Chương trình quá tải, nỗi khổ trăm bề của học sinh!

Vietsciences-Phạm Việt Hưng       13/01/2008

 

Những bài cùng tác giả

         Cách đây đã lâu, một vị giáo sư gặp tôi giữa đường, tặng tôi một cuốn giáo khoa toán cải cách mới xuất bản do ông chủ biên, rồi hứng chí nói: “Kỳ này khối thằng chết!”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Anh nói thế nghĩa là làm sao?”. Ông giải thích: “Còn sao nữa, trình độ bây giờ nâng cao như thế nhiều đứa sẽ không dạy nổi đâu”.

         Xin phép không bình luận về vị giáo sư đó. Tôi chỉ muốn nói rằng thực trạng giáo dục hiện nay bỗng làm tôi nhớ lại câu chuyện này, và tôi thấy ý kiến của vị giáo sư đó hoàn toàn đúng: Chương trình Toán phổ thông hiện nay đã hết sức quá tải, quá tải ngay cả đối với giáo viên chứ đừng nói tới học sinh!

         Tuy nhiên, người phải chịu nỗi khổ trăm bề do chương trình quá tải gây ra là học sinh, và đằng sau các em là hàng triệu phụ huynh, tức là toàn xã hội!

         Vậy tại sao lại chất lên vai các em một gánh nặng quá sức như thế?

         Có rất nhiều lý do, nhưng nổi bật là những lý do sau đây:  

                   

         1] Vội vã duy ý chí:

 

         Nước ta là một nước đang phát triển. Nhu cầu phát triển hối thúc chúng ta phải cải cách giáo dục, đổi mới giáo dục, để đảm bảo nhanh chóng tạo ra một nguồn nhân lực dồi dào về số lượng, vững vàng về chất lượng, đủ sức đáp ứng những đòi hỏi thách thức của thời đại công nghệ thông tin và nền kinh tế trí thức. Lý tưởng của sự nghiệp cải cách giáo dục là hoàn toàn đúng đắn, không có gì phải bàn cãi.

         Tuy nhiên, do quá nóng vội và duy ý chí, nhiều biện pháp cải cách đã trở thành “cải lùi”. Điển hình nhất là việc cải cách chữ viết và áp dụng bộ đề thi.

         Khi tôi kể cho một vài nhà khoa học và giáo dục ở Úc nghe chuyện cải cách chữ viết của ta, họ trố mắt ngạc nhiên, hỏi: “Các bạn không còn việc gì để làm nữa hay sao mà lại đi làm những việc vô ích đến như thế?”.

         Quả thật việc cải cách chữ viết ngay từ đầu đã tỏ ra là rất vô ích. Đã có một thế hệ học sinh được nếm trải “cuộc thí nghiệm vô tiền khoáng hậu” này. Sự phá sản đã quá rõ ràng nhưng ngành giáo dục chưa một lần nào công khai báo cáo trước nhân dân kết quả của việc “cải cách” này.

         Bộ đề thi cũng là một “sáng kiến” độc nhất vô nhị trong lịch sử giáo dục thế giới! Ngay năm đầu tiên được áp dụng, một cháu tôi đi thi về kể chuyện: “Trong phòng thi của cháu các bạn mở đáp án ra chép lia lịa”. Tôi hỏi: “Thế giám thị có bắt không?”. Cháu nói: “Không biết giám thị có biết không, nhưng chẳng bạn nào bị bắt cả”. Chỉ sau vài năm áp dụng, nó đã bộc lộ hết mặt tiêu cực này đến mặt tiêu cực khác, làm méo mó sự học đến mức dị dạng, làm cho sự HỌC GIẢ trở nên phổ biến rộng khắp, đến nay nhiều hậu quả vẫn chưa thể khắc phục hết được. Lẽ ra chỉ cần 2 hoặc 3 kỳ thi là đủ để rút kinh nghiệm, từ đó nên quyết định ngừng áp dụng ngay, nhưng thực tế sản phẩm giáo dục vô lý đó đã sống tới ngót 10 năm!

         Cái gì đã tiếp sức cho nó, nếu không phải tinh thần chủ quan duy ý chí?

         Đến nay bộ đề thi đã chết nhưng tinh thần chủ quan duy ý chí vẫn sống mạnh mẽ. Bằng chứng là việc nhồi nhét kiến thức cao cấp vào trường phổ thông hiện nay đã đến mức quá tải, bất chấp sự mệt mỏi của toàn xã hội!

         Hãy nhìn vào chương trình giáo khoa môn toán của trường phổ thông: Rất nhiều kiến thức cao cấp ở đại học đã được “phổ thông hoá”, thậm chí xuống tới lớp bậc thấp. Rất nhiều kiến thức lớp trên được đưa xuống lớp dưới. Chỉ riêng môn toán thôi cũng đủ làm học sinh khổ sở lắm rồi chứ chưa nói đến một loạt môn khác, đúng như Giáo sư TSKH Nguyễn Xuân Hãn nhận định: “So với các nước, chương trình giáo dục của ta nặng hơn từ 1 đến 3 năm, ngôn ngữ trình bầy trừu tượng, xa với cuộc sống. Không ít phụ huynh là kỹ sư, bác sỹ, thậm chí TS, GS cũng không thể hiểu được chương trình giáo dục hiện nay[1].

         Phải chăng vì muốn trẻ em sớm “cập nhật” kiến thức hiện đại nên phải vội vã chất đầy kiến thức vào óc các em? Nhưng chẳng nhẽ các nhà giáo dục không biết câu ngạn ngữ  “muốn đi xa phải biết dưỡng sức con ngựa của mình[2] hay sao?

         Chẳng nhẽ ngành giáo dục không hay biết gì về thảm hoạ “Toán Học Mới” (New Maths) ở phương tây cách đây vài chục năm hay sao? Còn bài học nào cho thấy hậu quả tai hại của một chương trình vội vã duy ý chí rõ hơn Toán Học Mới?

         Tưởng cũng nên biết cái gọi là “Toán Học Mới” đó từ đâu mà ra.

         Theo Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia, sự kiện Liên Xô lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo Sputnik ngày 04-10-1957 đã đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng được gọi là “khủng hoảng Sputnik” (Sputnik crisis): Người Mỹ lo sốt vó Liên Xô sẽ vượt lên dẫn đầu trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ và quân sự, và đó sẽ là một nguy cơ tiềm tàng đối với an ninh của nước Mỹ!

         Để phản ứng, nhà nước Mỹ lập tức đề ra một loạt biện pháp cải tổ bộ máy, trong đó cải tổ về giáo dục được đưa lên hàng đầu: Ngành giáo dục phải tìm ra những biện pháp mạnh tay để nhanh chóng đào tạo ra những kỹ sư và chuyên gia giỏi nhất, sớm nắm bắt được những kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại nhất!

         Đúng lúc đó, giới toán học đang say mê tôn sùng trường phái toán học Bourbaki – trường phái toán lý thuyết được suy tôn như “Euclid của thế kỷ 20”! Tư tưởng logic và tập hợp của trường phái này được tán tụng thờ phụng như cái gì đó tiên tiến nhất, hiện đại nhất. Thế là lập tức các nhà giáo dục Mỹ bệ tư tưởng đó vào trường phổ thông, áp đặt lên trẻ em, bất chấp các em có tiêu hoá được hay không.

         Họ gọi đó là “Toán Học Mới”, nhưng thực tế chẳng có gì mới, chỉ có cái mới là xáo trộn chương trình, đưa kiến thức cao cấp vào trường phổ thông, áp đặt lên đầu học sinh một chương trình quá tải, gồm những kiến thức trừu tượng mà trước đó chỉ những nhà nghiên cứu toán học mới quan tâm. Họ hy vọng “Toán Học Mới” sẽ làm trẻ em thông minh hơn, sớm bắt kịp trình độ tiên tiến của khoa học hơn, nhưng rốt cuộc là trẻ em Mỹ chán ghét môn toán, sợ toán, xa lánh toán, đẩy nền giáo dục Mỹ lâm vào một cuộc khủng hoảng hỗn loạn chưa từng có!

         Tất nhiên đó là chuyện quá khứ. Ngày nay nhìn lại, người Mỹ hiểu rõ rằng đây là một biện pháp cải tổ vội vã duy ý chí: Ý chí muốn đuổi kịp và vượt Liên Xô về khoa học vũ trụ!

         Nếu ngày nay Mỹ đã vượt lên dẫn đầu về khoa học vũ trụ thì đó không phải là công lao của “Toán Học Mới”. Sau hai chục năm nhầm lẫn theo đuổi “Toán Học Mới”, người Mỹ đã sòng phẳng tự phê phán mình, tự chê bai mình, rằng Toán Học Mới chỉ là một tham vọng không tưởng duy ý chí. Tất cả những ai thật sự quan tâm đến giáo dục đều không thể không suy ngẫm về bài học này.

        

         2] Xa rời mục tiêu giáo dục phổ thông:

 

         Giáo dục phổ thông là gì, nếu không phải là một nền giáo dục cho mọi người, vì mọi người, và do đó chương trình giáo dục của nó phải phổ thông nhất, cơ bản nhất, dễ hiệu nhất, cần yếu nhất.

         Căn cứ theo những tiêu chuẩn đó, có thể thấy rằng chương trình toán phổ thông hiện nay đang ngày càng xa rời mục tiêu giáo dục phổ thông: Nội dung chương trình trong sách giáo khoa toán hiện nay quá cao so với mặt bằng chung về kinh tế, giáo dục, văn hoá, và xã hội của nước ta hiện nay.

         Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói: “Theo tôi can cớ gì chúng ta không dạy được theo các chương  trình đang được đánh giá cao trên thế giới và có sửa đổi cho phù hợp. Học thấp hơn đã là vô lý, mà học nặng hơn lại càng cực kỳ vô lý[3]. Điều mà GS Dũng nhận định là “cực kỳ vô lý” thực ra là một “nghịch lý kỳ quái”!

         So sánh chương trình đại số và giải tích trong sách giáo khoa đại trà hiện nay với chương trình chuyên toán cách đây vài chục năm, sẽ thấy cách viết na ná như nhau, thậm chí chương trình đại trà hiện nay còn cao hơn (!). Vậy hoá ra đang có một quá trình “chuyên toán hoá” toàn xã hội ư? Phải chăng học sinh ngày nay giỏi quá nên cần phải nâng cao chương trình lên như thế? Chẳng phải học sinh của ta từng đoạt giải trong các kỳ thi olympic quốc tế đó sao?

         Không! Thành tích om sòm của những kỳ thi olympic quốc tế chỉ là kết quả của một thiểu số rất nhỏ được luyện theo kiểu luyện gà nòi, không thể coi là đại diện cho nền giáo dục phổ thông được. Vậy thực chất chất lượng học sinh của ta nói chung ra sao?

         Hãy lắng nghe ý kiến của Giáo sư Hoàng Tụy:

         “1-Thi cử nặng nề, có vẻ chặt chẽ, tưởng như bằng cấp phải có giá trị lắm nhưng không phải, học giả, bằng giả, cử nhân, tiến sĩ dỏm đầy rẫy; 2-Cả nước lao vào dạy thêm, học thêm với một cường độ và quy mô hiếm thấy, tưởng như chất lượng đào tạo phải cao lắm, nhưng không phải, chất lượng thấp kém đáng kinh ngạc; 3-Sách giáo khoa thường xuyên được chỉnh lý hay biên soạn mới, huy động những nguồn tài chính khổng lồ, năm nào cũng in với số lượng lớn, tưởng chừng phải thúc đẩy giáo dục phát triển hết cỡ, nhưng không phải, chất lượng sách vẫn ì ạch mà giá sách cứ cao ngất ngưởng[4].

         Nếu ai có dịp xem một tuyển tập các đề thi tuyển vào lớp 10 trường Amsterdam và trường Chu Văn An có lẽ đều phải giật mình khi thấy trong đó có những bài toán tương đương với nhiều bài trong bộ đề thi vào đại học (từng được coi là khó hoặc rất khó), thậm chí có những bài toán đòi hỏi kiến thức lý thuyết mà học sinh lớp 9 không hề biết, chẳng hạn như giải phương trình siêu việt, … Hoá ra phải có trình độ lớp 11, 12 thì mới thi được vào các trường “quý tộc” nói trên chăng? Hoặc phải vào những “lò luyện” đặc biệt để được nhồi nhét những kiến thức tủ thì mới qua nổi cửa ải thi cử của những trường “đặc biệt” này chăng? Ai là người giám sát những chuyện thi cử như thế? Phải chăng “phép vua thua lệ làng”, mạnh ai người nấy ra đề thi tuyển, miễn sao tạo được một uy thế, một ảnh hưởng lợi lộc cho nhà trường hoặc cho bản thân là được? Thi cử như thế có còn là phổ thông nữa hay không?

         Vô tình kiểu nhồi nhét quá tải và thi cử thách đố như hiện nay đã và đang tạo ra tình trạng bất bình đẳng xã hội, đào một hố sâu ngăn cách giữa một thiểu số có ưu thế thuận lợi về vật chất và điều kiện học tập với đại đa số học sinh còn nghèo hoặc rất nghèo và rất thiếu thốn điều kiện học tập!

         Hãy thử nhìn vào miền trung, nơi người dân suốt ngày lo chạy lụt, chạy bão, chạy gạo, lo chống đỡ bệnh tật, sức đâu mà đối phó với một chương trình quá tải và thi cử thách đố như vậy? Tin VTV1 ngày 11-11-2007: Hàng ngàn học sinh Nghệ An bỏ học, lớp trống không, vì thực hiện chủ trương dạy thực chất, học thực chất, thi thực chất của ngành giáo dục nên các em không theo nổi chương trình!

         Hãy thử nhìn lên vùng cao, vùng xa, xem đồng bào ở đó sống ra sao, và đối chiếu với những lý thuyết “bác học” trong sách giáo khoa xem có phù hợp không?

         Và chẳng cần nhìn đâu xa, hãy nhìn ngay tại Hànội, nhìn vào những xóm nghèo, những gia đình khó khăn, số lượng này còn lớn lắm. Liệu đối với tầng lớp đông đảo cư dân đó, chữ nghĩa “hàn lâm” quá tải có ý nghĩa gì?

         Ngay với những học sinh có điều kiện thuận lợi về đời sống và học tập nhưng có thiên hướng xã hội, thiên hướng nghệ thuật, hoặc kể cả thiên hướng khoa học như vật lý, hoá học, sinh học, … các em đâu có cần học một chương trình toán quá tải như vậy - một chương trình rõ ràng là có xu hướng thiên về chuyên toán, thậm chí thiên về toán lý thuyết (thứ toán chỉ dành cho một thiểu số rất ít người trên trái đất mà thôi). Ngay cả những nhà toán học chân chính cũng không tán thành cách dạy toán vô lối đó. Đó không phải là toán học thật, mà là toán học giả!

         Có lẽ các tác giả viết sách giáo khoa đang sống trong tháp ngà, chủ quan duy ý chí, cứ thế viết ra những gì mình thích mà bất chấp cuộc sống thực tế bên ngoài, bất chấp mặt bằng chung về kinh tế và văn hoá của xã hội Việt Nam, bất chấp tâm sinh lý trẻ em. Lối dạy toán và thi cử thiên về những trò đánh đố tầm thường không những chứng tỏ một sự thiếu hiểu biết về nghệ thuật sư phạm, mà còn thể hiện sự thiếu hiểu biết về chính toán học[5].

         Ở Úc, người ta chia toán thành 4 bậc A, B, C, D theo thứ tự từ dễ đến khó. Học sinh có quyền tự chọn bậc học. Chọn bậc nào thì thi vào những ngành tương ứng với bậc đó. Tôi đã từng gửi đề thi toán ở Úc về cho học sinh cũ ở Việt Nam và khuyến khích các em tham khảo. Các em nhận xét: “Chúng em thấy toán ở Úc có vẻ dễ hơn ở Việt Nam”. Tôi trả lời: “Đúng, ở Úc người ta không dạy học theo lối đánh đố học sinh. Thầy giáo không cần ra oai bắt nạt học trò. Người ta chú trọng dạy kiến thức cơ bản. Đề thi cũng rất chú trọng kiểm tra kiến thức cơ bản. Em nào trả lời tốt kiến thức cơ bản đều được coi là xứng đáng để học tiếp ở đại học. Vậy mà nền giáo dục Úc từng đào tạo ra những học sinh cực giỏi. Chẳng hạn anh Đào Triết Hiên (người Úc gốc Hoa Terence Tao, là một học sinh ở Úc, học giỏi đến mức đã trở thành một trong những người giỏi toán nhất thế giới hiện nay”.

         Tiến sĩ Nguyễn Đình Nguyên ở Úc cho biết: “Học sinh tiểu học ở Úc đến trường hầu như chẳng có sách vở gì, tất cả các bài học do giáo viên thiết kế, về nhà không có bài tập ở nhà; bài tập thì dễ. Thế mà khi đến ngưỡng đại học, sinh viên của họ hoàn toàn có một tư duy và cách học hết sức năng động, độc lập. Vấn đề chỉ là ở phương thức giáo dục của chúng ta đã quá lạc hậu và kiềm hãm tính độc lập suy nghĩ của sinh viên ngay từ tuổi ấu thơ[6].

         Xin nói rằng Úc không tổ chức thi tuyển vào đại học (trừ một vài trường hợp đặc biệt). Thi tốt nghiệp lớp 12 là kỳ thi quyết định tương lai của học sinh. Và dĩ nhiên thi tốt nghiệp phải là một kỳ thi kiểm tra kiến thức cơ bản, thay vì đánh đố học trò.

 

Terence Tao, học sinh ở Úc

đã trở thành một trong những nhà toán học xuất sắc nhất thế giới

 

         3] Kết

         Lẽ ra khi viết sách cải cách, cần tôn trọng và giữ gìn những gì đã trở thành những giá trị kinh điển truyền thống, thay vì tuỳ tiện đảo lộn đến mức hỗn loạn như hiện nay. Chẳng hạn như sách Hình Học 11 của Văn Như Cương (chủ biên), Trần Đức Huy, Nguyễn Mộng Hy, NXBGD năm 2000, đã đưa định lý Thales vào phần bài tập (!!!). Chỉ cần một động tác đó cũng đủ chứng tỏ những tác giả này tự phụ và coi thường kiến thức cơ bản như thế nào. Việc đảo lộn đó đã biến toán học thành những mảnh vụn, làm hỏng tính liên kết hệ thống của toán học. Đó là một lý do căn bản làm cho học sinh khó tiếp thu, khó nắm được kiến thức cơ bản.

         Vả lại sự đảo lộn không đem lại cái gì mới, gây lãng phí tốn kém tiền của một cách vô ích, vì thực ra mọi kiến thức trong đó đều là kiến thức cũ. Chỉ có cái mới là dồn kiến thức đại học xuống phổ thông, dồn lớp trên xuống lớp dưới, xáo trộn những trật tự hệ thống kinh điển đã ổn định từ hàng trăm năm nay, kèm thêm ngôn từ ra vẻ “hàn lâm bác học”, ra vẻ “cải cách nâng cao” nhưng thực chất rất phản sư phạm, tương tự như “Toán Học Mới” ở phương tây trước đây vậy.

         Giáo dục không phải là một món mỳ ăn liền, cứ tống đại nước sôi vào là ăn ngay được. Không thể vội vã áp đặt những biện pháp cải cách chủ quan duy ý chí lên một hệ thống nhậy cảm như giáo dục, vì đối tượng của hệ thống đó là con người chứ không phải những cỗ máy để tuỳ tiện thí nghiệm. Đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam, khi kinh tế còn nghèo, điều kiện học tập của đại đa số học sinh còn vô cùng khó khăn, thì việc nhồi nhét qúa tải lại càng trở nên phản sư phạm và chắc chắn chỉ đem lại những hậu quả vô cùng tiêu cực.       

 

(bài đã đăng trên Văn Nghệ Trẻ số 2 (584) ngày 13-01-2008)

Hànội ngày 01 tháng 01 năm 2008

 


[1] Xem Bỏ độc quyền in ấn SGK có thể gây hỗn loạn, Nguyễn Xuân Hãn, Báo Nông Thôn Ngày Nay ngày 12-04-2007

[2] Xem “Không học thêm đố vào đại học!", Nguyễn Xuân Tấn, Văn Nghệ 11-01-1997.

[3] Xem Hai chuyện bức xúc lớn ở Việt nam”, Phỏng vấn của Văn Nghệ Trẻ với GS Nguyễn Lân Dũng.

[4] Xem “Cắt bỏ ba khối u dị dạng trên cơ thể giáo dục”, Hoàng Tụy, Tia Sáng tháng 02-2004

[5] Điều này sẽ được bàn kỹ trong một bài viết tiếp theo.

[6] Xem “Nguyên nhân của một thực trạng đáng SOS!”, Nguyễn Đình Nguyên, Vietsciences 23-10-2007

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Phạm Việt Hưng