Những bài
cùng tác giả
Những bài liên quan:
Khí hậu và hiện tượng El Nino
Thay đổi khí hậu và thiệt hại kinh tế
Sự biến
đổi khí hậu địa cầu

Hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu
Năm Địa
cực Quốc tế

Phần 1. Hiện trạng và dự đoán
tương lai
Nông
dân Việt Nam có câu “nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Giả sử
rằng trong tương lai gần nông dân VN vẫn chuyên cần, thông minh, cấp
tiến (như ngày nay) và đủ khả năng tài chánh để sử dụng phân bón hợp lý
và nhiều kỹ thuật tân tiến khác, hai yếu tố “giống” và những yếu tố liên
quan đến “nước” sẽ là những thử thách lớn cho các nhà khoa học nông
nghiệp và hoạch định chiến lược nông nghiệp ở Việt Nam. Việt Nam hiện
đang trực diên ngày càng bất lợi trong sản xuất nông nghiệp.
Thế giới và Việt Nam đã và đang kinh qua việc gia tăng nhiệt độ trung
bình. Tuy nhiệt độ trung bình gia tăng không nhiều lắm, khoảng 0.6
oC trong 100 năm qua, nhưng chính nhiệt độ thái quá (extreme
temperature) có ảnh hưởng khốc hại vì đi kèm với sóng nhiệt (heat wave),
bão tố, lụt lội và hạn hán. Trong vòng 30 năm qua, nhiệt độ trong mùa
đông trở nên ấm áp hơn ở Bắc Mỹ và Á châu, và các luồng sóng nhiệt
thường xuyên xảy ra và khốc hại hơn trước. Chẳng hạn hơn 500 người chết
vì luồng sóng nhiệt ở Chicago và Illinois năm 1995 với nhiệt độ cao bất
thường tới 38°C kéo dài trong suốt một tuần, 600 người chết
vì nóng bức ở Ấn Độ tháng 5 năm 2002 với nhiệt độ lên tới 50°C.
Vừa qua, tháng 7 năm 2006, sóng nhiệt tràn qua Bắc Mỹ và Âu Châu, có nơi
tới 43°C như ở Redding (California), và kéo dài cả tuần.
Vùng Amazon của Nam Mỹ trở nên khô hạn chưa từng có xưa nay, và tường
trình cho biết nguy cơ rừng Amazon bị huỷ diệt trong vòng thế kỹ này.
Thêm vào khuynh hướng thay đổi nhiệt độ trái đất theo chu kỳ (gia tăng
hay suy giảm nhiệt độ) từ ngày quả đất được thành lập cách đây mấy triệu
triệu năm, mà hiện nay nhiệt độ trái đất đang trên đà gia tăng, cọng với
ảnh hưởng của hiện tượng “hâm nóng toàn cầu” (global warming) gây thêm
bởi “khí nhà kiếng” (greenhouse gases) do kỹ nghệ phóng thích được tiên
đoán cách đây hơn 15 năm đã bắt đầu thấy hậu quả trên khí hậu của thế
giới và Việt Nam: kễ liên tục từ 1998, nhiệt độ trong mùa hè cao hơn
bình thường và những cơn lạnh bất thường xảy ra ở Miền Nam trong mùa
đông, mưa phân phối bất thường, khô hạn chưa từng có trước kia, đến sớm
hơn và kéo dài ở cao nguyên, Miền Trung, đồng bằng Nam Bộ và Bắc Bộ, lũ
lụt liên tục mấy năm nay trong mùa lũ làm chết hàng trăm nhân mạng ở
đồng bằng Cửu Long (không có trước kia) và Miền Trung, và bão tố cũng
xảy ra bất thường và mãnh liệt hơn trước.
Cộng hưởng với hiện tượng hâm nóng toàn cầu, hiện tượng El-Nĩno đã và
đang mang đến khô hạn và nạn cháy rừng trầm trọng, La-Nina mang bão tố
lũ lụt, đồng thời việc biến đổi thuỷ tính và lưu lượng các dòng sông
Mekong, sông Hồng, v.v., đang và sẽ đưa đến nhiều hậu quả tai hại hơn
lên nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam.
Việc biến đổi khí hậu và thuỷ tính các dòng sông sẽ ảnh hưởng vào xả
hội, kinh tế, môi trường, viển ảnh phát triển bền vững nông nghiệp, và
vì vậy sẽ ảnh hưởng lớn vào dân nghèo ở nông thôn: mùa canh tác ngắn
hơn, đất nghèo dưỡng chất hơn, rừng bị giảm tài nguyên, thú vật, cá,
đồng cỏ, và các giống cây thiếu khả năng thích ứng với môi trường mới,
côn trùng và bệnh tật nhiều hơn và trầm trọng hơn, v.v. vì vậy dân nghèo
Việt Nam sẽ nghèo hơn trong tương lai, nếu không có những biện pháp khắc
phục và cải thiện hữu hiệu ngay từ bây giờ.
Hiện tượng hâm nóng toàn cầu và vùng Đông Nam Á
Không phải chỉ mới đây mới có hiện tượng gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Trong vòng 125,000 năm qua, nhiệt độ toàn cầu có khuynh hướng gia tăng,
nhưng chưa gia tăng tới 2° C. Riêng trong 100 năm của thế
kỹ
20, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 0.6°C, và hai thập niên 1980s
và 1990s là hai thập niên nóng nhất, và các năm 1998, 2001 và 2002 là
năm nóng nhất của thiên niên kỹ. Dự đoán là nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng từ
1.4°C đến 5.8°C vào cuối thế
kỹ 21 này tuỳ theo
mức độ sa thải của khí nhà kiến ít hay nhiều, quan trọng nhất là thán
khí (dioxide carbonic, CO2).
Theo Hiệp Hội bảo Tồn Thế Giới (World Conservation Union, IUCN), Đông
Dương (Việt Nam, Lào và Kampuchia) là vùng bị ảnh hưởng nhất ở vùng Đông
Nam Á bởi hiện tượng hâm nóng toàn cầu, cọng hưởng thêm với sự biến đổi
thuỷ tính dòng sông Cửu Long gây nên bởi hiện tượng này và bởi con
người.

Khuynh hướng gia tăng nhiệt độ bất thường
trên thế giới trong 150 năm qua (Dirk Schaefer; 2002) Theo Whetton (1994), vùng duyên hải
Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan nhiệt độ tiên đoán sẽ tăng hơn
hiện nay khoảng 0.1 - 0.5°C vào 2010, và tăng thêm 0.4 - 3°C vào 2070. Tuy nhiên, bên trong nội địa ở vùng này, nhiệt độ sẽ tăng
nhiều hơn, khoảng 0.3 - 0.7°C vào 2010, và 1.1 - 4.5°C
vào 2070.
Tương tự như vậy, dựa trên dữ kiện khí tượng ghi được trong 30 năm, từ 1961
đến 1991, cơ quan IPCC (Intergovernmental Panel on Climate Change) tiên đoán
nhiệt độ sẽ gia tăng +1°C ở bán đảo Đông Dương vào 2010 - 2039,
và +3°C đến +4°C vào 2070 - 2099, và
vũ lượng sẽ
giảm –20 mm vào 2010 - 2039, nhưng tăng +60 mm vào 2070 - 2099. Đồng thời
mực nước biển sẽ dâng cao thêm 6 cm/năm, và như vậy nước biển dâng cao thêm
20 cm vào 2030, và 88 cm vào 2100, đe doạ trầm trọng cho vùng duyên hải Đông
Nam Á, khoảng 20,000 km2 đất dọc duyên hải của Mã Lai, Thái Lan
và Indonesia sẽ bị chìm trong nước biển, thủ đô Bangkok hiện nay chỉ cao hơn
mặt biển 1m sẽ bị đe doạ nặng nề. Bangladesh sẽ mất 15% diện tích đất vào
cuối thế kỹ này vì tràn ngập nước biển.
Biến đổi nhiệt độ và vũ lượng ở Việt Nam như thế nào?
Tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình hàng năm không có gia tăng trong khoảng
thời gian từ 1895 (khi bắt đầu có sở khí tượng) đến 1970, tuy nhiên nhiệt độ
trung bình hàng năm ở Việt Nam gia tăng đáng kể trong ba thập niên qua, gia
tăng khoảng 0.32 oC kể từ 1970, trong lúc trong vòng 100 năm qua
nhiệt độ trung bình hàng năm tăng 0.3 oC ở Sri Lanka, và 0.57
oC ở Ấn Độ.

Khuynh hướng gia tăng nhiệt
độ trung bình hàng năm trên toàn cầu (hình trên) và ở Việt Nam (hình dưới)
Nghiên cứu dữ kiện khí tượng chi tiết của Sở
Khí Tượng Việt Nam cho thấy trong vòng 30 năm qua, VN có khuynh huớng gia
tăng nhiệt độ đáng kể, các tỉnh Miền Bắc gia tăng nhiều hơn Miền Nam, đặc
biệt trong những tháng mùa hè với biên độ lớn hơn. Ở Miền Bắc, trong vòng 30
năm (1961-1990), nhiệt độ tối thiểu trung bình trong mùa đông gia tăng 3°C ở Điện Biên, Mộc Châu; 2°C ở Lai Châu, 1.8°C
ở Lạng Sơn, 1°C ở Hà Nội và Bắc Giang. Ở Miền Nam, nhiệt độ tối
thiểu trung bình gia tăng ít hơn, tăng 1.2°C ở Rạch Giá và Ban
Mê Thuột, tăng 0.8°C tại Sài Gòn, tăng 0.5°C tại Nha
Trang. Nhiệt độ trung bình trong mùa hè không gia tăng mấy. Riêng tại thành
phố Sài Gòn, nhiệt độ trung bình ở Sài Gòn từ năm 1984 đến 2004 cho thấy
càng ngày càng tăng lên. Chẳng hạn, vào năm 1984, nhiệt độ trung bình ở Sài
Gòn là 27.1°C, và riêng trong 5 năm 2001-2005, nhiệt độ trung
bình đã lên đến 28°C, trong 10 năm 1991-2000 tăng 0.4°C,
bằng mức tăng của 40 năm trước đó. Nhiệt độ cao nhất trong khu vực miền Nam
luôn luôn xuất hiện tại Phước Long, Ðồng Xoài và Xuân Lộc.

Khuynh hướng gia tăng nhiệt độ mùa đông ở
Việt Nam trong thế kỹ 20 (theo Dr. Dirk Schaefer, 2002)

Khuynh hướng gia tăng nhiệt độ mùa hè ở Việt
Nam trong thế kỷ 20 (theo Dr Dirk Schaefer, 2002)
Cũng trong thời gian 1961-1990, số giờ nắng
trung bình hàng năm và vũ lượng trung bình hàng năm ở Việt Nam cũng biến đổi
nhiều. Số giờ nắng trung bình hàng năm giảm 20 giờ ở Bắc Giang, Hà Nội và
Hải Dương, giảm 10 giờ nắng ở Nam Định. Ở Miền Nam, gia tăng 20 giờ nắng ở
Nha Trang, tăng 18 giờ nắng ở Pleiku, tăng 10 giờ nắng ở Ban Mê Thuột, nhưng
giảm 20 giờ nắng ở Cần Thơ và Bạc Liêu.
Cũng trong 30 năm qua (1961-1990), nước mưa và sự phân phối nước mưa cũng
thay đổi. Nói chung cho cả nước thì vũ lượng có khuynh hướng giảm trong thế
kỹ 20. Tuy nhiên, vũ lượng gia tăng ở các tỉnh miền Bắc VN, trong khi sút
giảm ở các tỉnh miền Nam. Chẳng hạn mưa ở Đà Nẵng và Ban Mê Thuột tăng 200
mm/năm, ở Bắc Giang tăng 150 mm/năm, nhưng giảm 100 mm/năm ở Bạc Liêu.

Khuynh hướng giảm vũ lượng
trung bình hàng nằm tại Việt Nam (theo Dirk Schaefer, 2002)
Dựa trên các mô hình tiên đoán khí tượng,
nhiệt độ trung bình ở Hà Nội sẽ gia tăng 1°C vào 2050, và khoảng
2.5°C đến 4°C vào 2100. Về vũ lượng, mặc dầu các
tiên đoán cho biết có khuynh hương gia tăng lượng nước mưa ở vùng Hà Nội,
nhưng cũng có khả năng giảm 15% nước mưa so với ngày nay, hay gia tăng 30%
vào cuối thế kỹ này. Tiên đoán khả tín là vũ lượng gia tăng 2% vào 2050 và
5% vào 2100 tại vùng Hà Nội.
Tại vùng Sài Gòn, biến đổi nhiệt độ và vũ
lượng tiên đoán là không lớn lắm trong vòng 30 năm tới, nhiệt độ sẽ gia tăng
khoảng 2°C và tăng chút ít vũ lượng vào cuối thế kỹ này. Tuy
nhiên, cũng có khả năng gia tăng nhiệt độ tới 3.6°C và giảm 5%
vũ lượng vào cuối thế kỹ.
Tại vùng duyên hải Việt Nam, theo Whetton (1994) tiên đoán, vũ luợng có thể giảm 5% trong những tháng Gió Mùa Đông Bắc (mùa mưa), không
ảnh gì trong mùa khô vào 2010, nhưng vào năm 2070, vũ lượng có thể tăng 15%
vào mùa mưa, và tăng 10% trong mùa khô.
Ẩm độ không khí có khuynh hướng giảm ở Miền Nam, làm hiện tướng bốc hơi nước
gia tăng, vì vậy sẽ gây nhiều hạn hán trầm trọng ở Miền Nam hơn Miền Bắc
trong tương lai.
 
Tiên đoán biến đổi nhiệt độ
(hình trái) và vũ lượng (hình phải) vùng Hà Nội trong thế kỹ 21. Đường giữa
biểu thị tiên đoán khà năng xác suất cao nhất, còn vùng màu biểu thị có khả
năng xảy ra
 
Tiên đoán biến đổi nhiệt độ
(hình trái) và vũ lượng (hình phải) vùng Sài Gòn trong thế kỹ 21. Đường ở
giữa biểu thị tiên đoán khả năng xác suất cao nhất, còn vùng màu biểu thị có
khả năng xảy ra
Nước biển dâng cao
Tại Việt Nam, mực nước biển được theo dõi lâu đời và khá chính xác là Hòn
Dâu ở Miền Bắc. Kết quả cho thấy mực nước biển dâng cao khoảng 0.19 cm/năm
trong khoảng thời gian 1955-1990. Một cách cụ thể, mực nước biển tại VN đã
dâng cao 5 cm trong vòng 30 năm qua. Tương tự như vậy, tại Thừa Thiên, Sở
Quan trắc tường trình mực nước biển tại đây đã dâng cao hơn 5 cm, khiến xói
lở thêm trầm trọng (Vnnews, 12/5/2005). Với mức độ dâng cao hiện nay (0.19
cm/năm ở Hòn Dâu), nước biển sẽ dâng cao thêm 20 cm vào năm 2100, và nếu với
vận tốc dâng như IPPC tiên đoán thi nước biển sẽ dâng cao thêm 64 cm vào năm
2100. Vùng duyên hải VN có độ cao 1m trên mặt biển chiếm một diện tích rất
lớn dọc theo 3,000 km bờ biển sẽ bị đe doạ trầm trọng. Nhiều nơi trong thành
phố Sài Gòn chỉ cao hơn mặt biển 3 m. Nếu mực nước biển dâng cao hơn hiện
nay 100 cm, sẽ có khoảng 40,000 km2 đất trên toàn lãnh thổ VN,
chiếm 21.1% diên tích toàn quốc, bị chìm ngập nước biển (Schaefer, 2003).

Khả năng bị nước biển tràn
ngập (phần tô màu xám) vào năm 2075 khi nước biển dâng cao thêm 50 cm
Vùng duyên hải Bắc Phần và duyên hải đồng
bằng Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, nhất là nhiều vùng ở Cà Mau, chỉ
cao hơn mặt nước biển 0.5 m, trong lúc thuỷ triều cao là 4m. Đồng bằng Cửu
Long chỉ cao hơn mực nước biển trung bình từ 0 đến 4 m, nên khả năng chìm
dưới mặt biển khá lớn, nhất là vùng rừng ngập mặn (mangrove) hiện nay, và
coi như một phần lớn đồng bằng bị đe doạ bởi triều cường từ phía biển hay
nước lũ phía thượng lưu sông Cửu Long. Tuy nhiên, nhờ số lượng phù sa do
sông Cửu Long mang vào địa phận Việt Nam hàng năm khoảng 13,250 tấn, một
phần lắng tụ trên đồng bằng làm phì nhiêu đất đai, một phần bồi đắp lấn ra
biển dọc duyên hải, nhờ rừng ngập mặn, hàng năm đất lấn ra biển từ 6 m đến
80 m (tại Mũi Cà Mau). Vì vậy diện tích mất đất vì nước biển dâng cao sẽ
không nhiều ở Đồng bằng Cửu Long như đã tưởng tượng (nếu rừng ngập mặn không
bị tàn phá).
Biến đổi lưu lượng nước dòng sông
VN có 2,360 sông và suối (dài hơn 10 km). Tổng số lưu lượng nước của VN là
835 tỉ km3, trong số đó 63% là từ ngoài biên giới chảy đến. VN
ước lượng có khoảng 58 km3 nước ngầm. Tiềm năng thuỷ điện của VN
khoảng 17,400 MW, hiện tại sử dụng 15% tiềm lực này để cung ứng một nửa điện
tiêu thụ ở VN. Lưu lượng các dòng sông lớn ở Đông Dương đã được theo dõi từ
thời Pháp thuộc. Kết quả cho thấy lưu lượng (run-off) suy giảm trong hai
thập niên 1940s và 1950s trên sông Hồng và Cửu Long. Nhưng từ cuối thập niên
1960s cho tới ngày nay, dòng chảy gia tăng trên sông Lô và Cửu Long (đo tại
Vientiane).
Sông Cửu Long dài 4200 km, hạng 12 trên thế
giới nếu xếp hạng theo chiều dài, hạng thứ 8 về lưu lượng, có lưu lượng
trung bình hàng năm với 475,000 triệu m3 nước (Mekong River
Commission, 1997), vào địa phận Vietnam với lưu lượng 53,000 triệu m3
nước, với lưu luợng chảy trung bình 15,000 m3/giây (hạng 8 trên
thế giới, tại Tân Châu là 14,200 m3 nước /giây). Lưu vực sông Cửu
Long chiếm 795,000 km2, trong số này VN chiếm 64,300 km², đứng
hạng 21 lưu vực lớn trên thế giới, xuyên qua sáu quốc gia là Trung Quốc,
Miến Điện, Lào, Thái Lan, Kampuchia và Việt Nam, nuôi sống 65 triệu dân
trong lưu vực, trong số đó là 18 triệu dân Việt ở đồng bằng Cửu Long Việt
Nam, cung cấp lương thực cho khoảng 300 triệu dân trên thế giới. Sông Mekong
là nơi sinh sống của 1300 loài cá, cung cấp khoảng 1.6 - 1.8 triệu tấn cá
/năm cho toàn khu vực (Rohert, 1995).
Nước mưa trên phần đất Lào cung cấp 35% lưu lượng nước sông Mekong. Trong
vòng 20 năm qua, vì nạn phá rừng, tuy lượng nước mưa giảm nhưng vì không có
lực cản và giữ nước, bao nhiêu nước mưa hứng được trên vùng này chảy dồn tạo
lưu lượng lớn trong thời gian ngắn, gây nên lụt lội trong mùa lũ, và thiếu
nước trong mùa hạn ở hạ lưu (Việt Nam). Đồng thời gây nhiều soi mòn đất đai
ở thượng nguồn, và nhiều trầm tích ở hạ lưu.
Biển Hồ phân phối nước ở hạ lưu. Trong mùa khô, Biển Hồ có diện tích nước là
3,000 km2, sâu trung bình 1m. Biển Hồ là nơi tích trữ nước của
Mekong. Trong năm bình thường, từ tháng 6 nước bắt đầu chảy vào Biển Hồ qua
sông Tonlesap, nước hồ bắt đầu dâng cao, chứa 80 tỉ m3 nước trong
vòng 100-120 ngày. Trong số này là 34 tỉ m3 nước do nước mưa
trong lưu vực chảy tới, và 46 tỉ m3 nước do từ Mekong chảy vào,
làm nước Biển Hồ sâu 11 m, và diện tích mặt hồ lên 10,000 km2. Từ
tháng 10 đến tháng 5, nước từ Biển Hồ chảy ra Mekong, vào sông Hậu Giang
(Bassac) và Tiền Giang của Việt Nam trước khi ra biển. Vì nạn phá rừng trầm
trọng trong lưu vực, đất bị xoi mòn theo dòng nước làm cạn dần đáy Biển Hồ,
sức chứa giảm, vì vậy một khối lượng lớn nước, thay vì tràn vào Biển Hồ như
trước kia, nay chảy thẳng vào Hậu Giang và Tiền Giang, gây nên lụt lớn ở
phần đất Việt Nam. Ngược lại, trong mùa khô hạn, nước sông Mekong cạn kiệt.
Tháng 3/2004, sông Cửu Long cạn nhất trong vòng 40 năm qua: Tại Chiang Rai
(Thái Lan) nước chỉ còn sâu 90 cm, tại Châu Đốc ngày 18/3/2004 nước sâu 80
cm tại mốc đo, chỉ còn sâu 40 cm vào ngày 25/3/2004.
Tiên đoán vũ lượng năm 2070 cho biết ở thượng
nguồn sông Mekong, tại vùng Lankan thuộc Trung Quốc, luợng nước mưa trong
mùa khô sẽ không thay đổi, nhưng giảm 20% trong mùa mưa, từ 109 tỉ m3
nước/năm hiện nay xuống 87 tỉ m3 nước /năm vào 2070. Ở vùng
cao nguyên Bắc Lào, lượng nứơc mưa sẽ không thay đổi, vẫn 114 tỉ m3
nước /năm. Ở Cao nguyên Korat, vũ lượng gia tăng 10%, từ 124 tỉ m3
nước /năm hiện nay lên 137 tỉ m3 nước /năm vào 2070. Tai vùng cao
nguyên VN, mùa khô sẽ kéo dài thêm, và trong mùa mưa thì mưa nhiều hơn ở hai
đỉnh mưa là tháng 5-7 (tăng 20%) và 9-10 (tăng 60%), trong lúc vũ luợng giảm
10% trong thăng 8. Tựu chung, vũ lượng/năm tăng 3%, từ 110 tỉ m3
nước/năm lên 114 tỉ m3 nước/năm. Tại vùng hạ lưu Mekong, mùa khô
sẽ kéo dài hơn hiện nay 2 tháng và trầm trọng hơn hiện nay, và vũ lượng sẽ
tăng trong mùa mưa, tập trung vào tháng 9 mưa nhiều hơn 80%. Tựu chung, vũ
lượng cả năm không thay đổi, vẫn 197 tỉ m3 nước/năm như hiện nay

Thêm vào đó, trong vòng 30 năm qua, 13 đập
nước lớn (>10MW), vài ngàn hồ nước nhỏ (Cambodia 800, Lao PDR 600, Viet Nam
600, Thailand 4,000) đã xây dựng dọc sông Mekong và chi lưu, và hơn 100 dự
án thuỷ điện lớn nhỏ trên Mekong dự trù xây dựng, sẽ đe doạ vùng hạ lưu Việt
Nam và Kampuchia.
Tại Miền Bắc, sông Hồng và sông Thái Bình có lưu lượng hàng năm tổng cộng
khoảng 137 tỉ m³, trong số đó 90 tỉ m³ nước trong phần lãnh thổ Việt Nam.
Cũng như sông Mekong, măc dầu có các hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình và Thác Bà,
vào mùa lũ lụt thì nước tràn có thể phá vỡ đê điều gây lụt khốc hại như lũ
lụt 1971, trong khi bắt đầu mùa khô thì nước rút cạn. Năm 2005, nước sông
Hồng cạn kiệt, nước các hồ chứa xuông thấp, chính phủ VN hy sinh nông
nghiệp, chỉ dùng nước còn lại để tạo điện nhưng vẫn không đủ điện cung cấp
cho Miền Bắc. Chỉ mới tới tháng 2/2006 mà sông Hồng cũng đã cạn, mực nước
1.46 m tai Hà Nôi, 0.31 m tai Phả Lại, thấp nhất trong 100 năm qua.
Tiên đoán vũ lượng cho biết Miền Bắc sẽ mưa nhiều do hậu quả hâm nóng toàn
cầu, cộng với bão tố, lưu lượng các sông sẽ gia tăng trong tương lai, có
nguy cơ phá huỷ đê điều gây lũ lụt. Và vào mùa hạn, đồng bằng sông Hồng sẽ
thiếu nước canh tác.
Tiên đoán cho các tỉnh Bắc Trung Phần là có gia tăng lưu lượng hàng năm trên
các dòng sông, tập trung vào các tháng bão, sẽ gây nhiều lũ lụt lớn. Ngược
lại, mùa hạn sẽ khô hạn trầm trọng hơn hiện nay.
Ngược lại, các tỉnh trung và nam Trung Phần lưu lượng hàng năm sẽ giảm, đặc
biệt Ninh Thuận và Bình Thuận, hạn hán và sa mạc hoá sẽ trầm trọng trong
tương lai.
Tại các tỉnh Nam Trung Phần và Miền Đông Nam Phần, lưu vực Đồng nai chứa
47,065 tỉ m3 nước, trong đó sông Đồng Nai có lưu lượng 36.6 tỉ m3
nước, nuôi 15 triệu dân gồm các thành phố lớn kỹ nghệ như Sài Gòn, Bình
Dương, Đồng Nai, Bà Rịa, Vũng Tàu. Lưu vực sông Đồng Nai bao gồm vùng đồng
bằng thấp nơi xảy ra lụt lội hàng năm trong mùa lũ lụt và nước mặn xâm nhập
trong mùa khô, cho tới vùng đồi núi cao 1,600 m. Tổng cộng diện tích lưu vực
khoảng 48,471 km2, chiếm khoảng 15% diện tích toàn quốc, bao gồm
10 tỉnh gồm một phần đồi núi Ninh Thuận Bình Thuận, Cao nguyên cho tới Đồng
Nai, có vũ lượng từ 600 mm/năm (vùng Ninh Thuận) đến 2,000 mm/năm (cao
nguyên), gồm các sông chính là sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, sông La
Ngà, Vàm Cỏ Đông. Hồ chứa nước quan trọng nhất cho nông nghiệp là Hồ Dầu
Tiếng, và thuỷ điện Trị An (La Ngà). Hồ Dầu Tiếng với dung tích hữu hiệu
1,45 tỷ m3 nước, diện tích mặt nước 27,000 ha (trên địa bàn Tây
Ninh 20,000 ha) có khả năng tưới cho 175,000 ha đất canh tác. Sông Sài Gòn
phát nguồn từ Hớn Quản, có lưu lượng trung bình 54 m3/giây. Vào mùa khô,
nước mặn 4% muối đến vùng Lái Thiêu, năm khô hạn hơn, thì đến Thủ Dầu Một.
Trên sông Đồng Nai, nước mặn 4% muối đến Long Lai trong mùa hạn.
Bão tố và lũ lụt
Lũ lụt gây nên bởi mưa nhiều trong thời gian ngắn, nước thoát chảy không
kịp. Ở những vùng trũng, chỉ cần mưa nhiều ở vùng đất cao hơn, ở thượng
nguồn, cũng đủ tạo ra lũ lụt. bão tố thường kèm theo mưa nhiều nên thường
tạo lũ lụt khủng khiếp. lũ lụt xảy ra khốc liệt hơn nếu nhằm lúc có triều
cường lớn, như trùng các ngày xuân phân (21/3) hay thu phân (21/9), cùng lúc
với trăng tròn (ngày rằm) hay không trăng (mồng một âm lịch). Theo tài liệu
Sở Thuỷ Văn VN, số lượng và cường độ bão tố gia tăng rất khốc liệt ở VN kể
từ 1950.

Tại Miền Bắc, hàng năm những trận bão và gió
mùa Tây Nam gây nên những trận mưa lớn ở miền thượng du cũng như đồng bằng
miền Bắc. Do ảnh hưởng của biến động thời tiết trên toàn thế giới vì dòng
nước El Nino [**] và La Nina, những trận bão và mưa lớn xảy ra càng khốc liệt
hơn.
Mùa bão thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, và trung bình hàng năm có 4
cơn bão. Các trận lũ lớn đa số xảy ra vào tháng 8, nhằm vào cao điểm của mùa
mưa bão. Những cơn bão này thường xuất phát từ Phi Luật Tân, Biển Đông và
Tây Thái Bình Dương, rồi 3-4 ngày sau sang đến bờ biển VN.
Địa hình thượng lưu các sông gồm các vùng đồi núi với độ dốc lớn nên nước
mưa đổ nhanh chóng xuống vùng đồng bằng. Mỗi khi có mưa to, vùng đồng bằng
sông Hồng nhận nước lũ từ hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.
Hệ thống sông Hồng bao gồm sông Đà, sông Hồng, sông Thao nhập lưu tại Việt
Trì, và hệ thống sông Thái Bình gồm các nhánh chính là sông Cầu, sông
Thương, sông Lục Nam nhập lưu tại Phả Lại. Dầu được bão vệ bởi môt hệ thống
đê dài trên 3,000 km, đa số các trung tâm đông dân cư đều nằm dưới mực nuớc
lũ sông Hồng. Vì vậy khi mưa quá to và nước lũ làm vỡ đê làm nhiều nguời
thiệt mạng.
Trong lịch sử cận đại, những trận lụt kinh hoàng gây nhiều tổn thất ở Miền
Bắc đã được ghi: Lụt năm Canh Dần (1890) do mưa nhiều phá vỡ đê làng Mể
Tràng, tiếp theo lụt Quí Tị (1893), và Ất Tị (1905) tàn phá Hà Nam.
Trong vòng 100 năm qua, đồng bằng sông Hồng đã có 26 trận lũ lớn. Một trận
lũ lớn vào tháng 8 năm 1945 gây vỡ đê tại 79 điểm, gây ngập 11 tỉnh với tổng
diện tích 312,000 ha, ảnh hưởng tới cuộc sống của 4 triệu người.
Đặc biệt vào năm 1971, ảnh hưởng dòng nước lạnh La Nina đã gây nên những
trận mưa to liên tục. Một cơn bão từ miền nam Trung hoa gần Hồng Kông mang
đến những trận mưa to trên các sông Thao, sông Lô và sông Đà.
Nuớc lũ từ các sông này đã hợp lại gây nên cơn lũ lịch sử của đồng bằng sông
Hồng. Mực nước Sông Hồng ngày 20/8/1971 lên đến 14.13 m ở Hà Nội (cao hơn
mực nước báo động cấp III 2.63 m), 18.17 m ở Việt Trì (cao hơn 2.32 m mức
báo động cấp III) và 16.29 m ở Sơn Tây (1.89 m cao hơn mức báo động cấp
III). Đồng thời mực nước ở các sông Cầu, sông Lô, sông Thái Bình lên cao hơn
bao giờ hết.
Cơn lũ vào tháng 8 năm 1971 đã làm vỡ đê Sông Hồng và 100,000 người đã bị
thiệt mạng. Đây là cơn lũ lớn nhất trong vòng 250 năm ở miền Bắc. Ngày
24/7/1996, bão Frankie với gió to hơn 100 km/giờ kèm với mưa to gây lũ lụt
làm 100 người bị thiệt mạng, 194,000 căn nhà bị hư hại và hơn 177,000 ha bị
úng ngập. Tháng 9/2002 bão Mekkhala (tiếng Thái có nghĩa “thiên thần sấm
sét”, VN gọi là bão số 5) thổi vào Miền Bắc cũng gây thiệt hại đáng kể.
Tại Miền Trung, hàng năm những trận bão và gió mùa Đông Bắc đã gây nên những
trận mưa lớn. Những năm gần đây, những trận bão biển và mưa lớn xảy ra càng
khốc liệt hơn. Mùa bão thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11, và trung bình
hàng năm có 4 cơn bão. Tại Miền Trung, những trận bão lụt gây thiệt hại nổi
tiếng: 1953, 1964 (Giáp Thìn), 1996, 1998, hai trận lụt tháng 11 và 12/1999
(kỹ Mảo), tháng 9/2000 (bão Wukong vào Hà Tỉnh), tháng 11/2003, và trận bão
tháng 4/2005 tại Thừa Thiên do ảnh hương La Nina, và lụt ngày 18 và
19/9/2005 vùng Quảng Trị do bão Vincente.
Năm 1998, sau đợt khô hạn kéo dài, liên tục 4 cơn bão 6, 7, 8, 9 tàn phá các
tỉnh duyên hải miền Trung. Đặc biệt đầu tháng 11 và tháng 12/1999, cơn đại
hồng thủy chưa từng có ở nước ta trong nửa thế kỹ qua đã gây lũ lụt lớn từ
Quảng Bình đến Phú Yên. Ngày 15/11 năm 2003, mưa lũ lụt từ Quảng Nam đến
Bình Thuận cuốn trôi 60 dân, 40,000 dân phải chạy trốn lụt, ở Quảng Ngãi và
Bình Định gây thiệt hại khoảng 11.5 triệu US$ cho hai tỉnh này.
Năm tỉnh Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Ninh Thuận và Bình Thuận là thường
xuyên bị lụt và hạn hán thường xuyên hàng năm. Riêng trong những năm
1995-1999, Miền Trung đã chịu ảnh hưỡng của 13 cơn bão: năm 1996 giết 400
người, tiếp theo 3 trận bão liên tục cuối năm 1998 giết 450 người, rồi hai
cơn lũ lụt tháng 11 và đầu 12 năm 1999 (kỹ Mảo) tàn phá và giết hơn 700
người, gây thiệt hại 300 triệu USD. Đặc biệt vào trận bão lụt tháng 11/1999,
những trận mưa liên tục từ 18 tháng 10 đến 6 tháng 11 đã nâng mực nước các
sông lớn ở miền Trung đến độ cao chưa từng thấy.
Gần 1.4 m (1384 mm) nước mưa đã đổ xuống thành phố Huế trong vòng 24 giờ (từ
7 giờ sáng ngày 2 đến 7 giờ sáng ngày 3 tháng 11), làm mực nước Sông Hương
lên cao gần 6 m, cao hơn mực nước trận lụt năm 1953 đến 0.46 m. Lượng nước
mưa vào ngày 2 tháng 11 tại Huế là lượng nước mưa lớn thứ nhì trên thế giới,
sau kỷ lục 1870 mm đo được tại Cilaos, đảo Réunion vào ngày 16 tháng 3 năm
1952. Tháng 4 và 5/2005, ảnh hưởng La Nina lụt ở Thừa Thiên Quảng Trị. Rạng
sáng ngày 18.2, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ Quảng Trị và vùng phía
bắc huyện Phong Điền đến Thừa Thiên - Huế, mưa lớn trên diện rộng đã gây ra
một trận lũ lớn bất thường chưa từng thấy trong vòng hơn 30 năm trở lại đây.
Tại Miền Nam, trận bão tàn khốc năm Giáp Thìn (16/3/1904), cọng hưởng với
mưa to và triều cường ngày xuân phân, gây sóng thần với nhiều đợt sóng cao
hơn 10 m và giết trên 5000 người tại Gò Công. Sau trận bão lụt khủng khiếp
này là trận lụt lớn năm 1924, 1952, 1961, 1964, 1966, 1978, 1984, 1991,
1994, 1995, 1996, bão Linda cuối năm 1997(tàn phá vùng Cà Mau), lụt tháng
9/2000, tháng 10/2001, tháng 9/2002, rồi bão số 5 thổi vào Cà Mau ngày
25/11/2004. Trung bình tại vùng đồng bằng Cửu Long, cứ trung bình mỗi 5 đến
12 năm là có một trận lụt khủng khiếp: 1961, 1966, 1978, 1984
và 1991.
Trận lụt 1961 coi như là trận lụt lớn nhất ở Đồng bằng Cửu Long kể từ 1941,
với mực nước ghi trên cọc ghi trên sông Hậu ở Châu Đốc là 4.94 m và trên
sông Tiền tại Tân Châu là 5.28 m.
Trận lụt 1966 gây thiệt hại ở Đồng bằng Cửu Long khoảng 20.1 triệu USD.
Tháng 11/1997, cơn bão số 5 (Linda) đổ bộ vào vùng duyên hải Nam Bộ, gây
thiệt hại lớn về người và của ở 9 tỉnh, làm chết khoảng 3,000 người, là trận
bão khốc liệt nhất trong 100 năm ở vùng này. Trận lụt tháng 10 năm 2000, coi
như cơn lụt của thế kỹ ở vùng này, giết gần 1000 người ở địa phận VN và
Cambodia, tổn thất tổng cộng khoảng 500 triệu USD. Trận lụt tháng 10 năm
2001, giết 80 người ở vùng biên giới VN và Cambodia. Lụt tháng 9/2002 cũng
gây thiệt hại to lớn ở Đồng bằng Cửu Long.
Tại Đồng bằng Cửu Long, hàng năm đều có lụt xảy ra định kỳ. Các cơn lũ bắt
đầu khi nước sông Cửu Long dâng cao làm ngập vùng Savannakhet và Pakse ở Nam
Lào, rồi đến vùng Kratie ở miền Đông Kampuchea. Nước lũ từ thượng lưu theo
sông Tiền và sông Hậu chảy vào VN.
Mùa lũ thường kéo dài từ cuối tháng 6 cho đến cuối tháng 12 và được chia ra
ba giai đoạn. Trong giai đoạn 1, từ tháng 7 đến tháng 8, nước lũ chảy vào
các kinh và các mương rạch thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long
Xuyên.
Cao điểm lũ lụt xảy ra trong giai đoạn 2 khi mực nước sông Tiền ở Tân Châu
cao hơn 4.2 m, và mực nước sông Hậu ở Châu Đốc cao hơn 3.5 m. Vào mùa lũ lụt
lớn, nước lũ tràn qua biên giới Việt Miên chảy vảo Đồng Tháp Mười và khu Tứ
Giác Long Cuyên. Lưu lượng nước lũ tràn qua biên giới Việt Miên có khuynh
hướng gia tăng, từ 2,930 m3/s trong trận lũ 1961, lên 6,300 m3/s
trong trận lụt 1991, và 8,286 m3/s năm 1996.
Giai đoạn 3 bắt đầu từ tháng 10 khi mực nước hạ thấp dần cho đến cuối tháng
12. Vào mùa lụt những năm bình thường, 1/3 diện tích đồng bằng bị ngập, có
nơi sâu 3-4 m. Tại Mộc Hoá mùa lũ hiện nay đến sớm hơn 12-15 ngày so với
thập niên 1970s, lúc vụ lúa hè thu chưa kịp chín để thâu hoạch, năm nào lũ
đến sớm trước 15/8 coi như mất trắng thâu hoạch.

Không cần phải mưa lớn mới có lụt. Ngay
trong mùa khô, chỉ cần triều cường mạnh, kết hợp với gió chướng và thuỷ
triều thiên văn rằm tháng hai âm lịch trùng với ngày xuân phân 21/3 dương
lịch là đủ gây lụt ở những vùng đất thấp như một số vùng duyên hải Nam Bộ và
một số vùng của Sài Gòn. Khoảng 140 km2 trong TP Sài Gòn có nguy cơ ngập
lụt, tập trung ở quận 1, 3, 4, 5, 7, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình
và Bình Chánh. Chẳng hạn, triều cường tháng 3/2005 và 3/2006 đã gây ngập lụt
và vỡ đê ở một số quận Sài Gòn như Bình Thạnh, có nơi sâu tới 1m5 (theo
SBTN, 06/3/2006). Triều cường tháng 9 (Thu phân 21/9) kết hợp với mưa, nước
lũ tạo lụt lội trầm trọng hơn trên khắp đồng bằng Cửu Long.
Tiên đoán cho biết vì lưu lượng sông Mekong gia tăng 10% trong mùa lũ (Tháng
9 và 10), nên lũ lụt ở đồng bằng Cửu Long sẽ trầm trọng hơn, đến sớm hơn và
kéo dài hơn hiện nay. Hậu quả là thâu hoạch vụ lúa hè-thu có thể mất trắng,
và canh tác vụ đông xuân sẽ trễ hơn
Hạn hán
Hạn hán cũng trầm trọng và kéo dài hơn trước kia trên nhiều vùng lãnh thổ
Việt Nam. Trong thời gian từ 1962-1992, Châu Á bị hạn hán trầm trọng, gây
thiệt hại đứng hạng ba, sau lụt và bão tố. Hạn hán năm 1962 ở Bắc Việt và
Bắc Trung Việt phá huỷ 370.000 ha hoa màu, và trận hạn hán 1982 tàn phá
180,000 ha cây màu ở đồng bằng Cửu Long. Cũng vậy, năm 1983 mất 291,000 ha ở
miền Trung và Nam VN. Năm 1988, hạn hán xảy ra trên toàn quốc. Vụ Đông Xuân
1992-1993, việc sản xuất ở đồng bằng Cửu Long giảm 559,000 tấn lúa. Năm 1993
khoảng 175,000 ha ở miền Trung bị hạn trong số đó 35,000 ha bị chết hoàn
toàn, mất khoảng 150,000 tấn lương thực. Vụ hạn 1994-1995 ở Đăc Lắc được xem
là nặng nề nhất trong 50 năm, ảnh hưởng vào cà phê khoảng 600 tỉ đồng và gây
thiếu nước sinh hoạt. Trận hạn hán khác năm 1995-1996 ở Miền Bắc tàn phá hoa
màu khoảng 13,380 ha vùng Trung Du và 100,000 ha vùng đồng bằng sông Hồng.
Đặc biệt, hạn hán năm 1998 xảy trên toàn lãnh thổ VN, cục kỳ trầm trọng ở
Tây Nguyên, Miền Trung và Nam Phần. Hạn hán này là do ảnh hưởng El Nino: Mưa
ít hơn trong vụ Đông-Xuân 1997-1998, vũ lượng giảm từ 10 đến 50% trong mùa
hè 1998. Cuối năm 1998, vũ lượng tiếp tục giảm 30-50% trên toàn quốc, riêng
Sơn La giảm 90%. Tháng 11 nhiều vùng ở đồng bằng sông Hồng thiếu nước canh
tác. Tổng số diện tích bị hạn hán trên toàn quốc năm 1998 là 734,284 ha,
trong số đó 276,656 ha ở đồng bằng Cửu Long. Cùng lúc với hạn hán trong năm
này, từ tháng 12/1997 đến tháng 6/1998, nhiệt độ gia tăng lên 35 tới 42
oC, vũ lượng chỉ 40-250 mm (4-20% vũ luợng mưa trung bình của nhiều
năm), cộng thêm ảnh hướng gió Lào gây cháy rừng. Trận hạn hán 1997-1998 ảnh
hưởng vào 3.8 triệu dân thiếu nước sinh hoạt, gây thiệt hại khoảng 5,000 tỉ
đồng VN. Hạn hán cũng trầm trọng ở đồng bằng Cửu Long và cao nguỵên Đắc Lắc
năm 2004 và 2005, ngay cả nước sinh hoạt hàng ngày cũng phải hạn chế.
Riêng năm 2005, hạn hán xảy ra tại Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Kampuchia
và Lào trầm trọng nhất trong nhiều thập niên qua, gây thiệt hại khoảng 193
triệu US dollars cho riêng Thái Lan (www.greenpeace.org, 5/1/2005).
Riêng năm 2005, hạn hán xảy ra tại Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Kampuchia
và Lào trầm trọng nhất trong nhiều thập niên qua, gây thiệt hại khoảng 193
triệu US dollars cho riêng Thái Lan (www.greenpeace.org, 5/1/2005).
Ở Việt Nam, vùng bị hạn hán
thường xuyên hàng năm là từ Khánh Hoà đến Bình Thuận, với tổng số diện tích
hạn hán thường xuyên là 300,000 ha. Vào năm bình thường, Ninh Thuận và Bình
Thuận chỉ nhận vũ lượng hàng năm khoảng 600 mm, nhưng mưa chỉ 3-10 mm trong
tháng 3, trong khi bốc hơi nước 1,000 đến 2,000 mm/tháng, là vùng khô hạn
nhất ở Việt Nam.Tại Bình Thuận, cả năm 2004 mưa chỉ 350 mm. Vì hạn hán trầm
trọng, nước chỉ ưu tiên cho sinh hoạt và chăn nuôi nên các tỉnh Nam Trung Bộ
đành cắt giảm diện tích trồng trọt từ 30 đến 50%.
mỗi khi có hạn hán là đều có cháy rừng. Năm 1998, hạn hán tiếp tục xảy ra
trên toàn quốc, gây nhiều vụ cháy rừng. Riêng trong 6 tháng đầu 1998 có 60
cháy rừng ở Đồng Nai và Đắc Lắc, phá huỷ tổng cộng 1,516 ha, từ tháng 3 đến
5/1998 khoảng 11,370 ha rừng bị cháy. Hạn hán tháng 3-4/2002 ở đồng bằng Cửu
Long khoảng 5,000 ha rừng U Minh Thượng bị cháy rụi.
Tiên đoán cho biết ẩm độ không khí có khuynh hướng giảm, và vũ lượng giảm
trong mùa khô ở đồng bằng Cửu Long, nên hạn hán sẽ trầm trọng hơn và kéo dài
hơn ở các tỉnh Miền Nam trong tương lai.
Vấn đề nước mặn xâm nhập
Vì mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng triều cường, và lưu lượng dòng sông
xuống thấp trong mùa khô hạn, nên nước biển xâm nhập sâu vào nội địa. Riêng
năm hạn hán 1993 và 1998, nước ngọt sông Cửu Long xuống rất thấp ở vùng Cà
Mau, nên khoảng 1/3 diện tích Cà Mau bị nhiểm mặn 4% muối, không canh tác
được. Năm 1999, riêng tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiển Giang và Cà Mau
khoảng 100,000 ha đất canh tác bị nhiểm mặn.
Ngay cả đầu năm 2001, khi bắt đầu mùa mưa vào tháng 5, một số tỉnh đồng bằng
Cửu Long vẫn bị nước mặn xâm nhập trầm trọng. Cũng vào thời điểm này, vùng
Bình Trị Thiên Đà Nẳng cũng bị nước mặn xâm nhập. Độ nhiểm mặn có khuynh
hương gia tăng hàng năm. Chẳng hạn, độ nhiểm mặn đo cùng một địa diểm ở vùng
Long An gia tăng từ 300 mg muối/lít vào tháng 3/2002 lên 1800 mg/l vào tháng
3/2004. Tại cống Cái Xe (ranh Mỹ Xuyên và thị xả Sóc Trăng) ngày 20/2/2005
độ mặn trong nước là 5,900 mg/lít.
Tại các tỉnh dọc duyên hải từ Bà Rịa cho tới Cà Mau và Hà Tiên, vào mùa nắng
hạn nước mặn xâm nhập vào nội địa từ vài km đến 120 km, tuỳ năm và tuỳ địa
phương. Chẳng hạn trước 1970, vào tháng 2 và 3, trên Hậu Giang nước mặn xâm
nhập tới vùng Trà Ôn thuộc Vỉnh Long. Ngày nay, vào mùa hạn nước mặn trên
sông Hậu Giang đã vượt quá Trà Ôn và mỗi năm tiến dần về Cần Thơ.
Toàn thể diện tích bị nhiểm mặn ở đồng bằng Cửu Long trong mùa khô hạn bình
thường khoảng 319,900 ha. Năm nào khô hạn trầm trọng, diên tích nhiểm mặn
lên tới 744,000 ha, tức khoảng 18.9% diện tích đồng bằng.

Ngoài vùng duyên hải, các vùng canh tác lúa
sâu trong nội địa đang bị hâm doạ xâm nhập nước biển 4% muối trong mùa khô
hạn hiện nay la Vinh Gia, Tri Tôn (An Giang), Vũng Liêm, Trà Ôn (Vỉnh Long),
Long Vỉ, Vị Thanh (Cần Thơ), v.v.
Như vậy, chưa kể hiện tượng “hâm nóng toàn cầu” đang xảy ra ngày càng mãnh
liệt hơn, việc biến đổi khí hậu bất thường trong ba thập niên qua đã có ảnh
hưởng tai hại thấy trước mắt là lũ lụt, bão tố thường xuyên và khốc hại hơn,
hạn hán và thiếu nước canh tác và nước sinh hoạt ngay cả vùng kế cận sông
Cửu Long và sông Hồng, chưa kể vùng hạn hán thường xuyên ở các tỉnh Nam
Trung Việt và Cao Nguyên, diện tích đất canh tác bị nhiểm mặn và phèn càng
gia tăng ở đồng bằng Cửu Long, và đất bị sa mạc hoá càng nhiều hơn ở vùng
khô cằn Miền Trung.
Soi mòn và sa mạc hoá đất đai
Đất canh tác ở Việt Nam bị xoi mòn trầm trọng, nhất là vùng đồi núi. Đất bị
sạc lở dọc bờ sông và duyên hải cũng rất quan trọng trong vòng 10 năm nay,
do sóng, lụt gây ra khi bờ biển bờ sông không có thảo mộc bão vệ.
Chẳng hạn ở cửa sông Bồ Đề (Cà Mau) hơn 600 ha dất bị sạt lở và trôi mất khi
rừng ngập mặn bị phá huỷ. Uớc lượng số đất bị xoi mòn ở VN biến đổi giữa 50
t/ha/năm (cho diện tích khoảng 10 triệu ha, chiếm 30.6% diện tích) và 4.5
t/ha/năm (với diện tích 47,000 ha, khoảng 0.1% diện tích) ảnh hưởng tới 23
triệu ha, tức 70% diện tích toàn quốc.
Theo tài liệu mới nhất, VN hiện có khoảng 9.3 triệu ha đất nông nghiệp (đang
canh tác), 11.6 triệu ha đất rừng (diện tích có rừng thực sự 3.8 triệu ha),
1.53 triệu ha đất không nông nghiệp (hầm mỏ, xây dựng, sông rạch, hồ, ruộng
muối), 0.44 triệu ha đất xây cất nhà cửa, 10 triệu ha đất cằn cổi (không có
cây cối, không canh tác được) gồm đất đồi trọc ở Miền Bắc (4.77 triệu ha),
Bắc Trung Việt (1.9 triệu ha), phía Nam Trung Việt (1.63 triệu ha), và Tây
nguyên (1.05 triệu ha).
Mặc dầu VN không có sa mạc to lớn, nhưng sa mạc hoá đang diễn ra nhanh chóng
và trầm trọng ở VN trong 2 thập niên qua, song song với việc thâm canh nhưng
không bền vững ở vùng đồi núi và đất rừng. Nếu không chận đứng, vấn đề sẽ
trầm trọng thêm, và nông dân VN khó có thể thoát cảnh nghèo đói muôn đời.
Việt Nam hiện nay có mật độ dân số cao nhất thế giới, 233 người/km2, 5 lần
cao hơn mật độ trung bình của thế giới, và dân số 83 triệu hiện nay, sẽ gia
tăng lên 150 triệu dân vào 2050. Khí hậu bất thường với lũ lụt và hạn hán
gia tăng và kéo dài hơn, đất đai bị nhiểm mặn, đất soi mòn và sa mạc hoá
nhiều hơn trước đây, rừng và tài nguyên thiên nhiên ngày càng kiệt quệ,
trong lúc dân số vẫn gia tăng không kiểm soát được.
Đó là những thách đố to lớn dành cho các nhà khoa học nông nghiệp và hoạch
định chiến lược nông nghiệp tại Việt Nam.
Phần
2. Ảnh hưởng vào động thực vật Việt Nam
Những yếu tố mô tả ở Phần 1 sẽ ảnh hưởng vào
sự phát triển và sinh tồn động thực vật, trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng
đến tài nguyên và nông nghiệp của Việt Nam. Bài viết này tiên đoán tài
nguyên động thực vật và nông nghiệp Việt nam trong tương lai, với giả thiết
rằng con người không có hành động gì hôm nay và trong tương lai để sửa chửa
các tác động của hiện tượng hâm nóng toàn cầu và các hậu quả liên hệ.
Việc gia tăng nhiệt độ và biến đổi khí hậu trong thế kỹ qua và sự gia tăng
khí CO2 và các khí nhà kiếng khác là một thực tại không ai có
thể chối cãi. Nhưng có sự tương quan giữa gia tăng khí nhà kiếng do đốt than
đá và dầu hoả và biến đổi khí hậu hay không thì đang còn tranh luận, vì chưa
chứng minh được trong đoản kỳ, nên vẫn còn là giả thuyết, nhưng giả thuyết
có phần thuyết phục. Các nước Âu Châu, nhất là Anh quốc, đã áp dụng nhiều
biện pháp, kể cả biện pháp chế tài qua thuế vụ để giảm thiểu việc thải hồi
khí nhà kiếng vào khí quyển. Trong lúc đó, một số các công ty dầu hoả, khí
đốt Hoa Kỳ và một số chính trị gia Hoa Kỳ cũng đưa nhiều thuyết phục cho
rằng việc đốt than đá và dầu hoả hiện nay không có góp phần vào việc biến
đổi khí hậu như các khoa học gia nghĩ. Điều chắc chắn rằng hành tinh chúng
ta đang có khuynh hướng gia tăng nhiệt độ và gia tăng khí CO2 .
Các mô hình toán học tiên đoán rằng khi lượng CO2 tăng gấp đôi,
từ 350 ppm hiện nay lên 700 ppm trong tương lai, nhiệt độ sẽ gia tăng thêm 1°C.
Trong điều kiện môi sinh mới đó (700 ppm CO2 , nhiệt độ tăng thêm
1°C), thực vật và động vật sẽ phản ứng như thế nào?
Ảnh hưởng vào lục hoá
Trước nhất, thực vật là đầu nguồn của dây-xích-thực-phẩm (food chain). Thực
vật sống nhờ ánh sáng, khí CO2 và nước qua hiện tượng lục hoá
(photosynthesis) để tạo chất bột (carbohydrate), rồi từ đó các phản ứng dây
chuyền khác biến đổi thành chất đạm và chất béo, căn bản cho sự sống. Hiện
tượng lục hoá tối đa ở một nhiệt độ tối hảo, lục hoá giảm dần khi nhiệt độ
giảm hay tăng hơn nhiệt độ này, và lục hoá không xảy ra ở nhiệt độ tối thiểu
hay nhiệt độ tối đa. Các nhiệt độ này thay đổi tuỳ loại cây thích ứng của
mỗi vùng khí hậu. Đại khái, nhiệt độ tối hảo cho cây vùng ôn đới khoảng
20-25°C, vùng nhiệt đới khoảng 25-32°C.
Những thay đổi về cường độ và thời gian có nắng (như nhiều mây mù), thiếu
nước (do khô hạn), gia tăng lượng khí CO2 và nhiệt độ trong
tương lai sẽ ảnh hưởng tới việc tạo chất khô của toàn cây và sản phẩm thu
hoạch (như hạt, thân hay củ).
Gia tăng nồng độ CO2 từ nồng độ hiện tại (350 ppm) đều làm gia
tăng lục hoá cho tới lượng bão hoà. Tăng CO2 làm khí khổng
(stomata) đóng lại, giảm thoát hơi nước, nên cây sử dụng nước hiệu quả hơn.
Song song với hiện tượng lục hoá chỉ xảy ra khi có ánh nắng, hiện tượng hô
hấp xảy ra cả ban ngày lẩn ban đêm, đốt một phần chất bột do lục hoá tạo
thành, thả CO2 lại vào không khí. Gia tăng nhiệt độ và cường độ
ánh sáng làm gia tăng lục hoá, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng hô hấp –
quang-hô-hấp (photorespiration). Như vậy, thực vật chế tạo chất bột thật sự
để làm chất khô chính là hiệu số giữa lục hoá và hô hấp. Năng
suất lục hoá
còn tuỳ thuộc loại cây. Trên phương diện lục hoá, thực vật chia làm 3 nhóm,
nhóm thực vật C3, C4 và CAM.
Ở nhóm lục hoá C3, khí khổng mở vào ban ngày, hấp thụ CO2
và đưa vào chu trình Calvin với sản phẩm 3-C (3-phosphoglycerate), nhờ
enzyme Rubisco. 95% thực vật trên thế giới thuộc nhóm lục hoá C3, đặc biệt
chiếm đa số ở thực vật thích ứng vùng ôn đới, hay thực vật thích ứng cường
độ ánh sáng yếu. Khi gia tăng cường độ ánh sáng, lục hoá nhóm C3 gia tăng,
đồng thời hiện tượng quang-hô-hấp gia tăng 1.5 đến 3.5 nhiều hơn hô hấp bình
thường trong bóng tối, như vậy làm mất đi khoảng 20% CO2 cố định
bởi chu trình Calvin. Tiêu biểu nhóm thực vật C3 là đa số thực vật ôn đới,
như các ngủ cốc ôn đới (như lúa mì, lúa mạch), đậu nành, cỏ dại, v.v. Cây ăn
trái, cây rừng, lúa (Oryza sativa), cây cho củ, v.v. của vùng ôn đới và
nhiệt đới thuộc nhóm C3. Thực vật nhóm C3 hưởng lợi nhiều nhất khi gấp đôi
lượng CO2 và tăng 1OC, nhất là thực vật thích ứng
vùng ôn đới, năng suất chất khô toàn cây có thể gia tăng 20-30% so với lượng
CO2 hiện nay.
Ở nhóm lục hoá C4, khí khổng mở vào ban ngày, hấp thụ CO2 và đưa
vào chu trình 4-C, nhờ enzyme phosphoenolpyruvate (PEP) carboxylase đưa trực
tiếp và nhanh chóng CO2 vào chu trình rubisco để lục hoá tại
nhóm tế bào có kiến trúc đặc biệt gọi là “Kiến trúc Kranz”. Trong điều kiện
CO2 hiện nay (350 ppm), ở ánh sáng mạnh và nhiệt độ cao, nhóm C4
có lục hoá và sử dụng nước hữu hiệu hơn nhóm C3. Ở cường độ ánh sáng cao,
quang-hô-hấp trở nên không đáng kể. Như vậy, năng suất chất khô (tức hiệu số
giữa lục hoá và hô hấp kể cả quang-hô-hấp) của thực vật C4 cao hơn C3 ở
cường độ ánh sáng cao. Nhưng bởi vì nhiệt độ tối hảo của lục hoá thấp hơn
nhiệt độ tối hảo của hô hấp, nên khi gia tăng nhiệt độ, chất bột sẽ bị mất
nhiều hơn bởi hô hấp. Khi gia tăng gấp đôi CO2 và tăng 1°C,
lục hoá nhóm C4 không gia tăng nhiều bằng nhóm C3, nhất là loài thích ứng
vùng nhiệt đới. Lục hoá nhóm C4 chỉ gia tăng 5-10% trong điều kiện này. Tóm
lại, thực vật C3 thích ứng cho môi trường có cường độ ánh sáng thấp (chẳng
hạn như loại cây mọc chen chúc như cỏ, lúa, cây mọc dưới rừng) và nhiệt độ
lạnh (vùng ôn đới), ngược lại thực vật C4 thích ứng nơi có ánh sáng mạnh
(cây mọc nơi lộ thiên) và khí hậu nóng (nhiệt đới). Khoảng 1% thực vật thuộc
nhóm C4, gồm khoảng trên 1,000 loài (species) của khoảng 19 họ (family), của
cả đơn-tử-diệp và song-tử-diệp, tiêu biểu là mía, bắp, sorghum, đa số ở vùng
nhiệt đới. Loài tảo xanh (blue alga) cũng thuộc loại C4. Trong cùng một họ
(như họ Leguminosae), hay cùng một giống (genus) (như Atriplex), hay cùng
một loài (species) có dòng thuộc C3, có dòng thuộc C4. Hay ngay cả trên một
cây, có cả 2 loại C3 và C4, như bắp (Zea), Mollugo, Moricandia, Flaveria,
v.v., khi cây còn nhỏ thì lục hoá C3, khi lớn thì lục hoá C4.
Ở nhóm lục hoá CAM (Crassulacean Acid Metabolism), khí khổng đóng vào ban
ngày, hay khi có nhiệt độ cao (để ngăn chận thoát hơi nước), và mở vào ban
đêm khi có nhiệt độ mát, hấp thụ CO2 rồi biến thành dạng acid và
tồn trữ dưới dạng malate trong không bào (vacuole). Ngày hôm sau, khi có ánh
sáng, acid này nhả CO2 và sử dụng cho lục hoá như nhóm C3 trong
khi khí khổng vẫn còn đóng. Nhóm thực vật lục hoá CAM chiếm khoảng 5%, gồm
khoảng trên 1,000 loài, tập trung khoảng 17 họ, thích ứng vùng sa mạc, hay
vùng khô hạn, như các họ Crassulaceae, Cactaceae, Bromeliaceae, Orchidaceae,
một số rong, rêu mọc trên thượng tầng cây cối trong rừng. Tiêu biểu là khóm
(pineapple) và xương rồng (cactus). Nhiều loại cây có cả C3 và CAM trên cùng
một cây. Chẳng hạn, Mesemryanthemum crystallinum có C3 và CAM, bình thường
hoạt động với C3, nhưng khi gặp nước mặn thì chuyển qua CAM. Chỉ Portulaca
oleracea là loài cây duy nhất có C4 và CAM trên cùng một cây, và tuỳ theo
môi trường mà C4 hay CAM hoạt đông. Thực vật C4 có lợi thế trong môi trường
có cường độ ánh sáng cao, thực vật CAM có lợi thế vừa ở nhiệt độ cao, vừa ẩm
độ không khí thấp (khô hạn) và đất nhiểm mặn. Thực vật nhóm CAM sẽ hưởng lợi
khi gia tăng CO2 và nhiệt độ ngay cả trong điều kiện có hạn hán
trong môi trường tương lai.
Ảnh hưởng vào năng suất thâu hoạch
Sản phẩm thâu hoạch có thể là toàn cây, như cây rừng hay cỏ cho gia súc; hạt
như ngủ cốc; hay củ và rễ như khoai; trái như trái cây; hay một phần của cơ
quan tăng trưởng như mủ (cao su), dầu, vỏ, v.v. Trong phần này, chỉ nói ảnh
hưởng của việc gia tăng gấp đôi CO2 và tăng 1°C vào
năng suất thâu hoạch, không bàn đến các yếu tố hạn hán, lụt lội, mưa nắng
bất thường, sâu bọ, bệnh tật, v.v.
Ảnh hưởng xấu của gia tăng nhiệt độ lên thực vật vùng ôn đới trầm trọng hơn
vùng nghiệt đới. Một số cây hoa màu vùng ôn đới, như các giống
lúa-mì-mùa-đông (winter wheat) cần nhiệt độ lạnh vài ba tháng của mùa đông
mới ra hoa qua hiện tượng đông hàn (vernalization). Tuy nhiên, hiện tượng
cần lạnh này để ra hoa có thể khắc phục được bằng đông hàn nhân tạo ở hạt
vừa nẩy mầm hay cây con.
Gia tăng nhiệt độ có ảnh hưởng xấu nhiều lên cây ăn trái vùng ôn đới. Cây ăn
trái của vùng ôn đới cần có một tổng số giờ lạnh (chilling temperatures) tối
thiểu mới có thể ra nụ hoa. Gia tăng nhiệt độ trong mùa đông, tổng số giờ
lạnh giảm sẽ làm cây ôn đới không ra hoa hay ra hoa ít hơn. Ngoài ra, màu
trái táo (apple) sẽ đỏ hồng đẹp nếu trái phát triển ở 17-20°C,
nếu nhiệt độ gia tăng trên nhiệt độ này, màu đỏ hồng sẽ biến mất, và nếu
trên 25°C thì trái sẽ xanh dờn, không còn giá trị thương mãi.
Ngược lại, ở vùng nhiệt đới, yếu tố thiếu nước (water stress) trong mùa khô
hạn kích động cây ăn trái đa niên (và các loại cây lớn khác như cây rừng,
v.v.) ra hoa nhiều, và sau đó kết trái nhiều nhờ đầy đủ nước trong đầu mùa
mưa. Vì vậy, vùng có ảnh hưởng gió mùa, có mùa khô và mùa mưa rõ rệt, như
Việt Nam, sẽ hưởng lợi trong tương lai. Chẳng hạn, cam quít cần 4-5 tuần lễ
khô hạn tối thiểu trước mùa mưa mới có thật nhiều hoa. Ở chôm chôm, nhiệt độ
khoảng 20-23°C đồng thời với khô hạn sẽ kích động việc ra hoa
nhiều. Cũng vậy, bơ (avocado), nhãn, xoài, trái vải hoặc cần nhiệt độ mát,
hoặc khô hạn, hay phối hợp cả hai yếu tố này, để có hoa nhiều.
Cây rừng, cao su, dừa, dừa dầu (oil palm), ca cao, tiêu, điều (cashew) –
thuộc nhóm C3- sẽ hưởng lợi nhiều khi gấp đôi lượng CO2 và tăng
1°C qua gia tăng lục hoá.
Trà và cà phê vẫn có năng suất cao nhưng phẩm
chất có thể bị giảm vì gia tăng nhiệt độ và hạn hán kéo dài trong mùa sắp
thâu hoạch. Diện tích canh tác có thể bị hạn chế, vì cần trồng ở cao độ lớn
hơn hiện nay, nhất là lọai cà phê arabica. Nhiệt độ tối hảo cho lục hoá ở cà
phê arabica khoảng 20-24°C, quá 24°C lục hoá giảm dần
và không xảy ra ở 34°C. Chỉ cần trải qua nhiệt độ 30°C
trong nhiều ngày cũng đủ làm làm lá cà phê vàng vọt và cây bị mất sức. Nụ
hoa cà phê được kích động bởi mùa đông mát mẻ và khô hạn, và nụ hoa trải qua
hưu miên cho tới lúc có mưa đầu mùa khi lá cà phê mới mọc rộ. Nếu mưa xảy ra
trong mùa đông (không có thiếu nước, cà phê ra hoa lai rai quanh năm làm
giảm năng suất, khó thâu hoạch và phẩm chất kém.
Mía, thuộc nhóm C4, vẫn hưởng lợi trong việc gia tăng năng suất thân cây và
độ đường cao. Bắp và sorghum, cũng C4, vẫn còn có lợi khi tăng gấp đôi CO2
và 1OC, nhất là sorghum sẽ có vị trí quan trọng hơn vì chịu đựng
khô hạn và sử dụng nước hữu hiệu hơn trong tương lai.
Lúa thuộc loại C3 cho năng suất toàn cây cao qua gia tăng lục hoá, nhưng
năng suất hạt thấp hơn vì nhiệt độ cao làm chỉ số thâu hoạch (harvest index)
giảm, lúa cho nhiều rơm rạ hơn hạt. Ngoài ra, nhiệt độ gia tăng 1°C
đủ làm rút ngắn chu kỳ sinh trưởng, nhất là thời gian từ trổ đến chín ngắn
hơn, lá cờ chết sớm hơn, hậu quả là chất bột sản xuất ít hơn, và chuyển đến
hột ít hơn, vì vậy hột lép nhiều và trọng lượng hạt nhỏ hơn. Chẳng hạn, ở
giống lúa IR36 chỉ cần tăng nhiệt độ từ 28°C lên 29°C,
lúa trổ bông sớm hơn 5 ngày, và thời gian từ trỗ đến chín ngắn hơn 2 ngày.
Nếu canh tác trong điều kiện lý tưởng về nước và phân bón đầy đủ, năng suất
có thể cao, nhưng trong lề lối canh tác thông thường hiện nay, năng suất có
thể giảm 10% như IRRI tường trình. Thí nghiệm ở Mả Lai tiên đoán là năng
suất lúa có thể giảm tới 30% trong tương lai.
Đậu nành, ở cả C3 và C4, sẽ gia tăng năng suất trong môi trường mới. Bởi vì
đậu nành đã được tuyển chọn từ lâu đời để thích ứng với nhiều loại khí hậu,
trải dài nhiều vĩ tuyến, từ khí hậu lạnh đến nóng, như sự phân bố giống đậu
nành ở Hoa Kỳ, nên không có vấn đề gì cho VN trong tương lai, khi nhiệt độ
chỉ gia tăng một vài độ.
Ở các loài đậu khác trong họ Đậu, có cả C3 và C4, nhóm C3 gia tăng năng suất
nhiều hơn khi gia tăng CO2 , và giống đậu hàng niên hưởng lợi gia
tăng CO2 hơn đậu đa niên.
Các loại cây cho củ (như khoai mì, khoai lang) cũng hưởng lợi gia tăng năng
suất củ nhờ hâm nóng toàn cầu, bởi vì tỉ lệ rễ/thân gia tăng khi gia tăng CO2
.
Cỏ hoà bảng (C3 và C4, tuỳ loài) và đậu cho gia súc (forage legumes) cũng
hưởng lợi trong môi trường mới.
Ảnh hưởng vào cỏ dại, côn trùng và bệnh động thưc vật.
Cỏ dại đa số thuộc nhóm lục-hoá-C3, nên sẽ phát triển mạnh trong tương lai,
khi nhiệt độ tăng thêm 1OC và CO2 tăng gấp đôi. Xâm
nhập cỏ dại từ một nơi khác (invasive alien weed) sẽ trầm trọng trong tương
lai. Ở Ấn độ cho thấy trong thời gian 10 năm mưa nhiều và thường xuyên lụt
lội 1991-2000, cỏ dại Leptochloa chinensis và Marsilea quadrifolia xâm nhập
ruộng lúa ở châu thổ sông Cauvery. Trên vùng đất cao ráo, không bị ngập
nước, nhiệt độ quá 35°C thì cỏ Trianthema portulacastrum của Phi Châu nhiệt
đới nẩy mầm và tăng trưởng mãnh liệt lấn áp cây hoa màu ở Ấn Độ.
Động vật có cơ thể nhỏ dễ thích ứng với thay đổi nhiệt độ hơn động vật lớn.
Chỉ gia tăng 1OC, đủ làm rút ngắn chu kỳ sinh trưởng, gia tăng
mức sinh nở và gia tăng dân số tập đoàn nhanh chóng, là mối đe doạ vào nông
nghiệp, sức khoẻ con người và gia súc. Bọ xít xanh (Nezara viridula) là côn
trùng rau cải của vùng nhiệt đới, hàng năm theo rau cải nhập cảng vào nước
Anh và được theo dõi liên tục từ 50 năm nay, được tường trình là không thể
sinh sôi nẩy nở ở Anh vì không sống nổi mùa đông giá lạnh. Tuy nhiên trong
các năm gần đây bọ xít xanh đã thấy xuất hiện và sinh sôi tại Anh, vì mùa
đông trong 10 năm qua ấm áp hơn mùa đông của 5 thập niên trước. Ngay ở vùng
nhiệt đới, các tường trình cho biết côn trùng sinh sôi nẩy nở nhanh hơn ở
nhiệt độ nóng hơn chỉ một vài độ, vì chu kỳ sinh nở và phát triển rút ngắn
hơn. Đặc biệt rầy nâu phá lúa sẽ mãnh liệt hơn và nhiều dòng kháng thuốc có
cơ hội bột phát hơn. Dịch rầy thừơng xảy vào mùa hè, nhưng trong tương lai
có thể xảy vào mùa đông khi nhiệt độ và ẩm độ gia tăng trong những tháng mùa
đông. Nạn cào cào, châu chấu cũng trở nên trầm trọng hơn. Ở Phi Châu cào cào
châu chấu sinh sản rất nhanh vào những năm hạn hán bất thường
Bệnh sốt rét (malaria) do muổi sốt rét Anopheles, bệnh West Nile do muổi
Culex pipens phát triển trong nước ao tù cũng sẽ hoành hành mãnh liệt hơn,
đặc biệt nguy hiểm với các dòng muổi kháng thuốc. Ở Hoa Kỳ, tường trình là
mối mọt phát triển mạnh hơn xưa vì mùa đông ấm hơn, đe doạ các công trình
xây dựng bằng gổ.
Cơ quan Y tế Quốc tế (WHO) cho biết mỗi năm có khoảng 160,000 dân Đông Dương
bị chết do nhiệt độ gia tăng bất thường, do thiếu dinh dưỡng gây bởi hạn
hán, sốt rét, bão lụt, và sẽ gia tăng gấp đôi vào 2020.
Ảnh hưởng vào sản xuất nông nghiệp
Nghiên cứu ở Thái Lan cho biết năng suất lúa thâu hoạch/ha có thể gia tăng
tới 20% trong môi trường mới do hâm nóng toàn cầu với điều kiện là sẽ chi
phí rất cao cho phân bón, thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt cỏ, tưới nước,
v.v. Tuy nhiên, trên địa bàn rộng lớn, như Đồng bằng sông Cửu Long, tổng sản
lượng sẽ bị giảm trong tương lai do thời tiết bất thường, hạn hán, lụt lội,
đất nhiểm mặn, sâu bọ, v.v. sẽ trầm trọng hơn ngày nay.
Việc gia tăng 1°C một cách từ từ không có ảnh hưởng gì vào nông
nghiệp, vì thực vật và động vật có khả năng thích ứng. Tuy nhiên nếu nhiệt
độ gia tăng đột ngột khi có sóng nhiệt (heat wave) chỉ trong vài ngày sẽ có
ảnh hưởng xấu trầm trọng vào năng suất. Những nghiên cứu ở Đại học Reading
(Anh quốc) và Đan Mạch cho biết gia tăng nhiệt độ chỉ vài độ trên bình
thường trong vài ba ngày vào thời kỳ ra hoa, thụ phấn ở lúa, lúa mì, đậu
phộng và đậu nành làm giảm năng suất rất trầm trọng.
Tuy nhiên, ở các vùng cao cực bắc VN, hiện nay không trồng được vụ lúa đông
xuân vì giá lạnh, thì có thể canh tác lúa và hoa màu khác trong vụ đông xuân
trong tương lai.
Ảnh hưởng vào đa-dạng-sinh-học (bio-diversity).
Phiêu-sinh-thực-vật (phytoplankton) là đầu nguồn của dây-xích-thực-phẩm. Các
nghiên cứu mới đây về hiện tượng El Nino, hiện tượng gia tăng nhiệt độ nước
biển ở Thái Bình Dương theo định kỳ, cho thấy hể những năm nào nhiệt độ nước
Thái Bình Dương ấm lên thì số lượng phiêu-sinh-thực-vật giảm rõ rệt, tiếp
theo là giảm sút phiêu-sinh-đông-vật (zooplankton), rồi tôm, cá, động vật
biển khác và chim biển.
Sự suy giảm san hô trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, phần đông chỉ đổ thừa
cho môi sinh bị ô nhiểm và khai thác quá mức bởi con người. Tuy nhiên, hiện
tượng hâm nóng toàn cầu làm gia tăng nhiệt độ nước biển cũng góp phần quan
trọng. Chẳng hạn, san hô vùng Florida vốn được bão tồn rất kỹ, và được
nghiên cứu từ lâu đời, cho thấy hiện tượng san hô tự huỷ diệt vẫn xảy ra kể
từ khi nhiệt độ nước biển ở vùng Keys gia tăng đáng kể từ thập niên 1980s,
là thập niên nóng nhất của thế kỹ ở vùng này.
Thay đổi thuỷ văn các dòng sông, nước biển dâng cao, và nước mặn xâm nhập
nhiều trong tương lai sẽ ảnh hưởng lên động thực vật của vùng duyên hải Viêt
Nam. Mặc dầu Nam Phần không bị mất đất nhiều do nước biển dâng cao, nhờ sông
Cửu Long mang nhiều phù sa hơn trước (do xoi mòn nhiều ở thượng du, Lào và
Cao Miên) bồi đắp, nhưng cảnh quan rừng-ngập-mặn sẽ biến đổi. Rừng Đước
(Rhizophora), Mấm (Avicennia marina), Bần (Sonneratia alba) và các loài
cây-chịu-nước-mặn giỏi như Bruguiera, Ceriops và Kandelia sẽ tươi tốt hơn
(nhóm C3), và rừng lấn ra biển. Ngược lại rừng Tràm (Melaleuca) hiện tại, vì
không đủ 5-6 tháng ngập nước ngọt dưới 1.5 m để phát triển và sinh tồn, sẽ
bị tiêu diệt, nếu mùa khô hạn kéo dài thêm 2 tháng và nhiểm mặn gia tăng, và
rừng tràm có khuynh hướng phát triển vào phía nội địa (nhưng sẽ bị con người
can thiệp để giữ đất canh tác), chứ không lấn ra phía biển như xưa nay. Cây
Bần nước ngọt (Sonneratia caseolaris) và Dừa Nước (Nypa fruticans) cũng sẽ
bị chận đứng, vì cần sống trong nước ngọt một thời gian, sẽ phát triển ngược
dòng sông, và như vậy bờ sông vùng gần biển sẽ bị xói lở nhiều hơn trong
tương lai.
Cá nước ngọt trên địa phận Việt Nam sẽ suy giảm, vì diện tích đồng bằng và
dòng sông nhiểm mặn gia tăng. Ngược lại, cá sống ở nước-nhiểm-mặn (nước lợ)
sẽ gia tăng. Chẳng hạn cá Cháy trước đây chỉ thấy xuất hiện trong một hai
tuần sau Tết âm lịch ở Vùng Trà Ôn (Vĩnh Long), là biên giới của nước lợ,
trong tương lai có thể khai thác nhiều tuần lễ hơn ở vùng gần Cần Thơ. Diện
tích nuôi tôm, sò, và hải sản khác sẽ gia tăng trong tương lai, ngược lại
diện tích nuôi-cá-bè trên Cửu Long sẽ hị hạn chế.
Rừng trên đất liền vùng thấp (lowland forests) sẽ tươi tốt hơn, vì nhờ lục
hoá mạnh và có nước thuỷ cấp đầy đủ tồn trữ trong mùa mưa, vì hạn hán vài ba
tháng không có ảnh hưởng vào rừng, ngoại trừ nạn cháy rừng thường xảy ra vào
mùa hạn hán. Tuy nhiên, trên rừng núi cao cảnh quan sẽ thay đổi. Rừng Thông
và Tùng, cần lạnh, sẽ chỉ tồn tại ở ngọn núi cao. Rừng nhiệt đới sẽ từ từ
leo lên núi cao thay thế dần rừng cây ôn đới. Các giống Thông và Tùng, tồn
tại hiện nay ở các đỉnh núi ở Cao Nguyên sẽ bị biến mất, vì nhiệt độ gia
tăng. Các giống Thông-Đà-Lạt (Pinus dalatensis), Tsuga sinensis, Pơ-mu
(Folkienia hodginsii), v.v. ở các đỉnh núi cao trên 2000 m ở Miền Trung hiện
nay có cơ diệt chủng. Số loài Lan (Orchid) của vùng núi cao sẽ bị suy giảm
trong tương lai.
Thú rừng không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ gia tăng. Chim chóc hiện có ở đồng
bằng Cửu Long không bị ảnh hưởng, kể cả các giống thiên di tạm trú trong các
“vườn chim”. Đồng bằng Cửu Long sẽ nhận thêm một số giống chim thiên di đến
từ miền lạnh lẻo. Nhưng các giống chim ở núi cao Miền Trung và Tây Nguyên sẽ
thiên di đến các núi cao ở Miền Bắc, và các giống chim núi cao Miền Bắc sẽ
di chuyển đến Hy Mả Lạp Sơn để sinh tồn.
Hâm nóng hoàn cầu và diễn-biến-di-truyền (evolution)
Trong điều kiện môi trường hiện tại, trung bình 10,000 năm một loài cây đa
niên mới xuất hiện do diễn-biến-di-truyền. Các loài cây trường thọ sống vài
ba trăm năm không có khả năng thích ứng trong môi trường mới thay đổi đột
ngột có thể bị diệt chủng. Ngược lại, các loại thực vật có chu kỳ sinh
trưởng ngắn, như cây hàng niên (annual), dễ đáp ứng với môi trường mới và có
thời gian tái cấu trúc di truyền đáp ứng môi trường mới, nên thời gian tạo
loài mới ngắn hơn. Chẳng hạn, với loài Brassica hoang dại có chu kỳ sinh
trưởng ngắn (3 tháng), chỉ trong vòng 7 năm sống trong môi trường khô hạn đã
tự tạo nhiều biến thể (mutations) mới thích ứng khô hạn. Nhiệt độ gia tăng
cũng làm động và thực vật diễn-biến-di-truyền nhanh hơn, qua hiện tượng biến
thể di truyền (mutation), với vận tốc và số lượng nhiều hơn ở vùng nhiệt
đới. Đó là lý do tại sao vùng nhiệt đới phong phú đa-dạng-sinh-học hơn vùng
ôn đới. Trong một môi trường mới, với thời gian lâu dài, một số loài không
thích ứng sẽ bị tiêu diệt, một số loài có khả năng thích ứng được sẽ tồn
tại, tạo nhiều biến thể mới để thích ứng hơn trong môi trường mới. Một cách
tổng quát, trong thời gian lâu dài, vùng nhiệt đới như VN sẽ phong phú
đa-dạng-sinh-học hơn, mặc dầu hiện tương diệt-chủng-tự-nhiên vẫn xảy ra.
Ngược lại, chính con người có tác động tai hại nhất vào việc diệt chủng
nhiều loài động thực vật và làm nghèo nàn đa-dạng-sinh-học.
Quả địa cầu chúng ta không phải bất biến, đã trải qua không biết bao nhiêu
lần “thương hải tang điền” thời tiết đổi thay. Cách đây trên hàng
10-triệu-năm, quả địa cầu ấm áp, rừng mọc trên hai địa cực. Khoảng 800,000
năm trước đây, địa cầu lạnh dần và băng hà thành lập dày ở hai địa cực, và
cứ mỗi chu kỳ khoảng 100,000 năm, nhiều lần băng hà tiến xuống phía xích đạo
rồi lại triệt thoái về địa cực, tạo cảnh quang thực động vật biến đổi theo
thời gian. Nguồn gốc của biến đổi này là do biến đổi của trục quay địa cầu,
thay đổi quỹ đạo của trái đất đối với mặt trời, do hoả diệm sơn bùng nổ, và
do thay đổi các dòng nước nóng hay lạnh trên đại dương trong thời quá khứ.
Thời kỳ Đại-Băng-Giá gần nhất xảy ra cách đây khoảng 18,000 năm, của thời
Late-Pleistocene, sau đó băng hà triệt thoái dần dần về địa cực, do trái đất
trở nên ấm áp hơn trong thời đại Holocene. Băng hà tan làm nước biển dâng
cao 100m, làm phân chia các đại lục xa cách hơn. Các núi lửa hoạt động làm
gia tăng CO2 và aerosol làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Các
nghiên cứu về các loại khí bị kẹt trong băng hà thời cổ đại cho biết cách
đây 300 triệu năm lượng CO2 trong không khí cao hơn ngày nay.

Biến đổi nhiệt độ (màu xanh) và lượng khí CO2
trong không khí (màu đỏ) trong thời gian 400,000 năm qua dựa vào nghiên cứu
băng hà ở hai địa cực. Đường thẳng đứng màu đỏ (tận bên mặt) thấy sự biến
đổi đột ngột khí CO2 trong hai thế kỹ vừa qua và trước 2006.
Theo A.V. Fedorov et al. Science 312, 1485 (2006).
Khảo sát hình trên, trong vòng 400 ngàn năm qua, đã có 5 lần
biến đổi nhiệt độ và CO2 . Trong 4 lần cách đây trước 120 ngàn
năm, khi CO2 tăng đến tối đa khoảng 300 ppm, cũng
là lúc có nhiệt độ tối đa, trên dưới 1-2 OC so với nhiệt độ hiện
tại, sau đó CO2 giảm cùng lúc với giảm nhiệt độ đến cực tiểu,
khoảng 8OC thấp hơn hiện tại, và một chu kỳ như vậy kéo dài
khoảng 100 ngàn năm. Đại dương trong quá khứ là môi trường đệm điều hoà CO2
. Khi nhiệt độ giảm đại dương hấp thụ CO2 và biến thành đá
vôi, khí đốt, dầu hoả, và thực vật trên đất liền hấp thụ CO2 qua
lục hoá và tồn trữ qua than đá và chất hữu cơ. Khi nhiệt độ tăng đại dương
thải hồi CO2 vào lại khí quyển. Hiện tại CO2 trong
khí quyển đã đột ngột vượt tới 375 ppm (2006) và đang trên đà gia tăng cao
hơn nữa. Lý do chính của sự đột ngột này là do con người thải CO2
qua kỹ nghệ đốt than đá và dầu hoả trong 2 thế kỹ qua.
Các nghiên cứu chi tiết về phân bố thực vật và động vật ở Bắc Mỹ trong 18
ngàn năm qua cho thấy có một số động thực vật không thích ứng trong điều
kiện môi trường mới đã bị tiêu diệt, đồng thời tạo ra một số động thực vật
mới thích nghi điều kiện mới. Mặc dầu không có chân để di chuyển, thực vật
cũng di chuyển theo khí hậu, khi tiến về phương nam, hay leo lên núi cao;
khi lùi về phương bắc hay triệt thoái xuống lại đồng bằng tuỳ theo khí hậu
nóng lên hay hạ thấp trong quá khứ.
Hiện tượng hâm nóng toàn cầu sẽ làm thay đổi toàn diện nông nghiệp ờ các
vùng ôn đới. Chẳng hạn, California sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng trong ngành
nuôi bò sữa, cây ăn trái, kỹ nghệ làm rượu nho, cây rừng, v.v. Tuy nhiên,
ảnh hưởng của gia tăng CO2 và nhiệt độ (mà thôi) không có ảnh
hưởng xấu nhiều, mà ngược lại có thể tốt hơn, ở các xứ nhiệt đới như Việt
Nam. Tuy nhiên, hậu quả của “hâm nóng toàn cầu”, không phải chỉ ảnh hưởng
của CO2 và gia tăng nhiệt độ, mà là biến đổi nhiệt độ nóng hay
lạnh bất thường, hạn hán, vũ lượng thay đổi làm thay đổi thuỷ văn các dòng
sông, bão tố, lụt lội thường xuyên kéo dài và mãnh liệt hơn, mất đất canh
tác do nước mặn xâm nhập, hiện tượng xoi mòn đất đai và sa mạc hoá (xem Phần
I). Vì vậy, VN cần phải có kế hoạch giảm thiểu hay chận đứng các ảnh hưởng
liên hệ xấu này.
Reading, 15/1/2007
[**]
Hiện tượng El Nino

A: Năm bình thường
a: Indonesia ; b: Australia , c: Nam Mỹ
1: Chiều chuyển động ; 2: Gió thổi sang hướng Tây
; 3: Tích tụ nước nóng : 4: Nước lạnh trồi lên
và thay thế lớp nước nóng
B: Năm El Niño
5: Sự gia tăng dòng đối lưu ; 6: Khi gió yếu hợn, mặt
nước nóng lan qua hướng đông ; 7: Gió yếu
; 8: Những dòng nước nóng thay thế nước lạnh và tạo một lớp nước nóng
phía dưới sâu, dọc theo bờ
Tài liệu chính tham khảo
Anonymous. 2005. Global warming and Vietnam.
http://www.tiempocyberclimate.org/portal/archive/vietnam/preface.htm
IPCC. 1996: Climate change 1995: The Science of Climate Change.
Contribution of Working Group I to the Second Assessment Report of the
Intergovernmental Panel on Climate Change [J.T. Houghton, L.G. Meira Filho,
B.A. Callander, N. Harris, A. Kattenberg and K Maskell (eds.)], Cambridge
University Press, Cambridge, 572 pp.
Ministry of Agriculture and Rural Development
of Vietnam. 2002. United Nations Convention to combat desertification.
Vietnam Action Programme to combat desertification.
Schaefer, Dirk. 2003. German Vietnam Seminar.
Hanoi, October 27-30, 2003.
Snidvongs A, Choowaew S, Chinvanno S. 2003.
Southeast Asia START Regional Center Report No 12.
Whetton, P.1994. Constructing climate
scenarios: the practice. In: Climate Impact Assessment Methods for Asia and
the Pacific [Jakeman AT and AB Pittock (eds)]. Proceedings of a regional
symposium, Australian International Development Assistance Bureau, 10-12
March 1993, Canberra, Australia, pp 21-27.
Dr Trần-Đăng Hồng
The University of Reading, Reading, UK
Đã đăng trên Nông nghiệp
phổ thông
© http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Trần Đăng Hồng
|