Giáo dục dạy nghề

Vietsciences- Hồng Lê Thọ    15/03/2008       

 

Những bài cùng tác giả

*Giáo dục dạy nghề Bài I

*Giáo dục dạy nghề Bài II

*Sự thay đổi trong đào tạo nghề sau phổ thông ở Nhật và Hàn quốc

*Giáo dục dạy nghề tại Đức

 

Bài II

Lao động có kỹ năng: Lỗ hổng nghiêm trọng trong phát triển ở Việt Nam
 

Con số 70% lao động chưa qua đào tạo và 80% chưa qua đào tạo nghề khi tham gia thị trường laođộng(theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội) đang trở thành rào cản, kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.

Phần 1:

Từ con số điển hình ở Đồng bằng sông Cửu long

Trong báo cáo về “Nguồn nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long” (tháng 1/2005) của nhóm nghiên cứu do GS Võ Tòng Xuân làm trưởng đã công bố trên cơ sở những số liệu của Tổng cục Thống kê và khảo sát tại chỗ các tỉnh, kết luận rằng “nguồn nhân lực ở vùng nầy tương đối thấp, tỷ lệ mù chữ là 6%, 33% không học hết tiểu học; 14% tốt nghiệp bậc tiểu học là cấp học bắt buộc theo hiến pháp; 8% tốt nghiệp trung học cơ sở. Như thế, chỉ có 77% đội ngũ lao động có trình độ học vấn căn bản (Trung học cơ sở) trở xuống(!) và 83% lực lượng lao động không được đào tạo tay nghề” (xem box 1&2). Chính con số nầy cho thấy đó một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của nền kinh tế địa phương cũng như gây lo ngại đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đặt chân đến làm ăn. Có người gọi đó là một trong “nút thắt” ngăn chặn dòng chảy của vốn FDI về các địa phương.

Khảo sát từ khu vực trù phú về nông thủy hải sản đã đưa ra những con số đáng báo động như vậy. Giả thiết nếu tại vùng nghèo khác như cao nguyên trung bộ, đồng bằng miền Trung hay vùng cao các tỉnh phía Bắc, e còn bi đát đến nhường nào.

Tại các địa phương cũng không mấy sáng sủa hơn, mặc dù mỗi tỉnh đều có chủ trương dạy nghề để xóa đói giảm nghèo.Số người lao động trẻ (tuổi từ 15-30) ở nông thôn các địa phương ngày càng đổ dồn về các tỉnh thành có khu công nghiệp, chế xuất như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương… ngày càng nhiều, tương tự như hiện tượng “bỏ nông” và “ly thôn” ở các tỉnh nghèo phía bắc. Dân số ở các đô thị phát triển tăng đột biến, người di dân sang vùng dễ kiếm công ăn việc làm đang là vấn đề xã hội, kinh tế nghiêm trọng khi sự phân bố về lao động, nghề nghiệp trong cả nước mất cân đối như hiện nay (xem box 4 về trường hợp yêu cầu lao động ở TP.HCM đến năm 2010)

Trong 3 năm nay, tính từ năm 2005, kim ngạch đầu tư trực tiếp (FDI) từ tốc độ 7-8 tỷ/năm đô la nay đã vọt lên mức 12-15 tỷ/năm (năm 2007 là 20,3 tỷ đô la) sau khi VN gia nhập WTO*. Tương tự, kim ngạch xuất nhập khẩu ở mức 50-60 tỷ đã vượt hơn 110 tỷ và tăng trưởng GDP cũng có tốc độ tăng 8-8,5 % bình quân trên cả nước, trong đó những tỉnh thành phát triển đạt mức cao hơn hẳn từ 12-14%. Những điều đó cho thấy yêu cầu lao động của những doanh nghiệp và công ty nước ngoài không còn dừng lại ở mức phổ thông (thô), mà ngày càng đòi hỏi một lực lượng lao động có tay nghề chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản.
Mặt khác, nhờ có chủ trương xuất khẩu lao động của chính phủ cho nên trong 5 năm gần đây, số người trẻ đi lao động ở nước ngoài ngày càng tăng nhanh chóng, hiện đã đạt mức hơn 70,000 người/ năm (riêng năm 2007 là 85,020 người) với tổng số 500,000 công nhân Việt nam đang có mặt ở các nước. Nhưng nhìn vào cơ cấu, thành phần thì 90% số ấy lại là lao động giản đơn (lao công, phụ hồ, tạp dịch, ô-shin…) xuất thân từ những tỉnh nghèo chứ không phải những người có kỹ năng như hàn, mộc, đúc, tiện,cơ khí… được ưu đãi và hưởng lương gấp 5-10 lần tùy theo nghề và nước họ đến.

Từ những thực tế nầy vấn đề lớn đang đặt ra cho nước ta là sớm có biện pháp đột phá để giải quyết nhằm đem lại lợi ích và duy trì phát triển ở tốc độ cao, cân đối lực lượng lao động giữa nông thôn và thành thị, nhằm từng bước “đô thị hóa “thay vì “sa mạc hóa” nông thôn như nguy cơ hiện nay mà làng An Bằng ở Huế (xem báo Pháp luật TPHCM ngày 19/12/2007) không phải là trường hợp duy nhất. Một số làng ở Tỉnh Hải dương đa số chỉ còn người già và con trẻ là hiện tượng đáng lưu ý.

Cần đổi tư duy dạy nghề

Như đã nói trên, điều cơ bản có thể thấy được là chủ trương “dạy nghề” ở địa phương, đặc biệt tại các tỉnh nghèo ở miền Bắc. Mục đích là “xóa đói giảm nghèo”, tạo công ăn việc làm cho những nông dân trong thời gian nông nhàn, cải thiện cuộc sống thiếu thốn của người dân không có nghề nghiệp chứ không phải nhằm mục đích phát triển kinh tế . Nói khác đi là việc dạy nghề cho những người nầy nằm ngoài những chính sách phát triển, chiến lược chuyển đổi cơ cấu công-nông nghiệp của địa phương, nhằm nâng cao sức sản xuất.Chính vì vậy, việc dạy nghề nầy không đủ hấp dẫn và không đảm bảo để họ trở thành một lực lượng công nhân hay nông nhân có tay nghề, kỹ năng mà nhà đầu tư hay doanh nghiệp mong đợi. Cho nên hầu hết các chương trình dạy nghề nhằm mục đích “xóa đói giảm nghèo” đều là những chương trình ngắn hạn, chắp vá “được chăng hay chớ”. Theo thống kê thì trên 83% là những chương trình dạy nghề ngắn hạn từ 2 tuần đến 1 tháng, thời gian chỉ đủ làm quen với một nghề nào đó vì vậy không lôi kéo được thanh niên, hay giữ chân lực lượng lao động nầy ở lại nông thôn vì cuộc sống khó khăn.

Theo một báo cáo khác của đại học An Giang năm 2005, hơn 83% người nghèo ở thị xã Long Xuyên đều không có nghề cố định, làm phu bốc vác, phụ hồ, lơ xe vận tải hay lao động theo thời vụ, không ổn định… đây là một trong những lí do giải thích tại sao số người ở tuổi lao động sung sức bỏ thôn làng lên thành phố. Vì thế, việc đào tạo nghề ở nông thôn (thuộc ĐBSCL) cần phải được xem lại cho phù hợp với những chính sách phát triển nông-công nghiệp-thủy hải sản trong ít nhất là một thập kỷ tới. Cần có trường dạy nghề khuyến nông-ngư nghiệp-cây trồng và công nghiệp chế biến (nông-thủy-hải sản), chăn nuôi và các ngành công nghiệp nhẹ khác tùy theo từng tỉnh và địa phương cụ thể. Đây chính đây là cái nôi đào tạo những chuyên gia có tay nghề cao cho từng ngành để phát huy thế mạnh trên mảnh đất đó.

Một trong những kinh nghiệm quí về đào tạo nguồn nhân lực ở ta có thể thấy ở Nhật Bản mà các nhà làm chính sách có thể tham khảo. Tiền thân của đại học Tơ sợi Kyoto (Kyoto University Of Textile) ngày nay xuất phát từ trường trung cấp kỹ thuật dạy nghề dệt hay đại học Gunma (phía bắc Kanto thuộc tỉnh Saitama) phát xuất từ trường dạy trồng dâu nuôi tằm, là thế mạnh truyền thống của tỉnh Gunma từ thời Minh Trị Duy Tân. Không những các trường kỹ thuật, thực nghiệp của nhà nước, mà ngay trường đại học tư nổi tiếng như Đại học Waseda (Tokyo) ngày nay cũng phát xuất từ trường Tokyo Senmon Gakko (Trường Chuyên môn Tokyo) thành lập năm 1882 đến năm 1920 mới chính thức được công nhận là đại học.

Những trường hợp tương tự như vậy rất phổ biến trong quá trình hình thành hệ thống giáo dục đại học của Nhật Bản ngày nay. Đây là nhân tố thúc đẩy phát triển các ngành công-nông nghiệp, thương nghiệp… trong lộ trình hiện đại hoá (trong tiếng Nhật, họ dùng chữ “Cận đại hoá”) từ những năm cuối thế kỷ 19: Dựa vào lực lượng lao động được đào tạo chính qui từ thấp lên cao trong một hệ thống dạy nghề (thực nghiệp, trung cấp kĩ thuật, cán sự và chuyên tu) hoàn chỉnh. Tỉnh nào mạnh ngành gì thì ưu tiên xây dựng trường kĩ thuật dạy nghề cho ngành đó và không có hiện tượng trường dạy nghề tràn lan mạnh ai nấy làm như ở ta.

Kinh nghiệm trong việc tạo lực lượng lao động thích hợp, có chọn lựa để đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương của Nhật bản phải chăng là bài học quí báu mà ta nên tiếp thu, tránh chạy đua nơi nào cũng có trường, lớp dạy nghề tràn lan mà không có chất lượng và na ná bắt chước nhau để thu hút học sinh mà thôi.

Phần 2:

Tổ chức lại hệ thống dạy nghề

Trên cơ sở của Luật Dạy Nghề vừa mới thông qua vào tháng 6 năm 2007,dựa theo kinh nghiệm nhiều năm của Nhật bản, có thể gợi ý một mô hình đào tạo nghề chia làm 3 cấp :

- “Trung học thực nghiệp” cho những em tốt nghiệp Tiểu học với chương trình học nghề cụ thể trong 2 năm và 1 năm thực tập để đào tạo công nhân kỹ thuật ;
- “Trung học kỹ thuật” hay “Trung học Chuyên nghiệp” dành cho những em tốt nghiệp trung học cơ sở (cấp 2) với thời gian đào tạo 3 năm có nội dung chuyên sâu hơn phù hợp với trình độ văn hóa để có lớp công nhân bậc trung ;
- “Cao đẳng Kỹ thuật” dành cho các em tốt nghiệp trung học phổ thông(cấp 3) có chương trình 3-5 năm nhằm tạo ra Cán sự, chuyên viên đủ khả năng quản lý, chủ nhiệm các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ.

Thiết nghĩ với qui mô từ nhỏ (khoảng 1000-2000 em/trường) đến vừa, có số lượng 5,000-10,000 em/trường, chỉ cần trong 5 năm đầu tiên chúng ta đã có một lực lượng công nhân có kỹ năng đáng kể như đã nói ở trên để đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh nhà. Nếu bài toán nầy được áp dụng khắp 64 tỉnh thành trên cả nước và có nguồn ngân sách đảm bảo kề cả những chính sách cho vay để học, khuyến khích việc lập trường tư thục dạy nghề ngoài những cơ sở đào tạo công hay bán công… thì triển vọng phát triển với nguồn nhân lực dồi dào là điều hoàn toàn khả thi, không những thế còn góp phần xuất khẩu lao động có kỹ năng cao hơn.

Bên cạnh 10-12% ngân sách Giáo dục (tương đương với 7000-7500 tỷ đồng/năm) của nhà nước sẽ phân bổ dành cho việc dạy nghề như PTT-BT Nguyễn Thiện Nhân mới công bố gần đây. Đề án của chính phủ chi 16,000 tỷ đồng (một tỷ USD!) giao cho của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM đào tạo nghề cho thanh niên có thể trở thành hiện thực. Điều đó sẽ có ý nghĩa hơn khi số tiền khổng lồ nầy (trước mắt là 10,000 tỷ đồng)-- như quyết định của chính phủ-- được dùng vào việc xây dựng cơ sở, trường đào tạo nghề thay vì giao phó cho TƯ đoàn (là một tổ chức chính trị xã hội chuyên làm phong trào) đứng ra “tác nghiệp” ở một lĩnh vực ngoài tầm tay của mình, không có kinh nghiệm và nghiệp vụ chuyên môn.

Thiết nghĩ việc chi 16,000 tỷ đồng nầy chỉ được dùng để cho vay tài chính (qua việc kết hợp với qua ngân hàng), vận động học nghề và hỗ trợ giới thiệu việc làm… cho thanh niên (đoàn viên) như bản dự thảo đề án thì có quá “xa xỉ” lắm không? Dư luận cho rằng, đây chỉ là động thái hay chỉ nhằm tạo uy thế và củng cố vai trò của một đoàn thể quần chúng thuộc hệ thống của Đảng đang ngày càng mờ nhạt?

Điều quan trọng hơn cả là hệ thống dạy nghề của chúng ta hiện nay nên để cho Tổng cục dạy nghề quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương, thay vì phân tán quyền qua Sở Lao động-Thương Binh-Xã hội như lâu nay mang trách nhiệm dạy nghề để xóa đói giảm nghèo hay để giúp những người phạm pháp “phục hồi nhân phẩm”(!). Mặt khác, việc huy động vay vốn ODA, hợp tác với những cơ quan quốc tế như ILO, UNIDO, UNESCO… và những tổ chức dạy nghề ở các nước phát triển để nâng cao chất lượng, thiết bị dạy nghề là điều có thể thực hiện dễ dàng. Song bấy lâu nay, công tác đối ngoại nầy còn ở mức “ai cho gì làm nấy” một cách lẻ tẻ. Chẳng hạn như các dự án dạy nghề được tài trợ bởi chính phủ Đức, Na-uy, Singapore, Hàn quốc hay vài tổ chức dân sự của Nhật bản tại một số địa phương… đã không tạo nên một chiến lược tổng thể phát triển lâu dài và có hệ thống.

Một thí dụ cụ thể là trường hợp dự án Dung Quất xây dựng com-bi-nat về hóa dầu đã bị chựng lại, trục trặc vì nhiều lí do. Trong đó, một vấn đề đáng lưu ý là nhà thầu kỹ thuật Pháp Technip khi bắt tay vào lắp đặt trang thiết bị thì “té ngửa” ra rằng, tìm người thợ hàn bậc cao tại chỗ đủ khả năng hàn cao áp không dễ . Một mặt họ huy động thợ hàn Malaysia, Thái lan sang làm chuyên gia để đảm bảo tiến độ, mặt khác chi viện ngân sách gần một triệu đô la để tỉnh Quãng Ngãi lập cơ sở đào tạo 4,000 thợ hàn cho công trình! Điều nầy cho thấy, khả năng đáp ứng thợ chuyên nghiệp cho những chương trình trọng điểm phát triển kinh tế của chúng ta còn quá yếu và ngày càng lộ rõ trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa từ nay cho đến năm 2020 như chủ trương của nhà nước.

Nhiều nhà đầu tư Nhật hăm hở sang Việt Nam với nhiều kì vọng, trong đó họ từng đánh giá công nhân của ta rất ‘tinh xảo”, “khéo tay” nhưng khi bước vào thực hiện đề án lại phải thuê công nhân từ các nước láng giềng, kể cả từ các tỉnh Quảng Đông, Thẩm Quyến… sang vì không tìm ra lực lượng tại chỗ có thể đảm trách! (xem box 6). Có những công ty Nhật Bản yêu cầu số lượng rất lớn, chẳng hạn gần đây, hãng NIDEC cần tuyển 30,000 công nhân cho nhà máy lắp ráp nhưng đành bó tay khi thị trường cung ứng lao động quá hạn chế. Liệu khả năng cung ứng 100,000 lao động cho Qatar vừa mới kí kết vào đầu tháng 1/2008 có thực hiện được không? Lao động cho dự án 1 tỷ USD của tập đoàn Intel ở Thành phố HCM hay 5 tỷ của Foxcom vào tỉnh Phú yên sẽ ra sao? Đó là những câu hỏi lớn cần nhìn nhận nghiêm túc, phản ánh trên con số kim ngạch đã thực hiện đầu tư nước ngoài thấp hơn rất nhiều so với kim ngạch đăng kí nêu trên. Gần đây thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhắc lại ý nầy trong lần họp báo đầu năm 2008 (xem trích dẫn ở phần kết luận)

Thực tế đang đòi hỏi tăng tốc để phát triển

Liệu chủ trương hiện nay của chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2010 có là 50% lao động ở nước ta sẽ phải được học nghề tử tế, có đáp ứng và giải quyết nổi không thực tế đắng cay nầy nếu không có những quyết sách về đào tạo nguồn nhân lực thỏa đáng? Trong thời kỳ huy động tích cực nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ bên ngoài để tăng tốc phát triển, vấn đề cơ sở hạ tầng như điện lực, thông tin, bến cảng, giao thông, cầu đường, sân bay… đòi hỏi phải được nhanh chóng hoàn thiện và mở rộng hơn nữa để đáp ứng các phương án đề xuất. Nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng cũng được các nhà đầu tư xem như là nút cổ chai cản trở, quyết định tính khả thi của dự án cho nên việc đào tạo nghề, kỹ năng cho thanh niên, lao động nông thôn vô cùng cấp bách trong tình hình hiện nay, khi mà cac dự án đầu tư nước ngoài có xu hướng(hay được phân bổ) về địa phương.

Nhóm nghiên cứu của GS Võ Tòng Xuân đưa ra lời cảnh báo rằng: “Phần lớn các doanh nghiệp (ở ĐBSCL) được phỏng vấn cho rằng, cần có sự thay đổi trong chính sách giáo dục và đầu tư của Việt Nam, nhằm cải thiện nguồn nhân lực trong tương lai”. Điều đáng ngạc nhiên hơn, có hiện tượng “nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ nông nghiệp nhận định rằng, học vấn không có tác dụng tích cực trực tiếp đến cơ hội việc làm trong tương lai của con em họ. Gia đình không sẵn sàng hỗ trợ con em mình đi học khi chi phí cơ hội của việc đi học được xem là cao (vì trẻ em độ tuổi 10-14 có thể cung cấp lao động đáng kể)”. Đây là lý do chính khiến tỉ tệ trẻ em không tốt nghiệp bậc tiểu học của ĐBSCL cao nhất so với cả nước. Báo Đại Đoàn Kết ngày 12/1/2008 đưa tin hai trường mẫu giáo ở tỉnh Sóc Trăng tăng học phí từ 25,000 đồng/tháng lên 250,000 đồng/tháng(gấp 10 lần) theo chủ trương “xã hội hoá” khiến 50% phải bỏ học và cô giáo tại trường này cũng đành phải cho con ở nhà!.

Bộ Giáo Dục và Đào tạo nghĩ sao về sự kiện đáng tham khảo nầy khi chủ trương thực hiện tăng học phí và tích cực “xã hội hóa” giáo dục trong những năm tới, chăm bẵm vào chủ trương cho ra “lò” 20,000 TS với hàng chục nghìn tỷ đồng trong 8 năm tới? Trong khi chỉ dành 5,500 tỷ (ước tính) cho chương trình tăng cường năng lực dạy nghề nhằm giảm nghèo cho hơn chục triệu lao động trong 3 năm tới từ ngân sách 20,000 tỷ đồng vừa mới được chính phủ phê duyệt gần đây. Một sự chênh lệch trái khoáy và mất cân đối nếu nhìn từ thực tế và yêu cầu của xã hội. Mặc dù Bộ GD&ĐT cũng như Bộ LDTBXH đã tỏ ra sốt sắng hơn trong việc tạo nghề cho thanh niên, chính phủ phê duyệt cấp kinh phí “hỗ trợ” việc làm và dạy nghề qua các chương trình, dự án (của 2 bộ nói trên) cũng như đề án của tổ chức quần chúng (đoàn TNCSHCM).

Động thái nầy cho thấy, không phải nhà nước thiếu tiền cho việc dạy nghề mà là thiếu sự hợp nhất, tập trung đầu mối và hệ thống tổ chức hợp lý thoát khỏi tư duy xem thường việc dạy nghề trong nền giáo dục phổ thông, dừng lại ở nhận thức “xoá đói giảm nghèo” không hiệu quả (xem box 5), gây lãng phí rất lớn trong việc “hổ trợ”” trong khi đó ông Quentin Dupriez của UNTACD cảnh báo rằng “Việt Nam cần chấp nhận nhập khẩu lao động tay nghề cao, nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn lao động có kỹ năng mà kinh tế Việt Nam đang cần để phát triển” trong buổi Hội thảo gần đây tại Hà Nội và thực tế cũng đang diễn ra như thế ! (xem Box 6).

Ngày 11/2/2008 báo chí đưa tin trong buổi họp đầu năm với ngành thông tin-báo chí, thủ tướng Nguyễn tấn Dũng đã phát biểu “Tôi còn đang rất lo lắng về nguồn nhân lực khi mà các tập đoàn công nghệ cao cứ vào liên tục: Intel, Samsung rồi Hồng Hải đầu tư 5-7 tỷ USD, họ yêu cầu ta cung cấp 50,000 lao động có đào tạo lấy đâu ? ”**. Không giải đáp được yêu cầu lao động có kỹ năng thì làm sao có thể hấp thu đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực công nghệ cao, thay vì chỉ có công nhân là thợ gia công giản đơn. Thiết nghĩ đây chính là bài toán cần được giải đáp càng sớm càng tốt nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế một cách bền vững.

Hồng lê Thọ

12/2007
(bổ sung một số chi tiết để cập nhật 1/2008)

*Con số thực thi 90% vốn FDI cam kết trong năm 2000 tụt xuống 40% năm 2006 và 28% năm 2007(đăng kí 20,3 tỷ USD nhưng thực hiện chỉ đạt 4,6 tỷ USD) thể hiện tình trạng nầy, nghĩa là khách đến thăm nhà, hứa hẹn thì nhiều nhưng vẫn đứng ngay ở cửa, chưa dám bước vào vì có quá nhiều rủi ro.Liệu nguồn vốn FDI và vốn ODA (trị giá 5,4 tỷ USD năm 2008) với tỷ lệ thực hiện được nhích lên hay tiếp tục tụt dốc vì giải ngân không kịp tiến độ là nỗi lo lắng của TS Lê Đăng Doanh cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác.

 

Box 1

Năm 2006 số người trong độ tuổi lao động là 43-44 triệu người, số lao động trong độ tuổi thanh niên là 47%(từ 15-34 tuổi), cả nước mới có 25,4% số lao động qua đào tạo(trong đó 20% qua đào tạo nghề)

  - Số thanh niên tham gia lực lượng lao động bình quân  tăng 200,000 người/năm, 50% là tốt nghiệp THCS,THPT.



Box 2 .
Thanh niên lao động

  -Cả nước hiện có khoảng 17 triệu thanh niên nông thôn trong độ tuổi 16-33…chiếm 74% tổng số thanh niên và 50% lực lượng lao động trong nông nghiệp.*

  -Lao động thanh niên đô thị trong độ tuổi 15-30 chiếm khoảng 25% tổng số thanh niên cả nước và chiếm 43% dân đô thị, 90% thanh niên đô thị có việc làm, thất nghiệp khoảng 6 %


Nguồn: Vụ LĐ-Việc làm (Bộ Lao động-Thương Binh & Xã hội, tháng 4/2007)
 

Chú thích: cách tính tuổi bước vào lao động là từ 16 tuổi ở nông thôn và 15 tuổi ở thành thị của Bộ LD-TB-XH có sự sai biệt 1 năm với lý do gì không rõ, tuy nhiên theo tác giả, tuổi bước vào lao động sẽ còn thấp hơn vì theo nghiên cứu của GS Võ Tòng Xuân thì trẻ em độ tuổi 10-14 cũng là nguồn lao động đáng kể ở Đồng bằng SCL( xem đoạn nhấn mạnh trong phần kết. Vì vậy những con số trên cũng chỉ là tương đối, để tham khảo). Có thể cách tính nầy của Bộ LD-TB-XH là dùng vào việc lập dự toán ngân sách chi tiêu( cho các chương trình do bộ nầy quản lý) hàng năm ? Xem thêm thống kê về lực lượng lao động từ nay đến năm 2030 của TS Vũ Quang Việt. Trong báo cáo điều tra của ADB, IMF…đều lấy độ tuổi 15 làm chuẩn nhân lực lao động.
 

Box 3
Lực lượng lao động cần được dạy nghề
 

Mục tiêu từ nay đến 2010:

 - mỗi năm thêm 1,4-1,5 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động(15 tuổi), tức giai đoạn 2007-2010 có gần 8 triệu người cần được đào tạo nghề không kể hệ thống đào tạo nghề của các doanh nghiệp.

 - tỷ lệ thanh niên có việc làm đạt 75-77% tổng số lao động/năm

 trong đó qua đào tạo 40%(sau đó thủ tướng yêu cầu 50%) trong đó Cao đẳng 6%,Trung học chuyên nghiệp 8% công nhân kỹ thuật 26% vào năm 2010


Box 4
Nhu cầu lao động đến năm 2010 ở TP HCM

Từ nay đến cuối năm 2010 các KCX,KCN của TPHCM cần 300,000 lao động trong đó:

 - các khu công nghiệp cần 119,190 lao động

 - Khu chế xuất Linh Trung (1) và (2) 98,810 lao động

 - KCX Tân thuận 82,000 lao động


Nguồn: Báo Lao Động ngày 23/8/2007.

 

Box 5. Cơ sở dạy nghề ở VN

             - 2052 cơ sở dạy nghề

             - 3.950.000 người được dạy nghề

               trong 2 năm 2006-2007


Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hổ trợ hơn 356 tỷ đồng để dạy nghề lao động nông thôn với đặc điểm ”Hầu hết các cơ sở dạy nghề ngoài công lập mới chỉ áp dụng đào tạo những nghề đơn giản, chưa đào tạo những nghề mũi nhọn,kỹ thuật cao” (VOV news 4/1/2008)

 

Box 6

* Lao Động VN ở nước ngoài (năm 2007) 85,020 người

             -Malaysia    26,700 người(giảm 11,000 người so với năm 2006)

             -Đài loan     23,600 người

             -Hàn quốc   12,200 người

             -Nhật bản      5,500 người

             -Qatar            4,700 người

             -UEA              2,100 người

             Kiều hối qua con đường lao động: 1,6-2 tỷ đô la/năm

       * Lao động nước ngoài ở VN(2007) 34,000 người (năm 2005 là 21,117 và năm 2004 là 12,602) trong đó trên 50% là các nước Châu á, 14% là người Châu âu

             - chuyên gia kỹ thuật: 41,2 % (làm quản lý 33,3%)


Nguồn: *Hồng Khánh vnexpress 3/1/2008
**Đỗ Minh vietnamnet 12/2007


** báo PLTPHCM ngày 11/2/2008

Biểu đồ: Khuynh hướng nhận việc và tìm việc cho
Học sinh tốt nghiệp phổ thông



Nguồn: Bộ Lao động-Y tế và Phúc lợi Nhật bản/Văn phòng Bảo hiểm Lao động

 

Nhận xét: 1985-1988: số chỗ trống ngang bằng với số học sinh tốt nghiệp cấp 3 xin việc(tỷ lệ 1:1)
1989-1995: số chỗ trống hơn hẳn nhu cầu xin việc
1995-1999: tỷ lệ trở lại 1:1
2000-2005: số chỗ trống bắt đầu ít hơn số người xin việc, từ năm 2000 nền kinh tế Nhật bản bước vào giai đoạn kinh tế tri thức, nhu cầu về lao động có học vấn (đại học hay cao đẳng kỹ thuật) cao hơn.





Biểu đồ 2: Các giả thuyết giải thích cho sự suy giảm nhu cầu tuyển dụng lao động tốt nghiệp phổ thông và lao động trẻ tuổi tại Nhật Bản.
  

 

            http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ