TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN - NHÀ GIÁO VÕ HỒNG

Vietsciences-  Ngô Văn Ban    01/11/2013

 

Những bài tưởng niệm nhà văn - nhà giáo VÕ HỒNG

Những bài cùng đề tài

 

 

Những bài báo theo thứ tự :

31/03/2013 - O1/04/2013 02/04/2013 - O3/04/2013  O3/04/2013 trở về sau

Võ Hồng (Thời gian mây bay)

 
 
Di ngôn


---------------------------


Sau khi tôi chết
Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết
Của những ngày u buồn trĩu nặng hồn tôi
Ðây: cây bút màu đen sớm tối không rời
Ðây: cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt
Kia: chồng sách không bao giờ ngăn nắp
Này: góc vườn, hoa rụng trải lối đi
Trên khung rào thưa, lá khẽ thầm thì
Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế
Kê sát lan can, hướng xuống mặt đường
Nơi những đêm dài, trong tối đầy sương
Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ đợi
Ðợi một người đi không hẹn trở lại
Hun hút đường dài... vun vút xe qua
những dáng ngược xuôi... những cặp hẹn hò
Bầy chó lang thang... hàng cây đứng lặng
Chia sẻ nỗi niềm: từng ngôi sao xa
Người đi không về. Giờ đang nơi đâu?
Cực lạc non Bồng hay cõi Diêm phù
Ðêm trắng trải dài... Mỏi mòn đêm trắng
Canh hai... canh ba... từng canh qua mau
Cho đến một ngày kia... tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ
Hạnh phúc yêu thương... Băng giá mây mù ...
Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó
Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu.


 

***
 



NHỮNG BÀI BÁO, BÀI VIẾT

TƯỞNG NIỆM

 NHÀ VĂN - NHÀ GIÁO

VÕ HỒNG

THẦY VỀ CÕI VĨNH HẰNG

HỒI 14 GIỜ NGÀY 31 THÁNG 3 NĂM 2013

(NGÀY 20 THÁNG 2 NĂM QUÝ TỴ)

THỌ 93 TUỔI TA

TƯỞNG NIỆM NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU
NHÀ VĂN - NHÀ GIÁO VÕ HỒNG

Học trò cũ : NGÔ VĂN BAN
thực hiện và trình bày
KÍNH VIẾNG THẦY
 

TƯỞNG NIỆM VỀ MỘT NGƯỜI THẦY - NHÀ VĂN, NHÀ GIÁO VÕ HỒNG

 

 

  Bên Thầy năm xưa ... (2005)

Ngày 31.3.2013 (20 tháng 2, Quý Tỵ), lúc 14 giờ, Người Thầy Kính Yêu của tôi đã vĩnh viễn ra đi... sau 92 năm sống nơi trần thế...

Tôi học văn Thầy Võ Hồng tại trường Trung Học Bồ Đề vào những năm 50 của thế kỷ trước. Sau này, ra trường, vợ chồng tôi thường đến thăm Thầy. Thầy sống cô đơn trong căn phòng trên sân thượng của ngôi nhà 1 tầng.

Những năm 80, tôi có 3 tập sưu tập những bài viết về Thầy và những bài Thầy viết trước năm 1975 mà tôi có trong tủ sách gia đình. Khi xem xong 3 tập, Thầy đã viết cho tôi những dòng sau đây:

Sau ngót 20 xa cách, ngẫu nhiên vào ngày 1.1.1988, Đông Hải, Đăng Hà và Ngô Văn Ban rủ tôi cùng đi thăm Yến, Sự.

Ghé lại nhà Ban, bất ngờ mà được biết rằng tôi đã được hân hạnh làm thầy giáo của vợ Ban nữa. Ban đưa cho tôi xem một xấp dày... phải nói là một đống... những truyện mà tôi đã đăng đó đây: Bách Khoa, Văn, Tân Văn .v.v.

Ngày 24.11.88, Ban tới thăm và đưa cho tôi xem 3 tập đã đóng lại kỹ, sắp xếp lớp lang, từ cái “đống” văn chương của tôi.

Có thể tin được không ? Rút cái truyện từ một tạp chí, tốn công không ít (tôi đã từng làm, tôi biết) lại thường làm tổn hại bài thơ, cái truyện in kề. Tạp chí còn lại mất trên 50% giá trị .v. v.

Vậy mà Ban đã làm. Hỏi khắp nơi có ai làm vậy không ? Ai cũng nghĩ rằng đó không phải là do Ban thưởng thức văn chương mà là do tấm lòng của Ban đối với người thầy cũ. Trân trọng vậy đó. Y như thời Chu Văn An, thời Tống, thời Đường, không khí của Minh Tâm Bửu Giám, Nhị Thập Tứ Hiếu...

Ngô Văn Ban ơi !

Tôi biết dùng lời gì để nói hết niềm xúc động ? Sự kiện mang tính chất một giai thoại, một biểu trưng. Không, tôi không muốn dùng từ ngữ. Tôi muốn nói nôm na, tôi mượn một hình ảnh hồn nhiên: đây là một đóa hoa, hoa cỏ đơn sơ, màu vàng cánh mỏng, đóa hoa không tên, dành riêng cho đôi mắt biết nhìn, cho tâm hồn biết rung động.

Cảm tạ thâm tình của Ngô Văn Ban

Võ Hồng

Nha Trang 26.11.88.

 

Năm 2000, tôi lại sưu tập và thực hiện một tập khổ A4, dày 275 trang, photo một mặt, tập hợp trên một trăm bài viết về Thầy và những bài Thầy viết, được đăng trên các báo, tạp chí trong Tỉnh và trong nước từ sau 1975. Tôi đưa đi photocoppy những bài đó và đóng thành tập mang tên KÉO DÂY GỌI VÕ HỒNG.

Trong Lời đầu, tôi có viết:

Kính dâng THẦY VÕ HỒNG

Tập sưu tập những bài viết về Thầy và những bài Thầy viết.

Như biểu hiện một tấm lòng của một người học trò cũ năm xưa - nay đầu đã bạc

để tỏ lòng biết ơn

lòng kính trọng

Như một kỷ niệm về một người Thầy

một người Thầy đã dẫn con vào con đường văn học, văn chương, nghiên cứu...

đã dạy con cách sống, cách nghĩ, cách đối nhân xử thế...

mà Thầy là một tấm gương sáng con mãi học và noi theo

Đến thăm Thầy, ngôi nhà số 51 Hồng Bàng (Nha Trang)

Kéo dây - gọi Võ Hồng

Nơi con đã từng đến - và biết bao người đến với Thầy

đến trò chuyện với Thầy

đến chia sẻ với Thầy những niềm vui cùng những nỗi cô đơn ...

đến... và kính chào Thầy về, Thầy tiễn ra ngõ... đã nhiều lần con bật khóc...

Đến thăm Thầy, ngôi nhà số 51 Hồng Bàng (Nha Trang)

Kéo dây - gọi Võ Hồng

Con mong được đến với Thầy nhiều lần, nhiều năm và... mãi mãi...

Và khi nào con không đến được

con sẽ ở bên Thầy qua SƯU TẬP này

con mong ước như thế

Kính Thưa Thầy ...

HỌC TRÒ CŨ CỦA THẦY

NGÔ VĂN BAN

Nha Trang, tháng 3/2000

Và tháng 3 này, 2013... không còn Thầy để con đến thăm..., trò chuyện... chia sẻ...

    Ôi Thầy !  ...

 

 

Sưu tập những bài viết sau 1975

 

Ba cuốn sưu tập những bài viết của thầy Võ Hồng trước 1975

 

 

Ngô Văn Ban

 

 

 

***

 

 

Kính bái biệt thầy Võ  Hồng - Nhà giáo, Nhà Văn, một Phật tử thuần thành

Thầy giáo Võ Hồng, Nhà giáo, Nhà Văn  đã vĩnh biệt chúng ta sau 7 năm lâm bệnh. Vì tuổi già, sức yếu như đèn hết dầu đèn tắt, Thầy đã vĩnh viễn ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản vào lúc 14 giờ ngày 31-03-2013 (nhằm ngày 20-02-Quý Tỵ) tại nhà riêng 51 đường Hồng Bàng, phường Tân Lập, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hưởng thọ 93 tuổi.

Sáng nay 01-4 trời Nha Trang đang quang đản bỗng đổ cơn mưa vào lúc 8 giờ, đó cũng là thời điểm lễ nhập quan của Thầy Võ Hồng. Sau đó, nhiều thế hệ đồng nghiệp, học trò cũ đã đến viếng, khóc Thầy.

Theo người cháu gọi thầy bằng Bác- Võ Thanh Vân cho biết: Thầy sinh ngày 05-5- 1921 tại làng Ngân Sơn xã  An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thuở nhỏ học ở trường làng Ngân Sơn, trường phủ Tuy An, trường huyện Sông Cầu, rồi ra học trường trung học Quy Nhơn (Bình Định). Năm 1940 học ban tú tài ở Hà Nội. 

Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, ông làm bí thư tòa tổng đốc 4 tỉnh miền Nam Trung Việt đóng tại Ðà Lạt. Trong thời kháng chiến ông cùng vợ dạy học ở Trường trung học Lương Văn Chánh (Phú Yên), sau đó làm hiệu trưởng trường này. 

Năm 1953 ông bị bệnh xin nghỉ dài hạn. Năm 1954 đưa gia đình về sống ở Ðà Lạt. Từ năm 1956 về sống ở Nha Trang, dạy học ở các trường Bồ Đề, làm nhiệm vụ của người Phật tử. Thầy dạy học rồi làm Hiệu trưởng trường Bán công Lê Quý Đôn. Sau năm 1975 Thầy làm Hiệu trưởng trường PTCS Tân Lập 2 (Lê Quý Đôn) và nghỉ hưu năm 1982. 

Về văn nghiệp, tính đến nay Võ Hồng đã cho ra đời ngoài 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình…

Cả cuộc đời Thầy dạy học và viết văn. Nhà văn đã để lại cho chúng ta những tác phẩm rất nổi tiếng, nằm lòng với nhiều thế hệ người đọc, nhất là những tác phẩm viết về quê hương, gia đình, giáo dục... như Hoài cố nhân, Một bông hồng cho cha, Nửa chữ cũng thầy…

Lúc Thầy Hồng đi xa các con của Thầy đều không có mặt, anh Hào đang ở Đức, chị Hằng đang ở Pháp. Mặc dù sáu, bảy năm bệnh tật kéo dài, chị Hằng- người con gái cưng của Thầy luôn bên cạnh tận tụy, chu đáo, chăm sóc thuôc men, cơm cháo. Chị Hằng vừa đi Pháp, khoảng hơn 10 ngày, thì nay đã mất cha. Bên giường thầy nằm an giấc có người em ruột là cụ Võ Đình Khoa, đã 84 tuổi, cùng các cháu gọi bằng bác ngồi cạnh nhìn thầy và cùng nghe kinh Phật phát ra từ chiếc máy tụng kinh gắn trên tường. Ôi! Vô thường già chết chẳng hẹn cùng người, sớm còn, tối mất, chỉ một sát na đã qua đời khác.

Lễ di quan tiễn biệt Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng sẽ tổ chức vào lúc 15 giờ, ngày 04-04-2013, an táng tại nghĩa trang Suối Đá, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa)

Trí Bửu

Nha thành 01/4/2013

http://www.ninhhoatoday.net/tlkky66-VoHong.asp

 

***

 

Nhà văn Võ Hồng đã qua đời

31/03/2013 19:08 (GMT + 7)

 
 
TTO - Nhà văn lớn Võ Hồng vừa qua đời lúc 14g ngày 31-3 (20-2 năm Quý Tỵ) tại nhà riêng ở đường Hồng Bàng, TP Nha Trang (Khánh Hòa), thọ 92 tuổi.

Nhà văn Võ Hồng ký tặng sách - Ảnh: V.T

 

Tác giả Hoài cố nhân, Một bông hồng cho cha, Vết hằn năm tháng, Lá vẫn xanh, Thương mái trường xưa, Vẫy tay ngậm ngùi, Nửa chữ cũng thầy, Vùng trời thơ ấu, Chúng tôi có mặt… sinh ngày 5-5-1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An (Phú Yên).

Từ năm 2006, do tuổi cao, ông đã có lần bệnh rất nặng phải nhập viện cấp cứu và điều trị.

Nhiều tác phẩm của nhà văn Võ Hồng đã được trích giảng trong sách giáo khoa văn cho chương trình trung học trước năm 1975. Sau năm 1975, văn nghiệp của ông là đề tài cho nhiều luận án tiến sĩ, thạc sĩ văn chương.

Văn chương của ông đề cao tình yêu quê hương thôn dã, tình cảm gia đình, tình thầy trò, bằng hữu.

Theo website mang tên nhà văn Võ Hồng (http://www.vohong.de), thuở nhỏ Võ Hồng học ở trường làng Ngân Sơn, trường phủ Tuy An, trường huyện Sông Cầu, rồi ra học trường trung học Quy Nhơn (Bình Định). Năm 1940 học ban tú tài ở Hà Nội. 

Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, ông làm bí thư tòa tổng đốc 4 tỉnh miền Nam Trung Việt đóng tại Ðà Lạt. Trong thời kháng chiến ông cùng vợ dạy học ở Trường trung học Lương Văn Chánh (Phú Yên),  sau đó làm hiệu trưởng trường này. 

Năm 1953 ông bị bệnh xin nghỉ dài hạn. Năm 1954 đưa gia đình về sống ở Ðà Lạt. Từ năm 1956 về sống ở Nha Trang, dạy học ở các trường tư thục và nghỉ hưu năm 1982. Về văn nghiệp, tính đến nay Võ Hồng đã cho ra đời ngoài 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình…

Trong đó, truyện ngắn đầu tay Mùa gặt của ông được đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Hà Nội năm 1939 với bút hiệu Ngân Sơn, khi ấy ông còn là một học sinh đệ tam niên (theo hệ giáo dục thời đó). Mãi đến năm 1959 ông mới gia nhập làng văn với tác phẩm đầu tay Hoài cố nhân… Sau năm 1975, trong một số tác phẩm của mình, Võ Hồng đã ký bút hiệu Võ An Thạch hoặc Võ Tri Thủy…  

Gia đình cho biết ông ra đi đột ngột và nhẹ nhàng trong giấc ngủ trưa. Lễ khâm liệm lúc 8g sáng 1-4, di quan lúc 15g chiều 4-4 (24-2 âm lịch), an táng tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).

V.T. - PHAN SÔNG NGÂN

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/540640/nha-van-vo-hong%20da-qua%20doi.html

 

***

 

 

Vĩnh biệt nhà giáo - nhà văn Võ Hồng

Khoảng 14g ngày 31-3-2013, nhà giáo - nhà văn Võ Hồng đã tạ thế tại nhà riêng (51 Hồng Bàng, TP Nha Trang, Khánh Hòa), hưởng thọ 92 tuổi. Nhà văn Võ Hồng - cũng chính là tên thật của ông - sinh ngày 5-5-1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nhiều tác phẩm của nhà văn Võ Hồng rất nổi tiếng và đã nằm lòng với nhiều thế hệ người đọc, nhất là những tác phẩm viết về quê hương, gia đình, giáo dục... như Hoài cố nhân, Một bông hồng cho cha, Nửa chữ cũng thầy...

Tính đến nay, nhà văn Võ Hồng đã cho ra đời tám tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình... Ông còn có những bút hiệu Ngân Sơn, Võ An Thạch, Võ Tri Thủy... Ông cũng là cộng tác viên thường xuyên trong nhiều năm của báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật trước đây (nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần).

Chiều 31-3, bà Nguyễn Thị Đạm (69 tuổi) - một trong những học trò của ông và chị Nguyễn Thị Mỹ Liên (ở Bình Cang, TP Nha Trang, là người được xem như cháu và trực tiếp chăm sóc cho nhà văn Võ Hồng từ nhiều năm qua) cho biết ông ra đi rất nhẹ nhàng... Chị Liên kể khoảng 11g trưa, trong lúc bón cơm cho ông ăn, chị còn trò chuyện, nói vui với nhà văn Võ Hồng: “Ông ơi, khi nào con có tiền làm được nhà mới con đón ông lên nhà của con chơi nghe ông”. Nhà văn đã mỉm cười, gật đầu nhận lời và “ừ” vui với chị... Thế nhưng, sau khi được đưa lên giường nằm nghỉ thì chỉ vài giờ sau, khoảng 14g cùng ngày, nhà văn Võ Hồng đã ra đi...

Buổi chiều ra đi, bàn tay nhà văn Võ Hồng vẫn còn hơi ấm. Nhìn gương mặt nhà văn đầy vẻ nhẹ nhàng, thanh thản như ông còn đang trong giấc ngủ trưa chưa kịp trở dậy. Những người con của nhà văn Võ Hồng đều ở nước ngoài chưa kịp trở về. Bên giường ông nằm an giấc có người em ruột là cụ Võ Đình Khoa, đã 84 tuổi, ngồi cạnh nhìn ông và cùng nghe kinh Phật phát ra từ chiếc máy tụng kinh gắn trên tường. Chị Liên vẫn quanh quẩn bên ông, chỉnh lại áo vest đã mặc cho ông để thấy chiếc càvạt ngay ngắn hơn và sửa chiếc mũ trên đầu cho ông như ông thường vẫn đội...

Theo những học trò, người thân đang ở bên nhà văn Võ Hồng, ngày giờ để lo liệm cho nhà văn Võ Hồng là 8g sáng nay (1-4-2013) và giờ di quan, đưa ông về với cõi ngàn thu là 15g ngày 4-4-2013. 

PHAN SÔNG NGÂN

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/540704/thay-da-ve-dau-non.html

 

 

***

 

Nhà văn Võ Hồng đã về cõi vĩnh hằng lúc 14 giờ, ngày 31/3/2013,  hưởng thọ 93 tuổi, tại Nha Trang.

Võ Hồng là tên thật và là bút danh. Ông sinh ngày 5/5/1921 tại làng Ngân Sơn, An Thạch, Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông viết văn từ rất sớm, năm 1939 đã có truyện ngắn đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy. Hơn 60 năm gắn bó với văn chương, Võ Hồng đã để lại một gia tài văn học gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn cùng nhiều tùy bút, bút ký, trong đó có những tác phẩm ghi dấu ấn tên tuổi Võ Hồng như Trầm mặc cây rừng, Bên kia đường, Hoài cố nhân...

Thầy Ngô Văn Ban, một cộng tác viên của
www.ninhhoatoday.net, là học trò của của nhà văn Võ Hồng, từ Nha Trang, đã kịp thờighi lại những cảm xúc và kỷ niệm của mình với thầy Võ Hồng, gởi bài viết đến trang nhà vào ngày 3/4/2013, trước ngày tiễn đưa thầy Hồng về nơi an nghỉ cuối cùng

(4/4/2013)...

 

 

http://www.ninhhoatoday.net/vanky66-8.asp

 

***

 

Báo KHÁNH HÒA

Ngày 1/4/2013

 

Nhà văn Võ Hồng đã qua đời lúc 14 giờ ngày 31-3 vì tuổi cao, sức yếu.

Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 5-5-1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 1939, nhà văn Võ Hồng đã có truyện ngắn đầu tay Mùa gặt đăng trên "Tiểu thuyết thứ Bảy" với bút hiệu Ngân Sơn. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông và vợ cùng dạy học ở Phú Yên. Năm 1954, ông nghỉ dạy học đưa gia đình lên sống ở Đà Lạt. Năm 1956, ông đưa vợ con về Nha Trang làm nghề dạy học ở các trường tư thục, viết văn và gắn bó với mảnh đất này cho đến những năm cuối đời. Năm 1959, nhà văn Võ Hồng cho in tập truyện đầu tay Hoài cố nhân được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Sau đó, nhà văn đã lần lượt cho xuất bản các tác phẩm: Lá vẫn xanh, Vết hằn năm tháng, Con suối mùa xuân, Khoảng mát, Bên kia đường, Những giọt đắng, Hoa bươm bướm, Người về đầu non, Nhánh rong phiêu bạt, Trầm mặc cây rừng, Trong vùng rêu im lặng, Thiên đường ở trên cao, Chia tay người bạn nhỏ, Một bông hồng dâng cha, Thương mái trường xưa, Hồn nhiên tuổi ngọc, Thời gian mây bay...

Tác phẩm của nhà văn Võ Hồng bao gồm nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết, truyện viết cho thiếu nhi… Những trang văn của ông bắt gặp nét tinh tế trong diễn đạt; lời văn trong sáng, trau chuốt và đậm chất thơ. Với một tâm hồn nhân hậu, một cuộc sống đầy trải nghiệm, nhà văn Võ Hồng gửi đến người đọc thông điệp đầy tính nhân văn, kêu gọi tình thương con người. Chính vì vậy, qua nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ độc giả đều yêu mến tác phẩm của ông.

X.T

 

 

***

http://vandanvn.net 

Ngày 31/3/2013

Vô cùng thương tiếc nhà văn Võ Hồng

VanDanViet.Net: Được tin nhà văn Võ Hồng đã ra đi vĩnh viễn vào lúc lúc 2 giờ chiều ngày 31.03.2013. Chúng tôi kính báo tin cùng bạn bè thân hữu trong và ngoài nước để được cùng chia xẻ sự buồn đau mất mát này…

TM VDV Vũ Đình Ninh

 

***

CHIA BUN

Vào ngày 31.03.2013, lúc 2 giờ chiều, Nhà văn Võ Hồng đã ra đi vĩnh viễn tại nhà riêng số 53 đường Hồng Bàng - Thành Phố Nha Trang, hưởng thọ được 93 tuổi (1921-2013).

Lễ nhập quan lúc 8 giờ ngày 01.04.2013, di quan lúc 15 giờ chiều ngày 04.04.2013. An táng tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm- Khánh Hòa).

Chúng tôi xin chia buồn cùng gia đình Nhà văn Võ Hồng và cầu chúc hương linh ông sớm siêu thoát chốn vĩnh hằng.

Ngày 31.3.2013

Thành kính,

Trúc Thanh Tâm, Vũ Đình Ninh, Nguyễn Đăng Trình, Trần Mai Hường, Trần Hinh, Ngọc Châu và toàn BBT VanDanViet.Net

 

 

***

 

 

Vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng!

(LĐ) - Số 70 - Thứ hai 01/04/2013 05:51

Tuổi cao, sự sống báo hiệu rung rinh từ 5 năm trước, rồi hôm qua (31.3.2013), lúc 14 giờ, nhà văn Võ Hồng  đã trút hơi thở cuối cùng giữa cô đơn, quạnh quẽ.

Gần xế chiều, nhận tin báo, tôi đến thăm ông lần chót, vẫn kịp ngắm tác giả “Hoài cố nhân” ngủ ngon trong chiếc võng thời gian. Vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng!

Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 5.5.1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên). Năm 1939, truyện ngắn đầu tay “Mùa gặt” đã được đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy với bút hiệu Ngân Sơn, nhưng mãi đến năm 1959 ông mới gia nhập làng văn với tác phẩm “Hoài cố nhân”. Sau 1975, nhà văn Võ Hồng giới hạn sinh hoạt văn nghệ của mình nơi địa phương Khánh Hòa, trong đề tài giáo dục và tuổi thơ. Năm 1977, ông gia nhập Hội Nhà văn VN. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông đã cho ra đời 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký và 10 tập truyện, thơ viết cho thiếu nhi cùng 40 bài viết, khảo cứu, phê bình...

Cô Đạm - học trò cũ và là “người thương” luôn bên cạnh thầy giáo, nhà văn Võ Hồng trong suốt thời gian ông lâm bệnh - kể: “Từ lâu, thầy đã không thể tự chăm sóc bản thân, nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Buổi trưa sau khi dùng bữa, thầy nói mệt, muốn được ngủ yên. Và ngủ luôn! Các con của thầy đều ở nước ngoài, đang trên đường về. Chỉ có bạn đọc và bạn văn lui tới...”.

Còn nhớ, lúc sinh thời, nhà văn Võ Hồng tự nhận mình là người nông dân, âm thầm “gieo chữ” trên cánh đồng nhân ái. Mọi người mến yêu, trân trọng ông, bởi có thể tìm thấy trên từng trang văn tấm lòng nhân hậu của một con người bình dị, chân thành với cuộc sống đầy trải nghiệm. Viết về quá khứ hay hiện tại, viết cho người lớn hay trẻ em, dù thể loại nào, nhà văn Võ Hồng đều gửi đến người đọc thông điệp, rằng: “Trong hoàn cảnh mất mát, khổ đau đến đâu, con người chúng ta vẫn có thể tìm được hạnh phúc. Miễn là chúng ta cảm thông, tôn trọng, yêu thương nhau và vì nhau trong cuộc đời”. Bởi vậy, khi đọc “Hoài cố nhân”, “Lá vẫn xanh”, “Vết hằn năm tháng”, “Trong vùng rêu im lặng”, “Lời sám hối của cha” hay “Bông hồng dâng cha”..., dẫu gặp cái buồn phảng phất hay sâu cay, tâm trạng người đọc không chùng xuống, không mất mát mà dường như bình tĩnh, thanh thản hơn. 

15 năm trước, lần đầu tiên gặp Võ Hồng, nhà văn nói với tôi : “Sự sống vốn dễ rung rinh, chẳng chóng thì chày rồi cũng tới một ngày, thậm chí trong thoáng chốc, ta chỉ còn nhìn thấy người thân trong trí nhớ”. Bây giờ, vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng, tôi có cảm giác, từ lâu, chiếc võng thời gian vẫn kẽo kẹt giữa quạnh quẽ, cô đơn!

Bảo Chân

 

***

 

Nhà văn Võ Hồng qua đời

Chủ Nhật, 31/03/2013 19:30

(NLĐO) - Chiều 31-3, nhà văn Võ Hồng đã từ trần tại tư gia ở 53 đường Hồng Bàng, TP Nha Trang, Khánh Hòa, hưởng thọ 92 tuổi.

 

Nhà văn Võ Hồng. Ảnh: Gia đình nhà văn cung cấp
 
 
Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 5-5-1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An - Phú Yên.
 
Ông được đánh giá là một trong những nhà văn lớn của Việt nam. Truyện ngắn đầu tay “Mùa gặt” của ông  được đăng trên báo Tiểu Thuyết thứ Bảy, Hà Nội vào năm 1939 với bút hiệu Ngân Sơn. Đến năm 1959, ông gia nhập làng văn với tác phẩm Hoài cố nhân.

Văn của ông chứa đựng sự gắn bó yêu thương con người, yêu thương quê hương, dân tộc một cách tự nhiên. Dưới ngòi bút Võ Hồng, hình ảnh quê hương Việt nam, con người Việt Nam được ghi lại như những bức tranh sinh động, trung thực và đầy rung cảm.

Tác phẩm văn chương của ông gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, truyện viết cho thiếu nhi; hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình văn học.

Từ năm 2006, do tuổi cao, ông đã có lần bệnh rất nặng, phải nhập viện cấp cứu và điều trị.

Gia đình cho biết ông ra đi đột ngột và nhẹ nhàng trong giấc ngủ trưa. Lễ khâm liệm sẽ diễn ra lúc 8 giờ ngày 1-4, di quan lúc 15 giờ chiều ngày 4-4, an táng tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).

K.Nam - V.Tạo

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:

·        Lê Anh Chi

01/04/2013

Xin chân thành chia buồn với gia đình. Những truyện ngắn của Võ Hồng rất chân thật, bình dị và đằm thắm tình người, xưa kia đã được đưa vào giảng dạy. Có những truyện ngắn của ông chỉ cần đọc một lần sẽ nhớ suốt đời vì giá trị luân lý, nhân sinh quan bàng bạc trong đó. Mong ông yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.

·        hai Nhách

01/04/2013

Tùy bút MỘT BÔNG HỒNG CHO CHA của nhà văn Võ Hồng, tôi đã đọc trên Tuổi Trẻ chủ nhật cách nay 20 năm. Tùy bút thật là hay và ý nghĩa.

·        Lâm Ly

01/04/2013

Cầu chúc cho ông được siêu thoát, vĩnh biệt tác giả Thiên đường ở trên cao, nơi ông sẽ đến.

·        hoahong

01/04/2013

Những dòng văn của ông để lại cho đời rất thực hồn quê sông Ngân phường Lụa . Tôi là lớp con cháu của ông vẫn nhớ tài danh trên văn đàn VN . Một ngôi sao vừa tắt , một hồn văn vang mãi dòng đời .Xin viếng ông một vòng hoa vạn thọ .

http://nld.com.vn/mai-vang/nha-van-vo-hong-qua-doi-20130331070312459.htm

 

***

 


Thầy đã về đầu non...

01/04/2013 09:16 (GMT + 7)

 
 
TT - Từ sau tết, nghe tin nhà văn Võ Hồng trở bệnh nặng, chúng tôi có chuẩn bị tinh thần để nhận tin ông ra đi - một việc sẽ đến, sắp đến, không thể nào tránh được.

 

Nhà văn Võ Hồng tại nhà riêng ở TP Nha Trang năm 2005 - Ảnh: T.T.D.

Nhưng chiều nay nhận tin, sự chuẩn bị ấy lập tức bị lung lay chao đảo. Thế là hết, từ nay tôi vĩnh viễn không được gặp thầy nữa, không được nghe ông nói chuyện với cách xưng hô “qua/em”, kèm theo nụ cười nửa miệng khó phân biệt khen chê.

Tôi được gần gũi với nhà văn Võ Hồng đến nay đã hơn 60 năm, từ thuở là một cậu học trò buổi đầu bậc trung học quần đùi chân đất. Ông thầy dạy môn quốc văn với bàn tay tài hoa vừa giảng giải vừa minh họa đã lôi cuốn cả thế hệ chúng tôi say mê văn chương, dù sau này không mấy đứa đi theo cái nghiệp ấy. Tính thầy khoan hòa mà nghiêm minh, không nặng lời nhưng những lời quở trách có một chút dí dỏm, một chút mỉa mai đủ làm cho học trò trong sự kính mến có một phần sợ sệt không nhỏ.

Khi tôi đến tuổi trưởng thành, tập tễnh vào làng văn, cùng có bài trên một tạp chí, tất nhiên không còn sự sợ sệt ấu thời, nhưng khi ngồi đối diện với thầy, được thầy gọi là “em”, xưng “qua”, vẫn nhìn thầy là một thần tượng. Chúng tôi đón nhận tập truyện Hoài cố nhân - tác phẩm đầu tiên của thầy được xuất bản như một tin mừng, cảm thấy mình như cũng được truyền cho niềm hãnh diện. Chúng tôi sống với những làng xóm được thầy nhắc đến, cùng nhau đi tìm người mẫu thực của các nhân vật, và không ít những trang thư cho nhau nhắc mãi đến thầy. Những tác phẩm sau đó của thầy tôi đều được đọc, có lẽ không sót tập nào, cả tập thơ và những câu suy tư ngắn gọn: Người về đầu non, Gió cuốn, Nhánh rong phiêu bạt, Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay, Lá vẫn xanh, Chúng tôi có mặt, Trầm tư...

Một cách thật chí công thì cách nhìn như thế cũng có phần thiên lệch, bởi chúng tôi đã đọc nhà văn qua một ông thầy. Nhưng tiếp xúc với những độc giả hoàn toàn khách quan thì sự mến mộ nhà văn Võ Hồng còn hơn cả chúng tôi. Võ Hồng viết bằng cả tấm lòng nhân hậu, những vùng quê ông miêu tả nhiều nơi thật nghèo khó khô cằn, nhưng dưới ngòi bút của ông dàn trải sự bao dung trìu mến, những nhân vật của ông cho dẫu là “phản diện” vẫn được tha thứ, thông cảm. Một điều hơi “lạ” là những chàng trai của Võ Hồng luôn luôn nhút nhát trước tình cảm, luôn luôn tỏ ra mình là người “quân tử”, không dám “dấn thân” nên đa số đều “thất tình”, nhưng rất chung tình, ôm ấp những mối sầu cảm đơn phương.

Phải chăng đó là do cuộc sống của ông? Chịu cảnh gà trống nuôi con khá sớm, không dám tục huyền, vì lo sợ điều gì? Lo sợ không tìm lại được hạnh phúc đã mất, lo sợ cho tương lai các con, lo sợ một điều tiếng hay lo sợ những chuyện có thể xảy ra mà cũng có thể không xảy ra, cái kiểu lo sợ của những người ưa suy nghĩ? Chúng tôi chịu, không “khai thác” được điều gì ở thầy, nhiều lúc ông đang nói cười vui vẻ bỗng lim dim đôi mắt mơ màng như nhập định.

Có điều chúng tôi biết rõ là ông rất khắt khe trong cách viết, luôn luôn đòi hỏi sự trong sáng trong văn phong để chuyển tải sự trong sáng của tâm hồn tác giả. Ông cũng rất khắt khe với các bản in, luôn luôn phàn nàn về những lỗi in sai, những lỗi biên tập ẩu. Ông dùng bút tự sửa hoặc làm bản đính chính đầy đủ trước khi tặng sách. Những lần như vậy tôi thấy ông nhăn nhó tỏ vẻ rất khó chịu.

Ai đến thăm ông vào những năm tháng cuối đời đều có chung một cảm nghĩ không dám nói ra. Các con ông ở xa, ông một mình lặng lẽ trên căn gác với sách vở và sách vở. Nhìn nét mặt rạng rỡ của thầy khi chúng tôi đến thăm, cách dẫn dắt khéo léo như níu kéo để có thời gian trò chuyện, thái độ bịn rịn không muốn tiễn khách, chúng tôi hiểu thấu sự cô đơn của thầy. Song, đâu dễ gì thầy để lộ ra. Thầy có nói về thầy Trần Sĩ là con sư tử rừng Hóc Lá, thì thầy ít nhất cũng là một con cọp bạch dưới chân núi A-man, dễ gì để cho chúng tôi bắt mạch. Có một người tự nguyện đến săn sóc thầy, liệu có an ủi được thầy, có lấp được những trống vắng để đem lại cho thầy một khoảng mát. Tôi thật tình cảm phục trước sự hi sinh lớn lao ấy.

Với tôi và nhiều bằng hữu, thầy Võ Hồng, nhà văn Võ Hồng tất nhiên không phải là một người “hoàn hảo”, không phải truyện ngắn nào, bài thơ nào của thầy chúng tôi cũng tán đồng, cũng thích, nhưng muốn bắt chước nhân cách thân ái, bao dung, khiêm tốn của ông, muốn noi theo gương ông cần cù, nhẫn nại, nghiêm cẩn trong sáng tác, là việc không thể nào chúng tôi mong được.

TRẦN HUIỀN ÂN

 

***

 

 

Nhà văn Võ Hồng từ trần

Dân Việt - Chiều 31.3, tại tư gia TP.Nha Trang (Khánh Hòa), nhà văn Võ Hồng, tác giả của tiểu thuyết “Thiên đường ở trên cao” đã từ giã cõi trần, hưởng thọ 92 tuổi. Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 5.5.1921 tại làng Ngân Sơn, An Thạch, Tuy An- Phú Yên.

Nhà văn Võ Hồng, một trong những nhà văn lớn Việt nam, một nhà sư phạm lão thành. Tác thẩm đầu tay của ông được ghi nhận là “Mùa gặt”, đăng trên báo Tiểu Thuyết thứ Bảy, Hà Nội năm 1939 với bút hiệu Ngân Sơn. Nhưng năm 1959, ông mới thực sự gia nhập làng văn với tác phẩm “Hoài cố nhân”.

Nhà văn Võ Hồng - ảnh gia đình nhà văn cung cấp

Văn của ông chan hòa tình tự dân tộc một cách tự nhiên. Dưới ngòi bút Võ Hồng những hình ảnh quê hương Việt nam, con người Việt nam trong những giai đoạn quá khứ đã được ghi lại như những bức tranh sinh động, trung thực và rung cảm.

Cho đến nay ông đã cho ra đời ngoài 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình…

Giáo sư Trần Hữu Tá đã có lần viết trên báo Tuổi trẻ: “Võ Hồng viết khá nhiều tiểu thuyết. Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay, Gió cuốn, Nhánh rong phiêu bạt, Thiên đường ở trên cao... những tác phẩm đó cũng có sức hấp dẫn đáng kể.

Nhưng thành thật mà nói, truyện ngắn mới là lĩnh vực ông sở trường. Trong ngôi nhà thể loại xinh xắn này, nhà văn từ tốn và có khi nhỏ nhẹ thầm thì, trò chuyện cùng người đọc. Nội dung của cuộc tâm sự ấy không có những sự việc dữ dội, quyết liệt, rất hiếm những tình tiết quyết liệt lắt léo. Đó thường là những truyện ngắn phi cốt truyện nhưng chứa đựng rất nhiều tâm trạng.

Nhân vật chân thành trải lòng mình trên trang giấy, mong nhận được sự cảm thông của những người tri kỷ… Ít có nhà văn nào nghiêm khắc với văn của mình như Võ Hồng. Vì thế tôi có cảm giác mỗi tác phẩm của ông như một tiếng đàn độc huyền, rung lên rồi cứ ngân vang không dứt trong tâm tưởng người đọc giữa đêm vắng…”

Mai Khuê

http://danviet.vn/van-hoa/nha-van-vo-hong-tu-tran/131276p1c30.htm

 

***

 

Vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng

HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

01-04-2013 04:14:39 PM

VanVN.Net - Nhà văn Võ Hồng qua đời lúc 14g ngày 31/3/2013 (tức ngày 20 tháng 2 năm Quý Tỵ) tại nhà riêng ở đường Hồng Bàng, TP. Nha Trang (Khánh Hòa), thọ 92 tuổi. Lễ khâm liệm tiến hành vào 8g sáng 1/4/2013, di quan lúc 15g ngày 4/4/2013 (tức 24/2 âm lịch), an táng tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).

VanVN.Net xin thông báo tin buồn tới toàn thể hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc yêu mến nhà văn Võ Hồng. VanVN.Net xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nhà văn Võ Hồng.

 

Tiểu sử và tác phẩm của nhà văn Võ Hồng:

Bút danh khác: Võ An Thạch, Ngân Sơn

Họ và tên khai sinh: Võ Hồng. Sinh ngày 05 tháng 05 năm 1921. Quê quán: xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại: 51 Hồng Bàng, Nha Trang, Khánh Hòa. Vào Hội năm 1982.

QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Học trường trung học Quy Nhơn. 1940 học tú tài ở Hà Nội. Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim làm bí thư tòa Tổng Đốc 4 tỉnh miền Nam Trung Việt đóng tại Đà Lạt. Trong kháng chiến Trưởng ty Bình dân học vụ tỉnh Phú Yên, 1949. Từ 1956 – 1975 dạy ở trung học bán công Lê Quý Đôn và sau đó làm Hiệu trưởng trường PTCS Tân Lập, Nha Trang đến 1978, nghỉ hưu. Truyện ngắn đầu tay Mùa gặt được đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy (Hà Nội, 1939) với bút hiệu Ngân Sơn, khi còn là học sinh đệ tam.

TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Đã viết 30 cuốn sách, trong đó có Truyện dài: Hoa bươm bướm (1966), Người về từ đầu non (1968), Gió cuốn (1969), Nhánh rong phiêu bạt (1970), Như cánh chim bay (1971), Thiên đường ở trên cao (1978), Tập truyện ngắn: Hoài cố nhân (1959), Lá vẫn xanh (1962), Trong vùng rêu im lặng (1988), Vẫy tay ngậm ngùi (1992), Vùng trời thơ ấu (1995). Hồn nhiên tuổi ngọc (thơ, 1993); Thời gian mây bay (thơ, 1996); Một bông hồng cho cha (tùy bút, 1994); Trầm tư (đoản văn, 1995); Chúng tôi có mặt (2001), Thơm ngát hương cau (2001); Tuổi thơ êm đềm (2002), Tuyển tập Võ Hồng (2003); Tiếng chuông chiêu mộ (2005)…

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng Văn nghệ tỉnh Khánh Hòa (2001) cho tập truyện Thơm ngát hương cau. Giải thưởng văn học UBND tỉnh Khánh Hòa (1975 – 2000).

 

http://vanvn.net/index.php/news/1/3305-vinh-biet-nha-van-vo-hong.html

 

 

***

 

 

Vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng

01-04-2013 15:59:59

PN - Nhà văn Võ Hồng sinh năm 1921 tại Phú Yên, vừa qua đời lúc 14 giờ ngày 31/3/2013 tại nhà riêng ở Nha Trang. Nhắc đến Võ Hồng, không ai có thể quên những tác phẩm nổi tiếng của ông trước năm 1975 như Hoài cố nhân, Lá vẫn xanh, Vết hằn năm tháng, Con suối mùa xuân, Nhánh rong phiêu bạt, Trầm mặc cây rừng… Hầu hết những tác phẩm này đều tái bản gần đây và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.

Nhà văn Võ Hồng đến với văn chương rất sớm, từ năm 1939, lúc đang là học sinh đệ tam, ông đã có truyện ngắn Mùa gặt in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, với bút hiệu Ngân Sơn. Đánh giá về văn tài của Võ Hồng, công chúng đồng thuận với nhận định của nhà nghiên cứu T.Khuê và Nguyễn Huệ Chi: “Lối viết ôn hòa, bình dị, lặng lẽ, ông đã tìm đến những nỗi đau sâu khuất trong con người bị dằn vặt trong một thế giới nhân sinh không bao dung và ngấm ngầm tội ác”.

Từ trước đến nay, nhà văn Võ Hồng viết và sống bằng nghề dạy học tại Nha Trang. Dù vợ mất sớm, nhưng mấy chục năm qua, ông vẫn “gà trống nuôi con” thành tài. Với văn chương, ông tự bạch: “Viết văn là phương tiện giải phóng con người, đưa xã hội loài người tiến lên. Tôi viết văn làm thơ là do sở thích. Có được chút ít thành công, bắt đầu viết mạnh thêm, hình thành những tác phẩm hoàn toàn độc lập trong suy tư, trong suy tưởng”.

Xin thành kính chia buồn với gia đình nhà văn Võ Hồng và Hội Nhà văn Việt Nam.

Báo Phụ Nữ

http://phunuonline.com.vn/giai-tri/all/vinh-biet-nha-van-vo-hong/a89932.html

 

***

 

Tác giả 'Một Bông Hồng Cho Cha' từ trần

TP - Chiều 31/3, tại nhà riêng ở đường Hồng Bàng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) nhà văn, nhà sư phạm nổi tiếng Võ Hồng từ trần, hưởng thọ 93 tuổi.

Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 5/5/1921 tại làng Ngân Sơn (An Thạch, Tuy An, Phú Yên). Ông đã viết 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký… với các bút danh Võ Hồng, Võ An Thạch, Võ Tri Thủy, trong đó nổi tiếng nhất là “Một Bông Hồng Cho Cha”, một tập tạp bút về cha mẹ, người thầy.

Nguyễn Đình Quân

http://www.tienphong.vn/van-nghe/620377/Tac-gia-Mot-Bong-Hong-Cho-Cha-tu-tran-tpp.html

 

***

Báo THANH NIÊN

 

Vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng

 

 

Vào hồi 14 giờ ngày 31.3.2013, nhà văn Võ Hồng, đã tạ thế tại nhà riêng, số 53, Hồng Bàng, TP.Nha Trang, hưởng thọ 93 tuổi.

Hồng là tên thật và là bút danh của nhà văn. Ông sinh ngày 5.5.1921 tại làng Ngân Sơn, An Thạch, H.Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông viết văn từ rất sớm, năm 1939 đã có truyện ngắn đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy. Hơn 60 năm gắn bó với văn chương, Võ Hồng đã để lại một gia tài văn học khá đồ sộ gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn cùng nhiều tùy bút, bút ký, trong đó có những tác phẩm ghi dấu ấn tên tuổi Võ Hồng như Trầm mặc cây rừng, Bên kia đường, Hoài cố nhân...

Ảnh: nhavantphcm.com.vn

Trần Đăng

 

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130401/vinh-biet-nha-van-vo-hong.aspx

***

 

Báo SÀIGÒN GIẢI PHÓNG

Nhà văn Võ Hồng qua đời

01/04/2013, 07:30 (GMT+7)

Chiều 31-3, nhà văn Võ Hồng (ảnh) đã qua đời tại nhà riêng, số 53 Hồng Bàng, Nha Trang, hưởng thọ 92 tuổi. Lễ khâm liệm diễn ra lúc 8 giờ ngày 1-4, di quan lúc 15 giờ chiều ngày 4-4, an táng tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Đây cũng là nơi nhà thơ Quách Tấn yên nghỉ.

 

Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 2-12-1922 (khai sinh ghi 5-5-1921) tại làng Ngân Sơn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Con một gia đình điền chủ, sớm mồ côi mẹ. Năm 1954, ông vào ở Nha Trang, dạy học tại Trường trung học Lê Quý Đôn và Bồ Đề. Ông lập gia đình với một giáo sư Anh văn và âm nhạc nhưng bà mất sớm; từ 1957, ông sống một mình nuôi 3 con.

Truyện đầu tay của ông đăng trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Hà Nội) năm 1939, với bút hiệu Ngân Sơn. 

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2013/4/314850/

 

***

Người của "Tiểu thuyết thứ Bảy" qua đời

Thứ Hai, 01/04/2013 06:32

 

 

(Thethaovanhoa.vn) Vào lúc 14h hôm qua, 31/3, do tuổi cao sức yếu, nhà văn Võ Hồng đã qua đời tại 53 Hồng Bàng, Nha Trang, Khánh Hòa.  -

Nhà văn Võ Hồng xuất hiện trên văn đàn khi mới 18 tuổi với truyện ngắn đầu tay Mùa gặt đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy năm 1939 cùng thời với những tài danh Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài... Thế nhưng sau đó ông lặng lẽ dạy học cho mãi đến sau này mới xuất hiện trở lại.  Võ Hồng sinh ngày 5/5/1921 tại xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Từ năm 2006, ông bị bệnh nằm một chỗ. Và lúc 14h hôm qua, 31/3, do tuổi cao sức yếu, ông đã qua đời tại 53 Hồng Bàng, Nha Trang, Khánh Hòa. Văn chương của ông để lại trong lòng người đọc nhiều thế hệ những dư vị về một thời tưởng đã lãng quên. Đến trước khi mất, Võ Hồng đã in 30 cuốn sách thuộc nhiều thể loại: truyện dài, truyện ngắn, đoản văn, tùy bút, thơ... Tác phẩm Tiếng chuông chiêu mộ in năm 2005 được xem như cuốn sách cuối cùng của Võ Hồng. Năm 2009, Tủ sách Hoa hướng dương của nhà sách CADASA và NXB Văn học đã tái bản cùng lúc 6 tác phẩm: Một bông hồng cho cha, Nhánh rong phiêu dạt, Vẫy tay ngậm ngùi, Hoài cố nhân, Hoa bươm bướm, Thiên đường ở trên cao trong số 30 tác phẩm của ông. Trong số đó, Một bông hồng cho cha đã được tái bản nhiều lần. TT&VH sẽ có bài viết về nhà văn Võ Hồng trên số báo ngày mai. Mời các bạn đón đọc.

 Đoàn Việt Hùng - Thanh Kiều

Thể thao & Văn hóa

 

***

 

 

Báo điện tử XÃ LUẬN. COM và LƯỚT BÁO.COM

Ngày 1/4/2013

Vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng

Ngày 31-3, nhà văn Hoàng Nhật Tuyên - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh

Hòa, cho biết nhà văn Võ Hồng (ảnh) đã mất lúc 14 giờ cùng ngày vì tuổi cao, sức yếu.


Nhà văn Võ Hồng sinh năm 1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, Phú Yên. Năm 1939, Võ Hồng đã có truyện ngắn đầu tay Mùa gặt đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy với bút hiệu Ngân Sơn.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông và vợ cùng dạy học ở Phú Yên. Năm 1954, ông nghỉ dạy học đưa gia đình lên sống ở Đà Lạt. Năm 1956, ông đưa vợ con về Nha Trang làm nghề dạy học ở các trường tư thục, viết văn và gắn bó với mảnh đất này cho đến những năm cuối đời.

Nhà văn Võ Hồng cho in tập truyện đầu tay Hoài cố nhân (năm 1959), được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Sau đó nhà văn đã lần lượt cho xuất bản các tác phẩm Lá vẫn xanh, Vết hằn năm tháng, Con suối mùa xuân, Khoảng mát, Bên kia đường, Những giọt đắng, Hoa bươm bướm, Người về đầu non, Nhánh rong phiêu bạt, Trầm mặc cây rừng, Trong vùng rêu im lặng, Thiên đường ở trên cao...

Tác phẩm của Võ Hồng bao gồm nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, truyện viết cho thiếu nhi… Trong những trang viết của Võ Hồng, người đọc bắt gặp nét tinh tế trong diễn đạt, lời văn trong sáng, trau chuốt, đậm chất thơ. Với một tâm hồn nhân hậu, một cuộc sống đầy trải nghiệm, Võ Hồng gửi đến người đọc những thông điệp đầy tính nhân văn, kêu gọi tình yêu thương con người.

 

***

Báo điện tử PHẬT TỬ VIỆT NAM và GIÁC NGỘ

Ngày 1/4/2013

 

Vĩnh biệt Thầy Võ Hồng, nhà giáo, nhà văn, một Phật tử thuần thành

TRÍ BỬU

Vì tuổi già, sức yếu như đèn hết dầu đèn tắt, Thầy đã vĩnh viễn ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản vào lúc 14 giờ ngày 31-03-2013 (nhằm ngày 20-02-Quý Tỵ) tại nhà riêng 51 đường Hồng Bàng, phường Tân Lập, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hưởng thọ 93 tuổi.

Sáng nay 01-4 trời Nha Trang đang quang đãng bỗng đổ cơn mưa vào lúc 8 giờ, đó cũng là thời điểm lễ nhập quan của Thầy. Sau đó, nhiều thế hệ đồng nghiệp, học trò cũ đã đến viếng, khóc Thầy.

Theo người cháu gọi thầy bằng Bác- Võ Thanh Vân cho biết: Thầy sinh ngày 05-5- 1921 tại làng Ngân Sơn xã  An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Cả cuộc đời Thầy dạy học và viết văn. Lúc Thầy Hồng đi xa các con của Thầy đều không có mặt, anh Hào đang ở Đức, chị Hằng đang ở Pháp. Mặc dù sáu, bảy năm bệnh tật kéo dài, chị Hằng- người con gái  của Thầy luôn bên cạnh tận tụy, chu đáo, chăm sóc thuôc men, cơm cháo. Chị Hằng vừa đi Pháp, khoảng hơn 10 ngày, thì nay đã mất cha. Ôi, Vô thường già chết chẳng hẹn cùng người, sớm còn, tối mất, chỉ một sát na đã qua đời khác. 

Lễ di quan tiển biết Thầy về nơi an nghĩ sẽ tổ chức vào lúc 15 giờ ngày 04-04-2013, an táng tại Nghĩa Trang Suối Đá, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

 

 

***

http://tapchitiengquehuong.blogspot.com

Ngày 1/4/2013

 

 

TIỄN NHÀ VĂN VÕ HỒNG

THANH DẠ

 

Nghe tên người đã từ lâu
Chưa vui gặp mặt  đã sầu chia phôi
93 năm ấy của Người
Văn chương, Chữ nghĩa, Tình đời... còn đây
Người về với nước với mây
Hậu sinh xin vẫn tiếp tay với người !

Hải Dương 18h01' 01-4-2013


THANH DẠ (NGUYỄN DUY DỰ) 

 

***

 

 

http://minhhanhumai.blogspot.com

Ngày 1/4/2013

Người về đầu non...

PHAN THỊ NHƯ MAI


Võ Hồng - Nhà giáo - nhà văn đã về đầu non giữa chiều 31/3/2013 tại Nha Trang, để lại trong tâm hồn thế hệ độc giả chúng ta niềm tiếc thương sâu sắc, dù biết rằng điều ấy sẽ phải đến, không thể nào tránh được.

Tôi có cơ duyên được đọc tác phẩm Võ Hồng từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ trước nhờ các bậc đàn anh ở Huế vào học Sư Phạm Qui Nhơn. Họ đem về cho đoc Hoài Cố nhân, Con suối mùa xuân.....khai mở tâm hồn tôi bằng lối văn giản dị, gần gũi với những xóm làng, con người Việt Nam chân chất mộc mạc đáng yêu biết mấy....

Lớn lên một chút, 1968,tôi vào học cấp 3 ở Cao nguyên. Có thêm bạn bè. Có vài người quê Đồng Xuân, Phú Yên (miền đất đi vào nhiều tác phẩm của Võ Hồng) tự hào có người Thầy dạy môn Quốc văn là bạn thân của Võ Hồng. Họ thường được gặp và nghe ông nói chuyện.

Họ rất yêu kính Võ Hồng và tình yêu đó càng làm cho tôi thêm ngưỡng mộ nhà văn, nhà giáo ấy. Còn nhớ kì thi Tú tài bận học rất nhiều môn (hồi đó học bao nhiêu môn là thi hết bấy nhiêu, điểm thi tính theo hệ số của ban theo học) vậy mà vẫn không thể rời Nhánh rong phiêu bạc, Như cánh chim bay nếu chưa đọc hết!...Bạn bè chúng tôi còn tặng nhau những tác phẩm nhỏ xinh Áo em cài hoa trắng, Một bông hồng cho cha, Nửa chữ cũng thầy....như những gởi trao tâm tư sâu lắng....

Lớn hơn một chút, học đại học ở Sàigòn, có dịp đến chơi với các chị bạn ở Đại học xá Trần Quý Cáp. Gặp con gái lớn của Võ Hồng cũng ở đó, tự nhiên thấy có gì gần gũi, thân thương.

Yêu kinh, ngưỡng mộ nhà văn nên cũng thấy yêu mến con cái của ông, những nhân vật
thường xuất hiện trong tác phẩm với tình cảm ấm áp của người Cha. (Sau này,được biết các con của Thầy lần lượt đi du học...).

Tôi đã được đọc rất nhiều trong số tác phẩm của ông. Được nghe nhiều về ông trong cuộc sống đời thường, kính trọng, yêu mến nhân cách khoan hòa, bao dung, khiêm tốn ấy.

Chưa được học Thầy một ngày. Chưa được gặp Thầy một lần. Nhưng với tôi, Võ Hồng là người Thầy kinh yêu và thân thiết.

Kính chúc Thầy ung dung thanh thản ở đầu non....

 

 

***

 

 

 

Đã có những ngày với Võ Hồng

(LĐCT) - Số 17 - Thứ năm 25/04/2013 16:22

 

Tin nhà văn Võ Hồng tạ thế vào chiều ngày cuối cùng tháng ba, thọ 93 tuổi, khiến lòng tôi chùng xuống. Tôi không phải là một trong số đông đảo học trò của ông nhưng lại có duyên ngộ được làm phim tài liệu chân dung về ông.

Ngay sau ngày thống nhất, tôi và bạn bè rất ham đọc và tìm hiểu các tác giả miền Nam thời chiến tranh. Có một gương mặt khiến tôi rất chú ý, được xem như một tác giả đại diện cho dòng văn học trong lành, thấm đượm tinh thần nhân văn và tình cảm yêu nước. Đó chính là nhà văn Võ Hồng. Tạp chí “Văn” của Sài Gòn đã từng có một số đặc biệt về ông ấn hành năm 1974.

Ở đấy, sau bài phỏng vấn ông là hàng loạt những bài của Tuệ Sĩ, Cao Huy Khanh, Phạm Công Thiện, Trần Thiện Đạo, Cao Thế Dung, Mang Viên Long, Trần Hữu Cư, Châu Hải Kỳ với một niềm trân trọng. Nhờ đọc tạp chí này mà tôi tìm đọc các tác phẩm của ông. Năm 1996, nhà văn Cao Duy Thảo nói với tôi nên vào Nha Trang làm phim về Võ Hồng, vì ông là một gương mặt văn chương đáng kể và tuổi đã cao. Nghe vậy, tôi và nhà quay phim Đăng Minh lên đường vào Nha Trang, sau khi quay xong tài liệu về nhà thơ Tế Hanh ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi, về nhà thơ Yến Lan ở Bình Định.

Cao Duy Thảo đưa chúng tôi tới căn gác 51 Hồng Bàng vào chiều 29.4.1996. Lần đầu tiên tôi gặp Võ Hồng. Ông đã sống đơn chiếc như thế vài thập kỷ. Cạnh buồng ông là căn buồng có bàn thờ người vợ. Nhìn ảnh, biết rằng bà rất đẹp. Bà vừa là giáo viên tiếng Anh, Pháp rất giỏi, vừa là một tay dương cầm cừ khôi. Mỗi giờ dạy đàn của bà, người ta trả đến cả chỉ vàng. Võ Hồng đã ở vậy đằng đẵng cô độc bao năm nuôi con. Đến khi các con trưởng thành, vẫn cô độc như vậy cho tới chiều nhắm mắt xuôi tay vừa qua. Bà là nhân vật Quỳ trong chuyện dài “Hoa bươm bướm” (Lá Bối - 1966).

Nghe nhiều người nói Võ Hồng rất kỹ tính. Ông giao tiếp hẹp, dè dặt. Dường như bấy nhiêu năm ở vậy, ông đã đủ thời gian để ngẫm đời trên một chiếc ghế mây khung sắt như một người bạn im lặng nâng đỡ ông những hoàng hôn mềm yếu. Chiếc ghế thân thiết đến nỗi trong bài thơ “Di ngôn” viết năm 1989, ông đã viết về người bạn ấy như sau: “Cho đến một ngày kia … tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ/ Hạnh phúc yêu thương … Băng giá mây mù …/ Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó/ Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu”.

 


Ngoài chiếc ghế, bên cạnh ông là một chú chó nhỏ. Ngồi với nhau một chút, như một thói quen, ông đọc to một câu của tổng thống Pháp F.Mitterrand đại ý là: “Những người cánh tả thì nói tôi có cái mù quáng của những người cánh hữu. Còn những người cánh hữu thì nói tôi có cái yếu đuối của những người cánh tả”. Dường như câu nói chính là lời phát ngôn về thân phận của ông.

Võ Hồng sinh năm 1921 ở Tuy An, Phú Yên - một miền văn hóa còn khép kín nhiều bí ẩn và huyền thoại. Đó cũng là quê hương của nhạc sĩ Nhật Lai và nhà thơ Nguyễn Mỹ của “Cuộc chia ly màu đỏ”. Sau khi học Collège ở Quy Nhơn, năm 1940, Võ Hồng ra học tú tài ở Hà Nội đến năm 1943. Những năm tú tài ấy đã đọng lại trong Võ Hồng một mối tình đầu với bà Bảo Loan, cũng đã được Võ Hồng ghi lại trong cuốn “Hoài cố nhân” (Ban Mai - 1959).

Thời chính phủ Trần Trọng Kim ông làm bí thư tòa tổng đốc bốn tỉnh cực Nam Trung Bộ (Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Bình Thuận, Ninh Thuận) đóng tại Đà Lạt. Cách mạng tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống Pháp, vợ chồng ông vừa là giáo viên trường Lương Văn Chánh ở vùng tự do Phú Yên, ông còn từng là hiệu trưởng trường này. Trường đã đào tạo ra một đội ngũ trí thức trẻ. Sau năm 1954, Võ Hồng tiếp tục dạy học ở Nha Trang tại các trường trung học Lê Quý Đôn, Bồ Đề. Và viết văn.

Cho đến nay, Võ Hồng đã có ngót 50 đầu sách đủ các thể loại truyện ngắn, truyện dài, truyện thiếu nhi, thơ. Năm 2003, ông đã xuất bản tuyển tập Võ Hồng. Theo đuổi dòng chảy của văn chương trong lành cũng là một bản lĩnh giữa thực tế xô bồ phức tạp của cục diện miền Nam trước 1975. Bởi vậy, sau giải phóng, Võ Hồng là nhà văn miền Nam trước 1975 trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam rất sớm.
Hồi ấy, sau chiều sơ ngộ, ông mời chúng tôi tới ăn bữa cơm trưa đạm bạc mừng 21 năm (1975-1996) ngày giải phóng miền Nam.

Ông vừa nghèo, vừa không coi trọng việc ăn uống. Ông cứ ước gì nếu không phải ăn mà vẫn sống để có thể nằm ngả lưng kê tấm gỗ lên đùi, viết ra những dòng văn miêu tả thật đẹp miền quê Phú Yên ruột rà của mình. Tôi thì bày tỏ với ông một sự tình cờ là từ khi tôi ra khỏi quân đội, đây là số nhà 51 thứ tư mà tôi tới làm việc và có cảm giác thân thuộc (sau số 51 Trần Hưng Đạo - Hội Nhạc sĩ Việt Nam, số 51 Ngô Quyền - Bộ Văn hóa - Thể thao Du lịch và số 51 Hàng Bồ - Tòa soạn báo Lao Động). Ông trố mắt sau cặp kính, hồn nhiên như trẻ thơ khi thấy sự trùng lặp ngẫu nhiên này. Câu chuyện cuốn đi trong những nhận định văn chương giữa tôi và ông. Thực ra, Võ Hồng đã có truyện ngắn “Mùa gặt” in trên Tiểu thuyết thứ bảy từ 1939 với bút danh Ngân Sơn (tên làng ông) và thơ in trên Tiểu thuyết thứ năm từ cuối 1938. Nói rồi ông đọc vang bài thơ ấy, có tên là “Vàng”:

Ai về xóm cửi năm năm trước/ Đều thấy em ngồi dệt đoạn tơ/ Quanh em vàng rụa trời gieo xuống/ Vàng ở trong mùa xuân lắm thơ/ Tơ em vàng quá cho nên những/ Vàng ở màu Ngâu nhạt mất rồi/ Ánh vàng bạch lạp vàng hơn nữa.

Xuyên tận hồn em mộng sáng ngời/ Ngày mai bắt được giấy thu vàng/ Anh bảo khi đò sang sẽ sang/ Em cắt tơ vàng đêm phất quạt/ Vì ngày đò đến, đến mùa xoan/ Mãi nay đò đến cành xuân rạng/ Đã mấy lần hoa rụng lỡ làng/ Quạt chàng xin cất, nay đem tặng/ Nhưng mấy đường tơ đã kém vàng.

Tôi thầm reo lên: “Thật tinh tế, thơ này là tạng thơ Nguyễn Bính đây”. Ông cười: “Làm sao sánh với nhà thơ đồng quê ấy được”. Tôi hỏi: “Mùa xoan - là mùa gì hở cụ?” Ông trả lời: “Nhờ mấy năm chuẩn bị ra học ở Hà Nội nghiên cứu mà biết đến có hát Xoan, Ghẹo ở đất tổ Hùng Vương. Hình ảnh đò sang là hình ảnh nam nữ tìm nhau hát xoan trong mùa xuân đấy”. Tôi lại lật cánh: “Cũng có gì rất “Gái quê” của Hàn Mặc Tử”. Ông mỉm cười: “Thì cũng học Collège Quy Nhơn mà. Nhưng không phải là giống, mà là ảnh hưởng”. Ông lại đọc bài “Bến lòng” in trên Tiểu thuyết thứ năm số ra ngày 24.4.1939.

Đừng bảo hoa cười với gió đông/ Ấy là hoa nhạo khách sang sông/ Đường xa đò vắng lau xơ xác/ Trong gió đùa sương giải lạnh lùng/ Em mơ tiếng khách bên sông gọi/ Một khách qua ngang lỡ chuyến đò/ Trong lúc lòng em khô héo đợi/ Âm thầm nao chảy nước nguồn thơ.

Những ngày sau đó, ông cùng chúng tôi lang bang ở Nha Trang. Khi thì là trường Bồ Đề, nơi ông từng giảng dạy khá lâu. Khi thì là hoàng hôn nhà thờ nửa tối nửa sáng. Dù khi ấy, đã ở tuổi 75 nhọc mệt, ông vẫn cùng chúng tôi lên trên đỉnh núi cao nhất đứng bên tượng Phật ngắm toàn thành phố. Và sau đó, đi theo lối mòn xuống Phật Học Viên. Ở đấy, nhiều hòa thượng vốn là học trò của ông đã ngạc nhiên mừng rỡ khi thấy thầy Võ Hồng xuất hiện. Họ còn ngạc nhiên hơn khi thấy Võ Hồng chỉ vào tôi giới thiệu là tác giả cuốn “Hàn Mặc Tử thi sĩ đồng trinh”.

Hóa ra các hòa thượng đã đọc cuốn này từ mấy năm nay. Thấy vậy, họ mang sách ra đề nghị tôi và thầy cùng ký vào để ghi nhớ một nhân duyên. Rồi ở bãi biển đường Trần Phú, ông lại có một bình minh đá bóng với trẻ con. Ở Nha Trang, từ đứa trẻ bán cà-rem cho đến các bậc trí thức tóc đã điểm bạc đều gọi ông là “Thầy Võ Hồng”. Không biết trong số họ những ai đã từng học ông, những ai quý trọng ông mà gọi bằng thầy.

Đi bên ông, nghe ông trò chuyện, đọc thơ mới hiểu vì sao ông có một văn phong giản dị, một hòa điệu lãng mạn giữa lời kể và lời tả chân thực của sắc màu, của tính cách, của nội tâm. Đi bên ông mới thấy thật thiếu lỗi bởi đất nước đã hơn 20 năm thống nhất, mà ở phía Bắc còn ít người biết đến một tên tuổi như ông, ít biết đến còn hơn cả Sơn Nam ở Sài Gòn. Cũng may lần này, Hội Nhà văn Việt Nam đã kịp cử chúng tôi đi làm phim về ông.

Tôi vẫn cảm thấy đang lang bang cùng ông ở Phú Yên quê hương ông, mặc dù ông yếu không cùng đi được về Tuy An. Ở đấy, chúng tôi tìm đến ngôi trường làng ông học thời ấu thơ, đứng bên cầu Ngân Sơn, vô chùa Châu Lâm và ngơ ngác trước nhà thờ Mằng Lăng. Rồi lại cuốn theo văn xuôi ông trên phố xá thị trấn Sông Cầu.

Ra Hà Nội, ông vẫn thường xuyên viết thư cho tôi. Tôi thì gấp rút dựng phim về ông cho kịp lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường Lương Văn Chánh thân yêu của đời thầy giáo Võ Hồng. Ngoài những tập văn xuôi, ông còn gửi ra cho tôi tập thơ “Thời gian mây bay”. Tất cả những tư liệu đó và tình cảm của ông đã khiến cho tôi có thể làm được phim tài liệu chân dung ông mang đầy cảm xúc. Phim được hoàn thành và phát trên kênh truyền hình Phú Yên vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường Lương Văn Chánh. Từ Phú Yên, tôi lại mang phim vào Nha Trang cho ông xem qua đầu video và màn hình. Xem phim, ông lặng lẽ nắm chặt tay tôi. Hình như khóe mắt ông rớm ướt. Sau đó phim được phát trên VTV1, tôi thông báo cho ông cùng xem. Ông có vẻ rất vui vì xóa bớt đi mặc cảm bị lãng quên.

Mùa thu 1998, tôi ghé Nha Trang thăm ông, thấy ông có hơi yếu hơn một chút, nhưng vẫn minh mẫn. Ông đưa cho tôi hai bài thơ tứ tuyệt được triển khai từ một ý nhưng từ ngữ lại khác nhau. Bài đầu có tên “Cũng là hiện thực”: Non châu nước ngọc trải qua rồi/ Chỉ góc tâm hồn của bạn thôi/ Giá được giấc mơ thành hiện thực/ Non Bồng nước Nhược cũng chơi vơi.

Còn bài thứ hai tên là “Không khác”: Năm châu chín quận trải qua rồi/ Còn xứ tâm hồn của bạn thôi/ Một buổi chiêm bao ta đã thấy/ Đau thương phiền muộn khác chi ngoài.

Tôi nói với ông rằng thích bài thứ hai hơn vì nó thơ hơn. Ông gật gù đồng ý với tôi chính kiến ấy. Đến cuối năm sau khi phim “Thầy Võ Hồng phát trên VTV1, tôi có dịp vào Sài Gòn gặp anh Toàn làm xe lăn cho người khuyết tật. Anh là người Tuy An - Phú Yên và cũng là học trò của Võ Hồng. Anh tỏ ra rất thích phim về thầy mình và tặng tôi một bức ký họa Võ Hồng không rõ là anh vẽ hay bạn anh vẽ. Tôi thấy đẹp nên giữ trân trọng cho tới hôm nay.

Viết lại ít ngày bên ông, gần gũi ông là để thêm lần nhắc đến một nhà văn rất giản dị, khiêm nhường. Khiêm nhường trong cả bài thơ “Di ngôn”.

Sau khi tôi chết/ Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết/ Của những ngày u buồn nặng trĩu hồn tôi/ Đây cây bút màu đen sớm tối không rời/ Đây cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt/ …/ Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế/ Kê sát lan can hướng xuống mặt đường/ Nơi những đêm dài trong tối đầy sương / Tôi ngồi lặng mắt trong chờ đợi/ Đợi một người đi không hẹn trở lại.

Và đến chiều 31.3.2013, ông lại chính là “người đi không hẹn trở lại” ấy, để lại bao thương tiếc cho độc giả và học trò.

http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/da-co-nhung-ngay-voi-vo-hong/112929.bld

 

***

 

 

Báo điện tử vnExpress.net

Ngày 1/4/2013

Nhà văn Võ Hồng qua đời

Khuê Việt Trường

 

Tác giả 'Lá vẫn xanh' ra đi ở tuổi 92, để lại nhiều thương tiếc trong lòng độc giả và người thân.

Chiều 31/3, nhà văn Võ Hồng qua đời tại nhà riêng của ông ở Nha Trang, hưởng thọ 92 tuổi.

Lễ khâm liệm sẽ diễn ra lúc 8 giờ ngày 1/4. Lễ di quan vào lúc 15 giờ ngày 4/4. Nhà văn được an táng tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Đây cũng là nơi nhà thơ Quách Tấn yên nghỉ.

Trước khi mất, nhà văn chỉ nằm trên giường nhiều năm qua vì bệnh tật tuổi già. Con gái lớn của ông đã từ nước ngoài về Nha Trang chăm sóc cho ông. Dịch giả Trần Thiện Đạo từng có nhận xét ngắn gọn về tác giả này: "Võ Hồng là một nghệ sĩ chân chính".

Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 2/12/1922 (khai sinh ghi 5/5/1921) tại làng Ngân Sơn, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông là con một gia đình điền chủ, sớm mồ côi mẹ. Ông học trường làng, trường phủ Tuy An và trường tỉnh Sông Cầu rồi trường Collège Quy Nhơn. Năm 1940, ông đậu bằng thành chung, ra Hà Nội học tú tài.

Năm 1945, Võ Hồng lên Đà Lạt. Sau đó, đến năm 1954, ông vào ở Nha Trang và dạy học tại các trường trung học Lê Quý Đôn và Bồ Đề. Ông lập gia đình với một giáo sư Anh văn và âm nhạc nhưng bà mất sớm. Ông sống một mình nuôi ba con còn nhỏ.

Truyện đầu tay của ông đăng trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Hà Nội) năm 1939 với bút hiệu Ngân Sơn.

 

 

 

 

©          http://vietsciences.free.fr