Những bài cùng tác giả
Al Saqi Books,
London,1985
Chương 2
Giáo phái Ismaili
Cuộc khủng hoảng trong Hồi giáo xảy ra vào năm 632 khi đấng Tiên tri tạ thế.
Chính Muhammad cũng chưa bao giờ cho mình khác hơn là 1 người trần thế -
tách biệt với những người khác chỉ vì Người là sứ giả của Thượng đế và là
người truyền đạt lời của Thượng đế, nhưng chính bản thân của Người không
mang tính thần thánh hoặc bất tử. Tuy nhiên, đấng Tiên tri lại không di ngôn
rõ ràng là ai sẽ kế vị mình để lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo và cai trị cái
nhà nước Hồi giáo mới tạo dựng, và người Hồi giáo cũng mới chỉ có vỏn vẹn
một ít kinh nghiệm chính trị của đất nước Ả-rập trước thời kỳ Hồi giáo để
theo mà thôi. Sau một hồi tranh luận căng thẳng gay cấn, họ đồng ý cử Abu
Bahr, vốn là 1 trong những người đầu tiên cải sang đạo Hồi và được nhiều
người kính trọng, làm Khalifa, người đại diện cho đấng tiên tri – tức là do
tình cờ mà 1 định chế lịch sử trọng đại chế độ Caliph (Caliphate) đã được
thiết lập.
Ngay từ khi mới bắt đầu có định chế Caliphate, đã có 1 nhóm tín đồ cho rằng
chính Ali, là cháu gọi đấng tiên tri bằng chú và cũng là con rể của người
mới xứng đáng kế vị hơn là Abu Bakr hoặc các Caliph sau này. Sự ủng hộ của
họ một phần rõ ràng là do họ tin tưởng Ali có những phẩm chất phù hợp với
công việc - một phần có lẽ là do niềm tin về quyền thừa kế chính đáng thuộc
về dòng họ của đấng tiên tri. Nhóm này được gọi là Shi’atu ‘Ali, đảng của
Ali, về sau được gọi đơn giản là Shi’a. Qua thời gian, đây là nguyên nhân
xung đột tôn giáo quan trọng nhất trong đạo Hồi.
Ban đầu, Shi’a chỉ là 1 phe nhóm chính trị - những người ủng hộ 1 ứng viên
để dành quyền lực, không hề có sự khác biệt về học thuyết tôn giáo và cũng
không liên quan đến nội dung tôn giáo nào khác hơn là những gì nằm trong bản
chất của thẩm quyền Hồi giáo về mặt chính trị. Nhưng chẳng bao lâu sau, xuất
hiện những thay đổi quan trọng trong thành phần của tín đồ cùng với bản chất
của kinh sách. Đối với nhiều tín đồ dường như cộng đồng và nhà nước Hồi giáo
đã có 1 bước ngoặt sai lầm ; thay vì là 1 xã hội lý tưởng như đấng Tiên tri
và những giáo đồ mộ đạo đầu tiên vạch ra, thì lại cho ra đời 1 đế quốc được
cai trị bởi 1 thiểu số quí tộc tham lam, vô sĩ ; thay vì bình đẳng và công
lý, thì lại được cai trị bằng bất công, đặc quyền và thống trị.Theo quan
điểm này, nhiều tín đồ cho rằng khi nào quyền lực được giao cho ruột thịt
của đấng tiên tri thì mới có thể phục hồi được sứ điệp chân chính, chính gốc
của đạo Hồi.
Vào năm 656, sau khi vị Caliph thứ ba -Uthman - bị các tín đồ Hồi giáo nổi
lọan ám sát, cuối cùng chức vụ Caliph cũng được trao cho Ali - nhưng thời
gian trị vì của ông này quá ngắn, bị bất hoà và nội chiến xâu xé. Đến lượt
Ali bị ám sát vào năm 661, chức Caliph lại lọt vào tay Mu’awiya phe đối
nghịch, nhà Umayya ; họ này giữ quyền đến gần 1 thế kỷ.
Phái Shi’a không tàn lụi sau khi Ali chết. Nhiều nhóm Hồi giáo tiếp tục bày
tỏ sự trung thành với con cháu của Đấng Tiên tri, mà họ coi là các nhà lãnh
đạo hợp pháp của cộng đồng Hồi giáo. Càng ngày những đòi hỏi này, và sự hậu
thuẫn do họ xướng lên lại càng mang đậm tính tôn giáo, thậm chí cả tính cứu
chuộc nữa. Nhà nước Hồi giáo, ở dạng lý tưởng, là 1 thể chế chính trị, được
hình thành và gìn giữ theo luật thánh. Quyền lực tối cao của nhà nước là do
Thượng đế trao ; còn Caliph, người giữ quyền lực, được giao nhiệm vụ gìn giữ
đạo Hồi và tạo điều kiện cho tín đồ Hồi giáo có được một cuộc sống tốt đẹp
theo nghĩa Hồi giáo. Trong xã hội này, không hề có sự phân biệt giữa thế tục
và tôn giáo - về mặt luật pháp, pháp quyền, hoặc về thẩm quyền. Nhà thờ và
nhà nước chỉ là một, với Caliph là người đứng đầu. Ở nơi mà cơ sở của bản
sắc và sự gắn kết trong xã hội, các giềng mối trung thành và nghĩa vụ đối
với nhà nước, tất cả đều được thai nghén và diễn đạt bằng các thuật ngữ tôn
giáo, thì sự phân biệt quen thuộc của phương tây giữa tôn giáo và chính trị
- giữa các thái độ và các họat động tôn giáo và chính trị - đều trở nên
không thực tế và vô nghĩa. Khi sự thất vọng về chính trị - có lẽ cũng do xã
hội quyết định - tìm được cách biểu lộ dưới hình thức tôn giáo ; thì sự bất
bình về tôn giáo sẽ dẫn tới những hàm ý chính trị. Khi sự chống đối của một
nhóm người Hồi giáo không còn mang tính địa phương hoặc chỉ nhằm vào người
đang cầm quyền - khi họ tỏ ý thách thức cái trật tự hiện có và lập ra 1 tổ
chức nhằm thay đổi nó, thì sự thách thức của họ là 1 nền thần học và tổ chức
của họ sẽ là 1 phe phái. Trong cái trật tự Hồi giáo theo chế độ Caliph được
xây dựng dựa trên thần quyền, thì không có con đường nào khác để cho họ hình
thành 1 công cụ hoặc đề ra 1 học thuyết ngoài những hành động cá nhân và các
mục đích tức thời.
Trong thế kỷ đầu tiên khi Hồi giáo bành trướng, đã xảy ra nhiều sự căng
thẳng dẫn đến những bất mãn, nhiều nổi bất bình và khát vọng được biểu lộ
dưới hình thức bất phục và phản kháng có tính phe phái. Khi bành trướng, Hồi
giáo đã mang lại cho cộng đồng nhiều tín đồ mới qua việc cải đạo, nhưng
những người này mang theo cùng với họ cái quá khứ, các quan niệm về tôn giáo
và thái độ từ đạo Cơ đốc, Do thái, và Ba tư, mà những người Ả rập Hồi giáo
thuở lập đạo chưa hề biết. Những kẻ cải đạo mới, dù là tín đồ Hồi giáo,
nhưng lại không phải là người Ả-rập, tính quí tộc ít hơn ; họ bị đám quí tộc
Ả-rập chiếm đa số qui định cho họ địa vị kinh tế và xã hội thấp kém hơn
khiến cho họ cảm thấy bị đối xử bất công, và sẵn lòng gia nhập các phong
trào muốn cật vấn về tính hợp pháp của cái trật tự đang tồn tại. Chính bản
thân những người Ả-rập đi chinh phục cũng không thoát khỏi được những bất
bình này. Những người Ả-rập mộ đạo than phiền cho rằng các Caliph và các
nhóm cai trị can thiệp quá nhiều vào việc đời ; người Ả-rập du mục phản ứng
vì quyền lực của họ bị xâm phạm - và nhiều người khác phải chịu đựng những
sự phân biệt sâu sắc về xã hội và kinh tế nẩy sinh từ khi có công cuộc chinh
phục và đám nhà giàu xuất hiện, cho nên cũng bắt đầu chia sẻ những niềm đau
và hy vọng với nhóm tín đồ mới. Nhiều nhóm tín đồ đã từng có các truyền
thống về tính hợp pháp về chính trị và tôn giáo - người Do thái và Cơ đốc
tin vào tính thiêng liêng và sự thắng lợi cuối cùng của dòng dõi vua David,
thông qua Vị Sứ đồ được công nhận qua phép xức dầu, sự mong đợi của tín đồ
Bái hoả giáo (Zoroastriasm) về 1 đấng tên là Saoshyans, là đấng cứu chuộc
sẽ xuất hiện vào ngày tận thế từ 1 mầm giống thánh thần của đấng Zoroaster.
Một khi cải sang đạo Hồi, họ bị lôi cuốn ngay bởi những nguyện vọng mà Đấng
Tiên tri và các đồ đệ rao giảng, những nguyện vọng qua đó sẽ chấm dứt được
những nổi bất công của cái trật tự hiện hành và hoàn thành được lời hứa hẹn
Hồi giáo.
Trong quá trình nhóm Shi’a chuyển đổi từ 1 phe nhóm thành 1 giáo phái, có 2
biến cố đóng vai trò quan trọng, cả 2 đều bắt nguồn từ những đợt khởi loạn
bất thành của những người Shi’ite nhằm lật đổ chế độ Caliph dòng Umayyad.
Cuộc khởi loạn thứ nhất, xảy ra vào năm 680, do Husayn, là con của Ali và
Fatima (con gái của đấng Tiên tri), cầm đầu. Vào ngày thứ 10 tháng
Muharram, tại Karbala thuộc Iraq, Husayn, cùng với gia đình và các thuộc hạ
đã đụng độ với lực lượng của Umayyad và bị đàn áp không chút thương xót. Có
khỏang 70 người bị chết trong cuộc tàn sát ; chỉ còn 1 đứa bé bệnh họan là
Ali ibn Husayn sống sót vì bị bỏ lại trong lều. Cái chết vì đạo đầy bi thảm
này của con cháu đấng tiên tri, và sau đó là sự hối lỗi và dày vò đã nhóm
lên 1 một nhiệt tình tôn giáo mới trong nhóm Shi’a, ngày nay lại được khơi
dậy với những chủ đề đầy sức thuyết phục về sự đau khổ, sự mê đắm và sự
chuộc lỗi.
Điểm ngoặt thứ 2 xảy ra vào cuối thế kỷ thứ 7 và đầu thế kỷ thứ 8. Vào năm
685, có một kẻ tên Mukhtar, vốn là người Ả-rập ở Kufa, dấy lọan trên danh
nghĩa một người con của Ali tên là Muhammad ibn al-Hanafiyya, là Imam, người
lãnh đạo hợp pháp và chân chính của Hồi giáo. Mukhtar bị đánh bại và bị giết
vào năm 687, nhưng phong trào của ông ta vẫn còn. Khi Muhammad ibn
al-Hanafiyya chết vào khỏang năm 700, một số người cho rằng chức vụ
Imam
được truyền cho người con của ông ta. Những người khác lại cho rằng ông ta
thực sự chưa chết nhưng đã ẩn thân tại vùng rừng núi Radwa, gần Mecca ; từ
nơi này vào thời điểm được Thượng đế cho phép, ông ta sẽ quay lại và đánh
thắng các kẻ thù của mình. Một Imam mang tính cứu chuộc như thế được gọi là
Mahdi, người được giác đạo chân chính.
Các biến cố này là khuôn mẫu của những chuỗi dài các phong trào cách mạng
tôn giáo. Có 2 khuôn mặt trung tâm trong 1 phong trào như thế : đấng
Imam,
đôi khi cũng được gọi là Mahdi, người lãnh đạo hợp pháp xuất hiện để tiêu
diệt sự chuyên chế bạo ngược và xây dựng công lý, và vị da’i, người hiệu
triệu, làm nhiệm vụ thuyết giảng – và lắm khi cũng là người sọan ra - thông
điệp của đấng Mahdi, chiêu tập các giáo đồ, và để cuối cùng là người đưa họ
đến thắng lợi hoặc tử vì đạo. Vào giữa thế kỷ thứ 8, một phong trào như thế
thậm chí đã dành được 1 thành công tạm bợ, lật đổ dòng Umayyad và đưa dòng
Abbasid, là 1 nhánh khác mà cả đấng Tiên tri và Ali đều là thành viên - lên
cầm quyền nhưng sau khi thắng lợi, các Caliph dòng Abbasid trở mặt không
thừa nhận giáo phái và vị da’i đã đưa họ lên mà lại chọn con đường ổn định
và kế tục trong tôn giáo và chính trị. Những hy vọng đầy tính cách mạng bị
tan vỡ đã làm dấy lên những nỗi bất bình mới, mạnh mẽ hơn cũng như một lọat
mới các phong trào cực đoan và cuồng tín.
Trong thời gian đầu, phần giáo lý và tổ chức của phái Shi’a đều bị thay đổi
thường xuyên. Có vô số những kẻ tiếm danh xuất hiện, những người này đưa ra
với nhiều lý lẽ khá thuyết phục khác nhau, xưng là con cháu hoặc thuộc hạ
của dòng dõi đấng Tiên tri và sau khi tô vẻ thêm một số chi tiết mới mang
tính huyền thọai của đấng cứu chuộc mà các tín đồ mong ngóng, thì họ biến
mất tăm dạng. Các cương lĩnh của họ đi từ dung hoà, mang tính chống đối ít
nhiều với triều đại cầm quyền, đến cực đoan tôn giáo ngược lại phái chính
thống và đi rất xa với những giáo lý Hồi giáo đã được nhiều người chấp nhận.
Một đặc điểm thường được tái lập nhiều lần là sự tôn sùng những người sùng
đạo – Imam hoặc da’i - những người được cho rằng có quyền lực phi thường, và
đưa ra những giáo lý phản ánh các tư tưởng thần bí và khai giác (illuminationist) rút ra từ thuyết ngộ đạo
(Gnosticism), Mani - giáo và
nhiều tư tưởng dị giáo có nguồn gốc Ba tư và Do thái- Cơ đốc. Những tín
ngưỡng mà họ rao giảng bao gồm sự đầu thai, sự hoá thánh của các Imam và
thậm chí đôi khi của các da’i nữa, và luận thuyết tự do - tức là vứt bỏ mọi
luật lệ và ràng buộc. Tại một số nơi – như đối với nông dân và dân du mục
tại Ba- tư và Syria - xuất hiện nhiều tôn giáo mang tính địa phương rõ rệt,
kết quả cuả sự tương tác giữa giáo lý Shi’a với những tục thờ cúng và tín
ngưỡng đã có từ trước tại địa phương.
Cương lĩnh chính trị của các chi phái này rõ ràng ; lật đổ chế độ hiện hành
và dựng nên Imam do họ chọn. Còn cương lĩnh xã hội hoặc kinh tế thì khó nhận
diện hơn, mặc dù các họat động của họ rõ ràng là có liên quan đến những khát
vọng và nỗi bất bình xã hội và kinh tế. Một vài ý niệm trong các khát vọng
này có thể được suy ra từ các truyền thống sứ đồ cứu rỗi đang thịnh hành
thời ấy, cho thấy những nhu cầu mà người ta mong đợi khi gặp vị Mahdi. Nói
chung, vị này có nhiệm vụ là phục hồi đạo Hồi chân chính, và ra sức truyền
bá đức tin đến khắp các nơi trên thế giới. Cặn kẻ hơn, vị Mahdi có nhiệm vụ
mang lại công lý - " đem công lý và công bằng trải đầy khắp thế giới đang bị
sự chuyên chế và bạo ngược hoành hành ", đem lại sự bình đẳng giữa kẻ yếu và
người mạnh, đem lại hoà bình và sung túc.
Lúc đầu các thủ lãnh mà nhóm Shi’a phục tùng là bà con của đấng tiên tri
thay vì dòng dõi trực hệ của người, tức là con cháu của Fatima, con gái của
người ; một số ít người trong đám này, kể cả những người tích cực nhất, lại
không thuộc vào dòng dõi Fatima - một số người thậm chí không phải là dòng
dõi của Ali, nhưng thuộc những nhánh khác trong tộc họ của đấng tiên tri.
Nhưng sau khi nhà Abbasid thắng lợi rồi phản bội, nhóm Shi’a gói gọn niềm hy
vọng của họ vào hậu duệ của Ali, và đặc biệt là đám con cháu do cuộc hôn
nhân cuả Ali với con gái của đấng tiên tri. Càng ngày người ta càng nhấn
mạnh đến tầm quan trọng của dòng dõi trực tiếp từ đấng tiên tri, và cái lý
lẽ được coi có cơ sở là từ khi đấng tiên tri tạ thế, trên thực tế chỉ có 1
dòng dõi duy nhất được coi là Imam hợp pháp, những vị này mới là thủ lãnh
chân chính của cộng đồng Hồi giáo. Đó là Ali, 2 con của Ali là Hasan và
Husayn, và hậu duệ cuả Ali Zayn al-Abidin là con cuả Husayn sống sót sau
thảm kịch tại Karbala. Ngoài Husayn ra, nhìn chung các Imam này đều lánh xa
các họat động chính trị. Trong lúc những kẻ tiếm danh (claimants) khác loay
hoay một cách vô vọng nhằm lật đổ chế độ Caliph bằng vũ lực, thì những vị
Imam hợp pháp lại thích đóng vai trò đối nghịch về mặt pháp lý đối với vị
Caliph đang cầm quyền. Họ đóng đô tại Mecca hoặc Medina, là những nơi xa các
trung tâm chính trị lớn, và tuy họ vẫn tiếp tục đòi quyền lợi nhưng không
làm gì nhiều để đẩy mạnh những đòi hỏi đó. Ngược lại, đôi khi họ cũng thừa
nhận và thậm chí còn ra tay giúp đỡ và làm cố vấn cho dòng Umayyad, và sau
này là các nhà lãnh đạo dòng Abbasid trong đế chế. Theo truyền thống mộ đạo
dòng Shi’a, thái độ này của các Imam hợp pháp chỉ có tính tôn giáo ; tính
thụ động của họ chứng tỏ lòng mộ đạo và nghĩ đến kiếp sau, họ phục tùng vì
họ theo nguyên tắc Taqiyya.
Taqiyya có nghĩa là sự cẩn trọng, sự thận trọng, biểu thị cái học thuyết
miễn trừ trong Hồi giáo - tức là, khi lâm vào tình trạng bị áp bức hoặc hăm
dọa, tín đồ có thể được miễn phải thực hiện một số bổn phận tôn giáo. Nguyên
tắc này được định nghĩa và giải thích theo nhiều cách, và đối với người của
phái Shi’a cũng không có ngọai lệ ; tuy nhiên, chính họ là người thường phải
chịu cảnh áp bức và ngược đãi nhiều nhất, cho nên nguyên tắc này được họ
xướng ra nhiều nhất. Nguyên tắc này được áp dụng để biện minh cho việc dấu
kín những tín ngưỡng có nhiều khả năng gây sự thù địch đối với các nhà cầm
quyền hoặc đối với nhân dân chung quanh ; nó được đưa ra nhằm ứng phó với
tính chiến đấu mang tính tự sát đã gây nên cho họ biết bao chết chóc trong
các cuộc khởi loạn hoàn toàn vô vọng.
Nửa đầu thế kỷ thứ 8 là thời kỳ hoạt động nhất cuả nhóm Shi’a cực đoan. Đã
xuất hiện vô số các phái và chi phái, nhất là trong đám dân hỗn tạp tại miền
nam Iraq và vùng bờ biển vùng vịnh Ba tư. Giáo lý cuả họ không khác nhau
nhiều cho nên thường hay xảy ra sự chuyển đổi từ chi phái hoặc thủ lãnh này
sang chi phái hoặc thủ lãnh khác. Các nguồn tài liệu Hồi giáo nêu ra tên
nhiều nhà thuyết giảng, một số có nguồn gốc xuất thân tầm thường, dấy lọan
rồi bị giết, và cho rằng chính họ là ngưòi đã đưa ra những giáo lý mà sau
này mang tính riêng biệt của nhóm Ismaili. Có một nhóm coi việc giết người
bằng thòng lọng thắt cổ là 1 nhiệm vụ tôn giáo - một hình thức tương đương
với nhóm Thuggee ở Ấn độ, và báo hiệu cho nhiều vụ " ám sát " vào những thế
kỷ sau đó. Ngay cả trong đám theo giáo lý ôn hoà, cũng có những nhóm vũ
trang cố tìm cách chiếm đoạt quyền lực bằng vũ lực, rồi bị đánh bại dưới tay
dòng Umayyad và về sau bị quân đội của dòng Abbasid đánh bại và tiêu diệt.
Vào khỏang hậu bán thế kỷ thứ 8, phần lớn các nhóm cực đoan và các phong
trào hiếu chiến đầu tiên, đều thất bại và biến mất hoặc giảm dần họat động
rồi chìm vào quên lãng. Chính các vị Imam hợp pháp - những người ôn hoà, mềm
dẻo nhưng kiên quyết – đã gìn giữ, làm phong phú đức tin Shi’a và dọn đường
cho 1 cố gắng mới lớn hơn nhằm chiếm lấy quyền kiểm soát thế giới Hồi giáo.
Mặc dù với những thất bại ban đầu đó, và mặc dù các vị Imam thấy nhụt chí,
các phần tử cực đoan và hiếu chiến vẫn còn tiếp tục xuất hiện, thậm chí ngay
từ trong đám thân cận của các vị Imam hợp pháp. Sau cái chết của Ja’far al
-Sadiq, vị Imam thứ 6 sau Ali, vào năm 765 thì các nhóm cực đoan và ôn hoà
mới chia tách dứt khoát. Isma’il là con trưởng của Ja’far. Vì những lý do
không rõ cho lắm, và có lẽ là do ông này thông đồng với các phần tử cực
đoan, Isma’il bị truất quyền thừa kế, và đa số các thành viên của phái Shi’a
thừa nhận người em của ông này là Musa al- Kazim làm vị Imam thứ 7. Dòng dõi
của Musa tiếp tục cho đến vị Imam thứ 12, vị này mất tích vào năm 873, và
được coi là vị Imam được mong đợi, tức là vị Mahdi của đại đa số người Shi’a
ngày nay. Những tín đồ của 12 vị Imam, gọi là Ithna ashari hoặc phái thờ
12 Imam, là nhánh ôn hoà hơn của giáo phái. Giáo lý của họ chỉ khác biệt với
dòng Hồi giáo Sunni một số điểm, nhưng trong những năm gần đây sự khác biệt
không còn có ý nghĩa mấy. Kể từ thế kỷ thứ 16, phái thờ 12 vị Imam trở thành
tôn giáo chính thức của Iran.
Còn có 1 nhóm khác theo Isma’il và hậu duệ của ông này, gọi là phái Ismaili.
Để họat động lâu dài trong bí mật, họ dựng ra 1 giáo phái mà sự gắn kết và
tổ chức vượt xa tất cả các đối thủ, với sức cuốn hút cả 2 mặt tình cảm và
tài trí. Thay vào chỗ những suy đoán lộn xộn và những điều mê tín sơ khai
của các giáo phái lúc khởi đạo, một lọat các nhà thần học xuất sắc đã xây
dựng 1 hệ thống giáo lý có mức độ triết lý cao, và sản sinh ra 1 nền văn
học, mãi đến ngày nay mới được thừa nhận vì có giá trị thực sự sau nhiều thế
kỷ bị lu mờ. Đối với người mộ đạo, lòng trân trọng của phái Ismaili đối với
kinh Qur’an, truyền thống và lệ luật cũng không kém gì phái Sunni. Đối với
giới trí thức, họ đưa ra một cách giải thích triết học về vũ trụ, rút từ các
nguồn tư tưởng cổ đại và nhất là phái tân-Platon. Về mặt tinh thần, họ mang
lại một niềm tin sôi nổi riêng tư, đầy xúc cảm, lấy từ tấm gương khổ hạnh
của các vị Imam và sự quên mình của thuộc hạ của những vị này - trải nghiệm
về nỗi khổ hình, và đạt được Chân lý. Sau cùng, họ lôi cuốn được những kẻ
bất bình, qua phong trào chống đối được tổ chức tốt, rộng khắp và mạnh mẽ,
được coi là có nhiều khả năng để lật đổ cái trật tự hiện hành, và thay vào
đó bằng một xã hội mới công bằng, do Imam - người thừa kế của đấng Tiên tri,
được Thượng đế chọn và là thủ lãnh hợp pháp duy nhất của nhân lọai - dẫn
dắt.
Vị Imam đóng vai trò trung tâm của hệ thống Ismaili - về mặt giáo lý và tổ
chức, về sự trung thành và hành động. Sau khi thế giới được tạo dựng qua sự
họat động của trí tuệ vũ trụ và linh hồn vũ trụ, lịch sử nhân lọai lại đi
vào một chuỗi các chu kỳ, mỗi chu kỳ được khởi đầu bởi 1 vị Imam
" nói”, còn
gọi là tiên tri, sau đó là 1 loạt các Imam "làm thinh ״. Có những chu kỳ của
các Imam ẩn thân và hiện thân, tương ứng với các giai đọan ẩn giấu và khi
niềm tin thắng lợi. Các vị Imam trong chu kỳ hiện nay là hậu duệ của Ali và
Fatima thông qua phái Ismaili, là những người được thánh thần dẫn dắt và
không bao giờ sai lầm - thật vậy, căn cứ theo tính chất thần thánh của họ,
vì Imam là 1 tiểu vũ trụ, là sự hiện thân của linh hồn siêu hình của vũ trụ.
Với cương vị như vậy, Imam là suối nguồn của tri thức và uy quyền - của
những chân lý bí truyền không tiết lộ cho những kẻ chưa được khai giác (uninformed), và của những mệnh lệnh đòi hỏi sự tuân phục hoàn toàn và mù
quáng.
Đối với kẻ được khai đạo, đó là cả 1 chuỗi những cảm xúc và kích thích khi
có được cái kiến thức bí mật và hành động bí mật. Phần cảm xúc được biết qua
Ta’wil al-Batin, cách giải thích thần bí, là một giáo lý cá biệt của phái
Ismail mà từ đó cho ra từ Batini thỉnh thỏang xuất hiện. Ngoài nghĩa bóng và
nghĩa đen, những tập tục và truyền thuyết trong kinh Qur’an còn có ý nghĩa
thứ 2, đó là cách giải thích thần bí và ẩn dụ được Imam phát hiện và truyền
dạy cho những người nhập đạo. Một số chi nhánh của giáo phái này thậm chí
còn đi xa hơn nữa, và chấp nhận 1 giáo lý đối nghịch với đạo đức chung
(antinomian) thường gặp ở các nhóm Hồi giáo cực đoan thần bí và dị giáo.
Cái bổn phận tôn giáo cuối cùng là sự nhận biết - ngộ giác - về vị
Imam chân
chính ; tín đồ sùng đạo không cần theo nghĩa bóng của luật pháp, và sự sống
sót, nếu có, chỉ là hình phạt cho những kẻ báng bổ. Một chủ đề thường gặp
trong các tài liệu tôn giáo phái Ismaili là sự tìm kiếm Chân lý –lúc đầu có
thể không thấy, nhưng rồi sẽ tích tụ vào một thời khắc trở thành sự Khai trí
rực sáng. Tổ chức và các họat động của giáo phái, và sự gìn giữ cũng như
truyền bá các giáo lý đều nằm trong tay của 1 hệ thống các da’i, do 1 da’i
thủ lãnh cầm đầu, là trợ thủ trực tiếp của vị Imam.
Trong 1 thế kỷ rưỡi đầu tiên sau cái chết của Isma’il, các Imam của phái này
đều ẩn thân, và ta chỉ biết ít điều về các họat động hoặc thậm chí lời
thuyết giảng của các da’i. Một thời kỳ mới bắt đầu vào hậu bán thế kỷ thứ 9,
khi sự suy yếu càng ngày càng rõ của triều đại Caliph dòng Abbasid tại
Baghdag dường như báo hiệu cho sự tan rã của đế quốc và sự đổ vỡ của xã hội
Hồi giáo. Tại các tỉnh, xuất hiện các triều đại địa phương - thường bắt
nguồn từ quân sự, đôi khi từ bộ tộc ; đa số đều yểu mệnh, và tại một số vùng
mang tính hà khắc và bóp nặn nhân dân. Thậm chí tại kinh đô, các Caliph mất
dần quyền lực, và trở thành bù nhìn tội nghiệp trong tay bọn lính tráng của
chính mình. Các nền tảng của sự tin tuởng và đồng thuận trong thể chế chính
trị chung của Hồi giáo đang sụp đổ và vì thế dân chúng lại bắt đầu tìm kiếm
một chỗ nào đó mang lại được cuộc sống an lành. Trong những thời buổi bất an
như thế, thì thông điệp của phái Shi’a - là cộng đồng Hồi giáo đã đi sai
đường, và phải quay trở lại con đường đúng đắn - lại được chú ý. Cả 2 nhánh
của phái Shi’a, phái thờ 12 Imam và phái Ismaili, đều lợi dụng những cơ hội
này, và lúc đầu dường như phái thờ 12 Imam hầu như sắp thắng lợi. Các triều
đại của phái Shi’ite thờ 12 Imam xuất hiện tại nhiều nơi, và vào năm 946,
một triều đại Shi’ite từ Ba tư, họ Buyid, đã làm cho Hồi giáo Sunni hết sức
nhục nhã khi đánh chiếm Baghdad và bắt vị Caliph phải chịu sự kiểm soát của
phái Shi’ite. Tuy nhiên, vào lúc này, người Shi’ite phái 12 Imam lại không
có Imam, vì lẽ vị Imam thứ 12 và là vị cuối cùng, đã mất dạng từ 70 năm về
trước. Họ Buyid, đứng trước sự lựa chọn sinh tử, quyết định không thừa nhận
bất cứ người nào xưng Imam khác thuộc dòng dõi Ali, mà vẫn giữ họ Abbasid
làm Caliph danh nghĩa dưới sự thống trị và bảo trợ của họ. Làm như vậy, họ
càng làm mất mặt hơn nữa chế độ Caliph của phái Sunni vốn đã mờ nhạt ; và
đồng thời, họ lọai bỏ được phái Shi’ite ôn hoà bởi vì nhóm này cũng đáng gờm
không kém gì chế độ Caliph.
Có quá nhiều điều khiến cho người ta phải tìm một phương cách khác. Những
thay đổi lớn về kinh tế và chính trị vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9 đã làm cho
một nhóm người trở nên lắm tiền của và quyền lực, còn nhóm khác chỉ có nhọc
nhằn và vỡ mộng. Tại vùng nông thôn, sự bành trướng của các thái ấp lớn và
được hưởng đặc quyền về thuế má thường kéo theo sự bần cùng và nô dịch của
các tá điền và tiểu chủ ; tại đô thị, sự phát triển về mặt thương mại và kỹ
nghệ đã tạo ra 1 tầng lớp lao động nay đây mai đó, và lôi kéo 1 lực lượng
không ổn định, trôi nổi gồm các di dân nghèo khó, mất gốc. Giữa cảnh đại
thịnh vương, vẫn có cảnh bần hàn khốn khổ. Thói quan liêu cứng nhắc và tính
trừu tượng xa vời của niềm tin chính thống, sự tuân thủ đầy cẩn trọng của
những người đại diện được công nhận, đã không an ủi gì nhiều cho những người
bị tước đoạt, còn đối với những người bất hạnh và mất gốc thì không tìm được
gì nhiều cho những khắc khoải tinh thần. Lại còn thêm một nỗi phiền muộn trí
thức nữa. Tư tưởng và tri thức Hồi giáo, được làm phong phú từ nhiều nguồn,
càng ngày càng trở nên tinh tế, sâu sắc và đa dạng hơn. Có những vấn đề nhức
nhối to lớn phải được xem xét, xuất phát từ sự va chạm giữa thiên khải Hồi
giáo, triết học và khoa học Hy lạp, sự thông thái Ba tư và những sự kiện
lịch sử rành rành không thể chối cãi được. Một trong những vấn đề đó là sự
mất niềm tin vào các lời giải đáp Hồi giáo truyền thống, và càng ngày càng
nhiều đòi hỏi cấp thiết phải có những lời giải đáp mới. Sự đồng thuận lớn
của Hồi giáo - về tôn giáo, triết học, chính trị, xã hội - dường như đang
sụp đổ ; và cần có một nguyên tắc mới về sự thống nhất và thẩm quyền, công
bằng và hiệu quả, để cứu Hồi giáo khỏi con đường diệt vong.
Đây là 1 điểm mạnh của phái Ismaili khi họ có thể đưa ra 1 nguyên tắc như
vậy – đó là 1 thiết kế cho 1 trật tự thế giới mới dưới quyền của Imam. Đối
với người mộ đạo lẫn người bất bình, thì cái sứ điệp và sự chăm sóc của các
da’i sẽ mang lại niềm an ủi và điều hứa hẹn. Đối với các nhà triết học và
thần học, nhà thơ và học giả, thì sự tổng hợp của giáo phái Ismaili là 1 lời
kêu gọi đầy lôi cuốn. Do về sau này phái Ismaili bị chống đối quá mạnh, cho
nên phần lớn các tài liệu của họ không còn thấy tại các vùng trung tâm Hồi
giáo, và chỉ được lưu giữ trong chi phái mà thôi. Nhưng có một số ít công
trình về nguồn cảm hứng của nhóm Ismaili lại được nhiều người biết, và ít
nhất người ta cũng tìm thấy được dấu vết ảnh hưởng của nhóm Ismaili trong
tác phẩm Ả-rập và Ba tư của nhiều tác giả cổ điển lớn. Trong " thư truyền
đạo gởi các đồng đạo chân thật ״ một bách khoa toàn thư các kiến thức tôn
giáo và thế tục được biên soạn vào thế kỷ thứ 10, chứa đầy các tư tưởng phái
Ismaili, và đã tạo nên 1 ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống trí thức Hồi giáo
từ Ba tư đến Tây ban nha.
Không mấy ngạc nhiên, khi các da’i lại thành công đặc biệt ở những nơi này,
như miền nam Iraq, các vùng bờ biển vịnh Ba tư, và nhiều nơi tại Ba tư, là
những nơi mà chi phái Shi’a tiền nhiệm, hiếu chiến và cực đoan đã chiếm được
sự ủng hộ, hoặc tìm được môi trường thích hợp qua các tục thờ cúng tại địa
phương. Vào cuối thế kỷ thứ 9, một nhánh của giáo phái được bíêt dưới tên
Carmathian - chưa rõ mối liên hệ chính xác với dòng Ismaili chính –đã kiểm
soát và dựng nên 1 lãnh thổ giống như 1 nước cọng hoà tại miền đông bán đảo
Ả-rập, họ đã sử dụng nơi này làm căn cứ cho những họat động quân sự và tuyên
truyền chống lại chế độ Caliphate hơn 1 thế kỷ. Toan tính chiếm đọat quyền
lực tại Syria của phái Carmathian vào đầu thế kỷ thứ 10 bị thất bại, nhưng
giai đoạn này lại có ý nghĩa và cho thấy có một số giúp đỡ tại chỗ dành cho
phái Ismaili ngay từ buổi khởi đầu.
Thắng lợi lớn nhất của sự nghiệp Ismaili lại đến từ nơi khác. Vào cuối thế
kỷ thứ 9, một nhóm truyền đạo tại Yemen đã lôi kéo được nhiều tín đồ mới và
lập được 1 căn cứ quyền lực chính trị ; từ đây họ cử thêm nhiều đoàn truyền
đạo đến các nước khác, trong đó có Ấn độ và Bắc Phi, nơi mà họ dành được
những thành công thần kỳ nhất. Vào năm 909, họ đủ mạnh để đưa vị Imam ẩn
thân lộ hiện và tự xưng là Caliph tại Bắc Phi, tước hiệu là al-Mahdi, thế là
họ đã dựng lên được 1 nhà nước và 1 triều đại mới. Đây là dòng Fatimid, được
coi là hậu duệ của Fatima, con gái của đấng Tiên tri.
Trong vòng nửa thế kỷ đầu, các Caliph dòng Fatimid chỉ cai trị ở phía tây,
tức là bắc Phi và đảo Sicily. Tuy nhiên,họ luôn dòm ngó đến phía đông, là
quê hương của đạo Hồi, chỉ tại nơi này họ mới mong đạt được ý đồ là lật đổ
các Caliph dòng Abbasid theo phái Sunni và xác định chính mình là lãnh đạo
duy nhất cho tất cả tín đồ Hồi giáo. Các đặc vụ và sứ đồ phái Ismaili họat
động mạnh tại tất cả các vùng đất của phái Sunni ; quân đội của dòng Fatimid
từ Tunisia chuẩn bị chiếm Ai-cập - đó là bước đầu trên con đường thành lập
đế quốc tại phương đông.
Năm 969, bước đầu tiên đã hoàn tất đúng lúc. Các đoàn quân của dòng Fatimid
chiếm được thung lũng sông Nile,rồi nhanh chóng vượt qua Sinai tiến vào
Palestine và miền nam Syria. Các thủ lãnh Fatimid chọn 1 nơi gần Fustat, nơi
đóng đô cũ của chính quyền, xây dựng thành kinh đô mới của đế quốc, đặt tên
là Cairo, lập ra 1 trường đại học tôn giáo là al-Azhar có nghĩa là thành trì
của đức tin. Vị Caliph, al-Mu’izz, từ Tunisia dời sang dinh thự mới tại
Cairo, nơi mà các hậu duệ tiếp tục trị vì trong 200 năm sau đó.
Sự thách thức của phái Ismaili đối với trật tự cũ giờ đây trở nên sát sườn
và lớn mạnh hơn, và lại được duy trì bằng 1 thế lực lớn - đã có lúc là thế
lực lớn nhất trong thế giới Hồi giáo. Thời cực thịnh của đế quốc Fatimid bao
gồm Aicập, Syria, Bắc Phi, Sicily, vùng bờ biển châu Phi của biển Đỏ, Yemen
và vùng Hijaz thuộc bán đảo Ả-rập nơi có các thánh địa Mecca và Medina.
Ngoài ra, Caliph dòng Fatima còn kiểm soát một hệ thống rộng lớn các da’i và
nắm được sự trung thành của vô số giáo đồ tại những vùng đất phương đông
đang nằm trong tay của các lãnh đạo dòng Sunni. Tại những trường lớn ở
Cairo, các học giả và giáo sư dựng nên học thuyết về đức tin Ismaili và đào
tạo nhiều giáo sĩ đi truyền giảng các giáo lý này cho những ai chưa cải đạo
ở trong nước và ngoài nước. Một trong những vùng họat động chính của họ là
Ba-tư và vùng Trung Á, những con người khát khao chân lý tại đây tìm đường
đến Cairo học tập để rồi sau khi đã thông thạo lại quay về quê hương rao
giảng thông điệp của phái Ismaili. Xuất sắc nhất trong nhóm này là triết gia
và nhà thơ Nasir –I Khusraw. Vốn là người đã cải đạo tại Iran, ông ta đến Ai
cập vào năm 1046 và quay về nước để rao giảng giáo lý Ismaili tại các vùng
đất miền đông là nơi ông ta có ảnh hưởng lớn.
Sự đáp trả của phái Sunni lúc đầu còn hạn chế và bất lực - gồm các biện pháp
an ninh chống lại các da’i, và chiến tranh chính trị chống lại dòng Fatimid
chẳng hạn như trong 1 tuyên bố mang tính thuyết phục không cao, công bố tại
Baghdad vào năm 1011, họ tố cáo chế độ Fatimid đang cầm quyền không hề có
mối liên hệ với dòng Fatimid, mà chỉ là con cháu của 1 kẻ tiếm danh có thành
tích bất hảo.
Tuy thế, mặc dù với sức mạnh to lớn, và với 1 nổ lực lớn khi phát động chiến
tranh chính trị, tôn giáo và kinh tế chống lại chế độ Caliph dòng Abbasid,
nhưng thách thức của phái Fatimid thất bại. Chế độ Caliph dòng Abbasid vẫn
tồn tại ; Hồi giáo Sunni phục hồi và chiến thắng - và các Caliph dòng
Fatimid tiếp tục mất dần đế quốc, quyền hành và giáo đồ.
Một phần nguyên nhân của sự thất bại này là do các biến cố xảy ra tại phương
đông, nơi đang diễn ra nhiều sự xáo trộn lớn. Sự tiến công cuả các dân tộc
gốc Thổ đã góp phần chặn đứng sự phân mãnh chính trị của vùng Tây Nam Á, và
nhờ vậy đã giúp phục hồi sự thống nhất và ổn định đang bị mất dần tại các
vùng đất dưới quyền chế độ Caliph dòng Sunni trong một thời gian. Các tay
chinh phục người Thổ là dân mới cải đạo, nhiệt tình, trung thành và chính
thống ; họ thấm nhuần sâu đậm nhiệm vụ của họ đối với đạo Hồi, và đối với
trách nhiệm là những người bảo vệ mới của Caliph và các chủ nhân của thế
giới Hồi giáo, là duy trì và bảo vệ đạo này khỏi những mối hiểm nguy bên
trong và bên ngoài. Nhiệm vụ này họ hoàn thành đầy đủ. Các thủ lãnh và binh
lính Thổ với sức mạnh và khéo léo về chính trị và quân sự đã chống đỡ, ngăn
chận, và đánh lùi 2 mối nguy hiểm lớn đe doạ Hồi giáo Sunni - đó là sự thách
thức của các Caliph dòng Fatimid và, sau này, là sự xâm lăng của các cuộc
Thập tự chinh đến từ châu Âu.
Những mối nguy hiểm tương tự - sự phân ly tôn giáo và nạn ngọai xâm – đã
khiến cho sự hồi phục cuả phái Sunni trở nên thuận lợi hơn. Trong thế giới
cuả phái Sunni quyền lực tôn giáo vẫn còn nhiều chỗ dựa to lớn - nền thần
học của các học giả, tính chất tinh thần của các nhà thần bí, và lòng mộ đạo
thuần thành của các giáo đồ. Trong thời buổi vừa khủng hỏang vưà phục hưng
đó, người ta đã đạt được một tổng hợp mới, đáp ứng được sự thách thức về tâm
linh của tư tưởng Ismaili và sự lôi cuốn tình cảm của niềm tin Ismaili.
Trong lúc các đối thủ phái Sunni đạt được ưu thế về chính trị, quân sự và
tôn giáo, thì chính nghĩa của dòng Fatimid phái Ismaili lại bị suy yếu do
các bất đồng tôn giáo và sự suy đồi chính trị. Những mối xung đột nghiêm
trọng đầu tiên trong phái Ismaili là do chính sự thành công của dòng
Fatimid. Các nhu cầu và trách nhiệm của 1 triều đại và 1 đế quốc đòi hỏi
phải có một vài thay đổi đối với các học thuyết trước đó, và nói theo cách
của 1 học giả Ismaili hiện đại, đó là "sự chấp nhận 1 thái độ bảo thủ và
khắc nghiệt hơn đối với định chế Hồi giáo đang tồn tại vào thời đó ". Ngay
từ lúc đầu, có sự tranh cải giữa nhóm cấp tiến và bảo thủ, giữa nhóm muốn
duy trì và nhóm phát hiện các bí mật bí truyền. Có đôi lúc các Caliph dòng
Fatimid phải đối đầu với sự ly khai, và thậm chí với cả sự đối kháng bằng vũ
lực, khi nhiều nhóm giáo đồ thôi không ủng hộ. Vào thời Caliph thứ nhất dòng
Fatimid tại Bắc Phi, đã xảy ra những cuộc tranh luận giữa các da’i về nhiều
quan điểm khác nhau, và một số đã từ bỏ hàng ngũ Fatimid. Vị Caliph thứ tư,
al –Mu’izz, cũng phải đối đầu với những khó khăn tương tự ; vào đúng thời
điểm khi chinh phục chiến thắng Ai cập, ông ta còn phải chiến đấu chống lại
nhà Carmathian ở phía đông bán đảo Ả-rập, nhà này lúc đầu ủng hộ dòng
Fatimid, sau đó trở mặt chống lại họ, tấn công vào quân đội của họ tại Syria
và Ai cập. Về sau, nhà Carmathian dường như quay lại trung thành với dòng
Fatimid, rồi suy yêú dần và tan rã. Một sự ly khai khác xảy ra sự khi vị
Caliph thứ 6 là al – Hakim mất dạng vào năm 1021 trong những tình huống khó
hiểu. Một nhóm giáo đồ tin rằng al-Hakim là thánh, chưa chết nhưng đang ẩn
dật đâu đó. Không chấp nhận sự cai trị cuả dòng Fatimid, họ tách ra khỏi
nhánh chính của phái này. Họ cũng dành được chút ít ủng hộ của nhóm Ismaili
tại Syria, nơi mà nhiều nhóm của họ vẫn còn tồn tại tại các quốc gia như
Syria, Lebanon và Israel ngày nay. Một trong những người sáng lập ra phái
này là da’i Muhammad ibn Isma’il al-Darazi vốn gốc dân Trung Á. Ngày nay họ
được gọi là người Druze theo tên ông ta.
Trong suốt thời gian dài dưới sự cai trị của al- Mustansir (1036-94), vị
Caliph thứ 8, đế quốc Fatimid phát triển cực thịnh và rồi suy tàn nhanh ;
sau khi ông chết đi, sứ mạng của phái Ismaili bị xâu xé do sự chia rẽ nội bộ
lớn nhất.
Khi quyền lực của dòng Fatimid đang cực thịnh, thì Caliph tự mình qủan lý
mọi công việc, nắm hết quyền hành thuộc 3 nhánh chính của chính quyền – bộ
máy quan chức, hệ thống tôn giáo, và lực lượng vũ trang, và người đứng đầu
thực sự của chính phủ dưới quyền Caliph là vị vizier, một chức quan dân sự ;
người đứng đầu của hệ thống tôn giáo là thủ lãnh các da’i hoặc các nhà
truyền giáo, là những người ngoài nhiệm vụ kiểm soát các cơ sở của phái
Ismaili trong đế quốc, còn là tư lệnh 1 đội quân đông đảo các phái viên và
giáo sĩ truyền đạo Ismaili tại nước ngoài. Chỉ huy lực lượng vũ trang, là
phần chủ yếu của 1 chế độ dân sự, cầm đầu nhánh thứ 3. Tuy nhiên kể từ khi
al-Hakim chết, thì nhánh quân sự càng ngày càng nắm chặt uy thế của mình và
làm giảm quyền lực của phái dân sự và thậm chí của chính vị Caliph nữa.
Những thất bại, tai họa, và các xáo trộn vào giữa thế kỷ thứ 11 lại càng làm
cho tiến trình này xảy ra nhanh hơn ; và tiến trình này hoàn tất vào năm
1074, khi Badr al – Jamali, thủ lãnh quân sự thành Acre, dẫn đội quân của
mình vào Ai cập để tiếp quản các công việc theo lời mời của vị Caliph. Chẳng
bao lâu, ông này trở thành nhà lãnh đạo đất nước Ai cập, được vị Caliph trao
cho 3 tước vị là tư lệnh quân đội, thủ lãnh giáo đoàn truyền giáo, và là
vizier - có nghĩa là ông ta nắm trọn 3 nhánh quân đội, tôn giáo, và hành
chính. Ông ta thường được biết với chức danh quân sự.
Kể từ đó trở đi, ông chủ thực sự tại Ai cập là Tư lệnh quân đội, là 1 nhà
độc tài quân sự cai trị bằng quân đội. Chức vụ này trở thành thường trực,
được Badr al – Jamali truyền cho con, rồi đến cháu, và sau đó là một lọat
các độc tài quân sự khác. Cũng như tại Baghad các Caliph dòng Abbasid vốn là
các con rối yếu đuối trong tay các phán quan, còn dòng Fatimid giờ đây chỉ
là bù nhìn cho một loạt các nhà độc tài quân sự. Đây là 1 sự suy tàn đáng
buồn đối với 1 triều đại đã từng tuyên xưng đứng đầu về tinh thần và chính
trị của tất cả các giáo đồ đạo Hồi - một sự suy vong đầy nghịch lý các niềm
tin và hy vọng của tín ngưỡng phái Ismaili.
Một sự thay đổi như vậy chắc chắn sẽ gây sự bất bình và chống đối trong nhóm
kiên định và hiếu chiến hơn của các phe phái, càng ngày họ càng hiếu chiến
và kiên định hơn nữa bởi vì sự thay đổi này xảy ra cùng lúc với thời kỳ phái
Ismaili họat động trở lại tại Ba tư. Khi al – Afdal thay thế cha mình là
Badr al – Jamali vào năm 1094 sự việc không thay đổi nhiều ; nhưng vài tháng
sau đó, khi al- Mustansir chết, vị Tư lệnh quân đội không gặp nhiều khó khăn
khi phải chọn một Caliph mới. Một phía là Nizar, là con trưởng và đã trưởng
thành, đã được al –Mustansir chọn làm người thừa kế, được các thủ lãnh
Ismaili biết đến và chấp nhận ; còn phía kia là người em, al- Musta’li,
không có ai là đồng minh hoặc hậu thuẫn, chắc hẳn sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào
người bảo trợ đầy quyền lực. Rõ ràng là đã có chủ ý, nên al – Afdal đã sắp
xếp gả em gái của mình cho al- Musta’li, và khi al- Mustansir chết, bèn dựng
người em rể lên làm Caliph. Nizar bỏ chạy đến Alexandria, rồi nhờ có sự hỗ
trợ tại đây, tổ chức nổi lọan. Sau một vài thành công ban đầu, ông ta bị
đánh bại, bị bắt, và bị giết sau đó.
Khi chọn al- Musta’li, al-Afdal chia tách chi phái từ ngọn tới gốc, và cố ý
tỏ ra lạnh nhạt với hầu như toàn bộ các giáo đồ tại các vùng đất phía đông
của Hồi giáo. Thậm chí ngay cả trong cương thổ của dòng Fatimid, cũng có các
phong trào chống đối ; các nhóm Ismaili phía đông từ chối không công nhận vị
Caliph mới, và sau khi tuyên thệ trung thành với Nizar và hậu duệ của ông
này, bèn cắt đứt mọi quan hệ với tổ chức Fatimid tại Cairo vốn đã suy yếu.
Sự phân tách giữa nhà nước và những người cách mạng, vốn xảy ra ngay từ khi
nhà nước mới hình thành, giờ đây đã hoàn tất.
Từ lâu rồi, ngay cả những tín đồ Ismaili nằm ngoài các vùng đất Fatimid nơi
al-Musta’li được thừa nhận, cũng đã cắt đứt mối quan hệ với chế độ tại
Cairo. Vào năm 1130 sau vụ mưu sát al-Amir, là con và người kế vị
al-Musta’li, do những người ủng hộ phái Nizari thực hiện, họ từ chối công
nhận vị Caliph mới tại Cairo, và tin tưởng rằng Tayyib, đứa con còn nhỏ và
bị thất lạc của al- Amir, đang ẩn cư đâu đó và đến lúc sẽ xuất hiện. Sau
Tayyib, không còn Imam nào khác nữa.
Còn 4 vị Caliph dòng Fatimid nữa trị vì tại Cairo, nhưng họ cũng chỉ là 1
triều đại Ai cập tại địa phương, không có quyền lực, ảnh hưởng và hy vọng.
Vào năm 1171, khi vị Caliph cuối cùng đang nằm chờ chết trong lâu đài của
mình, thì Saladin, vốn là chiến binh người Kurd, lúc này là ông chủ thực sự
của Ai cập,cho phép một thầy giảng đọc kinh cầu nguyện nhân danh Caliph dòng
Abbasid tại Baghdad. Chế độ Caliph dòng Fatimid, vốn đã không còn là 1 sức
mạnh chính trị cũng như tôn giáo, giờ đây mới bị thủ tiêu thực sự, hầu như
toàn thể dân chúng không chút quan tâm.Các sách vở nghịch đạo của nhóm
Ismaili bị đem ra đốt. Sau hơn 2 thế kỷ dưới sự cai trị cuả dòng Fatimid, Ai
cập lại trở về với lề lối phái Sunni.
Vào thời điểm này, ít người tin rằng nhóm Ismaili còn hiện diện tại Ai cập.
Tuy nhiên, tại các vùng khác, giáo phái này vẫn tồn tại, dưới 2 nhánh chính
được phân tách sau khi al- Mustansir chết. Vẫn còn các đệ tử của al-Musta’li
chủ yếu tại Yemen và tại Ấn độ, họ được gọi là nhóm Bohra. Nhóm này theo
kinh sách cũ bởi vì họ duy trì những truyền thống giáo lý chính của thời kỳ
Fatimid.
Trong khi các giáo đồ phái al-Musta’li cố thủ trong những tiền đồn xa xôi
của đạo Hồi, thì nhóm Nizaris đối nghịch, nhóm ủng hộ Nizar, bắt đầu phát
triển mạnh, cả về giáo lý lẫn hành động chính trị, và có lúc đã đóng vai trò
quan trọng và sâu sắc trong đời sống Hồi giáo.
Vào thế kỷ 11 thế giới Hồi giáo bị suy yếu ngày càng nặng khi gặp một lọat
các cuộc xâm lăng, trong đó quan trọng nhất là sự xâm lăng của người Thổ
Seljuq, nhóm này đã dựng lên 1 đế quốc quân sự mới trải dài từ Trung Á đến
vùng Địa trung hải. Đi cùng với những cuộc xâm lăng này là những thay đổi
quan trọng trên các mặt kinh tế, xã hội và văn hoá, đã đóng 1 vai trò cực kỳ
quan trọng trong lịch sử Hồi giáo. Sau khi chinh phục, đất đai rộng lớn và
hoa lợi đều chảy vào túi của các tướng lĩnh của quân đội Thổ chiến thắng,
những người này dựng nên 1 tầng lớp cai trị mới, hất chỗ hoặc khống chế giới
quí tộc lớn và nhỏ người Ả-rập và Ba tư cũ. Quyền lực, của cải và địa vị
thuộc về những người mới - những người xa lạ, vốn chưa hoà nhập mấy với nền
văn minh đô thị của thế giới Hồi giáo vùng Trung đông. Địa vị của tầng lớp
ưu tú cũ lại càng bị suy yếu nhiều hơn nữa bởi những yếu tố khác – sự di
chuyển của dân du mục, những thương lộ bị thay đổi, và có nhiều thay đổi lớn
dẫn đến sự trổi dậy của châu Âu và sự suy tàn tương đối của Hồi giáo. Trong
thời buổi lọan lạc và đầy nguy hiểm, các ông chủ mới người Thổ đã đưa ra các
biện pháp để duy trì trật tự và sức mạnh - với cái giá cao hơn về chi phí
quân sự, kiểm soát chặt chẻ hơn các họat động công cộng, và siết chặt hơn về
tư tưởng.
Quyền lực quân sự của người Thổ rất vũng chắc - tính chính thống của các
trường phái không còn phải chịu thử thách nghiêm trọng nào. Nhưng giờ đây
lại có những phương pháp tấn công mới, và đối với vô số những kẻ bất bình
của đế quốc Seljuq, thì giáo lý của phái Ismail dưới hình thức mới, một lần
nữa lại đưa ra 1 luận cứ đầy quyến rũ phê bình tính chính thống,kết hợp với
1 chiến lược phản kháng mới, đầy hiệu quả. " Kiểu thuyết giảng cũ " giáo
phái Ismaili đã thất bại, đế quốc Fatimid đang chết dần. Và như thế cần có
lời thuyết giảng mới và 1 phương pháp mới. Tất cả đều bắt nguồn từ 1 nhà
cách mạng Ismaili thiên tài, đó là Hasan –i Sabbah.
================
(Còn tiếp)
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Võ Văn Lượng
|