Báo cáo của Ajinomoto (Phần 2)

Vietsciences- Hồng Lê Thọ          29/09/2008

 

Những bài cùng tác giả

Báo cáo của Ajinomoto (Phần 1)
Báo cáo của Ajinomoto (Phần 2)
Báo cáo của Ajinomoto (Phần 3)

Luật Bảo Vệ Môi trường

 

“Cơ hội luôn tồn tại cùng nguy cơ, chúng ta sẽ tìm được cơ hội trong nguy cơ nếu chúng ta thay đổi định kiến”

3. Giới công nghiệp ngành sản xuất bột ngọt (MSG) đa số tin tưởng rằng phải chấp nhận "sự trì trệ"(tính bảo thủ) vì họ cho rằng khi tìm cách "phù hợp với môi trường có nghĩa sẽ phải gánh chịu thêm các phí tổn( để xử lý) làm giảm tính cạnh tranh và lợi nhuận vì chi phí cho môi trường"(nghĩa là không mạnh dạn đầu tư khắc phục ô nhiễm—HLT).

Niềm tin phát xuất từ nếp suy nghĩ của tính bảo thủ truyền thống nầy ngăn cản mọi nghiên cứu và ứng dụng sản xuất thân thiện với môi trường.

Bước tiếp theo chúng ta sẽ chỉ ra cách thức tháo gỡ sự trì trệ này bằng cách áp dụng quy trình "Đập tan Bảo thủ".

Sơ đồ nhà máy Vedan và khu xả thải xuống sông Thị Vải. Ảnh do Cục cảnh sát môi trường cung cấp.

3-1 Thay đổi nếp nghĩ truyền thống, biến sản xuất sinh lãi từ những biện pháp gìn giữ môi trường.

Chúng tôi đã làm việc trong ngành công nghiệp này hơn 20 năm và đã thuyết phục giới chủ quản lý nhiều lần rằng chi phí cho sự cải tiến là tương xứng, mặc dù chúng tôi cũng biết rằng công ty nào cũng muốn gia tăng lợi nhuận. Nếu công ty nào thấy có khoản đầu tư không mang lại lợi nhuận, họ sẽ cố tiết giảm phí tổn. Đầu tư vào bảo vệ môi trường cũng được liệt kê vào loại đó và bị đối xử như thế trong một thời gian dài.

Công ty phải thấy được lợi nhuận gia tăng trong tương lai từ việc đầu tư vào giáo dục, tin học, con người, trang thiết bị và mọi yếu tố khác liên quan đến việc gìn giữ môi trường, nếu không họ sẽ không phê duyệt khoản đầu tư và các khoản phí tiếp theo sau đó cho việc cải tiến.

Nói cách khác, nếu việc gìn giữ môi trường tạo ra lợi nhuận thì sẽ không lý do để ngần ngại; họ sẽ mạnh dạn đầu tư. Về điều này chúng ta có thể đơn giản thưa rằng "tăng sức mạnh vào truyền thống" liên quan đến gìn giữ môi trường xuất phát từ một niềm tin vững chắc rằng "sản xuất biết gìn giữ môi trường và cải tiến về môi trường, là biết trang trải những chi phí cần thiết và tạo ra lợi nhuận thặng dư siêu ngạch(extra profits)!". Hay ít nhất nó cũng tạo ra lợi nhuận mà nhà kinh doanh đòi hỏi.

Với vai trò của người phát minh quy trình công nghệ lên men vi sinh tạo acid amin và kinh doanh acid amin, Ajinomoto phải gương mẫu đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải trong công nghiệp lên men vi sinh. Ngành này cần giải quyết vấn nạn lưỡng nan, giữa tăng tính cạnh tranh và giảm gánh nặng cho môi trường để đạt được mức phát triển có thể chấp nhận được, và điều này chỉ có thể thực hiện qua việc tạo ra "tăng sức mạnh vào truyền thống phát triển thân thiện với môi trường bằng cách trang trải chi phí và tạo ra lợi nhuận nhiều hơn". Chúng tôi sẽ chỉ ra cách nào mà chúng tôi có thể hiệu lực hóa được luận điểm nầy, dựa trên việc thử nghiệm nó vào tiến trình gọi là "Bước đi Khôn khéo" (Mitchell et al. 1999).

Hệ thống xử lý nước thải "nổi" của Công ty Vedan.

Ảnh: Báo Đồng Nai.

Bước 1: Những truyền thống nào các công ty hay xí nghiệp khác dùng để đẩy nhanh sự tiến triển, cho các kết quả tốt hơn, mà lại giảm được giá thành ?

Thí dụ: Công ty rượu bia Asahi Brewery của Nhật thực hiện một chương trình quản lý về môi trường và tiết kiệm được hơn 300 triệu USD trong giá thành sản xuất năm 2004 so với 10 năm trước. Chính sách chất thải bằng zero(không) buộc công ty phải xem xét lại và cải tiến công nghệ sản xuất, mang đến kết quả là tiết kiệm được một số chi phí khổng lồ. Ví dụ trên giúp chúng ta tin rằng sự xác lập cái gọi là "tăng sức mạnh vào truyền thống phát triển thân thiện với môi trường là trang trải chi phí và tạo ra lợi nhuận nhiều hơn" là chính xác.

Một thí dụ nữa là chương trình Trang trải cho việc Ngăn ngừa Ô nhiễm của công ty 3 M(Tree-M) đã ngăn chận được 2,2 tỷ cân Anh chất ô nhiễm ra môi trường và đã tiết kiệm cho 3M gần 1 tỷ USD trong khoảng thời gian 30 năm (báo cáo Finandip 2005).

Hai thí dụ này cho thấy những nỗ lực bảo vệ môi trường có thể được hoàn nguyên sòng phẳng và tiết kiệm được rất nhiều tiền. Nói một cách khẳng định hơn, sự đối phó và đầu tư vào môi trường có thể mang tiềm năng trở thành lợi nhuận. Những số liệu "dương" trong tài chính có thể đạt được qua việc tạo giá trị từ "chất thải"=”hàng hóa” trong quy trình sản xuất, mà thông thường chất thải vốn công ty phải tốn tiền để xử lý.

Bước 2: Những truyền thống nào tương hợp với các giá trị của công ty ?

Bước 3: Làm sao để một truyền thống trở nên phù hợp với các giá trị của công ty ?

Tạo ra lợi nhuận là những giá trị lớn nhất đối với mọi cổ đông (chiến lược), nếu việc chi phí cho môi trường được họ cho là chi phí cần thiết để phù hợp với giá trị về môi trường của công ty trong việc tạo thêm lợi nhuận, tất nhiên mọi người sẽ yêu thích việc đó.

Bước 4: Khía cạnh nào trong các truyền thống này là hấp dẫn và vui tươi đối vời mọi người

trong công ty hoặc tổ chức ?

Nhân viên trong bộ phận lo về môi trường thường có suy nghĩ là mình chẳng đóng góp gì tạo nên cho lợi nhuận của công ty. Họ và cấp trên quản lý có khuynh hướng cho rằng bộ phận môi trường này chỉ làm phát sinh hao tốn chi phí. Nếu việc gìn giữ môi trường này mà phát sinh lợi nhuận, những người nầy sẽ cho rằng đó là một phép lạ.

Chúng tôi tin là một khi con người đã có sự tin tưởng tận đáy lòng cho rằng "tăng sức mạnh vào truyền thống phát triển thân thiện với môi trường là trang trải chi phí để tạo ra lợi nhuận nhiều hơn" thì những người này sẽ dẫn dắt công ty thành công ngoạn mục trong việc giảm thiểu gánh nặng môi trường.

Ngày nay thật khó mà tin được có thể tạo ra lợi nhuận từ những cái gọi là chất thải.

Chúng tôi là những nhà quản lý của công ty FDG-Thai lan, một công ty vệ tinh của AJT, chúng tôi sẽ minh chứng cho hiệu quả của việc "tăng sức mạnh vào truyền thống" thông qua sử dụng công ty chúng tôi như một mô hình mẫu trong việc làm thân thiện môi trường.

Chúng tôi ở FDG-Thai lan đang đứng trên một kết quả đầy tham vọng rằng đầu tư nhằm giảm gánh nặng môi trường và tạo ra sự phát triển thân thiện với môi trường sẽ là lực đẩy cho công ty lớn mạnh, đóng góp cho xã hội địa phương, đạt được sự tôn trọng từ xã hội và vui hưởng thành công xuất sắc về tài chính.

Sự tin tưởng đầy tham vọng của chúng tôi không phải là một hứng khởi đột xuất mà được rút tỉa từ sự thường xuyên bị thách đố trước những nỗ lực vượt qua của AJT-Thai lan và công ty Ajinomoto. Trong vai trò thủ lĩnh của ngành công nghiệp lên men vi sinh, Ajinomoto đã có nhiều nỗ lực tìm phương cách đáp ứng luật bảo vệ môi trường, tìm các quy trình chế biến nguyên liệu giảm thiểu tác động đến công nghiệp lĩnh vực nầy cũng như tiết giảm chi phí phải bỏ ra.

Hình 5-2 cho thấy số liệu tương đối về mặt tài chính trong lĩnh vực này của FDG-Thai lan. Chúng ta có thể thấy rằng doanh thu hàng năm của FDG-Thai lan tăng nhanh chóng ngay từ khi bắt đầu. Lợi nhuận không được chỉ rõ ở đây, tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận trên doanh số ngày càng tốt hơn khi công ty chuyển chất lượng sản phẩm sang loại có giá trị cao , mang lại cho công ty nhiều lợi nhuận hơn.

Tuy nhiên, mức phấn đấu không ngừng gia tăng nhanh chóng theo doanh số. FDG-Thai lan có ý định tăng trưởng ở cấp lũy thừa trong lĩnh vực quản lý môi trường tại Thái Lan.

Họng cống đưa nước thải từ nhà máy Vedan ra sông Thị Vải (tại ấp 1, xã Phước Thái,

Long Thành, Đồng Nai) - Ảnh: Hà Mi

3-2 Sự ra đời của Công ty FDG-Thai lan

Là một công ty độc lập về quản lý môi trường, FDG có xuất xứ từ lịch sử các nổ lực bảo vệ môi trường của AJT. Chúng tôi sẽ trình bày AJT đã trải qua các kinh nghiệm trong quá khứ như thế nào để đi đến quyết định tạo ra một công ty quản lý môi trường độc lập là FDG-Thai lan.

Để rõ ràng hơn, chúng tôi dùng bảng phân tích SWOT để giải thích các lý do khiến AJT tạo ra FDG.

3-2-1 Sự lớn mạnh trong công nghiệp lên men vi sinh mang nhiều nguy cơ cho AJT

Do xã hội càng lúc càng quan tâm nhiều hơn đến môi trường, các nhà quản lý của AJT nghĩ rằng khi các vấn đề về môi trường bùng nổ thì công ty bị trừng phạt rất nặng, vừa hữu hình vừa vô hình.(có nguy cơ bị phá sản vì phải ngưng sản xuất hay di dời đi nơi khác vì là nguồn gây ô nhiễm cho khu vực, không nói đến việc bị tẩy chay sản phẩm trên thị trường. HLT)

Khi mà tiến trình lên men cho ra rất nhiều chất trung gian gọi là chất thải, việc sử lý những chất này rất quan trọng đối với sự phát triển của công ty cũng như việc duy trì một môi trường sống tốt đẹp. Bất kỳ một sự cố hay tai nạn nào hoặc thậm chí vài tin đồn xấu cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho AJT, và làm ngăn cản mọi cơ hội phát triển của công ty trong tương lai.

Hình 5-3 cho thấy số lượng chất thải được bán ra dưới dạng sản phẩm phụ. Khối lượng chất thải và sản phẩm phụ đã gia tăng nhanh chóng cùng với việc kinh doanh phát triển của AJT. Trong quan điểm của chúng tôi, sản phẩm phụ có nghĩa là một cái gì đó có chất lượng kém hoặc giá trị thấp.

Thật không may là các chất thải từ qui trình xử lý của Ajinomoto đều được bán dưới danh nghĩa sản phẩm phụ trong một thời gian dài.

AJT xem đây là một mối đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển khi bắt đầu thành lập phân xưởng sản xuất bột ngọt thứ nhì tại Thái Lan; phân xưởng Ajinomoto Kamphaengphet bắt đầu hoạt động vào mùa thu 1997 để sản xuất bột nêm như MSG và Ribonucleotides (tên sản phẩm là I+G).

Trong ngành công nghiệp lên men vi sinh nói chung, chất thải luôn có nhiều hơn thành phẩm. Nếu Ajinomoto không xử lý thành công chất thải phát sinh trong sản xuất, sản phẩm chính không thể cho ra được.

Do đó, bộ phận chịu trách nhiệm về sản phẩm phụ phải ra sức xử lý hoặc tiêu thụ chất thải và sản phẩm phụ phát sinh. Dù việc này rất quan trọng cho hoạt động của công ty, nó vẫn ít được quan tâm và tôn trọng mãi đến thời gian gần đây. Điều này nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng nó lại là một truyền thống trong ngành công nghiệp lên men vi sinh.

Xưởng Kamphaengphet của AJT sử dụng tinh bột sắn và rỉ mật đường làm nguồn nguyên liệu carbon cho sự lên men để tạo ra chất bột nêm. Thí dụ, cần khoảng 2,1 triệu tấn mật đường để sản xuất 5.000 tấn bột ngọt (báo cáo Kizen 2004). Khoảng 90% chất thải là từ nhũ tương cái, một chất lỏng tồn dư sau khi lên men và chiết xuất acid amin. (chi tiết rất quan trọng để suy xét trường hợp Vedan thải vào sông Thị Vải vì nguyên liệu chính của Vedan cũng là Mật rỉ đường và bột sắn-HLT , xem phụ chú)

Như đã giải thích trước đây, xưa kia nó được đổ bỏ ra biển. Sau đó Luật bảo vệ môi trường Luân Đôn năm 1972 đã ngăn cấm việc này nhưng chưa triệt để mãi cho đến giữa năm 1990, khi có nhiều nước phê chuẩn nó và công chúng nói chung quan tâm nhiều hơn đến môi trường.(Vedan đã vi phạm Luật nầy ! HLT)

AJT buộc phải thành lập bộ phận xử lý nước thải trong sản xuất sao cho thân thiện môi trường. May mắn là chất nhũ tương cái - chất thải sau quá trình lên men - chứa nhiều khoáng chất và nguồn nitrogen rất bổ dưỡng cho vi sinh vật. Do đó nó có tiềm năng sử dụng như là một chất phụ gia giàu dinh dưỡng cho phân bón nông nghiệp hoặc nuôi gia súc.(được dùng làm nguyên liệu sản xuất Lysine trong thức ăn gia súc)

Ở Thái Lan, hầu hết phân bón đều có nguồn gốc hóa học, cho nên khi nhà máy MSG mới được xây dựng không một nông dân nào để ý đến việc sử dụng chất nhũ tương cái của nhà máy để thay cho phân bón đang dùng.

AJT-Thai lan nhận thấy đây là một điều mạo hiểm khi nhà máy sản xuất MSG đã thành lập một nhóm đặc nhiệm trong việc tận dụng nhũ tương cái thay cho phân bón hóa học rồi bán nó cho nông dân (báo cáo Kizen 2004). Tuy nhiên, ban đầu do thiếu thông tin cũng như ở Thái lan nông dân chưa có truyền thống dùng phân bón dạng nước vì thế doanh số bán không tốt. Nhóm đặc nhiệm phải tìm mọi cách để thuyết phục nông dân dùng phân bón dạng lỏng. Họ đã lấy mẫu nhũ tương cái ở các nhà máy khác rồi phân phối cho nông dân để thử. Hơn một ngàn nông dân đã tham gia thử nghiệm nhưng cũng không mấy thành công.

Một dự án từ chính quyền Thái Lan đã cứu vãn tình thế hiểm nghèo. Họ đề nghị hợp tác với một cơ quan thử nghiệm của chính quyền Thái Lan để nghiệm thu hiệu quả của chất phân bón lỏng này. Kết quả thử nghiệm rất khả quan, cho thấy hàm lượng đường tăng lên trong nhiều loại cây trồng, nhờ vậy thu hút sự chú ý của nhiều nông dân.

Dự án trên đã mang đến một kết quả khích lệ cho nhóm đặc nhiệm, nhưng nhóm lại phải đối mặt với một tình thế cực kỳ hiểm hóc khác đó là vấn đề tích lũy chất nhũ tương cái chưa bán được; do tính thời vụ trong nông nghiệp ở Thái Lan.

Ở Thái Lan, nông dân bón phân cho đất từ tháng giêng đến tháng tư. Trớ trêu thay, xưởng MSG Ajinomoto Kanphenphet bắt đầu sản xuất vào tháng ba, nên công ty đối mặt với tình thế căng thẳng vì hầu hết nhũ tương cái đã làm ra không thể tiêu thụ được.

Nhiều nông dân đề nghị được tặng không phân bón nước này nhưng ông Kunita, giám đốc dự án, đã từ chối. Ông xem xét tình hình và nói rằng "Tôi đã thuyết phục các nhân viên người Thái của tôi có niềm tin là phân bón tốt phải được bán với niềm kiêu hảnh và giá cả tương xứng" (báo cáo Kizen 2004). Tình cảnh ngày càng tệ hại khi sản xuất tiếp tục. Khối lượng tồn kho của nhũ tương cái tích lũy chồng chất.

Tháng chạp và tháng giêng năm sau là thời kỳ khó khăn nhất của nhóm đặc nhiệm, khi mọi kêu ca và áp lực của bên sản xuất thúc giục bán ra nhũ tương cái, mà các giao dịch với nông dân thì vẫn chưa mang lại kết quả nào. May thay bắt đầu từ tháng 1-1999, nhũ tương cái của xưởng dần dần bán được nhờ vậy nhóm đặc nhiệm đã vượt qua cuộc khủng hoảng .

3-2-2 Sự trì trệ hay tính bảo thủ của Ajinomoto

Năm 1999 AJT dù sao cũng thoát được nguy cơ và khả năng ngừng sản xuất dây chuyền MSG qua việc vận dụng bán sản phẩm phụ phát sinh trong công nghệ sản xuất. Qua được cuộc khủng hoảng, công việc chính của AJT là sản xuất MSG và các sản phẩm khác được tiến hành tốt đẹp.

AJT nhận thức được qua kinh nghiệm cay đắng này là trừ phi có được những giải pháp ổn định trong giải quyết các chất thải sản xuất, không thì việc sản xuất bột ngọt - là một sản phẩm điển hình của công nghệ lên men vi sinh - khó mà phát triển được.

Với quan điểm này, chính sách tốt về môi trường và dẫn dắt hoạt động môi trường cho phù hợp luật pháp nhằm gìn giữ môi trường cho tốt đẹp và phát triển một hệ thống sản xuất thân thiện môi trường. Đó là điều cần thiết để duy trì cơ hội sống còn trong ngành công nghiệp này.

Ở AJT, mọi sản phẩm khác phát sinh từ trong dây chuyền lên men để ra sản phẩm chính - acid amin - đều được xem là sản phẩm phụ giá rẻ, bao gồm phân bón và chất độn điều hòa cho đất. Vì sản phẩm thứ cấp này được nông dân chấp nhận như là một thứ phân bón loại 2 kém hiệu quả, nhu cầu về nó thất thường và sản phẩm phụ chưa kịp bán thường bị tích lũy cao ngất đầy kho.

Dự trữ quá nhiều làm giá càng giảm hơn và trước đây có lúc Ajinomoto đành phải hạ giá sản phẩm phụ này xuống gần như biếu không. Quản lý về tái sử dụng chất thải của Ajinomoto như thế hiển nhiên là kém ổn định và không hiệu quả.

AJT bắt đầu bán sản phẩm phụ là phân bón dạng lỏng từ năm 1981 và sản phẩm phụ dạng chất rắn từ 1988. Tuy nhiên, các nhà quản lý của AJT thường nghĩ rằng sản phẩm chất thải của họ có rất ít giá trị thương mãi, lại càng không cho rằng chất thải đó có giá trị cao. Họ xem nó như là một thứ vướng bận, nguy hiểm và tốn kém để xử lý, nên cho dù đã qua xử lý và biến nó thành sản phẩm, họ vẫn gọi nó là sản phẩm phụ, có nghĩa là không phải là sản phẩm chủ yếu, giá trị loại hai. Nói một cách khác, các nhà quản lý của AJTđã bảo thủ trong việc nhận ra giá trị tổng thể của quy trình và sản phẩm làm ra .

Sau này, họ khám phá ra chất thải trong sản xuất đó thực ra đã không còn là chất thải hay sản phẩm phụ nữa mà có thể chuyển sang thành những sản phẩm có giá trị cao.

Cơ hội luôn tồn tại cùng nguy cơ; chúng ta sẽ tìm được cơ hội trong nguy cơ nếu chúng ta thay đổi định kiến. Nếu nhận ra và gỡ bỏ sự trì trệ(bảo thủ)của mình, chúng ta sẽ thấy được hoàn cảnh kinh doanh của mình dưới một khía cạnh sáng sủa và đầy tiềm năng .Đó là những gì AJT và FDG-Thai lan đã học được từ kinh nghiệm, và đó cũng là những gì mà Mitchell et al. (1999) đã giải thích trong "Giải pháp 2000 phần trăm".(còn tiếp)

9/2008

Nguyễn Thanh Quyền dịch, HLT hiệu đính

(xin mời đón đọc phần 3)

Bể chứa nước thải để đưa thẳng ra sông Thị Vải(nhà máy Vedan)

 

Phụ chú của Hồng Lê Thọ

Trong quá trình điều tra của Cảnh sát bảo vệ môi trường tại nhà máy Vedan hiện nay, lực lượng nầy đã phải vất vả “mày mò” sự vi phạm của Vedan qua những đường ống ngầm và rối rắm như trận bát quái vì không được sự hợp tác, cũng như bản vẽ thiết kế của Vedan cung cấp. Ngày càng phát hiện mỗi lúc một nhiều hơn, lượng nước thải được tính toán ban đầu là 50,000 m3/tháng nay, sau đó là 73,000 m3 và ngày 25/9/2008 đã lên đến hơn 105,000 m3/tháng khi đi sâu vào kết cấu hạ tầng(xem http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/09/805746/) và còn có thể nhiều hơn nữa…như một sự thách đố của Vedan.

Thực tế lượng nước thải của toàn bộ nhà máy, của từng khâu (thủy phân, sau lên men, trung hòa, sấy, tẩy rửa…theo qui trình sản xuất), chế biến tinh bột, công nghệ sử lý chất thải Lysine làm phân bón… vẫn còn trong bóng tối và có khả năng Vedan tìm cách phi tang để ém nhẹm chứng cứ . Phần trên của bài 2 nầy hi vọng sẽ giúp được cơ quan điều tra tham khảo để nắm bắt những thông số thực tế qua kinh nghiệm của Ajinomoto như lượng nguyên liệu Mật rỉ đường cần thiết cho một tấn bột ngọt thành phẩm và tỷ lệ thành phẩm/tỷ lệ thứ phẩm(tương đương với 10%)…cũng như hàm lượng Cyanure(Acid cyanhydric HCN) trong khoai mì xắt lát, lượng nước cần thiết cho phân xưởng tinh bột (bao nhiêu mét khối nước cho 1 tấn bột mì) là những thông số rất quan trọng….từ đó có thể truy cứu và định lượng nước thải của nhà máy Vedan được chính xác hơn.

Những thông số trong sản xuất MSG được xem là “Cực kỳ bí mật”(gokuhi—Cực Mật) , không một nhà máy nào chịu công bố chi tiết vì vậy cơ quan điều tra vô cùng nhọc nhằn và không thể phát hiện chính xác nếu thiếu kiến thức về qui trình công nghệ của Vedan ( không nắm bắt lượng vào-ra của nguyên liệu/thành phẩm, hiệu suất của Nước sử dụng theo hàm lượng độc tố…) như sự vi phạm nghiêm trọng của công ty Wevong(công ty sản xuất bột ngọt của Hàn quốc) trước đây tại Phú Thọ và Bình Dương(đầu nguồn sông Sài gòn) gây ô nhiễm hôi thối và giết chết hàng trăm tấn cá Diêu Hồng của ngư dân .

Ngoài ra, mong bạn đọc tìm hiểu thêm về Luật Bảo Vệ Môi trường Luân đôn 1972 vì đó là một qui định quốc tế chung được nhiều nước tham gia mà chúng tôi chưa thể giới thiệu kịp thời trong dịp nầy.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ