Chất Da cam/ Dioxin - Di chứng dai dẳng

Vietsciences- Jason Grotto -  Tim Jones - Thu Trang chuyển ngữ       08/03/2010

 

 Phần 1  Phần 2 Phần 3 Phần 4 Phần 5

Phần 2

Sự xúc phạm gây tổn thương


Di chứng chất độc Da cam: đối với các cựu chiến binh Mỹ tại chiến tranh Việt Nam, bất công đi liền với đau thương. Các cựu chiến binh đã phải chờ đợi hàng năm và đấu tranh với các tổ chức thiếu trách nhiệm để có được bồi thường thương tật.

Jack Cooley đã đưa ra lý lẽ tranh cãi cuối cùng trong cuộc đời làm nghề luật cao quý của mình từ trên giường bệnh.

Bốn tháng trước khi đầu hàng căn bệnh đa u tủy, người cựu binh Chicago trong cuộc Chiến tranh Việt Nam và là một thẩm phán liên bang đã viết một yêu cầu dài 140 trang đòi công lý gửi tới Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ Thông điệp của ông Cooley tới cơ quan chính phủ này mang tính cá nhân và trực tiếp: Chất Da cam đang giết chết tôi, và các ông phải có trách nhiệm.

Bộ Các vấn đề cựu binh Mỹ đã trả lại yêu cầu của ông Cooley sau một tháng, và nói rằng ông thiếu bằng chứng cần thiết chứng minh đã phục vụ tại Việt Nam.

Ông Cooley đã có thể có nhiều tháng để định hướng con đường gian truân này. Nhưng với cuộc sống chỉ còn tính theo ngày của Cooley, gia đình ông phải nhờ tới một người bạn cũ, một thành viên của lớp Học viện quân sự Mỹ năm 1965. Người bạn này từng là chỉ huy nhóm quân Eric Shinseki, gần đây mới được bổ nhiệm làm thư ký của Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ

Những khó khăn nhanh chóng qua đi với yêu cầu của ông Cooley. Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ đã chi khoản tiền bồi thường ba tháng một lần với mức 2.700 USD trước khi ông Cooley chết ngày 21/7 ở tuổi 65 tại Evanston.

“Đó là sự xúc phạm làm tổn thương người khác”, con gái ông Cooley, Christina nói. “Nếu tướng Shiseki không phải là bạn của gia đình và là bạn cùng lớp tại Học viện quân sự, chúng tôi sẽ không bao giờ nhận được một hào nào hết. Chúng làm tôi nghĩ đến những người khác đang phải đấu tranh mà không có sự hỗ trợ nào”.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 35 năm, nhưng với rất nhiều cựu binh, cuộc chiến với bệnh ung thư, bệnh đái tháo đường, bệnh liệt rung Parkinson hay những căn bệnh khác có liên quan tới chất làm rụng lá được sử dụng trong cuộc chiến chỉ mới bắt đầu.

Cho đến năm 2007, Jack Cooley vẫn còn khỏe mạnh.

Đối với rất nhiều cựu binh, đó là cuộc chiến mới không mong đợi, rất lâu sau một cuộc chiến đã chấm dứt.

Chính phủ đã rất chậm chạp trong việc thừa nhận có mối liên hệ giữa thời gian phục vụ trong chiến tranh với những căn bệnh suy giảm sức khỏe đang tấn công vào những cựu binh Mỹ tại Việt Nam nhiều thập kỷ sau. Thậm chí khi họ chịu đựng những căn bệnh rõ ràng liên quan tới chất Da cam, những người này phải chờ đợi hàng năm trời để những yêu cầu bồi thường thương tật của họ đến được Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ

Cái chết của Jack Cooley do bệnh đa u tủy, một dạng của bệnh ung thư máu có liên hệ tới sự phơi nhiễm chất Da cam, đã mở cánh cửa vào các hoạt động bế tắc của Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ, cơ quan phán quyết cuối cùng cho những yêu cầu bồi thường thương tật liên quan tới chiến tranh.

“Sự thật là, những cựu binh quay trở về từ chiến tranh tại Việt Nam ốm yếu hơn rất nhiều so với những người đồng tuổi. Đã có điều gì đấy xảy ra ở đó.”, bà Linda Schwartz, ủy viên hội đồng các vấn đề cựu binh tại Connecticut và là tác giả của nhiều nghiên cứu mới đây về sức khỏe của các cựu binh nữ cho biết.


 Một người lính trao cờ cho Christina Cooley trong lễ tưởng niệm
cha của cô, Jack Cooley mất vì căn bệnh do phơi nhiễm dioxin.
(ảnh: Chris Walker/Chicago Tribune, ngày 12/9/ 2009)

Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ đã từ chối yêu cầu trả lời tướng Shinseki, người đã nói ông muốn thay đổi văn hóa của cơ quan này và biến nó thành cơ quan ủng hộ cho những người đã phục vụ đất nước.

Những ảnh hưởng tiềm tàng lâu dài của chất Da cam bắt đầu xuất hiện ở nhiều cựu binh Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, tình trạng dồn ứ các yêu cầu bồi thường thương tật ngày một lớn dần, mặc dù Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ đã tăng cường thêm 3.000 nhân viên để giải quyết những ách tắc này.

 “Có quá nhiều yêu cầu bồi thường”, ông Joe Moore, một cựu luật sư của Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ nhưng nay đã đại diện cho các cựu binh trong nhiều vụ việc chống lại cơ quan này, nói. “Đơn giản là họ đã không thể đưa ra quyết định kịp thời”.

Đáp lại vụ kiện hồi tháng 12/2008 được đưa đơn tại Toà án liên bang Mỹ, cố gắng tác động lên Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ giải quyết các khiếu kiện trong vòng 90 ngày, Chính phủ Mỹ đã công nhận rằng “những căn bệnh rõ ràng của các cựu binh Mỹ tại Việt Nam” đang được bổ sung vào danh sách.

Vụ kiện này được đưa đơn bởi các Hội cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và Hội cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh hiện đại, lập luận rằng “có hàng nghìn người chết mỗi năm” trước khi Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ có những hành động đối với những yêu cầu bồi thường thương tật của họ. Vụ kiện cho thấy cơ quan này phải mất ít nhất sáu tháng để xem xét yêu cầu ban đầu và việc kháng án có thể kéo dài đến hàng năm.

“Đối với những sự trì hoãn đó, rất nhiều cựu chiên binh đơn giản là từ bỏ, chọn cách chấp nhận hơn là chịu đựng nhiều năm chậm trễ và đầy thất vọng”.

Hoặc là họ sẽ chết sớm. Theo dữ liệu của Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ, 58% trong tổng số 490.135 cựu binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam chết trước tuổi 60 từ năm 2000 đến năm 2007.

Một thảm kịch ba hồi

Đối với các cựu binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam, vở kịch chất độc Da cam có thể được chia ra làm ba hồi. Đầu tiên, các binh lính hoàn toàn không ý thức được những hiểm họa gây nên từ các chất làm rụng lá có chứa dioxin được rải xuống Việt Nam. Hồi thứ hai đến đột ngột với sự phát hiện muộn màng của những căn bệnh. Và hồi thứ ba chính là sự thất vọng đối với bộ máy chính quyền trong việc tổ chức giúp đỡ các cựu chiến binh.

James Sprandel, một tài xế xe tải nghỉ hưu của Văn phòng Chicago về đường phố và vệ sinh, đã sống qua ba hồi bi kịch đó.

Sprandel rời miền Nam Việt Nam đã gần 41 năm, nhẹ nhõm khi đã sống sót sau một năm làm lính cứu thương chiến đấu tại sân bay Tân An, cách Sài Gòn 20 dặm (~ 32,180km). Hiện nay Sprandel, 64 tuổi, đang phải ngồi trên xe lăn do ông bị mắc bệnh đái tháo đường và rối loạn hệ thần kinh, căn bệnh đã khiến ông không thể đứng vững trên đôi chân của mình. Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ phải cần đến 14 tháng để công nhận yêu cầu bồi thường của ông.


James Sprandel nằm trên giường bệnh để bác sĩ điều trị đôi chân
bị bệnh đái tháo đường và rối loạn thần kinh huỷ hoại.
(ảnh: Chris Walker /Chicago Tribune, ngày 2/9/ 2009)

Mặc dù ông không còn mấy mong muốn nhớ lại cuộc chiến, Sprandel cho biết ông rõ ràng vẫn còn nhớ là được bảo đảm rằng không có vấn đề gì đối với nước ở những con sông và suối ở chung quanh căn cứ không quân. “Có một cái bồn lớn để tắm. … Chúng tôi đã tắm và uống nước trong cái bồn đó. Họ nói với chúng tôi là nước đó có thể uống được,” Sprandel nói.

Do không bao giờ được thông tin về những nguy hiểm đối với sức khỏe, binh lính vẫn thường xuyên tái sử dụng những bình chứa chất độc Da cam để làm bàn nướng thịt ngoài trời, làm nhà vệ sinh hoặc những bồn chứa nước mưa. Nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng năm gallon chất cặn lắng vẫn còn dư lại trong những chiếc thùng 55 gallon.

Không lâu sau cuộc chiến, chính phủ dường như sẽ đáp lại thực tế đang nổi cộm đe doạ tới sức khoẻ của những cựu binh bị phơi nhiễm chất Da cam dioxin. Hiểu được những nguy hiểm của chất Da cam, năm 1979, Quốc hội Mỹ đã đề xuất một nghiên cứu dịch tễ học đầy đủ với ý định xem xét và kiểm tra mức độ tác động của chất rụng lá tới sức khoẻ con người.

Song, chính phủ đã lảng tráng đối với những hướng dẫn và chưa một lần thực hiện.

Những nghiên cứu sớm đối với những cựu binh nữ phục vụ tại Chiến tranh Việt Nam chỉ ra một nguy cơ rất cao đối với một vài dạng bệnh ung thư, cũng như khả năng sinh nở và dị tật sinh sản ở những đứa con của họ. Tuy vậy, cũng như những cựu binh nam, rất nhiều nghiên cứu đã bị bỏ dở giữa chừng.

Trong khi đó, các cựu binh đã tham gia một loạt những vụ kiện có nhiều nguyên đơn đối với công ty Hóa chất Dow, công ty Monsanto và nhiều công ty hóa chất khác đã từng sản xuất chất diệt cỏ sử dụng tại Việt Nam. Vụ kiện kết thúc năm 1984 với khoản tiền bồi thường là 180 triệu USD. Số tiền phải bồi thường này được trả từ năm 1988 đến năm 1997, dành cho bệnh rối loạn tâm thần, mà trớ trêu thay, nghiên cứu cho thấy đó là những căn bệnh chẳng liên quan gì đến chất độc Da cam.

Những sự giải quyết rất thiếu căn cứ thường được xem là cách chấm dứt tranh cãi, tuy nhiên mâu thuẫn vẫn ngày một lớn dần trong suốt 25 năm qua. Vào thời điểm đó, các nhà khoa học không thể tìm hiểu được đầy đủ ảnh hưởng lâu dài của chất dioxin, đặc biệt là mối liên hệ của nó đối với bệnh ung thư và các căn bệnh chậm phát triển khác.

Năm 1998, nhiều luật sư đã đệ đơn theo đuổi vụ kiện mới chống lại các công ty hóa chất đã sản xuất ra chất làm rụng lá, quả quyết rằng số tiền bồi thường ngày một bị rút dần đi vào thời điểm hàng ngàn các cựu binh đã bị mắc bệnh liên quan đến chất hoá học này. Tòa phúc thẩm lần hai của Mỹ đã bác bỏ tranh cãi, trong khi Tòa án tối cao Mỹ từ chối xét xử vụ kiện vào tháng 3 năm đó.

Một cuộc nghiên cứu toàn diện nhất về tác hại của chất làm rụng lá đối với sức khỏe đã được Lực lượng không quân Mỹ tiến hành, lấy mẫu sinh học suốt 27 năm và thăm dò sức khỏe của một số lượng nhỏ binh lính đã trực tiếp bốc dỡ và phun xịt chất hóa học trong chiến tranh.


Một lính Mỹ đứng trông máy trộn chất rụng lá trên chiếc máy bay
C-123 tháng 8/1963 (ảnh: Horst Faas/ AP/ Chicago Tribune).

Nghiên cứu mang tên ORH (Operation Ranch Hand) đã bị chỉ trích vì đã đánh giá quá thấp tác động của các chất hóa học. Gần đây, nhiều thông tin mới nổi lên cho thấy một số chất diệt cỏ được sử dụng trong chiến tranh còn chứa nhiều dioxin hơn là người ta nghĩ.

Các nhà khoa học làm việc cho nghiên cứu này đã nói rằng việc tái kiểm tra lại khối lượng dữ liệu khổng lồ ở phương diện này có thể khơi mở ra nhiều vấn đề mới. Ông Joel Michalek, một nhà nghiên cứu bệnh dịch tại Trung tâm khoa học sức khỏe của đại học Texas bộc bạch rằng “Tôi tin là toàn bộ vấn đề cần được xem xét lại”.

Năm ngoái, Quốc hội đã chỉ đạo Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ trợ cấp quỹ để thực hiện điều này. Cho đến nay, số tiền vẫn chưa hề được giải ngân.

Một cuộc chiến trên hai mặt trận

Chồng của Mary Ann Dove, một cựu chiến binh Việt Nam và là cựu lính thủy đánh bộ, đã được chuẩn đoán cũng mắc căn bệnh đa u tủy năm 1989, căn bệnh đã giết chết Cooley mà Bộ cựu chiến binh mà không hề thừa nhận mối liên hệ của nó tới chất Da cam cho đến năm năm sau đó.

Thực tế, Chiến tranh tại Việt Nam đã qua được 16 năm trước khi Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ thừa nhận rằng sự phơi nhiễm chất Da cam liên quan tới nguy cơ rất cao của bất cứ căn bệnh nào sau chiến tranh. Căn bệnh đầu tiên đã được thừa nhận năm 1991, đó là bệnh bướu mô mềm, ung thư hệ bạch huyết hay bệnh mụn trứng cá do nhiễm clo, một dạng rồi loạn chức da mà các công ty hoá chất đã thừa nhận có liên quan tới chất dioxin nhiều thập kỷ trước đó.

Từ năm 1991 đến năm 1997, Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ đã thừa nhận bằng chứng rằng 10 căn bệnh, bao gồm một số bệnh ung thư và rối loạn hệ thần kinh có liên quan đến chất độc Da cam. Trong sáu năm sau đó, hai căn bệnh khác cũng được đưa vào danh sách.

Dove là một y tá đã về hưu của quân đội Mỹ, cũng từng phục vụ tại chiến trường Việt Nam nhớ lại lúc chồng bà nói: “Anh có thể chiến đấu với bệnh tật hoặc là anh có thể chống lại chính phủ, nhưng anh không thể làm được cả hai.” Ông đã chọn cách đấu tranh với căn bệnh, và ông đã chết sáu năm sau đó.

Dove nói: chính phủ “không biết tới những gì đã diễn ra tại Việt Nam và những tổn thất mà cuộc chiến gây ra”.

Theo bản báo cáo hằng năm của Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ, con số cựu binh tại chiến trường Việt Nam nhận được trợ cấp thương tật tăng 20% từ năm 2003 đến 2008 lên đến con số 1.015.410 người.

Cùng thời điểm đó, con số cựu chiến binh nhận được trợ cấp sau chiến đấu tại Vịnh Péc-xích, Áp-gha-nix-tan và I-rắc tăng 88%, lên đến 897.000 người Shineki, một cựu binh từ bị thương trong chiến trường Việt Nam đã đề xuất những nguyên tắc mới hồi tháng 10 đối với việc bổ sung bệnh vào danh sách đang ngày một dài có liên quan đến chất làm rụng lá. Những nguyên tắc đã phải trải qua sự thẩm định của công chúng. Ông cho biết ông cũng muốn đẩy nhanh tiến trình khiếu kiện.

Shineki nói: “Với tư cách là thư ký, tôi thường được hỏi tại sao, 40 năm sau khi chất Da cam từng được sử dụng lần cuối tại Việt Nam, chúng ta vẫn đang phải cố gắng xác định ảnh hưởng đối với sức khỏe của các cựu chiến binh của chúng ta từng phục vụ trong chiến đấu”. “Những cựu chiến binh đã chịu đựng một loạt những vấn đề về sức khỏe đang cần phải có sự quyết định nhanh chóng”.

Paul Sutton, cựu chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam của Mỹ đã gọi những thông báo đó là quá ít, quá muộn. Ông cho biết “Trong thời gian này, khoảng 1,5 triệu người của chúng ta đã ra đi”.

Cảm giác “bị phản bội”

Một ngày tháng 7 năm 1968, Cooley bay trên một chiếc trực thăng đến Quảng Trị. Cooley lúc đó là lính pháo binh có căn cứ đặt tại Trại Carroll. Theo bản phân tích của tờ Tribune, đã có tới 168.000 gallon chất độc Da cam và các chất diệt cỏ khác đã được thả xuống tỉnh Quảng Trị trong những năm anh phục vụ ở đó.

Cooley khẳng định với mẹ anh trong một cuốn băng anh gửi về đầu năm 1968 rằng: “Hiện tại, đây là một trong những nơi tốt hơn bao giờ hết”.

Sau khi rời quân ngũ, Cooley đã lấy được bằng luật của trường đại học Notre Dame, làm trợ lý luật sư cho một tòa án liên bang ở Chicago và được bổ nhiệm làm thẩm phán tòa sơ thẩm liên bang. Ông đã gây dựng được tiếng tăm với tư cách là một người hòa giải khéo léo, mang mọi người lại gần nhau. Ông đã viết sách về cách giải quyết vấn đề và dạy tại trường đại học Northwestern và đại học Loyola.

Khi ông được chẩn đoán bị mắc bệnh đa u tủy, Cooley sớm nghĩ ngay đến đến chất độc Da cam.

Cooley viết trong đơn kiện của mình gửi Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ đòi bồi thường thương tật rằng: “ Tôi sau đó đã nhận ra rằng tôi đã bị phơi nhiễm một lượng lớn chất độc hóa học khi nhận nhiệm vụ theo dõi đường hàng không và các công việc khác tôi đã làm tại Việt Nam.”


Jack Cooley tại trại Carroll ở Việt Nam năm 1968
(ảnh do nhân vật cung cấp/ Chicago Tribune).

Cooley bắt đầu công việc viết đơn khiếu nại của mình gửi đến Bộ Các vấn đề Cựu binh Mỹ khi ông được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viên Evanston, lúc đó đã phải cấy ghép tế bào gốc nhưng không thể ngăn chặn được sự phát triển của căn bệnh.

Christina Cooley cho biết cha cô “cảm thấy bị phản bội” bởi sự thất bại của chính phủ nhằm công bố những nguy hiểm của chất độc Da cam đối với quân nhân nam nữ phục vụ tại Việt Nam.

Cô nói: “Ông ấy rất tin tưởng chính phủ sẽ sẵn sàng bảo vệ chúng tôi”.

Tại buổi lễ tưởng niệm Cooley hồi tháng 8, bạn bè của ông từ lớp Học viện quân sự năm 1965 đều đến dự, trong đó có cả Shineki. Vào thời điểm kết thúc buổi lễ, một lời cầu nguyện ngắn đã được ghi lại cho “những gia đình đã mất đi một thành viên bởi chất độc Da cam”.

Hai tuần sau đó, một túi thư từ chính phủ Mỹ được gửi tới hộp thư nhà Cooley ở Evanston. Trong đó là những tài liệu được yêu cầu khoảng 4 tháng trước đó, khẳng định rằng Cooley đã từng phục vụ tại chiến tranh tại Việt Nam.

* Phóng sự thực hiện bởi Tim Jones và Jason Grotto

 

THU TRANG (biên dịch theo: http://www.chicagotribune.com/health/agentorange/chi-agent-orange2-dec06,0,2356181.story )

http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=130&Article=167337

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org