát triển. Người ta thử nghiệm Hiroko, theo dõi diễn biến của hội chứng nhiễm xạ từ 12 năm qua, mỗi đợt kéo dài khá lâu và thân thể bé bỏng của Hiroko bị bào mòn dần bởi thuốc, xét nghiệm… Hồi hộp chỉ mong nhận được thư vì đó là dấu hiệu của sự sống mà Hiroko còn giữ được. Tôi làm quen với cô bé thật dễ thương ấy trong chuyến đi thăm Hiroshima lần đầu tiên cùng với đoàn sinh viên Dân chủ quốc tế sang dự ngày hội chống bom A và H vào năm 1971. khi đến thăm bệnh viện ở Hiroshima, nơi chuyên “điều trị” những nạn nhân bị nhiễm xạ bom nguyên tử năm 1945, từ đó chúng tôi viết thư cho nhau thật đều. Hiroko còn quá thơ ngây, chưa biết những gì ghê gớm đang xảy ra trên con người mình, cuộc sống đơn côi của một cô bé người Nhật Bản làm cho tôi cảm thấy gần gủi, có nét gì đó rất giống hình ảnh của em bé gái ở Trảng Bàng (Tây Ninh) bị bom Napalm đốt cháy nám, trần truồng trên báo Life mà tôi đã thấy.

  

 

Hiroshima, ngày 3 tháng 8/1973

Nóng ơi là nóng

“Chú T. của Hiroko

Năm nay chú có xuống Hiroshima thăm cháu không ?

Còn 3 hôm nữa là đến ngày kỷ niệm Hiroshima rồi… Mấy hôm nay cháu hồi hộp lắm vì ở bệnh viện cho cháu học tiếng Anh, không biết để làm gì. Các cô chú ở đây nói lên lớp 6 thì phải học tiếng Anh, mà chú biết không, lớp cháu ở bệnh viện chỉ có 8 đứa sáng nào sau khi khám bệnh xong là tụi cháu vào lớp. Thường có đứa bị mệt nên ít khi nào đầy đủ cả. À, chú có nhớ bạn Yamada nằm bên cạnh cháu không. Mấy hôm nay không còn thấy trở lại. Nó té xỉu rồi bị đưa đi đâu luôn không ai biết, cháu lo quá; bé Rie bạn thân nhất của Yamada khóc hoài mấy ngày nay, hỏi mãi mà Rie chỉ lắc đầu không nói.Hẹn thư sau

H.Y. 
 

Hiroshima, ngày 25 tháng 12/1974

Lá khô rơi

Chú T. ơi,

… Cháu mệt mỏi gần mấy tháng nay, Hiroko không được đi học nữa. Các cô chú không cho, bảo cháu phải nghỉ. Không biết lớp cháu còn mấy đứa. Mấy bữa nay tự nhiên nằm mơ thấy mẹ cháu hiện ra, cả ba cháu nữa. Cháu khóc và hét lên gọi tên mẹ thật to những hình như mẹ Hiroko không nghe thấy… cháu tức ơi là tức. Mấy cô y tá trực đêm chạy đến chích thuốc bắt Hiroko phải ngủ đó. Bây giờ là gần 10 giờ sáng. Hiroko tỉnh lại và viết thư cho chú đây. Xin lỗi nha, nhận thư chú gần cả tháng mới trả lời. Đừng giận cháu, phòng cháu bây giờ vắng lắm vì Yamada cũng đi đâu mất rồi, Rie thì được bà ngoại đem về nhà, nó bảo không cần chữa bệnh như Hiroko nữa đấy. Chú thấy… thôi cháu ngừng lại ở đây nhé. Viết thêm nữa Hiroko tủi thân lắm. Mẹ Hiroko ở đâu chú nhỉ?

Chúc chú mùa Noel vui tươi

Thương chú lắm

H.Y. 
 

Và lá thư của Hiroko ngừng lại… không bao giờ đến thêm nữa. Chờ và chờ mãi. Theo bác sĩ phụ trách thì Hiroko đã không còn vào một ngày cuối mùa đông 1974. Câu chuyện về một cô gái 14 tuổi với tôi đã kết thúc ở đây, em chưa biết thế nào là hạnh phúc, là tuổi thơ, là tình thương của mẹ, cha. Hiroko sinh ra hơn tháng thì mẹ Hiroko qua đời, còn người cha đã mất trước đó nửa năm bằng một chứng bệnh chưa ai biết “ung thư máu” (?). Kỷ niệm của Hiroko mà tôi còn giữ là những lá thư, giây phút gặp gỡ ngắn ngủi mỗi lần ghé thăm Hiroshima. Hình ảnh cô bé gái ngồi xe lăn hai tay cố đẩy thật nhanh trong khuôn viên bệnh viện để đón tôi, mừng rỡ như gặp người thân gia đình, vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức. Hai chú cháu ngồi bên nhau dưới rặng cây anh đào chăm chú nghe tôi kể chuyện về quê hương Việt Nam, nơi mà Hiroko chỉ biết có chiến tranh trong một tâm hồn quá thơ ngây. Hiroko thường nói “Khi nào cháu khỏe, nước chú hết đánh nhau thì cho cháu đi cùng về quê chú nhé, còn chiến tranh cháu sợ lắm, không đi đâu” rồi cười một cách hồn nhiên, mặc dù chẳng hề biết chiến tranh là gì, ưa hỏi “tại sao ở nước chú là da vàng như Nhật Bản lại có nhiều người da trắng mà Hiroko gặp ở Florida, lúc nào cũng mang súng ống đi đánh nhau thấy sợ quá”.

 

            

Hibakusha 
 

Nếu còn sống, có lẽ Hiroko đã trở thành một phụ nữ đứng tuổi, hiểu hết những gì cô đã thắc mắc với tôi trong những lá thư từ Hiroshima ngày ấy, có gia đình và hạnh phúc như mọi người khác. Nhưng than ôi , điều đó không bao giờ đến với Hiroko, ngay cả một chút ấm áp, tình thương ruột thịt, như những em bé tật nguyền suốt đời vì chất độc màu da cam ngày nay, nằm lặng lẽ trong những chiếc hủ thủy tinh mà tôi đã thấy. 
 

Mỗi lần mùa nóng đến, cái nắng chói chan của đầu hè thường làm tôi nhớ đến Hiroshima và Hiroko, đến những em bé bất hạnh thầm lặng đang cần người nói thay và chia sẻ… 
 

Tokyo 5/1/1999

HỒNG LÊ THỌ 
 

*Hibakusha=nạn nhân bị nhiễm xạ(đã trở thành một thuật ngữ quốc tế) 
 

--------------------------------

(1) Tỉnh ở vùng Tây bắc Nhật Bản, nơi tác giả đang theo học.

(2 Máy soi cắt lớp (C.T. Scanner) 
 
 

Bài đã đăng trên Nguyệt san Đại Đoàn Kết, Tuần                                                                                                                                                    san Phụ Nữ TPHCM tháng 8/1999, kỷ niệm ngày Hiroshima

bị ném bom nguyên tử(6/8/1945) 
 
 
 

Tiếng sáo “Lòng mẹ” của bé Phúc

      Vừa qua, lần đầu tiên người xem truyền hình ở Nhật Bản được thưởng thức tiếng sáo của một thiếu niên mù lòa ở Bến Tre, thổi bài hát “Lòng mẹ” giữa đêm khuya thanh vắng.

      Đoàn làm phim của đài NTV (Tokyo) đã tìm đến Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre để theo dõi sinh hoạt của những con người bất hạnh bị tật nguyền “bẩm sinh” với nhiều nghi vấn. Họ đã gặp bé Phúc, một em bé trai mù một mắt, phía mắt bên trái không có nhãn cầu bị làn da mặt bịt kín, có khả năng do chất độc màu da cam của quân đội Mỹ chà xát trên vùng này trong chiến tranh gây ra.

      Nụ cười tươi tắn của Phúc là điều duy nhất diễn tả được sự hồn nhiên của trẻ thơ; đôi tay luôn chìa ra phía trước để tìm lối đi và hơi thở là nguồn sáng tạo, giúp em gieo được tiếng sáo réo rắt những bài hát, dân ca của người nông thôn Nam Bộ. 
 

 

        Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, dạt dào.

        Lời mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào…

      Nhờ lời dịch bên dưới phim, hàng triệu người Nhật Bản đã rung động hiểu được tấm lòng đến người yêu thương nhất mà bé Phúc gửi gắm trong tiếng sáo, nỗi nhớ gia đình, cha mẹ ở vùng quê hẻo lánh cách thị xã Bến Tre hơn 50km. Không ai có thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh mẹ Phúc âu yếm tắm rửa cho con, đút cho Phúc ăn như khi còn thơ ấu và cả lúc Phúc nằm yên lặng đu đưa trên chiếc võng băn khoăn, trước khi phải rời tổ ấm.

      Hình ảnh của quê hương đến với đứa bé mù lòa ấy chỉ là một màu trắng trong bóng đêm, mùi cây cỏ và hoa trái trong vườn nhà phảng phất trong gió giúp em nhận biết mỗi khi về đến, lúc ngồi trên chiếc yên xe đạp của người anh. Phúc tâm sự với đoàn làm phim. “Em vẫn cảm thấy sung sướng vì còn có cha, có mẹ và anh em, ước mong chỉ muốn có được một nghề để có thể tự nuôi sống mình”. Phúc đã đi vào con đường nghệ thuật bằng những khả năng tột bực của cảm quan với một tình cảm yêu đời nóng bỏng.

      Vâng, không chỉ có một mình Phúc, hơn 60 cháu bé tật nguyền đang sinh hoạt ở trung tâm mỗi em đều mang trên thân thể của mình một vết thương không thể hàn gắn nhưng tất cả đều vui tươi, tung tăng một cách hồn nhiên trước ống kính, chấp nhận “số phận” không hề oán trách.

      Có lẽ mọi người đều đồng tình với lời bình trong chương trình “Không ai có thể bù đắp, đem đến ánh sáng và niềm vui thật sự cho những em bé Việt Nam tật nguyền và bị thiệt thòi đó cho dù hôm nay có tìm ra được nguyên nhân hay cố từ chối trách nhiệm đã gây ra mà tiếng sáo của bé Phúc là một lời kêu gọi đầy nhân ái”. 
 

                    HỒNG LÊ THỌ (Tokyo)

                        SGGP  28/02/1999 
               
               
               

NGƯỜI BẠN CỦA NHỮNG EM BÉ TRONG CHIẾC HŨ THỦY TINH 

Từ lâu, khi lượng khách du lịch từ Nhật Bản sang Việt Nam nở rộ, tôi đã nghe đồn rằng nhà "Trưng bày chứng tích chiến tranh" (*) ở đường Võ Văn Tần (Quận 1 - TPHCM) là một điểm "nóng" đối với du khách, một địa danh mà hầu hết những người Nhật Bản sang đến đất nước này dều muốn ghé đến và không giấu được nỗi băn khoăn khi rời chân từ giã. Trên chuyến bay đêm từ TPHCM trở lại Tokyo vào giữa mùa hè tháng 8 năm nay, tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng khóc sụt sùi ở hàng ghế bên cạnh khi máy bay vừa nhẹ nhàng cất cánh hơn mười phút. Nhìn sang, đó là một cô gái người Nhật Bản trẻ tuổi, trên tay cầm một cuốn sách khá quen thuộc, đang là "best seller" bên này: "Tương lai bị cướp đoạt" nói về thảm hoạ của loài người trước nạn ô nhiễm độc tố và hoá chất trong đời sống văn minh. Yamamoto Kazuko học ở Đại học Y Dược (Tokyo), đang là sinh viên cao học ngành dược, mắt vẫn còn đỏ hoe, khoe với tôi là đã mua được mấy chiếc nón bài thơ để làm quà cho bạn bè, cười một cách ngượng nghịu, tránh cặp mắt tò mò đang cố tình muốn tìm hiểu tại sao cô lại khóc. Tôi hỏi đùa:

- Có lẽ cô vừa mới chia tay với người yêu ?

- Dạ không phải - Yamamoto nói nhẹ nhàng như bản tính vốn có của người phụ nữ Nhật Bản.

- Vậy thì Sài Gòn có gì làm cô phải khóc ? - Tôi rắn mắt hỏi tiếp.

- Sài Gòn lạ quá, không ồn ào náo nhiệt như Bangkok, cũng chẳng êm đềm như các thành phố nhỏ ở châu Âu..., Sài Gòn khá sinh động nhưng lại rất bình yên.

Có lẽ Yamamoto vẫn chưa muốn trả lời trực tiếp nỗi thắc mắc của tôi, tránh né sang phần cảm tưởng về TPHCM, nơi cô vừa mới sang lần đầu nhưng lại có một lối nhìn khá tao nhã và tinh tế. Một không khí im lặng bao trùm vắng vẻ giữa tiếng rù rì đều đặn của động cơ. Cả trăm hành khách đang chìm vào giấc ngủ muộn trên chiếc máy bay lao về hướng Đông, giờ đáp xuống sân bay Kansai (Osaka) sẽ là 6 giờ sáng (tức 4 giờ Việt Nam). Yamamoto vẫn không ngủ, quay sang phải rồi trở về phía trái, cô gái ấy hình như đang ở trong một tâm trạng bồn chồn, day dứt.

- Cô vẫn không ngủ được ư, còn vài tiếng nữa là về đến nhà rồi. Tôi động viên và cũng muốn chợp mắt đôi chút trước khi trở lại cuộc sống vồn vã theo lối công nghiệp của Nhật Bản.

- Tôi nói chuyên với ông có được không ?- Yamamoto nói khẽ.

- Vâng, xin mời cô.

Mới biết thêm Yamamoto sang thăm TPHCM chỉ có 5 ngày và buổi chiều cuối cùng trước khi trở về lại là buổi cô đến địa điểm nói trên, nơi mà hàng chục thai nhi chưa đủ hình dạng, biến thể quái dị ướp trong hủ formaline được trưng bày cho khách tham quan. Ở nhà trưng bày, Yamamoto nói cô đã phải nhìn nghiêng sang một bên, không dám dừng chân lâu khi bước ngang qua và cũng chẳng dũng cảm đọc những chi tiết giới thiệu. Cả buổi chiều hôm ấy, Yamamoto đã không ăn, cô ra thẳng sân bay buông mình sâu lắng trên chiếc ghế phòng chờ...

- Về đến cư xá đại học, Yamamoto sẽ kể những gì đã thấy và điều linh cảm khi đứng trước những em bé trong chiếc hũ thuỷ tinh.

- Cô linh cảm điều gì ?

- Những gì sách báo nói về tác hại của dioxin trong thuốc khai quang diệt cỏ ở Việt Nam, về nạn ô nhiễm độc tố siêu vi lượng của đời sống hàng ngày mà cả nước Nhật đang xôn xao, về hiện tượng nữ giới hoá (feminisation) do estrogen môi trường (hormone nữ tính nhân tạo phát sinh trong môi trường) ngày càng xâm thực vào cơ thể làm đảo lộn sự cân bằng về hóc-môn trong con người mà giới khoa học Nhật Bản gọi là sự bùng nổ của độc tố... còn quá mơ hồ vì họ chỉ nghiên cứu trên giống chuột, loài cá, ếch nhái hay cao nhất là thỏ. Đến Việt Nam lần này, em càng giật mình mặc dù ca mổ của Việt Đức trước đây tụi em ở Nhật Bản cũng đã quan tâm theo dõi... Em rất buồn và cảm thấy tủi thân cho những "con người" đang nằm đó ở Phòng trưng bày và cũng có thể còn rất nhiều chứng nhân khác đang âm thầm đau khổ, chịu đựng tật nguyền và bị đay nghiến bởi những chất độc mà lính Mỹ đã ném vào rừng già, sông ngòi và cỏ cây để "huỷ diệt" ở Việt Nam trong suốt gần 10 năm dưới tên gọi là "thuốc khai quang"... (1965 - 1971). 
 

    Có lẽ cô muốn nói đến những "hormone môi trường" (environmental hormones) phát sinh từ khói bụi, hoá chất trong ngành nhựa, thuốc trừ sâu và hàng chục loại độc tố trong thức ăn, sữa mẹ... vừa mới được công bố gần đây ở Nhật Bản ? Trước đây, khi chưa đủ trang thiết bị để phân tích định lượng các loại độc tố siêu vi lượng mà đơn vị là một phần tỷ hoặc một phần ngàn tỷ gram trong cơ thể thì hầu như việc truy tìm nguyên nhân bệnh lý xem như bó tay, nhưng nay thì sự thật đã được chứng minh, cụ thể là với chất độc dioxin, mặc dù cũng đã có một số các nhà khoa học cố tình phủ nhận hậu quả, qui kết một cách tránh né trước hiện tượng thai nhi bị dị dạng, tật nguyền, đần độn ở những vùng bị nhiễm chất độc khai quang... cho rằng đó là "bẩm sinh" (?!). Những nghiên cứu khoa học gần đây đã xác nhận đó là những độc tố làm rối loại nội tiết , đảo lộn DNA di truyền và sinh trưởng, đặc biệt là ở các tuyến sản sinh ra hormone giới tính và trí tuệ đầu tiên.

Hai chúng tôi nói với nhau "một mạch" như bắt trúng được tần số. Cô gái xa lạ trẻ tuổi này không còn khóc nữa, phần tôi cũng đã qua cơn buồn ngủ trên một chuyến bay "chờ sáng". "Chất độc màu da cam", "thuốc khai quang", "diệt cỏ" hoặc dưới một tên gọi hoá học phức tạp không chỉ để lại những hậu quả ác độc của một cuộc chiến mà ngay trong cuộc sống hiện đại ở Nhật Bản ngày nay, cả xã hội này đang rơi vào một cuộc khủng hoảng mới vì độc chất tràn ngập, như một tờ bào nổi tiếng của giới trí thức Nhật Bản cho đó là "sự phản kích", là bề trái nguy hại của nền văn minh vật chất có nguy cơ huỷ diệt loại người trên trái đất trong một vài thế kỷ tới.

Chia tay với người bạn gái mới quen vào giờ hừng đông trên sân bay, lòng cảm thấy nhẹ nhàng vì lời từ giã ấm áp của Yamamoto vẫn còn đọng lại trong tôi: "Em sẽ phải nói, thay cho những em bé trong chiếc hũ thuỷ tinh, những con người thầm lặng, tật nguyền suốt đời mà em đã gặp trong chuyến đi. Em đã kết bạn với họ trong cuộc gặp gỡ lần này và tự hứa như thế" với một nụ cười thật hồn nhiên và rạng rỡ.

Hy vọng sẽ gặp lại Yamamoto trên mảnh đất bình yên của quê hương. 
 

TPHCM - Osaka 20-8-98

HỒNG LÊ THỌ 
 

T.B.: Trước khi bài viết này lên khuôn, một tin buồn mới nhận được là em bé sinh ra đã có hai đầu ở tỉnh Tiền Giang vừa mới qua đời. Có lẽ tôi cũng sẽ không báo lại cho Yamamoto biết, sợ rằng người con gái ấy sẽ khóc nhiều hơn vì trong câu chuyện hàn huyên trên chuyến bay tôi đã “lỡ" kể cho cô ấy nghe và hứa là sẽ tìm địa chỉ vì Yamamoto muốn đến thăm khi trở lại. - (HLT, TPHCM 5-9-98) 
 

(*) Nay là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Báo Sài Gòn Giải Phóng

 
 
 
 

BÓNG ĐEN TRÊN NỀN ĐÁ Ở HIROSHIMA

 

                       Bóng người trên nền đá ở bậc thềm ngân hàng Hiroshima 1945

 

      Giữa cơn nóng đầu hè tháng 8/ 1970 chúng tôi đã theo chân đoàn đại biểu nước ngoài hành hương về Hiroshima để tham dự “Hội nghị thế giới chống bom A & H” với chủ đề chính là Ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, khi phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam đang bùng lên khắp thế giới. Thật bàng hoàng khi bước vào “Nhà lưu niệm bom nguyên tử Hiroshima” vì thảm họa của địa ngục trần gian được trưng bày một cách khủng khiếp ngay trước mặt. Đó là bóng đen của một con người nào đó bị thiêu đốt còn in lên nền đá của bậc thềm một ngân hàng, những vết thương loang lở trên con người vì cháy bỏng, bộ két sắt dày cộm chỉ còn lấm tấm hạt than đen và cả bình nước của các cháu học sinh chỉ là một vệt kim loại dài trên sàn gạch ở một trường tiểu học cách tầm bom nổ trên 4 cây số. Kim đồng hồ tòa Thị chính chỉ đúng 8 giờ 15 phút, vẫn còn đấy, được đóng vào tủ kính trang trọng, ghi lại thời điểm kinh hoàng khi quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Hiroshima ngày 6/8/1945. Nhiệt độ ngay tâm nổ của quả bom 4,5 tấn với 20 kg Uranium 235 là 300.0000 C, người dù ở trong lòng đất 600 mét vẫn bị chết cháy và cách xa 2,7 cây số vẫn bị phóng xạ hủy diệt.Một thành phố 420.000 dân đã bị quả nấm phóng xạ thiêu hủy gần 1/3 trong tích tắc và vết thương ấy vẫn kéo dài cho đến hôm nay, trên những con, cháu và dòng giống lâu dài của nạn nhân ngày trước. Tính đến năm 1990 đã có thêm 245.000 chết vì hồng cầu trong máu bị phá hủy di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

      Như mọi năm, tối hôm ấy (6/8), những người dân Hiroshima đều đổ dồn ra con sông Otagawa chảy ngang thành phố như truyền thống đã có từ những năm sau đó, thả hàng chục ngàn chiếc đèn lồng trên dòng nước để xoa dịu hương hồn các nạn nhân vì sau lúc bom nổ, cũng ở hai bên bờ con sông này đã có hàng vạn người cố lết đến để tìm nước uống và chết ngay trên bờ vì con sông đã trở nên đen đặc sau cơn mưa của bụi nhiễm xạ. “Cho tôi xin nước uống” (Mizu o kudasai) trở thành một lời nguyền phổ biến trong câu chuyện kể về Hiroshima. Một lời cầu xin cuối cùng và là một lời vĩnh biệt.

      Vào thăm bệnh viện chuyên chữa trị các bệnh nhân bị nhiễm xạ, chúng tôi gặp em Hiroko Yamaguchi (12 tuổi) đang vui đùa với chùm chim nhạn kết bằng giấy đủ màu treo đầu giường bệnh. Em đón khách bằng vẻ hồn nhiên của tuổi thơ. Bác sĩ chuyên trách cho biết bệnh em đang ở giai đoạn cuối cùng, mặc dù Yamaguchi là người thuộc thế hệ thứ 3 của nạn nhân bị nhiễm xạ... Bên cạnh em còn có Hirokawa (11 tuổi), Yoshida (15 tuổi), tất cả đều vui vẻ như chẳng biết gì xảy ra và sẽ ập đến với các em trong những ngày sắp tới. Các vị nữ đại biểu tham gia trong đoàn từ Úc, Pháp, Mỹ... đều cố nuốt nước mắt chực trào và ai cũng cố tạo cho mình một vẻ thản nhiên, tránh gây hoang mang vì biết rằng những nụ cười hôm nay của các em cho họ là lần cuối. Cuối tháng 12/1974 , tôi nhận được lá thư của Yamaguchi gởi về Tokyo để rồi từ ấy vắng luôn... Đọc những dòng chữ nắn nót, tôi thầm đoán được cái gì đã đến với em. Trong cơn đau cuối đời mà Yamaguchi phải gánh chịu, chắc chắn em cũng đã tìm về dòng sông Otagawa nơi tôi đã đến và chẳng bao giờ quên.

      Hiroshima ngày nay đã trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại nổi tiếng về đóng tàu và du lịch, không thua kém những nơi sầm uất khác của Nhật Bản. Giòng sông đã hiền hoà lững lờ và xanh lơ trở lại, nhưng mấy ai hình dung được rằng, cách đây hơn nửa thế kỷ, xác người đã lấp đầy vì khát, là nơi đã chôn vùi và thiêu hủy mọi sự sống dù là thân phận của nước hay cỏ cây.

                                 

      Hội chứng Hiroshima vẫn còn tiếp diễn trên thân thể con người đến hôm nay qua nhiều thế hệ. Liệu các cháu bé sinh ra bị dị dạng và tật nguyền vì chất độc màu da cam trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà lính Mỹ đã ném xuống gần 76 triệu tấn dưới cái tên "thuốc diệt cỏ" sẽ còn kéo dài đến bao giờ ?

                                                                                   Hồng Lê Thọ

                                                                               đã đăng ở Tuần san Sài gòn Giải Phóng 10/1998

 
 
 

 

HẬU QUẢ CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM

CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI ĐAU NHỨC THỜI CHIẾN

 

Cơn mưa áp thấp nhiệt đới giữa mùa ập xuống như trút nước, con đường từ Trà Vinh trở lại TP Hồ Chí Minh bỗng trở nên lầy lội, chiếc xe chở ba người chúng tôi hết đảo sang phải rồi quay về trái, ngả nghiêng. Hai chuyên gia than hoạt tính người Nhật Bản ngồi im như nín thở, bám víu vào tay vịn phía trước vẻ như thấm mệt, khác với lúc đi ai cũng vui vẻ, nhật là đối với Yamashita, lần đầu tiên sang Việt Nam, được nhìn tận mắt "đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu và trù phú đến nhường nào" (lời Yamashita). Qua khỏi bến phà Mỹ Thuận, mọi người bừng tỉnh vì xe băng trên một đoạn đường quá"xóc", không ai bảo ai, mắt vươn tầm nhìn lên phía trước mong sao chóng vượt qua. Cơn mưa vẫn còn nặng hạt, ngăn cản lối đi, chiếc xe nhào lộn, hối hả trên những vũng bùn bắn xả tung tóe. Hai người bạn Nhật Bản vẫn ngồi yên lặng chịu đựng, mắt nhìn xa năm, có lẽ họ đang tính nhẩm sản lượng than hoạt

tính của đồng bằng khi thấy những rặng dừa san sát ở trước mắt. Tôi bật công tắc ra-đi-ô nghe đài tiếng nói Việt Nam, lúc đất nước chưa giải phóng đã là người bạn hằng đêm của chúng tôi ở Tokyo. Hồi đó, cứ đến 12 giờ khuya giờ Nhật Bản (tức 10 giờ tối Việt Nam) anh em trong phòng chúng tôi thường tụ tập nhau lại nghe đài, thu thập tin tức để làm báo, đón nhận những bản tin về cuộc đấu tranh của sinh viên học sinh ở đô thị, các cuộc phản công của lực lượng giải phóng trên chiến trường và cả những bài bình luận quốc tế. Hôm nay bỗng nhiên nghe lại tiến nói ấm áp đưa tin hoạt động văn hóa ở Quảng Bình, giới thiệu đội ngũ làm thơ trẻ ở quê hương vùng biển mặn, nhắc đến những hồi ký viết về vùng đất lửa chiến tranh của một thời người Quảng Bình sống dưới bom đạn. Tiếng hát văng vẵng "Quảng Bình quê ta ơi" gây biết bao cảm xúc, bồi hồi khôn xiết:

Nếu ai hỏi vì sao

Quê hương chúng ta nhiều ngói mới

Rằng có đắng cay nên chừ

Mới có ngọt bùi...

Ôi, lời ca và làn điệu ấy chúng tôi đã được nghe từ mấy chục năm về trước, đưa chúng tôi, lớp trẻ "mới hai mươi tuổi đời" người Việt Nam sống ở Nhật Bản đã tự nguyện đứng về phía những người yêu chuộng hòa bình, đấu tranh cho lẽ phải.

                                       

                             Những vùng bị nhiễm chất độc khai quang ở Việt Nam

 Chiếc xe vượt qua đoạn đường trắc trở, bầu trời quang đãng hơn, bóng trăng tròn mùa Vu Lan đã xuất hiện qua rặng tre cuối chân trời ráng đỏ buổi hoàng hôn ở đồng bằng sau cơn mưa. Xe ngừng lại một quán nước bên đường, chúng tôi sảng khoái hít thở thật sâu sau mấy tiếng đồng hồ bị giam hãm. Ông Yamashita nhìn nghiêng nói với người bạn ngồi bên cạnh:

- Này Si-ma-da, hình như cách đây mấy tuần báo chí ở Nhật Bản có nói về một cậu bé hai đầu sinh ra ở đồng bằng sông Cửu Long. Anh có nhớ ?

Rồi quay lại hỏi tôi thêm có thật không.

- Đúng đấy, tôi cũng có thấy tin này trên báo, những có lẽ anh Thọ biết rõ hơn. Shimada nhìn tôi chờ đợi.

Tôi báo tin cháu bé ấy vừa mới qua đời cách đây vài hôm.

Tôi kể cho hai bạn người Nhật Bản câu chuyện của một người bạn thân làm ngành y ở TP Hồ Chí Minh.

Người vợ mà anh gặp gỡ và xây dựng gia đình ở vùng giải phóng đã ba lần bị hư thai, mãi đến ngày thống nhất đất nước mới sinh một cháu trai đầu lòng không được lành lặn. Đến khi cháu bé thứ hai ra đời, anh đã choáng váng ngay ở cổng phòng chờ, đứa con sau 10 năm trông ngóng ngỡ rằng không bao giờ sẽ có ấy - lại là một thai nhi đã chết vì bại não. Thời son trẻ, anh và chị đã gắn bó với rừng già Trường Sơn suốt 13 năm tròn, khi làm y sĩ trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ ở căn cứ. "Đến nay, có lúc tôi vẫn nằm mơ thấy cháu, trong tâm khảm vẫn còn ghi rõ hình ảnh những chiếc máy bay rải chất độc trắng xóa cả một vùng trời... Có lẽ hồi đó chúng tôi cũng đã bị nhiễm, nhưng làm sao biết trước được là mình sẽ gặp cảnh ngộ trớ trêu và bất hạnh đến như thế...". Anh đã lặng lẽ ôm con đi chôn cất, không muốn chị phải thấy hình hài dị dạng của con mình sau cơn đau sinh nở. Niềm chua xót vẫn kéo dài suốt đời. Anh chưa đủ dũng cảm để tâm sự với những người thân của mình, kể cả bạn bè đồng nghiệp nỗi phập phồng lo sợ sâu kín mỗi khi "gần" chị. Khát vọng có được một đứa con tròn trịa xinh xắn như trăm nghìn người khác của anh sao quá khó. Anh thường ngậm ngùi im lặng khi ai đó cho rằng anh không may, hiếm muộn (*). Shimada, một chàng trai còn trẻ khoảng 36 - 37 tuổi và cũng làm một chuyên gia giỏi về công nghệ than hoạt tính, không kìm nổi nghẹn ngào khi nghe tôi thuật lại. Anh nói:

- Ở Nhật Bản hiện nay, người ta đề cập rât nhiều đến hậu quả của dioxin vỉ trên báo chí lẫn truyền hình hầu như ngày nào cũng có bài viết, chương trình về những độc tố siêu vi lượng đang xâm nhập vào con người. Và khi nói về chủ đề này, không ai không nhắc đến chất độc màu da cam mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, vì đó là những vết thương rớm máu, rất đáng nguyền rủa đã và đang diễn ra.

- Nhiều người Nhật Bản chúng tôi cũng gặp nhiều cảnh ngộ bi đát ở những vùng bị ô nhiễm thủy ngân từ nước thải công nghiệp; gần đây được gọi là "hoóc-môn môi trường". Tháng 11 năm ngoái, Bộ Y Tế Nhật Bản đã đưa ra một danh sách trong đó có cả dioxin, là một độc tố đi từ khói bụi, thuốc trừ sâu và hàng chục hóa chất gây tai biến khác phát sinh trong đời sống văn minh vật chất của một xã hội mất cân bằng sinh thái do phát triển quá đà.  Yamashita giải thích thêm.

Theo Yamashita, hiện nay, hàng năm, số người tử vong ở Nhật Bản vì các chứng ung thư tăng gấp bội, thật đột biến gấp 2-3 lần các năm trước, được các nhà khoa học khẳng định nguyên nhân bệnh lý đi từ những độc tố môi trường. Hơn thế nữa, ở Hiroshima và Nagasaki, nơi hai quả bom nguyên tử bị ném

xuống đầu tiên vào tháng 8-1945 đến nay đã trải qua 53 năm, nhưng những người tiếp tục chết  vì bệnh "máu trắng" do hội chứng di truyền vì nhiễm xạ chưa biết bao giờ sẽ kết thúc. Có những con người thuộc thế hệ thứ 3, 4 của nạn nhân bị nhiễm xạ đang khỏe mạnh bỗng chết thật đột ngột, một dị biến mà khả năng y học tiến bộ ngày nay chưa ngăn chặn nổi. Vết thương chiến tranh ở Nhật Bản đang còn đó, hàng năm vẫn tiếp tục gieo bao tang tóc cho hàng nghìn gia đình vô tội…

 

        

Bán đảo Cà Mau hoang tàn sau chiến tranh

Con đường trở lại thành phố về đêm thật im vắng, thời gian như ngừng lại trong bóng tối, không ai muốn gợi chuyện thêm. Điều mà Yamashita vừa kể đang lắng đọng trong chúng tôi, nhất là khi anh ấy thở dài nói như tự nhủ với chính mình :

"Hàng năm, vào tháng 8, đến ngày giỗ của những con người đã chết vì nhiễm xạ, người Nhật Bản ở Hiroshima hay Nagasaki vẫn đưa ra lời kêu gọi hòa bình, lên án chiến tranh và ngăn cấm vũ khí, hóa chất hủy diệt nhân loại. Nhưng hiện nay, với những độc tố từ môi trường bị ô nhiễm tràn ngập thì chưa biết xã hội loài người sẽ đi về đâu ?... Lượng dioxin trong chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ ném vào chiến tranh ở Việt Nam gấp mấy chục lần so với số lượng dioxin mà người Nhật Bản đang gánh chịu từ khói bụi, chất thải công nghiệp ngày nay, chắc chắn sẽ còn tiếp tục gây ra đau khổ cho những con người đã bị nhiễm độc và kéo dài theo hệ di truyền đến biết bao thế hệ... "

Tôi đoán thầm có lẽ đây cũng là một nhân tố làm cho nhiều bạn bè Nhật Bản cảm thấy gần gũi với đất nước và con người Việt Nam - cả hai dân tộc đều phải chịu đựng những hậu quả nặng nề và đau đớn của chiến tranh như Yamashita vừa tâm sự. Vâng, chính vì lẽ đó mà hai bạn người Nhật Bản của tôi, các

chuyên gia về than hoạt tính lặn lội trong mưa đến xứ dừa Bến Tre này. Bởi vì, chính than hoạt tính có thể ngăn chặn được dioxin trong môi trường.

------------------------------------

Theo thống kê, lượng dioxin phát sinh từ các nguồn (khói bụi, khí và nước thải công nghiệp...) ở Nhật Bản là 5 - 7 kgs/năm trong khi lượng dioxin từ chất độc màu da cam của quân đội Mỹ rải ở chiến trường miền nam Việt Nam (1962-1971) là 170 kgs/năm (theo cách tính của Mỹ) hay có thể lên đến 5520 kgs theo báo cáo của GS Tôn Thất Tùng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, chỉ với 5ppb (5 phần tỷ gram) dioxin, thì người phụ nữ có thể bị ung thư nội mạc tử cung và lượng hấp thụ cho phép là 10ppt (10 phần 1000 tỷ gram trong một ngày trên 1 kg trọng lượng).

Nhân dân cuối tuần,  ngày 4-10-1998

 


 

PHÓNG VIÊN ẢNH NHẬT BẢN NAKAMURA GORO

SỨ GIẢ CỦA NHỮNG CON NGƯỜI TẬT NGUYỀN

 

                                  "Những bà mẹ tắm gội bằng chất độc khai quang"

      Đã hơn 30 lần đi khắp Việt Nam (1976 đến 1997), Nakamura chụp trên 35.000 tấm ảnh, trong đó ống kính đầy tâm huyết của anh đã dành cho các cháu bé bị tật nguyền, nỗi đau xé lòng của những bà mẹ bị nhiễm độc từ Cà Mâu, Ban Mê Thuột, TP Hồ Chí Minh, đến các gia đình cựu chiến binh. Những tập ảnh của Nakamura đã được trưng bày tại Hàn Quốc (1993), Hoa Kỳ (1994) và nhiều đợt khắp đất nước Nhật Bản...

                 Nhận hoa từ Bà Nguyễn Thế Thanh, PGD Sở Văn Hóa Thông Tin TPHCM

 

      Nakamura là người bạn thân thiết của Takano Isao, phóng viên báo Akahata (1), người đã ngã xuống tại Lạng Sơn vào tháng 3-1979 trong trận chiến với quân phía bắc tràn sang. "Chính Takano đã chết thay cho tôi", khi Nakamura nhường bước cho chiếc com-măng-ca chở Takano vượt lên và trúng đạn. "Suốt 28 năm gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, Nakamura Goro cho ra đời tác phẩm "Những bà mẹ tắm gội bằng chất độc khai quang" (tái bản 16 lần với số lượng 250.000 cuốn) và gần đây là "Chiến trường của chất độc hoá học".

    Anh đã dành hơn nửa đời mình để theo dõi vấn đề chất độc màu da cam ở Việt Nam, và hầu hết những sách báo đề cập đến nạn ô nhiễm dioxin hiện nay ở Nhật Bản đều sử dụng những bức ảnh mà anh đã chụp khi đi làm phóng sự, đặc biệt là tấm ảnh người mẹ bồng con bị tai biến anh đã chụp tại Tây Ninh và cảnh khu rừng đước bị tàn phá trơ trọi ở Cà Mau. Trong sách giáo khoa về lịch sở thế giới cho học sinh cấp 3 tại Nhật Bản, nhiều tác giả cũng đã dựa lên những hình ảnh ấy khi nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Anh có thể cho biết lý do nào lôi cuốn anh sâu đậm đến như thế?

     

   

Hai cháu bé Việt-Đức trước khi mổ tách đôi

      NAKAMURA GORO: Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một sự kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử con người ở thế kỷ 20. Việc ghi lại những gì đã xảy ra trong khoảnh khắc bằng hình ảnh mang tính tố cáo mạnh mẽ sẽ trở thành nguồn tư liệu và chứng tích vì bản thân những thực tế ấy không thể tạo dựng trở lại. Các bài phóng sự chiến trường, bức ảnh chụp được tại Việt Nam trong những thời điểm sôi động, nhất là những hành động tàn ác và dã man mà quân đội Mỹ đã gây ra lúc bấy giờ là một trong những nguyên nhân làm xoay chiều xu thế của công luận trên thế giới; hàng chục triệu con người trên quả đấtt đã đứng về phía nhân dân Việt Nam, trở thành một sức ép buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải chấp nhận ngừng bắn, đàm phán và cuối cùng là rút quân ra khỏi miền Nam vô điều kiện. Vì thế, chiến thắng của người Việt Nam còn là niềm tự hào của những con người yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới, trong đó có cả những nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh ở chiến trường như chúng tôi.

      Tháng 4-1975 mong ước ấy thực sự đã đến, chiến tranh đang lùi vào quá khứ, hoà bình đã trở lại, cuộc sống được hồi sinh nhưng còn một điều phải nêu lên là những vết thương chiến tranh hằn lên đất nước và con người Việt Nam còn quá lớn, trong đó việc quân đội Mỹ sử dụng chất độc màu da cam có chứa dioxin - là một độc tố mang tính huỷ diệt khủng khiếp nhất - đã và đang gây ra biết bao dau thương. Điều đó tôi đã chứng kiến lần đầu tiên khi đặt chân đến Năm Căn (Cà Nam) vào năm 1976, ngữ ngàng đến tột độ khi thấy cánh rừng đước ở đây trở về thời tiền sử, trơ trọi và hoang vu đến ghê rợn, vì một chất độc mà người Mỹ thường gọi là "thuốc khai quang". Thời gian qua nhanh, mười chín năm sau, vào năm 1995, khi về thăm trở lại khu rừng đước ngày ấy, nay đã trở thành vùng nuôi tôm phát triển; gió mưa dần dà đẩy những độc tố dioxin ra biển khơi, khảo sát địa chất khẳng định thổ nhưỡng ở đây đã lành lặn an toàn. Còn những con người mà tôi đã gặp hồi đó như cháu bé tên Hùng thì bây giờ đã được 25 tuổi, nhưng trí tuệ chỉ bằng một đứa trẻ lên 10, không nói được và ngớ ngẩn lạ thường; nhiều cháu bị nhiễm độc nặng nề khác thì qqar qua đời hoặc âm thầm sống trong giày vò đau đớn của tật bệnh thật đáng thương. Vết thương do độc tố ngày càng ăn sâu vào cơ thể, chưa thể xoá đi một cách dễ dàng như những cánh rừng ở Cà Mau.

      * Anh muốn nói rằng những hậu quả mà chất độc màu da cam trên đồng ruộng, cỏ cây có thể được thiên nhiên hồi phục qua thời gian, nhưng đối với con người bị nhiễm độc thì vấn đề vẫn còn đó, thậm chí đang tiếp tục tàn phá nặng nề và nguy hại hơn vì dioxin không thể xoá đi khi đã ăn sâu vào cơ thể con người, gây ra những dị biến di truyền mà y học hiện đại ngày nay chưa có phương cách cứu chữa ?

      - Rõ ràng là như vậy. Kết quả nghiên cứu những dị biến do dioxin gây ra đã đượpc các nhà khoa học của Mỹ công bố khá nhiều và có giá trị học thuật rất cao. Ngay các tập đoàn công nghệp sản xuất hoá chất khai quang, thuốc trừ sâu, diệt cỏ như Dow Chemicals hay Monsanto (Mỹ) đều rất rõ hệ quả của chúng trên cơ thể con người. Quân đội Mỹ đã buộc phải ngưng sử dụng tại chiến trường Việt Nam khi phát hiện nhiều người lính của họ đã bị nhiễm độc mặc dù những người này chỉ ở lại Việt Nam làm "nghĩa vụ quân sự" từ chín tháng đến một năm. Cuối cùng những công ty nêu trên đã "tự nguyện" bồi thường 180 triệu đo la để ngăn chận việc xử án buộc tội và sau đó là Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chấp nhận chăm sóc vô điều kiện cho những người Mỹ bị nhiễm độc trong thời gian ở Việt Nam.

      Trong khi đó, máy bay của quân đội Mỹ đã dội hơn 91 triệu lít chất độc khai quang vào miền Nam, chà xát ruộng vườn, gừng già trong suốt 10 năm thì thử hỏi những con người đã sống và chiến đấu ở đấy đã gánh chịu bao nhiêu lần hơn. Theo tôi trong những con người này đang có sẵn một quả bom độc tố có thể nổ tung bất cứ lúc nào, và còn tiếp tục di truyền đến nhiều thế hệ kế tiếp mà chưa ai có thể lường trước được.

      * Chị Kuroyamagi Tetsuko (2) nói trong phần mở đầu cuốn sách "Những bà mẹ tắm gội bằng chất độc khai quang" do anh viết, rằng "không một ai có thể nặng im và làm ngơ khi được nhìn tận mắt và biết rõ rằng những thai nhi, cháu bé dị dạng tật nguyền suốt đời bất hạnh ấy đang và còn sẽ tiếp tục ra đời " ...

 

       Suốt ba năm từ 1993 đến 1995, tôi và một số bạn đồng nghiệp ở Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều đợt trưng bày những hình ảnh này tại một số tiểu bang ở Mỹ, Hàn Quốc và khắp đất nước Nhật Bản, Trung tâm Nhiếp ảnh gia Hoa Kỳ (Houston - bang Texas) đã dành cho cuộc trưng bày một tình cảm trân trọng rất đáng quý. Có rất nhiều người Mỹ trẻ tuổi đến xem, kể cả các cựu chiến binh người Mỹ ở chiến trường Việt Nam ngày trước, và điều đáng mừng là đợt triển lãm ở Hoa Kỳ đã góp phần vào phong trào đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm trước những hậu quả của chất độc màu da cam không chỉ với những người lính Mỹ mà còn cả với quân đội "đồng minh da màu" khác như lính Hàn Quốc, Philippines vì họ cũng là những nạn nhân của chất độc trong khi tham gia chiến đấu bên cạnh lính Mỹ. Có một số người Mỹ cố tình quên đi rằng độc tố dioxin đây giết phân loại màu da của con người để đối xử sai biệt ! Điều này cũng được thể hiện rất rõ khi chúng tôi tổ chức trưng bày tại Seoul.

      * Xin cho biết thêm những dự kiến sắp tới của anh ?

      _ Đầu tháng 1-99, tôi dự kiến sẽ trở lại Việt Nam. Tháng 3 năm này cũng là 20 năm ngày giỗ anh Takano Isao, chúng tôi sẽ gặp lại tất cả bạn bè của Takano, chuẩn bị cùng nhau làm một việc gì đó có ích hơn nữa để tưởng niệm anh. Mặt khác, hy vọng sẽ có dịp nói chuyện với các bạn trẻ Việt Nam, nhất là những người yêu thích nhiếp ảnh để họ biết thêm những kinh nghiệm mà chúng tôi đã tích luỹ được vì các bạn ấy có nhiều điều kiện thuận lợi hơn chúng tôi trong việc ghi lại những gì đã xảy ra quá độc ác trên đất nước và con người Việt Nam.

HỒNG LÊ THỌ

Thực hiện tại Tokyo

tháng 10-98

-------------------------------------

(1) Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản.

(2) Nhà văn Nhật Bản nổi tiếng, nguyên Đại sứ lưu động của UNICEF

(Tổ chức Nhi đồng quốc tế thuộc Liên hợp quốc).

Báo SGGP 25-10-98

GORO NAKAMURA


GORO NAKAMURA
is a photo journalist in Japan. He has been covered the Vietnam War and its tragedy of Agent Orange. He was born in 1940, and he has been a Professor of the faculty of Regional Study of the Gifu University where he taught media theory and photojournalism for several years until his retirement in 2004. Since 1974 Nakamura has written five books on the topic that has each sold anywhere from 7,000 to 270,000 copies. He was nominated for the last ten finalists of Eugene Smith Award in 1983, and received the 8th Ina Nobuo Prize in 1983 from Nikon for the best photographer of the year, as well as a special prize from the Japan Congress of Journalists in 1995. Nikon hosted his exhibition “30 Years Tracing of Agent Orange” held at their gallery in Ginza, Tokyo and Osaka Nikon in 2005. He was awarded the 1st Scientific Technical Journalist Prize in 2005 for his work of the photo-reportage concerning to the Agent Orange. His photographs are exhibited at president’s gallery of the John Jay College of Criminal Justice in New York (CUNY) in 2006 to 2007. He is now teaching photography and journalism at the Institute of Modern Photography as a Vice Director of the Institute

Goro Nakamura website

 Introduction to the exhibition ORANGE

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Hồng Lê Thọ