Chất Da cam/ Dioxin - Di chứng dai dẳng

Vietsciences- Jason Grotto -  Tim Jones - Song Hà chuyển ngữ       08/03/2010

 

 Phần 1  Phần 2 Phần 3 Phần 4 Phần 5

Phần 3

Được sinh ra trong tranh cãi

Cao Thị Lan Phương, 9 tuổi, bị chứng biến dạng ở đầu đang được các bác sĩ chăm sóc tại Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM.

NDĐT- Phần 3 của loạt bài điều tra của Tribune về việc đâu là vai trò của chất làm rụng lá trong tỷ lệ những trẻ sơ sinh bị khuyết tật cao ở Việt Nam vẫn còn là câu hỏi hóc búa hàng thập kỷ sau chiến dịch rải hoá chất của Mỹ đã chấm dứt.

 

Chất Da cam/dioxin: Dị tật bẩm sinh làm nhức nhối Việt Nam- Nước Mỹ lần khân trợ giúp.

Mặt trời thiêu đốt trên chiếc nón mê của bà Đào Thị Kiều khi bà gập người trên những mảnh ruộng hẹp lúa đang xanh mơn mởn, nhổ chúng lên từ những hàng lúa ngập trong nước đục ngầu và cấy lại ở một rãnh khác.

Có những cánh đồng giống hệt như thế mà bà Kiều đã từng làm thời con gái trong trong Chiến tranh Việt Nam và bà vẫn nhớ rõ từ sớm tinh mơ, những chiếc máy bay đã ầm ì đến rải chất độc da cam và những hoá chất làm rụng lá khác trong khi bà  đang làm việc trên đồng.


“Khi tôi thấy những chiếc máy bay đó bay trên đầu mình thì tôi mới khoảng 16 tuổi và tôi đã nhìn thấy việc rải chất độc này kéo dài cho
đến khi tôi lấy chồng” – bà Kiều, hiện đã là một phụ nữ 58 tuổi nói. “Nó có mùi giống như mùi ổi chín. Không một thứ cây cối nào có thể
tồn tại được. Nó làm cho quần áo tôi ướt sũng”

(Ảnh: Chris Walker/ Chicago Tribune, 19-9-2009 )

 

Hồi ức mãnh liệt của bà được xác nhận bởi những dữ liệu từ các chiến dịch rải chất độc đã được tờ Tribune phân tích cho thấy ít nhất có bảy loại hoá chất,  tổng cộng lên tới gần 13.000 galon chất làm rụng lá đã làm chết những cánh đồng của bà Kiều.

Kể từ đó, câu chuyện về cuộc sống của bà Kiều có thể được vẽ nên theo một lôgíc đau đớn và đơn giản. Bà có tám người con. Bẩy đứa trong số đó bị dị tật ghê gớm. Đương nhiên, năm đưa đã chết trước tám tuổi. Bà cũng đã mất đi người chồng người đã phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa bởi căn bệnh ung thư do phơi nhiễm chất diệt cỏ.

Hàng thập kỷ sau khi chiến tranh chấm dứt, câu hỏi gây bất đồng nhất xoay quanh việc sử dụng hoá chất làm rụng lá  của quân đội Mỹ vẫn là sự ảnh hưởng đến sức khoẻ của một số đông người Việt Nam.

Trung tâm của cuộc  tranh cãi là sự liên hệ được cho là có giữa chất làm rụng lá và số trẻ bị dị tật bẩm sinh ở Việt Nam, nơi mà có tỵ lệ cứ 100 đứa trẻ sinh ra thì có tới hơn năm đứa mắc các triệu chứng dị thường về thể xác và tinh thần, một con số mà theo các nhà khoa học Việt Nam phân tích là tăng gấp bốn lần so với thời kỳ bắt đầu cuộc chiến.

Năm ngoái, Chính phủ Mỹ đã chi 13,7 tỷ USD tiền trợ cấp mất khả năng lao động cho hơn một triệu cựu chiến binh Việt Nam và nhiều người trong số đó đã bị nhiễm chất làm rụng lá . Người ta đã chi hàng triệu đô la cho việc bồi thường cho gia đình các cựu binh có con sinh ra dị tật. Song các quan chức Mỹ vẫn tiếp tục dị ứng với việc thừa nhận những mỗi liên hệ giữa chất làm rụng lá và các bậnh tật ở Việt Nam.


Bà Đào Thị Kiều chăm sóc hai đứa con tật nguyền Lâm Ngọc  Hương (trái) và Lâm Kiêm Liên (phải) trong căn nhà ở ngoại thành Biên Hòa, Đồng Nai

(Ảnh: Chris Walker/Chicago Tribune, Đồng Nai, 19/9/2009)

 

Kể từ khi hai nước bình thường hoá vào năm 1995, Quốc hội Mỹ đã chuẩn chi ít nhất 125 triệu USD cho cuộc chiến chống HIV/AIDS ở Việt Nam nơi có tỷ lệ mắc bệnh đứng thứ 67 trên toàn thế giới. Khoảng 46 triệu USD cũng đã được giải ngân để giúp những người Việt Nam bị thương tật vì bom mìn chưa nổ do Mỹ rải xuống Việt Nam.

Song, cho dù chiến tranh đã kết thúc 35 năm, Quốc hội Mỹ vẫn gạt ra một bên khoản tiền sáu triệu USD trợ giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan tới chất làm rụng lá  bất chấp những bằng chứng rằng một số lượng lớn thường dân ở miền nam bị nhiễm chất làm  rụng lá, một thực tế hiện vẫn bị nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật ở Mỹ.

Các tổ chức nhân đạo – bao gồm cả Quỹ Ford, Quỹ Gates và Tổ chức nhân đạo Atlantic – đã trợ giúp số tiền gấp gần ba lần con số Chính phủ Mỹ chi ra để giúp đỡ người Việt Nam chiến đấu với bệnh tật và xử lý các tác hại môi trường do chất làm rụng lá  gây ra.

Trong chiến tranh, các quan chức Mỹ đã lừa mỵ chính quyền Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) rằng "chất làm rụng lá  không nguy hiểm.". Chính quyền miền Nam lúc đó về phần mình cũng đã thuyết phục công dân của mình rằng các hoá chất đó là an toàn. Theo như các tài liệu trong Văn khố quốc gia, binh sĩ Việt Nam thời điểm đó vẫn đổ những hoá chất này lên người mình, thậm chí uống hoá chất này pha lẫn nước.

Nhân viên dân sự và binh lính giải thích với dân thường Việt Nam là rải hoá chất này lên người và xuống nước  không có hại gì và thậm chí họ còn uống nước đó trước mặt dân”- một báo cáo năm 1963 của Chính quyền miền Nam Việt Nam cho biết.

Theo các tài liệu của Chính phủ VNCH, cũng giống như binh lính Mỹ, thường dân Việt Nam sử dụng các thùng đựng hoá chất để tắm rửa và nướng thịt. Do tin rằng các hoá chất này là vô hại nên binh lính VNCH thường bán những thùng phi rỗng nhưng vẫn còn khoảng năm gallon chất làm rụng lá  cho người dân các vùng phụ cận Đà Nẵng hoặc Biên Hoà.

Nhưng rất nhiều vùng đất này hoàn toàn không an toàn. Chúng đã bị nhiễm thứ hoá chất độc hại nhất được biết đến do chính con người tạo ra đó là dionxin TCDD.  Chất gây ô nhiễm này là một sản phẩm khôn lường trong quá trình sản xuất của các công ty hoá chất Mỹ đã tạo ra những thành tố được tìm thấy trong các chất Da Cam, chất Xanh, chất Hồng và chất Tía- những hợp chất đã tạo ra hơn 65 % trong tổng số gần 20 triệu gallon các chất làm rụng lá được rải xuống Việt Nam.

Các nhà khoa học đã khẳng định, dioxin có mối liên hệ khăng khít với hơn 10 loại bệnh tật bao gồm cả ung thư, bệnh liệt rung Parkinson và những rối loạn khuyết tật bẩm sinh khác.

“Tôi chưa bao giờ gặp phải một hệ thống miễn dịch nào mà chất dioxin lại không thể phá vỡ” – TS Linda Birnbaum Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học sức khoẻ liên quan tới môi trường và là chuyên gia hàng đầu về dioxin nói. “Dioxin có tác động rộng lớn trong gần như tất cả các chủng loại rau quả và trong gần như các giai đoạn sinh trưởng phát triển của chúng”.

Cảnh báo sớm

Là bác sĩ sản khoa trẻ trong chiến tranh, TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã đỡ đẻ cho hàng trăm đưa trẻ chào đời ở Bệnh viện Từ Dũ, ngôi nhà lớn nhất Việt Nam của những sản phụ.

Sau đó, năm 1968, hai năm sau khi không quân Mỹ mở rộng việc sử dụng chất làm rụng lá lên tới hàng triệu galon, bà Phượng nói bà đã đỡ cho đứa trẻ sinh ra không có não hoặc không có dây cột sống.

Trong những năm tháng tiếp theo bà nói, cứ ba hoặc bốn lần một tuần bà lại công bố hàng chục trường hợp trẻ sơ sinh với các khuyết tật trầm trọng, những đứa trẻ sinh ra với những dị tật bộ phận bên ngoài hoặc không có tay, không chân, không có mắt.

“Đối với tôi và các đồng nghiệp điều đó thật là kinh khủng” – bà nói, giọng đứt quãng trong khi lấy tay gạt nước mắt. “Trường hợp đầu tiên đã xảy ra trong ca của tôi. Tôi đã không thể cho người mẹ biết, bởi vì tôi sợ bà ấy sẽ sốc mạnh. Nhưng người cha và các thành viên khác trong gia đình yêu cầu được thấy mặt con. Điều đó với họ thật quá sức chịu đựng”.

Cuối cùng, bà Phượng đã gặp gỡ bạn bè những người sau đó đã viết bài cho một trong những tờ báo của Sài Gòn. Những câu chuyện về những ca sơ sinh liên quan tới cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã nhanh chóng được phơi bày và tạo ra những tác động trái chiều còn dai dẳng tới ngày nay.

Quân đội Mỹ kết thúc chương trình rải chất làm rụng lá  được biết đến dưới tên gọi Operation Ranch Hand vào năm 1971 sau khi một nghiên cứu theo đơn đặt hàng của Viện nghiên cứu sức khoẻ quốc gia đã tìm thấy rằng có loại hoá chất trong thành phần của hợp chất này đã gây ra di dạng bẩm sinh trong thí nghiệm trên động vật. Ngay sau đó, người đứng đầu ngành quân y Mỹ đã ra lệnh đình chỉ việc sử dụng hoá chất được biết dưới tên gọi là 2,4,5 -T. Sau đó nó được biết đến rộng rãi rằng 2,4,5-T có chứa một loại của dioxin rất nguy hiểm là TCDD.

Là một chất độc hiểm ác gắn liền với các tế bào mỡ của người và động vật, TCDD có thể tồn tại dai dẳng trong cơ thể hàng thập kỷ.  Các nhà khoa học cho rằng, một khi có mặt, TCDD sẽ kết lại với các protein tế bào được gọi là cơ quan nhận cảm, có thể sau đó làm nổ ra một chuỗi các biến đổi phân tử tác động đến sự phát triển tế bào là nguyên nhân tiềm tàng dẫn tới ung thư và các chứng bệnh khác. Các nhà nghiên cứu cũng đặt giả thuyết rằng, tác động của dioxin đến cơ quan nhận cảm có thể làm biến đổi quy luật gen di truyền dẫn tới các thay đổi trong cấu trúc nhiễm sắc thể ADN của một con người.

Các nhân tố về môi trường và di truyền phức tạp có thể tác động đến phản ứng của con người đối với TCDD và các nhà khoa học nói rằng, hậu quả về sức khoẻ dựa trên bệnh mắc phải về gen, chủng loại và khối lượng hoá chất nhiễm cũng như các tác nhân khác là điều mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tiên liệu hết.

Về tình trạng dị tật bẩm sinh, hàng chục cuộc thí nghiệm cho thấy động vật trong phòng thí nghiệm nhiễm chất TCDD có tỷ lệ sinh dị tật cao hơn với rủi ro tác động nhanh và bất ngờ.  Ở con người, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc phơi nhiễm với những khiếm khuyết của con người nhưng vẫn đang chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa chúng. Nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng hoá chất có thể tác động đến quá trình sinh sản bằng cách làm sai lạc tinh dịch và cản trở các hóc môn điều hoà sự phát triển của bào thai.


Các sĩ quan Việt Nam và các nhà điều tra đang quan sát một hồ nước  gần Hồ Sen tại Đà Nẵng  bị nhiễm độc do ô nhiễm từ căn cứ quân sự  Mỹ từng là nơi  chứa một khối lượng lớn chất làm rụng lá . Sau hơn   30 năm, nơi đây vẫn cho thấy hàm lượng cao độc tố trong môi trường sống.

(Ảnh: Kuni Takahashi/ Chicago Tribune , Đà Nẵng, 30/6/2009).

 

Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ vào năm 2003 đã bắt đầu trợ cấp bồi thường tổn hại cho con cái của những nữ cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam với điều kiện họ phải mắc một trong số 18 biểu hiện tật nguyền khi sinh- bao gồm cả ca quáí thai đầu tiên mà bà Phượng đã gặp phải bốn thập kỷ trước, được biết đến với tên gọi là chứng bệnh thiếu một phần não khi sinh.

Con cái của các cựu binh nữ được bồi thường vì chứng nứt đốt sống, một tình trạng theo đó một số đốt sống trong cột sống được hình thành không hoàn hảo dẫn đến gây đau đớn mất khả năng đi lại vận động, úng não, các vấn đề rối loạn kiểm soát bài tiết và mất khả năng học tập.

Việc làm rõ cơ chế tại sao và như thế nào mà trẻ sinh ra với dị tật bẩm sinh vẫn còn là điều phức tạp đau đầu. Có nhiều nguyên nhân tạo ra hiện tượng này, rất nhiều nguyên nhân trong số đó vẫn chưa được biết đến, đã làm cho việc phân tách rõ nguyên nhân trở nên rất khó khăn nếu như không muốn nói là bất khả.

Tuy nhiên, một điều đang ngày một rõ là con người- đặc biệt là phụ nữ- đối tượng bị phơi nhiễm thậm chí chỉ một khối lượng rất nhỏ chất TCDD- thứ hoá chất mà các nhà khoa học đánh giá là chỉ cần một phần triệu thôi- có tỷ lệ mắc rủi ro nhiễm bệnh dẫn tới sinh trẻ tật nguyền.

Những quan điểm xung đột

Sự mâu thuẫn về ảnh hưởng của chất da cam ở Việt Nam nằm ở ngã ba đường của các khía cạnh khoa học và chính trị, một vấn đề hỗn độn đầy rẫy những tình cảm khó khăn và cảm giác dai dẳng khó từ bỏ từ cả hai phía.

Dị tật bẩm sinh là một phần về sự thất vọng về trách nhiệm đạo đức với một số người Việt Nam đang yêu cầu gần như mỗi đứa trẻ sinh ra tật nguyền đều là nạn nhân chất độc Da cam, trong khi các giới chức Mỹ lại đòi hỏi phải có bằng chứng rõ ràng  rằng để khẳng định chất làm rụng lá chính là nguyên nhân của mọi dị tật bẩm sinh.

“Các cơ quan chính quyền Việt Nam, cụ thể là ở cấp địa phương thường có khuynh hướng gộp tất cả các trường họp dị tật bẩm sinh vào một loại và nói về chúng khi liên hệ với chất Da cam “ – ông Michael Marine Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ 2004 đến 2007 nói. “Đồng thời tôi không nghĩ rằng phía Mỹ đang giải quyết vấn đề này với sự minh bạch đủ rõ ràng. Đó là thứ chất độc phải giải quyết theo khía cạnh chính trị”.

Như là bằng chứng cho sự ảnh hưởng trên phạm vi rộng của chất làm rụng lá , người Việt Nam dẫn một nghiên cứu của Giáo sư danh tiếng Jeanne Stellman của đại học Columbia, được công bố trên tạp chí khoa học (Nature) ba tháng một lần, trong đó ước tính rằng có khoảng 2,1 – 4,8 triệu thường dân Việt Nam đã bị phơi nhiễm các loại hoá chất trong thời gian chiến tranh.

Tuy nhiên, một số giới chức Mỹ vẫn nhìn nhận lời cáo buộc rằng các chất làm rụng lá  gây ra dị tật khi sinh phổ biến ở Việt Nam như là một chiến dịch tuyên truyền có trọng điểm được dựa trên bằng chứng khoa học không nhiều lắm.

“Chúng tôi tin rằng (Chính phủ Việt Nam) sẽ không bao giờ cho phép một nghiên cứu rằng trong mọi trường hợp có thể làm tổn hại tới chiến dịch tuyên truyền dài hai thập kỷ vừa qua. Chất Da Cam/dioxin bị cáo buộc là nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh tật về sức khoẻ con người- đặc biệt là  dị tật khi sinh và sự chậm phát triển trí tuệ”- Một ghi nhớ năm 2003 của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết như vậy.

Các quan chức Mỹ chỉ ra một loạt các nguyên nhân khả dĩ khác cho tỷ lệ dị tật bẩm sinh bao gồm suy dinh dưỡng, thiếu iodine trong khẩu phần ăn của người mẹ thậm chí là do nghiện rượu ../n, mnn..

Rất nhiều sự hiềm thù chính trị gây bất đồng được thấy bên trong Bệnh viện Từ Dũ nơi mà có sự chăm sóc dành cho hàng chục đứa trẻ bị mắc các chứng bệnh dị  tật trầm trọng.  Nhiều đứa  bị ruồng bỏ ngay từ khi mới chào đời và và đuợc đón vào đây học tập và vui chơi trong khi vẫn phải trải qua những đau đớn thể xác và các điều trị khác để vượt qua tật nguyền.

Bệnh viện và bọn trẻ được chữa chạy ở đây đã trở thành những biểu tượng về di chứng  kéo dài của chất độc Da Cam, thậm chí trong nhiều trường hợp khó mà biết được bố mẹ của chúng bị nhiễm từ bao giờ và như thế nào.

Năm 1968, bà Phượng cùng các cộng sự của mình đã bắt đầu thu  thập hàng chục bào thai và những thai nhi chết non và lưu giữ chúng tại Bệnh viện Từ Dũ trong những chiếc bình lớn đổ đầy Fomaldehyde. Báo chí nước ngoài viết về chất làm rụng lá  thường đăng những hình ảnh về những chiếc bình lớn đó, một lần nữa bất chấp sự thiếu bằng chứng thuyết phục về nguyên nhân nào đã gây ra quái thai.

Khi tờ Tribune thực hiện loạt phỏng vấn ở nước ngoài, thì đã rõ vấn đề rằng một số công dân Việt Nam thường nhanh chóng cáo buộc chất làm rụng lá là nguyên nhân của các vấn đề sức khoẻ thậm chí cả khi khó có tài liệu về phơi nhiễm hoặc có thực tế dẫn đến tình trạng phơi nhiễm là không thể thuyết phục. Một số người nói rằng họ bị nhiễm thì đều không tham gia quân đội rất lâu sau khi việc rải chất độc đã chấm dứt; số khác thì phục vụ trong những vùng mà chất độc hoá học có rải thì cũng không đáng kể hoặc không hề có.

Tuy nhiên, tờ Tribune cũng thấy nhiều đứa trẻ ở Bệnh viện Từ Dũ và ở nhiều nơi khác đâu đó tại Việt Nam bị bị tác hại bẩm sinh và bệnh tật mà khoa học  đã chứng tỏ có liên quan đến việc nhiễm dioxin. Trong nhiều trường hợp, dữ liệu về các chiến dịch rải chất độc trong thời gian chiến tranh đã hậu thuẫn cho các câu chuyện của bố mẹ chúng về việc phơi nhiễm chất làm rụng lá .

Gánh nặng của mẹ cha

Trần Thị Shu có một đứa cón trai 6 tuổi  là Hồ Công Đức, trông chỉ mới như đứa trẻ 6 tháng tuổi. Có thể nhìn rõ những tĩnh mạch của nó nằm dưới lớp da dường như trong suốt. Cậu bé gầy và nhợt nhạt; hơi thở của cậu khó nhọc và mệt mỏi .Shu tin rằng bệnh tật của đứa con cũng như những cơn bệnh của đưa con bà là do phơi nhiễm chất làm rụng lá.


Hồ Công Đức trên giường đã 6 tuổi nhưng còn rất nhỏ bị tật nguyền do di chứng dioxin da cam. Bà Trần Thị Shu 43 tuổi nói cả bà và chồng là
Hồ Công Út đều bị bị rải chất độc trong chiến tranh

(Ảnh: Kuni Takahashi/ Chicago Tribune, Quảng Nam, 3/7/2009)

 

“Tôi vẫn nhớ đã nhìn thấy máy bay bay trên đầu mình”- bà Shu, 43 tuổi, người dân sống ở tỉnh Quảng Nam nói. “Sau khi máy bay bay đi, toàn bộ lá cây cỏ trong vùng rụng sạch. Chúng tôi bị ướt do việc máy bay rải hoá chất. Tôi không nhớ rõ điều này đã xảy ra bao nhiêu lần, nhưng mẹ tôi nói rằng ít nhất có ba lần như vậy”.

Dữ liệu từ các chiến dịch rải chất độc hoá học tại Quảng Nam cho biết có gần 24.000 gallon chất Da Cam và 21.000 gallon chất Xanh – có chứa chất asen – đã được rải xuống trong phạm vi hai dặm nơi có làng của bà Shu.

“Tôi rất thương xót con tôi” bà Shu nói. “Nếu tôi có thể sống lâu hơn nó, thì không sao. Nhưng nếu tôi mất sớm, tôi không biết ai sẽ chăm sóc nó sau này”.

Và tiếp đến là bà Đào Thị Kiều, người đã mất chồng cũng như năm đứa con. Chồng bà, ông Lâm Bá Trung đã phục vụ trong quân đội VNCH do Mỹ hậu thuận đóng dọc Vĩ tuyến 17 tại tỉnh Quảng Trị, nơi quân đội Mỹ và quân đội VNCH đã rải hơn 700.000 gallon các loại chất làm rụng lá để huỷ diệt mùa màng của đối phương và phát quang những đường mòn hành quân của miền Bắc.

Ông đã chết năm 2004 ở tuổi 60 sau bảy năm trời vật lộn với bệnh ung thư phổi và ung thư vòm họng, những chứng bệnh mà Viện nghiên cứu Thuốc và Bộ cácvấn đề Cựu binh Mỹ gắn với việc sử dụng chất làm rụng lá trong thời gian chiến tranh.

Cũng giống như nhiều công dân Việt Nam khác, bà Kiều và chồng bà đã mất rất nhiều năm dằn vặt mình trong đau khổ về việc đã sinh ra những đứa con dị dạng. “Chúng tôi đã nghĩ rằng có thể chúng tôi đã làm điều gì đó thất đức trong quá khứ” – bà nói trong giọng ngắt quãng- “Điều đó giải thích việc chồng tôi đã trở thành một người ăn chay trường kỳ”.

Hầu như ngày nào cũng vậy, bà Kiều dậy từ 3 giờ sáng để chăm sóc cho hai đứa con gái tật nguyền còn sống, cô Lâm Kim Liên 39 tuổi và Lâm Ngọc Hương 35 tuổi.

Không có sự điều trị vật lý trị liệu, cả hai cô đều không thể đi lại, nói năng, thậm chí không cầm được cả thìa cơm. Thân thể toàn da bọc xương méo mó vẹo vọ không ra hình người và mái tóc bị xén cụt làm cho họ nom trẻ hơn tuổi thật, trong khi khuôn mặt dễ sợ, ám ảnh của họ lại phản ánh một cuộc đời đau khổ kéo dài suốt tháng này qua năm khác trên một chiếc giường lót rơm tồi tàn.

( xem video về gia đình bà Kiều: http://www.chicagotribune.com/videobeta/?watchId=b62284dc-e212-4b3e-b13b-c7394c7bb258)

Duy chỉ có đứa em trai duy nhất của hai cô chị là còn khoẻ mạnh, Lâm Ngọc Nhân- 20 tuổi, sinh ra sau khi bà Kiều và ông Trung phải đợi 10 năm để thử có con một lần nữa, một chi tiết quan trọng khi xem xét mức độ dioxin đã giảm một nửa trong cơ thể người sau khoảng bẩy năm rưỡi; hoá chất độc cũng thoát ra ngoài cơ thể khi người mẹ cho bú.


Với Lâm Kim Liên (trái, 40 tuổi) và Lâm Ngọc Hương phải (35 tuổi) không thể đi lại và nói năng được, cuộc sống với bà Kiều
là một gánh nặng đau đớn. “Tôi không biết phải nói gì nữa. Để tìm công lý ư? – bà nói, nước mắt chảy dài từ đôi mắt u tối.
“Tôi đã mất năm đứa con và cả chồng mình. Tôi có hai đứa con tật nguyền.  Có những ngày khi tôi đi làm về, tôi mệt mỏi
đến nỗi không thể đỡ chúng dậy được nữa”

(Ảnh:  Chris Walker/Chicago Tribune,Đồng Nai, 19-9-2009)

 

Kiều chăm sóc mảnh ruộng của mình cho đến tối và rồi lại trở về nhà để tắm rửa và đút cơm cho Liên và Hương. Người phụ nữ bé nhỏ với quyết tâm sắt đá ấy là người được bà con trong làng kính trọng bởi cuộc chiến đấu khó khăn, cuộc chiến đấu đã đem lại cho bà lòng kiêu hãnh trước những nỗi đau.

Nhưng sức lực của bà đã biến mất khi kể về những khó khăn chồng chất mà bà phải đối mặt cũng như khát vọng tương lai.

Phóng sự được thực hiện bởi Jason Grotto, Chicago Tribune tại Đồng Nai, Việt Nam

(Còn nữa)

Song Hà biên dịch theo:
http://www.chicagotribune.com/health/agentorange/chi-agent-orange3-dec08,0,2946008.story

 

* Phóng sự thực hiện bởi Tim Jones và Jason Grotto

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org