Cắt bỏ ba khối u dị dạng trên cơ thể giáo dục

Vietsciences-Gs. Hoàng Tụy       28/02/2005  

 

Gần đây nỗi bức xúc về chất lượng giáo dục đã tăng thêm do những sự cố về sách giáo khoa tiểu học và điểm thi của thí sinh trong các kỳ tuyển sinh đại học và cao đẳng. Tuy nhiên cần thấy rằng sự sút kém chất lượng giáo dục chưa đáng lo ngại bằng tình hình căng thẳng kéo dài giữa nhu cầu học tập ngày càng tăng của xã hội và khả năng đáp ứng hạn chế của giáo dục. Cơ hội tìm việc và học nghề không đủ, mà cánh cửa đại học và cao đẳng quá hẹp, khiến cho số đông thanh niên đành phải ngậm ngùi rời ghế nhà trường đang lúc còn khao khát học tập. Rời nhà trường đi đâu, hay lang thang đây đó rồi chán nản, mất phương hướng, nhàn cư vi bất thiện, đó là hiểm hoạ không thể coi thường và dễ biến thành vấn đề xã hội  phức tạp nếu không sớm khắc phục.

Do đó mở rộng nhanh chóng quy mô giáo dục cũng là nhu cầu cấp thiết không kém việc nâng cao chất lượng đào tạo. Nhưng trong điều kiện vật chất hạn hẹp hiện nay giải quyết vấn đề này như thế nào là câu hỏi lớn đang đặt ra cho ngành giáo dục. 

 Dưới đây xin trình bày một số suy nghĩ xung quanh vấn đề đó.

1. Trước hết cần thấy rằng trong khuôn khổ tổ chức quản lý giáo dục hiện hành, không thể nào phát triển mạnh mẽ quy mô mà vẫn bảo đảm được chất lượng. Hay nói cách khác, với kiểu làm giáo dục như ta hiện nay, bài toán quy mô và chất lượng không có cách nào giải quyết thoả đáng trong năm mười năm tới. Để khắc phục khó khăn, chỉ có một cửa thoát duy nhất là hiện đại hoá giáo dục. Hiện đại hoá để hội nhập quốc tế, để  phát triển mạnh mẽ quy mô, đồng thời nâng cao chất lượng, đó là con đường duy nhất tránh cho giáo dục khỏi tụt hậu xa hơn nữa.

Tại sao như vậy ? Vì thời đại này đòi hỏi phải có bước nhảy vọt về quy mô giáo dục và chất lượng đào tạo mới mong đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Không phải một xã hội trừu tượng chung chung, mà là một xã hội cần hội nhập thế giới sau một thời kỳ dài bị cô lập. Không phải một thế giới đứng yên để chờ ai mà là một thế giới biến chuyển với tốc độ chóng mặt như chúng ta đều cảm nhận hàng ngày. Trong cơn lốc của cuộc cách mạng công nghệ này, ngay những quốc gia rất năng động, vốn đã có một nền giáo dục không tồi, như Singapore, cũng tự cảm thấy cần phải hiện đại hoá giáo dục để khỏi bị bỏ rơi, huống chi chúng ta.

Nói cho đúng, từ ngày đất nước mở cửa, giáo dục cũng đã có khá nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Vài năm lại đây cũng đã bắt đầu một số cải cách. Tuy nhiên những thay đổi hay cải cách đó cũng giống như những sự sửa chữa cơi nới ở các khu nhà tập thể xây dựng từ thời bao cấp.  Thực chất vẫn là cái nhà cổ lỗ ấy xây dựng từ ba bốn mươi năm trước, càng sửa chữa cơi nới càng dị dạng, nhà chẳng ra nhà, bỏ thì thương vương thì tội.

Giáo dục của ta cũng giống như cái nhà ấy, nó rất khác mọi nền giáo dục bình thường ở các nước. Được xây dựng và quản lý theo những quan niệm cũ kỹ, nó không giống ai, không theo quy củ thông thường, cho nên rốt cục rất tốn kém, càng phát triển càng đòi hỏi đầu tư phi lý vì quy mô và chất lượng hầu như đã đạt tới mức tới hạn trong các điều kiện vật chất cho phép hiện nay của đất nước. Đã như vậy mà cứ loay hoay sửa chữa và cơi nới thì tất yếu phải gặt hái những kết quả như đã thấy mấy năm qua.

2. Để hiện đại hoá giáo dục, cấp thiết phải cắt bỏ ba khối u dị dạng của nó: 1) thi cử nặng nề, có vẻ chặt chẽ, tưởng như bằng cấp phải có giá trị lắm nhưng không phải, học giả, bằng giả, cử nhân, tiến sĩ dỏm đầy rẫy; 2) cả nước lao vào dạy thêm, học thêm với một cường độ và quy mô hiếm thấy, tưởng như chất lượng đào tạo phải cao lắm, nhưng không phải, chất lượng thấp kém đáng kinh ngạc; 3) sách giáo khoa thường xuyên được chỉnh lý hay biên soạn mới, huy động những nguồn tài chính khổng lồ, năm nào cũng in với số lượng lớn, tưởng chừng phải thúc đẩy giáo dục phát triển hết cỡ, nhưng không phải, chất lượng sách vẫn ì ạch mà giá sách cứ cao ngất ngưởng.

Ba khối u này đã mọc lên và sống tầm gửi trên cơ thể giáo dục từ nhiều năm nay. Không cẩn thận, chúng sẽ biến thành u ác tính có sức huỷ hoại ghê gớm không kiểm soát được. Còn tồn tại ba khối u đó thì không biện pháp cải cách nào có thể thành công. Vì vậy phải cắt bỏ ba khối u đó, tẩy cho sạch những loại tầm gửi, ký sinh đang sống bám vào giáo dục, trả lại cho giáo dục môi trường hoạt động bình thường thì mới có thể tiến lên hiện đại hoá.

Điều cơ bản là phải nhận thức rõ hiểm hoạ không lường nếu cứ tiếp tục cho phép những hiện tượng dị dạng ấy phát triển. Không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay, những người quan tâm đến việc học của con em đã cảnh báo sự phát triển bệnh hoạn của giáo dục do ba khôi u đó.  Năm 2001 Thủ Tướng Chính Phủ cũng đã nhắc nhở Bộ GD và ĐT,  thế nhưng thật đáng  tiếc, sau 7 năm đã có nghị quyết TƯ, chúng ta vẫn chưa làm được gì nhiều để trả lại cho giáo dục môi trường hoạt động bình thường như ở các nước văn minh và như ở VN trước đây.

Tệ hại nhất là việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Xin nói ngay rằng khi lên án việc này tôi không hề có ý chê trách anh chị giáo viên. Thành thật mà nói, ai ở trong hoàn cảnh đồng lương không đủ sống chắc cũng phải dạy thêm, vì dẫu sao dạy thêm một cách có trách nhiệm cũng còn hơn bỏ lớp, bỏ trường. Vấn đề cần được nhận thức dứt khoát là phải nhanh chóng xoá bỏ việc này, còn xoá bỏ như thế nào mà vẫn bảo đảm mức sống đàng hoàng cho giáo viên thì đó là trách nhiệm của nhà cầm quyền. Có người lập luận rằng học thêm là nhu cầu có thật của một bộ phận học sinh giỏi và kém, cho nên dạy thêm là một cách đáp ứng nhu cầu chính đáng đó. Tôi không nghĩ như vậy. Cả đời tôi từ khi đi học, cho đến khi đi dạy và làm khoa học, tôi chưa hề thấy, chưa hề gặp ở đâu một người nào khi đi học phải dự đều các lớp học thêm, các lò luyện thi, phải chúi đầu chúi mũi học cả ngày lẫn đêm, mà nhờ thế ra đời đã thành đạt. Cũng không hề thấy ở đâu học sinh kém ngồi học chung với mọi học sinh khác trong các lớp dạy thêm mà tiến bộ được. Cho nên bảo rằng dạy thêm đáp ứng nhu cầu có thật của học sinh giỏi và kém chỉ là một cách ngụy biện. Cái tội lớn của một nền giáo dục hư đốn chính là tạo ra nhu cầu giả tạo buộc học sinh phải học thêm ngoài giờ, tập cho họ thói quen dựa dẫm vào thầy, ngại tự học, ngại tìm tòi, suy nghĩ độc lập, cho nên cứ rời thầy ra, rời nhà trường ra là y như những con gà công nghiệp mới ra khỏi chuồng đã luống cuống tìm cách chui lại vào chuồng.

Hậu quả của những khối u dị dạng nói trên là chi phí giáo dục phình to, hiệu quả đầu tư cho giáo dục ở VN rất thấp. Có thể nói không quá đáng, trên thế giới hiếm có nền giáo dục nào xài ngông như chúng ta. Không kể những sự lãng phí công quỹ mà một số báo như Lao động, Tuổi trẻ, An ninh thế giới gần đây đã nêu lên, những sự lãng phí ấy dù to lớn đến đâu vẫn không thấm gì so với những sự lãng phí khác đáng sợ hơn nhiều: lãng phí công sức của hàng vạn thầy giáo, vì phải dạy thêm lu bù, dưới hình thức tăng tiết hoặc dạy thêm ngoài giờ, hoặc luyện thi, v.v. không còn thì giờ nghiên cứu, học thêm để cải tiến công việc của mình; lãng phí  tài năng sáng tạo và tuổi trẻ quý giá của hàng triệu học sinh vì phải chạy theo những cái đích giả tạo, hoang phí sức lực vào những giờ học thêm, luyện thi vô bổ để sau này ra đời hối tiếc vì phải trả giá đắt.  Sự tổn thất vô hình đó mới đáng kể nhất vì nó ảnh hưởng lớn đến năng lực sáng tạo, sự thông minh và tính năng động của toàn xã hội trong thời đại mà ai cũng biết những đức tính ấy cực kỳ quan trọng.

3. Mấy biện pháp cấp bách để cứu giáo dục ra khỏi nguy kịch. Tôi nói nguy kịch không phải để rung tiếng chuông báo động giả, mà để diễn tả đúng thực trạng khủng hoảng mà nền giáo dục đang trải qua. Một cơ thể đeo trên mình nó ba khối u lớn đằng đẵng cả chục năm mà không sao cắt bỏ được có phải là bình thường không ?  Một nền giáo dục mà triền miên là mối lo của toàn xã hội từ chục năm, mặc dù chi phí bỏ ra tăng liên tục đến mức phi lý (kể cả tiền vay ở các dự án), có phải là một nền giáo dục bình thường không ?  Hay chúng ta điếc không sợ súng ?

Cơn sốc gây nên bởi số điểm thấp qua hai kỳ tuyển sinh đại học và cao đẳng 2002-2003 đã làm cho dư luận xã hội tập trung vào chất lượng giáo dục phổ thông, song nói cho đúng, đáng lo nhất hiện nay chưa phải là chất lượng giáo dục phổ thông mà là chất lượng dạy nghề, đại học và sau đại học. Đây mới chính là nơi mà quy mô và chất lượng đều kém và cũng đang có mâu thuẫn gay gắt nhất với yêu cầu của xã hội.

Cả về số sinh viên đại học và cao đẳng trên một vạn dân, số cơ sở đào tạo nghề, số công trình nghiên cứu đạt chuẩn mực quốc tế, thứ hạng trong bảng xếp hạng các đại học trong khu vực, cả về chất lượng và trình độ lao động được đào tạo, mức độ thoả mãn của các công ty ngoại quốc đối với lao động kỹ thuật trong nươc -- ta đều đứng sau xa đại bộ phận các nước trong khu vực. Nghĩ mà buồn cho một nền đại học cách đây không quá lâu còn được đánh giá tốt trong khu vực.

Cho nên nói hiện đại hoá giáo dục là hiện đại hoá toàn ngành, và cái đích cuối cùng phải đạt được là có một nền đại học thật sự hiện đại sánh vai được với các nước phát triển. Nhưng dù sao cũng phải bắt đầu từ cấp học phổ thông là cấp cơ sở, vì vậy trước hết phải xử lý các khối u trong vấn đề thi cử, dạy thêm, và sách giáo khoa.

Để tiến tới xoá bỏ các khối u này, tôi đề nghị mấy biện pháp cấp bách. Đây chỉ là những đề nghị có tính ý tưởng, nghĩa là tuy nói cụ thể nhưng cái cốt lõi là tinh thần, ý tưởng, nếu xem xét thấy đúng thì những việc cụ thể nêu ra trong đề nghị có thể thay đổi, châm chước cho phù hợp hơn với thực tế, miễn là dựa trên tinh thần, ý tưởng đã được chấp nhận. Sở dĩ cần nói điều này vì khi xét một đề nghị nào đó nhiều quan chức thường không chịu tìm hiểu kỹ tinh thần, ý tưởng, thực chất, mà chỉ quan tâm những chi tiết vụn vặt không có tính nguyên tắc, rồi dựa trên tư duy bảo thủ sẵn có của mình để chấp nhận hay bác bỏ. Với một thái độ như thế sẽ không bao giờ cải tiến được công việc.

 1) Cải cách thi cử theo kinh nghiệm các nước tiên tiến.

Không đâu trên thế giới có hệ thống thi cử nặng nề, tốn kém mà ít hiệu quả lại gây lắm chuyện tiêu cực như ở nước ta. Tại sao không nghĩ đến việc bỏ hẳn một số kỳ thi và thay đổi cách tuyển sinh đại học, lại cứ loay hoay mãi với những chuyện hai chung, ba chung, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, thi trắc nghiệm hay tự luận, v.v. ? Theo tôi, nên mạnh dạn học tập nhiều nước, bỏ hết các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, THCS, THPT, mà tăng cường kiểm tra nghiêm túc thường xuyên trong quá trình học, nhất là ở các lớp cuối cấp, rồi xét kết quả học để phát bằng tiểu học, THCS, hay tú tài. Như vậy giá thử có tỉ lệ 90% học sinh học hết lớp 12 được phát bằng tú tài cũng bình thường, vì giá trị của bằng này chỉ là xác nhận đã học hết THPT với những kết quả ghi trong học bạ. Còn để tuyển vào đại học thì cần có một kỳ thi toàn quốc, nhưng không phải để tuyển ngay, mà chỉ để kiểm tra trình độ tối thiểu cần thiết cho việc theo học đại học. Vì chỉ cần kiểm tra trình độ tối thiểu cần thiết, nên có thể thi trắc nghiệm. Sau đó chỉ những người đã qua được kỳ thi này mới có thể dự tuyển vào các đại học, còn việc xét tuyển như thế nào thì do từng đại học tự tổ chức theo cách nào thích hợp nhất (chẳng hạn xét tuyển theo hồ sơ, kết hợp với phỏng vấn).

Làm được như vậy thi cử sẽ nhẹ nhàng như ở các nước, góp phần giải quyết hàng loạt các khó khăn hiện nay. Sẽ không còn, hoặc giảm hẳn xu hướng học để thi, các lò luyện thi sẽ mất dần tác dụng, việc học sẽ dần dần đi vào thực chất, gian lận thi cử sẽ bớt vì không còn đất phát triển, việc giáo dục tính trung thực nhờ thế sẽ dễ dàng hơn, tạo điều kiện cải thiện môi trường đạo đức học đường hiện nay đang xuống cấp. Đồng thời, sẽ bớt đi áp lực của các cấp chính quyền địa phương buộc nhà trường phải bảo đảm bằng mọi giá một tỉ lệ thi đỗ cao để tránh đối mặt với những phưc tạp xã hội do việc học sinh hỏng thi quá đông.

2) Cải cách tiền lương và xoá bỏ dạy thêm.

Như trên đã phân tích, chuyện dạy thêm gắn liền với tiền lương không đủ sống, vì vậy không thể xoá bỏ được cái u bướu này bằng chỉ thị hành chính đơn thuần, mà phải thay đổi chính sách tiền lương để tối thiểu bảo đảm cho giáo viên một mức sống đàng hoàng theo trình độ tăng trưởng của kinh tế. Có người nói dạy thêm không hoàn toàn do lương thấp mà chủ yếu do sự sa sút lương tâm nghề nghiệp, vì trước kia đời sống còn khó khăn hơn nhiều mà có ai dạy thêm đâu. Nói như thế là không thấy rằng trước kia dù có khó khăn nhưng tiền lương vẫn đảm bảo cho giáo viên mức sống đàng hoàng theo tiêu chuẩn xã hội thời đó, còn bây giờ với đồng lương giáo viên dưới mức sống thấp trong xã hội mà  nói lương tâm thì trước hết xin hãy nói lương tâm của những ai có bổng lộc cao, có mức sống đầy đủ, mà một mực đòi hỏi người lương thấp không đủ sống phải toàn tâm toàn ý với nghề nghiệp.

Cho nên điều kiện tiên quyết để chấm dứt dạy thêm tràn lan là phải giải quyết đúng đắn tiền lương cho giáo viên. Trong khi chưa thể giải quyết tiền lương cùng một lúc cho tất cả các ngành, vẫn có thể tập trung giải quyết trước hết cho giáo dục. Một biện pháp khả thi là căn cứ tình hình thực tế ở các địa phương quy định một học phí chính thức thay cho toàn bộ các khoản mà học sinh phải đóng góp trực tiếp cho nhà trường hay gián tiếp qua các lớp học thêm (dĩ nhiên học phí phải khác nhau tuỳ địa phưong, và kèm theo phải có chính sách học bổng cho học sinh nghèo). Số học phí đó, cọng thêm một khoản ngân sách thích hợp, là nguồn tài chính để trả lương cho giáo viên đủ cho họ có một mức sống tử tế mà không cần phải dạy thêm hay làm những việc ngoài chuyên môn khác. Sau đó,  nghiêm túc thực hiện  cấm dạy thêm, để giáo viên dành thì giờ rỗi học thêm, trau dồi thêm chuyên môn, và chăm sóc, giúp đỡ học sinh tự học. Với sự mở rộng quy mô và hình thức đào tạo sẽ được thực hiện kèm theo giải pháp này, trình độ giáo viên sẽ được nâng cao và những giáo viên giỏi ở từng cấp sẽ có cơ hội đựơc tuyển lên dạy cấp cao hơn, gián tiếp tạo thêm những nguồn nhân lực mới cho sự phát triển quy mô giáo dục. Như vậy, vừa đảm bảo chất lượng học tập ở mỗi cấp, vừa mở đường tiến thủ cho giáo viên và tận dụng khả năng tự có của ngành để phát triển mạnh quy mô giáo dục ngay trong tình hình đầu tư vật chất chưa thể tăng đột biến.

Điều quan trọng nhất khi xoá bỏ được dạy thêm là việc học sẽ dần dần trở lại lành mạnh để đạt hiệu quả cao hơn vì  tránh được lối học nhồi nhét, thụ động. Với sự hướng dẫn của thầy mà từ nay sẽ có nhiều thì giờ tập trung chăm lo cải tiến phương pháp, học sinh sẽ chủ động tích cực hơn trong học tập, biết động não, suy nghĩ, tập tự học, tra cứu tài liệu, v.v..., đồng thời có đủ thì giờ vui chơi thoải mái theo nhu cầu tuổi trẻ, tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ theo sở thích, làm công tác xã hội, phục vụ cộng đồng, v.v... Ngoài ra, thay vì tổ chức các lớp học thêm, nơi nào có điều kiện có thể mở các câu lạc bộ về từng lĩnh vực công nghệ thông tin, văn, toán, v.v..., là những hình thức trau dồi kiến thức, bồi bổ kỹ năng nhưng trong đó người tham gia đóng vai trò chủ động.

3) Cải cách việc biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa.

Trong cuộc cải cách giáo dục ở Miền Bắc năm 1956, chúng ta chỉ cần sáu tháng để soạn hết các chương trình mới, viết và in sách giáo khoa mới, đủ cung ứng nhu cầu. Sách thời ấy cũng ổn định khá lâu và không đắt. Ngày nay ta có những điều kiện vật chất và chuyên môn thuận lợi hơn gấp bội,  không lý gì lại tốn nhiều thời gian, tiền bạc, công sức đến như vậy  mà kết quả lại quá thấp so với yêu cầu. Vậy cần chỉnh đốn cách làm cho thích hợp, và trong việc này cũng nên học nghiêm túc kinh nghiệm của các nước về cả tổ chức, phương pháp và kỹ thuật, khắc phục sự xơ cứng tư duy và những quan niệm và thói quen không còn phù hợp với cung cách biên soạn và xuất bản ở thời đại này. Tiến đến sách giáo khoa ổn định, được in đẹp, hấp dẫn, hợp với từng lứa tuổi học sinh, và về hình thức cũng như nội dung đều sánh được với các nước phát triển nhất trong khu vực. Để hạ thấp chi phí sử dụng, sách giáo khoa phải được các trường mua và cho học sinh thuê là chủ yếu thay vì mỗi năm học sinh đều phải mua sách mới, rất tốn kém.

Trên đây là những biện pháp cần và có thể thực hiện ngay để mở đường hiện đại hoá giáo dục. Trong các giải pháp đó thì việc cải cách tiền lương là mấu chốt nhất nhưng lại đòi hỏi Nhà Nước phải trực tiếp can thiệp. Mà đã đến lúc phải có sự can thiệp trực tiếp ấy mới cứu được nền giáo dục của chúng ta ra khỏi sa lầy, để nó vươn lên thực hiện đầy đủ vai trò  quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tôi tin rằng sau khi trả lại cho nhà trường nề nếp hoạt động bình thường theo những phương hướng trên thì một luồng sinh khí mới sẽ thổi vào ngành giáo dục, và với tiềm năng sẵn có được đánh thức chẳng bao lâu giáo dục sẽ thay da thắm thịt để ngẩng mặt tiến bước cùng bạn bè khắp năm châu bốn bể, trở lại là bông hoa của chế độ như ngày nào.


(*)  Bài đăng ở báo TIA SÁNG số 24 (tháng 1/2004)

 

http://www.ncst.ac.vn/HVGD/

© http://vietsciences.free.fr Hoàng Tụy