Đánh giá tác động môi trường

Vietsciences-Phạm Quang Tuấn     24/04/2007

 

Những bài cùng tác giả

 Những bài liên quan

Sự biến đổi khí hậu địa cầu
Năm Địa cực Quốc tế
Hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu
Công nghệ mới để làm sạch ao hồ trong thành phố
Thiết bị chống ô nhiễm trên một diện tích lỏng
Đạo đức học môi trường từ góc nhìn văn hóa tôn giáo

Trước thế kỷ 20, ít khi người ta để ý đến ảnh hưởng của con người vào môi trường. Không phải là không có. Những hoạt động đốt rừng làm rẫy của người thượng du có thể gây lụt lội tại đồng bằng Việt Nam. Đã có nhiều giống vật bị tuyệt chủng hay gần tuyệt chủng vì con người, như bò rừng Bắc Mỹ và chim dodo (đã đi vào tiếng Anh như đồng nghĩa của sự tuyệt chủng). Đã có những nền văn minh cổ bị sụp đổ vì tác hại vào môi trường đến độ không còn khả năng nuôi sống con người. Một ví dụ nổi tiếng là nền văn minh đảo Easter, với những pho tượng đầu người (Moai) huyền bí, bị sụp đổ vì con người tàn phá thiên nhiên, đốn hết cây rừng làm cả hòn đảo trở thành sa mạc. Một trong những mục đích của việc đốn gỗ là để... chuyên chở và dựng tượng! Tuy nhiên, nói chung những tác hại của con người thời xưa thường không đáng kể so với những tai họa của thiên nhiên, vì dân số nhân loại còn quá ít, kỹ thuật còn thô sơ.

Moai đảo Easter

 

Thời nay, với dân số lớn và kỹ thuật cao, ảnh hưởng của con người lên môi trường dễ trở thành trầm trọng và có ảnh hưởng lâu dài và rộng rãi, nhiều khi toàn lục địa hay toàn cầu. Khoảng thập niên 1930, đột nhiên xuất hiện những trận bão cát khổng lồ ("Dust Bowl") tàn phá các đồng cỏ cả miền trung nước Mỹ khiến hàng triệu trại chủ và nông dân mất hết tài sản, công ăn việc làm, phải di cư đi nơi khác. Lý do là con người canh tác quá nhiều làm mất đất mầu khiến cánh đồng chỉ còn là cát và bụi. Năm 1989 tàu chở dầu Exxon Valdez đổ dầu tại vùng biển Alaska. Năm 1984 nhà máy hóa học Bhopal thải hơi độc chết 3000 người. Năm 1986 nổ lò nguyên tử Chernobyl làm cả Âu châu nhiễm phóng xạ. Hiện nay vụ sa mạc hóa và ô nhiễm vùng biển Aral đang ảnh hưởng hàng triệu người. Có những tác động cả thế giới như chất làm lạnh CFC gây lỗ ozone trên Nam cực, khí CO2 hâm nóng toàn cầu (global warming).

Bão cát Dust Bowl tại Mỹ (1935)

 

Khi một nước đang phát triển và có nhiều dự án lớn thì ảnh hưởng lên môi trường càng mạnh. Ở những nước nghèo, vì quá chú tâm vào mục tiêu phát triển kinh tế, môi trường rất dễ bị quên lãng, gây nhiều ảnh hưởng tai hại. Đó là trường hợp các nước Âu châu trong TK19 và đầu TK20, Nhật trong suốt nửa đầu TK20, và Việt Nam, Trung Quốc cùng các nước tương tự trong lúc này.

Sự khác biệt lớn nhất giữa các nước đang phát triển hiện nay và các nước Âu châu và Mỹ thời xưa là tốc độ phát triển ngày nay nhanh hơn, các dự án lớn hơn, thường có các công ty hay tổ chức lớn của ngoại quốc tài trợ, và dân số đông hơn gấp bội. Dân số nước Anh trong thời cách mạng kỹ nghệ chỉ chừng 20 triệu trong khi Việt Nam đã hơn 80 triệu. Môi trường vốn dĩ đã yếu vì mật độ dân số cao, mà dự án thì lớn, nên tác động môi trường ngày nay trầm trọng hơn thời xưa rất nhiều.

Rút kinh nghiệm của quá khứ, để giảm bớt sự tàn phá, các nước đều có những luật lệ bảo vệ môi trường. Trước khi thực hiện một dự án lớn, một trong những giai đoạn quan trọng là việc viết một Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường, tiếng Anh là Environmental Impact Assessment Report (EIA) hay còn gọi là Environmental Impact Statement (EIS). Nhà xây dựng phải viết EIA và đệ trình chính quyền. EIA phải công bố cho công chúng trong vùng bị ảnh hưởng để dân chúng có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình. Sau khi cân nhắc lợi hại, chính quyền mới chấp thuận hoặc chối từ dự án, hoặc bắt buộc nhà xây dựng phải làm cho hoàn chỉnh hơn.

Từ năm 1993 Việt Nam đã có Luật Bảo vệ Môi Trường. Luật này được sửa đổi lại và ban hành vào tháng 7 năm 2006 (http://na.vasc.com.vn/noidung.asp?id=18979), trong đó dành nguyên một mục về Đánh giá Tác động Môi trường. Đạo luật này đòi hỏi các dự án lớn, nhất là các dự án có đầu tư từ nước ngoài, phải làm EIA. Mẫu EIA cho một số các loại công trình có thể tìm thấy trên trang của Cục Bảo vệ Môi trường (Vietnamese Environment Protection Agency hay VEPA) http://www.nea.gov.vn/html/khungphaply/all.htm: dự án phát triển khu công nghiệp, dự án công trình giao thông, dự án nhà máy bia- rượu- nước giải khát, dự án nhà máy nhiệt điện, dự án nhà máy dệt - nhuộm, v.v. Dĩ nhiên, những mẫu này chỉ là vài ví dụ cụ thể.

Vì EIA đóng một vai trò quan trọng như vậy, nhà xây dựng phải cân nhắc kỹ càng xem những phương cách của mình trong dự án đã tối ưu chưa trong việc giảm tác dụng vào môi trường, có cách nào làm khác không, nếu có những tác dụng không thể tránh thì làm sao để giảm ảnh hưởng của nó tới mức tối thiểu, phải đền bù sao cho xứng đáng những người bị ảnh hưởng, v.v.

Sau đây chúng ta lược sơ vài nguyên tắc tổng quát quan trọng trong quy trình làm EIA.

 

Những dự án nào cần có EIA?

Bất cứ dụ án nào có thể ảnh hưởng vào môi trường đều cần phải có EIA. Để cụ thể, luật môi trường mỗi nước thường cho danh sách những loại dự án cần làm EIA. Cộng đồng Âu châu (European Union) có hai danh sách, danh sách I cho các công trình "nguy hiểm" luôn luôn phải làm EIA (nhà máy lọc dầu, nhà máy điện, nhà máy hóa học...), danh sách II cho các loại công trình khác làm hay không tùy trường hợp (quy mô to hay nhỏ, vị trí công trình, v.v.)

(http://ec.europa.eu/environment/eia/full-legal-text/85337.htm). Luật Môi trường Việt Nam 2006 quy định chủ các dự án sau đây phải lập Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường:

 

a) Dự án công trình quan trọng quốc gia;

b) Dự án có sử dụng một phần diện tích đất hoặc có ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, các khu di tích lịch sử - văn hoá, di sản tự nhiên, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng;

c) Dự án có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng có hệ sinh thái được bảo vệ;

d) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, cụm làng nghề;

đ) Dự án xây dựng mới đô thị, khu dân cư tập trung;

e) Dự án khai thác, sử dụng nước dưới đất, tài nguyên thiên nhiên quy mô lớn;

g) Dự án khác có tiềm ẩn nguy cơ lớn gây tác động xấu đối với môi trường.

 

Môi trường là gì?

Môi trường không phải chỉ là thiên nhiên, sinh thái, mà còn là môi trường nhân tạo. Tức là EIA cũng cần phải đánh giá ảnh hưởng của dự án vào xã hội địa phương (nhà cửa, sinh sống, giải trí, giao thông, tiếng ồn, chất lượng đời sống nói chung của dân chúng), vào kinh tế (công ăn việc làm, thu hoạch của cả vùng), vào các giá trị văn hóa tín ngưỡng, nhất là các di tích lịch sử có thể có. Một ví dụ là việc xây tòa nhà Quốc hội Việt Nam đã phải tạm dừng lại khi đào bới thấy di tích Hoàng thành Thăng Long.

 

EIA viết vào lúc nào?

Theo luật hầu hết các nước kể cả Việt Nam, chủ nhân dự án phải viết (thường là thuê một công ty chuyên môn viết, trừ những công ty lớn có đủ nhân viên chuyên môn) và trình EIA cùng với báo cáo nghiên cứu khả thi (feasibility studies report) của dự án. Tuy nhiên, với những dự án lớn, các hoạt động đánh giá tác động môi trường phải được bắt đầu ở giai đoạn nghiên cứu tiền-khả thi (pre-feasibility studies), để sớm nhận ra những tác động quan trọng nhất. Giai đoạn này gọi là Đánh giá Tác động Môi trường Sơ khởi (Initial Environmental Assessment), chủ yếu là để nhận biết sớm những vấn đề quan trọng.

 

Ai là người thẩm định EIA?

Bản EIA sẽ được đọc và thẩm định bởi chính quyền. Những dự án có tầm cỡ quốc gia thì sẽ do chính quyền trung ương (ở Việt Nam là bộ Tài nguyên và Môi trường hay bộ nào khác có thẩm quyền về dự án) thẩm định, những dự án có tầm cỡ địa phương thì do chính quyền tỉnh thẩm định.

Dâm chúng trong vùng bị ảnh hưởng phải có quyền đọc và góp ý về EIA. Do đó, cần có một phần trong EIA để tóm tắt những luận điểm chính, bằng ngôn ngữ thường ngày (everyday language), không dùng những ngôn ngữ kỹ thuật hay luật pháp mà chỉ có chuyên viên hay luật sư mới hiểu được. Phần ngôn ngữ thường ngày (plain language) này là một khoản tối quan trọng của EAI. Sự tham dự của công chúng (thường dân và các cơ quan, công ty, tổ chức v.v.) trong lộ trình đánh giá tác dụng vào môi trường là một điều tối cần, vì chính họ là một thành phần của môi trường. Ngoài ra nó cũng ngăn ngừa kiểu làm lấy lệ hay tham nhũng trong việc cứu xét ảnh hưởng môi trường của dự án.

 

Cấu trúc EIA

Tuy luật các nước có những đòi hỏi chi tiết hơi khác nhau về EIA, nhưng những điểm chính thì không có gì khác biệt và đều có những phần sau đây:

(1)   Dự án và những lựa chọn: Mục đích, các chi tiết kỹ thuật cụ thể của công trình (chẳng hạn nếu là nhà máy thì sẽ có những bộ phận gì, dùng vật liệu gì, tiêu bao nhiêu năng lượng, dùng bao nhiêu công nhân, mặt bàn ra sao, v.v.). Ngoài ra, cần cho biết những lựa chọn khác (alternatives) và so sánh chúng với dự án hiện tại. Chẳng hạn, nếu dự án là xây một cái cầu treo qua sông thì cần phải kể ra đầy đủ những biện pháp khác như xây kiểu cầu khác, hoặc xây ở chỗ khác, hoặc không xây cầu mà dùng phà, v.v. và cho biết tại sao không dùng những biện pháp đó. "Không làm gì" cũng là một biện pháp, và do đó cũng phải giải thích tại sao nên phát triển dự án này thay vì không làm gì, nếu không làm thì lợi và hại ra sao. Những so sánh này cần phải khách quan và khoa học chứ không được "một chiều" theo kiểu luật sư bào chữa cho thân chủ.

(2)   Khung cảnh môi trường nền của dự án: tả rõ môi trường có thể bị ảnh hưởng. Đây không phải chỉ là môi trường thiên nhiên (tuy rằng thiên nhiên thường chiếm một phần quan trọng) mà còn cả môi trường con người: cảnh quan, văn hóa, di tích lịch sử, xã hội (đời sống xã hội của dân chúng, giải trí), kinh tế (công ăn việc làm, lợi tức cho địa phương và toàn quốc).

(3)   Tác dụng của công trình lên môi trường: phần này là một danh sách các tác dụng mà dự án có thể có lên môi trường. Danh sách này cần đầy đủ và khách quan. Tất cả những hoạt động chi tiết liên quan đến dự án phải được liệt kê, trong các giai đoạn: xây dựng, hoạt động, và dọn dẹp (decommissioning) sau khi ngừng hoạt động. Sau đó, tác động của từng hoạt động lên các thành tố môi trường được xem xét và dánh giá. Các thành tố môi trường cần được xem xét gồm các thành tố thiên nhiên và con người, như đã nói ở trên.

(4)   Những biện pháp chủ dự án sẽ dùng để khắc phục hay giảm tới mức tối thiểu những tác động xấu của dự án.  

(5)   Kết luận - tóm tắt các điểm chính để chứng minh rằng tác động lợi nhiều hơn là hại.

 

Để liệt kê đầy đủ các tác động ở khoản (3) mà không sơ sót, một trong những phương pháp hay dùng là Leopold matrix (ma trận Leopold, hay có thể gọi là bảng tác động môi trường). Theo cách này, người ta làm một cái bảng liệt kê các hoạt động ở hàng trên cùng và những thành tố môi trường dọc cột đầu tiên, rất tỉ mỉ (chẳng hạn, môi trường thiên nhiên được chia làm đất, nước, không khí, động vật, thực vật...). Sau đó, đánh giá sơ lược tác động của mỗi hoạt động lên mỗi thành tố vào ô tương ứng bằng một vài con số: tốt hay xấu, mạnh hay nhẹ, dài hay ngắn, xác xuất lớn hay nhỏ. Sau đó, dựa lên bảng này, tả kỹ những tác động, đánh giá sự trầm trọng và khoảng thời gian tác động cũng như tầm quan trọng của thành tố môi trường bị ảnh hưởng. Một dự án lớn có thể có hàng trăm hoạt động và hàng trăm thành tố môi trường cần xét tới (tổng cộng là nhiều ngàn tác động có thể có), nhưng số tác động cần lưu ý thì ít hơn.

Ngoài những khoản kể trên, cũng cần có một đoạn tóm tắt (summary) và một đoạn để xác định những vấn đề quan trọng nhất. Vì tác dụng lên môi trường có thể có rất nhiều, mà thời gian quyết định có cho làm hay không thì giới hạn, nên cần tập trung chú ý vào những tác dụng chính, tức là những tác dụng lớn vào những thành tố quan trọng. Do đó, cần có một phần để xác định những vấn đề quan trọng cần nghiên cứu tỉ mỉ hơn. Chẳng hạn, nếu làm một dự án trong một khu thắng cảnh du lịch thì ảnh hưởng lên thiên nhiên, cảnh quan sẽ rất là quan trọng. Nếu xây phi trường thì vấn đề tiếng ồn và giao thông sẽ quan trọng. Nếu xây trong thành phố cổ như Huế hay Hà nội thì di tích lịch sử cần được chú ý. Xây trong khu đông dân cư thì ảnh hưởng vào cư dân cần chú ý.

 

Vai trò của công chúng

Vì dân chúng là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất về phương diện môi trường, nên một trong những nguyên tác căn bản trong luật môi trường quốc tế là công chúng vùng ảnh hưởng phải có cơ hội bàn luận và bày tỏ ý kiến, và chủ dự án phải tích cực tìm hiểu ý kiến của dân chúng. Nguyên tắc này được ghi rõ ràng trong các tài liệu và luật lệ của Hội Đánh Giá Tác động Môi Trường Quốc Tế (International Association For Impact Assessment)

 (http://www.iaia.org/Members/Publications/Guidelines_Principles/Principles%20of%20IA.PDF),

của Ngân hàng Phát Triển Á Châu

(http://www.adb.org/Documents/Books/Environment_Impact/chap3.pdf),

của Liên hiệp Âu châu

(http://ec.europa.eu/environment/eia/full-legal-text/85337.htm), v.v.

Luật Môi trường Việt Nam 2006 (http://na.vasc.com.vn/noidung.asp?id=18979) cũng nói tới điều này ở nhiều chỗ khác nhau. Điều 20 viết: "Ý kiến của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã), đại diện cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án; các ý kiến không tán thành việc đặt dự án tại địa phương hoặc không tán thành đối với các giải pháp bảo vệ môi trường phải được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường". Điều 21 viết: "Tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân có quyền gửi yêu cầu, kiến nghị về bảo vệ môi trường đến cơ quan tổ chức việc thẩm định; cơ quan tổ chức thẩm định có trách nhiệm xem xét yêu cầu, kiến nghị đó trước khi đưa ra kết luận, quyết định". Điều 23 cũng viết: "Chủ dự án có trách nhiệm niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án về các loại chất thải, công nghệ xử lý, thông số tiêu chuẩn về chất thải, các giải pháp bảo vệ môi trường để cộng đồng dân cư biết, kiểm tra, giám sát". Điều 124 còn viết: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên của tổ chức và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia bảo vệ môi trường".

 

Giám sát và kiểm tra

Luật lệ dù có hay đến đâu mà không áp dụng đứng đắn và không giám sát, kiểm tra thì cũng vô hiệu. Điều lệ về giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm và các cơ quan có trách nhiệm về việc này được ghi rõ trong Chương XIV của Luật Môi trường Việt Nam. Ngoài ra, dân chúng cũng có thể giúp trong việc giám sát, như Điều 128 đã viết: "Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường". Dĩ nhiên, dân chỉ có thể thấy được các hành vi vi phạm nếu chi tiết về dự án được công bố rộng rãi!

 

KẾT LUẬN

Trở lại chuyện đảo Easter, có người đã đặt câu hỏi: Khi chặt cái cây cuối cùng, hẳn người ta cũng biết mình đang chặt cái cây cuối cùng. Vậy mà tại sao họ vẫn chặt? Phải chăng khi một việc làm đã thành thói quen, truyền thống thì con người phải làm, không cách gì cưỡng được, dù biết rằng nó sẽ hủy diệt cả nước, cả thế giới của mình?

Hy vọng rằng người thời nay sáng suốt hơn dân đảo Easter. Dù là nước còn nghèo và đang trong giai đoạn phát triển, chúng ta cũng không thể chỉ tập trung vào kinh tế mà không quan tâm đến môi trường. Môi trường (kể cả môi trường văn hóa, xã hội, lịch sử) là một di sản quý giá của ông cha để lại, và thế hệ chúng ta có bổn phận gìn giữ cho các thế hệ sau. Môi trường không những quan trọng cho sức khỏe người dân mà còn là một nguồn lợi kinh tế vô giá trong tương lai lâu dài. Ngày xưa, trình độ kỹ thuật của con người cũng như mật độ dân số rất thấp nên khả năng làm hại môi trường không đáng kể, nhưng bây giờ tình hình đã hoàn toàn đổi khác. Dân số Việt Nam gấp mười lần cách đây một thế kỷ và các dự án kỹ nghệ ào ạt từ trong nước cũng như ngoài nước.

Chúng ta đừng sợ rằng sự chú ý quá đáng đến môi trường sẽ phương hại đến sự phát triển kinh tế và đời sống dân chúng. Trái lại, lợi ích kinh tế lâu dài luôn luôn đi liền với sự lành mạnh của môi trường. Một bản EIA đầy đủ luôn luôn chú ý tới những mối lợi, và hại, về kinh tế và công ăn việc làm dân chúng. Bảo vệ môi trường tức là bảo vệ nguồn sống lâu dài của người dân, tránh những mối lợi tức thời nhưng không bền vững. Nhờ môi trường tốt mà các nước Âu châu hiện nay có một nguồn lợi vô tận nhờ kỹ nghệ du lịch, các nước nông nghiệp tân tiến như Canada, Úc, New Zealand bán nông phẩm rất được giá trên thị trường thế giới. Không phải tự nhiên mà họ được như vậy. Suốt từ thời cách mạng kỹ nghệ (thế kỷ 18) cho tới thập niên 1960 xã hội Tây phương ít để ý đến môi trường, gây ra ô nhiễm trầm trọng. Từ thập niên 1970 trở đi, phong trào bảo vệ môi trường mới lớn mạnh, gây áp lực mạnh làm chính phủ và kỹ nghệ phải tôn trọng và có những biện pháp làm sạch môi trường. Cuốn sách Silent Spring (1962) của Rachel Carson và việc sáng lập Greenpeace (1971) thường được coi là những dấu mốc lớn của phong trào này.

Trong những năm gần đây pháp luật Việt Nam đã có những tiến triển lớn về mặt môi trường khi những đạo luật 1993 và 2006 được ban hành. Việc xây dựng nhà Quốc hội mới phải tạm ngưng khi khám phá di tích Hoàng thành Thăng Long cho thấy chính quyền đã bắt đầu lưu tâm đến những khía cạnh phi kinh tế. Tuy nhiên trình độ cán bộ nhân viên chấp hành còn thấp kém, thể chế còn nhiều thiếu sót, nên luật đã có mà nhiều khi chưa được áp dụng nghiêm chỉnh. Chẳng hạn, gần đây một công ty tư nhân đã xây đường cáp treo ngang vịnh Nha Trang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, thiên nhiên và kinh tế của một trung tâm du lịch lớn của cả nước, mà không trình EIA trước cho chính quyền

 (http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=191605&ChannelID=3).

Một trong những điểm yếu kém nhất trong công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam là vai trò, ý kiến của công chúng chưa được chú ý, hầu như không bao giờ dân chúng được thông tin hay hỏi ý trong các dự án xây dựng, dù điều này đã ghi rõ trong luật pháp Việt Nam và được nhấn mạnh trong các quy luật quốc tế. Mong rằng những vấn đề này được chính phủ sớm lưu tâm.

 

THAM KHẢO

 

Luật Môi trường Việt Nam 2006.

http://na.vasc.com.vn/noidung.asp?id=18979

Trang web của Cục Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPA) http://www.nea.gov.vn/

Luật Môi trường của Cộng đồng Âu châu

http://ec.europa.eu/environment/eia/full-legal-text/85337.htm).

Trang web của Hội Đánh Giá Tác động Môi Trường Quốc Tế (International Association For Impact Assessment) http://www.iaia.org

Trang web về Đánh giá Tác động Môi trường của Ngân hàng Phát Triển Á Châu http://www.adb.org/Documents/Books/Environment_Impact/chap3.pdf

John Glasson, Riki Therivel & Andrew Chadwick, Giới thiệu về đánh giá tác động môi trường.

http://www.nea.gov.vn/html/phobienkienthuc/Gioithieusach/tac%20dong%20mt.htm

 

PHỤ LỤC

Vị trí Việt Nam trong các bản xếp hạng Quốc tế về Môi trường

Năm 2005, hai Đại học Yale (Yale Center for Environmental Law & Policy)  và Columbia (Center for International Earth Science Information Network) cộng tác với World Economic Forum và European Commission Joint Research Centre, đưa ra một báo cáo về Chỉ số Bền vững Môi trường (Environmental Sustainability Index hay ESI) của các nước trên thế giới (http://www.yale.edu/esi/ESI2005_Main_Report.pdf). 

Theo bảng ESI thì Việt Nam đứng thứ 127 trên 146 nước. Bảng sau đây cho thấy chỉ số và thứ hạng của vài nước khác để so sánh. Có thể thấy là Việt Nam thấp nhất trong các nước Đông Nam Á, tuy cao hơn Trung Quốc và Đài Loan.

 

Thứ hạng

Nước

Chỉ số ESI

1

Finland

75.1

13

Úc

61.0

30

Nhật

57.3

33

Nga

56.1

38

Malaysia

54.0

45

Mỹ

52.9

46

Myanmar

52.8

52

Lào

52.4

68

Cambodia

50.1

73

Thái Lan

49.7

75

Indonesia

48.8

101

Ấn Độ

45.2

114

Bangladesh

44.1

122

Nam Hàn

43.0

125

Phi Luật Tân

42.3

127

Việt Nam

42.3

133

Trung Quốc

38.6

145

Đài Loan

32.7

146

Bắc Hàn

29.2

 

Năm 2006, Yale và Columbia lại đưa ra một báo cáo về Chỉ số Thành quả về Môi trường (Environmental Performance Index hay EPI) (http://www.yale.edu/epi/2006EPI_Report_Full.pdf). 

 

Hai chỉ số EPI và ESI khác nhau ra sao? ESI chú trọng vào đánh giá tình trạng hiện thời của môi trường mỗi nước. Tuy nhiên, môi trường xấu hay tốt tùy thuộc vào cả thiên nhiên lẫn con người và tùy thuộc nhiều vào lịch sử. Nếu một nước không may ở vào những khu vực không được thiên nhiên ưu đãi như sa mạc thì ESI sẽ dễ dàng bị thấp. Nếu một nước có một lịch sử nghèo khổ hay chiến tranh lâu dài thì thiên nhiên cũng dễ bị phá hoại. Do đó, chỉ số EPI tập trung vào đánh giá những nỗ lực và thành quả của chính quyền và dân chúng hiện thời trong việc gìn giữ, cải thiện môi trường. Cả hai chỉ số ESI và EPI đều quan trọng trong việc đánh giá môi trường của một nước.

Theo chỉ số EPI thì Việt Nam đứng thứ 99 trên 133 nước, tức là cao hơn vị trí theo chỉ số ESI. Bảng sau đây cho thấy chỉ số và thứ hạng của vài nước khác để so sánh. Có thể thấy là Việt Nam hơn được Lào và Miên, nhưng vẫn thua, nhiều khi thua quá xa, các nước khác ở Đông Nam Á.

 

Thứ hạng

Nước

Chỉ số EPI

1

New Zealand

88

9

Malaysia

83.3

14

Nhật

81.9

20

Úc

80.1

24

Đài Loan

79.1

28

Mỹ

78.5

32

Nga

77.5

42

Nam Hàn

75.2

55

Phi Luật Tân

69.4

61

Thái Lan

66.8

79

Indonesia

60.7

88

Myanmar

57.0

94

Trung Quốc

56.2

99

Việt Nam

54.3

102

Lào

52.9

110

Cambodia

49.7

118

Ấn Độ

47.7

125

Bangladesh

43.5

 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Phạm Quang Tuấn