Bẵng đi vài
tháng tôi không gặp lại Năm
Nhiều. Có lẽ nhớ nhà, nhớ xóm,
nhớ cái bàn thờ, nhớ chùa, nhớ
khuôn hội, anh đã bỏ về quê rồi
cũng nên. Nhưng một sáng chủ
nhật, dạo quanh chợ, tôi chợt
gặp hương Kính đi với trùmg Sáu
và Thành. Thật là dễ nhận ra họ:
quần áo bà ba, đội mũ và mắt lơ
lơ láo láo gặp gì cũng ngó. Tôi
lên tiếng trước
- Ông Hương!
mấy tháng nay làm ăn ra sao?
Hương Kính
thấy tôi, mừng rỡ, giơ tay ra,
tỏ ý muốn bắt.
- Làm ăn cũng
thường. Có điều dang nắng rát cổ
rát mặt quá.
- Còn anh
Thành và ông trùm?
Hai người
cùng trả lời một lượt, ý không
khác nhau mấy.
- Cũng tàm
tạm. Làm được tiền mà để dành
chẳng được bao nhiêu.
- Làm bao
nhiêu ăn hết bấy nhiêu.
- Còn anh Năm
Nhiều? Tôi hỏi: Có còn ở làm
trong này không? Sao không thấy
đi chơi với mấy ông ?
Hương Kính
trả lời:
- Anh Năm vẫn
còn ở làm trong này, nhưng không
còn ở chung với lũ tôi nữa.
- Vậy chớ anh
ấy ở đâu?
Thành móm toe
toét miệng cười:
- Ồ! Bây giờ
anh Năm Nhiều “ngon” lắm. Ở nhà
vợ mà.
- Vợ nào? Ở
đâu?
Tôi vội vàng
hỏi, nhưng hương Kính vẫn một
giọng ôn tồn chậm rãi:
- Anh Năm có
gặp một chị bán đồ vặt ở đầu
chợ. Hai người quen nhau, rồi
bây giờ anh về ở nhà chị ta.
Thật là chi
tiết bất ngờ, quá sức ước đoán
của tôi. Năm Nhiều có vợ?
Sao đợi đến
chừng này tuổi mới có vợ mà vợ
ra thế nào? Người đàn bà nào mà
lại khéo thích ứng với ông thầy
tế tự có thành tích khả kính đó?
Nếu do miệng Thành móm nói thì
tôi sẽ hồ nghi, cho là anh ta
nói giỡn. Đằng này lại do hương
Kính nói. Tôi phải hỏi lại hương
Kính kỹ hơn.
- Người vợ
của anh Năm Nhiều ra thế nào?
- Nghe nói
chị ta góa chồng, được bốn đứa
con. Chị buôn bán hàng vặt, nước
mắm, dầu, bánh kẹo, thuốc lá ở
đầu đường Bến Cá. Anh Năm hay
qua lại mua thuốc hút. Rồi hai
người cảm tình với nhau.
- Họ cưới hỏi
rồi sao?
- Cũng chẳng
cưới xin gì. Thì… phàm trai
không vợ, gái không chồng gặp
nhau. Anh Năm về ở đó cũng nhàn.
Ngày ngày đi làm với lũ tôi,
trưa tối về nghỉ…
Thế thì hai
năm rõ mười là Năm Nhiều đã có ý
trung nhân rồi. Thành vợ chồng
hay không thì đó chỉ là hình
thức đi sau. Như vậy cũng đã là
một biến cố quá lớn đối với một
người thánh thiện như anh. Nhân
ngày chủ nhật rảnh, tôi muốn đi
tìm để nhìn thấy tận mắt cái
hoàn cảnh mới của anh. Tôi nhờ
hương Kính chỉ đường.
Sau mười phút
đi quanh qua quẹo lại, bỏ con
đường này bắt con đường khác,
tôi đứng trước mặt nhà anh. Đó
là căn nhà gỗ mái tôn, hơi thấp.
Trước hiên bày một cái kê ván
nhiều ngăn, sắp lộn xộn những
cục xà bông chai nước cam, gói
thuốc. Mỗi thứ một ít, như là
mẫu hàng để quảng cáo. Nằm dưới
là vò nước mắm, hũ dầu, là đống
than, là những bó củi… Một cái
lò than tắt xếp giấu cạnh đó:
chắc là buổi tối quán này bán
thêm bắp nướng.
Ngồi giữ quán
là một người đàn bà đẫm thấp,
nước da ngăm đen, đôi má bánh
đúc. Hàm răng vồ và cái miệng
rộng, khiến tôi liên tưởng đến
một cái miệng cá sấu nếu nhìn
người ấy cười. Nhưng lòng quý
mến đối với anh Năm Nhiều mà tôi
coi như người thân trong nhà,
khiến tôi nhìn người đàn bà với
một con mắt không nghiêm khắc.
Hình như tôi đã chấp nhận chị là
một người quen rồi, mặc dù tôi
vừa gặp chị lần đầu. Anh Năm
Nhiều đã sống với tôi quá nhiều
quá khứ nên cái gì anh mến là
tôi sẵn lòng mến theo.
Người đàn bà
thấy tôi đứng dừng trước quán
liền đứng dậy đon đả mời:
- Thưa ông
cần thuốc lá? Salem hay Ruby?
Mặc dù không
muốn, tôi cũng phải nhận thấy
một vẻ gì láu lỉnh trong giọng
nói và lời đón trước ý khách
hàng quá lanh lẹ của chị. Tôi
không ưa tính khôn ranh, liến
thoắng ấy nơi người đàn bà.
Trong óc tôi đang xây dựng cho
anh một người đàn bà hiền lành,
biết thưởng thức những cử chỉ
đầy lễ nghi mực độ của anh. Tôi
nói:
- Tôi muốn
hỏi anh Năm Nhiều.
- A, dạ có.
Dạ để tôi kêu
Chị quay
miệng vô nhà:
- Anh Năm ơi!
Có khách hỏi anh. Anh Năm!
Rồi chị quay
sang tôi :
- Mời ông vào
nhà. Tôi chần chừ không bước
vội, đợi nghe một tiếng đằng
hắng, một tiếng guốc, một tiếng
trả lời chứng tỏ sự hiện diện
thực của anh. Nhưng sao căn nhà
im lặng quá. Rồi chợt giữa khung
cửa anh hiện ra, trọn vẹn là
khuôn mặt và khổ người của anh,
lặng lẽ và nhẹ nhàng như một con
mèo. Tôi buột miệng:
- Anh Năm
Anh Năm cười:
- A, chú.
Tôi bước vào,
ngồi ở cái bàn nước.
Căn phòng
hẹp, bị choán bởi những món hàng
tạp hóa vặt vãnh dự trữ: thùng
dầu, tỉn nước mắm, thạp gạo,
bịch thuốc…. Một cái đi văng gỗ,
trên đặt một cái gối sẫm màu mồ
hôi, với một chỗ thõm ở giữa,
dấu vết của cái đầu anh vừa đặt
lên đó. Kê giữa nhà là một cái
bàn thờ khá bề bộn: bộ lư đèn
đồng, bát hương, cỗ bồng chuối,
bình hoa huệ trắng. Một tấm hình
lồng kính đặt ở giữa, có phủ tấm
vải đỏ. Một cái khám đóng ở trên
cao, cũng với bộ lư đèn nhưng
nhỏ hơn. Ở dưới ghế lại có một
cái thùng để thờ ông thần tài.
Chữ “tài thần” viết bằng chữ nho
trên giấy hồng đơn, dán lên mặt
trong thùng. Một cái đèn hột vịt
vặn nhỏ và một cây hương đang
cháy.
Sao quang
cảnh nơi đây giống cảnh nhà anh
vậy? Sao anh khéo chọn được cái
không khí âm u cố hữu của anh ở
ngay giữa thành phố náo nhiệt
này? Một đường khói mảnh từ đầu
cây hương uốn mình nặng nhọc
vươn lên. Mùi hương pha lẫn với
mùi thơm của hoa huệ hơi úa tạo
cho cái không khí đang bao quanh
tôi một vẻ huyền bí, nhất là căn
phòng hơi tối. Tôi hỏi anh:
- Anh về đây
được bao lâu?
- Được hơn
tháng nay.
Không biết
nên hỏi gì nữa - thật ra thì có
nhiều câu hỏi quá nhưng đều
không tiện nói ra tôi đành hỏi
đỡ một câu mà tôi đã một trước
câu trả lời.
- Anh vẫn còn
đi làm?
- Vẫn làm ở
chỗ cũ. Bữa nay chủ nhật, nghỉ.
Vừa lúc ấy có
tiếng chị ở ngoài hiên nói với
vào:
- Mình ngó
chừng giùm hàng một tí nghe. Tôi
chạy lại bà Ba già một chút.
Anh ừ và tôi
mừng rằng không có mặt chị tôi
sẽ được nói chuyện với anh thong
thả hơn. Tôi vào đề liền:
- Chị buôn
bán có khá không ?
Anh gật đầu:
- Cũng khá.
Má con Liễu (Liễu chắc là tên
đứa con đầu lòng của chị) được
cái tính chịu khó. Nó buôn bán
đủ thứ, bỏ món này bắt món khác.
Cái quán này chỉ là phụ.
- Nghe nói
chị được bốn đứa con.
- Phải, bốn
đứa. Con Liễu, con Lý, thằng Sự,
con Lùn. Chồng nó đi lính, bị
chết trận bốn năm nay.
- Làm sao
quen nhau rồi lại hợp ý nhau?
- Nó bán
quán, mình năng tới lui mua
thuốc, mua thùng quẹt rồi sinh
quen. Tính tôi ít oi, mua chỗ
nào quen một chỗ để tránh nói
thách nói bớt. Có một bữa ghé
lại thấy con Lý nó nóng li bì
rồi đổ nói xàm. Má nó chạy lăng
xăng kiếm thuốc kiếm thầy. Uống
mấy ve tiêu ban lộ vẫn như không
đã lo cuống lên, mếu khóc… tôi
thấy tội nghiệp, lễ cho nó mấy
huyệt rồi sẵn hương đèn đó, vái
ông Táo cho nó. Sáng ra ghé lại
thấy nó mát. Má nó cảm cái ơn…
A! Thế là tôi
hiểu rồi. Môi giới bắt đầu là
ném hương, là cái bàn thờ, là
ông táo. Đúng vào sở trường của
anh. Tôi có thể tự mình chắp nối
để hiểu mạch lạc câu chuyện. Kể
cũng không khó lắm. Một người
đàn bà đơn chiếc và một người
đàn ông cũng đơn chiếc gặp nhau.
Sự giúp đỡ xảy đến quá tự nhiên,
vì như trước kia ta đã biết: khi
Năm Nhiều nghiêm trang khấn vái
trước bàn thờ thì vẻ mặt anh có
một cái duyên đậm đà mà trung
hậu. Khi yêu vẩn vơ, người đàn
bà không từ chối người đàn ông
liến láu, nhưng để làm chồng thì
họ chọn người trung hậu. Đức
tính ấy, anh Năm Nhiều có dư.
Tôi đó lấy ly
nước anh đưa mời, nhấm nháp vài
ngụm rồi hỏi:
- Thế anh
không định về quê nữa sao?
- Có chớ. Đi
đi về về chớ sao đâu? Hăm bốn
tháng này tôi phải về nhà đây.
Hăm bốn là ngày kỵ bà ngoại tôi.
chú có nhắn gì thì nhắn, tôi về
ngoài nói lại.
- Cám ơn anh,
tôi vừa gởi thư xong.
Như vậy là
Năm Nhiều đã gặp được một người
đàn bà. Quả tình có chậm chạp
thật đó, nhưng anh có dám đòi
hỏi gì hơn. Cái khung cảnh này
thích hợp với anh biết bao! Đặt
anh ở vào nơi đây, giữa những
bàn thờ trang nghiêm thật đúng
cách hết sức, như khi ta đặt con
gà mái lên trên ổ trứng của nó.
Sau khi giã
từ anh, trên đường về, tôi nghĩ
đến sự thành công chót cùng này
của anh. Như thế cũng đủ đền bù
cho bao nhiêu thất bại anh đã
nếm phải trong cuộc đời tình ái,
chỉ vì tấm lòng quá kính mộ tổ
tiên và thần linh. Tôi chợt nhớ
đến một đoạn phụ trong câu ghi ở
sách tử vi… “Mệnh thân có tử vi
cư Mão Dậu gặp Kiếp Không”, mười
người thì chín người đi tu. Bằng
vào thực tại hôm nay thì chắc đó
là số của anh rồi, và may mắn
thay, anh lại là người thứ mười
nên số đã run rủi cho anh, cuối
cùng gặp được má con Liễu. |