Không biết trong bảng
tử vi của anh Năm Nhiều có phải “Mệnh
thân có tử vị cư Mão Dậu gặp Kiếp Không”
hay sao mà đời anh lại gắn liền quá mật
thiết với sự cung kính dường đó. Phải
chứng kiến sự sắp đặt quy mô của bàn thờ
nhà anh mới thông cảm được phần nào sự
an bài bất khả kháng của Hóa công. Nhà
nhỏ lợp tranh đã cũ mèm, gần nát vụn ra
và vách đất. Nền nện đất, nứt thủng ở
nhiều chỗ. Hai cái cửa sổ lùa và một cửa
ra vào bị mái che thấp xuống nên ánh
sáng vào quá ít. Nhà thành ra tối hùm
hụp suốt ngày. Tôi chưa hề nghe một ngọn
gió nào thổi ngang qua đây nên ngồi
trong nhà thì phải ngửi mùi hôi thối cố
hữu của ngôi nhà, mùi hôi lưu lại từ
ngày mẹ anh còn bán nước mắm, dầu lửa,
dầu phộng, cốm kẹo, thuốc hút… Mùi hôi
ấy như phát xuất từ nền nhà, từ xó kẹt
ghế bàn, từ vách đất. Những bàn tay dính
nước mắm, dính mồ hôi đã bôi quẹt qua
lại lên vách nhiều lần trong nhiều năm,
nên vách cứ láng bóng lên nhất là ở
những chỗ thường qua lại. Cả gian nhà
chính chỉ kê một bộ ván, còn bao nhiêu
chỗ dành cho ghế thờ. Ghế lớn đặt ở dòng
giữa. Một bộ lư đèn ngự ở đây, toàn bằng
gỗ trắc đánh bóng lên nước. Trước ghế kê
cái bàn. Ngày thường, đó là nơi đặt kỷ
trà để tiếp khách. Đến ngày giỗ chạ thì
trên sắp bày những xôi chè, canh thịt…
Một cái ghế tương đối nhỏ hơn kê ở bên
tay phải, sau bộ ván. Cũng lại một bộ lư
đèn bằng gỗ. Trên đầu thêm một cái khám
thờ ông táo. Hai mẹ con dường như chưa
đồng ý về điểm này. Tính Năm Nhiều ít
nói và hay nhường nhịn. Vả lại, ông Táo
thì cũng đáng sợ như ông Địa nên anh
chưa dám cả tiếng truất phế.
Thôi thì thờ ai cũng
được. Hơn nữa, nhà có lắm trẻ nhỏ mà
theo lời truyền thì ông Táo lại thích
quở trẻ con, hay bắt chúng nóng vặt.
Thấy mẹ và anh nhân nhượng nhau, chị Của
em út của anh Năm Nhiều mượn ngay nơi đó
để thờ “các đẳng”. Chị buôn bán dang,
mây, hom nứa từ chợ Lùng chở về nên phải
luôn luôn vái các đẳng phù hộ. Không có
chỗ nào dành cho chị hết nên chị phải
mượn tạm cái khám. Vả lại đặt vẻn vẹn
một nải chuối và cắm một cây hương thì
chỉ có chỗ ấy là tiện lợi hơn hết. Đã
tránh được sự chỏn vẻn, trơ trọi mà được
nơi kín đáo cần thiết cho nải chuối kịp
chín. Đặt ở ghế dưới thì không yên được
với lũ trẻ nhỏ. Chúng nó đòi ăn và có
gan dám bẻ trộm lắm.
Khi đã đặt vấn đề
chiếm hữu nơi cái khám thì lẽ tất nhiên
là hai dòng bàn thờ cũng phải quy định
thuộc phần ai. Mẹ anh phụ trách việc
cúng kính từ hồi cha anh mất. Lúc bấy
giờ anh mới lên năm. Tính bà xuề xòa nên
bà nghĩ rằng ai cũng xuề xòa như bà, kể
cả các vị tổ tiên khuất mặt cũng vậy.
Thành ra dù giỗ ông nội, bà nội, ông cố,
bà cố hay cha Năm Nhiều, bà cũng chỉ sắp
đồ cúng ở bàn thờ lớn. Vừa rộng rãi, vừa
dễ đi lại. Bàn thờ nhỏ do đó mà chịu ế
sốt cả thời kỳ bà cầm quyền. Kịp đến khi
Năm Nhiều thay bà giữ quyền tế tục thì
Năm Nhiều tổ chức có lề lối hơn. Bàn thờ
nhỏ dành riêng cho cha anh. Bàn thờ lớn
dành cho tất cả các vị tổ tiên khác. Để
phòng ngừa mẹ lộn xộn, anh lấy khuôn
hình của cha anh vốn treo trên vách đem
dựng vĩnh viễn trên ghế nhỏ. Hình chụp
cha anh đội mũ chào mào, áo quần lính
tập thắt nịt da to và bắp chân quấn xà
cạp. Để tỏ sự tột độ nghiêm trang, ông
cụ giơ tay mặt lên ngang trán chào theo
kiểu nhà binh.
Ông cụ đi lính mộ và
hình như chết ở Mac xây, bên Pháp (chi
tiết này tôi nghe cha tôi kể lại). Mẹ
Năm Nhiều thì chỉ nhớ chắc chắn là ông
cụ chết ở bên Tây, còn địa danh đích xác
thì cứ vài năm bà lại đổi một lần. Trí
nhớ của bà không được mẫn nhuệ. Ngay cái
tên làng Định Trung, ấp Phong Nhiêu là
nơi bà sống trên năm mươi năm rồi mà đố
bà có nhớ nỗi. Ai hỏi bà ở đâu thì chắc
chắn là bà chỉ trả lời được rằng “Ở Soi
giữa”. Vậy thì cứ chừng vài năm ông cụ
Năm Nhiều lại phải vì bà mà thay đổi chỗ
chết một lần. Ban đầu thì đúng là Mac
xây rồi, rồi Mặt xây, rồi Xây mặt… cho
đến một hồi nào đó sáng kiến của người
chinh phụ này cùn đi, năng lực biến chế
của bà cạn đi và bà nói liều: “Chẳng
biết chết ở cái xứ Xây xây gì đó. Có cái
hình của ổng kia kìa”. Cái hình ấy nay
đã vàng và bong đi mất nhiều mảng ở
quanh rìa. Và theo sự phối trí mới của
Năm Nhiều thì bây giờ nó được ngự trị
trên bàn nhỏ. Quả tình Năm Nhiều có năng
lực tổ chức thật. Mọi sự cúng kính được
điều hành có trật tự, ngoại trừ cái khám
còn đang ở dưới chế độ cộng đồng tương
đối bất ổn.
Vừa hoàn thành tổ
chức quản trị mới thì Tết đến . Đây là
dịp thử thách tài của Năm Nhiều. Ngày 24
tháng chạp sau khi sang dẫy mả giùm cho
nhà tôi xong, anh vay mẹ tôi hai giạ nếp
và năm mươi đồng. Hẹn sang mùa tháng ba
trả. Hăm chín tháng chạp nhằm chợ Phiên
Thành, anh mua vác về một tấm bức thờ
bằng giấy trên viết một chữ thọ thật to
ở giữa và hai bên viết hai câu đối. Bức
đó để treo trên vách nơi bàn thờ tổ
tiên. Bốn bức khác nhỏ hơn vẽ hình chim
hạc, chim phượng, hoa sen, hoa mẫu đơn..
treo ở bàn thờ cha anh. Với mấy bức vẽ
màu chói chang lòe loẹt, ngôi nhà anh
sáng hẳn ra tươi vui như có hội. Mấy đứa
cháu, con chị Của cứ thập thò đứng nhìn
làm quẩn cả chân anh.
Khi cắm những cành
bông điệp vào lọ độc bình, bông điệp hai
màu vàng và đỏ, anh xin ở nhà Trùm Diếc,
thì anh vừa lẩm bẩm trong miệng “Đông
hoa, Tây quả…”. Đông hoa, Tây quả thì
tôi hiểu rồi. Đã có lần anh giảng cho
tôi nghe rằng cái lọ cắm hoa và cái cỗ
bồng sắp chuối không phải muốn đặt ở chỗ
nào trên bàn thờ cũng được, mà đã có
kinh điển quy định rồi. Lọ hoa thì phải
đặt ở hướng Đông và cỗ bồng chuối thì ở
hướng Tây. Hỏi: còn “Đông bình Tây hộp
hương” nghĩa là sao thì anh đánh trống
lãng không trả lời. Tôi thật không ngờ
việc xếp mấy món đồ thờ nói chi đến việc
tế tự to lớn mà cũng khó khăn bí hiểm
đến có thể làm cho Năm Nhiều lúng túng.
Đã vậy mà lại không có một quyển tự điển
nào về nghi lễ để tra cứu, nên trên bàn
thờ của Năm Nhiều đành thiếu một bình và
một hộp hương. Tuy vậy, tôi cho rằng anh
đã cố ý đền bù chỗ thiếu sót này bằng
một cỗ bồng rất đỗi phong phú, xếp đến
bốn, năm tầng nải chuối, hai tầng trái
quýt, một trái bưởi to và mấy chùm mận,
thế mà vẫn giữ được thăng bằng, kể cũng
đã khéo tay.
Tối 30 và ngày mùng
một, mùng hai, bàn thờ đầy ắp những lễ
vật, đèn nến sáng choang. Cái khoảng
trống còn lại trước dãy ghế, đầy những
người: bà mẹ Năm Nhiều, Năm Nhiều, chị
Của và bốn đứa con chị Của. May mà Năm
Nhiều chưa lấy vợ nên trong cái khoảng
hẹp ấy còn có chỗ để tránh nhau. Tôi
thấy không khí nơi đây quả thật là ấm
cúng đặc biệt. Mà nào có cần phải đẹp đẽ
sang trọng? Mẹ anh thì già lẩm cẩm, gầy
mỏng như cái lá sả và đôi mắt lèm nhèm.
Một cái miệng quá rộng trên khuôn mặt
quá dài. Miệng đó không phải là dấu hiệu
của sự hòa mục. Chị Của thì lùn và đen.
Đôi con mắt nhỏ, loại tinh ranh vặt. Mấy
đứa con của chị thì mặt mũi chẳng mấy
khi sạch sẽ. Ngoại trừ con Lượm tám tuổi
có đủ áo quần, còn thì thằng Khá sáu
tuổi, con Khen năm tuổi, con Mùi hai
tuổi đều chỉ mặc một cái áo còn quần thì
mẹ chúng hẹn để sang năm. Đó là vào
những ngày tự ngày Tết, những ngày lạnh
mùa đông. Còn thì quanh năm, ba đứa ở
trần như ba con heo nhỏ.
Sự lẩn quẩn của từng
ấy người trong khoảng quá hẹp, dù vậy,
vẫn không bực mình ông thầy tế tự là Năm
Nhiều. Một người cậu nào khác sẽ ghét
hết sức bốn đứa nhỏ đang lườm lườm hoặc
lén lút nhìn mấy dĩa thức ăn bày trên
bàn. Chúng không có kỹ thuật ngụy trang
nên sự thèm ăn được biểu hiện một cách
lộ liễu, có thể gọi là trắng trợn nữa.
Năm Nhiều làm như không để ý đến sự biểu
diễn khiếm nhã đó. Anh xoa đầu một đứa
và cất giọng ôn tồn nói:
- Đi xuống dưới chơi.
Đừng có hỗn. Để lát nữa dọn xuống đã.
Đứa bé được xoa đầu
lặp lại lời anh, rủ ba đứa kia cùng đi
xuống, nhưng rốt cục chẳng đứa nào đi
xuống hết. Và thế là cả bảy người lại
lộn vào trong cái khoảng hẹp.
Đã nhiều lần tôi đứng
ở cửa sổ nhìn vào cái khung cảnh ấm áp
bề bộn đó và tôi so sánh với nhà tôi.
Nhà tôi quá rộng có từng ngăn từng phòng
thành ra dù trên bàn thờ có chưng bộ tam
sơn ngũ sự đồ sộ, đèn nến sáng choang,
hương trầm nghi ngút mà tôi vẫn cảm thấy
lạnh lẽo trang nghiêm làm sao. Ngày Tết,
mẹ tôi mua sắm bận rộn đủ thứ nhưng vì
thứ nào cũng có chỗ cất dọn ngăn nắp
thành ra tôi vẫn không thấy vui mắt bằng
căn nhà của Năm Nhiều. Ơû nhà anh thấy
thứ gì cũng bày trong một khoảng hẹp. Có
bao nhiêu mứt, bao nhiêu cốm, bánh in,
mấy thẩu dưa món, mấy đòn bánh tét là
biết hết. Ngồi đánh tam cúc chơi mà mắt
vẫn có thể lượn trên những miếng mứt bí
dày cộm đường, trên những miếng nhân
thịt của đòn bánh tét đang cắt dở. Mắt
no những màu sắc, tai no những âm thanh,
mũi no những hương vị, quả cái tiểu thế
giới của anh có nhiều sức hấp dẫn thiệt.
Mà không chỉ ngày Tết mới vậy. Quanh
năm, hình như không lúc nào là nhà không
có khách. Khách tầm thường thôi và là
những người ở quanh quẩn gần nhà anh.
Chẳng là bình trà nhà anh luôn có bỏ trà
ngon và những người khách kia chiếu cố
đến bình trà nhiều hơn đến anh. Ngoài
những chén trà đầu do anh mời còn thì
những chén trà sau đều do khách tự tay
rót lấy. Họ chọn những lúc nào anh nói
chuyện hăng hái nhất và họ đã tán thành
một cách nồng nhiệt nhất. Lúc bấy giờ
chủ khách đều hỉ hả thông cảm với nhau,
và làm như vô tình, tay họ nghiêng cái
bình cho người trà lặng lẽ chảy vào
tách. Thật tội nghiệp, những người bạn
nghèo của Năm Nhiều! anh không giàu gì
hơn họ, nhưng được cái anh không so đo.
Có đường, có kẹo, có chuối anh mời mọc
thiệt tình. Riêng phần anh, anh luôn
luôn nhịn miệng đãi khách. Chỉ khổ cho
bà mẹ anh khát nước, lại cầm bình lên
thấy nhẹ bỗng. Thế là bà nổi tam bành.
- Đồ quỷ ! Uống cái
gì mà cạn ráo không còn để phần cho ai
một giọt. Uống gì mà như rồng hút nước.
Cũng phải biết…
Câu chửi, dù nhẹ
nhàng cũng bị Năm Nhiều cắt ngang. Anh
chỉ xịu mặt bung ra năm tiếng “Bà này
thiệt… sao mà..” thế là bà cụ im. La lắm
chỉ tổ khát mà bà thì có tật không uống
được nước lạnh. |