Một hôm chị
Ba gánh chè vào sân nhà anh nhằm
lúc có những người bạn nhàn tản
của anh đang ngồi nói chuyện
trời trăng. Aên vặt là một tính
hay lây nên một người ăn chơi
rồi tất cả bọn cùng ăn. Gặp được
bữa bán mau tay, chị ba cười nói
vui vẻ. Một một bạn hỏi:
- Chị Ba sống
một mình không biết buồn à?
- Buồn chớ.
Nhưng biết sống với ai cho có
hai mình?
- Để tôi làm
mối anh Năm Nhiều cho chị.
Chị cười:
- Em nghèo,
lại tản cư mà. Anh Nhiều đâu có
thèm em.
Năm Nhiều
cười híp hai con mắt, không biết
nói sao. Tối đó anh trằn trọc
không ngủ được. Hôm sau bần thần
không làm gì được. Cứ hay mỉm
cười một mình và lát lát nhìn
vào chiếc gương soi. Mẹ anh thấy
chị Ba năng ghé bán chè thì tỏ ý
không bằng lòng, nhất là bà tiếc
những đồng bạc anh đã trả cho
chị. Bà lên tiếng chỉ trích:
- Cái con
cười cười, liếc liếc, ngó như
con đ..
Bị chạm tự
ái, anh cãi ngay:
- Bà này nói
lạ, chuyện của người ta..
- Chuyện của
người ta tao nói không được sao?
Ai biểu mày bênh?
- Bênh cái
gì? Năm Nhiều sừng sộ.
- Vậy mà mày
nói không bênh hả? Nó là mẹ mày
đó.
Rồi không cần
chuyển tiếp, bà khóc bù lu bù
loa:
- Mày bênh
con đĩ, mày chửi lại mẹ mày. Bớ
làng xóm ơi, thằng Nhiều nó chửi
tui. Bớ làng xóm ơi, thằng Nhiều
nó muốn giết tui. Nó cắt cổ tui
đây, bớ làng xóm ơi!
Năm Nhiều tức
quá mà không làm gì được, sẵn
chân, đá luôn cái ấm ăn lông lốc
ra chái bếp. Nước văng vãi tung
tóe ra đầy đất. Thế là hai mẹ
con giận nhau, tránh mặt nhau.
Bà mẹ bỏ cơm. Anh ngồi ăn mà
không nói một lời. Không khí
tràn đầy thù hằn. Nhưng oái oăm
thay, ngày hôm sau lại nhằm vào
ngày giỗ. Phải mua sắm, nấu
nướng, phải sắp dọn bàn thờ,
phải mời mọc họ hàng... Hai mẹ
con đành phải hòa với nhau để
chung lo việc cúng kính.
Mối u tình
anh dành ch chị Ba Răng Vàng
nung nấu trong lòng anh cho đến
một tối kia anh cầm cây gậy đi
canh ở xích hậu. Đi qua đám bắp
ông chánh Bát, anh nghe có tiếng
nhỏ to rì rầm lấy tư cách là
tuần phiên, anh dõng dạc hỏi to:
- Ai đó?
Có tiếng trả
lời yếu ớt:
- Dạ tôi.
- Tôi là ai?
Anh bước trờ
tới: chị Ba Răng Vàng.
- Còn ai kia?
Anh nổi giận
quát lớn.
- Tôi
- Tôi là ai?
Nói mau.
- Tao.
Một người đàn
ông đứng dậy, bước lại gần anh.
Nhìn vào mặt thấy rõ là xã Tám,
anh vội vàng bước lui một bước,
đưa tay trái lên gãi đầu theo
thói quen, lí nhí nói:
- Dạ thưa
cậu.
- Mày đi canh
hả?
- Dạ.
- Ừ thôi đi
đi.
Năm Nhiều lê
cái gậy nặng nề bước. Quả đúng
như lời mẹ anh nói, con đó là
con đĩ. Nhưng quên một con đĩ
không phải là điều dễ, nhất là
khi người ta không có người đàn
bà đứng đắn nào để mà nhớ như
anh Năm. Có thể anh ngồi nhớ đến
đến đôi môi dày của chị Gần và
tự trách mình đã quá bạc tình
đối với người yêu cũ (cứ tạm
nhận là như vậy). Những người
rụt rè như anh thường có ý nghĩ
tẩn mẩn quanh co như vậy. Không
đi tới mà cũng không bước lui,
không có cái gì dứt khoát hết.
Trong khi đó thì những người đàn
bà dứt khoát hơn anh. Chị Gần
chọn con đường phiêu lưu thay
người anh rể. Dễ thường hôm nay
chị đã có người chồng mới rồi.
Chị Ba Răng Vàng thì chọn ông xã
Tám và vài người khác bạo dạn,
thực tế hơn anh. Người ta trả
lại anh cho cái bàn thờ uy
nghiêm và khoảng hẹp trước bàn
thờ. Anh khỏi phải chọn. Như một
cái bóng mờ, anh cứ chập chờn
trong cái khung cảnh âm u của
khói hương và ánh đèn sáp.
Người thất
vọng vì tình đều khó ngủ, anh
Năm Nhiều không thoát khỏi thông
lệ đó. Nhưng khác với những
người văn minh uống thuốc ngủ
vào trường hợp tương tự, anh Năm
Nhiều chỉ biết lăn qua trở lại
trên bộ ván. Cái gối bị dày vò
một cách tàn nhẫn như tâm hồn
của anh vậy. Khi trằn trọc đã
chán, anh chợt thiếp đi thì chợt
anh bàng hoàng tỉnh giấc mơ quái
đản, trong đó anh vụt một gậy
vào đầu chị Ba Răng Vàng hay vào
hông ông xã Tám, gây nên một vụ
án tình đẫm máu mà chỉ vì mấy
con chó hầm hè ầm ĩ trước nhà.
Chúng cãi nhau vì tình, tranh
giành nhau, cấu xé nhau mãnh
liệt, ồn ào chớ không chịu bại
trận thầm lặng như anh. Trong
đêm tối, anh lắng nghe tiếng
từng con một và anh cố gắng phân
biệt tâm tính của mỗi con. Gầm
gừ hàng tràng dài trước mái hiên
nhà để đe dọa ai là tiếng của
con Vàng nhà anh. Đúng là anh
chàng nhút nhát, nhút nhát như
chính anh vậy. Tiếng sủa ông
ổng, mạnh dạn là tiếng một con
chó lạ, anh không biết của ai.
Con này có vẻ thách thức, sẵn
sàng lao mình vào chiến đấu, nếu
có con nào muốn. Một tiếng sủa
rời rạc, bàng quan xuất phát từ
sân nhà ở xế trước mặt. Đó là
con Mực của bà Từ. Nó đã có
tuổi, thận thủy kém suy, nên
giọng sủa có vẻ là một kẻ đã nếm
đủ mùi đời, bây giờ muốn xuất
thế, muốn người ta để mình ngủ
yên. Xa xa hơn là một số những
tiếng gầm ghè lẫn lộn. Rồi vụt
nhiên nổi lên những tiếng cấu
xé, tiếng những thân hình quần
nhau lăn lết trên mặt đường,
tiếng “căng cẳng” của một anh
chàng bại trận bị cắn đau.
Năm Nhiều
giận vì bị phá giấc ngủ, anh mở
cửa bước ra.
Anh rón rén
lại góc rào lượm một viên đá,
nhắm ném mạnh vào một con chó
khá đẫy đà. Bị trúng đá, nó kêu
ăng ẳng mấy tiếng bỏ chạy, nhưng
cách đó không xa, nó đứng dừng
lại. Mấy con chó khác im lặng
lảng dần. Chỉ có con chó bà Từ
vẫn rời rạc sủa những tiếng uể
oải.
Nhìn chuỗi
sao Bắc đẩu đuôi chổng ngược lên
cao, anh bần thần bước vào nhà,
đóng chốt cửa lại. Nhưng vừa đặt
mình xuống ván thì những tiếng
sủa lại nổi lên, hợp tấu trở
lại. Anh chợt nhớ rằng tháng này
là Mười và hình như anh đã có
nghe ai nói rằng những con chó
hoạt động mạnh về ái tình trong
tháng này. Ngày anh xin con Vàng
về nuôi, nó đau ruột bỏ ăn và đi
tiêu lỏng, tưởng chết mất. Một
ông cụ láng giềng sang chơi bày
nấu canh rau diếp cá cho nó ăn,
rồi cụ dặn:
- Chó tháng
Năm. Khó nuôi lắm.
Anh không hỏi
“chó tháng Năm” nghĩ là thế nào,
nhưng anh đinh ninh rằng chắc
hẳn mẹ nó thụ thai vào tháng
Năm. Vậy thì tháng Năm và tháng
Muời là hai tháng ái tình mạnh
nhất của loài chó. A! Phải có
những đêm trằn trọc vì tình, anh
Năm Nhiều mới phát kiến được mối
tình có định kỳ của loài chó.
Không phải việc này mới xảy ra
lần đầu nhưng mà đúng là lần đầu
anh để ý đến điều đó. Người ta
kể chuyện rằng nhà độc tài
Hitler vì một đêm mất ngủ mà
nghĩ ra được phương pháp phòng
thủ một đảo nào đó - tôi quên
mất tên - khiến các chiến lược
gia đại tài nào cũng phải phục
là kỳ diệu. Năm Nhiều là một
người tầm thường. Nhưng đó chẳng
phải là cũng nhờ ái tình mà anh
đã tìm hiểu cuộc đời xảy ra xung
quanh anh một cách đầy đủ hơn
xưa đó sao? Những sự phát kiến
vụn vặt đó, tiếc thay, người
bàng quan là mẹ anh không hề
biết đến. Bà chỉ, một cách thiển
cận, tính nhẩm số tuổi của anh
mỗi năm mỗi cao, nhìn mái tóc
của bà trong gương mỗi ngày mỗi
thêm bạc mà lo lắng tìm vợ cho
anh.
- Con Mừng
đó, mày coi được không? Nó xấu
người mà cấy hái giỏi. Của tư
riêng của nó nghe đâu được tới
ba chục giạ lúa.
Nhưng Năm
Nhiều chỉ ậm ừ rồi bắt sang
chuyện khác.
- Hay là con
Tỵ? Tuổi nó cũng ngang với tuổi
mày đấy. Mày sanh tháng hai, còn
nó sanh tháng mười một. Mẹ nó
cũng hiền lành như tao. Ý tao
ưng đám này hơn.
Nhưng Năm
Nhiều cũng lại im lặng. Đối với
người con gái nào anh cũng không
phản đối mà cũng không tán
thành. Nếu bị hỏi riết lắm thì
anh trả lời “để con coi đã”. Để
bao lâu, anh không nói rõ. Thật
ra thì anh có “coi” gì đâu? Anh
chỉ thản nhiên nhìn những người
con gái tuần tự lấy chồng. anh
trang trọng đến giúp gia đình họ
nấu cỗ cúng - lại cúng! - và nấu
cỗ dọn hai họ. Phải nhìn anh vin
nhẹ vào cành cây bông điệp để
lựa bẻ từng cành, xếp tỉ mỉ vào
lọ hoa đặt thận trọng lên bàn
thờ, phải nhìn anh mặt đỏ rực
lấm tấm mồ hôi xào nấu nếm ngửi
trong bếp, nghiêm trang và say
mê như một nhà khoa học đứng
trước bầu thủy tinh và ống
nghiệm thì mới hiểu rõ cái lòng
chí thành của anh đối với tục
lệ, cái lòng vị tha của anh đối
với những con con gái. Tâm hồn
anh như một bãi sa mạc, trên đó
họa chăng chỉ còn dấu chân của
hai người đàn bà đã đi qua. Mẹ
anh lấy đó làm một điều phiền
lòng. Đã gần đất xa trời mà
không có lấy nổi một đứa cháu
nội để ẵm. Nhưng làm sao bây
giờ. Bạn của anh quanh quẩn chỉ
có mấy người đàn ông biết lợi
dụng bình trà và chiếu cố tận
tình những bữa giỗ. Nước trà, đó
không phải là sở thích của những
người đàn bà đang rộ yêu đương.
Tóm lại, cứ như thế, Năm Nhiều
đi sâu mãi vào cuộc đời, chật
vật trong cái diện tích hẹp của
khoảng trống trước bàn thờ.
Lâu lâu ghé
về thăm quê hương, tôi không
quên tạt lại thăm anh, tìm một
vài thay đổi nơi anh. Làn da nơi
gò má bớt bóng đi, cái miệng móp
thêm vì vài cái răng đã gãy,
hàng râu thưa đâm tua tủa vì
lười biếng cạo và đôi mắt mỏi
mệt thêm. Ngược lại, hai bàn thờ
và cái khám thấy phong phú hơn
xưa vì chiến tranh chấm dứt, anh
có phương tiện để bổ túc thêm
món thiếu sót.
Đó là một dãy
bóng đèn điện đứt râu anh sưu
tầm ở đâu về và đựng đầy nước có
pha màu xanh, vàng, đỏ, tím. Đó
là những nhánh hoa bằng giấy rẻ
tiền màu úa bị bụi bám. Đó là
những cái cỗ bồng bằng đất, trên
đắp đầy ụ những nải chuối, trái
quýt, trái bưởi cũng bằng đất
nung có tráng men và pha màu lòe
loẹt. Những món hàng giả này
choán nhiều chỗ trên bàn thờ.
Nếu một ngày kia anh sắm thêm
một mớ dĩa xôi giả, đĩa bánh
tét, bánh in giả, đĩa thịt gà,
thịt heo giả - cũng bằng đất có
tráng men và pha màu - thì không
biết còn chỗ đâu để sắp những
món ăn thiệt. Tôi mời anh có dịp
vào Nha Trang chơi với tôi. Mắt
anh sáng lên.
- Ừ! Tôi cũng
kiếm dịp vào Nha Trang chơi.
Nghe nói chùa hội trong đó to
lắm, ngày lễ vía, ngày rằm mùng
một, khách thập phương đến cúng
dường hàng trăm người. Hôm Phật
đản nghe có cộ đèn và phóng sanh
đăng.
Thôi đúng
rồi, đúng sở thích của anh Năm
rồi. Ngày tôi còn nhỏ, tôi nhớ
anh không bỏ sót một bữa làm
chay nào. Chùa ở xa làng đến hai
cây số mà lúc bấy giờ anh đang ở
giúp việc cho nhà tôi nên không
thể tự do muốn đi đâu thì đi.
Muốn được đi coi làm chay, anh
bày tôi vào khóc với mẹ tôi đòi
đi cho được. Anh nói:
- Mày cứ khóc
rồi nằm lăn xuống đất. Má mày có
nói đi xuống chùa xa không đi
được thì mày trả lời là có tao
cõng. |