Vai trò của nước trong mỹ phẩm

Vietsciences-Hồng Lê Thọ       25/02/2008

 

Những bài cùng tác giả

Bài 1 : Nước và sắc đẹp
Bài 2 :
Nước trong cơ thể sống
Bài 3 :
Những phương pháp lọc nước phổ biến
Bài 4 :
Vai trò của nước trong mỹ phẩm
Bài 5 :
Nước và cơ thể - Một mối quan hệ kỳ diệu
Bài 6 :
Nước và huớng phát triển của kỹ thuật xử lý -Từ cách nhìn của một nhà sản xuất Nhật Bản

            Trao đổi với Tiến sĩ Ishibashi Masami, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Ecos Nhật Bản về Khoa học Công nghệ trong sản xuất mỹ phẩm

            HLT- Là một chuyên gia về mỹ phẩm và công nghệ sinh học, xin anh cho biết mối quan hệ giữa nước và cơ thể, đặc biệt là vai trò của nước trong việc gìn giữ sắc đẹp của phụ nữ.

         ISHIBASHI- Trong cơ thể con người hơn 60% là nước, vậy thì nước này nằm ở đâu ? Cơ thể con người được cấu thành bởi hàng tỷ tế bào và nhiều nhà khoa học cho rằng 55% nước (trong cơ thể) nằm bên trong tế bào và 45% còn lại ở bên ngoài tức nằm giữa các tế bào dễ nối kết chúng lại theo cấu tạo lập thể trong một qui luật vận động liên tục với một tốc độ cực nhanh. Da của trẻ em sơ sinh lúc nào cũng tươi tắn và căng đều nhờ 80% lượng nước trong cơ thể nhưng khi càng lớn tuổi thì lượng nước này giảm dần cho nên dễ thấy hiện tượng da người già bị nhăn nheo, co rúm lại. Tiến sĩ Allens của Mỹ cho biết trong 1 kg trọng lượng cơ thể của trẻ em (nam cũng như nữ) có khoảng 625 - 750 gr nhưng khi người đàn ông ở mức 60 tuổi thì chỉ giảm đi 85 gr và phần nước chỉ còn lại khoảng 54% thể trọng, và phụ nữ lại còn ít hơn, khoảng 45,5% mà thôi, cho nên người phụ nữ về già càng dễ bị nhăn nheo và khô hơn nam giới.

         HLT- Một trong những nguyên nhân lão hóa là sự mất nước trong cơ thể, nhưng tại sao người càng lớn tuổi càng dễ bị trong khi họ vẫn uống nước hay hấp thụ nước vẫn đầy đủ ?

         ISHIBASHI- Khi càng lớn tuổi (hay lão hóa) thì phần nước nằm giữa các tế bào dễ bị hủy hoại và khi phần nước trong tế bào bị khô dần thì lượng muối trong nước sẽ cô đặc lại và làm cho cơ thể bị chết. Hợp chất nằm giữa các tế bào phần lớn là Collagène, là chất nhờn kết dính các tế bào lại với nhau tạo thành những tổ hợp tế bào và gần đây các nhà khoa học đã xác nhận rằng chính những dưỡng chất nằm giữa các tế bào này đã làm cho da của trẻ em được tươi mát hơn người lớn. Trong những đưỡng chất đó, phần lớn các loại acid amine nhưng một acid amine thuộc Muco-Poly Saccharides là acid hyaluronique có phân tử lượng rất lớn (hàng triệu) có khả năng hòa tan trong nước mạnh nhất, 1 gr acide hyaluronique có thể tan trong 6 lít nước và làm cho nước này giữ được lâu. Vì thế càng lớn tuổi thì hàm lượng acide hyaluronique là chất giữ nước trong da càng giảm dần từ lúc bị nhăn nheo đến khi co rúm lại theo từng lứa tuổi. Thay thế lượng nước bị giảm đi này là phần mỡ tràn vào. Cũng cần nói thêm là acide hyaluronique còn giúp cho gân sụn ở các khớp xương vận động trôi chảy, mềm mại đồng thời còn có nhiều trong mắt, tạo thành lớp kính lọc, bảo vệ cho mắt luôn được tươi. Cho nên để gìn giữ sắc đẹp của người phụ nữ các bạn nên lưu ý đến việc bảo vệ độ ẩm của da, làm cho da luôn có hàm lượng nước thích ứng, tránh để bị khô da kéo dài lâu ngày.

         HLT- Anh có thể nói thêm vai trò của nước đối với hoạt động của tế bào cụ thể hơn ?

         ISHIBASHI- Trong nước, có nhiều loại Ion dương khóang chất như Calcium (Ca2+ ), Magnesium (Mg 2+ ), Natrium (Na + ) và ion âm như Hypophosphorite  HPO4 - , Chlorine (Cl- ), Hydrogen Carbonate HCO3, ngoài ra còn có các chất protein... hòa tan có cấu tạo vô cùng phức tạp nhưng luôn được gìn giữ trong trạng thái ổn định và cân đối. Chúng ta thử hình dung muối ở bếp nấu ăn. Muối là một chất kết tinh nhưng khi bỏ vào nước thì muối sẽ hòa tan cho đến khi trạng thái của dung dịch được bão hòa. Trong muối có ion Natri (Na + ) và ion Chlorine (Cl- ) kết hợp với nhau rất chặt bằng điện của hai cực ( + ) (dương) và ( - ) (âm) nhưng nước sẽ bao quanh các điện cực này, làm tan muối nhờ tính lưỡng cực (âm, dương) của phân tử nước, tức như một nam châm có hai cực và thu hút theo qui luật điện cực âm, dương. Chỉ có phân tử nước mới có tính đặc biệt này vì thế nước có khả năng hòa tan các hóa chất rất lớn, không những muối là chất có tính điện giải vô cơ mà còn có khả nămg hòa tan các chất protein, chất đường, acid amine, ammoniac là những hoạt chất giúp cho sự sống của cơ thể cho nên người ta thường bảo rằng nước là nguồn sống của sinh vật hay động thực vật chính vì lẽ đó. Nếu không có nước thì cơ thể cũng không thể bài tiết được.

         HLT- Liên quan đến vấn đề bài tiết mà anh vừa nói thì riêng về da, một trong những chức phận của da là bài tiết, ngoài việc bảo vệ thân nhiệt hay chống lại sự xâm nhập của vi trùng và độc tố từ bên ngoài vào cơ thể. Cụ thể là mồ hôi (sébum) và chất nhờn (lipide) trên da mặt. Người ta thường hiểu nhầm tất cả chất nhờn được bài tiết đều là mồ hôi, cần phải rửa thật sạch thì da mặt mới đẹp, từ đó họ xài các loại chất tẩy rửa xà phòng có tính pH rất cao nhưng điều đó làm mất đi lớp lipid này, làm cho da dễ bị bốc hơi và khô sạn, vô tình da ngày càng bị héo và dễ có những nếp nhăn hay tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn làm độc, gây viêm, nhất là khi thoa các loại phấn bột trên da sẽ làm cho các lỗ chân lông không thở được.

         ISHIBASHI- Ở Nhật Bản vào mùa hè, có ngày còn nóng nực hơn cả TP Hồ Chí Minh và dễ đổ mồ hôi nhầy. Tại sao khi nóng thì trong người lại đổ mồ hôi, điều mà ít ai lưu ý là chỉ có loài người mới có hiện tượng này chứ động vật khác không đổ mồ hôi như chúng ta. Mồ hôi là một phần quan trọng nhằm gìn giữ không cho thân nhiệt lên cao quá mức. Thí dụ khi trời nóng, chó thường thè lưỡi ra ngoài để thở, còn voi thì muốn tắm nước để điều hòa thân nhiệt. Khi thân thể chúng ta đổ mồ hôi là vì nước đang ở trong tình trạng bốc hơi và muốn nước bốc hơi được thì phải có một số calorie cần thiết tương ứng. Thí dụ như các bạn đun nước phải mất một thời gian đến khi nước đạt 100°C thì hiện tượng nước sôi lên sùng sục và phải chờ một thời gian khá lâu nữa thì ấm nước mới sôi cho đến cạn, tức nước bị bốc hơi tất cả. Hay nói khác đi là thân nhiệt của chúng ta được ổn định là nhờ nguồn nhiệt phát sinh do nước chu chuyển, vận động trong cơ thể gây ra. Thân nhiệt của con người khỏe mạnh bình thường là 36 – 37°C, vì ở nhiệt độ này cấu tạo lập thể của DNA và các enzym trong tế bào được ổn định và hoạt động bình thường nhưng khi thân nhiệt lên đến 42°C thì sự nối kết giữa các tế bào và hoạt động của DNA trong từng tế bào bị ngừng lại và phân giải, nói khác đi là con người sẽ lâm vào tình trạng hôn mê, và cuối cùng là chết. Cho nên hiện tượng đổ mồ hôi là một hoạt động bình thường nhằm giúp cho thân nhiệt được ổn định khác với các loài sinh vật khác. Chỉ có con người mới có thể chạy việt dã (marathon) đến 42 km chứ không có loài vật vào có thể chạy liên tục xa đến thế. Hai là ai trong chúng ta cũng đã có một lần nếm thử mồ hôi và thấy có vị mặn, sở dĩ vậy  là trong mồ hôi có rất nhiều muối, nhưng điều này không có nghĩa là cơ thể con người có thể hòa tan được muối. Sở dĩ trong mồ hôi có muối là vì phần nước nằm bên ngoài tế bào thoát ra dưới một dạng dầu mà chúng ta gọi là mồ hôi được bài tiết qua các tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi.

         HLT- Anh có thể nói thêm về cấu tạo của nước và nước đá, hay nói khác đi là nhiệt độ tác động thế nào đối với DNA, enzyme và tế bào trong cơ thể.

         ISHIBASHI- Ai cũng biết rằng ở nhiệt độ 0°C thì nước sẽ đông thành nước đá. Vào mùa đông ở Nhật Bản nếu ta để một thau nước bên ngoài cửa sổ thì sáng hôm sau nước trong thau (chậu) sẽ thành một tảng băng, nhưng điều lạ là nước đá lại nhẹ nổi lên trong nước. Thông thường bất cứ một vật thể nào khi nhiệt độ hạ thấp thì tỷ trọng lại tăng lên nhưng nước thì nặng nhất lúc ở nhiệt độ 4°C. Điều nầy là nhờ ở sự kết hợp các nguyên tử hydrogen trong phân tử nước thay đổi và điều đó là nguyên nhân giúp cho các loại động, sinh vật sống ở dưới nước vẫn có thể tồn tại dưới những tảng băng. Tuy nhiên n ếu nước không đạt đến điểm đông đặc là 0°C thì vẫn còn ở thể lỏng nhưng nước trong tế bào lại khác, vẫn có thể bị đông cứng ở nhiệt độ 36°C. Các gen di truyền trong tế bào tạo nên DNA hay các enzyme dễ có những phản ứng hóa học hay trên bề mặt của các polymer sinh học được những phân tử nước kết hợp bao bọc chung quanh và có cấu tạo lập thể như nước đá nhờ vậy cấu tạo này có một độ bền ổn định không bị phá vỡ. Nếu cấu tạo này bị tan rã thì DNA hay enzyme không còn hoạt động được bình thường và sẽ đưa đến sự chết. Gần đây người ta phát hiện được rằng tính chất của nước thay đổi khi ở các mức nhiệt độ 0°C, 15 °C, 30°C, 45°C và 60°C đặc biệt là cấu tạo sẽ đột biến ở nhiệt độ 15°C. Nước là một dung dịch gồm những phân tử H2O rời rạc và là một thể lỏng trong đó các phân tử nối kết cấu với nhau tạo nên một tổ hợp H2O. Khi thân nhiệt giảm dưới 36°C chúng ta sẽ bị rét cóng và hoạt động của cơ thể sẽ đóng băng ở 30°C là vì nước chung quanh các enzyme và DNA trở nên hoạt hóa quá mức, ngược lại khi ở 45 °C thì nước chung quanh chúng sẽ bị tan, làm vỡ cấu tạo của tế bào. Chính vì thế 36°C là nhiệt độ bình thường cho hoạt động của các bộ phận trong cơ thể. Thí dụ như con kiến khi ở nhiệt độ dưới 15 °C thì hầu như bị tê liệt các chân vì ở nhiệt độ nầy cấu tạo của nước chuyển biến, trở nên trạng thái chất rắn. Hay nói tóm lại là mọi sinh vật đều làm nước đông lại (ở một nhiệt độ nào đó) như loại xi măng để tạo ra hình dáng và ổn định mọi vận động tiến hóa, phát triển và tiêu hủy (bài tiết) trong từng cơ phận của cơ thể nhờ hoạt động không ngừng của các DNA và enzyme.

         HLT- Trong lần trao đổi với Ông ITO, Chủ tịch tập đoàn Roki Techno về vấn đề xử lý nước, ông có nêu ra phương pháp sử dụng nước hiện nay trong việc làm tăng trưởng thực vật, anh có thể nói thêm về vai trò của nước trong thực vật như thế nào không. Theo tôi biết thì hiện nay Viện Nghiên cứu Hóa lý ở Tokyo cũng đang nghiên cứu những phương pháp mới bằng cách hoạt hóa oxygen trong cây trồng, nếu được xin anh nói qua một vài nét.

         ISHIBASHI- Tất cả các loài thực vật sống và phát triển được là nhờ sức hút của nước từ rễ để đưa các dưỡng chất vô cơ như N, P, K có trong đất hay phân bón đồng thời hít khí CO2 trong không khí đễ tạo ra chất hữu cư ngoài ra thực vật còn cần phải có cả ánh sáng mới tồn tại được. Đặc biệt là tia ánh sáng hồng ngoại rất quan trọng. Lá cây tại sao có màu xanh là vì nó hút rất nhiều ánh sáng hồng trong nắng và nhờ hoạt động của diệp lục tố mà chúng ta thấy lá cây có màu xanh. Năng lượng trong ánh sáng đã được chuyển thành năng lượng hóa học, diệp lục tố là một màng lọc năng lượng ánh sáng để tích lũy điện tử (e - ) từ đó tạo ra một nguồn điện năng để phân giải nước và chất ATP làm chất dinh dưỡng cho cây đồng thời đẩy O2 ra ngoài. Chính vì vậy mà cây cần có nước để phân giải tạo thành những năng lượng chuyển biến cho diệp lục thể. Hiện nay đang có nhiều công trình nghiên cứu cách phân giải nước bằng ánh sáng mặt trời trong điều kiện nhiệt độ bình thường nhằm tăng hiệu quả và tốc độ của tăng trưởng của thực vật nhưng vẫn chưa thành công.

         HLT- Anh vừa nói đến tác động của ánh sáng đối với sự phát triển của các loài thực vật nhưng nếu trở về với đề tài mỹ phẩm thì hẳn ánh sáng, nhất là tia tử ngoại UVA+B ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của tế bào da, tạo ra những hắc tố gọi là melanin mà hiện nay người ta rất sợ vì melanin có thể là nguyên nhân làm nám da, tạo các vết thâm trên da mặt. Đặc biệt khi đi sâu vào cơ chế tạo ra melanin người ta thấy vai trò của các radical tự do nhất là những radical tự do O2 phá vỡ các enzyme... Anh có ý kiến nào thêm không?

         ISHIBASHI- Đúng như anh nói, các enzyme trong da bị năng lượng của các độc tố hay ánh sáng từ bên ngoài đặc biệt là tia tử ngoại UVA+B thâm nhập làm phá vỡ tạo ra các loại radical tự do phản ứng vào tế bào da, đặc biệt là các phần dầu của da thành những chất oxid hóa cao đọng lại trên da mặt. Thực ra đây là một phản ứng bình thường, sự bài tiết hắc tố melanin là một hoạt động nhằm bảo vệ sự thâm nhập quá mức của ánh sáng vào da. Thí dụ như ra biển da chúng ta bị đỏ ửng sau đó sạm đen, nhưng ở lứa tuổi còn trẻ thì chỉ trong vòng 48 - 60 ngày thì lớp da mới sẽ thay thế và sạm nắng tự nhiên không còn nhưng khi vào lứa tuổi cao thì hoạt động bài tiết sắc tố sẽ không đều và có khi bị lạm tiết ra quá nhiều. Những chất oxyd hóa trong da khi gặp tia cực tím sẽ biến thành những vết chấm màu nâu và nếu để lâu ngày sẽ bị loang thành những vết nám không bình thường. Có trường hợp tế bào bị vỡ không còn đủ sức phục hồi thì sẽ gây chứng ung thư da vì những tế bào này biến thể thành những tế bào mất tinh tự hủy tự nhiên và loang dần trên da mặt hay cơ thể. Hiện nay người ta dùng các loại kem có Vitamine A, B, E hay dầu cám gạo để ngăn ngừa ăn nắng tạo ra sự lạm tiết của hắc tố melanin. Điều cần nói thêm là các ion radical tự do nầy rất dễ vỡ (tiêu diệt) trong nước nhưng lại rất ổn định trong chất béo (dầu) cho nên đấy mới là điều đáng ngại cho da mặt của chúng ta.

 

  TRỞ VỀ VỚI THIÊN NHIÊN TRONG MỸ PHẨM

 

         HLT- Một trong những xu thế hiện nay trong công nghiệp nói chung và mỹ phẩm nói riêng là “trở về với thiên nhiên”. Ngay trong lương thực, thực phẩm ngày nay các nhà sản xuất tránh xử lý dụng các hóa chất diệt khuẩn, nấm mốc để bảo quản được lâu (preservative agent), hay bột màu, thậm chí không dùng loại chất thơm để tạo mùi hương nhân tạo, đồng thời pha chế hoạt chất từ dược thảo thay vì hóa chất tổng hợp. Anh có thể cho biết xu thế này ở Nhật Bản hiện nay như thế nào ?

         ISHIBASHI- Đúng như anh nói, từ năm 1970 khi các chứng bệnh do bột phẩm màu nhân tạo gây ra ngày càng nhiều, nhất là trong thức ăn, nước uống, được phát hiện ở những bệnh nhân có chứng ung thư, thận và gan và đường ruột thì người Nhật rất lo sợ và chọn lựa các loại thức ăn ít chế biến, tránh sử dụng đồ hộp mặc dù Nhật Bản  vốn là một nước có nền công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và đồ hộp thuộc hàng đầu thế giới về sản lượng cũng như chất lượng. Mặc dù Bộ Y tế Nhật Bản  có qui định rõ ràng chủng loại và mức độ cho phép sử dụng nhưng người tiêu dùng vẫn lo ngại, họ đọc rất kỹ phần hoạt chất ghi trên bao bì sản phẩm, nhất là những thức ăn chế biến sẵn. Vì thế mà lượng tiêu thụ lương thực đóng hộp như cá thu, cá ngừ, cua, thịt... ngày càng giảm, hầu hết 70 - 80% sản lượng được dùng để xuất khẩu. Tất nhiên cũng có loại bắt buộc phải dùng đến chất bảo quản trong một thời gian ngắn như dưa chua, củ cải ngâm...l à những món ăn phổ biến trong bữa cơm của người Nhật, nhưng rất hạn chế. Ngay trong nước uống giải khát, anh thấy ở thị trường Nhật Bản ngày nay có rất nhiều loại nước quả đóng hộp nhưng đều ghi “không dùng chất bảo quản” hay không sử dụng lon thiếc, mà là lon aluminium. Về mỹ phẩm thì người ta rất sợ dị ứng do các chất bảo quản và nguyên liệu từ công nghệ hóa dầu - không tương hợp với da - gây ra, đặc biệt là khi ngành công nghệ sinh học phát triển thì những acid aminé như Proline, Squallène, Acide Hyaluronique hay Vitamine E (a-Tocophénol), Vit A (b-Carotène)... đều được pha chế từ chất lên men. thay vì hóa chất “tổng hợp” như từ trước. Đây là những hoạt chất tươi được sử dụng trong các loại kem. Ngoài ra như glycérine là một chất nền trong kem dưỡng da hay kem đánh răng cũng thế, từ xưa các nhà sản xuất thường dùng glycérine từ công nghệ phân ly từ dầu hỏa, giá rẻ nhưng nay dùng glycérine từ dầu dừa hay dầu cọ tuy rằng đắt gấp 2,3 lần hơn nhưng sản phẩm sẽ có chất lượng khác hẳn. Rất nhiều hóa chất cho mỹ phẩm được xem xét lại theo khuynh hướng “trở về với thiên nhiên” vì độ an toàn và tính tương hợp cao hơn, tuy rằng giá thành sẽ phải đắt gấp 2 - 5 lần. Ngay trong sản phẩm của Đại Phú Sĩ, kem đánh răng Tuổi Thơ cho các cháu, tôi đã áp dụng công thức dùng rong tảo “Carraghenane”(hay Carraghenine) thay cho CMC (Carboxyl Methyl Cellulose) là chất keo tạo dính trong kem đánh răng cho trẻ em. CMC là loại keo dùng trong công nghệ cao su, hồ áo, lương thực, giấy... theo chất lượng và cấp bậc khác nhau nhưng Carraginean tạo kết dính không có độc tố tuy rằng giá của nó gấp 4 lần CMC. Vì thế kem đánh răng Tuổi Thơ có chất lượng khác hẳn với các loại kem đánh răng bình thường, mang tính dược dụng rõ rệt. AHA (Alpha Hydroxy Acid) cũng thế, đây là một hoạt chất đi từ  tinh trái cây để tẩy chất bẩn, tế bào chết bám trên da rất tốt, hay dầu Aloe, tinh dầu cam thảo cũng là những hoạt chất chống viêm hữu hiệu trong kem trừ mụn. Nói tóm lại nền văn minh tổng hợp hóa chất đang chuyển sang nền văn minh công nghệ sinh học và thiên nhiên trong xu thế chung là con người phải xem lại việc phá rừng, phá tầng ozone, hủy hoại môi trường, môi sinh như hiện tượng “sa mạc hóa” đang tiến nhanh ở trên thế giới, và tự phá hoại mình bằng hóa chất trong mỹ phẩm.

         HLT- Thật lý thú và có lẽ chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp khác, nhất là khi có dịp anh trở lại Việt Nam. Câu hỏi cuối cùng là anh đã sang Việt Nam rất nhiều lần, trong đó cũng đã tham dự nhiều buổi nói chuyện về mỹ phẩm tại TP Hồ Chí Minh, xin anh cho biết một số cảm tưởng và ấn tượng về người phụ nữ Việt Nam cũng như đất nước này như thế nào ?

         ISHIBASHI- Thật ra trước khi sang tới Việt Nam tôi chỉ có một vài hình ảnh bên ngoài như là những người di tản bằng thuyền hay cuộc chiến tranh trước đây, nhưng khi bước lên máy bay của hãng hàng không Việt Nam từ Bangkok về TP Hồ Chí Minh tôi phát hiện các cô chiêu đãi hàng không mặc áo dài rất “lả lướt” và thanh tú, lần đầu tiên tự nhiên những gì có trước đây về đất nước này bỗng tan biến, cảm thấy dễ chịu hơn. Khi đặt chân vào thành phố thấy đâu cũng có người rất đông đảo, xe chạy ngược xuôi ầm ĩ, tôi bàng hoàng không biết việc gì đang xảy ra, người ta đâu mà nhiều thế, thầm đoán có lẽ đang vào giờ tan tầm làm việc chăng. Nhưng hình như không phải thế, đêm ngày gì cũng rất đông xe và chật người mới là điều lạ mắt. Trong cảnh chen chúc ấy, suýt soát như vậy mà không thấy có tai nạn, ai cũng tránh né tài tình và đi lại thông suốt mới cảm phục sự nhạy bén của các tay lái Việt Nam. Điều thứ hai làm tôi ngạc nhiên là trình độ học vấn của các cô gái xin việc làm ở Đại Phú Sĩ khá cao. Cách lý giải, thái độ nghiêm túc trong khi tiếp thu, chữ viết thật đẹp đẽ làm cho tôi nhớ đến nguồn gốc của người Nhật ngày nay. Sức sống của họ rất khác mà lớp tuổi thanh niên Nhật không có, hay đã mất đi tự lúc nào. Điều đó làm cho tôi chạnh lòng đôi chút. Mặc dù chưa hiểu biết lắm về người phụ nữ Việt Nam nhưng cảm thấy lúc bình thường họ rất hiền lành và ngoan ngoãn như một con mèo con nhưng khi có vấn đề gì đấy thì rất kịch liệt ngay cả đàn ông cũng phải ngán. Điều này hơi khác với người phụ nữ Nhật, người Việt vốn dĩ dễ hiểu và bộc trực hơn. Lúc trước tôi không ngờ là người phụ nữ Việt Nam thích diện đẹp và rất ưa thời trang nay thì thực tế đã chứng minh khác hẳn, chỉ mong là các bạn nữ giới Việt Nam chịu khó tìm hiểu thêm cách sử dụng các loại mỹ phẩm cơ bản, cách chăm sóc da đúng phương pháp vì tôi tin rằng phụ nữ Việt Nam sẽ chiếm ưu thế trên thế giới trong những cuộc thi sắc đẹp quốc tế sau này và sẽ là mục tiêu của nhiều người.

         HLT- Cám ơn anh rất nhiều vì nội dung thú vị hôm nay. Xin hẹn anh lần tới chúng ta sẽ tiếp tục.

         ISHIBASHI- Tôi cũng rất thích thú và xin anh chuyển lời thăm của tôi đến các bạn thân quen ở Việt Nam....

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ