Chất Da cam/ Dioxin - Di chứng dai dẳng

Vietsciences- Jason Grotto -  Tim Jones - Song Hà chuyển ngữ       08/03/2010

 

 Phần 1  Phần 2 Phần 3 Phần 4 Phần 5
 

Phần 4: Chất độc vẫn dai dẳng

Khi một công ty môi trường nhỏ của Canada tiến hành thu thập các mẫu đất tại căn cứ không quân cũ của Mỹ ở một thung lũng hẻo lánh tại Việt Nam, Thomas Boivin và các nhà khoa học khác vẫn hoài nghi họ đã tìm ra bằng chứng chứng minh chất diệt cỏ được quân đội Mỹ sử dụng tại nơi này hàng thập kỷ trước vẫn đặt ra mối đe dọa tới sức khỏe con người.

Nhưng những kết quả đã chỉ ra các mức độ chất độc dioxin dẫn tới các bệnh ung thư lớn hơn rất nhiều các chỉ dẫn mà Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đã đưa ra tại khu vực dân cư này. Đó là khi Boivin, hiện là chủ tịch công ty này reo lên: “Tôi đã tìm ra rồi”.

Công ty tư vấn Hatfield đóng tại Vancouver đã bắt đầu nghiên cứu mức độ nhiễm chất độc này qua chuỗi thức ăn, từ đất đá đến bùn đất trong các ao hồ chung quanh đó đến mỡ của các loài vịt, cá đến máu và sữa mẹ của những người dân sống trong vùng nhiễm chất dioxin.

Từ một nghiên cứu của công ty này cho thấy trong sữa của một người mẹ sống tại khu vực này chứa chất dioxin cao gấp sáu lần mức WHO cho phép. Chị có hai đứa một đứa con hai tuổi mắc bệnh nứt đốt sống, một trong những dị tật bẩm sinh mà Bộ các vấn đề về Cựu binh Mỹ đã bồi thường cho con của các cựu binh Mỹ nhiễm chất Da cam dioxin.

Sau đó, các nhà khoa học Hatfield và Việt Nam đã lấy mẫu từ gần 3.000 căn cứ quân đội cũ của Mỹ trên khắp miền nam Việt Nam và đã xác định có 28 điểm nóng, bao gồm ba khu vực chứa chất dioxin cao chung quanh vùng dân cư tại Đà Nẵng, Biên Hòa và Phú Cát.

Những phát hiện này của họ đã đưa ra cách đánh giá di chứng của chất da cam ở Việt Nam như một vấn đề có thể giải quyết được và cấp bách. Thay vì tranh cãi chung quanh các di chứng bẩm sinh và các vấn đề sức khỏe khác, việc phát hiện ra tình trạng nhiễm độc dai dẳng này đã tập trung sự chú ý vào vấn đề hiện tại hoàn toàn giải quyết được.

Tuy nhiên, kể từ nghiên cứu đầu tiên của Hatfield được công bố vào năm 2000, chính phủ Mỹ đã hành động quá ít để làm sạch các khu vực còn chứa dioxin trong suốt Chiến tranh Việt Nam. Chính phủ Mỹ mới chi sáu triệu USD để giải quyết cả các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do nhiễm chất dioxin và những tổn hại môi trường to lớn do chất làm rụng lá.

Boivin và những nhà khoa học khác đã và đang nghiên cứu vấn đề này cho biết từ những nghiên cứu đầu tiên được tiến hành, đã có nhiều hợp tác hơn giữa Mỹ và Việt Nam. Hatfield bắt đầu làm việc vì cộng đồng tại Việt Nam với hy vọng có được tiền hỗ trợ của chính phủ Canada, nhưng sau đó công ty này đã tự đầu tư thời gian và mọi nguồn lực để thực hiện việc nghiên cứu.

“Đặc biệt, trong nhiều năm trước đã có hoạt động lớn tại Mỹ và Việt Nam rất đáng được khuyến khích”, ông Boivin nói.

Song mọi hoạt động tẩy sạch những khu vực ô nhiễm của Mỹ tại các căn cứ quân sự cũ của nước này đóng tại Việt Nam đều rất chậm chạp. Chi phí chính xác để tẩy sạch các điểm nóng tại Việt Nam chưa được cả hai phía tính toán, nhưng chắc chắn chi phí này sẽ lên tới con số hàng chục triệu USD.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2004 đến 2007, ông Michael Marine nói: “Việc có một lượng chất dioxin nguy hiểm tại Việt Nam rất là điều không thể phủ nhận và việc cất trữ chất diệt cỏ tại Việt Nam của các lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đã gây ra tác hại và hậu quả là không còn nghi ngờ gì nữa” và “đó là lý lẽ khá đơn giản để khiến Mỹ nên giúp Việt Nam giải quyết vấn đề này”.

Hiểm họa vô hình

 

Tác hại của chất Da cam dioxin không chỉ được cảm nhận bởi những người lính đã từng chiến đấu và những người dân đã và đang sống trong vùng bị rải chất này. Hơn nữa, chất Da cam dioxin đã để lại tác hại lâu dài tới các khu vực trong và chung quanh những nơi đã từng là kho cất trữ và bị ngấm chất hóa học này.

Khi anh Nguyễn Văn Dũng nhận công việc thông cống tại sân bay Đà Nẵng vào năm 1996, anh không hề hay biết các lực lượng Mỹ đã từng cất trữ hàng trăm nghìn gallon chất diệt cỏ hoặc loại chất diệt cỏ chứa hàm lượng hợp chất độc tố cao có liên quan tới gần hai chục loại bệnh trong suốt Chiến tranh Việt Nam. Anh cũng không hề biết chất độc này đã ngấm vào đất và có mức độ độc hại rất cao.

Anh Dũng bước vào ngôi nhà một gian cạnh khu căn cứ quân sự cũ của Mỹ với vợ anh, chị Thu và cô con gái nhỏ còn đang ẵm ngửa. Trong suốt 13 năm, vợ chồng anh Dũng, chị Thu đều làm việc tại sân bay và đã có hai đứa con với những căn bệnh khác nhau. Một đứa mắc bệnh máu hiếm còn một đứa mắc bệnh về xương, cả hai đều được nghi do nhiễm chất độc còn chứa trong đất ở sân bay.

Cô con gái thứ hai của họ chết khi lên bảy, và giờ cậu con trai mới có 10 tháng tuổi đang phải chịu những căn bệnh tương tự, khiến cậu bé phải truyền máu mỗi tháng để duy trì sự sống.

 “Tôi là một người đàn ông, và đàn ông ít khi khóc”, người đàn ông 41 tuổi nói với đôi mắt thẫm đẫm nước khi vợ anh, chị Thu đang bế đứa trẻ yếu ớt trong tay. “Nhưng mỗi khi con trai tôi phải truyền máu, tôi không thể đừng khóc”. 

Ba năm trước, các nhà khoa học Việt Nam và Hatfield đã tiến hành đo nồng độ dioxin trong máu và sữa mẹ của những công nhân tại sân bay Đà Nẵng và kết quả cho thấy nồng độ này cao gấp 100 lần mức Tổ chức Y tế thế giới cho phép.

Dioxin được coi là chất hóa học độc nhất mà con người biết tới. Trong môi trường, chu kỳ phân hủy của nó có thể là hàng thập kỷ, nghĩa là sẽ phải mất thời gian rất lâu dài để mức ô nhiễm của chất hóa học này giảm đi một nửa. Còn trong cơ thể con người, chu kỳ phân hủy của chất này vào khoảng bảy năm sáu tháng.

Điều này đồng nghĩa với việc không đến một thập kỷ trước, một số người dân sống tại đây đã được Hatfield xét nghiệm có thể mang trong mình nồng độ chất độc này cao hơn mức WHO cho phép.

Lo lắng cho những đứa trẻ

 

Tình trạng ô nhiễm chất dioxin tại Đà Nẵng không chỉ được xác định tại khu vực sân bay. Các nhà khoa học cũng tìm thấy chất dioxin từ chất diệt cỏ được phun ở khu vực gần hồ Sen,  trong nhiều thập kỷ là nơi người dân đánh bắt cá và đem bán.

Nồng độ chất dioxin trong cá và trong lớp cát bùn ở tầng đáy hồ cũng rất cao khiến Chính phủ Việt Nam đã phải ngăn cấm việc đánh bắt cá cũng như bơi lội tại hồ, đồng thời di dời các hộ gia đình sống gần đó. Chính phủ Việt Nam cũng ngăn khu vực ô nhiễm bằng tường bê tông chung quanh hồ. Mặc dù vậy, trong một lần tới đây các nhà báo vẫn gặp một số thiếu niên đang câu cá trong hồ.

Hơn 10 năm nay, cụ bà 74 tuổi Phạm Thị Cúc vẫn trồng hoa sen và nuôi cá tại vùng hồ ngay phía tây sân bay Đà Nẵng này. Năm 2007, công việc kinh doanh của bà đã phải ngừng lại sau các nghiên cứu của Hatfield cho thấy mức độ dioxin trong tầng bùn của hồ lớn gấp 40 lần mức độ an toàn.

Xét nghiệm máu của bà Cúc cho thấy bà đã nhiễm nồng độ dioxin cao nhất so với các mức độ đo được tại Việt Nam, hơn gấp 50 lần mức WHO cho phép. Những người con của bà, cùng làm việc với bà tại khu hồ và đã ăn một lượng cá lớn trong hồ cũng có nồng độ dioxin rất cao trong máu.

Mặc dù không ai trong số họ mắc bệnh, bà Cúc cho biết bà đã mất 10 pound (~4,5kg) từ sau lần kiểm tra sức khỏe bởi nỗi sợ hãi có thể chất dioxin sẽ ảnh hưởng tới các con và các cháu của bà.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự phơi nhiễm chất dioxin làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư và các bệnh khác. Tuy nhiên có thể phải mất hàng chục năm thì những tác hại của nó mới biểu hiện trên cơ thể con người, và cũng có một số người bị phơi nhiễm sẽ không bao giờ chịu những tác hại của nó.

Các nhà khoa học tin rằng chất hóa học này phá vỡ quá trình phát triển tế bào và thậm chí có thể làm biến đổi cấu trúc nhiễm sắc thể (AND) ở người.

Năm 2006, EPA bắt đầu giúp đỡ về mặt kỹ thuật như một cách góp phần với các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức nhân đạo cá nhân khác, đáng chú ý nhất là quỹ Ford, nhằm tìm những cách kinh tế để tẩy chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng và hồ Sen.

Tháng 10, Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ đã ký một hợp đồng trị giá 1,4 triệu USD để nghiên cứu cách tẩy sạch tốt nhất cho khu vực này, một nghiên cứu mà trung tâm này cho biết sẽ phải mất ba năm để thực hiện.

Nhưng chương trình này không thể làm giảm nỗi lo lắng của bà Cúc về những tác hại đang hiện hữu của chất độc này.

“Tôi không thể không lo lắng cho sức khỏe của con và cháu tôi”, bà Cúc nói. “Tôi thì đã già rồi, nên tôi không lo về sức khỏe của tôi nữa. Nhưng tôi rất lo cho chúng”.


Bà Phạm Thị Cúc (ngồi góc trái) và gia đình bên bữa cơm.  Cháu trai của bà Phạm Huỳnh Ngọc Minh Hoàng đang chơi với  con trai Huỳnh Minh Hiếu. Anh Con cháu của bà Cúc hiện đều  khoẻ mạnh nhưng các kiểm tra cho thấy họ đều nhiễm  lượng dioxin rất cao trong máu.
(Ảnh:Chris Walker / Chicago Tribune, 17/9/2009)

Số tiền mà Quốc hội Mỹ đã quyết định chi dùng để khắc phục hậu quả chất Da cam dioxin tại Việt Nam là quá ít cho công việc tẩy sạch khu vực Đà Nẵng, chứ chưa nói đến hàng chục điểm nóng khác rải rác khắp miền Nam Việt Nam.

Một bản báo cáo từ Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ được công bố hồi tháng 6 đã đưa ra chi phí ước tính cho việc tẩy sạch chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng vào khoảng 17 triệu USD, trong khi Việt Nam khẳng định chi phí làm sạch tại ba điểm nhiễm độc nặng nhất là khoảng 60 triệu USD.

Ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Việt Nam nói: “Chúng tôi đã bày tỏ rất cởi mở những điều chúng tôi nghĩ. Tôi biết Chính phủ Mỹ không thể làm được mọi việc, nhưng tôi nghĩ họ nên bày tỏ sự cảm thông với Việt Nam về những điều đang xảy ra”.

Cá, vịt bị nhiễm độc

 

Những cố gắng tẩy sạch khu vực nhiễm chất dioxin tại Đà Nẵng chắc chắn sẽ cải thiện tình trạng tại đây, song thực hiện công việc tương tự tại Biên Hòa, một thành phố công nghiệp cách thành phố Hồ Chí Minh về phía bắc 20 dặm lại khó khăn hơn nhiều.

Trong suốt chiến tranh, các lực lượng Mỹ đã cất trữ hàng triệu gallon chất diệt cỏ tại Biên Hòa, căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam. Chỉ riêng trong năm 1970, hơn 7.500 gallons chất hóa học này bị rò rỉ và ngấm vào đất.

Các nhà khoa học Việt Nam và Mỹ đã đo được nồng độ dioxin trong đất và cát tại căn cứ này cao gấp 1.000 lần tiêu chuẩn cho phép, mức độ cao nhất đã từng đo được tại Việt Nam.

Dioxin từ các khu vực bị ô nhiễm ngấm vào con suối và hồ nước gần đó nằm ở trung tâm thành phố, trong khu vực vẫn có hàng nghìn người sinh sống.

Trong nhiều thập kỷ, các ngư dân đã đánh bắt cá, các loài ốc, ếch và vịt từ hồ Biên Hùng và bán chúng cho người dân địa phương. Dioxin xâm nhập vào các tế bào mỡ, và các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng con người bị nhiễm chất dioxin khi họ ăn những con cá hay con vịt mà trong mỡ của chúng có chứa nồng độ cao chất độc này .


Người dân vẫn bắt cá tại khu vực hồ nhiễm chất dioxin cao,
nơi gần kho cất trữ chất diệt cỏ cũ của Mỹ.
(Ảnh: Kuni Takahashi / Chicago Tribune, 1/7/2009).

Năm ngoái (2008), chính quyền tỉnh Đồng Nai đã nghiêm cấm các loại thực phẩm như ốc, cá, gà, vịt, tôm và ếch được nuôi từ hai tỉnh lân cận chung quanh hồ nước này.

Với số tiền từ Quỹ Ford, khoảng 6,5 triệu USD hỗ trợ vấn đề chăm sóc sức khỏe liên quan tới chất diệt cỏ ở Việt Nam, Sở Y tế của tỉnh Đồng Nai đã phát hành 9.000 tờ rơi giải thích tác hại của các loại thực phẩm từ các vùng chung quanh khu vực nhiễm chất dioxin.

Tuy nhiên, có khoảng 750.000 người sống trong thành phố, và đối với một số gia đình, việc đó là quá chậm trễ.

Chị Nguyễn Thị Thông, 56 tuổi đã sống cả đời bên con suối bị nhiễm chất dioxin từ sân bay Biên Hòa. Bố của chị đã phải chiến đấu với căn bệnh ung thư trong 12 năm, và chị gái của chị đã chết bởi căn bệnh ung thư trực tràng trước tuổi 30. Còn bản thân chị cũng đang phải chiến đấu với những vấn đề về gan.

“Nhiều người sống dọc hai bờ con suối này đã chết ở tuổi khoảng 30 đến 40”, chị nói. ‘Nhiều người trong số họ chết vì ung thư gan- đó là nguyên nhân chính”.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, hiện Biên Hòa là thành phố có tỷ lệ ung thư cao nhất ở Việt Nam với khoảng 1.333 bệnh nhân ung thư trong 100.000 dân. Cơ quan này cũng cho biết rất nhiều bệnh nhân ung thư chết mà không được chuẩn đoán chính xác do hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam còn thiếu điều kiện vật chất cần thiết.

(Còn nữa)

 http://www.chicagotribune.com/health/agentorange/chi-agent-orange4dec09,0,7839395.story
 

* Phóng sự thực hiện bởi Tim Jones và Jason Grotto

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org