Ngày
tôi lên bảy tuổi, mẹ tôi
sắp đặt cho tôi đi học
A.B.C. Anh Năm Nhiều tỏ
ra xao xuyến hết sức đối
với cái giây phút long
trọng mà tâm hồn tôi sắp
giã từ những vật tầm
thường xung quanh mình
để tiếp xúc với cái cao
siêu của chữ nghĩa. Anh
trầm ngâm hỏi mẹ tôi:
- Cô
định bữa nào cúng khai
tâm cho thằng Thiết?
Mẹ
tôi ngạc nhiên quay lại
hỏi:
-
Cũng phải cúng khai tâm
nữa sao?
- Có
chớ. Nó bắt đầu đi học
thì phải cúng khai tâm
cho nó.
- Cô
tưởng ngày xưa đi học
chữ Nho thì mới cúng
khai tâm, chớ thời bây
giờ học chữ quốc ngữ thì
có thần thánh đâu mà
phải cúng?
- Xưa
nay gì cũng vậy. Phàm đã
có chữ nghĩa thì có
thánh, không có thánh
thì lấy ai bày ra chữ
nghĩa. Phải cúng khai
tâm thì mới sáng dạ, học
mau thuộc. Mẹ tôi lưỡng
lự một lát rồi nói:
- Ừ
thôi thì cúng cũng được.
Mà cúng món gì bây giờ?
- Cô
đưa tiền con đi kiếm mua
một con gà cồ trắng, thứ
gà non chưa hề đạp mái.
Phải đi chợ Đèo mới có
nhiều gà mà lựa. Rồi cô
nấu một nồi xôi.
Mẹ
tôi y theo lời anh và
anh bươn bả đi tìm mua
về được một con gà cồ
trắng thiệt. Quả là một
thành tích hy hữu đáng
phục, vì gà cồ trắng
không phải là một vật dễ
tìm. Anh sung sướng ra
mặt khi về khoe với mẹ
tôi:
- Con
đi rảo suốt cả chợ mà
không tìm ra gà trắng.
Chỉ có gà cồ chuối thôi.
Con định mua đỡ một con
gà cồ chuối thì may thay
có bà đem tới con gà
này.
Vừa
nói anh vừa vuốt ve cái
mào mới nhú đỏ chóe của
con gà và con gà ngây
thơ nhắm con mắt lại,
sung sướng và tin cậy
nơi anh.
Tối
hôm trước ngày ra trường
là buổi cúng khai tâm.
Con gà luộc nằm trong
cái dĩa lớn ngửng mặt
nhìn trời. Mình nó vàng
bóng loáng những mỡ. Hai
bên là hai dĩa xôi
trắng. Anh Năm tắm cho
tôi, rồi bắt mặc quần áo
mới. Anh đẩy tôi lại gần
con gà, nơi cha tôi đang
đứng lầm rầm khấn. Cha
tôi vốn không nhiệt
thành mấy về điểm cúng
bái, nhất là đối với môn
cúng khai tâm này, nên
ông để yên cho Năm Nhiều
ra lệnh bắt tôi lạy ba
lạy. Tôi hồi hộp làm đầy
đủ nghi thức, nhưng mỗi
khi quỳ xuống đứng lên,
mắt đăm đăm nhìn vào con
gà là lòng thắc mắc tự
hỏi không biết con gà
kia có quan hệ gì đến
chữ quốc ngữ mà mình sắp
đi học. Khi con gà được
dọn xuống thì cũng chính
Năm Nhiều ra lệnh cho
tôi phải ăn cái đầu gà.
Anh ngồi nhìn tôi ăn với
một vẻ vừa sung sướng
vừa cung kính, khiến tôi
áy náy mà quên mất rằng
mình đang ăn thịt gà. Có
lẽ lúc ấy tôi tưởng rằng
tôi đang làm một nghi lễ
gì nghiêm trang, hệ
trọng lắm, còn anh thì
chắc anh đang hài lòng
vì nghĩ đến một ngày kia
tôi sẽ học hành thông
minh, kết quả của bao
công phu của anh: tìm gà
cồ trắng, bắt lạy, bắt
ăn đầu gà.
Một
người sống quá khăng
khít với những linh hồn
của tổ tiên, của thánh
thần, của đủ loại ma quỷ
như vậy, chắc chắn là
rất kém trong việc làm
ăn thực tế. Anh nghèo
luôn luôn và mắc nợ mẹ
tôi không biết mấy lớp.
Đối với đàn bà con gái,
anh cũng không thành
công gì hơn. Dù là con
gái nhà quê, người ta
cũng muốn có một ông
chồng lanh lẹ thực tế.
Chớ ngồi nói chuyện tâm
tình với một người quá
lễ mễ mà đôi tay lúc nào
cũng nhu chuẩn bị kẹp bó
nhang hay vừa giữ vạ áo
vừa rót rượu thì chán
chết. Cũng như đôi mắt,
bàn tay là tiếng nói của
ái tình. Thế mà bàn tay
của Năm Nhiều thì đúng
là bàn tay câm. Thành ra
cho đến bốn mươi tuổi
vẫn chưa có một người
đàn bà nào. Thật ra thì
nói như vậy cũng chưa
thật hoàn toàn đúng.
Hình như anh đã có yêu
một người: đó là chị
Gần. Chị Gần không đẹp,
nhưng mặt mày cũng dễ
coi. Có điều cặp môi hơi
dày. Cái kho ca dao tục
ngữ là mẹ anh đã vô tình
sớt cho anh một mớ kinh
nghiệm về tướng người,
than ôi, lại nhằm điểm
bất lợi của chị Gần.
Mỏng môi nói láo đã
xong.
Dày môi ăn vụng, môi
cong ăn hàng.
Nhưng
nghèo như anh mà lại
không đẹp trai thì anh
không mong gặp một cô
hằng nga. Vậy chắc là
anh đã chọn chị Gần. Chị
là bạn thân của chị Của,
cùng đi về một chợ, cùng
ngồi một chỗ nhỏ to bàn
tính tiền công, giá cả,
hàng giờ ở ngạch cửa nhà
anh. Cứ cách một ngày là
có chị bên cạnh chị Của.
Mỗi lần đứng gần chị,
anh hay đưa tay vuốt
tóc, những sợi tóc cứng
đứng sừng sững bướng
bỉnh. Đó là lối làm dáng
độc nhất của anh, biểu
lộ một sự bối rối mực
thước. Thỉnh thoảng anh
cũng có đưa đẩy vài câu
chuyện nhưng mà khó nhọc
biết bao! Anh phải đằng
hắng nhiều lần để nuốt
một miếng đờm tưởng
tượng nào đó rồi mới nói
được những câu rất đỗi
vô duyên.
- Chị
Gần… à… à.. cúng mồng
năm có lớn không?
Chị
Gần cũng không hoạt bát
gì hơn. Đôi môi dày
chuyển động một cách
chậm chạp. Thành ra hai
người sắp sửa thành tình
nhân ấy chỉ còn biết
chăm chăm nhìn xuống hai
bàn chân của mình như
chưa bao giờ thấy chúng.
Sự tỏ tình mặc dầu đạm
bạc, gần như tiêu cực
đó, cũng không lọt khỏi
mắt người anh rể của chị
Gần. Người anh rể này
bấy lâu đã ngầm coi chị
như người vợ dự khuyết
của anh ta. Vợ anh đau
ốm hom hem, nên anh phải
lo xa một cách phũ phàng
như vậy. Nhưng từ ngày
chị Gần tới nhà Năm
Nhiều hơi nhiều, thường
xuyên và với những lý do
không chính đáng lắm thì
anh khởi sự lo. Anh thấy
phải vội vàng thực hiện
cái ý định của anh. Anh
bắt đầu chửi vợ. Để sự
chửi bới không trở thành
trắng trợn, để đỡ ngượng
với hàng xóm, anh uống
rượu trước khi chửi.
Chửi vợ chán, anh chửi
luôn em vợ và mẹ vợ.
Cuối cùng, không biết
bằng cách dàn xếp nào mà
chị đã trở thành vợ anh
ta. Thế là chai rượu và
cái ly không còn cần
thiết nữa. Chỉ có tiếng
chửi là vẫn còn, nhưng
lần này lại là tiếng
chửi the thé, nhọc mệt,
tiếng rủa kèm theo tiếng
khóc của vợ anh. Chị
chửi chồng, chửi em gái
mình. Chị chửi trời,
chửi đất. Cho đến một
buổi tối kia, chị Gần
cuốn áo quần đi mất
biệt. Ở lại cái xóm
nghèo nàn này có hai
người đàn ông đau khổ vì
chị: người anh rể và Năm
Nhiều.
Năm
Nhiều có buồn không,
buồn bao nhiêu lâu thì
không ai biết. Vì có bao
giờ anh vui vẻ đâu? Anh
lúc nào cũng mơ mơ màng
màng, đi dưới đất mà
tưởng chừng như đang bay
theo các “bà” ở giữa
không trung. Chỉ biết là
từ ngày đó anh hay ngồi
tẩn mẩn hàng giờ trước
chiếc gương soi, có lẽ
để tìm xem vì những
khuyết điểm nào ở trên
mặt mình mà mình phải
chịu một sự thất bại lớn
về tình ái dường ấy.
Thói
thường thì khi nhìn vào
gương người nào cũng
thấy mình không đến nỗi
xấu. Chỉ có khuôn mặt
phản chiếu ra thấy hơi
là lạ, ngường ngượng là
vì trên thực tế mình
chưa hề gặp một con
người như vậy lần nào.
Đôi mắt anh quả có nhỏ
thật đó nhưng nhìn vào
gương thì tự nhiên anh
phải mở to mắt rồi. Đôi
hàm răng có vụng về đó,
nhưng có bao giờ người
ta há miệng để soi gương
đâu mà biết? cái mũi,
đôi mày gò má đều được
anh soát xét cẩn thận
nhưng vì ranh giới mơ hồ
nên anh rất yên tâm mà
thấy mình cũng “ngó
được”
Qua
những lần thám hiểm như
vậy, anh mới có dịp để ý
đến những mụn tàn nhang
có rất nhiều trên mặt
mình. Anh dùng hai ngón
tay cái để nặn và cái
mụn trồi ra chầm chậm,
dễ dàng, đúng lúc, như
chính nó cũng cùng chia
sự thích thú với anh.
Đầu mụn mang một vết
thâm đen. Chính những
vết thâm này làm từng
chấm trên khuôn mặt. Khi
nặn xong một mụn thì chỗ
cái mụn vừa ly khai có
một lỗ chân kim nhỏ màu
hồng, trông đẹp hơn cái
chấm đen trước nhiều.
Đến đây, một sự hối tiếc
lặng lẽ gặm nhấm tâm hồn
anh. Anh tự trách mình
đã bỏ qua bao nhiêu năm
mà không hề để ý đến
những vết mụn thù nghịch
kia. Bây giờ đã có quá
nhiều mụn đã già rồi,
vết đầu đen đã nhẵn sát
xuống da mặt, khiến trên
khuôn mặt rải rác như có
rắc những hột mè đen hay
những hột hoa mồng gà.
Ái tình đến quá chậm nên
mới có những sự bất lợi
như vậy. Khi yêu người
ta mới hay làm dáng. Năm
Nhiều thì vừa chậm yêu
vừa ý thức sự làm dáng
quá chậm chạp. Ít ai như
anh, thất bại trong tình
trường rồi mới chợt để ý
đến những mụn tàn nhang.
Từ
lúc phát kiến ra cái lối
làm đẹp không tốn kém mà
khéo gây thích thú này,
Năm Nhiều có khi ngồi
suốt giờ cạnh chiếc
gương soi, chơi một mình
với những mụn tàn nhang.
Những khi bạn đến chơi
nhà, anh không ham nói
chuyện như trước mà chỉ
thích tìm những mụn tàn
nhang nơi mặt bạn. Có
khi anh bắt người bạn
xoay mặt đủ chiều để anh
tìm vết mụn. Vì trong
nhà tối nên anh kéo bạn
ra ngồi ở cạnh cửa, nơi
đó dưới ánh sáng của mặt
trời, những cái mụn sẽ
không lẩn trốn đi đâu
được. Rồi với đôi ngón
tay thành thạo, anh đã
nặn vết mụn ra, sau khi
tám ngón tay còn lại kẹp
cứng khuôn mặt của người
bạn để không cựa quậy
được. Sự say mê ma quái
này làm khổ những người
bạn của anh không ít.
Đôi khi những người bạn
này la “ái” lên, nước
mắt ràn rụa, nhưng anh
cũng không tha. Anh phải
suỵt suỵt nho nhỏ: “Im,
im sắp ra rồi”, làm như
nếu nói to thì cái mụn
sẽ nghe được và nó sẽ
chạy trốn mất.
Nhưng
số lượng những cái mụn
có thể nặn được thì có
hạn mà sự say mê của anh
thì khôn cùng, nên khi
những cái mụn đã hết rồi
thì anh lại rơi vào sự
im lặng cô đơn. Anh đành
phải rời bỏ khuôn mặt
mình mà đưa mắt chậm
chạp, uể oải nhìn xung
quanh. Đúng vào lúc ấy,
anh thấy chị Ba Răng
Vàng. Chị này ở Tuy Hòa
tản cư ra. Ngoài ba cái
răng cửa bọc vàng tây,
chị có hai con mắt sắc
hay liếc và một cái
miệng hay nói hay cười.
Đôi hàng lông mày in
rành rành vết dao cạo
xén và môi có bôi một
lớp son đỏ lợt. Tóc bới
vồng lên, ở trước như
hai cái sừng mới nhú và
trên mái tóc mang rất
nhiều kẹp. Lọn tóc bới
lỏng bỏ rơi xuống dưới
ót trông tựa cái bụng
của một con tò vò. Vóc
người chị thon nên khi
đi, đôi tay đưa đẩy dịu
dàng, một sự dịu dàng
dường như cố ý, có sắp
đặt trước. Tất cả đều
trái hẳn với chị Gần
chậm chạp nặng nề. Chị
Ba Răng Vàng ở trọ nhà
ông Cống, cách nhà Năm
Nhiều chừng vài trăm
thước. Chị bán xôi chè
và cơm rượu. Miệng con
nhà buôn gặp ai cũng mời
cười, nhưng Năm Nhiều
ngây thơ cứ tưởng nụ
cười đó, nhất là con mắt
liếc chỉ dành cho anh.
Thành ra anh hăng hái
tuyên bố rằng anh đã
ghiền món chè “bột lọc
bọc đậu phộng” của chị.
Những bữa ế hàng, nồi
chè còn đầy thì chị Ba
càng phung phí mắt liếc
và nụ cười với anh. Chị
dám nắm tay anh mà kéo -
bàn tay tinh khiết chỉ
quen cầm nắm nhang - bắt
lại ngồi ăn giùm cho chị
một chén chè. Anh đau
khổ từ chối, bảo rằng
không có tiền thì chị
cuời:
- Ăn
đi rồi bữa nào có trả
cho em.
Tiếng
“em” ngọt ngào làm nhột
sau ót anh. Từ xưa đến
giờ chưa ai xưng hô với
anh như vậy, kể cả lũ em
gái. Đứa nào cũng xưng
“tui” một cách lạt lẽo
cộc lốc. Anh lợi dụng
tình thế liếc trả lại
chị một cái rồi uể oải
lại ngồi húp chén chè.
Uể oải, vì nghĩ đến đồng
bạc lát nữa không biết
phải mượn của ai để trả.
Có
lần chị Ba Răng Vàng
hỏi:
- Sao
anh Năm không lấy vợ?
Năm
Nhiều thầm nghĩ: “Đàn bà
con gái ở thành phố bạo
dạn quá trời. Dám hỏi
đàn ông điều đó”. Anh
mỉm cười lấy giọng nửa
đùa nửa thiệt.
- Tôi
nghèo mà ai thèm lấy.
- Xì!
Có anh hà tiện thì có.
Cưới vợ về sợ nó ăn hết
gạo chớ gì!
Đó
không phải là sự thật,
vừa không phải là câu
nói mà anh mong đợi. Anh
muốn chị Ba nói rằng
“Tôi thương anh lắm. Tôi
muốn lấy anh”. Nhưng chị
Ba chỉ mê mải ngồi rửa
cái chén và sau cùng cầm
lấy đồng bạc anh đưa bỏ
kỹ vào túi, cài kim băng
cẩn thận. |