Trần Thanh Hà phỏng vấn Nguyễn Quang Riệu về Grenelle de l’environnement

Vietsciences-Nguyễn Quang Riệu      05/11/2007

 (RFI, 26/10/2007)

Những bài cùng tác giả

Nhũng bài cùng đề tài:

Nhiệt hóa Địa cầu
Ảnh hưởng của hiện tượng hâm nóng toàn cầu lên nông nghiệp Việt Nam
Đánh giá tác động môi trường
Sự biến đổi khí hậu địa cầu
Năm Địa cực Quốc tế
Hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu
Đạo đức học môi trường từ góc nhìn văn hóa tôn giáo

 

Ban Việt ngữ RFI xin kính chào nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu. Xin cảm ơn ông tham gia vào chương trình của chúng tôi hôm nay.

. Đánh giá hội nghị

Câu hỏi đầu tiên xin ông cho biết ông đánh giá  như thế nào về hội nghị mới khép lại tại Paris ngày hôm qua. Và theo như đánh giá của ông thì phải chăng đây là một cơ hội để nước Pháp bày tỏ quyết tâm cải thiện về vấn đề môi trường?

Đa số các nhà khoa học đều công nhận là khí quyển trái đất đang bị hâm nóng vì hiệu ứng nhà kính, do loài người sử dụng quá nhiều nhiên liệu hoá thạch như dầu khí và than đá. Một “Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu” đã được thành lập để nghiên cứu tác động cuả sự hâm nóng khí quyển đến môi trường và đời sống con người. Trong những bản báo cáo, họ đã phải nhận định rằng hiệu ứng nhà kính do khí thải công nghiệp gây ra đang làm nhiệt độ khí quyển tăng lên khá nhiều và làm đảo lộn khí hậu toàn cầu.  

Đại dương là những cái giếng có khả năng hấp thụ khí thải CO2. Một số chuyên gia cho rằng những đại dương trên thế giới đang đi vào tình trạng bão hoà và hút được ngày càng ít khí CO2, cho nên hàm lượng CO2 trong khí quyển tăng lên và do đó khí hậu toàn cầu vẫn nóng lên. Những hậu quả cuả hiện tượng hâm nóng khí quyển đã được thể hiện qua sự biến đổi khí hậu làm tăng cường độ cuả những cơn bão và làm tan một phần những khối băng trên những đỉnh núi cao và ở vùng Bắc cực. Có những hậu quả khác còn chưa lường được đối với môi trường và đời sống con người cũng có khả năng sẽ xẩy ra trong tương lai. Vả lại, nhiên liệu hóa thạch trên trái đất cũng không phải là vô hạn.

Trong bối cảnh này, không có gì là lạc quan cho lắm, chính quyền Pháp đã tổ chức tại Paris một hội nghị quốc gia về môi trường. Đây là một loại bàn tròn có mục tiêu mà họ gọi  là “cách mạng môi sinh”,  nhằm đưa ra những biện pháp, một mặt là để hạn chế sự lãng phí năng lượng và mặt khác là để khai thác trên quy mô lớn những năng lượng tái tạo không gây ra hiệu ứng nhà kính, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, v.v....

Đây là lần đầu tiên nước Pháp tổ chức một hội thảo để thảo luận và chính thức đưa ra những biện pháp để bảo vệ môi trường. Hội thảo này có mục tiêu để động viên công dân nước Pháp và cũng có thể thúc đẩy được cả công dân các nước Châu Âu trong công việc bảo vệ môi trường toàn cầu.

 

- Biện pháp đã được đề nghị và nhận xét

Dạ vâng thế thì cụ thể hơn liên quan đến một số  biện pháp đã được các chuyên gia đề nghị tại hội nghị ở Paris và đã được tổng thống Pháp ông Nicolas Sarkozy ủng hộ ngày hôm qua trong bài  bài diễn văn kết thúc hội nghị của ông như các biện pháp đánh thuế các loại xe gây ô nhiễm hay các biện pháp để giảm bới các chất hóa học sử dụng trong ngành nông nghiệp chẳng hạn. Thưa ông, ông có những nhận xét nào về các biện  pháp đã được Paris nêu lên ngày hôm qua?

Một loạt biện pháp rất cụ thể và khả thi đã được đưa ra, chẳng hạn như sử dụng phổ biến những vật liệu cách ly trong công việc thiết kế nhà cửa để được cách nhiệt tốt cùng những vật liệu quang điện đặt trên nóc nhà để hấp thụ năng lượng mặt trời. Đèn cũng được trang bị bằng những loại bóng đèn tiêu thụ ít năng lượng. Còn có những biện pháp cần được nhà nước thực hiện, như triển khai  những phương tiện chuyên chở hàng hoá bằng đường sắt và đường thủy để sử dụng xe tải ít hơn, nhằm giảm bớt khí thải ô nhiễm. Phát triển những phương tiện giao thông công cộng để dân chúng tránh dùng xe hơi. Đồng thời tăng gia sự khai thác những năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng sinh học. Sự sử dụng thuốc trừ sâu trong ngành nông nghiệp cũng phải được hạn chế để bảo vệ sức khỏe cuả nhân dân và bảo vệ môi trường. Thúc đẩy sự phát triển những kỹ thuật mới mẻ để sản xuất năng lượng và chế tạo ra những động cơ xe hơi có năng lượng cao ít làm ô nhiễm khí quyển.

Những biện pháp kể trên đòi hỏi nhiều kinh phí và cần có sự cộng tác cuả mỗi công dân. Nếu những biện pháp này được thực hiện đúng mức thì thực sự sẽ là những bước đầu trong công việc làm giảm ô nhiễm khí quyển.

 

Có đủ khả năng cứu vãn môi trường ?

Thưa ông, các đề nghị trên theo đánh giá của ông có đủ khả năng để cứu vãn tình hình môi trường hiện nay hay không, và Pháp sẽ còn phải có những nỗ lựcnào nữa trong lĩnh vực này?

Tại Pháp, năng lượng không ô nhiễm, như năng lượng gió và năng lượng mặt trời vẫn chưa được phát triển mạnh mẽ, so với những nước láng giềng như nước Đức. Một phần bởi vì 80% năng lượng điện ở Pháp được cung cấp bằng những nhà máy điện hạt nhân. Tuy năng lượng hạt nhân không làm ô nhiễm trực tiếp khí quyển, nhưng thải ra những chất phóng xạ độc hại có thể tồn tại rất lâu. Những nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đã từng có những rủi ro bất ngờ gây ra những thảm họa nặng nề. Nước Pháp sẽ không xây  thêm nhà máy điện hạt nhân, nhưng vấn đề năng lượng hạt nhân nói chung, chưa được thảo luận kỹ càng trong hội nghị Paris, đặc biệt là số phận cuả những lò điện hạt nhân đã xây. Những nguồn năng lượng tái tạo không ô nhiễm, tuy đòi hỏi nhiều kinh phí, nhưng cần phải được khai thác trên quy mô lớn hơn.

Nếu muốn giải quyết vấn đề hâm nóng khí quyển trái đất, thì phải thuyết phục được  toàn thể các quốc gia trên thế giới đều tham gia vào công cuộc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên đối với những quốc gia đang trên đà phát triển như Trung Quốc và Việt Nam, sử dụng rất nhiều năng lượng hoá thạch, thì những biện pháp đưa ra để bảo vệ môi trường có khả năng làm đình trệ sự phát triển công nghiệp cuả họ. Đối với những quốc gia này, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn chưa phải là vấn đề ưu tiên. Ngay cả nước Mỹ cũng vẫn là một quốc gia tiêu thụ rất nhiều năng lượng để thoả mãn nhu cầu trong cuộc sống thường ngày cuả dân. Đây là một vấn đề khó được giải quyết hiện nay.

Con người còn tồn tại được trên trái đất là vì có sự hài hoà với môi trường, phù hợp với tính đa dạng cuả động vật và thực vật. Công việc bảo vệ môi trường là công việc chung cuả mỗi công dân, chứ không phải chỉ là một cái mốt để theo cho hợp thời. Chúng ta có bổn phận để lại cho những thế hệ sau một hành tinh trên đó họ có thể sinh sống thoải mái. 

 

Ban Việt ngữ RFI xin chân thành cảm ơn nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Quang Riệu