Những bước thăng trầm của trái tim nhân đạo

Vietsciences-Nguyễn Toàn            18/11/2004

 

Cuộc đời của Jean Henri Dunant là cả một tương phản: ông sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng chết nghèo khổ bịnh hoạn  trong  một nhà thương thí. Tuổi trung niên danh tiếng lẫy lừng, làm chủ tịch một công ty đất đai với số vốn 100 triệu  quan Pháp thì tiếp giáp ngay với sự tối tăm lặng lẽ nghèo nàn, và sự thành công lớn trong doanh nghiệp được nối tiếp bằng sự phá sản hoàn toàn.

Lúc trẻ Dunant làm đại diện cho Hội Thiên chúa giáo của Thanh niên  (Young Men's Christian Association). Lúc 26 tuổi, ông  bước  vào thế giới kinh doanh , làm đại diện cho Công ty Colonies de Sétif của  Geneva tại Bắc Phi và Sicily.  Tuổi trung niên  ông bị loại trừ khỏi Cơ quan Genève, nơi mà một thời ông được tô điểm, để rồi chết một mình trong căn phòng nơi nhà thương thí, để lại  tờ di chúc đắng cay. Chỉ có niềm đam mê sinh hoạt từ thiện là được giữ nguyên vẹn trong cuộc đời ông, và Hội Hồng Thập Tự là tòa lâu đài sống  mãi của ông.


Dunant lúc sinh thời, đã đổ tiền và thời gian để đi khắp Âu châu cho lý tưởng đời mình: thành lập Hội Hồng Thập Tự để chăm sóc những  người bị thương nơi chiến trường,  và được các nước  ủng hộ.  Dunant đã biến một tư tưởng cá nhân thành một hiệp ước quốc tế. Nhưng công việc của ông chưa hoàn thành thì n
ăm 1867 Dunant bị sạt nghiệp vì ông chỉ chú tâm đến  vấn đề từ thiện mà không chăm lo việc kinh doanh riêng tư của mình. Sự kiện này làm ông  mất hết bạn bè tại Genève và không còn được đón  tiếp tại nơi này nữa. Chỉ trong  vài năm sau đó, ông sống nghèo khổ như những người ăn mày. Ăn bánh mì khô, nhuộm áo đen bằng mực , tô trắng cổ áo bằng phấn, ngủ ngoài đường. Trong  hai mươi năm từ 1875 đến 1895, Dunant  biến mất trong cô độc. Sau nhiều lần nghỉ chân ngắn ngủi  nơi nhiều chỗ khác  nhau, ông  tới Heidn, một làng nhỏ của Thụy Sĩ. Tại đây, một giáo sư tên Wilhelm Sonderegger tìm thấy ông năm 1890. Năm 1892 ông bịnh và tới xin trú ngụ tại nhà thương thí Heiden. Và trong  phòng 12, ông đã ở suốt 18 năm còn lại của cuộc đời ông, như một kẻ vô danh. Sau đó ông  lại được người ta tìm ra lần thứ hai và năm 1901 giải thưởng Nobel hòa bình đầu tiên được  trao tặng cho ông. Mặc dù được nhiều tiền và biết bao danh dự, ông không rời khỏi Phòng 12. Ngày ông mất, không có đám tang, không ai để tang, không xe tang. Ông muốn như vậy

Được giải thưởng Nobel trong lúc Dunant  khổ cùng cực lại bịnh hoạn, nhưng ông không  tiêu lấy một đồng cho ông mặc dù bịnh hoạn và nghèo khổ. Ông để lại nguyên số tiền thưởng của giải Nobel hòa bình đầu tiên mà ông vinh dự được (150 800 couronnes Thụy Điển) cho những người chăm sóc  bịnh viện làng, đóng tiền để  có một chiếc giường miễn phí đời đời cho những người nghèo, cho những người bịnh và cho những cơ quan từ thiện ở Na Uy và Thụy Điển

Sáng  hôm 30 tháng 10, bên bờ hồ Constance , nơi mà "người áo trắng" nghèo và bệnh hoạn đến xin trú ngụ trước đó 18 năm,  Henri Dunant đang hấp hối. Nơi cửa sổ phòng số 12 của ông, lá cờ chữ thập đỏ được treo lên. Tối hôm đó Henri ra đi.

Bài đọc thêm:

Hội Hồng Thập Tự

Tiểu sử Henri Dunant

© http://vietsciences.free.fr  Nguyễn Toàn