Trên đà phá sản

Vietsciences- Nguyễn Trường (dịch)         Chalmers Johnson (tác giả) 04/01/2009

 

Những bài cùng tác giả

Tai Sao Khủng Hoảng Quốc Trái Hiện Là Nguy Cơ Lớn Nhất Đối Với Hoa Kỳ ?

Các nhà phiêu lưu quân sự trong chính quyền George W. Bush có nhiều điểm tương đồng với những người cầm đầu công ty Enron trước đây. Họ tự nhận là những người "thông minh tài giỏi bậc nhất trong giới lãnh đạo" (the smartest guys in the room), tiêu đề bộ phim được giải thưởng do Alex Gibney đạo diễn về những sai lầm đưa Enron đến phá sản. Phái Tân Bảo Thủ trong tòa Bạch Ốc và Ngủ Giác Đài đã vượt quá tài trí của chính mình. Họ đã thất bại ngay cả trong việc giải quyết vấn đề tài trợ các cuộc chiến mang tính đế quốc và mưu đồ thống trị toàn cầu.

Bước qua năm 2008, Hoa kỳ chợt nhận ra mình đang lâm vào cảnh ngộ bất thường vì không đủ khả năng theo đuổi mức sinh hoạt quá tốn kém hay guồng máy quân sự quá lớn lao, phung phí. Chính quyền cũng không còn tìm cách tiết giảm các chi phí khổng lồ nhằm duy trì những đạo quân hiện hữu, thay thế số quân trang, quân dụng bị hủy hoại hoặc hư hao sau nhiều năm chinh chiến, hoặc chuẩn bị cho cuộc chiến thượng từng không gian chống lại những kẻ thù chưa xuất hiện. Thay vào đó, chính quyền Bush chuyển việc thanh toán những phí tổn nầy lại cho các thế hệ tương lai - hoặc tảng lờ phủ định. Thái độ vô trách nhiệm về thuế vụ đó đã được ngụy trang qua các thủ thuật tài chánh ( như buộc các xứ nghèo hơn cho chúng ta vay những khoản tiền lớn vô tiền khoáng hậu ) ; nhưng tình trạng nầy không thể tiếp diễn.

Cuộc khủng hoảng công trái phải được phân tích từ ba góc cạnh khác nhau :

(1) Trong tài khóa 2008, chúng ta đã dự chi cho các mục "quốc phòng" những ngân khoản điên rồ không dính dáng gì đến an ninh quốc gia Hoa kỳ. Đồng thời, gánh nặng thuế khóa dành cho những tầng lớp giàu có lại ở mức quá thấp.

(2) Chúng ta vẫn luôn tin tưởng có thể bù đắp vào đà xói mòn ngày một tăng tốc trong cơ sở kỹ nghệ chế biến và số công ăn việc làm thất thoát ra các nước ngoài, bằng các chi phí quốc phòng khổng lồ -- thường được gọi "chính sách Keynesianism về quân sự" (military Keynesianism), như chúng tôi đã phân tích trong cuốn "Nemesis" : The Last Days of the American Republic" (Nữ Thần Báo Oán : Những Ngày Cuối của Cộng Hòa Mỹ). Qua cụm từ military Keynesianism, chúng tôi muốn nói đến niềm tin sai lầm là những chính sách công --tập trung vào các cuộc chiến liên tục, vào những chi tiêu về vũ khí, quân trang, quân dụng, vào những đạo quân lớn lao -- có thể giúp duy trì một nền kinh tế tư bản mãi mãi thịnh vượng. Thực tế luôn trái ngược.

(3) Khi dồn hết tài nguyên luôn mang tính hữu hạn vào các chính sách quân sự, chúng ta đã bỏ quên đầu tư vào hạ tầng cơ sở xã hội và các chi tiêu cần thiết cho sự lành mạnh của xứ sở. Đó chính là điều các kinh tế gia gọi là "phí tổn cơ hội" (opportunity costs) -- hay những gì không làm được vì chúng ta đã dành tiền chi tiêu vào những thứ khác. Hệ thống giáo dục công lập của chúng ta đã xuống cấp một cách đáng lo ngại. Chúng ta đã không cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế cho mọi công dân và đã lơ là trong trách nhiệm một nước gây ô nhiểm số một trên thế giới. Nhưng quan trọng hơn hết là chúng ta đã đánh mất khả năng cạnh tranh trong địa hạt sản xuất hàng tiêu dùng dân sự -- một phương cách sử dụng tài nguyên khan hiếm vô cùng hữu hiệu so với sản xuất vũ khí.

Sau đây chúng tôi xin lần lượt thảo luận vấn đề theo từng góc cạnh vừa nói.

I : CHÍNH SÁCH THUẾ HIỆN HÀNH --MỘT TAI HỌA :

Người ta khó thể nói quá (virtually impossible to overstate) về sự lãng phí trong chi tiêu quân sự của chính phủ. Ngân sách của bộ Quốc Phòng trong tài khóa 2008 lớn hơn tổng số ngân sách quân sự của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Riêng ngân sách phụ trội nhằm tài trợ hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq, nằm ngoài ngân sách quốc phòng chính thức, tự nó cũng đã lớn hơn tổng số ngân sách quân sự của Liên Bang Nga và Trung Quốc gộp lại. Lần đầu tiên trong lịch sử, chi tiêu liên hệ đến quốc phòng trong tài khóa 2008 đã vượt quá mức một nghìn tỉ USD. Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia bán vũ khí lớn nhất cho toàn thế giới. Không tính các chí phí liên quan đến hai cuộc chiến đang tiếp diễn của TT Bush, chi tiêu quốc phòng đã tăng gấp đôi kể từ giữa thập kỷ 1990s. Ngân sách quốc phòng trong tài khóa 2008 đã lên mức cao nhất kể từ đệ nhị thế chiến.

Trước khi đi sâu vào chi tiết và phân tích con số khổng lồ nầy, một điều quan trọng cần được nhấn mạnh. Các con số về chi tiêu quốc phòng rõ ràng là không đáng tin cậy. Các con số chính thức công bố bởi hai cơ quan -- Sở Truy Cứu Quốc Hội (Congressional Reference Service) và Sở Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office) -- không ăn khớp với nhau. Robert Higgs, chuyên viên nghiên cứu kinh tế chính trị cao cấp, khuyên : "Một nguyên tắc chung được chấp nhận là lấy tổng số ngân sách căn bản của Ngũ Giác Đài (thường được quảng bá rộng rãi) và nhân đôi lên ".(A well-founded rule of thumb is to take the Pentagon's [always well publicized] basic budget total and double it). Chỉ cần lướt qua những bài viết về bộ quốc phòng trong báo hàng ngày, người ta cũng thấy nhiều sai biệt trong thống kê về các các chi phí của bộ sở quan. Khoảng 30-40% ngân sách quốc phòng là kinh phí "đen" (black), nghĩa là liên quan đến những "chi phí được dấu kín thuộc những dự án mật" (hidden expenditures for classified projects). Chẳng có cách nào để biết những đề mục đó gồm những gì và ngân khoản liên hệ có xác tính hay không.

Có nhiều lý do để giải thích những thủ thuật che đậy nầy -- kể cả sở thích bí mật của Tổng Thống, bộ trưởng quốc phòng, và tập đoàn quân sự-kỹ nghệ (the military-industrial complex) ; nhưng lý do chính là các dân biểu, nghị sĩ -- những người hưởng lợi qua những công ăn việc làm bắt nguồn từ những chi tiêu quốc phòng, những dự án kếch sù hữu ích cho cử tri trong địa hạt của mình (pork-barrel projects)-- vì quyền lợi chính trị riêng, đều ủng hộ bộ quốc phòng. Năm 1996, trong một cố gắng điều chỉnh các chuẩn mực kế toán trong ngành hành pháp theo mẩu mực khu vực kinh tế dân sự, quốc hội đã biểu quyết chấp thuận Đạo luật Cải tiến Quản lý Tài chánh Liên bang (Federal Financial Management Improvement Act). Luật mới đòi hỏi tất cả các cơ sở liên bang phải mướn các kiểm toán viên bên ngoài kiểm tra sổ sách kế toán và công bố kết quả rộng rãi trong công chúng. Nhưng cả Bộ Quốc phòng lẫn Bộ An Ninh Quốc Nội chưa bao giờ chấp hành. Quốc hội có phàn nàn, nhưng cũng chẳng hề có biện pháp chế tài. Kết quả là tất cả các con số do bộ quốc phòng công bố đều không đáng tin cậy.

Khi thảo luận ngân sách tài khóa 2008, như đã được công bố cho báo chí ngày 7-02-2007, chúng tôi đã theo sự hướng dẫn của hai nhà phân tích kinh nghiệm và đáng tin cậy : William D. Hartung làm việc cho chương trình "Sáng Kiến Vũ Khí và An Ninh thuộc Quỹ New America Foundation (New America Foundation's Arms and Security Initiative) và Fred Kaplan, phóng viên quốc phòng của tổ chức Slate.org. Họ đồng ý là Bộ Quốc Phòng đã trình Quốc Hội một ngân khoản 481,4 tỉ USD cho lương bổng, điều hành (không kể Iraq và Afghanistan) và trang bị. Họ cũng đồng ý với con số 141,7 tỉ USD ngân sách phụ trội (supplemental budget) cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu -- là hai cuộc chiến đang tiếp diễn mà dân Mỹ những tưởng đã dự liệu sẵn trong ngân sách căn bản của Bộ Quốc Phòng. Bộ Quốc Phòng cũng dự chi một ngân khoản khác 93,4 tỉ USD để trang trải những chi phí chiến tranh chưa hề được nhắc đến cho thời gian còn lại của năm 2007, và sáng tạo hơn nữa, một khoản phụ cấp (additional allowance - một từ mới được dùng trong các tài liệu ngân sách quốc phòng) 50 tỉ USD sẽ được tính vào tài khóa 2009. Tóm lại, Bộ Quốc Phòng đã dự chi một tổng số 766,5 tỉ USD cho tài khóa 2008.

Nhưng vẫn chưa hết. Nhằm ngụy trang tầm vóc thực sự của chính sách đế quốc quân sự Hoa Kỳ, chính quyền từ lâu đã che dấu những chi phí quân sự lớn lao trong nhiều bộ ngoài Bộ Quốc Phòng. Chẳng hạn, 23,4 tỉ USD cho Bộ Năng Lượng, để khai triển và bảo quản các đầu đạn nguyên tử ; và 25,3 tỉ USD trong ngân sách Bộ Ngoại Giao cho viện trợ quân sự (phần lớn dành cho Do Thái, Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, United Arab Republic, Egypt, và Pakistan). Một ngân khoản 1,03 tỉ USD khác ngoài ngân sách chính thức của Bộ Quốc Phòng để trả tiền thưởng đầu quân và tái đăng cho quân lực Hoa Kỳ hiện giàn trải quá mỏng, so với con số nhỏ nhoi 174 triệu USD trong năm 2003, năm cuộc chiến Iraq bắt đầu. Bộ Cựu Chiến Binh hiện được dành ít nhất cũng 75,7 tỉ USD ; 50% con số nầy dành để trang trải chi phí săn sóc y tế dài hạn cho quân nhân bị trọng thương trong số ít ra là 28.870 thương binh ở chiến trường Iraq, và 1708 thương binh ở Afghanistan. Ngân khoản nầy được công nhận là không thích đáng hay quá khiêm tốn. Một ngân khoản 46,4 tỉ USD được dành cho Bộ An Ninh Quốc Nội (Department of Homeland Security).

Đó là chưa kể con số 1,9 tỉ USD dành cho Bộ Tư Pháp để trang trải các chi phí liên quan đến các hoạt động bán quân sự của FBI ; 38,5 tỉ USD dành cho Quỹ Hưu Bổng Quân Sự thuộc Bộ Ngân Khố ; 7,6 tỉ USD cho các hoạt động mang tính quân sự của NASA ; và trên 200 tỉ USD để trả tiền lãi nợ quốc phòng.

Tính chung, một cách bảo thủ, Hoa Kỳ phải chi cho bộ máy quân sự ít nhất cũng trên 1.100 tỉ USD trong tài khóa 2008.

II : KEYNESIANISM QUÂN SỰ -- MILITARY KEYNESIANISM :

Các chi tiêu trên đây là ghê tởm trên bình diện đạo đức và quá sức gánh chịu lâu dài trên bình diện thuế vụ. Nhiều thành viên phái Tân bảo thủ và nhiều người Mỹ yêu nước thiếu hiểu biết tin rằng mặc dù ngân sách quốc phòng thật sự lớn lao, nhưng chúng ta vẫn đủ sức gồng gánh vì Hoa Kỳ là quốc gia giàu nhất hành tinh. Chẳng may niềm tin đó không còn đúng nữa. Liên Hiệp Âu Châu (EU), theo tài liệu "World Factbook" của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA), mới là cộng đồng chính trị giàu nhất thế giới. Năm 2006, GDP (hàng hóa và dịch vụ sản xuất quốc nội) của EU được ước tính cao hơn GDP của Hoa Kỳ. Cũng vào năm 2006, GDP của Trung Quốc cũng chỉ kém thua Hoa Kỳ chút đỉnh, và Nhật Bản là xứ giàu thứ tư trên thế giới.

Một sự so sánh khác, nhiều ý nghĩa hơn -- so sánh cân thương mãi hữu hình (current accounts) giữa các quốc gia -- cho thấy tình trạng của Hoa Kỳ tồi tệ hơn nhiều. Cân thương mãi đo lường số thặng dư hoặc khuy khiếm thuần trong mậu dịch quốc tế (net trade surplus or deficit) của một xứ, cộng thêm số tiền lãi, tiền royalties, cổ tức, tăng giá của tích sản tư bản (capital gains), ngoại viện, và các lợi tức khác. Chẳng hạn, để sản xuất một thứ hàng gì, nước Nhật cần phải nhập khẩu các vật tư (raw materials) cần thiết. Ngay cả sau khi trang trải mọi chi phí, Nhật Bản vẫn còn có một số thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ lên tới 88 tỉ USD/năm và ghi nhận một cân thương mãi thặng dư (xuất siêu) lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Ngược lại, Hoa Kỳ đang đứng thứ 163, còn tệ hơn cả Úc và Vương Quốc Anh là những xứ có cân thương mãi khuy khiếm hay nhập siêu lớn. Năm 2006, con số nhập siêu của Hoa Kỳ lên đến 811,5 tỉ USD ; và Tây Ban Nha (Spain) là nước nhập siêu lớn thứ hai với 106,4 tỉ USD. Về lâu về dài, Hoa Kỳ khó thể gồng gánh một cân thương mãi khuy khiếm lớn lao như vậy.

Không những chúng ta đang ngụp lặn trong hàng ngoại, kể cả dầu khí nhập khẩu, mà chúng ta không đủ khả năng trang trải, chúng ta còn phải tài trợ những món hàng nhập khẩu nầy bằng những con số vay mượn khổng lồ. Ngày 07- 11 - 2007, Bộ Ngân Khố công bố số nợ của quốc gia (national debt -- quốc trái) lần đầu tiên đã vượt mức 9.000 tỉ USD. Lời loan báo nầy đã được đưa ra năm tuần lễ sau ngày Quốc Hội biểu quyết nâng trần quốc trái lên mức 9.815 tỉ.

Kể từ năm 1789, năm Hiến Pháp Hiệp Chủng Quốc ra đời, cho đến năm 1981, số nợ do chính quyền liên bang tích lũy vẫn chưa vượt ngưỡng 1.000 tỉ USD. Khi George W. Bush lên làm Tổng Thống vào tháng 01-2001, con số đó còn ở khoảng 5.700 tỉ USD. Từ đó, số quốc trái đã gia tăng khoảng 45%. Số nợ khủng khiếp nầy một phần lớn có thể giải thích bởi số chi phí quốc phòng của Hoa Kỳ so với phần còn lại của thế giới.

Sau đây là 10 nước chi tiêu về quốc phòng nhiều nhất và ngân sách quốc phòng liên hệ (năm) :

1. Hoa Kỳ (ngân sách quốc phòng tài khóa 08), 623 tỉ USD

2. Trung Quốc (2004), 65 tỉ

3. Liên Bang Nga, 50 tỉ

4. Pháp (2005),45 tỉ

5.Anh Quốc, 42,8 tỉ

6. Nhật (2007), 41,75 tỉ

7. Đức (2003), 35,1 tỉ

8. Ý (2003), 28,2 tỉ

9. Nam Hàn (2003), 21,1 tỉ

10. Ấn Độ (2005 ước tính), 19 tỉ

Toàn thế giới (2004 u.t.), 1.100 tỉ

Thế giới ngoài Hoa Kỳ, 500 tỉ

Số chi phí quân sự quá đáng của Hoa Kỳ không chỉ diễn ra trong vòng một ít năm ngắn ngủi hoặc chỉ vì chính sách đặc thù của chính quyền Bush. Tình trạng nầy đã tiếp diễn từ rất lâu -- hậu quả của một hệ ý thức nông nổi đã bám trụ trong hệ thống chính trị dân chủ của chúng ta, một hệ thống nó đang bắt đầu hủy hoại. Hệ ý thức nầy chúng tôi gọi là "chính sách Keynesianism về quân sự" (military Keynesianism) -- chúng tôi muốn ám chỉ ý chí duy trì một nền kinh tế chiến tranh thường trực và xem hậu quả hay "đầu ra" quân sự (military output) như một sản phẩm kinh tế bình thường, mặc dù nó chẳng đóng góp gì vào sản xuất hoặc tiêu thụ.

Hệ ý thức nầy ra đời từ những năm đầu của chiến tranh lạnh. Trong những năm cuối thập kỷ 1940s, Hoa Kỳ bị ám ảnh bởi những âu lo về kinh tế. Cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế vào thập kỷ 1930s chỉ được khống chế nhờ ở sự bùng phát sản xuất cho đệ nhị thế chiến. Với hòa bình và giải ngũ của quân đội, mọi người âu lo khủng hoảng sẽ trở lại. Trong suốt năm 1949, hoảng sợ trước sự thử nghiệm bom nguyên tử thành công của Liên Bang Xô Viết, viễn tượng chiến thắng của phe cộng sản trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc, kinh tế quốc nội thoái trào, và bức màn sắt đang phủ xuống các quốc gia vệ tinh Đông Âu của Liên Bang Xô Viết, Hoa Kỳ cố soạn thảo một chiến lược căn bản cho thời kỳ chiến tranh lạnh đang hình thành. Kết quả là sự ra đời của Phúc trình Hội Đồng An Ninh Quốc Gia 68 (National Security Council Report 68 -- NSC-68) mang tính hiếu chiến, được soạn thảo dưới sự giám sát của Paul Nitze, chỉ huy Nhóm Hoạch định Chính Sách Bộ Ngoại Giao (Policy Planning Staff). Phúc trình đề ngày 14-4-1950, và được TT Harry S. Truman ký duyệt ngày 30-9-1950, đã ghi rõ các chính sách kinh tế công căn bản mà Hoa Kỳ luôn theo đuổi cho đến ngày nay.

Trong phần kết luận, NSC-68 xác quyết : "Một trong những bài học có ý nghĩa nhất qua kinh nghiệm đệ nhị thế chiến của chúng ta là nền kinh tế Hoa Kỳ, một khi hoạt động gần mức hiệu quả nhất, có thể cung cấp nhiều tài nguyên khổng lồ cho các mục tiêu khác hơn là tiêu thụ dân sự trong khi cùng lúc đem lại một mực sống cao" (One of the most significant lessons of our World War II experience was that the American economy, when it operates at a level approaching full efficiency, can provide enormous resources for purposes other than civilian consumption while simultaneously providing a high standard of living).

Trong bối cảnh đó, các chiến lược gia Hoa Kỳ bắt đầu xây dựng một ngành kỹ nghệ vũ khí rộng lớn, vừa để đối phó với sức mạnh quân sự của Liên Bang Xô Viết ( mà họ luôn đánh giá quá cao), và cũng để duy trì mức toàn dụng và ngăn ngừa sự khả di trở lại của nạn khủng hoảng kinh tế. Rút cuộc, dưới sự lãnh đạo của Ngũ Giác Đai, hàng loạt kỹ nghệ mới đã được xây dựng để sản xuất phi cơ cở lớn, các tàu ngầm nguyên tử, các đầu đạn nguyên tử, hỏa tiển liên lục địa, và các vệ tinh giám sát và truyền thông. Trước các diễn biến vừa nói, TT Eisenhower, trong bài diễn văn chia tay cuối nhiệm kỳ Tổng Thống đọc ngày 6-02-1961, đã lên tiếng cảnh báo : "Sự kết hợp giữa guồng máy quân sự khổng lồ và ngành kỹ nghệ vũ khí rộng lớn là một sự kiện mới mẻ trong kinh nghiệm Hoa Kỳ"(The conjunction of an immense military establishment and a large arms industry is new in the American experience)--đó chính là tập đoàn quân sự-kỹ nghệ.

Tính đến năm 1990, giá trị của toàn bộ vũ khí, trang bị, và công xưởng thuộc Bộ Quốc Phòng chiếm tới 83% giá trị của tất cả các nhà máy và trang bị của toàn thể ngành kỹ nghệ chế biến của Hoa Kỳ. Từ năm 1947 đến năm 1990, tất cả các ngân sách quân sự của Hoa Kỳ gộp lại đã lên tới 8.700 tỉ USD. Mặc dù Liên Bang Xô Viết đã tan rã từ lâu, sự lệ thuộc của Hoa Kỳ vào chính sách Keynesianism về quân sự vẫn tiếp tục leo thang, chính là vì các quyền lợi thủ đắc chồng chéo (vested interests) đã lâu ngày bám trụ chung quanh guồng máy quân sự (military establishment). Về lâu về dài, việc cùng lúc theo đuổi cả súng đạn lẫn bơ mì là một tập hợp đầy bất ổn. Kỹ nghệ quân sự sẽ giành hết tài nguyên quốc gia, đẩy dần nền kinh tế dân sự đến bờ băng hoại. Trong thực tế, theo đuổi chính sách Keynesianism về quân sự là một hình thức tự sát kinh tế dần mòn.

Ngày 01-5-2007, Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách và Kinh Tế ở Washington, D.C., (Center for Economic and Policy Research of Washington, D.C.), cho công bố kết quả một nghiên cứu soạn thảo bởi công ty chẩn đoán toàn cầu Global Insight về ảnh hưởng trong trường kỳ của chi phí quân sự gia tăng. Dưới sự hướng dẫn của kinh tế gia Dean Baker, công trình nghiên cứu đã cho thấy sau ảnh hưởng kích cầu ban đầu, vào khoảng năm thứ sáu, tác dụng của chi tiêu quân sự gia tăng sẽ trở nên tiêu cực. Không cần phải nói, kinh tế Hoa Kỳ đã phải đối đầu với chi phí quốc phòng gia tăng hơn sáu mươi năm qua. Baker đã khám phá, sau 10 năm chi tiêu quốc phòng ngày một gia tăng, thị trường lao động đã thất thoát 464.000 việc làm so với cùng trạng huống khi chi tiêu quốc phòng ở mức thấp.

Baker kết luận:

"Người ta thường tin, chiến tranh và gia tăng chi tiêu quân sự có ảnh hưởng tốt đối với kinh tế. Trong thực tế, hầu hết các mô hình kinh tế chứng tỏ chi tiêu quân sự thường chuyển hướng tài nguyên khỏi những phương cách sử dụng mang tính sản xuất, như tiêu thụ và đầu tư, và chung cuộc làm chậm tiến độ tăng trưởng kinh tế và suy giảm mức nhân dụng". (It is often believed that wars and military spending increases are good for the economy. In fact, most economic models show that military spending diverts resources from productive uses, such as consumption and investment, and ultimately slows economic growth and reduces employment).

III. KINH TẾ HOA KỲ - NGUY CƠ PHÁ SẢN :

Nhiều người tin tưởng Hoa Kỳ có đủ khả năng đồng thời duy trì một lực lượng quân sự hùng hậu và một mực sống cao, và cần cả hai để bảo đảm tình trạng toàn dụng. Thực tế đã không được như vậy. Ngay từ thập kỷ 1960s, người ta đã thấy rõ chuyển hướng những xí nghiệp lớn của quốc gia qua Bộ Quốc Phòng và sản xuất những tài hóa không có giá trị đầu tư và tiêu thụ đã bắt đầu bóp ngạt các hoạt động kinh tế dân sự. Sử gia Thomas E. Woods, Jr., nhận xét, trong suốt hai thập kỷ 1950s và 1960s, có khoảng từ 1/3 đến 2/3 các tài năng nghiên cứu của Hoa Kỳ đã chuyển qua khu vực quân sự. Đã hẵn, rất khó biết được sự chuyển dịch tài nguyên và chất xám qua phục vụ các ngành quân sự đã đem lại những khám phá, canh tân nào, nhưng trong thực tế, trong thập kỷ 1960s, người ta ghi nhận Nhật Bản đã qua mặt chúng ta trong việc thiết kế và chất lượng của hàng loạt sản phẩm tiêu dùng, kể cả xe hơi và các hàng điện tử gia dụng.

Vũ khí nguyên tử cũng là một ví dụ điển hình của những trường hợp bất thường như thế. Từ 1940 đến 1996, Hoa Kỳ đã chi ra trên 5.800 tỉ USD cho các chương trình khai triển, thí nghiệm, và sản xuất bom nguyên tử. Đến năm 1967, thời điểm kho tàng vũ khí nguyên tử đã lên đỉnh điểm, Hoa Kỳ đã tích lũy khoảng 32.500 bom hydrogen và nguyên tử, cũng may là chưa bao giờ sử dụng quả nào. Điều nầy đã chứng minh rõ nguyên tắc Keynesian là chính quyền có thể tạo ra công ăn việc làm cho nhân công. Vũ khí nguyên tử không phải chỉ là vũ khí bí mật mà đồng thời cũng là vũ khí kinh tế bí mật của Hoa Kỳ. Tính đến năm 2006, chúng ta còn giữ lại 9.960 trong số nầy. Ngày nay, vũ khí hạt nhân chẳng còn hữu ích cho bất cứ ai ngoại trừ những kẻ điên rồ, trong khi đó hàng nghìn tỉ mỹ kim sản xuất ra chúng, lẽ ra, đã có thể được dùng để giải quyết nhiều vấn đề xã hội và y tế, chất lượng giáo dục và đại học cho đại chúng, đó là chưa nói đến tạo việc làm cần kỹ năng cao bên trong nền kinh tế Mỹ.

Seymour Melman (1917-2004), giáo sư Đại Học Columbia, chuyên nghiên cứu về kỹ năng và kinh tế kỹ nghệ, là người tiên phong phân tích những mất mát vì chính sách Keynesianism về quân sự. Trong tác phẩm Chủ Nghia Tư Bản Ngũ Giác Đai : Kinh Tế Chính Trị về Chiến Tranh (Pentagon Capitalism : The Political Economy of War), xuất bản năm 1970, ông đã phân tích tiền nghiệm những hậu quả bất ngờ do khuynh hướng đề cao thái quá vai trò của quân lực và vũ khí của Hoa Kỳ từ ngày đầu của chiến tranh lạnh. Melman viết (tr. 2-3) :

"Từ 1946 đến 1969, các chính phủ liên tiếp của Hoa Kỳ đã chi hơn 1.000 tỉ mỹ kim về quân sự, hơn nửa con số nầy dưới thời hai Tổng Thống Kennedy và Johnson -- thời kỳ trong đó sự điều hành nhà nước [với Ngũ Giác Đài giữ vai trò áp đảo] đã được thiết kế như một định chế chính thức. Con số choáng ngợp nầy (thử tưởng tượng một tỉ thứ gì đó) vẫn chưa phản ảnh toàn bộ phí tổn của guồng máy quân sự đối với quốc gia nói chung. Phí tổn thực sự phải gồm cả những gì đã bị hy sinh, những suy thoái về nhiều mặt của đời sống vì không còn khả năng cải thiện tình trạng cơ cực dài lâu của người dân".

Trong một cố gắng diễn giải tính chính xác và thời sự trong phân tích của Melman đối với hiện tình kinh tế Hoa Kỳ, Thomas Woods đã viết :

"Theo Bộ Quốc Phòng, trong bốn thập kỷ từ 1947 đến 1987, Bộ đã chi 7.620 tỉ mỹ kim (tính theo giá trị đồng mỹ kim năm 1982) số tài nguyên tư bản. Trong năm 1985, Bộ Thương Mãi ước tính giá trị toàn bộ các nhà máy, trang bị, và cơ sở hạ tầng của cả nước là khoảng trên 7.290 tỉ mỹ kim. Nói một cách khác, con số chi tiêu trên đây đã có thể giúp tăng gấp đôi toàn bộ khối tư bản của Hoa Kỳ hoặc hiện đại hóa và thay thế toàn bộ khối tư bản hiện hữu".

Việc không canh tân hoặc thay thế khối tư bản tích sản là một trong những nguyên nhân vì sao khi bước vào thế kỷ 21, cơ sở kỹ nghệ chế biến của chúng ta đã tan biến. Máy dụng cụ (machine tools) -- ngành kỹ nghệ Melman tường tận nhất-- là một triệu chứng cực kỳ quan trọng. Tháng 8-1968, một cuộc kiểm kê kéo dài 5 năm (tr.186) tiết lộ : "64% các máy dụng cụ trong ngành luyện kim của Hoa Kỳ đã hơn 10 năm tuổi. Tuổi tác các trang thiết bị kỹ nghệ (máy khoan, máy tiện, v.v...) cho thấy máy dụng cụ của Hoa Kỳ là già cổi nhất trong các xứ kỹ nghệ tiền tiến và đánh dấu quá trình thoái hóa liên tục kể từ sau đệ nhị thế chiến. Sự thoái hóa trong cơ sở hệ thống kỹ nghệ chứng tỏ hậu quả hao mòn, suy yếu của việc chuyển dịch tư bản và chất xám qua phục vụ khu vực quân sự của Hoa Kỳ".

Từ năm 1968 cho đến nay, chúng ta chưa thấy một nổ lực nào nhằm đảo ngược xu hướng trên đây. Tình trạng nầy đã được phản ảnh trong việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm trang bị, từ máy móc dùng trong y tế như máy tăng tốc proton (proton accelerators) dùng trong xạ trị (radiological therapy) --phần lớn từ Bỉ, Đức, và Nhật --, cho đến xe du lịch, xe vận tải.

Kỷ nguyên siêu cường duy nhất quá ngắn ngủi đã đến hồi kết thúc. Như giáo sư Benjamin Friedman đã viết :

"Đã nhiều lần, Hoa Kỳ luôn là quốc gia lãnh đạo và trái chủ, một quốc gia hàng đầu về ảnh hưởng chính trị, ngoại giao, và văn hóa. Đó là điều đương nhiên khi chúng ta thay thế vai trò Anh quốc, đồng thời...vai trò một quốc gia lãnh đạo trái chủ của toàn thế giới. Ngày nay, chúng ta không còn là quốc gia lãnh đạo và trái chủ của thế giới.Trong thực tế, chúng ta đang là quốc gia con nợ lớn nhất thế giới, và chúng ta đang tiếp tục nắm giữ ảnh hưởng chỉ dựa trên căn bản sức mạnh quân sự ".

Vài tổn hại đã gánh chịu có thể không bao giờ cứu chữa được. Tuy nhiên, vẫn còn vài việc quốc gia nầy cần phải cấp tốc thực hiện. Chúng ta cần phải đảo ngược các biện pháp giảm thuế cho người giàu trong hai năm 2001 và 2003 của Bush, phải khởi sự thanh toán hệ thống đế quốc với hơn 800 căn cứ quân sự trên toàn cầu, phải cắt giảm khỏi ngân sách quốc phòng tất cả các dự án không liên quan gì đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, và phải chấm dứt việc dùng ngân sách quốc phòng như một chương trình tạo việc làm theo kiểu Keynesianism. Nếu chúng ta làm được những điều đó, chúng ta sẽ có cơ may thoát nạn. Ngược lại, chúng ta có lẽ phải đối đầu với nguy cơ một quốc gia phá sản và một cuộc khủng hoảng dài lâu.

© GS Nguyễn Trường

Irvine, CA, USA

04- 02-2008

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường