Florence Nightingale

Vietsciences-Nguyễn Hiến Lê        07/05/2006    
 

Xem phần 2

Florence Nightingale (1820-1910) người mở đường cho sự thành lập Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế

Cam chịu! Tôi chưa bao giờ hiểu tiếng đó hết!

Coi bức họa do Verney vẽ hồi bà ba chục tuổi, ta chỉ thấy bà có một vẻ đẹp thanh nhã, phảng phất như một thiếu phụ phương Đông: người nhỏ nhắn, cân đối, yểu điệu, mặt trái xoan, lông mày dài và cong, miệng nhỏ, cặp mắt hơi lớn, thông minh, nghiêm trang và thùy mị. Phải nhìn bức tượng bán thân do John Steel nặn năm 1859 -chín năm sau ta mới nhận ra những nét cương quyết trên vừng trán cao, rộng, hơi gồ và trên làn môi mỏng và mím lại của con người suốt đời không hề hiểu tiếng "cam chịu" ấy.

Đức kiên nhẫn và nghị lực của bà thật là phi thường, đàn ông cũng ít người sánh kịp. Một mình bà mà chống với bản thân và gia đình trong mười bốn năm rồi chiến đấu với các chính khách Anh, quân đội Anh ba mươi lăm năm nữa -trước sau gồm nửa thế kỷ- để thực hiện lý tưởng của mình: làm cho nhà cầm quyền Anh phải coi người lính không phải là hạng thú vật mà là hạng người lương thiện.

Bà sinh trong một gia đình nền nếp, sang trọng. Cha là William Edward Nightingale, dòng dõi điền chủ, được hưởng  một gia tải lớn, sống  một cách nhàn nhã, vui chơi suốt năm, chẳng phải lo lắng gì cả; tính tình lịch thiệp, nhã nhặn. Mẹ là Fanny dòng dõi phú thương, rất đẹp, hào phóng nhưng cũng như chồng, chỉ ham vui. Hai ông bà cưới nhau xong, qua châu Âu du lịch ba năm, được  một năm thì sinh một người con gái, đặt cho một tên Hy Lạp là Parthenope; hai năm sau nữa (15-05-1820) mong có một đứa con trai thì lại sinh thêm một gái nữa, đặt tên là Florence, tên một tỉnh vui vẻ nhất ở Ý.

Tính tình hai chị em rất khác  nhau: Cô Parthe (tức là Parthenope) thì đểnh đoảng, không có ý tứ, giống mẹ: cô Flo (tức Florence) thì rất ngăn nắp, có thứ tự và phương pháp. Gia đình sống vui vẻ trong sự xa hoa: cha thì đi săn, đọc sách, mẹ thì tiếp khách, nghe nhạc. Thỉnh thoảng lại dắt nhau. Cô Flo thích nhất nước Ý, lại quý mến dân Ý đã chiến đấu để đòi lại độc lập. Ông bà cho cô học tiếng Pháp, tiếng Hy Lập, môn triết lý nhưng cô chỉ thích môn toán Và sống trong cảnh nuông chiều, nhàn nhã, phong lưu đó, cô vẫn thấy buồn, hồi mười chín tuổi, cho đời mình là vô vị, thiết tha tìm một mục đích. Trong năm năm cô suy nghĩ, dò đường đi, dần dần thấy rằng com đường hợp với cô nhất là hy sinh, để săn sóc bệnh nhân. Ngỏ ý với cha mẹ thì cha mẹ ngăn cản, và suốt trong chín năm sau, luôn luôn có sự xung đột giữa cô và gia đình.

Năm 1842 là năm dân Anh bị nạn đói kinh khủng, kẻ nghèo chết như rạ. Trước cảnh khổ đó, cô than thở: "Óc tôi suy nghĩ hoài về nỗi khổ của loài người (...) Và lời các thi sĩ ca tụng những cái rực rỡ của thế giới này, tôi thấy là sai sự thực. Tất cả những người mà tôi gặp đều bị cảnh lo lắng, hoặx nghèo khổ hoặc bệnh tật xâu xé."

Từ đó cô nhất định vô các dưỡng đường hy sinh cho bệnh nhân như các bà phước bên Thiên chúa giáo. Nhưng cô vẫn chưa biết lực lời ra sao để xin phép cha mẹ, nên vẫn kéo dài cuộc đời ngồi rồi, chán nản. Có bạn hỏi sao cô không làm văn để tiêu khiển, vì cô có chút khiếu về văn chương, cô đáp: "Không hoạt động được thì bất đắc dĩ mới phải viết".

Mãi hai năm sau, cô mới dám ngỏ lời với ông bà, xin học ba tháng nghề điẻu dưỡng ở bệnh xá Salisbury gần nhà (lúc đó gia đình ở cả Embley.  Thân mẫu cô kinh hoảng, cho là cô điên; cô Parthe nổi cơn lên bảo là làm nhục gia đình; còn thân phụ cô thì ghê tởm, chán ngán, bỏ nhà đi Luân Đôn chơi. Ai cũng nghĩ: đương sống trên nhung lụa được cả nhà chìu chuộng, muốn gì có nấy, tài đó, sắc đó, ở trong gia đình đó thì thế nào chẳng kiếm được một đứng phu quân xứng đáng, dòng dõi thế phiệt, mà lại sinh chứng, muốn làm nghề nữ điều dưỡng, một nghề đê tiện chỉ hơn bọn gái điếm và bọn ăn mày có một bực!

Quả thực nghề nữ điều dưỡng thời đó là một nghề  ghê tởm, Trừ một số bà phước  Pháp, hy sinh cho đạo, cho tín đồ, còn các nữ điều dưỡng ở các dường đường đều bị khinh bỉ, sống rất nhục nhã. Không một nhà danh giá nào chịu cho con theo nghề đó.

Đọc tiểu sử  Philippe Semmelweis  ta thấy tình cảnh dưỡng đường ở thế kỷ trước tại Áo, Hung ra sao. Không có một chút vệ sinh nào cả.  Sinh viên y khoa vừa mổ xẻ thây ma ở phòng mổ xẻ xong, tay còn đầy máu mủ, có khi chỉ nhúng qua vào một thùng nước, khoăng khoắng mấy cái, có khi vội vả không kịp nhúng nữa, chùi đại vào áo choàng rồi chạy qua phòng bên, coi mạch cho bệnh nhân, đỡ đẻ cho sản phụ, thành thử truyền vi trùng của thây qua người mạnh. Thực là ghê tởm! Vì vậy mà có nhiều sản phụ hoảng hốt khóc lóc, quỳ lạy van xin y sĩ cho họ đẻ ở đầu đường, ở bờ rạch còn hơn. Hễ vô nằm thì mười phần có chín phần mắc chứng sốt sản hậu (fièvre puerpéral) rồi chết. Bệnh đó đặc biệt phát ra ở dưỡng đường đến nôi dân chúng gọi nó là "bệnh sốt dưỡng đường". Nó rất hay lây, nhưng hồi đó Pasteur chưa tìm ra thuyết vi trùng nên người ta không biết nguyên nhân ở đâu, mà các y sĩ thì chưa có một ý niệm gì về vệ sinh cả.

Ở Anh, tình cảnh cũng như ở Ấn, Hung, Đức, nếu không nói tệ hơn. Có phòng chứa cả năm sáu chục bệnh nhân; nệm có khi cả tháng không thay, đầy vết dơ, cứ người trước ra thì người sau vào thế, thành thử bốn, năm con bệnh dùng chung một cái nệm; nếu có một người bị bệnh truyền nhiễm thì những người tới sau đều bị lây, thành thử có giường làm cho bệnh nhân kinh khủng, ai vô nằm cũng chết. Sàn, tường đều đầy máu mủ, mùi hôi thói xông ra ngoài làm cho những người đi qua phải buồn mửa.

Các nữ điều dưỡng được ở một phòng riêng, nhưng họ ngủ ở đó, ăn ở đó và nấu ăn cũng ở đó. Có người phải coi tới bốn phòng mà lương không đủ sông. Đa số say rượu đến nỗi tại Dưỡng đường  Luân Đôn, lớn nhất ở Anh, chỉ có hai nữ điều dưỡng  là đáng tin cậy, không cho bệnh nhân uống nhầm thuốc. Một số làm điếm, khoe với người khác rằng "Thân tôi dơ dáy, đê tiệnnhư vầy đây mà đạ cò lần tôi được bận lụa và sa tanh thứ thiệt của Pháp đấy"'

Tóm lại không có người đứng đắn nào chịu giao thiệp với bọn đó, chả trách gia đình của Florence cho cô là làm nhục gia phong cương quyêt ngăn cản cô là phải. Cô không dám cãi nhưng vẫn giữ ý định, từ chối mấy nơi danh giá lại cầu hôn, đi du lịch Ai Cập để tiêu sầu.

Nhưng vào khoảng 1850, một số người sáng suốt ở Anh đã bắt đầu lưu tâm tới các dưỡng đường, tỏ lòng thương các bệnh nhân nằm trong đó và tìm cách giúp đỡ họ. Tháng sáu 1851, cô Florence qua Đức chơi, vào thăm viện Kaiserworth do một mục sư lập. Viện gồm có một bệnh xá, một trường học, một nhà nuôi trẻ mồ côi. Cô xin phép cha mẹ ở đó ba tháng học cách săn sóc bệnh nhân, rồi vế nước.

Đầu năm 1833 cô qua Pháp thăm các dưỡng đường ở Paris, rồi lần này, không xin phép nà, tự  ý vô nhà tu Maison de la Providence học thêm nghề săn sóc bệnh nhân và khi về nước, cô không ở chung với gia đình nữa, vô giúp việc cho một bệnh xá do hội Thiện lập ở Harley street. Vậy là đến năm ba mươi ba tuổi, cô mới được làm theo sở nguyện.

Năm sau, có chiến tranh giữa Nga một bên Anh, Pháp, Thổ một bên, trong lịch sử gọi là chiến tranh Crimée, Nga hoàng Nicolas I muốn chiếm Constantinople hồi đó nằm ở trong tay Thổ - để tìm đường ra Địa Trung Hải, nên đem quân lại bán đảo Crimée, lấy cớ rằng để bênh vực các tín đồ Thiên chúa giáo bị người Thổ ngược đãi. Anh và Pháp đều không muốn cho Nga chiếm Comstantinople, vì nếu chiếm được hì hạm đội Nga sẽ tung hoành trên Địa Trung Hải, con đường của Anh qua Ấn sẽ lâm nguy mà thuộc địa của Pháp ở Syrie cũng không được yên ổn. Cả hai đều giúp Thổ chống Nga, thà để Constantinople cho Thổ vì Thổ yếu, không làm hại được mình, chứ không chịu để cho Nga.

Người Anh chắc chắn thế nào cũng thắng -ba nước đánh một mà!- nên quân sĩ hùng dũng, tự tin ra trận, lập căn cứ tại Scutari để công phá căn cứ của Nga ở Sébastopol; nhưng họ khinh địchquá, lại không tổ chức gì cả: 3 vạn lính Anh tới Varma mà không có xe để chở. Nực cười nhất là họ ra chiến trường mà như cắm trại; khách du lịch các nước bu lại coi, sống chung với quân lính như coi một cuộc đấu quyền. Bọn du lịch đó, người Anh gọi là T.G, (Travelling gentlemen).

Không ngờ quân Nga chống cự kịch liệt, rồi bệnh dịch tả phát trong quân đội Anh. Lớp đầu, một ngàn bệnh nhân đưa về Scutari rồi tiếp tới một ngàn bệnh nhân nữa; bệnh xá của quân đội không còn đủ chỗ chứa, thiếu đủ thứ, từ y sĩ, điều dưỡng đến lao công, thức ăn, thức uống. Một chỗ bình thường chứa 150 người thì bây giờ phải chứa 1500 người; không có giường cho họ nằm, bếp cũng không có để nấu nướng, mà dơ dáy thì không thể tả nổi. Ở Anh người ta chỉ nghe các tướng báo cáo về lòng dũng cảm của quân lính, không ngờ tình trạng lại bi thảm như vậy. Một phóng viên của tờ Times phẫn uất viết bào tường thuật cảnh hỗn độn, thiếu thốn, vô tổ chức đó, so sánh với bệnh xá quân đội Pháp, sạch sẽ hơn, lại có những bà Phước rất giỏi, rất tận tâm săn sóc thương binh, và đặt câu hỏi: "Tại sao người Anh không có bà phước như Pháp?".

Những bài báo đó làm dư luận chấn động và chính quyền Anh cậy ông Redeliffe mời cô Florence tiếp tay. Thực hợp với ý cô vì ngay từ đầu chiến tranh cô đã có ý và đã có dự bị qua Constantinople giúp thương binh ồi. Cô xúc tiến công việc, tuyển 14 nữ điều dưỡng chuyên nghiệp và 24 người nũa trong số hội viên của các cơ quan tôn giáo, rồi ngày 21 tháng 10 đó, cô lên đường với họ, mang theo 1000 anh kim với một bức thư nhà cầm quyền giới thiệu cô với bác sĩ Menzies , giám đốc dưỡng đường quân đội ở Scutari. Cô giữ chức giám đốc cơ quan nữ điều dưỡng của các duỡng đường Anh tại Thổ, tuy phải theo mệnh lệnh bác sĩ Menzies nhưng được toàn quyền chỉ huy những nữ điều dưỡng ở dưới quyền mình. Bà Tanny và cô Parthe lúc này chẳng những không buồn là cô làm nhục gia đình nữa mà còn khoe với mọi người rằng  "cô có một nhiệm vụ lớn lao và cao cả". Trò đời là như vậy!

Đã từ lâu rồi, cái tinh thần tự tôn, tự hạ hay trong Thánh Kinh, tinh thần rửa chân cho những người thuộc hạng đê tiện, đã tiêu tan không còn lưu một dấu vết gì trong bọn quý phái ở Âu nữa. Các  bà các cô trông các hội Thiện do các tôn giáo lập ratự cho mình chỉ có bổn phận săn sóc linh hồn, nhĩa là tụng kinh cho các bệnh nhân trong bệnh xá thôi, còn cái thân thể của họ, cái vật dơ dáy đó, họ không thèm ngó tới. Không những vậy, các bà các cô cũng không chịu ngồi chung, ăn chung với hạng nữ điểu dưỡng chuyên nghiệp. Cô Florence phải kiên  nhẫn giảng giải, thuyết phục rất lâu, các bà các cô đó mới chịu rời cuốn Thánh kinh mà tiếp tay với cô, và mới chịu hạ mình tiếp xúc các bạn chuyên nghiệp.

Tjáng sau tàu ghé Scutari. Thật là một cảnh kinh khủng, đến thi sĩ Dante cũng  không sao tưởng tượng nổi trong phần đầu , phần tả địa ngục, của tâp thơ bất hủ La Divine Comédie của ông. Ở bệnh xá của trại lính có tới 2400 bệnh nhân, nếu họ có đủ giường nằm mà giường kê liền nhau thì thành một dãy dài năm cây số. Già nửa là say tí bỉ: vì không co` người nào không uống rượu. Họ chết vì đói lạnh, vì bệnh dịch tả, chết vì truyền nhiễm. Hai ngàn ba trăm bốn mươi chín người vô nằm thì hai ngàn ba trăm mười lăm người chết, chỉ còn ba mươi bốn người sống sót, trở ra mặt trận được. Lính chết mà ngựa cũng chết. Cả hai đều chết mà không kịp chôn. Có` giường thì mười người thay phiên nhau vô nằm thì chết cả mười. Có người vô nằm nửa tháng mà vẫn chưa được bác sĩ coi mạch vì thiếu bác sĩ. Có người vô nằm hai mươi bốn giờ mà không được ăn cũng không được uống nước. Mà nước thì đục ngàu và hôi. Họ không có đủ giường để nằm, không có quần áo để thay mà cũng không có cả nỉa muỗng, dao để dùng nữa. Hai, ba ngưòi ăn uống, rửa mặt trong một cái thùng nhỏ. Thực ghê tởm ! Họ không còn là người nữa, không bằng con thú nữa. Ai chịu trách nhiệm về tình trạng đó? Thưa, không có ai cả. Viên bác sĩ giám đốc bệnh xá bảo: "Tôi chỉ lo việc coi mạch, ra toa thôi vấn đề ăn mặc do sĩ quan cung cấp lương thực" Viên này lại bảo: " Tôi chỉ có bổn phận cung cấp những  món ăn thường dùng thôi, còn những món ăn đặc biệt cho những bệnh nhân ăn riêng thì ra  ngoài nhiệm vụ của tôi. Lính không có muỗng, nỉa, dao, dĩa là tại họ. Quân lệnh bắt họ đi đâu cũng  phải mang theo những thứ đó, nếu họ đánh mất hay bỏ quên thì mặc họ!". Họ không  đánh mất, cũng  không bỏ quên, họ đã được  lệnh của sĩ quan của họ ở quận Calamita bảo để lại những thứ đó, cho người sau dùng, về Scutari sẽ có đủ. Và bây giờ về Scutari họ phải ăn bốc.

Trước tình cảnh đó, các nữ điều dưỡng chán nản: họ có ba mươi tám người làm sao săn sóc non hai ngàn rưởi bệnh nhân được? Cô Florence, trái lại, hăng hái muốn bắt tay vào việc ngay; việc càng nhiều thì lại càng phải làm gấp. Cô xin bác sĩ Menzies phát cho bệnh nhân nệm và quần áo sạch để thay, cho họ mỗi ngày một món xúp và có đủ trà để uống. Bác sĩ đáp: "Những xa xỉ phẩm đó, không nên cho bọn lính hưởng". Sự thực là không có đủ để phân phát cho lính. Mà các sĩ quan cao cấp thì có dư săm-banh để uống và để tiếp đãi các T.G.

Ngay từ khi cô mới tới, bác sĩ Menzies đã có ác cảm với cô rồi. "Bọn phụ nữ này tới đây làm gì cho vướng chân mình? Cái ngữ đó mà giúp đỡ được cái gì? Chỉ tổ phải hầu hạ họ!". Ông ta nghĩ vậy mà không dám nói ra "chưa biết chừng họ do cơ quan mật vụ gởi tới để canh chừng  mình đây! Nhất là cô Florence đó nghe nói quen nhiều giới "bự" ở Luân Đôn. Thái độ của ông  là mặc kệ không giao việc cho bọn cô, thí cho bốn căn phòng tại bệnh xá - tính ra mười người một phòng.

Cô Florence không  phản đối vì theo lệnh trên, cô phải thuộc quyền bác sĩ.

Nhưng  ít bữa sau, tình thế thay đổi. Mùa Đông tới, mà mùa Đông năm đó lạnh vô cùng. Bện nhân dồn tới mỗi ngày mỗi đông: họ bị bệnh lị, bị chứng hoại huyết và họ đói. Bác sĩ Menzies xoay sở không xong, đành phải nhờ bọn cô giúp sức.

Cô bắt tay vào việc với một nghị lực và một sức chịu đựng phi thường. Công việc đầu tiên là lau quét, dọn dẹp cái phòng cái giường cho tạm sạch, thu xếp cho có một chỗ khuất để bác sĩ làm công việc giải phẫu. Trước kia không có một bàn riêng để giải phẫu nữa, bệnh nhân cứ nằm tại giường của mình người ta cột tay khóa chân họ lại rồi mổ, ngay trước mắt những bệnh nhân ở xung quanh, làm cho họ phải nhắm mắt, bịt tai lại. Nhờ số tiền mang theo, cô tuyển thêm nữ điều dưỡng ở tại miềm, chỉ bảo họ, rồi lại thuyết phục vợ họ đừng ở không nữa mà tiếp tay với cô.

Vừa mới sắp đặt có trật tự được một chút thì một cơn giông dữ dội nổi lên, quét sạch hết lều trại, người, ngựa cũng bị thổi đi. Quần áo tơi bời, bệnh nhân nằm trên bàn, hôi thối. Có kẻ thấy một nữ điều dưỡng tới giúp đỡ mình, vội xua tay hét: "Đi chỗ khác, đừng lại gần tôi, tôi dơ dáy lắm!"

Số bệnh nhân cũng tăng lên 500 nữa. Sau cơn dông, phải xây cất, dọn dẹp lại. Vừa mới yên thì ở mặt trận lại gởi thêm thương binh về, và tháng giêng năm 1855, bệnh nhân lên tới số kỷ lục, kinh khủng là 12.000 người, mà trước sau chỉ có 85 người -kể cả cô Florence- để săn sóc họ!

Cô làm việc suốt ngày, mỗi đêm chỉ nghỉ được bốn năm giờ, quyên tiền trong quân đội, trongbọn T.G. tức khách du lịch; viết thư về Anh, gõ mọi cửa để xin gởi gấp qua quần áo, mền, nệm, thức ăn, dĩa, muỗng... Cô viết không biết bao nhiêu thư và phúc trình, rồi tiếp khách, thăm bịnh nhân; ngày nào cũng đi thăm hết các phòng một lượt, người nào sắp chết thì cô ngồi lại chuyện trò một lúc, rồi cắt đặt nữ điều dưỡng phải ở luôn bên cạnh cho đến khi họ tắt thở. Cô không muốn rằng đồng bào cô xa nhà, xa quê, lại đã hy sinh choi tổ quốc mà chết trong cảnh cô đơn, không có một ai ở bên cạnh để vuốt mắt.

 Chỉ trong có vài tháng lính thương cô như mẹ -sau này, cô bảo với bạn: "Tôi không lập gia đình, nhưng đã có 15.000 người con rồi". -Có kẻ chỉ ngóng giờ cô đi qua để được nhìn nụ cười và nét hiền từ của cô và bảo: "Chỉ bóng cô lướt qua  giường tôi, tôi cũng sung sướng tưởng như được cô vuốt ve rồi vậy..." Từ trước tới nay, có lẽ chưa một phụ nữ Anh nào được dân chúng quý mến tới bực đó.

Chính nữ hoàng Victoria cũng phải cảm động, khâm phục, đòi đọc tất cả những bản báo của cô, viết thư khen cô và hỏi cô muốnn gì, bà sẽ giúp.

Khi công việc săn cóc bệnh nhân đã tổ chức đàng hoàng rồi -đàng hoàng đến nỗi lính Anh đồn với nhau: "Nằm ở bệnh xá Scutari sướng như lên Thiên Đường"- Cô tiến một bước nữa, cải thiện đời sống tinh thần và sửa đổi tánh nết của lính.

Thời đó người ta có quan niệm rằng hạng lính là hạng hạ tiện, gần như thú vật, phải kích thích thú tính của họ  thì họ mới hăng hái chiến đấu. Phải cho họ uống thật nhiều rượu để họ khỏi sợ chết, mà hóa ra hung tợn, khát máu. Lại phải cho họ trụy lạc, cướp bóc, hiếp dâm thì họ mới khỏi cái sầu để họ vui vẻ ra trận. Cô Florence cho quan niệm đó là sai. Tiếp xúc với thương binh, cô thấy rằng lòng kính Chúa và tình gia đình của họ có khi rất cảm động, rằng họ là những người lương thiện như cô và không có lý gì lại coi họ như loài thú được.

Cô đề nghị với các sĩ quan cấm rượu và cho lính được phép gởi tiền về nhà. Lúc đó uy tín của cô đã lớn: lính nghe cô răm rắp mà ở Anh, từ nữ hoàng đến dân chúng ai cũng ngưởng mộ cô, nên bọn sĩ quan ngu xuẩn tuy mới đầu phản đối, rồi sau cũng phải nghe cô. Kết quả là mỗi tháng, lính ở Scutari gởi về cho gia đình  được  một ngàn Anh kim, và trong sáu tháng, tất cả lính trong quân đội Anh ở Crimée gởi về nhà được 71.000 Anh kim. Cô lại bận thêm biết bao nhiêu công việc: làm ngân phiếu, giữ sổ sách vì lính chỉ muốn giao tiền cho cô thôi. Mà cô không có được  phòng giấy riêng, chỉ có mỗi một cái bàn kê ở cạnh giường, và bất kỳ binh sĩ, khách khứa, ai vào hỏi cô việc gì, lúc nào cũng vào được. Trong hoàn cảnh đó mà cô làm việc nhiều gấp mười các sĩ quan quả thực là năng lực của cô siêu quần. Cô lập một thư viện cho quân đội -tác phẩm binh sĩ thích đọc nhất là bản dịch Les mystères de Pavos của Eugene Sue- mở lớp dạy học cho quân đội và lập sân banh cho họ tiêu khiển, tổ chức lại quản lý bệnh xá, huấn luyện các sĩ quan về cách đối xử nhân đạo với quânm lính. Rút cục, ở Scutari cô chỉ huy hết thảy và các bác sĩ, tướng tá đều gần như vô dụng. Tất nhiên có một số người ghen ghét, gièm pha, nhưng từ xưa đến nay, kẻ nào được lòng dân thì còn sợ ai nữa?

Tới tháng sáu năm 1856, hòa ước ký với Nga ở Paris. Hai bên đều thiệt hại nặng. Constantinople vẫn về Thổ. Cô Florence về xứ.

Xem phần 2

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.orghttp://vietsciences.net Nguyễn Hiến Lê