Nhiệt hoá địa cầu

RFA

2007.06.05

Những bài liên quan:

Ảnh hưởng của hiện tượng hâm nóng toàn cầu lên nông nghiệp Việt Nam
Khí hậu và hiện tượng El NinoKhí hậu và hiện tượng El Nino
Thay đổi khí hậu và thiệt hại kinh tế
Sự biến đổi khí hậu địa cầu
Hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu
Năm Địa cực Quốc tế

 

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

Ngày thứ Ba mùng 5 tháng Sáu, hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-8 nhóm họp tại Đức sẽ có một nghị trình bốc khói là hiện tượng địa cầu bị hâm nóng vì khí thải, cho nên, tám nước công nghiệp hàng đầu thế giới sẽ phải cùng tìm ra giải pháp ngăn chặn cho nhân loại. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề ấy qua cuộc trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện.

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, hội nghị thượng đỉnh quy tụ lãnh đạo của tám nước công nghiệp hàng đầu thế giới sẽ nhóm họp ba ngày kể từ Thứ Ba tại Heiligendamm gần ven biển Baltic ở miền Bắc nước Đức. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình phản đối từ cuối tuần tại thành phố Rostock gần bên lại bất ngờ gây bạo động khiến cả ngàn người, kể cả bốn trăm cảnh sát Đức, bị thương. Biến cố ấy khiến dư luận tự hỏi là nghị trình năm nay của Thượng đỉnh G-8 có tiến hành được không, khi mà vấn đề địa cầu bị hâm nóng đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Việt Nam.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Kể từ Thượng đỉnh của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO tại Seattle của Hoa Kỳ năm 1999, mọi hội nghị quốc tế, nhất là các hội nghị liên hệ đến kinh tế toàn cầu, đều gặp sự chống đối của rất nhiều thành phần. Họ là những người chống lại chủ nghĩa tư bản, chống lại kinh tế thị trường và toàn cầu hoá, chống chính sách thương mại của các xứ công nghiệp và trong các cuộc biểu tình ấy, thành phần chủ trương vô chính phủ dưới lá cờ đen và nhiều phần tử bất hảo đã nhân các cuộc biểu tình mà gây bạo động và phá phách.

Điều ấy gần như đã thành thông lệ và thiệt hại nhiều hay ít có khi lại tùy thuộc vào khả năng xử lý của lực lượng cảnh sát của quốc gia đăng cai tổ chức. Tuy nhiên, dù mức bạo động năm nay có đặc biệt dữ dội, Thượng đỉnh G-8 vẫn sẽ tiến hành và lãnh đạo tám quốc gia công nghiệp thế giới là Anh, Canada, Đức, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Pháp và Ý sẽ phải dành thời giờ thảo luận về việc ngăn ngừa hiện tượng nhiệt hoá địa cầu.

Việt Long: Hiện tượng địa cầu bị hâm nóng không phải là một vấn đề mới nhưng vì sao lại đáng lo ngại đến nỗi nhóm G-8 phải cố ngăn ngừa như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Người ta có nghiệm thấy là khí hậu địa cầu có trở nên nóng hơn một cách bất thường từ mấy chục năm nay và cho rằng vì đà công nghiệp hoá gia tăng khiến các nước đã tạo ra nhiều khí thải độc hại, nhất là thán khí.

Các loại khí này bao phủ tầng khí quyển của địa cầu mà không thoái ra ngoài và gây ra một hiện tượng tương tự như nhà kiếng trồng cây, giữ khí nóng và hơi ẩm quanh trái đất. Nếu loài người không ngăn ngừa được nạn nhiệt hoá địa cầu đó, các tảng băng tuyết của Nam và Bắc cực có thể tan khiến mực nước biển dâng cao và nhiều quốc gia sẽ bị lụt lội, một phần lãnh thổ có thể bị chìm dưới nước.

Ngược lại, khi băng đá tan thì thềm lục địa của một số nơi sẽ lại mở rộng hơn và việc khai thác khoáng sản bên dưới lại là một triển vọng gây tranh cãi gữa các nước về luật biển. Câu chuyện vì vậy rất nhiêu khê rắc rối và liên hệ đến rất nhiều vấn đề.

Việt Long: Vì là một quốc gia ở ven biển, Việt Nam có nên quan tâm đến hiện tượng ấy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa nếu giả thuyết bi quan ấy mà xảy ra, Việt Nam sẽ là một trong 10 nước bị thiệt hại nhất, ấy là ta căn cứ trên một công trình nghiên cứu mà Ngân hàng Thế giới mới phổ biến vào tháng Hai vừa qua. Thí dụ như nếu mực nước biển dâng cao thêm năm thước, thì 16% diện tích đất đai của Việt Nam sẽ bị chìm dưới nước, 35% dân số tức là khoảng 30 triệu người phải di tản tại các vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, và tổng sản lượng GDP sẽ mất 35%.

Mặc dù đây mới chỉ là giả thuyết, ta cũng đã thấy hậu quả tai hại cho các nước nghèo, chủ yếu sống nhờ nông nghiệp và chưa có tổ chức đủ hữu hiệu để đối phó. Trong 10 nước có thể bị thiệt hại nặng thì Việt Nam đứng đầu vì địa dư hình thể của mình.

Việt Long: Trở lại Thượng đỉnh của nhóm G-8, thì vì sao nhiều nước lại có vẻ phản đối lập trường của Hoa Kỳ về giải pháp ứng phó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây là loại hồ sơ phức tạp nhất thế giới vì liên hệ đến quá nhiều lãnh vực, từ môi sinh đến kinh tế và thậm chí an ninh của nhiều quốc gia, cho nên ta không ngạc nhiên khi có khác biệt về quan điểm lập trường. Trước hết ta hãy nói về xuất xứ của mâu thuẫn.

Năm 1997, các nước công nghiệp đã nghiên cứu vấn đề và kêu gọi thế giới cùng ký kết một thỏa ước dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc gọi là Nghị định thư Kyoto để phối hợp việc đối phó với những đổi thay về khí hậu địa cầu, thực tế là ngăn ngừa hay giảm thiểu nạn nhiệt hoá địa cầu.

Tới tháng Năm năm nay, có 171 quốc gia đã ký Nghị định thư này, kể cả Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nhưng ông Clinton không chuyển qua xin Quốc hội phê chuẩn vì cho rằng văn kiện có nhiều điểm cần điều chỉnh. Dù vậy, Thượng viện Mỹ vẫn tự ý bỏ phiếu chống với tỷ lệ 95%, 95 người chống và không Nghị sĩ nào thuận. Thực tế thì Mỹ coi như rút khỏi quy định của văn kiện này từ năm 2001.

Việt Long: Lập trường của Hoa Kỳ khi đó là gì mà Thượng viện Mỹ lại không đồng ý?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, về mặt khoa học, người ta chưa tin hẳn là đã có mối liên hệ nhân quả giữa đà công nghiệp hoá và hiện tượng nhiệt hoá địa cầu. Thứ hai, Nghị định thư Kyoto yêu cầu các nước công nghiệp tự nguyện cắt giảm dần lượng khí thải căn cứ trên định mức của năm 1990, mà lại không đòi hỏi những điều kiện ấy cho các nước đang phát triển, đứng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, vốn cũng đang tiêu thụ năng lượng rất mạnh cho nên nếu chấp hành những quy định ấy, kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị thiệt hại một cách bất công.

Thứ ba, giải pháp mà Nghị định thư này đề ra là xứ nào mà thải ra khí độc ít hơn định mức thì có thể bán lại phần dư đó cho nước khác sẽ không giải quyết được vấn đề. Thứ tư, sau khi ký kết và phê chuẩn, nhiều nước Âu châu lại không cắt giảm khí thải theo với tiến độ như họ cam kết nên trong thực tế thì Nghị định thư này coi như vô hiệu trước khi đáo hạn vào năm 2012 tới đây. Xin nói thêm là ngoài Mỹ, Australia cũng đã ký mà không phê chuẩn.

Việt Long: Bây giờ, 10 năm sau Nghị định thư Kyoto, các xứ công nghiệp tính sao về vấn đề này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tình hình thế giới có thay đổi trong 10 năm vừa qua và ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm đến vấn đề trên, kể cả Hoa Kỳ, khi nạn nhiệt hoá địa cầu đang được xem như là một vấn đề an ninh, nghiêm trọng không kém gì nạn khủng bố.

Tại Âu châu, sau khi Liên bang Nga sử dụng võ khí năng lượng là khí đốt để bắt bí xứ Ukraine vào đầu năm ngoái khiến các nước trong Liên hiệp Âu châu bị vạ lây, vấn đề năng lượng và nhất là tự túc năng lượng đi cùng loại năng lượng sạch, cũng đã trở thành một ưu tiên về an ninh.

Thủ tướng Đức Angela Merkel vì vậy đã đưa ra sáng kiến cải thiện mạnh mẽ hơn từ đầu năm nay trong khuôn khổ Liên hiệp Âu châu khi Đức đang là chủ tịch luân phiên của cơ chế này. Thế rồi, vì cũng là quốc gia lãnh phần tổ chức Thượng đỉnh G-8 năm nay, Đức đã cùng các nước Âu châu đề nghị một kế hoạch phối hợp với các nước ngoài Âu châu. Nhưng hôm 31 tháng Năm vừa qua Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã đề nghị một giải pháp khác đối với một vấn đề mà Hoa Kỳ cũng đồng ý là nghiêm trọng.

Việt Long: Và có phải là vì sự dị biệt giữa hai đề nghị của Âu châu và Hoa Kỳ nên người ta mới cho là có mâu thuẫn giữa hai khối hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy. Từ phía Âu châu, một số dư luận cho rằng cuối cùng thì Hoa Kỳ cũng đành công nhận là có vấn đề phải giải quyết, nhưng Tổng thống Bush vẫn thoái thác mà đề ra giải pháp khác; thậm chí người ta còn kết án Hoa Kỳ là cố tình đánh lạc hướng hoặc có ý đồ phá hoại đề nghị của Âu châu. Đồng thời, một số dư luận Hoa Kỳ xưa nay vẫn chỉ trích Chính quyền Bush cũng nhân dịp này đả kích lập trường của Tổng thống Mỹ. Vấn đề thực ra không đơn giản như vậy.

Việt Long: Nếu vậy, lại xin ông trình bày nội vụ cho nó rõ ràng để thính giả cùng rõ sự việc.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói vắn tắt thì Hoa Kỳ coi như Nghị định thư Kyoto không đạt mục đích yêu cầu, nên muốn lập ra một cơ chế giải quyết vấn đề nằm bên ngoài phạm vi của Liên hiệp quốc. Cụ thể là Tổng thống Bush đề nghị 15 quốc gia có lượng khí thải cao nhất thế giới hãy cùng lập ra cơ chế tìm giải pháp đối phó. Điểm then chốt của đề nghị là phải kéo các nước hữu trách khác ngoài khối Âu châu, Nhật Bản và Mỹ vào kế hoạch này.

Phía Âu châu thì muốn tiếp tục các cam kết trong khuôn khổ Kyoto, nhưng từ nay đến năm 2020 sẽ còn đẩy mạnh hơn việc cắt giảm thán khí thêm 20%, sử dụng năng lượng tái tạo thêm 20%, dùng năng lượng gốc khoáng sản, chủ yếu là xăng dầu, chỉ chừng 10% cho yêu cầu vận tải, tức là phải có năng lượng thay thế xăng dầu, và quan trọng nhất, Âu châu sẽ tiết kiệm năng lượng nói chung thêm 20%.

Then chốt ở đây là việc tiết giảm này được tính chung cho cả Âu châu, trong đó có quốc gia đã tiến lên trình độ năng lượng sạch hay tái tạo khá cao như Đan Mạch chẳng hạn, sẽ gánh hộ cho các nước khác. Đồng thời, nhiều nước như Pháp hay Phần Lan thì đã khai thác năng lượng nguyên tử như loại năng lượng tái tạo, nhưng có xứ khác lại chống năng lượng nguyên tử, như trường hợp của Austria hay Ireland. Trong khi ấy, phía Hoa Kỳ lại gặp loại vấn đề khác.

Việt Long: Ông có thể trình bày cho thính giả rõ hơn về những vấn đề này hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói chung, dư luận công chúng Mỹ ít nhạy cảm về vấn đề môi sinh như dư luận Âu châu và đây là lý do chính khiến Quốc hội Mỹ đã không muốn phê chuẩn Nghị định thư Kyoto từ khi ông Bush chưa là Tổng thống Mỹ. Trước đây, chỉ có những nhóm áp lực về môi sinh tại Mỹ mới tranh đấu mạnh về vấn đề này, trước sự thờ ơ của chính giới và sự thụ động của doanh giới.

Thế rồi, lần đầu tiên vào đầu năm 2006, Tổng thống Bush báo động về nạn "nghiện dầu" của Hoa Kỳ trong bài diễn văn về Tình hình Liên bang, là bài diễn văn quan trọng nhất trong năm về chính sách. Khi đó, mối quan tâm của Hoa Kỳ mới chỉ là sự lệ thuộc quá đáng vào nguồn năng lượng dầu khí nhập khẩu từ Trung Đông. Gần đây vụ này mới được coi như một vấn đề an ninh quốc gia khi nhìn vào hậu quả của nạn nhiệt hoá địa cầu, là điều mà một số tướng lãnh hồi hưu cũng bắt đầu nêu ra.

Việt Long: Nghĩa là dư luận Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề trước hết vì lý do an ninh?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy, nhưng công chúng Mỹ cũng đã chú ý nhiều hơn đến môi sinh và một vấn đề tiềm ẩn bên dưới là năng lượng. Thí dụ như một số tiểu bang miền Đông Bắc và nhất là tiểu bang California đã đi bước đầu trong việc hạn chế sử dụng năng lượng gây ô nhiễm và các doanh nghiệp cũng nhìn thấy trong đó nhiều cơ hội kinh doanh để khai thác công nghệ mới nên ủng hộ trào lưu này, nhưng không vì cùng một động lực với các nhóm bảo vệ môi sinh.

Kết hợp mối lo về an toàn năng lượng và an toàn môi sinh lẫn cơ hội kinh doanh mới, Hoa Kỳ bắt đầu có sự đồng thuận bên trong về nhu cầu xử lý vấn đề, là điều không có mươi năm về trước. Yếu tố then chốt và khác biệt với Âu châu ở đây là dân Mỹ quan tâm nhiều hơn đến an ninh và chấp nhận hy sinh hay tiếp giảm tiêu thụ vì mối lo an ninh hơn là vì e sợ ô nhiễm môi sinh. Thế rồi, đảng Dân chủ lại thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái nên đã đẩy vấn đề môi sinh lên hàng ưu tiên và muốn đưa ra những giải pháp mới bằng luật lệ có khi lại mâu thuẫn với Nghị định thư Kyoto.

Việt Long: Tổng kết lại thì các nước công nghiệp hàng đầu đều cùng quan tâm đến một vấn đề chung của địa cầu và nay phải tìm giải pháp phối hợp?Thế còn các nước nghèo khác?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta thật sự đang có một sự đồng thuận hiếm hoi khi tất cả các nước công nghiệp - trừ Liên bang Nga dù là một thành viên của nhóm G-8 - đều coi việc bảo vệ môi sinh và tiết giảm thán khí là một ưu tiên. Bây giờ, các nước đó cố tiến tới một sự đồng thuận khác là về cách thi hành để các nước tân hưng như Trung Quốc hay Ấn Độ cũng phải gánh vác trách nhiệm của mình hầu bảo vệ địa cầu chung của nhân loại.

Theo thiển ý thì Thượng đỉnh tuần này sẽ khó đạt thoả thuận lập tức, nhưng phía Mỹ đã đề ra thời hạn là từ nay đến cuối năm phải đồng ý về những cam kết tiết giảm. Khi cả thế giới đều quan tâm đến một vấn đề hệ trọng như vậy, người ta hy vọng là các nước tiên tiến sẽ sớm tìm ra giải pháp ổn thỏa cho mọi thành phần trong nước và phù hợp với yêu cầu của từng nước hay từng khối quốc gia. Về các nước nghèo thì Việt Nam cũng nên chú ý đến hồ sơ này vì nó sẽ chi phối chính sách đầu tư và năng lượng của mình, và sẽ bị theo dõi kỹ hơn về việc bảo vệ môi sinh.