Xin dùng chữ "văn hoá khoa học" để nói đến những hiểu biết
cơ bản về khoa học của đại đa số công dân, kể cả nhà cầm
quyền ; cũng như thái độ của họ đối với khoa học và những nhà khoa học, phần nào đã
được chính thức hoá trong những định chế xã hội. Bài viết
này nhằm lược ghi sự hình thành "văn hoá khoa học" tại
Pháp trong thời gian khoảng 25 năm giữa các thế kỷ 18 và
19, khởi đi từ cuộc cách mạng 1789, mà hầu như những nét
chính yếu vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Dĩ nhiên đây chỉ
là một khía cạnh tương đối nhỏ của lịch sử thời ấy, Cách
mạng tư sản Pháp nổ ra do mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất
và lực lượng sản xuất, được hỗ trợ bằng luồng tư tưởng mới
mẻ của những Voltaire, Jean Jacques Rousseau, Diderot,
Montesquieu..., điều đó đã là kinh điển.
Và dĩ nhiên không phải qua một đêm là
cách mạng đem đến tất cả, sự hình thành văn hoá khoa học
có nguồn gốc từ trước đó, và sau đó cũng phải trải qua
nhiều bước thăng trầm, trong những điều kiện có khi thuận
lợi có khi kìm hãm. Đến nay nó được thể hiện rõ nét trong
các định chế giáo dục, hệ thống đại học và viện nghiên
cứu, với "đạo lý khoa học" được phát biểu và tuân thủ khá
chặt chẽ trong mọi ngành nghề ; và được lan toả rộng rãi
hơn nhưng mơ hồ hơn qua các phương tiện truyền thông.

Lagrange
1. Trước cách mạng 1789
Kể từ Galileo (1564-1642), Descartes (1596-1650), tới
Képler (1571-1630)... , rồi đỉnh cao Newton (1642-1627),
phát hiện những quy luật ngày càng hoàn chỉnh về thế giới
vật chất ; cộng với những nghiên cứu toán học để cho phép
phát huy chặt chẽ những quy luật ấy của nhiều nhà toán học
lớn như Leibniz (1646-1716), Euler (1707-1782), gia đình
Bernoulli (các tác phẩm nằm giữa 1650-1780), Pascal
(1623-1662), Fermat (1601-1665), Lagrange (1736-1813),
Laplace (1749-1827) ... ; các lý thuyết khoa học cơ bản đã
sẵn sàng cho việc ứng dụng vào đời sống, hỗ trợ cho việc
bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, nảy
ra do những yêu cầu kinh tế - xã hội thời ấy tại Âu châu.
Anh quốc là nước đi đầu trong cách mạng
công nghiệp này, mà điểm khởi đầu thường được chọn là phát
minh ra máy hơi nước hoàn chỉnh (với động lực hai chiều và
hệ thống truyền lực biến chuyển động hai chiều thành
chuyển động quay) của James Watt (1736-1819) năm 1769.
Nhưng thực ra đó chỉ là sự bùng nổ lớn nhất. Nếu coi những
đặc trưng của cuộc cách mạng này là : "sử dụng sắt thép
đại trà" (cơ khí), nhà máy sản xuất tập trung, sử dụng
năng lượng hơi nước, phương tiện chuyên chở bằng xe lửa và
tàu chạy bằng động cơ hơi nước... ; thì cần lui thời gian
khởi đầu cuộc cách mạng công nghiệp cho tới khoảng những
năm đầu thập kỷ 1730, khi có các sáng chế về máy dệt, đưa
đến việc sản xuất vải tập trung trong các nhà máy, và sáng
kiến sử dụng than cốc để luyện gang ; những sáng chế này
đều nảy ra trên nước Anh.
Một vài thí dụ cho thấy nước Pháp đi
chậm hơn nước Anh khá nhiều : Mặc dù dân số chỉ trên dưới
một phần ba dân số Pháp, năm 1730 có 15000 động cơ hơi nước
(kiểu cũ) tại Anh, và ... 3000 tại Pháp. Năm 1789 tại Pháp
chỉ có 1% đến 2% gang là sản xuất bằng lò than cốc, trong
khi ở đó ở Anh năm ấy tỷ lệ tương ứng là 40%. Tàu chạy
bằng hơi nước và xe lửa cũng được ứng dụng nhiều hơn tại
Anh, do nhu cầu chuyên chở nhiều hơn vì sản xuất hàng hoá
nhiều hơn ; mặc dù tàu chạy hơi nước được Joufroy d'Abbans
sáng chế tại Pháp năm 1776. Một sáng chế đáng khác đáng để
ý của người Pháp là khinh khí cầu của anh em Montgolfier
năm 1783.
Tuy nhiên, thế kỷ 18 còn được gọi là
"thế kỷ ánh sáng" tại Pháp. Qua các đời vua Louis XIV (1643-1715), Louis XV (1715-1774) và
Louis XVI (1774-1792), các hoạt động văn học, nghệ thuật,
khoa học và kỹ thuật được tôn trọng và bảo trợ qua nhiều
định chế độc đáo hay hiếm có trên thế giới, như Hàn Lâm
Viện Pháp (Académie Française, 1635), Hàn Lâm Viện Khoa
Học (Académie Royale des Sciences, 1699, tương đương với
The Royal Society of London, đã được thành lập từ năm
1660). Các đại học đã có từ lâu, nhưng chỉ truyền dạy thần
học, luật và y khoa. Về khoa học kỹ thuật, các trường kỹ
sư được mở ra trước 1789 là : Đóng tầu (Ecole de constructeurs de
vaisseaux, 1672), Cầu Cống (Ponts et Chaussées, 1747), Hầm
mỏ (Mines, 1783), Công binh Mézières (Génie, 1748) ... Dĩ nhiên còn trường
Quân sự Paris (1751), nơi Napoléon Bonaparte vào học năm 1770 (15 tuổi). Các trường
kỹ sư này lúc đó đã dạy những lý thuyết khoa học mới và
hữu ích nhất thời ấy, như đại số học, hình học giải tích,
toán vi tích phân, cơ học... Trường dạy nghề cho công nhân
đầu tiên được mở năm 1788.

Vợ chồng Lavoisier
Vai trò xã hội của những nhà nghiên cứu
và giáo dục khoa học kỹ thuật chưa định hình, chữ "nhà khoa học" (le scientifique)
chưa xuất hiện, cả xã hội còn coi họ như những "triết gia
của tự nhiên" (philosophe de la nature), những "nhà bác
học" (savant), hay "học giả" (érudit), một cách chung
chung. Chức Viện sĩ Hàn lâm do nhà vua bổ nhiệm, và đó là
những người duy nhất được bổng lộc vì làm khoa học ; nhiệm
vụ của họ là cấp bằng sáng chế và làm cố vấn cho triều
đình (HLV khoa học có từ 20 đến 50 người), ngoài ra hoàn
toàn tự do ; họ còn có đặc quyền viết sách báo mà không
cần qua kiểm duyệt. Các giáo sư phần lớn nằm trong hệ
thống nhà thờ hoặc nhà binh và việc dạy học không liên hệ
đến nghiên cứu riêng, nếu có. Việc nghiên cứu khoa học
hoàn toàn do hứng thú cá nhân, nếu có trao đổi với đồng
nghiệp hay tiền bối thì chỉ vì biết hay cần nhau. Nhiều
nhà khoa học lớn sống bằng nghề khác, thí dụ như viện sĩ
Lavoisier, còn là một viên quan thu thuế giàu có (nghiên
cứu hoá học rất đắt tiền), nhà toán học Laplace, cũng viện
sĩ, làm việc sát hạch cho pháo binh... Mặt khác sự ngưỡng
mộ khoa học trong xã hội đã tăng cao và do thiếu những
hình thức phổ biến khác, các
salon hay "câu lạc
bộ" khoa học nảy sinh, nhiều nhà bác học có tài ăn nói
sống được bằng tiền thù lao diễn thuyết. Nhiều người được
các nhà quý tộc hoặc các phú hộ đỡ đầu hay/và mời làm gia
sư.
Thời ấy đã có các trường tiểu học
(écoles primaires) và trung học (collèges) rồi, hoàn toàn
do nhà thờ quản lý, thời gian tổng cộng là 8 năm 8 lớp,
chỉ những gia đình khá giả mới cho con đến trường, nhưng
con em các thế gia thì ở nhà học gia sư. Tiểu học dạy giáo
lý Cơ Đốc cơ bản, dạy chữ và bốn phép toán, từ 5 hay 6
tuổi ; các trường trung học dạy thêm các môn khác cho đến
15-16 tuổi. Nhà binh cũng có hệ thống trường học riêng cho
thiếu niên, Nopoléon Bonaparte trước 15 tuổi đã học ở một
trong những trường đó. Hệ thống nhà thờ dày đặc và việc
các cha sở thường dạy chữ miễn phí cho dân chúng cũng đưa
đến một kết quả đáng ngạc nhiên, khoảng 75% đàn ông thời
ấy có thể ký tên mình trên giấy tờ, tuy rằng tỷ lệ biết chữ thay đổi
nhiều tuỳ theo các vùng giàu nghèo khác nhau. Bên cạnh khoảng màu tương đối sáng
về giáo dục đó, cũng không nên quên khía cạnh bi thảm
chung của thời đại ấy về phụ nữ và trẻ em : đẻ nhiều mà
nuôi được ít, 30% trẻ sơ sinh chết dưới 1 tuổi, chỉ một
nửa là nuôi được quá 10 tuổi ; con em các gia đình nghèo
khó phải bắt đầu phải đi vào cuộc đời lao động từ khoảng
8-10 tuổi.
2. Cách mạng và Đế chế
Nền Cộng hoà phát sinh từ Cách mạng Pháp có thể được chia
làm bốn giai đoạn :
-
giai đoạn đầu từ ngày 14.07.1789 phá
ngục Bastille tượng trưng cho uy quyền võ đoán tuyệt đối
của nhà vua, cho đến 21.09.1792, khi vua Louis XVI bị
truất phế và nền Cộng Hoà được thành lập. Đây là giai
đoạn đấu tranh chính trị căng thẳng, không thể có thay
đổi gì về các thể chế khoa học - giáo dục.
-
Giai đoạn thứ hai, Hội nghị Quốc ước
(La Convention), từ 21.09.1792 cho đến 01.10.1795, là
bước đi chập chững của nền Cộng Hoà, vừa phải học tập
sinh hoạt chính trị dân chủ (tương đối), vừa phải đối
đầu thắng lợi với những đe doạ chiến tranh từ các Vương
Quốc láng giềng, đây cũng là thời gian Robespierre nổi
lên nắm quyền, thực thi khủng bố qua Uỷ ban Cứu nước
(comité de salut public) và Toà án Cách mạng, Rồi cuối
cùng bị triệt hạ. Cần nói rõ là trong Quốc ước không có
các đảng phái chính trị với đường lối rõ nét, các phe
nhóm quây tụ với nhau vì nhiều lý do : một lãnh tụ có
tài ăn nói, vì đồng hương... các phe nhóm này tranh
giành ảnh hưởng và quyền lực vừa bên ngoài vừa bên trong
Quốc ước.
-
Giai đoạn thứ ba, Uỷ ban Chấp chính
(Le Directoire), từ 01.10.1795 đến 10.11.1799. Ngay từ
đầu thời gian này Napoléon Bonaparte đã là một đại tướng
rất nổi tiếng, do đó thường được cử đi viễn chinh, nhất
cử lưỡng tiện vì không còn ở Paris để chia sẻ quyền
hành. Trong nước thì các âm mưu đảo chính và lật đổ giữa
các phe phái nối tiếp nhau, cho tới khi chính Bonaparte
làm đảo chính ngày 10.11.1799 (theo lịch cách mạng gọi
là ngày 18 tháng Sương mù, 18 Brumaire).
-
Giai đoạn thứ tư, Tổng tài (le
Consulat), từ 10.11.1799 đến 02.12.1804 là giai đoạn
Bonaparte làm tổng tài thứ nhất, nắm toàn bộ quyền lực ;
hai người kia chỉ để làm cảnh. Đây thực chất là giai
đoạn Bonaparte chuẩn bị để đăng quang làm Napoléon Đại
đế, từ quân chủ lại trở về quân chủ, chấm dứt nền Cộng
Hoà ngắn ngủi. Một vết nhơ lớn của tổng tài Bonaparte là
đã lập lại chế độ nô lệ, ngày 06.07.1802.
Nhiều sử gia xếp giai đoạn tổng tài
chung với giai đoạn đế chế, hợp với thực chất hơn.
Napoléon trị vì hơn chín năm, trong thời gian 14 năm ông
thực sự nắm quyền lực những cải tổ sâu rộng về cơ cấu luật
pháp, hành chính, khoa học, giáo dục, được tiến hành mạnh
mẽ. Napoléon tiếp tục chinh phục châu Âu, nhưng rồi thất
trận trước cửa ngõ Mạc Tư Khoa, liên quân các nước châu Âu
được thế tràn vào Pháp. Tháng ba 1814 Napoléon phải thoái
vị rồi bị đầy ra đảo Elbe, người kế thừa của dòng họ
Bourbon lên ngôi, hiệu là Louis XVIII. Gần một năm sau
Napoléon thần tốc trở về cướp chính quyền (01.03.1815),
nhưng chỉ giữ được 100 ngày trước khi lại thất trận ở
Waterloo (18.06.1815). Ông bị đày ra đảo Sainte Hélène của
nước Anh, rồi chết ở đấy.
Trong khoảng 25 năm Cộng hoà và Đế chế,
nước Pháp như trải qua một cuộc động đất lớn để thiết lập
một trật tự xã hội mới, phải tự tìm tòi những thể chế mới
thích hợp hơn cho quan hệ sản xuất mới và tình trạng tiến
triển của Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ. Ngoại trừ việc đã
triệt tiêu một thể chế dân chủ vừa le lói và rất không
hoàn chỉnh, cùng với vết nhơ lớn đã nói ở trên, Napoléon
Đại đế vẫn cụ thể hoá được một số tư tưởng của các nhà
Khai Sáng. Rất tiếc là nếu Napoléon thoát được cái cạm bẫy
mù quáng của quyền uy và danh vọng tuyệt đối, bỏ giấc mộng
chinh phục, hoà hoãn với các nước khác, thì bớt được bao
nhiêu xương máu đã đổ trên khắp châu Âu. Và có thể con
người có thiên tài tổ chức và trọng khoa học này đã đưa
nước Pháp đến những đỉnh cao hơn, thay vì làm kiệt quệ
nhân lực và tài lực.
Louis XVIII trở lại. Để lấy lòng dân,
và vì cũng không thể đi ngược lại lịch sử, các thành quả
cơ bản đã được thiết lập qua nền Cộng hoà và Đế chế không
bị thay đổi bao nhiêu, tuy có suy giảm : hệ thống hành
chính tập trung, bộ luật dân sự, hệ thống giáo dục, tự do
cá nhân, tự do tín ngưỡng, thương mại, mọi người bình đẳng
trước Pháp luật... Những thành quả này vẫn còn nhìn thấy
trong diện mạo của nước Pháp từ đó đến nay.
3. Nền Cộng hoà non trẻ và khoa học
3.1. Nét gãy
Năm 1793 là năm bản lề, tháng 7.93 Hàn Lâm Viện bị chất
vấn tại sao được hưởng đặc quyền đặc lợi trong chế độ cũ.
Nhà bác học có uy tín nhất khi đó là Lavoisier được cử ra
điều trần trước hội nghị Quốc ước, ông hỏi thẳng : "
Phải chăng Hội nghị muốn
nền Cộng hoà chặn lại sự tiến bộ khoa học và công nghệ ? " [NJD, tr.16]. Kết quả là ngày
8.8, Hàn Lâm Viện bị giải thể, các thành viên chạy tứ tán,
nhiều người gốc quý tộc bỏ ra nước ngoài, những người như
Condorcet, làm cách mạng nhưng ở trong phe
thiểu số thì phải lẩn trốn. Thù trong, giặc ngoài, nước
Pháp cần một bàn tay sắt ; Robespierre trở thành người
hùng của cách mạng và từ 10.10.93 máy chém bắt đầu hoạt
động. Ngày 07.04.94 Condorcet bị bắt, sau đó tự tử trong
ngục ; ngày 08.08.94 đến lượt Lavoisier lên đoạn đầu đài,
Lagrange nói với bạn là Delambre : "
họ chỉ cần vài phút để
chặt một cái đầu, có biết đâu trăm năm khó có một cái đầu
như thế " [NJD, tr.25].
Tuy nhiên, ngoài những chiến thắng quân
sự để bảo vệ nền Cộng hoà, ngay trong giai đoạn khủng bố
Quốc ước vẫn thực hiện ngay một số việc theo lý tưởng nhân
quyền : Quan trọng hơn cả là : ngày 01.08.93 bắt buộc áp
dụng hệ thống mét trong đo lường, ngày 04.02.94 xoá bỏ chế
độ nô lệ, ngày 19.12.94 ra nghị định cưỡng bách giáo dục
cấp tiểu học (dĩ nhiên giáo dục được tách ra khỏi giáo
hội), ngoài ra còn mở thêm trường kỹ sư Bách Khoa (Ecole
polytechnique), và trường Sư Phạm (Ecole Normale), tiền
thân của trường Cao đẳng Sư Phạm (Ecole Normale
Supérieure) sau này. Ngày 25.02.95 quốc ước bỏ phiếu thuận
cho một chương trình cải cách giáo dục toàn diện của
Lakanal, nhưng chương trình này đến giai đoạn Chấp chính
mới được thực hiện một cách rụt rè.
Tại sao có lúc tinh thần khoa học thoái
trào trong nền Cộng hoà ? Phải nói hoạt động khoa học thời
ấy tương đối cô lập với quần chúng, và các nhà khoa học
cũng không thực gắn bó với nhau, không tự bảo vệ nhau
thành một khối chặt chẽ. Mặt khác, người ta tôn trọng khoa
học, nhưng vừa không hiểu, vừa lại muốn chỉ có các nhà
khoa học "thực sự cách mạng", khổ nỗi quần chúng nào phân
biệt được vàng thau. Thời buổi nhiễu nhương dễ làm cho
những kẻ cơ hội, có tài ăn nói, tự phong cho mình cái mũ
"vừa khoa học vừa cách mạng" để sách động quần chúng nhằm
trả thù riêng. Một trong những vai kịch như thế là Marat,
mắc bệnh vĩ cuồng, không có công trình khoa học nghiêm
chỉnh nào mà cứ cho là mình cao hơn cả Newton. Ứng cử vào
Hàn lâm viện thời trước cách mạng không được nên Marat rất
hận viện này. Rồi hai cái khổ xẩy ra, cái khổ thứ nhất là
Marat đã trở thành một lãnh tụ cách mạng rất được yêu quý,
cái khổ thứ hai là những lảm nhảm về khoa học của Marat
chưa được nhận ra là lảm nhảm thì Marat đã bị một người
đàn bà thuộc phe bảo hoàng giết chết, đúng thời điểm căng
thẳng : 13.07.93. Dân chúng Paris đưa đám rất đông, trước
cửa nhà Marat có viết : "
Hỡi nhân dân, Marat người tình của tổ quốc, đã chết..."
[NJD, tr.36]. Người tình tổ quốc đã chết, cho nên gần một
tháng sau Hàn lâm viện bị giải thể.
Lý do thứ hai nghiêm chỉnh hơn là
khuynh hướng cho rằng chỉ cần kỹ thuật và công nghệ, không
cần nghiên cứu khoa học thuần tuý, mà người đại biểu lỗi
lạc của thế hệ trước cách mạng chính là nhà chủ trương
Bách khoa Từ điển Diderot (1713-1784). Ông cho rằng chỉ
cần tìm cách giải quyết những vấn đề cụ thể trong đời
sống, không cần những tiếp cận lý thuyết cao xa như
Descartes và Newton, trong một câu ám chỉ đến cả hai nhân
vật này ông viết : "...
Sự hữu ích sẽ bao quát tất cả. Trong một vài thế kỷ nữa sự
hữu ích sẽ đặt giới hạn cho nền vật lý thực nghiệm, cũng
như nó đang sắp sửa đặt giới hạn cho hình học"
[NJD, tr.29]. Những sai lầm của các bác học lớn... cũng
lớn tương xứng. Nhưng điều với chúng ta bây giờ là hiển
nhiên thì có lẽ ở thời ấy không hiển nhiên chút nào và còn
là chủ đề tranh luận. Và khi dầu sôi lửa bỏng cần giải
quyết nhiều vấn đề thật cụ thể thì càng tưởng rằng nghiên
cứu khoa học cao xa là vô bổ. Do đó tự nhiên có sự xuất
hiện của những nhà khoa học hạng hai như Decremps [NJD,
tr. 32-33], bây giờ không ai nhớ tên, nhưng thời đó rất có
ảnh hưởng vì là một nhà phổ biến khoa học kỹ thuật "hữu
ích" có tài. Ông chủ trương phải có một nền khoa học "dân
đen" (sans-culottes), phải bỏ đi những chứng minh toán học
của các hiện tượng vật lý, mà dựa vào những chứng minh
"bình dân" ! dựa trên thí dụ, quy nạp, hơn là trên diễn
dịch chặt chẽ ; và cho rằng hoạt động của các nhà khoa học
chỉ là truyền thụ những hiểu biết hữu ích đến dân chúng.
Điều này, nếu không coi nó là tất cả, thì không phải không
có ích, mà còn rất thích hợp với một trình độ giáo dục
thấp cỡ tiểu học, đại trà, mà sự phát triển cũng rất cần
thiết.
Nhưng phải nói đây chỉ là ý kiến cực
đoan nhất trong thiểu số nắm quyền từ tháng 7.93 đến tháng
7.95. Sau khi nguy cơ chiến tranh chấm dứt, đồng thời
trong dân chúng sự lo sợ và bất mãn với phong trào khủng
bố dâng cao, một số người theo Robespierre bỏ theo phe ôn
hoà, Uỷ ban Cứu quốc bớt hung hăng dần, rồi cuối cùng
Robespierre bị bắt ngày 27.07.95 và bị xử tử ngay ngày hôm
sau. Quốc ước tiếp tục, ngày 22.08.95 thông qua hiến pháp,
1.10.95 thì bầu cử xong một "chính phủ" mới. Quốc ước hết
nhiệm vụ. Chính phủ do một Uỷ ban chấp chính (Directoire)
5 người đứng đầu, do Quốc hội bầu ra. Quốc hội này do các
cử tri đại diện
bầu (các cử tri đại diện
được những đàn ông có
đóng thuế trong cả nước bầu chọn theo tỷ lệ 1/200
tại xã hay khu phố mình). Ngay sau đó, 05.10.95 phe bảo
hoàng nổi loạn, người dẹp cuộc nổi loạn này có cái tên
nghe quen thuộc : đại tướng Bonaparte. Giai đoạn Cách mạng
bùng nổ đã qua, đe doạ bên ngoài tạm yên. Nhưng trước khi
tiếp tục nói đến Uỷ ban này, xin kể lại lần nữa giai đoạn
Quốc ước theo một cách khác để có cái nhìn cân đối hơn ;
lịch sử thời ấy quá phức tạp để có thể xuôi dòng dễ dàng
một cách tuyến tính.
3.2. Nền Cộng Hoà cần đến các bác học
Tương truyền (không biết có thực không) khi chủ tịch toà
án cách mạng tuyên bố xử tử hình Lavoisier, với tội danh
là quan thu thuế của Louis XVI, ông ta đã nói : "nền cộng
hoà không cần đến bác học". Sự thật là từ đầu cách mạng
vẫn liên tục có sự cộng tác chặt chẽ giữa các bác học và
các lãnh đạo của nền Cộng hoà (nhiều người đóng cả hai
vai), và một số không nhỏ vẫn được trọng dụng trong giai
đoạn khủng bố để thực hiện nhiều việc cấp thiết. Sao vậy ?
để có thể trả lời xin trở lại toàn cảnh từ đầu.
Ngày 20.04.92, Louis XVI tuyên chiến
với Bohême (thuộc nước Tiệp ngày nay) và Hung, thực chất
là tạo cái cớ cho họ vào Pháp dẹp Cách mạng giúp mình.
Tháng 5.92, quân đội Áo và Phổ tuyên bố sẽ trừng phạt nước
Pháp. Chiến tranh bắt đầu, 10.08.92 dân chúng Paris nổi
loạn, tấn công điện Tuileries và chém giết những phần tử
chống đối, quân Phổ tiến vào nước Pháp, đã đến Valmy, cách
Paris cỡ 220 km về phía Đông. Trước khi đưa quân ra ngăn
chặn liên minh Áo Phổ thì cần giải quyết nội bộ nước Pháp
trước : Nghị viện tuyên bố xoá bỏ nền quân chủ và bắt giam
Louis XVI. Tháng 9.92 một Hội nghị Quốc ước được bầu ra để
viết Hiến Pháp mới. Nền Cộng hoà khai sinh, ngay sau đó
quân Cộng hoà tiến ra đánh bại quân Liên minh. Nhưng đó
chỉ là bước đầu. Rồi Liên minh phản công, có thắng, có
thua, hai bên cầm cự. Trong khi đó tại Paris phe
Robespierre nắm được quyền lực. Louis XVI bị xử chém ngày
21.01.93, tuyên chiến với nước Anh ngày 01.02.93, Uỷ ban
Cứu quốc ra đời ngày 06.04.93, tháng tám ra lệnh tổng động
viên, từ hơn 300 ngàn trước chiến tranh quân số tăng vọt
lên đến 800 ngàn người.

Monge
Bấy giờ người ta nhận thấy kinh tế suy
sụp trầm trọng, đe doạ bên ngoài nặng nề, mà quân đội thì
thiếu cả quần áo lẫn vũ khí. Thép, đồng, thuốc súng đều
phải nhập từ bên ngoài vào, mà rồi từ đó cũng không biết
làm ra nhiều súng đạn... Uỷ ban cứu nước khi ấy chỉ còn
cách kêu gọi các bác học, yêu cầu trong một thời gian rất
ngắn sản xuất được những máy móc và vật liệu cần thiết cho
việc chế tạo vũ khí đại trà [NJD, tr.46]. Lời kêu gọi này
phát ra ngay sau tổng động viên, và như ta đã biết, cùng
lúc đó Hàn lâm viện bị giải thể, và chỉ hai tháng sau là
Robespierre bắt đầu chính sách khủng bố. Vậy khi giải tán
Hàn lâm viện, Uỷ ban Cứu quốc không nhằm đánh vào khoa học
nói chung, mà đánh vào một hình thức nghiên cứu khoa học
"tháp ngà", tạo áp lực đưa các nhà khoa học " tin cậy được
" vào những nhiệm vụ cấp thiết. Câu hỏi đặt ra và khó có
câu trả lời, là tại sao không dùng được những người như
Lavoisier, bậc thầy lớn về hoá học, và cũng không chống
cách mạng ; do ai đó có chủ ý, hay do hay không kiềm chế
nổi quần chúng bị những kẻ cơ hội sách động ?
Dù sao thì những nhà khoa học và kỹ sư
không kém tầm cỡ thuộc thế hệ đồng liêu hay học trò của
Lavoisier và Condorcet như Lazare Carnot, Laplace, Monge, Berthollet, Fourier,
Lagrange, Chappe, Fourcroy... đã lao vào giải quyết những
vấn đề quân trang quân dụng, quản lý và tổ chức, phục vụ
cho cố gắng chiến tranh và cho cả dân sinh nói chung. Và
họ đều thành công vượt bực.

Berthollet
trách quân sự, trong vòng vài
tháng người Pháp chế tạo được thuốc súng bằng những phương
pháp mới năng suất rất cao, xuất phát từ việc nghiên cứu
những phản ứng hoá học mới ; sản xuất đại trà được súng
đạn, tất cả với nguyên liệu trong nước. Không những thế
còn hoàn chỉnh việc sản xuất thép, đồng, và nâng cao chất
lượng với nhiều sáng chế độc đáo ; những công nghệ này
được truyền bá, lập thành quy trình, huấn luyện nhân công
và tổ chức sản xuất ngay tại nhiều tỉnh trên đất Pháp. Hệ
thống thông tin nhìn từ xa của Chappe và khinh khí cầu của
anh em Mongolfier được hoàn thiện và đưa vào sử dụng (để
đưa người quan sát lên cao), đem lại lợi thế rất lớn về
thám thính, thông tin liên lạc, cho quân đội Pháp. Ngoài
ra còn có những sáng chế nhỏ nhưng không kém quan trọng
cho đời sống binh sĩ và toàn dân, như những phương pháp
thuộc da mới, nhanh và rẻ (giảm đáng kể giá thành giày và
áo da), quy trình làm xà phòng, làm giấy, và... cái bút
chì, sáng chế của Conté [NJD, tr.700-709].
Tại sao thần kỳ như thế ? Chỉ có thể
nói một cách kinh điển là : quan hệ sản xuất lạc hậu đã bị
phá vỡ ; và lực lượng sản xuất, trong đó tri thức đã là
một yếu tố thiết yếu, đã sẵn sàng để bùng nổ. Thêm vào đó
là tình thế khẩn cấp và tài tổ chức cũng như hiểu biết
khoa học của Carnot.
26.06.94, quân Cộng hoà Pháp chiến
thắng trận quyết định tại Fleurus (ở nước Bỉ hiện nay).
Nước Pháp không còn bị tấn công nữa cho tới khi, ngược
lại, đi chinh phục các nước khác với thiên tài quân sự
Bonaparte, nhưng đó là chuyện của hai năm sau. Trước mắt
thì người Pháp cần hoà giải với nhau để xây dựng và củng
cố nền Cộng hoà, bàn tay sắt Robespierre đã nhuốm quá
nhiều máu, vừa vướng víu vừa không còn cần thiết nữa. Kết
cuộc, như chúng ta đã thấy, chỉ vài tuần sau là
Robespierre bị giết, bè đảng của ông ta bị thanh toán, sau
đó giai đoạn Quốc ước chấm dứt và giai đoạn Chấp chính bắt
đầu từ 01.10.95 như đã nói.
3.3. Bốn năm Chấp chính
Thực ra không có gì để nói nhiều về giai đoạn Chấp chính,
nhìn chung tương đối thụ động, một chính phủ mà có tới năm
cái đầu thì khó quyết định gì ! Các phe phái vẫn tranh
giành nhau và nhiều khi chính phủ thua trong bầu cử vì dân
chúng bất mãn do kinh tế kiệt quệ, các nghị viên cực đoan
hay bảo hoàng có khi được đa số và đòi sửa đổi hiến pháp.
Mỗi lần như vậy lại nhờ vào quân đội đảo chính để bầu lại
!!! Về nội trị chỉ đủ sức duy trì các thành quả của thời
Quốc ước và cải thiện kinh tế, kỹ nghệ. Ngoài ra, ngay từ
đầu Uỷ ban Chấp chính đã khôi phục lại các Hàn lâm viện
dưới tên mới : Ngày 25.10.95 "Học viện Quốc gia" (Institut
National) được thành lập, Học viện này bao gồm 3 nhánh
(gọi là classes), đó thực chất là một cấu trúc mới ở trên,
nhằm quản lý chung các Hàn lâm viện cũ với tư cách
"nhánh", trong đó nhánh Khoa học tăng từ 50 lên 60 vị, gồm
tất cả các viện sĩ cũ còn hoạt động và bầu thêm những
người mới, hai nhánh kia là nhánh "Khoa học Đạo đức và
Chính trị" (sciences morales et politiques) hoàn toàn mới
mẻ, và nhánh "Văn học Nghệ thuật", bao gồm tất cả các Hàn
lâm viện Văn học Nghệ thuật có dưới chế độ cũ. Tập tục sinh hoạt, tự do nghiên cứu
và ngôn luận không khác trước.
Về đối ngoại, vẫn còn hai đế quốc không
thân thiện gì với nền Cộng hoà : Đế quốc Anh và Đế quốc
Áo. Có trong tay một đạo quân vừa chiến thắng, Uỷ ban Chấp
chính nghĩ đến việc chinh phục các nước khác, một là để
đem tiền của về xây dựng kinh tế, hai là để làm suy yếu
Anh và Áo, ba là... đưa Bonaparte ra ngoài cho đỡ vướng
chân. Vì thế, Bonaparte từ vị trí tư lệnh đội quân phòng
thủ trong nước được phong thành tư lệnh đội quân viễn
chinh, và ngay từ 26.03.96 Bonaparte cầm đầu binh đoàn
viễn chinh sang nước Ý (láng giềng của Đế quốc Áo). Cuối
năm 97 vừa khải hoàn trở về thì 05.03.98 lại được cử đi xa
hơn : Ai Cập, để tranh giành ảnh hưởng với Đế quốc Anh.
Lần này Bonaparte dành hai tháng rưỡi để chuẩn bị, và có
một sáng kiến kỳ lạ : đoàn quân viễn chinh sẽ đem theo một
đội ngũ khoa học hùng hậu đủ mọi ngành, trong một đạo quân
36000 người, đi trên 300 tàu chuyên chở và 55 chiến
thuyền. Ngoài ngựa chiến, quân trang quân dụng, tất cả các
sách vở và dụng cụ cần thiết cho khác nhà khoa học đều
được mang theo.
Cuộc chinh phục Ai Cập bị sa lầy, quân
Pháp làm chủ đất liền, nhưng trên biển thì thua tơi bời.
Ngày 09.10.99 Bonaparte bất ngờ vượt thoát vòng vây của
hải quân Anh, đổ bộ ở bờ biển miền nam nước Pháp với 100
sĩ quan thân cận nhất, để đội quân viễn chinh Ai Cập và
đội ngũ khoa học ở lại tại chỗ dưới quyền tướng Kléber.
Rồi ngày 18 Sương mù (10.11.99) làm đảo chính, chấm dứt
chế độ Chấp chính, thành lập chế độ Tổng tài, nắm toàn bộ
quyền lực dưới sự hoan hô và ủng hộ nồng nhiệt của quân
đội và dân chúng, đã thất vọng về một nền Cộng hoà trên
thực tế không lý tưởng như trong lý thuyết.

Bonaparte năm 1797 :
Những cuộc chinh phục
đích thực, duy nhất không để lại một tiếc nuối gì, là
những cuộc chinh phục cái chưa biết.
4. Đại tướng, Tổng tài và Đại đế
4.1. Cuộc chinh phục Ai Cập của các nhà khoa học
Phải chăng trong khi chờ đợi thời cơ chín mùi cho tham
vọng quyền lực của mình, Bonaparte thấy rằng cần tập sự
làm việc với các nhà khoa học để chuẩn bị một đội ngũ thừa
hành cao cấp cho tương lai, hơn là nghĩ rằng họ thực sự
cần thiết cho chiến sự của cuộc viễn chinh ? hay/và ông nghĩ rằng đưa một đội
ngũ trí tuệ như thế vào một vùng đất có truyền thống sinh
hoạt và văn hoá khác hẳn, họ sẽ phát hiện nhiều điều mới
mẻ về học thuật, và ngược lại bản thân họ cũng sẽ học được
nhiều kinh nghiệm để đem áp dụng về nước Pháp sau này ?
hay/và họ cần thiết cho việc khai thác hợp lý một nước Ai
Cập sẽ bị chinh phục ? Có lẽ còn một ý đồ nữa, Bonaparte
muốn các nhà khoa học ở nhiều ngành cộng tác với nhau
(điều không có cho đến lúc ấy) trên một đề án cụ thể rất
lớn : khảo sát nước Ai Cập.
Qua quan hệ chặt chẽ của mình với các
nhà khoa học đầu đàn Monge và Berthollet, Bonaparte tập
hợp được một đội ngũ 151 nhà khoa học giỏi và trẻ sẵn sàng đi
theo mình, dù không được cho biết sẽ đi đâu !
Không ít người sẽ để tên tuổi lại hậu thế, như Fourier,
Geoffroy St Hilaire, Conté... 36 người trong đó được chọn
ra để thành lập "Học Viện Ai Cập", gồm 12 viện sĩ toán
học, 10 viện sĩ vật lý học và khoa học tự nhiên, 6 viện sĩ
chính trị học, và 8 viện sĩ văn học nghệ thuật. Đội ngũ này hoạt động như việc
nghiên cứu khoa học trong một nước Pháp nhỏ, các nhà khoa
học gửi đề nghị báo cáo đến Học viện Ai Cập để xem xét,
nếu được chấp nhận thì được báo cáo và xuất bản trong kỷ
yếu. Sau khi quân Pháp đổ bộ chiếm Alexandrie và đặt bản
doanh ở đó thì Học viện Ai Cập đi vào hoạt động ngay, họp
theo nhịp độ khẩn trương 5 ngày một lần. Trong thời gian
Bonaparte ở Ai Cập ông không bỏ buổi họp nào, theo nghĩa
nếu ông không có đó vì bận việc quân thì không họp ! vả
lại Bonaparte đi đâu cũng yêu cầu hai nhân vật chủ chốt
của Học viện là Monge và Berthollet đi theo, kể cả khi bí
mật trở về Pháp.
Kết quả quân sự của cuộc chinh phục Ai
Cập là thất bại lớn, không đến nỗi bị tiêu diệt nhưng ngày
31.08.1801, gần hai năm sau khi Bonaparte bỏ về trước,
đoàn quân viễn chinh đã phải ký thoả ước trong thế yếu với
quân Anh để "rút lui có trật tự". Kết quả của đoàn khoa
học gia thì không biết đã đáp ứng được bao nhiêu phần
những chờ đợi của Bonaparte, nhưng là một thành công lớn
cho khoa học và cho bản thân Ai Cập. Nước Ai Cập được khảo
sát kỹ lưỡng mọi nơi và về mọi mặt : thực hiện một cách hệ thống và
nghiêm túc điều mà hiện nay chúng ta gọi là điều tra cơ
bản về địa dư, địa chất, sinh thái, xã hội, ngoài ra còn
có y học, kiến trúc và khảo cổ... Công trình này đã được
thu thập và in lại trong tập kỷ yếu đồ sộ "Mô tả nước Ai
Cập" (Description de l'Egypte) gồm 19 quyển. Một vài thí
dụ như : Desgenettes truyền bá tại Ai Cập những nguyên tắc
rất mới về phòng bệnh, Geoffroy St Hilaires thì thu lượm
biết bao nhiêu mẫu thực vật và sinh vật mới, như chuột sa
chĩnh gạo ; và cuối cùng, nhưng không nhỏ nhất, là nhờ tìm
ra một bia đá ở Rosette ghi cùng một văn bản bằng ba thứ chữ
cho hai thứ tiếng, mà sau này Champollion (1790-1832) đã
giải mã được hoàn toàn chữ viết cổ của Ai Cập.
4.2. Hoàn chỉnh hệ thống giáo dục
Trường Bách khoa có lẽ là câu trả lời của Napoléon và các
khoa học gia bạn của ông về quan hệ giữa khoa học lý
thuyết và khoa học ứng dụng, trường này trước không thuộc
về quân đội, nhưng chính Napoléon đã ra lệnh quân sự hoá
nó để nhằm đào tạo sĩ quan quân đội,
nhất là trong pháo binh và công binh. Trường Bách khoa có
một mục đích "hữu ích" rất rõ ràng. Thế nhưng, những người
được Napoléon giao phó việc hoàn thiện trường Bách khoa là
Monge, Laplace và Berthollet lại đặt ra một chương trình
học lý thuyết rất cao và mức thi tuyển học viên cũng vậy.
Cho đến ngày nay vẫn thế, trường Bách khoa là lò đào tạo
nhân tài cho nền quân sự, công nghiệp và hành chính của
Pháp nhưng vẫn là một trường khoa học có trình độ lý
thuyết vào loại cao nhất. Ý tưởng này đã được Đại tướng
Bonaparte tóm gọn trong trong diễn từ "kết nạp" ông vào
Học viện Pháp quốc năm 1797 : " Kể
từ nay, sức mạnh thực sự
của Cộng hoà Pháp nằm ở
chỗ bất cứ một tư tưởng mới nào cũng phải thuộc về chúng
ta"
Mặt khác, Napoléon ý thức được rằng,
trong đời sống dân sự, nếu chỉ có nghiên cứu khoa học ở
mức độ cao nhất là Học viện Quốc gia, thì không đủ. Do đó,
một mặt ông hoàn thiện một số trường kỹ sư đã có sẵn,
nhiều trường khác được mở thêm, một số trường theo mô hình
trường Bách khoa, và một số trường khác thì có mục đích
ứng dụng rõ rệt hơn về một ngành nghề nào đó. Mặt khác,
ngày 10.05.1806 Napoléon ký sắc lệnh thành lập "Pháp quốc
Đại học" (Université de France), cải tổ chương
trình của Lakanal mà trong bốn năm chấp chính chỉ được
thực hiện một cách lơ là. Một hệ thống trường học thống
nhất với ba cấp : tiểu học, trung học cơ sở và trung học
phổ thông (écoles primaires, collèges và lycées) được
thành lập (trong đó các môn khoa học được tăng cường) ;
sau trung học thì sinh viên chọn một trong năm Khoa
(Facultés) ; ngoài Thần học, Y học và Luật học đã có sẵn
tại một số đại học, sắc lệnh này mở thêm hai khoa mới :
Khoa Khoa học, và Khoa Văn chương. Tuy nhiên việc thiết
lập hai hệ thống đào tạo khác biệt sau trung học, là hệ
các trường kỹ sư và hệ đại học, không phải không có những
bất tiện so với các nước khác.
Dần dần, trong thế kỷ 19, với hệ thống
nghiên cứu và giáo dục mới,
một lớp người mới
thành hình, chuyên nghiên cứu và giảng dạy khoa học. Làm
khoa học sẽ trở thành một
nghề sống thoải mái và được xã hội tôn vinh, nghiên
cứu cũng là việc làm tập thể trong các Khoa hoặc các
trường kỹ sư, chứ không còn là do hứng thú đơn lẻ.

Laplace
4.3. Quan hệ với các nhà khoa học
Napoléon Bonaparte có lẽ luôn luôn nuối tiếc không được
làm khoa học (thời trẻ ông đã chứng minh được một định lý
nhỏ về cơ học), ông rất hãnh diện được bầu vào Học viện
Quốc gia với tư cách đặc biệt (hors cadre). Trong sổ sách
về thu nhập của Đại đế luôn luôn được ghi tại dòng đầu :
1500 francs, phụ cấp viện sĩ. Xin trích thêm bài diễn văn
nhập viện : " Tôi rất hân
hạnh được các nhân vật lỗi lạc như quý vị bầu chọn. Tôi dư
biết trước khi được ngang hàng với quý vị tôi còn phải làm
một người học trò lâu dài. Những cuộc chinh phục đích
thực, duy nhất không để lại một tiếc nuối gì, là những
cuộc chinh phục cái chưa biết. ". Ngoài ra, để tìm
hiểu thêm về thái độ của Đại đế trước các nhà khoa học,
xin kể ba thí dụ dưới đây.
Nhà toán học lớn Laplace đã được
Napoléon bổ nhiệm làm chủ tịch thượng viện ; khi nhận được
tác phẩm cổ điển đồ sộ "Cơ học về các thiên thể" của
Laplace trong đó có in lời đề tặng mình, Napoléon viết trả
lời : "tôi mong muốn khi
các thế hệ sau đọc tác phẩm Cơ học về các thiên thể, họ
không quên rằng tôi là người đã ái mộ và là bạn của tác
giả"... trong thư khác cho Laplace ông còn viết
" ...đây lại là một dịp
làm cho tôi sầu não trước hoàn cảnh đã đưa đẩy tôi vào một
sự nghiệp thật quá xa với khoa học " [NJD, tr.668]
.

Fourier
Fourier (1768-1830) là một nhà toán học
rất lớn khác : khi đang dạy trường Bách khoa, ông theo đại
tướng Bonaparte trong cuộc viễn chinh Ai Cập, tới nơi được
phong làm thư ký thường trực của Học viện Ai Cập ; trở về
năm 1801 ông được Tổng tài Bonaparte phong
tỉnh trưởng tỉnh Isère (thành phố là Grenoble). Khi
Napoléon thất thế bị đầy ở đảo Elbe, Fourier ngả theo
Louis XVIII. Khi Napoléon từ Elbe trở về chinh phục lại
chính quyền, đi qua Grenoble, bắt Fourier, nhưng chỉ mắng
một trận, sau đó chuyển ông này đi làm tỉnh trưởng tỉnh
Rhône bên cạnh, còn phong thêm làm bá tước (comte) [NJD,
tr.761-763]. Nhưng dĩ nhiên Fourier không trở thành tỉnh
trưởng tỉnh Rhône, vì 100 ngày sau Napoléon đã bị đi đầy,
vĩnh viễn không trở lại. Chắc Louis XVIII không phiền hà
gì Fourier, ông trở thành viện sĩ hàn lâm năm 1817. Nói
chung, do ý thức tôn trọng khoa học của mọi phía, trừ thời
gian gần hai năm khủng bố, các nhà khoa học Pháp đều bình
yên trải qua nhiều thăng trầm của giai đoạn lịch sử sôi
sục này, khi mà hành động đúng theo lý tưởng của mình thật
không dễ. Và nếu Napoléon cũng như Louis XVIII cư xử khác
đi, có lẽ hậu thế đã không có được tác phẩm nền tảng "Lý
thuyết giải tích về nhiệt năng" (Théorie analytique de la
chaleur) mà Fourier hoàn tất năm 1822.
Desgenettes là bác sĩ cao nhất trong
quân đội, luôn luôn cãi cọ ngang tay với Bonaparte trong
cuộc viễn chinh Ai Cập, một lần đuợc lệnh đầu độc những
người đã bị dịch hạch ở Jaffra (để hành quân cho nhanh, và
vì bề gì họ cũng sẽ chết), Desgenettes phản đối : "nghề
của tôi là cứu người..." và không tuân lệnh. Khi
trở về Alexandrie Bonaparte tức giận đòi trừng phạt
Desgenettes lấy cớ đã để cho dịch hạch xẩy ra, nói "
...nghề thuốc là nghề sát
nhân". Desgenettes trả lời : "...
thế ông gọi nghề của kẻ đi chinh phục là nghề gì ?
", và nhất định không rút lời lại. Nhưng cuối cùng
Napoléon vẫn tin tưởng và giữ tình bạn với Desgenettes.
Ông này vẫn là bác sĩ trưởng bên cạnh Đại đế trong cuộc
viễn chinh đánh nước Nga. Khi trong tuyết lạnh Napoléon
đòi di tản một viện mồ côi cho binh sĩ của mình ở,
Desgenettes phản đối "...
Đại đế muốn giết những trẻ em vô tội ư ? " Napoléon
lại chịu thua. Đến khi Desgenettes bị bắt, ông bảo Nga
Hoàng : "các ông phải tôn
trọng tôi, người đã chữa chạy cho các tù binh Nga",
Nga Hoàng cho quân bảo vệ đưa trả ông về cho quân Pháp.
5. Để kết luận
Bài này chỉ tổng hợp sơ lược vài nét của lịch sử khoa học
Pháp trong những năm bản lề giữa thế kỷ 18 và 19. Cách
tiếp cận theo lịch sử có hậu quả là tập trung vào sự đối
xử của chính quyền với nhà khoa học, mà nhược điểm quan
trọng là làm cho người đọc có cảm tưởng các nhà khoa học
chỉ thụ động chờ đợi sự đãi ngộ. Sự thật không hẳn như
thế, nếu không có những ước mong tìm hiểu tự nhiên một
cách thuần lý, cũng như ước mong dùng khoa học để nâng cao
đời sống theo những lý tưởng của thế kỷ ánh sáng, và đấu
tranh cho những ước mong ấy được thực hiện ; thì cũng
không thể có một nền khoa học. Mà như ta đã thấy, trong
thời đại ấy các nhân tài nở rộ, tuổi trẻ đi vào khoa học
đông đảo, đó cơ bản là hậu quả của những tư tưởng khai
sáng. Lẽ dĩ nhiên các truyền thống khoa học Pháp, Đức,
Anh, rồi gần ta hơn là Liên Xô, Mỹ và Nhật, đều mỗi nơi
một vẻ, có những sở trường và sở đoản mà ta cần nghiên cứu
và so sánh để áp dụng vào thực tế Việt Nam trong một thế
giới đã toàn cầu hoá của thế kỷ 21. Tuy nhiên, thiển nghĩ
cũng có những mẫu số chung về mặt con người, như tinh thần
khoa học và quan hệ giữa nhà khoa học và quyền lực.
Trong thời hiện đại, khi mà cuộc Cách
mạng Khoa học Kỹ thuật lần thứ ba đang phát triển như vũ
bão, việc nhìn lại vai trò của Khoa học và các nhà khoa
học trong lịch sử cuộc Cách mạng Khoa học Kỹ thuật lần thứ
nhất và cuộc Cách mạng tư sản Pháp, có lẽ không phải không
hữu ích. Cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa khoa học vị khoa
học và chủ nghĩa duy thực dụng thời ấy đã được đặt ra để
rồi vai trò của các nhà khoa học trong xã hội, trong
nghiên cứu và giáo dục, cũng như quan hệ của họ với chính
quyền, đã được định hình một cách hợp lý và ổn thoả. Ngoài
vị trí xã hội và điều kiện vật chất cần thiết để các nhà
khoa học hoạt động hiệu quả, những nguyên tắc đạo lý cần
thiết cho tinh thần khoa học, như sự trung thực, sự tự do
nghiên cứu và sáng tạo, cơ chế dân chủ... cũng đã được
thực tế chứng minh là hữu ích cho mọi công dân trong công
cuộc xây dựng một đất nước hạnh phúc và hùng mạnh. Điều
này không xa những vấn đề trong giáo dục và nghiên cứu của
chúng ta hiện nay.
Nước ta vừa gia nhập WTO, bước vào một
cuộc chiến mới, tuy trong hoà bình nhưng tình thế cũng
khẩn trương không kém giai đoạn giữ nước của nền Cộng hoà
Pháp, trong đó các nhà khoa học đã đóng một vai trò quyết
định. Thêm nữa trong thời đại ngày nay yếu tố tri thức còn
quan trọng hơn thời ấy nhiều. Vì thế tinh thần và phương
pháp khoa học đích thực, trái ngược hẳn với thói háo danh
và đội cao bằng cấp quá đáng, phải được tôn trọng và phát triển
trong hệ thống giáo dục từ nhỏ tới lớn.
Hà Dương Tuấn
Paris, tháng 10.2006
Trích kỷ yếu mừng GS Đặng
Đình Áng thượng thọ 80, nxb Tri thức, Hà Nội 11.2006
Đã đăng
trong
Diễn Đàn Forum:
Chú thích
Vì tầm nhìn của người viết có hạn, chữ "khoa học"
trong bài này chỉ nói về khoa học tự nhiên.
Xem thêm : Colin Ronan :
Histoire mondiale des
sciences, bản dịch của Claude Bonnafont, nxb Seuil,
1988 (nguyên tác tiếng Anh :
The Cambridge Illustrated
History of the World's Science, nxb Newnes book,
1983) ; chuơng 8 : les XVII et XVIII sìècles.
Xem thêm : Jean-Pierre Rioux :
La Révolution Industrielle 1780-1880, nxb Seuil,
Paris 1971, 1989 (nouvelle édition) ; chương 2 :
techniques et circulation nouvelles.
Hai cuộc điều tra dân số đầu tiên ở cả Anh và Pháp
đều được thực hiện năm 1801 : khi đó dân số Pháp là khoảng
28 triệu, dân số Anh khoảng 12 triệu. Từ đó ước lượng
ngược thời gian một cách gián tiếp (và không chính xác
lắm) theo các tỷ lệ sinh/tử và tuổi thọ trung bình... cho
thấy dân số Pháp đầu thế kỷ 17 là khoảng 18 triệu, dân số
Anh đầu thế kỷ là khoảng 5 triệu. Nguồn : các từ điển bách
khoa Encyclopedia
britanica và
Wikipedia.
Louis XIV (số la mã) là tên chính thức ; người Pháp
không ai viết "Louis 14", tên các vua sau cũng thế. Thêm
nữa người Pháp chỉ gọi vua bằng tên riêng, những người
khác được gọi bằng họ, nếu không là họ hàng hoặc bạn bè.
Xem : Histoire
des formations d'ingénieurs:
http://www.cefi.org/cefinet/donn_ref/histoire/histoire.htm
Trường này nổi tiếng nhất thời đó về toán học và
công nghệ, có các giáo sư như Monge, học viên như Coulomb,
Lazard Carnot...
Vì Napoléon là tên riêng, người Pháp dùng chữ
"Bonaparte" để chỉ Napoléon Bonaparte khi ông chưa đăng
quang làm "Napoléon" Đại đế, và "Napoléon Bonaparte" khi
không phân biệt. Bài này cũng viết theo thông lệ ấy.
Xem : R. Hahn :
Scientific careers in Eighteenth-century France, ;
và M. Crosland :
Development of the professional career in science in
France ; hai bài này đều trong cuốn
The emergence of science
in Western Europe, Maurice Crosland chủ biên ;
Macmillan Press, 1975.
Manuel d'histoire
littéraire de la France, tập III, tr. 66 ; Pierre
Abraham và Roland Desné chủ biên ; nxb Editions Sociales
Paris 1969
L'Education sous
l'Ancien Régime :
http://lionelcoutinot.club.fr/tps/ch4b.html
Trừ khi có ghi chú khác, các thông tin trong các
chương 2, 3 và 4 của bài này được trích từ tác phẩm :
Naissance d'un nouveau
pouvoir : Sciences et savants en France 1793-1824
(938 tr.) ; Nicole et Jean Dhombre, nxb Payot, Paris 1989.
Để cho gọn các quy chiếu về tác phẩm này sẽ được viết là
[NJD, tr.xxx].
Còn nhiều điều nhỏ hơn có thể phê phán nữa, vì dĩ
nhiên con người chính trị của Đại đế cũng thay đổi theo
chiều phản động, vừa do bản thân, vừa do phải tính đến
những thế lực khác trong xã hội. Nhưng như thế sợ lạc đề
mất.
Tiếng Pháp : "sciences et arts" nhưng chữ "art"
thời ấy có nghĩa thủ công nghệ và công nghệ.
Thư ký vĩnh viễn của Hàn lâm viện khoa học, nhà quý
tộc nghiên cứu toán học, trong nhóm làm Bách khoa từ điển,
nhưng không chia sẻ tất cả các quan điểm của Diderot.
Không phải là chế tạo một cách thủ công cho các
vương hầu đi săn bắn hay cho những kiêu binh trong đội
"ngự lâm pháo thủ", mà là sản xuất đại trà cho một đội
quân đông đảo, cần hàng trăm ngàn khẩu súng mỗi năm.
Cha của Nicolas Sadi Carnot, người khám phá nguyên
lý nhiệt động học. Lazare Carnot tốt nghiệp trường kỹ sư
công binh Mézières, trước khi chuyển sang quản lý hậu cần
cho chiến tranh ông có những công trình nghiên cứu về máy
móc, mà người con nối nghiệp một cách xuất sắc.
Một nhà sáng chế bẩm sinh, hiện không ai tìm ra
Conté đã tự học hành thế nào, chỉ biết khi cách mạng nổi
lên thì đã được Lazare Carnot giao nhiệm vụ hoàn thiện
khinh khí cầu và huấn luyện đội ngũ sử dụng khinh khí cầu.
Sau này Conté còn được Bonaparte cử vào Học viện Ai Cập
(xem đoạn 4.1).
[NJD, tr.74], và
http://fr.wikipedia.org/wiki/Académie_des_sciences_morales_et_politiques.
Ngày nay "Institut Nationnal" được gọi là "Pháp quốc Học
viện" (Institut de France), và bao gồm 5 Hàn lâm viện khác
nhau.
Điều này không ngược lại với việc họ rất hữu ích
cho chiến tranh, chẳng hạn đã làm được thuốc súng ngay tại
chỗ, và cơ xuởng của Conté đã giải quyết nhiều vấn đề về
dụng cụ quân sự cũng như khoa học thiết thực... những việc
này cũng được báo cáo trong Học viện Ai Cập, nhưng nếu chỉ
có vậy thì không cần chừng ấy người như thế.
Theo Francine Masson,
L'expédition D'Egypte
;
http://www.annales.org/archives/x/ABC.html. Số
quân và tàu bè nói ở trên cũng vậy. Có tài liệu khác viết
148 bác học, cũng như có tài liệu khác viết 32000 quân và
400 tàu bè.
Đãi ngộ cao hơn hẳn khi ở nhà, sự quyến rũ của
phiêu lưu, hy vọng và tin tưởng nơi Bonaparte.
Mỗi phân viện được dự trù đồng đều 12 người, nhưng
chỉ có toán là đầy đủ [NJD, tr.113]. Truyền thống trọng
toán học của Pháp đã có từ ngày ấy !
Xem Francine Masson,
L'expédition d'Egypte.
Bia đá này bị hải quân Anh chiếm giữ, hiện được
trưng bày tại Viện bảo tàng Anh quốc (British Museum)
Xem : Maurice Crosland :
La science et le pouvoir
de Bonaparte à Napoléon III ; nguyệt san La
Recherche số 71, tháng 10.1976.
Xem :
http://www.culture.gouv.fr/culture/actualites/celebrations2004/Institut.htm
Chữ "Đại học" ở đây không như ta hiểu trước đó và
hiện nay. Cả nước Pháp là một "Đại học" bao gồm nhiều
"académies" (đây lại là một cách hiểu khác của từ
académie) mỗi académie là một liên kết chặt từ cấp tiểu
học trở lên đến các khoa trong một vùng. Người "Đại
học Đại sư phụ " (dịch chữ "Grand-maître de
l'Université") đơn giản là một
Bộ trưởng bộ giáo dục
phụ trách tất cả các cấp học, trừ các trường kỹ sư. Nguồn
:
http://fr.wikisource.org/wiki/Décret_portant_organisation_de_l'Université
Chuyện trở về này cũng ly kỳ : Sau khi Bonaparte bí
mật về Pháp trước để đảo chính, chức tư lệnh trao lại cho
Kléber. Rồi Kléber bị ám sát. Fourier quyết định đưa cả
đoàn bác học lẻn về Pháp trước. Tàu của đoàn bác học bị
một tàu Anh lúc ấy đang bủa vây Alexandrie bắt gọn. Nhờ
tài ngoại giao của Fourier và nhờ thuyền trưởng tàu Anh
cũng là một nhà toán học tài tử nên cả đoàn được tha về
Alexandrie, chỉ Fourier bị giữ mấy ngày làm con tin /
thượng khách ! ông này chỉ "xin" các bản thảo toán học mà
Fourier luôn luôn đem theo mình [NJD, tr.141].
Eric Sartori :
Napoléon et ses savants, l'expédition d'Egypte,
tiết mục ngày 03.06.2004 của chương trình vô tuyến truyền
hình Master class :
http://www.science-television.com/
Thiển nghĩ, chỉ trích sự "tôn trọng bằng cấp" là
không chính xác, cần tôn trọng bằng cấp đúng với vai trò
và vị trí của nó, nếu nó có nội dung đích thực, và nếu
người có bằng cấp phấn đấu thường trực để xứng đáng với
nó. Điều này chỉ có thể có nếu xã hội cũng tôn trọng mọi
khả năng khác của con người, được xác định qua những hình
thức khác mà không cần định vị thông qua bằng cấp. Đội cao
bằng cấp dỏm hay đã "quá đát" mới là vấn đề, chuyện ấy chỉ
có thể được giải quyết nếu câu "nhất nghệ tinh, nhất thân
vinh" trở thành hiện thực phổ quát..