Bỏ độc quyền in ấn SGK có thể gây hỗn loạn…

Vietsciences-Nguyễn Xuân Hãn         12/05/2007
 

Những bài cùng tác giả


Nếu chỉ bỏ độc quyền in ấn SGK thì chưa giải quyết được vấn đề nâng cao chất lượng sách, giảm chi phí mà gia đình học sinh phải chịu, thậm chí có thể còn gây hỗn loạn trên thị trường SGK. Đó là nhận định của GS Nguyễn Xuân Hãn – ĐH Quốc gia Hà Nội.( Giới thiệu trên điểm báo VTV1 truyền hình Trung ương Ngày 15-4-2007)

Nếu chỉ bỏ độc quyền (in ấn sách giáo khoa – SGK) thì chưa giải quyết được vấn đề nâng cao chất lượng sách, giảm chi phí mà gia đình học sinh phải chịu, thậm chí có thể còn gây hỗn loạn trên thị trường SGK. Đó là nhận định của GS. Nguyễn Xuân Hãn – ĐH Quốc gia Hà Nội. Tôn trọng quan điểm cá nhân của tác giả, VnMedia xin giới thiệu bài viết tới bạn đọc.

Siêu lợi nhuận do thiếu “chuẩn”

Mấy hôm nay, qua đài báo tôi thấy Thanh tra CP kết luận doanh thu NXB Giáo dục 800-900 tỷ đồng/năm (xấp xỉ 50 triệu USD/năm), còn NXB Giáo dục tự khai doanh thu 45 triệu USD/năm. Theo tôi đây là các con số chưa chính xác, vì doanh thu NXB Giáo dục là 100 triệu USD/năm. Cách tính của tôi là dựa vào số liệu của Cục Xuất bản - Bộ VHTT. Năm 2001 tổng số xuất bản phẩm của cả nước là 237,760 triệu bản, tổng doanh thu là 1,705 tỷ đồng. Riêng NXB Giáo dục là 200 triệu bản, ước lượng doanh thu là 1.434,2 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD/năm vào thời gian đó. Hàng năm, lượng sách xuất bản tăng. Tiền lãi thay một môn học như môn Tiếng Việt, năm 2003 cho 1,7 triệu HS vào lớp 1, giá mỗi cuốn là 9.200 đồng, hai tập là 18.400 đồng. Số tiền thu được từ việc thay môn học này là 31,28 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, riêng tiền lãi cho việc thay môn học này gần 30 tỷ đồng (gần 2 triệu USD).

Vậy thì tại sao NXB Giáo dục cứ đều đặn in sách hàng năm và học sinh cứ phải è cổ ra mua? Đó là vì sự bất cập nhận thức khoa học trong và ngoài nước, và thiếu sót trong việc chọn người và tổ chức học thuật: 1. Tồn tại một mặt bằng chung về kiến thức, để HS từ nước này có thể chuyển sang nước khác học, sự khác nhau về chương trình nhanh chóng được khắc phục nếu có; 2.. Việt Nam là bộ phận của thế giới, thành tựu khoa học của nhân loại là thành tựu của mình. Ví dụ quyển Hình học Euclid, chiếm già nửa chương trình Toán ở bậc phổ thông, và đã tồn tại 2.300 năm nay. Các nhà khoa học coi quyển sách này là kinh thánh. Việc biên soạn lại cuốn sách này có thể chỉ cần một GS giỏi cùng vài cộng sự, tiến hành trong 3 tháng là xong. Ngược với tư duy này, ta chia cuốn Hình học Euclid thành vài chục xuất, mỗi người làm một phần, thay đổi trật tự khoa học. Định lý Thales đưa xuống dạng bài tập. Sự đảo lộn trật từ này còn nghiêm trọng hơn nhiều việc thay đổi trật tự từ chữ A sang chữ E trong môn Ngữ văn; 3. Người ta nói “biên soạn” SGK, chứ không nói ”sáng tác” SGK. Biên soạn là phải có SGK chuẩn, tham khảo. Mặc dù nhiều giáo viên giỏi tập được tập hợp, nhưng thiếu sách tham khảo, nên SGK có quá nhiều sai sót, phải chỉnh sửa liên miên. Kể từ năm 1981 đến nay đã 25 năm, chúng ta chưa hề có chương trình (CT) - SGK chuẩn để ổn định giáo dục phổ thông…

Từ năm 1945 đến nay, VN có 5 lần thay đổi CT và chuẩn bị biên soạn SGK. Lần đầu do GS Hoàng Xuân Hãn đứng đầu, việc thiết kế lại chương trình và chuẩn bị có 2 tháng. Ở miền Bắc, chương trình này tồn tại 10 năm, còn ở miền Nam là 27 năm. Lần 2 do GS Nguyễn Văn Chiển, GS Hoàng Tuỵ, nhà giáo Lê Hải Châu, công việc này được hoàn thành trong 6 tháng, CT - SGK được sử dụng 35 năm. Lần 3 là năm 1975. Hai lần cuối là năm 1981 và 2002 theo phương châm “cắt khúc, cuốn chiếu” “vừa chạy vừa xếp hàng”. Cách làm này chỉ có thể hiểu được từ văn hóa làng xã và tiểu nông, không phải khoa học.

Chưa có CT-SGK “chuẩn” mà bỏ độc quyền sẽ hỗn loạn

CT-SGK là một công trình khoa học lớn của Quốc gia. NXB Giáo dục chỉ là phương tiện của các nhà khoa học. Trước Quốc hội và dân, xét về mặt pháp lý, người chịu trách nhiệm CT-SGK trong giáo dục là Thủ tướng. Hiện tại, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng lại giao cho NXB Giáo dục. Như vậy, NXB vừa tổ chức biên soạn nội dung, vừa kinh doanh thì không thể khách quan. Về mặt học thuật là hỏng.

Nếu giao việc biên soạn, in ấn SGK Giáo dục còn hỏng thì bây giờ đưa ra phương án cho tất cả các NXB khác cùng “đấu thầu” soạn thảo càng hỏng. Theo tôi, trước hết là phải có bản thảo CT-SGK chuẩn về học thuật, chế tài sử dụng bộ CT-SGK ít nhất 10 năm, sau đó bỏ độc quyền, NXB nào cũng có quyền in được. Nếu làm theo quy định ngược lại thì sẽ hỗn loạn ngay.

Nhiều người lo ngại làm bộ sách chuẩn sẽ lâu, nhưng theo tôi chỉ cần 6 tháng là có thể làm xong, và đã được giải thích công khai trên VTV1, chương trình Sự kiện và Bình luận ngày 28/10/2006 và 30/10/2006. Cuốn băng này của VTV1 đã được kính chuyển đến tất cả những người có trách nhiệm, đặc biệt là Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Đây là vấn đề SGK, vấn đề của cả quốc gia, vấn đề học thuật. Đông người, nhiều tiền chỉ là cần, chứ không thể là điều kiện đủ để thay thế tư duy khoa học. Giải pháp mà chúng tôi kiến nghị nhiều năm nay, là làm tập trung và thay đổi đồng bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Giải pháp này đã được kiểm nghiệm thành công tại VN vào các năm 1945, 1955, và 1975. Các GS Nguyễn Văn Chiển, GS Hoàng Tuỵ, nhà giáo Lê Hải Châu – tác giả việc thay sách năm 1955, hiện vẫn còn sống và hoàn toàn minh mẫn.

Xin lưu ý, so với các nước, chương trình giáo dục của ta nặng hơn từ 1 đến 3 năm, ngôn ngữ trình bày trừu tượng, xa với cuộc sống. Không ít phụ huynh, là kỹ sư, bác sĩ, thậm chí TS, GS cũng không thể hiểu được chương trình giáo dục hiện nay. Việc học thêm là điều tất nhiên. Theo kết quả điều tra của VN với các tổ chức quốc tế, tiền học thêm khoảng 300 triệu USD/năm.

Khác với lĩnh vực kinh tế, việc bỏ độc quyền trong lĩnh vực khoa học và giáo dục phức tạp hơn nhiều. CT-SGK chuẩn phải có trước, việc bỏ độc quyền sau. Ngược quy trình này, khả năng “hỗn loạn” trong thị trường SGK là điều khó tránh khỏi.


Báo Nông thôn Ngày Nay
Năm thứ XXIII, số 88 (1979) ngày 12/4/2007


 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org T