Những bữa có
giỗ thì nhà Năm Nhiều tấp nập
khỏi phải nói. Anh lục đục nấu
nướng đầu tắt mặt tối cho dù nhà
anh có dư đàn bà để lo việc ấy.
Một người chị lấy chồng ở mãi
Thái Long dẫn về ba đứa con. Một
người em lấy chồng ở xóm Đường
dẫn về bốn đứa. Một đứa cháu gái
rọi bằng cậu lấy chồng ở Xuân
Đài cũng cố nách hai đứa con về.
Cộng với mẹ anh và nhà chị Của
thì quả nhà này dư đàn bà để làm
một bữa cỗ linh đình. Nhưng họ
chỉ được sai bảo vặt. Việc nấu
nước, xắt thịt, đơm dĩa, anh đều
tự đảm nhiệm hết. Xong, lại cũng
chính anh lo sắp dọn bàn. Rồi
rửa mặt thay áo dài, đội khăn,
anh châm hương, châm đèn đứng
lầm thầm khấn vái. Về điểm này,
anh có khác mẹ anh. Bà cụ thì
khấn to như đang nói chuyện với
khách. Mà bà cụ nói chuyện thật.
Lúc giỗ chồng thì bà kể lể những
hồi ông ra đi binh cách “Anh ra
đi, thong thả hơn tui ở nhà. Một
mình nuôi bốn đứa con nhỏ. Thằng
Nhiều thì ghẻ chốc. Dán hết mụn
này trổ sang mụn khác. Con Của
thì đái dầm. Hết đứa này ấm đầu
tới đứa khác ỉa chảy… Cửa nhà
đơn chiếc, mời hương hồn anh về
uống chén rượu, ăn miếng chả….”
Năm Nhiều
nghe đến đoạn mình bị ghẻ chốc
mà cảm thấy thương mẹ. Mấy đứa
con chị Của nghe hồi nhỏ mẹ
chúng đái dầm thì cười rộ lên.
Bà cụ đang khấn cũng cười theo
rồi xì mũi và lau nước mắt. Năm
nào đến ngày giỗ là cụ cũng kể
lể thuộc lòng từng đoạn như vậy
khiến Năm Nhiều thấy mình như
nhỏ lại. Tuy khấn khứa lẩm cẩm
vậy nhưng cũng phải công nhận
giữa bà và người chết có sự cảm
thông mật thiết…
Đến bữa cúng
“các đẳng” thì bà cụ quả có
nhiều trí tưởng tượng. Bà mời
“…những vị chết sông chết suối,
chết lửa chết củi, chết chém,
chết đâm, chết đường, chết sá,
chết gió, chết máy, quá giang
chìm đò, đẻ rơi bóp mũi, ăn mày
xó chợ…” Những năm sau này khi
đường ô tô chạy qua đầu xóm và
con đường xe lửa băng qua cánh
đồng Chí Đức thì bà thêm một số
nạn nhân nữa: “… những người xe
cán dẹp mình, tàu nghiến đứt
ruột, những người sẩy chân lọt
xuống đường rầy, những
người...”. Số người thụ hưởng
thật quá nhiều đối với một mâm
cháo, con gà bằng bắp tay và một
nải chuối còn xanh.
Năm Nhiều
khấn nhỏ hơn với một vẻ mặt
nghiêm trang hơn. Thật đúng là
cái dáng dấp khả kính của một
ông thầy tế tự biết tự trọng.
Anh lim di đôi mắt và hai bàn
tay kẹp một nắm hương lớn để
ngang trán rất lâu. Lũ cháu tỏ
dáng sợ hãi len lén nhìn cái tư
thế trầm mặc ấy của cậu chúng
rồi lảng bỏ xuống bếp. Ừ mà thật
vậy, vẻ mặt của Năm Nhiều chỉ có
giá trị khi Năm Nhiều nghiêm
trang trong ánh nến và khói
hương. Bình thường, đó chỉ là
một cái mặt bèn bẹt với đôi mắt
nhỏ và cái mũi hếch. Nước da mái
mái, da nơi hai gò má bóng lên
một cách vô duyên. Răng lại mọc
khập khễnh, mọc thành đôi ba
hàng lộn xộn. Cái khuôn mặt ấy
nói cười đều không gây niềm kính
nể.
Tại sao Năm
Nhiều lại có duyên với sự cúng
bái làm vậy, đó là câu hỏi tôi
đã đặt ra từ lâu. Lúc tôi còn
nhỏ, anh được mẹ tôi cậy đến ở
nhà bế tôi. Khi tôi biết chạy
chơi thì anh chuyên lấy đất sét
nắn hình long đình, bộ lư, đỉnh,
cây đèn. Anh hái những trái mảnh
bát già, cắm bốn cọng nhang ngắn
vào giả làm con heo. Anh cắt
ngang cổ trái mảnh bát rồi bày
riêng ra làm đầu heo (ruộng mảnh
bát già màu đỏ như máu). Anh lấy
những lon, những khay bày một
hàng trước bàn thờ giả rồi gõ
nhịp lên rồi tụng niệm ê a. Anh
bắt tôi chắp tay vái lạy. Thế là
tôi học tiếp xúc với thần linh
do sự môi giới của anh Năm Nhiều
vậy.
Ngày nào anh
cũng bày cỗ cúng một vài lần.
Khi có đông lũ trẻ nhỏ đến chơi
thì anh tổ chức thành đám rước.
Đứa thì thổi kèn, những cái kèn
cuộn bằng lá chuối, đứa thì đánh
trống đánh chiêng bằng miệng,
nhưng tuy bằng miệng mà vẫn có
trật tự, tiếng bầm, tiếng beng
xeng nhau. Anh Năm Nhiều làm
tổng chỉ huy. Mẹ anh mỗi lần gặp
thấy anh cao lêu nghêu đi “rước
sắc” giữa bầy trẻ con còn ở
truồng như vậy là bà chửi liền:
- Mồ tổ mày,
to đầu mà còn chơi chuyện con
nít. Mày coi, mày đã cao bằng
cây cau kia rồi.
Và thế là đám
rước rối loạn hàng ngũ, trống
chiêng bỏ chạy hết.
Sau đó, anh
thôi không cúng giả nữa mà anh
vái ông Táo, ông Địa thật, với
đồ cúng thật. Mỗi khi quên đóng
chuồng gà để gà đi lạc, sợ cha
tôi rầy, mỗi khi đánh mẹ, đánh
lú bị thua liểng xiểng là anh
mua một cái bánh nướng và một
miếng đường để vái ông Địa.
Không dám đốt đèn sáp sợ tỏ ra
quá lễ mễ, anh chỉ đốt một cây
đèn hột vịt nhỏ. Cũng không dám
đốt hương nữa vì sợ mẹ anh bắt
hơi mùi hương mà lên hỏi lôi
thôi. Sự cúng vái do đó mang
tính chất du kích, nghĩa là nếu
nghe tiếng guốc của mẹ anh lẹt
xẹt đi lên thì anh thổi phụt
ngay ngọn đèn, thế là xong. Cái
bánh tráng và miếng đường trở
lại vị trí cũ là món ăn xoàng
xĩnh ngang tầm của anh, mẹ anh
không có cớ gì để nghi ngờ nữa.
Nhưng phải đợi đến năm anh chấp
chưởng quyền gia trưởng thay mẹ
thì năng khiếu cúng bái của anh
mới phát triển toàn vẹn. Thôi
thì nhà anh cứ phảng phất mùi
khói hương quanh năm. Anh giỗ
cha, ông nội, bà nội, ông cố, bà
cố. Anh giỗ ông chú bà thím, cô
Hai, cô Ba là những người tuyệt
tự. Anh giỗ ông ngoại, bà ngoại,
vì lòng hiếu với mẹ. Ngày rằm,
mùng một, ngày vía Phật, ngày
vía Quan Thánh.. anh nhớ không
sót. Nếu không vì nghèo thì tôi
chắc cái gian giữa nhà anh phải
là nơi gặp gỡ của còn nhiều các
vị thần linh nữa. Gặp trường hợp
nào anh cũng kêu cầu sự phù hộ
Nhưng bảo
rằng sự cung kính thái quá của
anh là một lối hối lộ thần linh
thì sợ có oan cho anh không? Chớ
riêng tôi thấy thì hình như sự
nghiêm trang xuýt xoa của anh là
một thái độ hạ mình để kêu gọi
lòng trắc ẩn. Trong khi cúng
vái, tôi thấy anh hay hít mũi mà
không hề nghe có tiếng nước mũi
chạy lên. Như vậy, thì sự hít
mũi đúng là một lối trang bị hơn
là một sự cần thiết sinh lý. Anh
muốn nhún mình, hạ mình, muốn tỏ
rằng mình khổ, mình cần sự giúp
đỡ che chở. Những người khổ,
những người muốn chứng tỏ rằng
mình khổ đều có những phép trang
bị tương tự. Chẳng hạn họ cố ý
đi khòm lưng xuống. Chẳng hạn họ
hay thở dài. Chẳng hạn họ hay
thốt ra những thán từ tỏ sự ngạc
nhiên, sự sợ hãi: “Trời ơi! Trời
ơi! Mô Phật! Chúa ơi!”
Đúng là Năm
Nhiều đang đi trên con đường xây
dựng mặc cảm đó. Tôi có thể
chứng minh điều này bằng lối bẻ
bánh tráng của anh. Số là mỗi
lần có cúng giỗ thì cỗ đầu tiên,
cỗ ngon nhất anh dùng để mời
khách. Khách đó trước tiên là
cha tôi mà anh nài nỉ hết sức để
mời đến cho được. Thứ đến là ông
xã Tám, một người hào phú đương
kim lý trưởng. Rồi đến hương
kiểm Bán và câu Hai Dần. Tôi
cũng được anh và mẹ anh trì kéo
cho vào ngồi chung bàn “vì cảm
tình riêng”, anh nói. Ngồi ăn
như vậy, tôi đóng vai trẻ con
hay nhìn người lớn khề khà uống
rượu. Tôi mới để ý đến tia mắt
khinh bỉ mà ông xã Tám dành cho
câu Dần. Nhiều câu nói của câu
Dần, ông xã làm như lảng tai
không nghe, để không trả lời. Yù
ông xã chê câu Dần chức vị quá
nhỏ không xứng được chung bàn
với ông. Thực tế thì quả có như
vậy. Ơû trong thôn xóm, trừ
những người u mê thậm tệ, còn
thì ai cũng được nhận một chức
vị nhỏ. Chẳng lẽ trong suốt một
đời người mà không có dịp nào
sao. Những chức câu, trùm, kim
tri.. đâu phải món hàng có nhiều
người đầu cơ mà trái lại, thừa
thãi ra đó, ai muốn xin lãnh
cũng được. Vậy mỗi người sẽ đến
lượt mình. Câu Dần, trùm Sáu,
kim Hai đã thay hẳn những cái
tên riêng. Nhưng mặc dù vậy, cho
đến ba mươi mấy tuổi, anh Năm
Nhiều vẫn chỉ là Năm Nhiều chớ
không hề được gọi là trùm Năm,
câu Năm.. và do đó mới xảy ra
việc nể nang một ông câu thư như
câu Dần mà ông xã Tám, xem là
thái quá.
Khi bữa ăn
giỗ bắt đầu, anh Năm cầm những
cái bánh tráng nướng để bẻ.
Nhưng thay vì bẻ trên tay, anh
lại để bánh tráng trên đầu. Hai
tay anh kéo hai bờ vành bánh
xuống cho bánh bể một tiếng gọn
trong khi cổ anh rụt xuống. Thái
độ khúm núm này chắc là làm vui
lòng cha tôi và ông xã Tám lắm.
Nhưng giá anh Năm đừng lặp lại
cử chỉ ấy với cái bánh tráng đặt
trước mặt câu Dần. Khi rót rượu,
anh cũng lễ độ đúng mực. Tay mặt
cầm bình rượu chúc xuống, còn
tay trái vòng ngang để giữ vạt
áo dài.
Những năm
chiến tranh, Năm Nhiều làm không
đủ ăn, nhưng trong cảnh nghèo,
anh vẫn không bớt mẫn cán trong
việc tế tự. Tội thân anh, đã
phải chạy đồ cúng một cách chật
vật mà nhiều khi còn phải che
giấu bớt sự cúng kính quá thường
xuyên của mình. Trong khi xung
quanh ai nấy phải khó khăn lắm
trong sự sinh sống mà mình cứ
thắp hương một cách thừa thãi
thì quả là vô ý thức. Vả lại lúc
bấy giờ còn có phong trào bài
trừ mê tín, nên anh cần phải
thận trọng nhiều lắm. Nhớ có lần
toàn huyện thi đua bắt chuột,
bảo vệ mùa màng, ai nấy mang
cuốc xẻng ra đồng đào hang
chuột, mang rơm un khói chuột,
mang chó theo săn chuột, mang
lưới căng bẫy chuột, thế mà
riêng Năm Nhiều thì biện một mâm
cỗ lén mang ra miếng ruộng nhà
để cúng vái ông Tý. Thì ra anh
Năm quan niệm rằng mọi sự vật
trên đời này đều có một sự cảm
thông huyền bí với nhau, kể cả
những việc nhỏ nhất. Mỗi gốc
cây, mỗi phiến đá cũng có thần
linh trong đó. Chớ sao? Trong
khắp xóm chỗ này chỗ kia người
ta vẽ những hình tượng và bùa
chú lên mặt những viên đá để
trấn áp những góc rào. Những
thanh tre cũng được bôi vôi
trắng và vẽ bùa chú lên để đặt
trên sườn nhà. Hèn chi anh chẳng
lúc nào chẳng trầm tư. Dễ thường
anh đang lắng nghe tiếng nói
thần linh của mọi vật xung quanh
anh. Những đêm tối trời, anh
ngồi chơi với tôi mà thấy một vì
sao đổi ngôi là anh im lặng cắt
đứt câu chuyện. Sau đó anh thì
thầm nói:
- “Bà” mới
bay. Chắc “bà” bay về miếu.
Bà nào, tên
gì, anh không trả lời được,
nhưng nhất định là “bà” vừa bay.
Bình vôi cũ, ông táo bể, anh xếp
cẩn thận ở gốc mít và cấm ngặt
lũ cháu không cho đến gần. Rồi
hễ đứa nào ấm đầu, đi tướt là
anh đổ riệt rằng nó đã quấy phá
ông táo và ông bình vôi. Đứa
cháu có cam đoan mười mươi là
không bao giờ bước đến đó cũng
không tin. Lập tức một lễ nhỏ
được bày biện ra và anh xuýt xoa
tạ lỗi. |