Tôi làm theo
lời anh, vào năn nỉ mẹ cho đi
chùa. Mẹ tôi đang bận tay chưa
kịp nghe hết câu thì tôi đã nằm
dài xuống đất lăn hai vòng, rồi
vừa cào cấu vừa khóc rùm lên.
Thật tình là tôi đã đóng kịch
quá dở. Tuồng lớp anh bày ra,
tôi đã lật đật thực hiện, hơi
vội vàng, nên kém vẻ tự nhiên.
May mà mẹ tôi tính hay mủi lòng
nên chỉ nhìn tôi một giây, mẹ
tôi đã hỏi:
- Nhưng mà
chùa xa con làm sao đi được?
Tôi trả lời
ngay:
- Anh Năm
Nhiều cõng con.
Không ngờ
rằng mưu mô do anh bày ra nên mẹ
tôi hối lộ cho anh năm xu và nhẹ
nhàng phủ dụ:
- Chịu khó
cõng em nó xuống chùa chơi một
lát. Đây cô cho năm xu để dành
bỏ bùng binh. Nhớ về sớm kẻo em
nó buồn ngủ.
Thế là con
ngựa hai chân ấy cõng tôi như
sao chạy tế.
Hôm nay con
ngựa đã khá già rồi nhưng dáng
chừng còn ham coi làm chay cộ
đèn. Tôi nói:
- Nha Trang
thì còn nhiều thú vui lắm. Anh
vào, tôi mời anh đi coi chiếu
bóng, đi tắm biển, đi coi sở cá.
Phố xá to lớn hơn Tuy Hòa nhiều.
Có mấy khu Xóm Mới, Phước Hải
cất biệt thự trông cũng đẹp.
Nhưng anh lơ
đãng đối với những thú vui tôi
vừa phác họa. Anh đợi tôi dứt
lời, chậm rãi tiếp:
- Nghe nói
Nha Trang nấu cỗ chay vừa khéo
vừa ngon. Chẳng là ngờ có nhiều
“la ghim” ở Đà Lạt chở xuống. Có
cà rốt, khoai tây, xúp lơ thì dễ
nấu. Ở ngoài mình quanh quẩn có
mấy món thường: bí ngô, bí
chanh, đỗ phộng, bầu, mướp…
Tôi phải đi
vào nội dung câu chuyện của anh
để anh vui lòng. Tôi hỏi:
- Anh nấu
chay có ngon như nấu mặn không?
- Cũng vậy.
Có dầu nhiều, có đỗ nành nhiều
thì phải ngon. Nấu chay khéo thì
đâu có thua nấu mặn. Cũng đủ
giò, chả, nem, gỏi… cũng đủ thịt
gà, thịt heo, tôm, cá… có điều
này cũng là rau cỏ mà nấu giả
như thiệt.
- Ở nhà quê
có đám chay nào lớn chắc là họ
phải “thỉnh” anh.
- Ờ, chỗ nào
quen họ cũng “thỉnh”.
Anh nói chậm
rãi, tin tưởng như một ông thầy
thuốc Nam tự phụ. “Nhất nghệ
tinh nhất thân vinh”, câu này có
thể đem áp dụng vào anh, nhưng
có lẽ chỉ đúng nửa câu, phần
trên. Vì thân anh vẫn cứ nghèo
và đôi mắt càng nuốt khói bếp
nhiều càng mờ đục thêm và còn
mang thêm một tật nheo nheo. Một
ngày tháng Bảy, con chó nhà tôi
sủa ai trước cổng, rồi sủa dẫn
đến nhà sau. Người làm lên thưa
rằng có một người khách lạ. Tôi
ra phòng khách, không thấy anh,
bước ra nhà sau thì thấy anh
đứng ngơ ngác nhìn. Anh mặc bà
ba đen và chân đi dép cao su lốp
ô tô. Tôi vui vẻ mời anh lên nhà
trên. Anh rờ từng chiếc ghế,
từng chiếc cộng hoa cắm ở chiếc
lọ đặt ở bàn nước. Anh nhìn lên
trần nhà, mắt ngừng lại rất lâu
ở chiếc đèn nê ông dài. Tôi mời
anh ngồi và anh ngồi rất khẽ,
đít chỉ chiếm một phần tư mặt
ghế. Lưng thẳng đứng, rồi mắt
lại đậu ở cái quạt máy, ở cái
radio. Tôi hỏi:
- Lâu quá anh
mới vô thăm chơi. Ở ngoài nhà
làm ăn ra sao?
Anh đằng hắng
ba cái liên tiếp rồi mới nói:
- Cũng chẳng
ra sao. Mùa màng mất mát, làm ăn
cứ mỗi ngày một lụn. Tôi định vô
trong này kiếm việc làm.
- Đã có chỗ
làm chưa?
- Ông hương
Kính ở ngoài làng vô trong này
được nửa tháng. Vừa rồi mới về
quê và rủ tụi này vô làm ăn
- Hương Kính
làm việc gì ở đây?
- Làm phu đổ
đá ở sân bay.
- Lúc nãy anh
nói đi vào cả tụi. Vậy còn ai
nữa?
- Thằng Đực
con bà Lý, thằng Thành móm và
anh trùm Sáu.
Hiện giờ họ ở
đâu?
- Dưới xóm
chợ, chỗ nhà bà con của hương
Kính.
Tôi mời nước
và thuốc lá. Tiện có đĩa chuối
đặt ở tủ ăn, tôi lấy mời nhưng
anh từ chối.
- Tôi ít ăn
thứ này lắm.
Tôi ngạc
nhiên
- Kìa, ngoài
nhà thấy anh cúng chuối luôn mà.
- À, vậy mà
ít ăn. Cúng thì cúng chớ rồi lũ
trẻ nó chia nhau.
- Thế thì ăn
kẹo vậy.
Tôi vừa nói
vừa vội vã đứng dậy lại mở tủ
lấy kẹo. Nhưng anh đưa tay ngăn:
- Thôi đừng
phiền. Tôi không ăn đâu. Buổi
sáng chỉ uống miếng nước trà.
A! không ngờ
cuộc sống của anh thanh đạm
dường đó. Tôi nhìn đôi vai gầy
và nói:
- Anh ăn ít
nên gầy.
- Hồi giờ tôi
vẫn ăn ít vậy. Mỗi bữa chỉ có ba
sét chén.
Tôi tìm trong
dĩ vãng xem anh có nói thật
không. Nhưng lạ, sao tôi không
còn nhớ một kỷ niệm nào về việc
ăn uống của anh hết. Anh sống ở
nhà tôi có đến bốn năm năm, thế
mà hồi tưởng lại, tôi không thể
nào hình dung ra anh cầm chén
cơm hay gắp miếng thịt hay nhai
nhồm nhoàm ra sao. Tôi có thể
thấy như hiện ra trước mắt, anh
vấn điếu thuốc và ghé vào chiếc
đèn dầu lửa để đốt, hoặc anh
đứng ở bàn ăn - ăn đứng chớ
không ngồi bao giờ - một chân
chõi ngang vào chân đứng thẳng,
y như cái chùa Một Cột còn thì
tuyệt nhiên không nhớ cái miệng
anh nhai ra làm sao. Lẽ cố nhiên
là hình dung ra anh hai tay nâng
bó hương nghi ngút khói, đứng
khấn vái trước bàn thờ thì càng
dễ hơn nhiều.
Sau vài câu
chuyện, anh đứng dậy cáo từ. Tôi
hỏi đi đâu thì anh bảo xuống ở
chung nhà với hương Kính để mai
đi làm. Tôi nói:
- Anh cứ ở
đây với tôi rồi ngày ngày đi làm
cũng được. Nhà tôi rộng rãi mà.
Nhưng anh
không chịu.
- Để xuống ở
chung cả tụi cho dễ. Ngày ngày
có xe đưa đến công trường.
- Thế anh đã
biết là anh sẽ làm công việc gì
chưa?
- Chưa, đợi
đến mai sẽ hay.
Khi anh bước
theo tôi ra cửa, anh chợt dừng
lại, đứng sờ mó vào những quyển
sách dày dựng ở kệ sách. Anh
nhón lấy hai quyển, âu yếm nhìn
vào gáy da rồi lật xem vài tờ.
Anh mỉm cười (à, lâu lắm rồi tôi
mới bắt gặp nụ cười của anh)
nhìn tôi nói:
- Bây giờ chú
học hành giỏi. Có nhớ ngày cúng
khai tâm chú ăn cái đầu gà
không?
Kỷ niệm ăn
đầu gà làm tôi yêu mến anh
nhiều. Chắc anh đang hãnh diện
mà nghĩ rằng những cuốn sách chữ
Tây đó (chữ gì hay ho khó hiểu
khiến cho con người ta giỏi được
cũng là chữ Tây hết, theo anh
quan niệm) làm món trang sức cho
trí óc của tôi, làm phương tiện
cho tôi sinh sống khá đầy đủ
cũng nhờ anh mà có. Nếu không có
sự chăm sóc chu đáo của thì bữa
cúng khai tâm đã không có và tôi
cũng sẽ chỉ u mê tầm thường, lớn
lên đủ để làm ông hương, ông
giáo là cùng. Tóm lại, cái tôi
hiện tại chính là tác phẩm của
anh, cái tác phẩm mà anh cho là
đã thành công quá sức mong mỏi
và đáng để anh hãnh diện. Tôi êm
đềm đặt một tay lên vai anh, nơi
cái xương quai xanh gồ ra dưới
lần áo mỏng rồi nói:
- Tôi học
được là cũng nhờ ba cái lạy và
cái đầu gà của anh đó.
Đưa anh ra
khỏi cổng, đi với anh một quãng
đường, rồi tôi gọi xe và trả
tiền trước, bảo xe đạp xuống xóm
chợ. Tôi dặn anh thỉnh thoảng có
thì giờ rảnh thì ghé lại cho
biết tình hình công ăn việc làm.
Mười ngày sau
anh mới trở lại. Anh cho biết là
anh đã đi làm từ sáng hôm đó và
anh chuyên môn làm phu hồ.
- Sao anh lại
làm phu hồ? Tôi hỏi. Phu hồ là
công việc của đàn bà mà.
- Tôi yếu
sức, không đổ đá, rải đá được.
Phải làm phu hồ vậy.
- Mỗi ngày
công được bao nhiêu ?
- Ba mươi lăm
đồng.
Tôi tự nhiên
nhìn xuống đôi bàn tay của anh.
Thật là lam lũ phong trần, nhưng
tôi cũng ngầm mong một cách yếu
ớt rằng đôi bàn tay ấy, lần này,
không đến nỗi chịu câm nữa bên
cạnh những cô phụ hồ nhí nhảnh
lẫn lộn xung quanh anh. Chợt anh
ấp úng ngỏ lời mượn tôi hai trăm
đồng.
- Ngày kia
nhằm bữa giỗ ông già tôi mà chưa
tới kỳ lãnh phơi. Chú cho tôi
mượn đỡ hai trăm đồng, mai về
quê, rồi hôm sau vô tôi lãnh
lương sẽ trả lại.
Tôi nhẩm tính
tiền lương của anh mỗi ngày, trừ
đi tiền ăn tiêu và tôi thấy hai
trăm đồng là một số tiền không
nhỏ. Tôi hỏi:
- Về tốn kém
như vậy mà anh cũng về sao? Thôi
tạm ở trong này, chừng nào để
dành dư giả hãy về một lượt.
Anh lắc đầu.
- Tốn thì tốn
mà không về không được. Chẳng lẽ
ngày kỵ, ngày giỗ mà lại…
Tôi lấy tiền
đưa cho anh và anh vội vàng cáo
lui:
- Để kịp ra
phố mua vài lạng bún bắc thảo,
da heo, kim châm và ghé chợ mua
ít cái bắp sú.
Sau đó không
biết bao lâu anh mới lại nhà
tôi. Hỏi anh đã để dành tiền khá
chưa thì anh thản nhiên nói:
- Đi làm
chẳng được mấy ngày. Bữa trước
về đám giỗ rồi kế tiếp mấy bữa
sau khuôn hội Quảng Đức nhờ ở
lại để nấu chay giùm cho chùa
nhân ngày lễ Vu Lan. Nhân dịp
lễ, chùa khánh thành cái đại
hồng chung mới đúc và có gia
đình Phật tử toàn quận cắm trại.
Thức ba bốn đêm ròng nên bị bẻ
mình đến bốn năm bữa. Mới vô hôm
kia. Vẻ thản nhiên của anh khiến
tôi nghĩ đến thái độ sống của
anh mà tôi đã có lần ao ước. Tôi
nhớ một buổi chiều chủ nhật kia,
tôi ghé thăm một người bạn. Ở
nơi giếng nước nhà anh bạn, một
người đầy tớ gái đang xát vỏ đậu
xanh. Trong khi chờ đợi anh bạn
thay áo để cùng đi thăm một
người bạn khác, tôi bước ra sân
nhìn dãy nhà trước mặt.
Đó là một dãy
nhà tôn vách ván kề sát nhau,
chạy dài dọc theo cái đầm nước.
Trong một gian nhà kia, một
người đàn bà đang tắm hai trái
đu đủ. Một dĩa quýt và một dĩa
chuối đã đặt trên một cái bàn
nhỏ kê sát mái hiên đặt trước
sân, tôi nghĩ rằng nhà này là
một cái quán.
Nhưng chợt có
mùi nhang thơm ở đâu bay đến.
Tôi liên tưởng đến cái rá đậu
xanh vừa rồi và tôi nghĩ rằng
mình đã lầm: nhà kia không phải
là cái quán đâu, mà chắc là họ
đang sắp đặt một bữa cúng gì
đây. Tôi nhớ đến đêm nay có
trăng sáng. Thôi đúng rồi, có lẽ
ngày rằm rồi. Hỏi lại người bạn
thì anh ta nói: “Ừ, hôm nay rằm
tháng Mười”. Tôi chợt buồn, nghĩ
đến những bữa cúng êm đềm mà
mình cứ thản nhiên quên. Những
ngày cúng rằm, cúng mùng một chỉ
có chị giúp việc nhà tôi là nhớ
kỹ. Chị giữ tiền chợ nên liệu
nhớ mà mua sắm món gì đó tùy ý
chị. Khi cỗ bàn đã đặt lên, chị
giao cho tôi nhiệm vụ đốt hương
và khấn vái. Nhưng sao tôi vẫn
nhọc nhằn hết sức để mà tin rằng
mình hiện đang hâm hưởng sự chở
che ấy. Vào những lúc ấy tôi nhớ
đến vẻ mặt rạng rỡ của anh Năm
Nhiều, tin tuởng say sưa vào sự
phù hộ của vị thần mà anh đang
hướng tâm nghĩ tới. Có một lòng
tin như thế thật quý giá biết
bao trong một cuộc sống đầy cam
go bất trắc, đầy những sự phi lý
như người ta thường nói.
Như vậy, thì
liệu tôi có sung sướng gì hơn
anh đâu, tôi, con người bận rộn
khôn cùng, lo lắng khôn cùng
giữa vài tiện nghi nhỏ: cái xe
để đi, cái quạt cho ngày hè, cái
máy hát để đỡ cô đơn và bữa cơm
trưa có thịt. |