Ibn Séoud

Vietsciences-Nguyễn Hiến Lê        07/04/2006

 

"Con đã học được cái đao cao rộng nhất ở đờii rồi đó, con đã học được đạo Vạn năng, tức đạo kiên nhẫn"

Ibn Séoud (1881-1953) Vị anh hùng nhờ kiên nhẫn trong nửa thế kỷ mà tạo nên được  một quốc gia phú cường giữa sa mạc

1 2 3 4 5

VIII/ Kinh đô dầu lửa và đồn tiền tuyến của châu Âu

Roosevelt và Ibn Séoud mới thỏa thuận với nhau tháng hai, thì tháng ba công việc khai thác bắt đầu liền. Xứ Ả Rập Déoud không ngờ mà nhiều dầu lửa đến thế. Người ta phỏng đoán rằng nó có tới  42% dầu lửa của thế giớ, mới đây đào sâu thêm, người ta lại thấy một lớp dầu nữa, còn nhiều hơn lớp đương khai thác, như vậy thì Ả Rập Séoud có tới 80% dầu lửa thế giới.

Thời hạn 60 năm ngắn quá. Làm sao mà khai thác cho hết được? Các  nhà kinh tài ở Wall Street phải tính gấp làm sao chứ? Các kỹ sư Mỹ phải tổ chức làm sao cho có hiệu quả hơn nữa chứ? Anh đâm hoảng: cạnh tranh sao nổi với Mỹ?

Sa mạc Ả Rập không còn là một nơi hoang vu nữa. Con cháu của chú Sam dắt díu nhau tới lập nghiệp. Chỉ trong năm năm, một châu thành hiện lên ở giữa bãi cát y như trong truyện Ngàn lẻ một đêm, tức châu thành Dahran, kinh đô dầu lửa, với các khách sạn, các tiệm cà phê, tiệm tạp hóa, sân banh, hồ tắm, rạp hát bóng chiếu những vũ khúc  mê ly ở Broadway và những phim cao bồi giật gân ở Texas, nhất là lại đủ cả những vườn hoa, sân cỏ mà công tưới tốn kém ghê gớm. Người ta bứng những cây trúc đào, những nệm cỏ từ bên Mỹ qua, bia, thịt bò hộp, sữa, xà lách, dĩa hát, sinh tố, báo chí đều nhập cảng từ Mỹ. Công ty Aramco cung cấp cho ba ngàn nhân viên Mỹ đủ những tiện nghi để giữ được lối sống Mỹ trên sa mạc A Rập. Ngoài ra có năm ngàn nhân viên bản xứ cũng được hưởng những xa hoa của văn minh ở giữa một cảnh màu sắc rực rỡ: trời xanh, cát vàng, xe cam nhông đỏ, và đêm xuống, những  cây đuốc ở các giếng dầu phun lửa lên như những  khăn chàng  mềm mại, hồng hồng, cách trăm rưởi cây số cũng trông thấy.

Năm 1950, công ty sản xuất được khoảng 80 triệu lít dầu mỗi ngày, đóng góp cho nhà vua khoảng 160 triệu Mỹ kim mỗi năm. Chỉ có mấy năm, Ibn Séoud thành một trong bốn người giàu nhất thế giới.

Ông dùng số tiền đó để:

- nhập cảng những vật dụng cần thiết cho dân chúng như gạo, đường, cà phê, vải

- mắc điện tại những tỉnh lớn

- mở mang việc học

- xây cất thêm đường xe hơi, xe lửa và phi trường.

Hiện nay đã có hai chục ngàn cây số đường trải đá nối liền các châu thành và các ốc đảo lớn với nhau. Ông chú ý nhất đến việc lập đường xe lửa nối Dahran với Ryhad, tức  nối kinh đô dầu lửa với thủ phủ của A Rập Séoud. Đường dài sáu trăm cây số mà băng qua một miền toàn cát.

Đặt đường rầy trên cát là một việc rất khó khăn vì cát dễ lún và một cơn gió lớn là nó bay đi, muốn giữ nó lại phải dđ&c nó thành một khối. Một khối rộng sáu thước dài sáu trăm cây số, độc giả thử tưởng tượng công  phu và phí tổn ra sao. Các  nhà chuyên  môn Mỹ nghiên cứu kỹ trong mấy tháng rồi trả lời Ibn Séoud là không sao làm nổi. Ông gạt hết những  phúc trình  cùng bản đồ của họ, bảo: "Tôi mời các ông  lại đây để làm đường xe  lửa. Nếu các ông bất lực thì tôi sẽ gọi một công ty ngoại quốc  khác".

Thế là tháng sau, họ bắt tay vào việc. Luôn bốn năm, hai nghìn thợ làm suốt ngày đêm, đổ hàng ngàn tấn bê tông, hàng ngàn tấn dầu lửa nguyên chất  để đúc cát lại thành khối. Cuối năm 1951, công việc hoàn thành.

- Rồi tiếp tục làm con đường xe lửa xuyên A Rập, dài 1.100 cây số, nối vịnh Ba Tư với Hồng Hải, chạy ngang qua Ryhad, phí tổn khoảng  32 triệu Mỹ kim.

- Nối dài con đường  Damas-Médine cho tới Aden, đi ngang qua Thánh Địa Mecque và nối liền với đường xuyên A Rập.

Các chuyên viên đều lắc đấu, ngán ông vua mê đường xe lửa đó (the rail-minded king).

Tấn bộ nhất là công việc lập những phi trường tối tân ở Hasa và một đội hải quân. Thế là chỉ trong khoảng gần tám năm (1945-1953) xứ A Rập Séoud đã tân thức hóa kinh đô Ryhad xây cất lại, nguy nga và tráng lệ, có cung điện, có vườn thượng uyển trồng hằng vạn gốc trúc đào; đủ các kỷ hoa dị thảo, rung rinh dưới ánh một vạn ngọn đèn điện, y như cung điện Versailles giữa sa mạc [1]. Nhưng không phải là để ông hưởng  một mình, vì Ibn Séoud tuyên bố rằng bất kỳ người nào đạt chân lên kinh đô tức thị khách của ông rồi, cứ vô cung điện, sẽ được đãi ăn.

Vậy thì vị Quốc vương Ả Rập này biết cái đạo "dữ dân đồng lạc" của Mạnh Tử chăng? mà cái vườn thượng uyển của ông giống cái vườn bảy chục dặm của Văn Vương chăng?

Không biết Ibn Séoud đãi khách tứ xứ của ông sang trọng ra sao, chứ đời sống của ông  vẫn giản dị như hồi lang thang trong sa mạc Ruba-al-Khali. Không nằm giường, chỉ cần một chiếc chiếu trải trên đất. Lâu đài rực rỡ vàng son mà ông  vẫn thích ở lều. Thức ăn thì chỉ có ít sữa lạc đà, ít thịt và vài trái chà là, tuyệt nhiên không uống rượu. Ông đã giữ đúng lời dạy trong Thánh kinh Coran và lời gia huấn của vua cha. Và ai vào yết kiến ông thì cứ gọi thẳng tên ông, chẳng phải "muôn tâu bệ hả, "vạn vạn tuế hoàng thượng" gì cả. Bất kỳ người dân thường nào cũng có thể tỏ nỗi oan ức với ông, ông không  cấm cửa ai hết. Mà ông  lại rất yêu thơ. Thì tôi đã chẳng nói rằng người A Rập nào cũng là một nhà tu hành, kiêm chiến sĩ và thi sĩ đó ư?

Có lẽ khắp thế giới, ông là ông vua độc nhất không bị cái quyền thế làm hư hỏng cái thiên lương

***

Công ti Aramco cũng khôn  khéo, trông xa, biết rằng tới năm 2005, khi mãn khế ước, thế nào cũng  phải trả lại hết, muốn sau này còn vớt vát được chút quyền  lợi thì ngay từ bây giờ phải lấy lòng người Ả Rập. Nên họ bỏ ra hai mươi sáu triệu Mỹ kim cất nhà cho nhân công bản xứ với đủ tiện nghi: nước  máy, đèn điện, cả bếp điện nữa, rồi cất trường cho trẻ em A Rập học tới năm 18 tuổi. Mỗi năm tuyển 500 sinh viên  ưu túcho ăn học rồi gởi băn Mỹ tập sự.

Công i lại rất tôn trọng luật lệ của nhà vua. Như tôi đã nói, Ibn Séoud theo một chính sách trái hẳn với Mustapha Kémal, muốn thần dân ông  phải giữ cổ tục. Bận sơ mi ly lông thì được, nhưng phải theo đúng những  lời cấm trong kinh Coran. Cấm tuyệt không được uống rượu. Và muốn cho dân khỏi bắt chước người Mỹ rối uống lén, ông  cấm cả người Mỹ uống Whisky, hễ bắt được  họ chở Whisky vào xứ thì tịch thâu, dù là rượu gởi cho tòa đại sứ Mỹ cũng  mặc. Bắt người Mỹ nhịn Whisky thì chỉ có Ibn Séoud mới làm nổi Chẳng những  vậy, ông còn yêu cầu nhà thờ của Mỹ có làm lễ thì cứ lẳng  lặng mà làm, đừng kéo chuông vì "những giáo phái của ông nghe tiếng chuông nhà thờ có thể nổi giận được".

Aramco và cả tòa đại sứ Mỹ nữa răm rắp theo. Quả nghị lực của ông  là gang thép.

***

Vào khoảng 1946, 1947 có tin đồn rằng các mỏ dầu ở Mỹ sắp cạn. Chính phủ Mỹ đâm hoảng. Cũng  may tin đó sai, nhưng Tổng thống Truman phải lo xa, càng  bám chặt vào những mỏ dầu A Rập để phòng lúc mà những mỏ dầu ở Texas sẽ cạn.  Lại thêm Nga sô vẫn dòm ngó mồi ở Tây Á, thành thử miền này quan trọng  nhất thế giới về chiến  lược

Các nhà chuyên môn đã tính phỏng cứ theo cái đà khai thác hiện nay thì các mỏ dầu lửa ở Mỹ vài chục năm nữa sẽ cạn, ở Nga còn được dăn chục năm nữa, ở vịnh Ba Tư  còn được tới trăm rưỡi năm nữa. Như vậy ai làm chủ xứ Ả Rập sẽ làm chủ cả cựu lục địa.

Vì thế năm 1951, vừa mãn hạn, Mỹ vội ký ngay với Ibn Séoud một hiệp ước, xin mướn phi trường Dahran thêm năm năm nữa, rồi lập thêm nhiều căn cứ quân sự ở bờ phía Bắc bán đảo A Rập.

Mặt khác chính phủ Mỹ hạn chế sự khai thác những mỏ dầu ở Mỹ, mà cách công hiệu nhất để hạn chế là sản xuất dầu lửa A Rập cho thật rẻ, đem bán ở châu Âu, như vậy dầu sản xuất ở Mỹ chỉ dùng trong nước thôi, không xuất cảng được nữa.

Muốn hạ giá bán thì phải hạ giá chuyên chở, mà dầu lửa vịnh Ba Tư muốn đem qua Âu châu phải đi vòng lại Aden, vô Hồng Hải, qua kênh Suez. Cáccông ty Mỹ thiếu tàu dầu, phải thuê Anh chở. Anh tính giá cao lại bắt chịu thuế qua kênh Suez (lúc đó kênh Suez vẫn còn thuộc Anh, thành thử giá dầu lửa ở vịnh Ba tư hơi cao.Muố, thoát ly sự lệ thuộc vào Anh, Mỹ đóng thêù tàu dầu và dự định đặt ống dẫn dầu xuyên A Rập, nối Dahranvới Địa Trung Hải. Thé là có sự cạnh tranh ngấm ngầm giữa "dầu lửa Mỹ kim" và "dầu lửa Anh kim".

Ống dẫn dầu lửa đó dài khoảng 1750 cây số, phí tổn bao nhiêu, ngưởi Mỹ cũng chịu nổi. Duy có điều này khó khăn là nó phải qua xứ Transjordanie và Palestine, tức  những xứ chịu ảnh hưởng của Anh. Anh dại gì cho phép. Mỹ phải tìm một lối thoát khác: Syrie, một xứ độc lập từ 1945. Anh lại cản đường nữa nhờ mua chuộcchánh phủ Syrie.  Nhưng trong chánh phủ Syrie có một nhân vật rất ghét Anh, đã có hồi bị Anh giam vì ngờ rằng thân Đức. Nhân vật đó là tướng Zaïm. Thực ra Zaïm chỉ thân Pháp và rất tôn sùng Mustapha Kémal, muốn Âu hóa Syrie, diệt hết những thối nát trong chính phủ.

Ông làm tổng tư lệnh quân đội Syrie, cùng với đồng chí lật đổ chánh phủ ngày 23 tháng 3 năm 1949, được quốc dân hoan hô như một vị cứu tinh. Ba tháng sau Ibn Séoud cho chính phủ Zaïm một số tiền là 6 triệu Mỹ kim trả làm mười năm và Zaïm ký hiệp ước cho Mỹ đặt ống dầu qua đất Syrie. Chẳng cần phải nói, ai cũng biết rằng  6 triệu Mỹ kim đó là của Mỹ. Thế là Mỹ đã vật được Anh trong keo đầu.

Hai tháng sau, ống dẫn dầu chưa đặt thì bỗng một đêm ba chiếc xe thiết giáp đậu trước dinh Zaïm, quân lính xuống bao vây, giết vài tên lính hấu, xông vào phòng Zaïm, bắn chết tươi ông này. Người cầm đầu vụ đó là đại tá Hennaoui bạn thân nhất của Zaïm. Anh đã vật lại Mỹ và thắng keo nhì.

Rồi Anh vào củng cố địa vị ở Tây Á, liên kết Syrie, Irak, Transjordanie, A Rập S&oud, Ai cập, Yémen chống lại. Thời gian này cực kỳ lộn xộn; trong các nước ở bờbiển Địa Trung Hải từ Ai Cập đến Irak, Syrie, luôn luôn có những cuộc đảo chánh, thầy trò giết nhau, anh em giết nhaukết cục là Hennaoui bị một người trong đảng hạ sát. Anh thua keo thứ ba, và cuối cùng  năm 1950 thì ống dẫn dầu xuyên A Rập đặt tới bờ Địa Trung Hải.

Ống đó dàu 1783 cây số, trực kính rộng 1 thước, phí tổn 280 triệu Mỹ kim, mỗi ngày tuôn ra được 41 triệu lít, con đường chở dầu rút ngắn đi được, giá dầu hạ xuống. Nhờ vậy công ty Aramco sản xuất tăng lên gấp năm, số lợi tức của Ibn Séoud cũng tăng lên gấp năm.

Cuối năm 1951, Anh lại bị  một vố nữa. Ở Syrie, Ai Cập, Irak, Iran, nơi nào cũng có những vụ  lưu huyết, đảo chánh. Nhất là ở Ai Cập, các đảng quốc gia, các giáo phái liên kết nhauđể đòi xé hiệp ước Anh-Aicập 1936, đuổi Anh ra khỏi kênh Suez vì "người Anh làm dơ cái không khí tư do ở Ai Cập. Nhưng  người Anh cứ lạnh lùng theo chín hsách: "Ta đã ở đây thì ta không đi đâu cả". Ai Cập bèn tẩy chay Anh, rút tiền gởi trong các ngân hàng Anh, xui 40 000 thợ làm với Anh đình công, tố cáo Anh đã hứa rút quân đi mà trên sáu chục lần rồi, nuốt lời hứa như chơi. Thanh niênlo đúc khí giới, bom, đạnđể phá khuấy Anh chứ chưa dám tấn công thẳng. Đầu năm 1952, quân đội Anh, dưới sự chỉ huy của tướng Erskine giết 46 cảnh sát Ai Cập. Thế là hôm sau một cuộc biểu tình vĩ đại xảy ra ở Caire, gây ra 400 đám cháy, tàn phá những nhà cửa, tài sản của người Anh, thiệt hại 40 triệu Anh kim. Chín người Anh bị thiêu sống. Tòa đại sứ Anh suýt bị phá. Anh đối phó lại dữ dội, nhưng cũng chỉ kéo dài tình trạng được thêm ít năm.

Công ti Aramco thấy vậy, hành động cực kỳ khôn khéo, tự động hủy bỏ khế ước cũ, ký lại một hiệp ước  mới với Ibn Séoud, tặng nhà vua tới 50% số lời - chính sách chia đôi Fifty-Fifty -  lại yêu cần nhà vua cứ việc đánh thuế vào số lời của công ty như "ngài" muốn, vì "ngài" là chủ. Như vậy không còn là 50-50 nữa mà có lẽ là 55-45, 55% về nhà vua, 45% về Aramco. (2) Ibn Séoud mỉm cười nhưng Anh lại nhăn mặt.

Vì Irak thấy vậy cũng yêu cầu công ty Irak-Petroleum của Anh "xét lại vấn đề giùm cho". Anh không chịu. Đảng quốc gia Irak  nổi lên &m sát thủ tướng Ali-Ramara, con người thân Anh và đưa Mossadegh lên. Mossadegh đòi quốc hữu hóa các mỏ dầu và đuổi người Anh ra khỏi cõi. Anh cương quyết bám lấy địa vị, Mossadegh thua mặc dầu nhiều lần đã khóc hết nước mắt để quốc dân và người ngoại quốc hiểu mình. Hiện nay Anh đã mất địa vị ở kinh Suez và không biết còn giữ địa vị ở Irak được bao lâu nữa.

 *

*     *

Đó, tình hình Tây Á như vậy khi Ibn Séoud từ trần ở một ly cung tại Taïf, cách Mecque 50 cây số.

Ông bị chứng đau tim từm ấy tháng trươ²c, mắt đã lòa, quyền hành đều giao cho hoàng tử Daud.

Ngày 9/11/1953, khi đài phát thanh ở thánh địa loan tin tđó ra thì dân chúng khắp nơi, từ Nedjd tới Hail, từ Hasa tới Hedjaz đề sững sờ. "Thợ thuyền trong các xưởng lọc đều ngừng tay; phu khuân vác liệng đồ xuống bến, dân du mục hạ mã, lính trong trâi đặt súng xuống; máy bay, xe lửa, xe cam nhông, nhất nhất đều đứng lại. Sáu triệu người A Rập, đều quỳ xuống dất, quay mặt về Mecque."

Theo tục A Rập, người ta liệm ông ngay trước khi mặt trời lặn, đưa ông về Ryhad. Trọng di ngôn của ông, đám táng rất đơn giản, y như đám táng của một người thường dân. Trên mộ cũng không có một tấm bia ghi tên nữa, chỉ có một tấm đá trắng, trơn, dưới vòm trời mênh mông.

*

*     *

Tôi nghĩ khắp thế giới có lẽ không có một dân tộc nào là hèn cả.  Hễ gặp người chỉ huy có tài có đức thì dân tộc nào cũng có thể vươn lên, làm cho các cường quốc phải kính nể.  Dân dộc Nedjd này nhiều lắm là được  3 triệu người, mà lại nghèo, dốt: sống nhờ mấy trái chà là, một bầu nước giếng, không hề trông thấy xe hơi , ngoài kinh Coran, cơ hồ không còn biết gì khác; mà lại chia rẽ, rời rạc như những hạt cát, tệ hơn nữa, còn cướp bóc nhau, đâm chém nhau; vậy mà trong có nửa thế kỷ hất chân được Thổ và Anh, làm cho Mỹ phải tôn trọng, là nhờ ở đâu? Đã đành  một phần là nhờ may, nhờ những giếng dầu lửa, nhưng ví thử những giếng dầu đó ở trong tay một kẻ tham bỉ như Hussein, quốc vương Hedjaz, hoặcnhu nhược như Méhemed VI, quốc vương Thổ, thì tất phải cong lưng làm nô lệ cho người mà may lắm là khỏi chết đói. Vậy thì làm dân, cái việc chọn mặt gởi vàng là quan trọng nhất. Nhưng có phải người xứ nào - kể cả những xứ tự xưng là dân chủ - cũng chọn mặt được đâu? Còn có vận chăng? Suốt hai ngàn năm lịch sử, dân A Rập chỉ gặp vận  có ba lần: lần thứ nhất với Mahomet, từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XII; lần thứ nhì với Abdul Wahab trong hai thế kỷ XVIII và XIX, lần đó chỉ thành công được một nửa; lần thứ ba với Ibn Séoud, không biết lần này kéo dài được bao lâu? Dù sao cũng nên mừng cho họ đã gặp được vị lãnh tụ anh hùng và khôn khéo. Mustapha Kémal không thèm nhận tiền của người để giữ nền độc lập. Ibn Séoud cứ nhận tiền của Anh, Mỹ mà vẫn giữ được nền độc lập, lại lém cho kẻ đưa tiền phải kính phục thì tư cách và tài năng của ông đã vượt Mustapha Kémal được  một bực.

Sàigòn ngày 27/09/1960

Nguyễn Hiến Lê

 

 

[1] Jean Paul Penez trong tạp chí Paris Match

(2) Báo Journal d'Extrême Orient ngày 27/08/1960 nói một nhà kinh doanh Ý, Enrico Mattei thương thuyết với Iran, Lybie để khai thác những mỏ mới và đề nghị để cho quốc gia đó 75% số lời. Anh, Mỹ bất bình, nhưng chính sách Fifty-Fifty thế nào rồi cũng sẽ cáo chung

 

Trích từ tạp chí Bách Khoa số 111, tháng 8 năm 1961

Hết

 

1 2 3 4 5

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Nguyễn Hiến Lê