Những bài cùng tác giả
Bài 1 :
Nước và sắc đẹp
Bài 2 :
Nước trong cơ thể sống
Bài 3 :
Những phương pháp lọc nước phổ
biến
Bài 4 :
Vai trò của nước trong mỹ phẩm
Bài 5 :
Nước và cơ thể - Một mối quan hệ
kỳ diệu
Bài 6 :
Nước và huớng phát
triển của kỹ thuật xử lý -Từ cách nhìn của một nhà sản xuất Nhật Bản

TRAO ĐỔI VỚI TIẾN SĨ YUI TAKAO, BÁC SĨ PHÓ VIÊN TRƯỞNG BỆNH VIỆN TRUNG
ƯƠNG TOKYO - CHUYÊN GIA VỀ TIẾT NIỆU HỌC: NƯỚC TRONG CƠ THỂ CON NGƯỜI
NƯỚC CẦN CHO CƠ THỂ: CÂN ĐỐI VỚI LƯỢNG MUỐI HẤP THỤ
HLT - Nói chung nước là một chất chuyển tải nhiều sinh chất trong cơ
thể con người và còn là nguồn năng lượng phân tán sự chuyển tải để tạo
ra sự sống cho cơ thể cho nên thông thường ai cũng nghĩ là cứ uống nước
thật nhiều là tốt nhưng cũng có nhiều bác sĩ bảo rằng nếu uống nước
nhiều sẽ làm cho tim bị mệt, khuyên không nên quá lượng v.v...nhân được
gặp bác sĩ là một nhà chuyên môn về tiết niệu học, xin bác sĩ vui lòng
cho biết nước có một vai trò như thế nào, và uống nhiều hay ít có ảnh
hưởng ra sao đối với cơ thể con người.
YUI TAKAO - Trước hết, nói một cách tổng quát là khi chúng ta ăn đồ mặn
nếu không uống nước thì chúng ta sẽ cảm thấy khát ở cổ. Điều đó có nghĩa
là chất muối có trong thức ăn được hấp thụ làm cho nồng độ Natri
(Na+) tăng cao
thì não trạng sẽ nhận được “tín hiệu”, bảo rằng không thể duy trì tình
trạng này cần phải được làm “loãng” trở lại theo trạng thái bình thường
(cân đối), ra “chỉ thị”
phải nạp thêm nước vào cơ thể. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải uống
thêm nước. Mặc dù nước là một chất rất quan trọng trong thành phần cấu
tạo ra máu nhưng cần phải được cân đối và luôn ở trong trạng thái ổn
định. Bệnh viện chúng tôi có rất nhiều bệnh nhân, đau thận có, đau tim
có và họ có uống bao nhiêu nước đi nữa thì sẽ bài tiết ra khỏi cơ thể
một cách tự nhiên. Nước chẳng làm cho cơ thể khó chịu nhưng nếu trong
nước có muối thì muối sẽ tan trong nước và lúc ấy áp suất thẩm thấu sẽ
tăng lên. Thí dụ như nếu chúng ta thoa muối trên kẹo thì viên kẹo sẽ bị
khô lại hay để một ít muối trên bàn thì ít lâu sau muối sẽ chảy nhờn
nhớt. Có nghĩa là muối hấp thụ (hút)
nước trong chất đường hay trong không khí. Điều đó cho thấy bản thân
nước có một sức hút, hút nước của nơi khác về phía mình.
Người Nhật mỗi ngày hấp thụ bình quân khoảng 15 gr muối thì khi vào bệnh
viện chúng tôi hạn chế cho bệnh nhân ở mức 7-8 gr khi họ uống nước thì
cơ thể cũng chỉ yêu cầu một lượng nước tương ứng và tất nhiên sự bài
tiết cũng sẽ xảy ra theo hoạt động của cơ thể. Ngược lại thí dụ trong
đời sống bình thường khi chúng ta ăn nhiều muối, cơ thể của chúng ta sẽ
đòi hỏi một lượng nước cao hơn và trong trường hợp đó nước không ở lại
mà sẽ tuần tự được đôi thận lọc lại, bài tiết ra ngoài theo đường nước
tiểu. Phải lưu ý là nếu tim mạch đóng mở không đều hay bộ phận lọc trong
thận suy yếu hoặc người mang cả hai chứng bệnh ấy trên cơ thể thì vấn đề
lại khác đi vì khi lượng muối vào nước, đòi hỏi lượng nước cần thiết
tương ứng thì phần dư sẽ ở lại trong cơ thể (không
thoát ra được), cho nên cần phải tính toán lượng
muối cần thiết cho cơ thể của bệnh nhân. Trong những trường hợp như vậy,
vấn đề không hoàn toàn đơn giản mà phải tính đến trọng lượng của cơ thể,
xem họ cần bao nhiêu lượng nước, trẻ em có 60- 70%, người lớn khoảng 50-
60% trọng lượng là nước, từ đó cân đối lượng nước và muối cần hấp thụ.
Mặt khác đối với người già thì còn phải xem họ còn có chứng bệnh vào
khác, rà soát lại cách ăn uống của họ và định lượng muối, nước cho phù
hợp.
Nói khái quát là người ta thường có khuynh hướng xem nước và muối là hai
vấn đề riêng lẽ nhưng thực tế thì không phải như vậy. Không phải chỉ có
uống nước là được hay chỉ hạn chế lượng muối trong thức ăn là xong hoặc
phải uống nước ít đi... nếu tách rời quan hệ hỗ tương giữa nước và muối
thì vấn đề sẽ trở thành phức tạp cho nên cần phải có quan niệm đúng đắn
là “hạn chế nước uống nhằm để hạn chế lượng muối hấp thụ” trong cơ thể.
HLT - Nếu như vậy thì cách uống tốt là chọn loại nước không có hàm
lượng muối hay mặn hơn nước bình thường ?
YUI TAKAO - Đấy là một điều rất khó. Trong trạng thái bình thường. thân
thể không phải hoạt động vất vả, tức là điều kiện sinh hoạt tương đối
tiện nghi; ít đổ mồ hôi thì lượng muối hấp thụ khoảng 12 mg /ngày từ các
loại thực phẩm như thế lượng nước cần thiết phải uống là uống bình
thường mỗi khi cảm thấy khát, nếu là người không có bệnh tật
(sức khỏe tốt) nhưng nếu
chúng ta hoạt động liên tục hay ở trong ngày thời tiết nóng nực thì tất
nhiên muối trong cơ thể cũng sẽ thoát ra ngoài theo mồ hôi, và nếu không
uống nước bổ sung kịp thời sẽ rơi vào tình trạng mất nước
(mệt lả), không thể tiếp
tục vận động được nữa. Trong trường hợp nầy, phải bổ sung cái gì đó cho
cơ thể. Nước lạnh, nước trái cây, muối hay các loại nước giải khát có
ion ? Nếu nghiên cứu loại nào tương hợp nhất thì có thể nói rằng khi cơ
thể vận động thì hàm lượng nước trong máu sẽ bị giảm, cần phải cân đối
lại ngay phần thiếu hụt này, có nghĩa là cơ thể đang cần có một lượng
nước dễ hấp thụ nhất, cho nên các loại nước giải khát có ion có thể chấp
nhận được vì loại nước này sẽ đem lại phần muối và calori mà cơ thể đang
cần. Trong khi đang khát hay mỏi mệt nếu chúng ta uống một lít nước, một
lít nước cam hay một lít nước giải khát có ion thì rõ ràng nước ion sẽ
làm cho chúng ta cảm thấy khoan khoái, dịu hẳn hơn so với các loại nước
khác. Nếu chúng ta uống nước lã đầy bụng sẽ có cảm giác ách tức hay có
khi buồn nôn vì cơ thể không hấp thụ kịp, hay nói khác đi là cơ thể đang
ở trạng thái khó hấp thụ. Nước giải khát có ion phù hợp với trạng thái
mà cơ thể đang cần nước một cách gấp rút như khi chúng ta đổ mồ hôi, bị
mất nước hay sau khi bị ói mữa. Lúc nầy trong ruột bị mất muối do người
đang mệt, thiếu nước uống, vì thế nước giải khát có ion mát lạnh sẽ làm
cho họ “tỉnh” lại ngay. Tóm lại phải xem xét xem trạng thái của cơ thể
mà chọn lựa loại nước cần thiết để bổ sung.
HLT- Như vậy cách uống “nước” đúng đắn là phải có hiểu biết và chọn
lựa đúng cái mà cơ thể cần. Nhất là đối với các cháu thiếu nhi thì càng
phải chọn loại thích hợp cho các cháu phải không ạ ?
YUI TAKAO - Đúng vậy, tuy nhiên đây cũng là một việc khó đấy vì hầu hết
các cháu bé đều ưa thích của ngọt. Đời sống ở Nhật Bản ngày càng Mỹ hóa,
đâu đâu cũng có các cửa hàng bán nước ngọt (trái
cây tổng hợp) và khoai tây chiên
(potato chips), các cháu rất ưa thích vừa
ăn vừa uống và thói quen này lập đi lập lại sớm gây ra bệnh phù hay các
loại bệnh của người lớn nhưng rất tiếc là lối sống và cách ăn uống này
đang được giới trẻ ưa chuộng. Lối ăn uống đó sẽ làm cho răng chóng hỏng
ngoài phần bệnh tật đã nói. Một bữa ăn cân đối, thức uống không pha
đường vẫn là cách tốt nhất.
HLT - Rõ là như vậy rồi... Nhưng thực tế là có nhiều cháu uống nước
ao hồ trong khi ra các vườn tược chơi, thì liệu có vấn đề gì không ?
YUI TAKAO - Thực ra thì trong ao hồ có những thành phần gì, sẽ ảnh hưởng
đến cơ thể như thế nào thì tôi cũng chưa rõ, nhưng rõ ràng là những chất
trầm tích trong ao hồ và lơ lửng trong nước hoàn
toàn không có gì là tốt cả... có khi là nguồn gây bệnh đường ruột, tiêu
chảy. Nói một cách chung là nước uống thiên nhiên vẫn tốt nhưng đó phải
là nguồn nước sạch, không nhiễm khuẩn vi sinh hay các tạp chất. Nước ao
hồ trên thực tế rất bẩn, với mắt thường cũng có thể thấy được cho nên
việc uống nước bừa bãi sẽ gây bệnh cho những cơ thể có sức đề kháng yếu
kém, nhất là ký sinh trùng trong nước.
NƯỚC VÀ SỰ KỲ DIỆU CỦA CƠ THỂ.
HLT - Nước sông Edogawa ở Tokyo rất nhiều rong rêu và có mùi hôi rất
ghê. Đúng là một sông đang nhiễm bẩn rất nghiêm trọng nhưng trên thực tế
nhà máy nước thành phố lại lấy nước sông ở đấy để làm nguồn nước uống.
Vậy nước ở các sông bị nhiễm bẩn như vậy phải được đánh giá như thế nào
và xử lý chlor còn tồn đọng trong nước vào cơ thể ra sao ?
YUI TAKAO - Tất nhiên trong nước uống từ nhà máy nước sau khi đã xử lý
vẫn còn những hóa chất diệt trùng, và phần lớn là chất chlor. Trong cơ
thể của chúng ta cũng có chlor nhưng mỗi khi cơ thể hấp thụ nhiều chlor
thì thận sẽ tung ra ion CO2 để kết hợp và bão hòa lượng chlor
thừa này, cân bằng lại cho cơ thể không bị nhễm độc và trở lại bình
thường. Cơ thể chúng ta phản ứng tự nhiên, mỗi khi có một ion lạ hay
thừa xuất hiện thì có ion khác tược tung ra phản ứng để đối phó và bảo
vệ rất kỳ diệu. Tương tự như vậy, hơi đi xa hơn một tí thì người ở vùng
đông bắc Nhật Bản do ăn muối nhiều nên có nhiều bệnh nhân bị huyết áp
cao, và là nơi có số người bị chết vì đứt mạch máu não khá nhiều nhưng ở
tỉnh Aomori thuộc vùng nầy là nơi có táo là đặc sản thì lại không bị như
thế. Trong táo có nhiều kalium cũng là một loại muối chống lại natrium
và thường trao đổi với natrium trong thận nghĩa là thận sẽ thay natrium
bằng kalium và đẩy chất natrium ra ngoài. Đây là một bản năng bảo vệ tự
nhiên của cơ thể. Kalium có rất nhiều trong rau quả, đặc biệt ở vùng
đông bắc Nhật Bản táo rất trù phú nên mỗi ngày chỉ cần ăn một vài quả
táo là hạ được huyết áp, không cần đến thuốc hạ áp. Điều này đã được
nghiên cứu phát hiện từ lâu, tôi không nhớ rõ lắm, nhưng nếu một ngày ăn
10 quả táo thì chắc chắn huyết áp sẽ hạ một cách tự nhiên. Tóm lại với
sự phát triển của khoa học ngày nay người ta có thể tính được hàm lượng
kalium trong quả táo và cơ thể sẽ hấp thụ được mấy phần trăm để thay thế
cho natrium và làm hạ huyết áp theo mức độ nào nhưng cứ yên chí là sáng,
chiều, tối mỗi lần ăn 3 -4 quả táo thì huyết áp chắc chắn sẽ hạ. Cơ thể
con người khi gặp vật lạ thì sẽ có cách chống đỡ một cách tự nhiên như
là khi ăn muối nhiều tất nhiên sẽ khát nước và cơ thể luôn tìm cách để
ổn định, điều hòa bằng những hoạt động “phòng chống” theo bản năng. Trở
lại vấn đề chlor còn trong nước thì gần đây đã có nhiều báo cáo lên
tiếng về nguy cơ gây bệnh ung thư vì chất dẫn xuất từ chlor trong nước
rất độc hại.
HLT - Ở Nhật Bản, Bộ Y tế và Vệ sinh Công cộng thường thống kê tỷ lệ tử
vong theo từng vùng, nơi nào ít nơi nào nhiều và người ta cũng biết chất
lượng của nước từng vùng cũng khác nhau nhưng chưa bao giờ cho biết các
hiện tượng tử vong do nước sinh ra ? Theo từng khu vực khác nhau như thế
nào ?
YUI TAKAO - Tôi cũng chưa hề thấy và đọc loại tài liệu này bao giờ. Vì
nước uống ở Nhật đã được tiêu chuẩn hóa, nguồn nước máy uống được đã phổ
cập gần 100% và chính sách phòng bệnh từ nguồn nước của Nhật Bản là ngăn
chận tuyệt đối nạn bệnh truyền nhiễm trong nước uuống đã hình thành từ
lâu.
HLT - Đúng vậy. Có chăng là đề cập đến mùi vị nhiều hơn là về bệnh lý
học của nước, chưa có thống kê cụ thể về mối quan hệ giữa sự khác nhau
về chất lượng của nước và bệnh liên quan có giá trị tổng kết.
YUI TAKAO - Có thể các nhà chuyên môn về các loại nước khoáng, hay nước
ion sẽ cho chúng ta nhiều kết quả nghiên cứu về bệnh lý học từ sự khác
nhau chất lượng nước gây ra nhưng rất tiếc là tôi không rõ lắm vì đây
không phải thuộc diện chuyên môn của tôi.
HLT - Tôi đã được đọc bản đồ phân bố nước trên đất Nhật. Thí dụ như
calcium (CaCO3)
thì vùng nước ở Hiroshima thấp nhất khoảng 8mg/l và vùng có hàm lượng
cao nhất là 50-60 mg/l ở vùng núi Nagoya, hay Maebashi, giữa hai con số
8 và 50 rõ ràng là quá sai biệt nhưng không thấy ai nói về bệnh lý do sự
khác nhau này gây ra ở Maebashi hay Nagoya.
YUI TAKAO - Nếu như là ở những vùng này, nơi có calcium cao mà lại có
nhiều bệnh nhân có chứng sạn trong ống dẫn nước tiểu, hay trong thận thì
rõ quá rồi nhưng trên thực tế cũng chưa nghe nói...
HLT - Khi đi ra nước ngoài, uống nhằm phải nước có hàm lượng 600 - 1000
ppm magnésium thì sẽ gặp ngay nạn tiêu chảy và có lẽ như bác sĩ đã nói,
về mặt sinh lý cơ thể không thể chấp nhận buộc lòng phải phản ứng để bảo
vệ và ngăn chận ?
YUI TAKAO - Đúng rồi. Trong nguồn nước có nhiều magnésium và các loại
ion (khoáng) thiên nhiên
như nước trong núi, ta cảm thấy được nhuận trường hơn sau khi uống.
Trong điều trị, chúng tôi thường cho bệnh nhân uống các loại thuốc có
magnésium để chữa bệnh táo bón và cũng có khi cho các phụ nữ mang thai
uống để ngăn ngừa. Trên thực tế, có rất nhiều người bị các chứng bệnh
này và nếu cho họ uống loại nước khoáng thiên nhiên có nhiều magnésium
thì thay được thuốc xổ. Đối với phụ nữ mang thai lại càng tốt hơn và tạo
nên sự điều hòa cho việc bài tiết cho họ vì trong thời kỳ nầy rất dễ bị
táo bón.
HLT - Và người ta dễ yên tâm hơn vì đây là ion khoáng thiên nhiên, không
phải là loại thuốc tổng hợp ?
YUI TAKAO - Tất nhiên là magnésium hay aluminium, về mặt nguyên tắc
những chất nầy sẽ qua đường tiểu tiện hay phân để bài tiết nhưng nếu
thận yếu thì sẽ bị chứng nhiễm độc magnésium khi thường xuyên uống thuốc
xổ. Những điều tôi trình bày ở trên là đối với các cơ thể khỏe mạnh bình
thường.
HLT - Xin Bác sĩ vui lòng cho biết chức phận của thận là một màng lọc
thẩm thấu hay còn có vai trò nào khác?
YUI TAKAO - Chức phận của thận là lọc hay dù là một màng lọc thẩm thấu
nhưng không chỉ để lọc đơn thuần mà Thận còn cung cấp hormone cho máu.
Mỗi khi máu có ít natrium đến thận thì thận sẽ tạo thêm hormone bổ sung
để nâng cao hàm lượng của natrium cho đủ, đồng thời giảm sự bài tiết
natrium ra ngoài nhằm gìn giữ áp suất thẫm thấu của thận được ổn định.
Đó là chức năng của thận.
Thí dụ như một ngày chúng ta cho hấp thụ 5 gram natrium
(điều này không thể có ở người Nhật) có
phải vì vậy mà sẽ ngã bệnh vì chứng huyết áp thấp đâu bởi vì hormone
trong thận sẽ được tiết ra bổ sung nhằm ngăn chận lượng natrium thiếu
hụt và mất đi do bài tiết, đường ống mạch máu sẽ co thắt để giữ huyết áp
ổn định trở lại. Ngược lại, nếu lượng natrium vào cơ thể nhiều thì trong
máu cũng sẽ có hàm lượng natrium cao, khi ấy natrium được thận lọc và
bài tiết ra ngoài. Trong trường hợp này hormone sẽ tiết ra ít đi, đường
ống dẫn máu (mạch máu)
thoải mái hơn và không làm cho huyết áp lên cao khi natrium được cân đối
bằng chức phận bài tiết của thận qua nước tiểu. Cho nên nếu mỗi ngày
chúng ta ăn 15 gram muối thì cũng có gần 15 gram bài tiết trong nước
tiểu. Nhưng nếu trong cơ thể bị trục trặc chỉ bài tiết được 12 gram, 3
gram còn được giữ lại thì nếu tiếp tục giữ muối 3 gram /ngày thì sớm
muộn sẽ gặp chứng suy tim và nhiều căn bệnh khác phát sinh. Cái hay của
cơ thể là vận động để tự cân đối và hoàn chỉnh, cái gì vô ít thì ra ít,
cái gì vào nhiều thì phải tìm cách cho ra phần thừa để bão hòa.
HLT - Thật là tế nhị và lý thú.
YUI TAKAO - Cơ thể con người là vậy, hay và kỳ diệu vô cùng.
HLT - Thành phần của nước, hay tạp chất trong nước uống ngày nay có thể
phân tích đến những yếu tố vi lượng, có thể đến một phần tỷ
(ppt). Và nếu như phân
tích ppt các yếu tố vi lượng trong nước tiểu biết được cái gì cần giữ
lại và cái gì cần phải thải đi, từ đó có thể kiểm tra (control)
một cách dễ dàng trong việc trị liệu?
YUI TAKAO - Tôi cũng nghĩ như anh.
HLT - Những yếu tố vi lượng này có thể giữ lại trong ngân hàng số liệu
dùng để kiểm tra và so sánh tại chổ nếu việc nghiên cứu này được xúc
tiến tốt trong tương lai.
YUI TAKAO - Nên lưu ý thêm là dẫu sao phải theo dõi lượng nước uống vào
mỗi ngày và lượng nước tiểu bài tiết trong 24 giờ thật chính xác. Kế đến
là phải kiểm tra xem bệnh nhân có bị tiêu chảy hay không nữa. Trong
phân, thông thường là có khoảng 100 cc nước, ngoài ra là tình trạng bài
tiết qua mồ hôi... cho nên những nhân tố này phải ổn định thì mới so
sánh được. Hơn thế có người lại đổ mồ hôi nhiều, hay phì nộn tức là thể
trạng, tuổi tác của từng con người khác nhau ít nhiều cho nên muốn
nghiên cứu chính xác thì phải tập trung vào một số người nào đó có thể
trạng, tuổi tác gần nhau thì mới có thể đạt được những kết luận khoa
học...
HLT - Muốn đến kết luận nước nầy tốt cho sức khỏe, nước kia không đạt
v.v... thì phải thực hiện những cuộc thí nghiệm lâm sàng như vậy phải
không ?
YUI TAKAO - Vâng.
HLT - Nếu mà làm được điều này thì dễ thuyết phục hơn.
YUI TAKAO - Đúng thế. Nếu không làm một cách chính xác thì cứ bảo thế
nào cũng chỉ là nói đại thế thôi chứ làm sao giải thích nước này tốt cho
sức khỏe hay không được. Thí dụ như bệnh sạn trong tuyến nước tiểu. Đối
với người dễ bị có sạn thì cho uống nước có carbonate và làm cho nước
tiểu có độ pH cao (tính kiềm)
có phải vậy mà sẽ khó tạo ra sạn (vôi hóa)
hay không và nếu như thế thì nước có tính kiềm sẽ làm cho người ta khó
bị sạn trong thận hay không thì cũng chưa hẳn. Không phải là cứ uống
nước có tính kiềm là không bị chứng này. Cho nên nhờ cách kiểm tra trên
mà chúng ta có thể so sánh được phần nào.
HLT - Nếu có sẵn những thông số như vậy thì người bình thường, không có
kiến thức chuyên môn sâu cũng có thể hiểu được, ai cũng có thể kiểm tra
mỗi khi nhà sản xuất đưa ra một sản phẩm về nước uống nào đó.
YUI TAKAO - Đây cũng là một phương pháp dễ nhất.
HLT - Như vậy là cứ đưa ra những sự thật đã biết được, xem cách nào là
hợp lý nhất để có kết luận phải không ?
YUI TAKAO - Nói ngược lại là nước có thành phần như thế này, uống vào
thì sẽ như thế nầy, còn nếu nguồn nước bình thường khác thì sẽ như thế
kia và thử xem 2 loại nước đó có gây ra bệnh lý sai biệt hay không.
HLT - Khi bị bệnh, các bác sĩ thường cho thử nước tiểu. Điều này có ý
nghĩa như thế nào ?
YUI TAKAO - Tóm tắt là nếu như bệnh nhân bị tiểu đường thì đo xem lượng
đường một ngày được thải ra qua nước tiểu là bao nhiêu. Tất nhiên là
chúng tôi chỉ kiểm tra chỉ số đường trong 10 cc., từ đó tính ra được hàm
lượng đường trong nước tiểu. Tương tự như vậy xem có bao nhiêu gram
natrium, kalium... Thông thường lượng đường nhiều hay ít trong nước tiểu
cho biết lượng hấp thụ qua nước uống hay thức ăn của bệnh nhân. Người
lớn tuổi thường ít uống nước và khi thiếu nước thì nếu là nữ giới sẽ dễ
bị viêm bàng quang hay viêm ống dẫn nước tiểu. Khi thiếu nước, nước tiểu
bị đậm đặc (cô) lại để
tránh bài tiết nước ra ngoài. Khi thiếu nước còn gây ra dễ bị viêm phế
quản đồng thời còn có nguy cơ bị đứt mạch máu não vì lúc ấy máu bị đậm
đặc dễ bị đông lại trong mạch máu.
HLT - Thật không ngờ có thể dẫn đến các chứng bệnh hiểm nghèo đến thế
sao? Và như thế thì cần phải uống nước thật nhiều ?
YUI TAKAO - Kết luận là như vậy. Nếu thận hay tim mạch không có vấn đề
gì thì cho uống nước nhiều vẫn tốt hơn. Tất nhiên là phải ăn uống bình
thường. Nếu không ăn gì cả mà chỉ uống nước không mà thôi thì sẽ suy
nhược cho dù có uống nước trái cây có ít nhiều calori cũng thế. Đương
nhiên là thức ăn phải có muối (natrium).
Thí dụ như có một bệnh nhân bị cảm cúm rồi mất nước vì tiêu chảy thì ban
đầu chúng tôi sẽ truyền dịch có hàm lượng muối cao để giúp cho mạch máu
giãn nở và hồi phục lại chức năng tuần hoàn, sau
khi tình trạng lưu thông tốt trở lại thì chúng tôi cho dịch truyền có
nồng độ muối gần bằng hàm lượng trong tế bào và dần dà cơ thể lượng máu
trong mạch sẽ hồi phục. Thông thường thì sau đó cho bệnh nhân ăn uống
trở lại, không cần lo lắng về nước lắm nhưng nếu là người lớn tuổi khó
uống nước thì nên lưu ý cho họ uống đủ nước sau khi ăn xong.
HLT - Người ta thường bảo rằng ”uống một ly nước lã sau khi thức dậy rất
tốt cho cơ thể” có thật vậy không?
YUI TAKAO - Về mặt y học thì chưa thuyết phục lắm đâu, nhưng điều thấy
rõ là hợp với vệ sinh, kích thích bài tiết dễ dàng hơn.
HLT - Vai trò của nước trong cơ thể còn là chất tẩy rửa cho các bộ phận
trong cơ thể nữa phải không ?
YUI TAKAO - Tất nhiên là có rồi vì vẫn phải uống nước để thải ra các
chất độc trong người (qua thận),
nếu không đầy đủ thì như tôi đã đề cập ở phần trước, có thể bị táo bón,
viêm bàng quang, đến đứt mạch máu, viêm phổi và sưng thận ....
HLT - Như thế thì phải uống nước thật điều hòa trước khi nói đến “chất
lượng” của nước thế này hay thế khác? (Tất nhiên
là phải uống loại uống được ở vòi theo tiêu chuẩn Nhật Bản)
Bác sĩ YUI TAKAO - Đúng. Trước hết là phải xem họ có uống nước đầy đủ
không đã và tìm hiểu xem họ ăn uống có muối (natri)
bao nhiêu. Đó mới là vấn đề.
HLT- Như vậy thì khi kiểm tra hàm lượng của natrium trong nước tiểu bao
nhiêu là có thể biết được cơ thể người đó thiếu nước hay không ?
YUI TAKAO - Trên thực tế thông số natrium trong nước tiểu hết sức quan
trọng. Thí dụ đối với một người có huyết áp cao nhưng chỉ số natrium
trong nước tiểu vẫn bình thường thì cho bệnh nhân uống thuốc lợi tiểu
thải được natrium ra ngoài thì sẽ hạ được huyết áp. Tất nhiên là phải
tìm hiểu thêm nguyên nhân sâu xa gây ra chứng này của người bệnh nữa.
Phương châm trị liệu thì đã có sẵn sau khi đã truy tìm ra được nguyên
nhân. Nếu nghiên cứu ra loại máy cầm tay có thể đo được ngay lượng đường
hay natrium trong nước tiểu thì quá tiện.
HLT - Tóm lại, ngoài vấn đề mùi vị, tất cả các loại nước đều có thể uống
thoải mái nếu như không có chứa các chất gây bệnh. Gần đây trên thị
trường có rất nhiều loại nước khoáng, đặc biệt là chỉ có mùi vị khác
nhau mà thôi. Và giá của nước khoáng trong chai nhựa cũng khá đắt, gấp
bội lần nước thành phố, bằng giá một mét khối nước cấp.
YUI TAKAO - Một mét khối nước của thành phố có giá 600 yen trong khi giá 1
lít nước khoáng là 100-150 yen. Vấn đề chất lượng nước uống hiện nay rất
được mọi người quan tâm, những kỹ thuật lọc nước hiện nay có giải quyết
được không ?
HLT - Vấn đề là nước cấp của thành phố ở Tokyo hiện nay có nồng độ chlor
rất cao, và chưa khử hết được các tạp chất hữu cơ cho vấn đề đô thị hóa
ở nguồn nước và tình trạng nước thải từ đời sống và công nghiệp ngay từ
đầu nguồn dẫn đến, trong khi trang thiết bị xử lý đã có từ lâu không kịp
thời giải quyết những vấn đề phát sinh mới trong kỹ thuật, hơn thế là
chi phí xử lý (chi phí vận hành = running cost)
quá cao cho nên cuối cùng điều đó đã làm cho mọi người cảm thấy không
yên tâm và thực tế là mùi hôi của chlor khá mạnh khó uống. Trong khi đó
mùa hè lại là mùa tiêu thụ lượng nước lớn hơn (so
với mùa đông) vì thế chỉ còn một cách là dùng than hoạt tính đễ khử là
phương pháp tốt nhất. Hiện nay trên thị trường (ở
Nhật Bản) có rất nhiều chủng loại máy lọc nước
gia đình hầu hết là có bộ phận than hoạt để lọc mùi. Ngoài ra còn có
nhiều loại có gắn thêm bộ lọc tạp chất bằng sợi hay có cả loại điều
chỉnh ngay được độ pH trong nước nhằm tìm ra một vị ngon nhất
(hay hợp nhất) cho mình.
Nhưng cần lưu ý rằng vi trùng và vi khuẩn vẫn có thể xâm nhập trở lại
khi nước không còn chlor, tức là không còn sát trùng cho nên tốt nhất là
nên uống hay sử dụng ngay sau khi lọc xong. Ngoài ra ống lọc than hoạt
còn là một ổ chứa vi trùng vi khuẩn nếu không có biện pháp ngăn ngừa.
Gần đây để giải quyết vấn đề này các nhà sản xuât đã dùng bạc thẩm thấu
trong ống lọc để hạn chế việc sinh sôi nẩy nở của vi khuẩn. Bản thân bạc
là một kim loại diệt khuẩn khá tốt và đã được ứng dụng từ thời văn minh
Ai cập. Đây là phương pháp giải quyết vấn đề sát khuẩn tốt và rẻ nhất.
YUI TAKAO - Đúng là “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Muốn tránh mùi hôi
của chlor thì phải dùng than hoạt, mà dùng than hoạt lại xây dựng “ổ”
cho vi trùng. May mà...
HLT - Tất nhiên đó là phương pháp tiện lợi và rẻ nhất, ngoài ra còn có
nhiều kỹ thuật tiên tiến khác như dùng đèn phát tia cực tím, hay các
loại ống siêu lọc hay ozone nhưng giá thành lại cao gấp 5-10 lần
(running cost) trong khi
sử dụng lâu dài, phải liên tục thay khi tạp chất tăng hay không ổn định
được lưu lượng. Thực ra phương pháp dùng than hoạt khử hoàn toàn hàm
lượng chlor trong nước sau đó lại dùng chlor từ 0,2 ppm - 0,4 ppm bằng
cách nhỏ giọt để khử trùng trở lại là phương pháp rẻ nhất.
YUI TAKAO - Nhưng thế thì không hôi hay sao ?
HLT - Con số 0,4 ppm là một con số cực nhỏ, nếu ít hơn chỉ số này thì
hoàn toàn không nghe thấy mùi hôi của chlor... Chỉ số 0,2 ppm là lượng
chlor cần thiết để tránh việc nước bị nhiễm các loại vi trùng gây bệnh
truyền nhiễm. Vấn đề là phải có bộ phận điều tiết và khống chế được nồng
độ này trong nước. Tốt nhất là đường ống từ đầu ra ở bộ phận xử lý đến
nơi sử dụng càng ngắn càng tốt và có bồn chứa nước đã lọc, điều chỉnh
nồng độ chlor ngay tại đây (bồn)
và chlor được dùng ở bồn chứa phải được xem là một loại thuốc
(để khử trùng).
YUI TAKAO - Các loại nước dùng làm dịch truyền đều là nước tinh khiết
hay siêu tinh khiết ?
HLT - Ở Nhật Bản thì nguồn nước gốc vẫn là nước cấp của thành phố, được
xử lý nhiều bước thành nước tinh khiết và sau đó chưng cất lại thành
nước dùng cho y tế. Hiện nay các bệnh viện ở Tokyo dùng máy phát ra hơi
nước tinh khiết (pure steam generator) để chưng cất lấy nước.
YUI TAKAO - Trong trường hợp dùng làm nước uống thì nếu lấy nước tinh
khiết đem chưng cất, có nghĩa là không còn gì cả thì có lẽ nước cũng
chẳng ra sao cả, không ngon phải không ?
HLT - Vâng, không mùi không vị lạt vô cùng và được gọi là “nước trơ”.
Nhưng nếu dùng để pha whisky thì sẽ rất ngon vì lúc ấy nước chỉ có mùi
thơm của whisky. Đó cũng là lý do tại sao tại các quán rượu ở Nhật ưa
dùng nước tinh khiết hay nước chưng cất để pha cho khách. Mùi rượu thơm
hẳn so với khi dùng nước vòi.
YUI TAKAO - Ừ nhỉ (cười to !)
HLT - Vừa rồi Bác sĩ có nói natri sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài một
cách tự nhiên khi dư thừa, nhưng thông thường người ta cho rằng nếu uống
nước có natrium thì sẽ gặp chứng huyết áp cao và người có huyết áp cao
rất dễ mập, phù lên. Điều này được hiểu đúng như thế nào?
YUI TAKAO - Thí dụ như người bị chứng huyết áp cao thì họ chịu được bao
nhiêu lượng natri. Bình thường nếu vào 100 gr thì ra cũng 100 gr nhưng
nếu vào cơ thể 100 gr mà chỉ ra 95 gr tức là còn đọng lại 5 gr trong cơ
thể và người bị huyết áp cao thường có khuynh hướng như thế. Hai là
người huyết áp cao thường là người bị mập. Nạn mập béo là do chất
hormone tạo ra mỡ gọi là insuline làm giảm chorestérol bị tiết ra từ
trong cơ thể và vì insuline có khả năng lôi kéo và hấp thụ natri. Người
bị mập khi ốm bớt thì huyết áp cũng sẽ hạ. Lý do là khi trọng lượng cơ
thể giảm thì không những tim làm việc ít đi mà còn bớt mỡ thì insuline
ít bài tiết và khi ấy natri không còn được giữ lại trong cơ thể. Vì thế
người bị huyết áp cao cần phải ăn lạt, ít muối là như vậy vì cơ thể của
họ đang có khả năng giữ natri lại và điều đó hoàn toàn chính xác.
HLT - Nhưng lượng muối (natri) trong nước uống có
hàm lượng không cao, thông thường là thức ăn vẫn chứa nhiều muối hơn.
YUI TAKAO - Hầu hết thức ăn của chúng ta đều có muối, trong bánh mì, mì
phở cũng đều có muối cả. Tính bình quân mỗi ngày chúng ta hấp thụ khoảng
trên 15 gr muối và nếu như trong 10 ngày liền chúng ta chỉ ăn khoảng 10
gr muối/ngày thì huyết áp có thể giảm xuống nhưng người Nhật có thói
quen ăn xì dầu, miso (tương bằng đậu nành)
nên khó mà ăn lạt được.
HLT - Người Việt chúng tôi cũng ăn loại nước mắm, là một loại nước chấm
từ các loại cá được ngâm trong muối để lâu ngày cho nên nếu nói “ăn mặn”
thì người Việt chúng tôi còn ăn mặn hơn. Món ăn nào cũng có pha ít nhiều
nước mắm, phổ biến hơn cả xì dầu hay miso của người Nhật. Nhưng để tránh
cảm giác ăn mặn, thỉnh thoảng chúng tôi còn pha chanh hay giấm trong
thức ăn, cũng có người cho rằng “ăn giấm thì tốt cho cơ thể”, theo bác
sĩ thì giấm có tác dụng như thế nào.
YUI TAKAO - Giấm có vị chua, tức là có tính acid,
tôi chưa rõ lắm về cơ cấu hoạt động của giấm trong cơ thể nhưng là một
chất tốt cho cơ thể vì khi vào miệng gây kích thích và cũng có tác dụng
kích thích cho bộ máy tiêu hóa nhưng lại không tốt cho màng bao tử vì
màng bao tử cũng sẽ bị kích thích. Khi dùng giấm thì sẽ bớt được lượng
muối, cho nên khi ăn rau tươi thường dùng giấm, tất nhiên trong
nước pha giấm thì đã có ít muối. Đối với những người hạn chế ăn muối thì
họ thường dùng giấm và các loại hương liệu (tiêu hành...) và đó cũng là
một phương cách để chữa bệnh cho những người bị chứng cao huyết áp.
HLT - Cuối cùng để tóm tắt lại câu chuyện trao đổi, xin Bác sĩ cho biết
cơ thể con người và nước có quan hệ như thế nào. Xin vắn tắt và thật dễ
hiểu.
YUI TAKAO - Cơ thể con người gồm những thực thể chứa nước, và những chất
đó chứa muối, nhờ nó mà chúng ta có sự sống, hơn thế nữa nước còn là một
hoạt chất luôn thúc đẩy hoạt động “đổi mới”, “thay thế” trong cơ thể,
nếu như không có nước thì những chất bã, chất bẩn trong hoạt động bài
tiết sẽ không được thải ra qua đường nước tiểu hay phân và nếu không có
sự thay thế trong quá trình hấp thụ và đào thải thì chúng ta sẽ bị nhiễm
độc, phải dùng đến máy lọc thận nhân tạo để lọc. Ngoài ra, cơ của chúng
ta khi co rút thì sự hoạt động của nó có quan hệ mật thiết với ion
calcium, nhưng nếu không có nước thì sự vận động này không xuất hiện. Có
thể tóm tắt là chính vì có nước mà có sự tồn tại của Ion trong cơ thể và
đó chính là “nguồn sống” của muôn loài vậy.
HLT - Xin chân thành cảm ơn Bác sĩ .
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Hồng Lê Thọ
|