Thư Hà nội 1

Vietsciences- Nguyễn Đình Nguyên     08/11/2006
 

Những bài cùng tác giả

Thư Hà nội 1: Cúm gia cầm- chúng ta đang có thể là nạn nhân của thời đại thông tin

Thư Hà nội 2: Chúng ta đang đánh “canh bạc Tamiflu” với A(H5N1)

Cúm gia cầm- chúng ta đang có thể là nạn nhân của thời đại thông tin

 

Bạn thân mến,

Vậy là tôi đã xa Hà nội gần 9 năm. Chín năm với bao nhiêu đổi thay, mà chắc bây giờ đặt chân xuống Hà Nội tôi phải ngỡ ngàng. Tôi còn nhớ Hà nội mùa này hoa sữa bắt đầu nhạt hương để nhường cho mùa thu ngắn ngủi mà lãng đãng, nên thơ. Điều thay đổi lớn nhất mà tôi nhận thấy là ngày đó để chuyển tải cảm xúc này đến với bạn, tôi cần mất tối thiểu hai tuần, còn bây giờ tôi chỉ cần một tích tắc. Sự phát triển vượt bậc của nền công nghệ thông tin để kéo mọi người khắp nơi trên trái đất lại gần với nhau. Có lẽ không phải cà kê kể lể, cả trẻ con bây giờ chúng nó cũng nhận ra điều đó vì những trò game online thú vị. Nhưng có lẽ như một “định mệnh” trong vũ trụ, mọi yếu tố đều tồn tại trong một mối quan hệ hỗ tương, đối nghịch trong một cặp phạm trù; hễ có tốt thì phải có xấu, hay phải có dở lợi phải có hại, và “thông tin xa lộ” cũng chấp nhận sự chi phối đó.

Câu chuyện tôi viết cho bạn hôm nay ngoài sự hứng khởi về sự tiện ích của công nghệ thông tin, thì trong tôi cũng bao trăn trở với những ảnh hưởng vì sự phát tán của nó vô tình hay chủ đích. Sống trong một thời đại thông tin siêu tốc này, chúng ta sẽ bị hoa mắt, chóng mặt vì thông tin đến với chúng ta dồn dập, không kịp tỉnh táo xử lý để nhận ra đâu giả đâu thật.

Hai tuần qua tôi liên tục nhận được thư bạn bè gửi đến lo lắng, hoang mang hỏi về chuyện dịch cúm gia cầm về một viễn cảnh bị đe doạ của một đại dịch; gần hơn nữa là cả Hà nội đang sốt vì Tamiflu, một loại thuốc được cho là có tác dụng điều trị và phòng ngừa cúm gia cầm đã bị “cháy chợ”.

Bạn thân mến,

Trải qua kinh nghiệm của đợt “đại dịch” SARS trên thế giới và đợt đại dịch cúm chim ở gia cầm xảy ra ở một số nước Đông Nam Á và châu Á vừa qua, một điểm nổi bật nhất dễ nhận thấy là vai trò của tiến bộ thông tin đóng một vai trò hết sức quan trọng trong công tác Y tế, đặc biệt phòng chống và ngăn ngừa bệnh dịch. Ở vụ dịch SARS, một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử là với một loại bệnh mới phát sinh mà chỉ trong vòng có một tháng, tác nhân gây bệnh đã được định danh, và sau đó còn tìm được cả cấu trúc di truyền. Tại một thời điểm, người ta có thể tổ chức một cuộc hội thảo xuyên lục địa bằng phương tiện cầu truyền hình. Chỉ trong vòng một phút, thông tin trao đổi trên giấy tờ có thể lưu chuyển trên toàn thế giới qua hệ thống email. Chính vì thế mà việc trao đổi, bàn thảo về vấn đề có thể diễn ra chóng vánh, hành động có thể được áp dụng tức thời.

Tuy nhiên cũng trong vấn đề thông tin, việc thông tin đến nhanh, nhiều là một khía cạnh, khía cạnh khác quan trọng hơn là vấn đề tiếp cận và xử lý thông tin, diễn dịch và hiểu thông tin đó, áp dụng nó như thế nào mới là vấn đề quan trọng hơn.

Bàn về dịch cúm gia cầm, hay cần phải nói cụ thể hơn là dịch cúm ở gia cầm do vi-rút A(H5N1), đây là câu chuyện thời sự y tế nóng hổi nhất trong vòng hai năm qua. Giới chuyên môn quốc tế như ngồi trên đống lửa vì bị áp lực từ nhiều quốc gia về khả năng một nạn đại dịch A(H5N1) liệu có xảy ra ở con người không? Chắc chắn không ai dám trả lời không, nhưng cũng không thể trả lời là có. Câu trả lời hoà cả làng là phải “có thể”. Nhưng không ai dễ dàng mà chịu nghe câu trả lời đơn giản như vậy mà trong đầu còn hậm hực và thắc mắc.

Tại sao chỉ có A(H5N1) mới có thể trở thành đại dịch cúm còn hàng năm cúm cứ xảy ra đều đều thì sao? Liệu có đại dịch không?

Sở dĩ vi-rút cúm A(H5N1) nằm trong tầm ngắm lo sợ của giới chuyên môn là vì trong lịch sử đã xảy ra ba trận đại dịch cúm ở người. Trận dịch cúm Tây ban nha, 1918 đã lấy đi 40-100 triệu sinh mạng trên toàn thế giới, trận dịch cúm châu Á 1957-58 cũng cướp đi khoảng 2 triệu người trong đó có 70 nghìn người Mỹ, trận dịch cúm Hồng Kông 1968-69 có khoảng 1 triệu người trên toàn thế giới tử vong, trong đó có 34 nghìn người Mỹ. Cả ba đại dịch này đều có chung đặc điểm là đều do vi-rút cúm nhóm A gây ra, đều là do vi-rút cúm gây bệnh ở loài vật vượt rào cản chủng loại, sang lây bệnh cho người, có khả năng gây bệnh nặng và có khả năng lây lan giữa người và người với nhau.

Nhìn lại A(H5N1) thì nó sở đắc gần như đầy đủ các điều kiện trên trừ: lây lan trực tiếp giữa người với người.

Thế thì giới chuyên gia y tế thế giới lo lắng cũng phải, con “quái vật” nó đã luyện được ‘chín thành công lực” còn mỗi một công lực nhỏ nữa thôi, thì công năng nó vô lường. Chính vì thế mà giới chuyên gia nơm nớp lo sợ một nạn đại dịch.

Thế nhưng, nghĩ qua thì như thế, nghĩ lại câu chuyện có thể sẽ khác đi. Tất cả câu chuyện về đại dịch cúm mà tôi kể cho bạn trên đây là một cuốn phim quay ngược, có nghĩa là câu chuyện đã xảy ra, người ta chỉ kịp định danh là đại dịch khi nó đã xảy ra rồi. Tôi không tin bất kỳ một loại vi-rút nào thủ đắc đủ các yếu tố trên đều gây ra đại dịch, mà chúng ta chỉ kịp nhận ra đại dịch khi thấy sức tàn phá của nó lớn quá, con số tử vong cao trên toàn thế giới thì đó mới là đại dịch. Như thế, những yếu tố trên của con vi-rút chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện cần và đủ để trở thành đại dịch. Cúm A cũng như nhiều loại cúm khác đều có thể đã và đang hiện diện khắp nơi và cũng đã và đang gây bệnh ở người hàng năm. Nhưng vì cúm hoàn toàn không đặc hiệu, có nghĩa là đại đa số, cúm do các vi-rút nào gây ra đi nữa thì triệu chứng nó cũng không khác nhau, nên không thể nào chúng ta phân biệt được nguyên nhân nào gây nên trừ khi phải xét nghiệm. Nhưng chỉ khi con số tử vong vượt quá ngưỡng, người ta mới kịp nhận ra và nghiên cứu tìm nguyên nhân, thì lúc đó chân tướng nguyên nhân mới lộ diện.

Tôi liên tưởng cho bạn một câu chuyện nôm na, và dễ hiểu hơn, tuy không gần gũi và hơi khập khiễng, nhưng là một câu chuyện có chung bản chất, đó là thảm hoạ tsunami ở Nam Á năm ngoái và cơn bão nhiệt đới Katrina ở Mỹ năm nay. Điều cần phải nói trước ở đây là đối với các thảm hoạ thiên nhiên này khả năng dự báo trước đều chính xác hơn khả năng dự báo dịch bệnh, thứ hai là trên thế giới đều có những trung tâm dự báo các hiện tượng này, ngược lại đối với bệnh tật không có các trung tâm dự báo như thế. Trước khi Katrina xảy ra, trung tâm khí tượng đã dự báo và có báo động về di tản; nhưng chắc chắn không một ai trong giới chuyên môn dự báo khí tượng, không một ai trong giới chính quyền, không một ai trong dân chúng có thể biết được khả năng tàn phá của Katrina cả. Cho đến khi cảnh tượng tang thương xảy ra, chết chóc tràn lan thì lúc đó mới kịp định danh nó là một thảm hoạ! Đã thế mà việc giải quyết sự hậu cũng không ra làm sao trong một quốc gia siêu cường như Mỹ. Tiếp theo sau đó là cơn bão Rita, kéo đến chỉ sau Katrina có vài tuần, các nhà dự báo lần này làm thật bài bản; mỗi phút trôi qua, là thông tin đã cập nhật ngay trên đài truyền hình quốc gia. Chưa bao giờ có những không khí căng thẳng, khẩn cấp như thế diễn ra tại Mỹ. Dân chúng Texas ùn ùn theo hướng dẫn kéo nhau chạy bão, hỗn loạn, ùn tắc, cảnh không khác gì của cảnh dân Việt nam trong cơn loạn ly thời chiến. Và sau đó thì chẳng có gì, Rita hiền như một người đẹp! Còn câu chuyện tsunami, sau một kết cục kinh hoàng của nó, người ta mới thấy choáng váng, thấy hoang mang và sợ hãi; đến độ chỉ một tin đồn nhảm thôi mà dân chúng ở một bãi biển Đà nẵng phải một phen thất kinh hồn vía chạy tsunami.

Hai câu chuyện này tôi dẫn ra cho bạn để nói lên một điều rằng, sự sợ hãi của chúng ta là một phản xạ có điều kiện dựa trên những sự kiện có thực. Bằng sự tái hiện sự kiện, lắp ghép các điều kiện với nhau, nỗi sợ hãi sẽ tăng dần một khi các sự kiện đó gần như lần lượt tái diễn từng khâu từng bước, bây giờ là vi-rút cúm A(H5N1).

Thế nhưng chúng ta đã biết A(H5N1) đã chung sống với mình cũng non 9 năm rồi đấy, từ mùa xuân 1997, A(H5N1) đã xuất hiện ở Hồng Kông, làm cho 18 người mắc bệnh với 6 người chết; rồi báo động đại dịch cúm A(H5N1) dấy lên từ đó; thế nhưng rồi bị lãng quên một thời gian. Cho đến nay nó quay trở lại. Cũng trong khoảng thời gian đó đến nay, cúm gia cầm cũng đã lây lan từ chim/gia cầm sang người với xảy ra với nhiều chủng loại A mới khác ví dụ như H7N7 ở Anh quốc (1995), H9N2 ở Hồng Kông (1999), H7N3 ở Canada và H10N7 ở Ai-cập năm 2004; nhưng tất cả chỉ mới khu trú một số trường hợp, chưa lan tràn rộng nên chưa bị “điểm mặt gọi tên” đó thôi. Chúng ta cũng cần phải hiểu rằng kết cục của một hậu quả nếu có xảy ra A(H5N1) (hoặc một loại tác nhân mới nào đó) lây từ động vật sang một vật chủ mới (người) phải có ba khả năng: thứ nhất, trong một thời gian ngắn, A(H5N1) này sẽ tạo ra được một hiệu lực đủ khả năng gây lây truyền giữa người với người bằng cách tái hợp với các vi-rút cúm đang lưu hành ở người và gây tử vong hàng loạt (đại dịch); thứ hai, thông qua phương tiện đột biến để thích nghi trong quá trình lây được sang người hoặc lây lan giữa các động vật khác , A(H5N1) động vật phải dần giảm độc lực hoặc giảm khả năng lây lan giữa người với nhau (tình trạng như hiện nay), khả năng cuối cùng, tuy ít nhưng vẫn xảy ra đó là vi-rút mất độc lực và khi đó người sẽ trở thành đồng vật chủ của A(H5N1) như loài chim hoang dã hiện nay. Vậy thì đã chín năm rồi, đại dịch cúm A(H5N1) vẫn cứ treo lơ lửng trên đầu chúng ta; nhưng theo tôi, nếu nó xảy ra thì đã xảy ra rồi, nếu chưa thì cũng chưa chắc gì nó đã xảy ra. Mọi cái đều tồn tại trong một cặp phạm trù, có sinh thì có diệt. Một khi A(H5N1) đã có độc lực thì nó cũng ắt phải có con đường bị chế ngự, có thể “hùm chỉ thiếu vây”. Có nghĩa là nó sở đắc được mọi vũ khí cần thiết cho một đại dịch nhưng chỉ cần thiếu một thứ mà nó có thể không bao giờ có đó là khả năng lây nhiễm trực tiếp giữa người và người, tại sao không?  Và dẫu có một khả năng có một đại dịch sẽ xảy ra, nhưng chúng ta không phải lấy đó làm sợ, vì một lẽ nếu nó có là đại dịch thực sự thì chúng ta cũng không có thể dự đoán được, không có thể tiên liệu được hậu quả cho đến khi chuyện đã rồi, như câu chuyện tsunami và Katrina! Nếu chúng ta manh động quá thì chúng ta cũng sẽ trả cái giá ăn bánh vẽ như chuyện “hậu tsunami”ở Đà nẵng” và “Hậu Katrina-Rita” ở Mỹ. Chúng ta cần tỉnh táo và nhìn vấn đề có lý trí hơn.

Lại còn nói như một viên chức cao cấp trong ngành Y tế nước ta, phỏng đoán Việt Nam có thể là điểm đầu của đại dịch cúm A(H5N1) ở người, vì ông cho rằng “Việt Nam không chỉ là nơi phát hiện nhiều người và gia cầm nhiễm cúm mà còn yếu kém trong việc kiểm soát các nguồn lây”. Theo cá nhân tôi, ông phát biểu như vậy là võ đoán và không hề có một cơ sở khoa học tin cậy nào. Tuy nhiên làm lãnh đạo thì cũng phải có trách nhiệm, nhỡ đại dịch xảy ra thật thì ông có tiếng; nếu không thì cũng không ai trách móc ông lời nào.

Cũng theo giới khoa học tin rằng đại dịch cúm sẽ chắc chắn xảy ra trong vòng vài năm vì chu kỳ của dịch cúm thường là 20-30 năm; mà 37 năm qua chưa hề có đại dịch cúm quay trở lại. Mà trong khi thế giới gia cầm đang bị A(H5N1) tàn phá. Vẫn là câu chuyện “vòng quanh”, tại sao nó phải xảy ra? Vấn đề vẫn là sự hồi cứu, tức là ngồi nhẩm tính lại thời gian thấy nó có một khoảng cách như vậy, nhưng nó không hề tuân theo luật tuần hoàn như kiểu năm nhuận do chúng ta sắp đặt trước. Phải hiểu câu chuyện là người ta nhận thấy là các trong các dịch cúm đã xảy ra, thì thấy mỗi 20-30 năm có một lần (nhưng kỳ thực ba đại dịch cúm thế giới không thể dựng lên được một quy luật như thế!) chứ không thể nói cứ mỗi 20-30 năm đại dịch cúm xảy ra một lần được.

Bạn có biết không?

Con người trong cuộc sống thời hiện đại phải đối mặt với rất nhiều yếu tố nguy cơ tử vong: chiến tranh, tai nạn, bệnh tật đến từ nhiều nguồn nhiều tác nhân, thiên tai... Chúng ta thử duyệt lại một số tỷ lệ tử vong hàng năm sau đây: 

·         Mỗi năm trên thế giới có 5 triệu trẻ em chết vì mỗi một bệnh tiêu chảy; mỗi một năm cũng con số xấp xỉ trẻ em chết vì bệnh đường hô hấp;

·        Các loại tổn thương đã lấy đi mỗi năm 5 triệu sinh mạng trên toàn thế giới, chiếm tỷ lệ gần khoảng 1 trong 10 trường hợp tử vong chung trên toàn cầu;

·        Mỗi năm có khoảng 250.000 đến 500.000 người chết vì bệnh cúm trên thế giới, trong số này có 36.000 nạn nhân ở Mỹ;

·        Mỗi năm, có khoảng 1 đến 2,7 triệu người, phần lớn ở Phi châu, chết vì bệnh sốt rét; con số mới đây nhất của Tổ chức y tế thế giới cho thấy mỗi ngày bệnh sốt rét lấy đi 3000 sinh mạng  trẻ em Phi châu (xin ghi nhớ mỗi ngày và 3000 sinh mạng trẻ em);

·        Ngay cả bệnh lao vẫn giết chết gần 2 triệu người hàng năm, và 98% những người chết vì lao sống trong các nước đang phát triển;

·        Trên bình diện toàn cầu, bệnh AIDS/HIV làm chết 3 triệu người hàng năm, kể cả 61,000 trẻ em;

·        Cuộc xâm chiếm Iraq do Mĩ và Anh cầm đầu giết chết ít nhất là 10.000 người, kể cả 2.300 thường dân (thời điểm chưa đầy một năm sau khi cuộc chiến khởi sự, con số đó bây giờ đã tăng theo cấp số).

Và còn nhiều con số tử vong khác nữa. Do đó chẳng cần một đại dịch A(H5N1) hàng năm cũng đã có đến nửa triệu người chết vì cúm thông thường rồi. Vấn đề không phải là đánh giá thấp sự nghiêm trọng của bệnh cúm A(H5N1). Không, chúng ta phải nhìn nhận bệnh tật là nặng nề, đại dịch là mối hiểm nguy. Tính mạng của con người là quan trọng. Mỗi một sinh mạng là một tài sản quý giá của hành tinh. Thế nhưng chúng ta cần tránh một tâm lý sợ hãi quá đáng và thiếu thực tế. Một sự sợ hãi, một mối lo về một vụ đại dịch toàn cầu vẫn chưa xảy ra nhưng trong khi đó người dân ở các nước nghèo đã và đang ở trong một nguy cơ phá sản vì phải theo một lệnh không có cơ sở, không có căn cứ để phải tiêu huỷ cả đàn gia cầm của mình. Không những thế chăn nuôi lẻ tẻ cũng bị cấm, ăn uống cũng cấm. Chỉ vì một nguy cơ chưa xảy ra mà phải đổi lấy một nguy cơ khác trực tiếp hơn, chắc chắn xảy ra là thiếu thực phẩm (cho giới nông dân nghèo khó), suy sụp tài chính, nghèo đói, rối loạn tâm lý, tâm thần, một điều không tránh khỏi, là một nỗi ám ảnh, một hoang tưởng (paranoid) xa xỉ! 

Càng ngày chúng ta càng phải nhận thấy rằng con người cũng như mọi thực thể hữu hay vô cơ đều là một phần tử của một môi trường, một quần thể nào đó; và tồn tại trong một mối ràng buộc hữu cơ chứ không phải là một thực thể biệt lập. Bệnh tật cũng nằm trong chiều hướng đó. Cần phải nhìn nhận có một cân bằng sinh thái trong mô hình bệnh tật. Bệnh tật biến đối theo mô hình khác nhau trong từng sắc dân, từng vùng địa dư, từng tập tục sinh sống, từng hình thái kinh tế, có vẻ như không thể biến mất đi được trừ một số ít bệnh được coi là thanh toán như đậu mùa (nhưng không có nghĩa tuyệt đối). Chính vì thế mà cho đến thế kỷ XXI mà có nhiều bệnh dù khoa học đã hiểu rõ bản chất từ lâu nhưng không thể nào đặt chúng nằm trong tầm kiểm soát được chẳng hạn như bệnh Lao, bệnh Sốt rét, Sốt xuất huyết v..v…Trong chiều hướng cân bằng sinh thái đó, chúng ta khó có thể mà thanh toán hay loại trừ bệnh tật đi được. Cúm chim A(H5N1) cũng không là một ngoại lệ.

Hẹn gặp bạn trong thư sau, tôi sẽ kể chuyện với bạn về Tamiflu

Thân mến

Người ở phương xa, luôn nhớ về Hà nội

Nguyễn Đình Nguyên

           © http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org  Nguyễn Đình Nguyên