TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN - NHÀ GIÁO VÕ HỒNG

Vietsciences-  Ngô Văn Ban    01/11/2013

 

 

Báo SÀI GÒN TIẾP THỊ

Ngày 4/4/2013

 

Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi”

ĐỖ HỒNG NGỌC

SGTT.VN - Võ Hồng là một nhà thơ. Dù ông viết truyện ngắn, truyện dài gì thì với tôi cũng đều là thơ. Thơ xuôi. Đọc ông thấy lòng lành ra. Tuy nhiên ông cũng đã in hẳn một tập thơ cho riêng mình. Chân tình và mộc mạc. Đằm thắm những yêu thương.

Trong thư gửi tôi, kèm tập thơ năm đó, ông thổ lộ: “Đọc lại văn mình moa thấy: nếu là văn xuôi thì Ngộ, còn thơ thì Ngượng. Cái gì mà yêu thương, nhớ nhung, đợi chờ… mắc cỡ thấy mồ!” Tôi hiểu ông. Bởi vì văn thì còn đổ thừa tại bị “hư cấu” nọ kia, tại bị tâm lý nhân vật này khác, chứ thơ thì hết phương… chối cãi!

Vợ mất sớm vì bệnh tim lúc ông hãy còn rất trẻ. “Một nách ba con” còn nhỏ xíu. Ông vẫn ở vậy, không tục huyền, dù không ít cô thầm thương trộm nhớ ông thầy giáo, ông nhà văn nho nhã, dễ mến. Gà trống nuôi con. Tất cả đều thành đạt. Tất cả đều học xa rồi sinh sống ở nước ngoài. Chỉ còn có ông… gà trống ngày một lớn tuổi, loay hoay một mình với cây trứng cá, cây khế và mấy gốc dừa…

Năm giờ sáng mở mắt

Nhìn quanh: chỉ ghế bàn

Thèm thấy một khuôn mặt

Thèm nghe tiếng dịu dàng

Mười giờ đêm thâm u

Bóng tối như cõi chết

Tình yêu, tìm nơi đâu

Hạnh phúc, chào vĩnh biệt

…….

Võ Hồng (Quạnh hiu)

Quạnh hiu. Hoang vắng. Cô đơn. Không muốn “độc cư” mà thành độc cư. Với một tâm hồn vô cùng nhạy cảm, ông héo hắt dần với tháng năm. An ủi của ông trong tuổi già là những người con đều thành đạt, hiếu thảo, nhưng vì hoàn cành riêng mà phải sống xa nhau kẻ chân trời người góc biển.

Nay các con nên người

Mỗi đứa đi một ngả

Mình cha căn nhà xưa

Trông vừa quen vừa lạ

Không còn ngày gian khổ

Chỉ dư ngày tiêu điều

Vắng con như cây cỏ

Héo úa giữa quạnh hiu

Võ Hồng (Ba mươi năm sau)

 

Quen biết, thân thiết với ông đã hơn 40 năm, nhưng nhớ mãi lần tôi với Nguyễn Thiện Tống đến thăm, lúc đó ông mới ngoài tuổi 70, từ trên gác lững thững xuống mở cổng, con chó ùa ra sủa ầm lên. Tôi hơi hoảng, hỏi: Chó có dữ không anh? Ông trả lời tỉnh queo: Nó còn hiền hơn moa! Lúc nào ông cũng xưng hô “toa, moa” với tôi như vậy. Rồi ông dẫn bọn tôi lên gác. Vẫn căn gác nhỏ với một phòng chừng hơn chục mét vuông, vừa là chỗ ăn chỗ ngủ, chỗ làm việc, tiếp khách… lổn nhổn những sách vở, thư từ, bản thảo… tràn lan trên bàn, trên nệm, dưới gầm. Nhờ cái sân thượng phía trước khá rộng có bóng râm cây khế, cây dừa mà ông có một khoảng không để mà trầm tư, mà hoài cố nhân… Ông khoe cái chậu nhỏ xíu trong đó có một cây gai bàn chải to bằng bàn tay. Ông nói miền quê ông đi đâu cũng gặp cây gai bàn chải mọc dọc hai bên đường. Ông nhớ nó quá nên tìm một gốc về trồng và giấu nó ở một góc sân thượng, sợ người ta trông thấy cho là lập dị! Lần đó tôi bấm cho ông mấy tấm ảnh kỷ niệm, có cảnh ông ngồi trên chiếc ghế “cô đơn uy nghi” đặt ở sân thượng, dưới tàn cây trứng cá. Lúc đó, ông mới 74 tuổi, còn hoạt bát lắm, đòi khoác áo đàng hoàng rồi mới chịu cho chụp hình.

Mỗi khi có dịp về Nha Trang tôi đều ghé thăm ông. Ông mừng lắm. Kể chuyện huyên thuyên. Có lần thấy ông treo tấm hình một cô diễn viên Hong Kong, đang định hỏi thì ông đã nói ngay: Cháu moa nó coi tivi nói cô này trông rất giống vợ moa. Mà giống thiệt nên moa mới đem treo lên đó! Ông kể năm 70 tuổi, người ta dựng một phim ngắn về ông: Thầy Võ Hồng. Ông cảm động lắm vì được trở về thăm lại chốn xưa, trường cũ, ngôi nhà thờ, ngôi chùa thân quen ngày nào... nhưng vẫn thấy ngường ngượng vì phải “đóng phim”! Khi tôi gởi ông bản thảo Già ơi... chào bạn! để nhờ ông đọc, ông cười: Sau “Già ơi chào bạn” toa sẽ viết tiếp cái gì nữa đây? Ông là vậy. Lúc nào cũng hóm hỉnh, sâu sắc mà sảng khoái trừ những lúc một mình trong nỗi “cô đơn uy nghi” nhớ đến người thân.

Những lúc sau này tôi thường phone hỏi thăm ông khoẻ không, ông nói khoẻ gì nổi, bệnh rề rề. Nhiều tuổi rồi, con ở xa, bệnh cũng làm biếng đi bệnh viện nữa. Phải nhờ người quen đưa đi khám hoài ngại quá!

Mấy năm gần đây, tình trạng sức khoẻ ông yếu dần, nằm liệt giường, được chuyển xuống tầng trệt cho tiện chăm sóc. Cô con gái lớn Diệu Hằng vẫn thường từ Pháp về thăm cha. Rồi cô lại đi, bận bịu bao điều, nhưng vẫn quán xuyến lo toan. Người con trai thứ ở Đức đã dựng riêng cho cha một trang web, tập hợp toàn bộ các tác phẩm của cha, với nhiều tài liệu quý.

Năm ngoái, có dịp ngang Nha Trang, tôi lại ghé thăm ông, bấy giờ ông đã 91 tuổi, đã dần dần khó tiếp xúc... Cô Đạm, người học trò cũ quý thương ông vẫn là người hàng ngày trực tiếp đến chăm sóc ông cùng với một người giúp việc. Ông tuy nằm liệt giường đã lâu vậy mà trông vẫn thanh mảnh, sạch sẽ lắm. Tôi cảm động nói với cô Đạm, thay mặt những bạn bè thân quen gần xa của nhà văn Võ Hồng, trân trọng cảm ơn cô.

Ông đã sẵn một bài thơ gọi là Di ngôn viết về nỗi “cô đơn uy nghi” của mình:

Cho đến một ngày kia... tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ/Hạnh phúc yêu thương... Băng giá mây mù.../Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó/Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu.

Nhớ Võ Hồng, vừa thương vừa cảm, vừa xót vừa xa. Thấy trôi đi một kiếp nhân sinh phù thế: Ngũ uẩn phù vân không khứ lai/ Tam độc thuỷ bào hư xuất một… (Chứng đạo ca).

Mà mừng ông nay đã vào cõi “tịch diệt vi lạc”!

Đỗ Hồng Ngọc

 

 

***

Đặng Tiến    6-4-2013 diendan.org

 

Hoài cố nhân
Võ Hồng
(1923-2013)


 

bia

Nhà Văn Võ Hồng, ảnh V.T. báo Tuổi Trẻ

 

Nhà văn Võ Hồng vừa qua đời ngày 31-3-2013 tại Nha Trang ở tuổi 90, xem tiểu sử diendan.org, là một trường hợp đặc biệt trong hiện tình văn học Việt Nam. Sau tập truyện đầu tay Hoài cố nhân, in 1959, qua nửa thế kỷ cầm bút, ông đã để lại cho đời hơn ba mươi tác phẩm : truyện ngắn, truyện dài, thơ và nhiều bài biên khảo rải rác trên báo, chủ yếu viết trước 1975 tại miền Nam, thời Việt Nam Cộng Hòa. Qua cái cầu 1975, ông ở lại Việt Nam, vẫn ở Nha Trang, vẫn tiếp tục viết, dù chỉ lai rai, có khi dưới những bút hiệu khác. Và có thêm khoảng 15 đầu sách, vài ba cuốn tái bản : Gió cuốn, nxb Lá Bối, 1968, nxb. Long An 1989 ; Nhánh rong phiêu bạt, nxb. Lá Bối 1970, nxb. Nha Trang 1989 ; một số tên sách mới, nhưng in những bài viết trước 1975 như Thiên đường ở trên cao, Nghĩa Bình, 1987, Trong vùng rêu im lặng, Nha Trang 1988. Một ít tác phẩm như Chúng tôi có mặt, nxb. Tp HCMinh, 2001, tập truyện giả tưởng viết sau này. Đặc biệt có tập tùy bút Một bông hồng cho cha, được nhà Văn Nghệ trong nước, in 1994, và nhà An Tiêm ở Paris in lại sau đó. Đồng thời, nhiều tác phẩm Võ Hồng được nhà Văn Nghệ ở Hoa Kỳ tái bản, như Trầm mặc cây rừng, 1986, Hoa bươm bướm, 1988, Như cánh chim bay, như vậy người đọc có thể nói : về mặt dư luận Võ Hồng đã đạt một mức đồng thuận nào đó, rất hiếm có trong một đất nước ly tán, mà văn học nghệ thuật là một địa hạt nhạy cảm.

Giới cầm bút có ít nhiều tên tuổi tại Sài gòn trước 1975 hoàn toàn phân hóa : một số ít, rất ít tác giả hợp tác với chính quyền mới (và được chính quyền đó chấp nhận) thường là cán bộ nằm vùng trước kia, đặc biệt là trường hợp Vũ Hạnh ; một số bị bắt giữ, hay bị xếp vào hàng ngũ đồi trụy, biệt kích, bị cấm in ấn ; một số người ngưng viết vì bất hợp tác, hay viết rồi chuyển sáng tác ra phổ biến ở nước ngoài ; có người chấp nhận thỏa hiệp, viết cầm chừng, không va chạm, không xu phụ nên được dư luận chấp thuận (đến mức độ nào đó), như trường hợp Võ Hồng. Dĩ nhiên là cũng có lời ong tiếng ve, như khi ông gia nhập Hội Nhà Văn, 1977.

Võ Phiến, bạn thân thiết cũ, đồng hương, đồng cảnh ngộ thời 1945- 1954, khi viết về Võ Hồng, 1995, trong bộ Văn Học Miền Nam 1, không mấy đậm đà, thậm chí còn gay gắt. Nhưng nói chung là giới văn nghệ tiếp cận Võ Hồng một cách ôn hòa, công bình hơn, đặc biệt có Nguyễn Lệ Uyên trong một bài viết nghiêm túc từ Tuy Hòa trên tạp chí Thư Quán Bản Thảo, xuất bản tại Mỹ, trong số đặc biệt về Võ Hồng vô cùng ưu ái 2.


 

*     *

*

Hoàn cảnh đặc biệt này có những lý do liên quan đến lối sống và lối viết của Võ Hồng. Tại Miền Nam, ông nổi bật vào giữa thập niên 1960, nhất là khi nhà Lá Bối ào ạt xuất bản nhiều tác phẩm, nhưng không phải là tác giả ăn khách, thời thượng ; bằng cớ là trong các tuyển tập truyện ngắn – được xem như là tiêu biểu cho tinh hoa lúc đó – không có tên Võ Hồng, kể cả tuyển tập Ảo Mộng do nhà Lá Bối thân thiết ấn hành 1966.

Lý do chính là : truyện Võ Hồng không nằm trong những dòng cuồng lưu của thời thượng, không đáp ứng thị hiếu độc giả trẻ. Chỉ luận về kỹ thuật thôi : kết cấu không hấp dẫn, tình tiết không éo le, cốt chuyện thàng thàng, ai ai cũng có thể trải nghiệm qua mà không vướng bận. Nhân vật thì thường thụ động, chậm chạp, không phát huy sáng kiến, thậm chí không kịp thời phản ứng. Họ chỉ ngồi im, ước mơ rồi tiếc rẻ. Không có cá tính rõ nét. Võ Hồng kể chuyện kháng chiến, từ thời Nhật thuộc đến hết thời Pháp thuộc, mà ông đã trải qua. Nhưng như khách bàng quan, không dấn thân mà cũng không phê phán. Trong khi thời đại chờ đợi, đòi hỏi một lập trường, một quan điểm. Khi ra số báo Thư Quán Bản Thảo đặc biệt về Võ Hồng, nhà văn Trần Hoài Thư đã viết ngay dòng đầu  « thành thật mà nói, hồi ấy, trước 1975, tác phẩm của Võ Hồng ít để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí của tôi… Bởi vì tác phẩm vủa Võ Hồng ít đề cập thẳng về chiến tranh và những suy nghĩ thao thức của một thế hệ… ». Tuy vậy, trong một chuyến xuất viện sau khi bị thương lần thứ hai tại mặt trận Bình Định, người lính trinh sát Trần Hoài Thư, năm 1969 đã đến thăm Võ Hồng tại Nha Trang và có bài phỏng vấn, đăng ở báo Văn thời đó3.

Thái độ Võ Hồng dửng dưng, vô tích sự như thế là việc lạ, vì đồng hương Khu Năm với ông phần đông là những người có ý chí, lập trường, động cơ chính trị mạnh mẽ, thậm chí quá khích, không chống bên này thì chống bên kia. Thái độ ngoại cuộc của ông không được lòng cả hai phe đương chiến, cả độc giả dấn thân, nhưng ngày nay, lại là chứng từ khách quan quý hiếm. Điều này giải thích địa vị của Võ Hồng trước và sau 1975.

Địa lý văn truyện của Võ Hồng là quê ông, từ Phú Yên lên Đà Lạt, xuống Nha Trang. Nhất là Nha Trang. Một vùng đất ít màu sắc văn học, ít hấp dẫn người đọc. Nhân sự là những con người thật trong việc thật, không được dàn dựng thành biểu tượng, như anh Bốn Thôi hay ông Năm Tản trong Võ Phiến cùng quê. Đặc biệt là ngôn ngữ đúng với lời ăn tiếng nói địa phương. Ví dụ mẩu đối thoại trong Trầm mặc cây rừng với một cô gái đang gánh đọt mía :

«  - mùa này sắp trồng mía rồi sao ?

«  - Dạ không. Em đi này ngọn để dặm vào vạt mía bị rầy áp ».

Không phải độc giả nào cũng hiểu và thưởng thức từ vựng như thế.


 

Nói chung, hành văn Võ Hồng đơn giản, tự nhiên, ít có những câu màu mè, trau chuốt, trừ …cái tựa đề, kiểu Hoài cố nhân, Hoa bươm bướm, Nhánh rong phiêu bạt, Thơm ngát hương cau… Nhiều độc giả bị Gió cuốn vào những tiêu đề. Rồi hụt hẫng (Hoài cố nhân là những chữ Hán khắc trên một con dấu ; Hoa bươm bướm là tên một loài cỏ dại, v.v…).

Võ Hồng là người học rộng, sành tiếng Pháp, nhưng không mấy chịu ảnh hưởng các trào lưu thế giới đang thịnh hành. Ông rất thân với Phạm Công Thiện : người bạn vong niên này liên miên đề xuất các tác giả bốn bể năm châu, thì Võ Hồng chỉ nghiền ngẫm một cuốn Clémentine của Anatole France. Thời gian này, sách báo ngoại quốc tràn ngập trên thị trường miền Nam, thời thượng là những Sartre, Malraux, Bùi Giáng dịch Camus, Võ Phiến dịch Stefan Zweig, Dostoievski, Nguyễn Hiến Lê dịch Somerset Maugham. Riêng Võ Hồng là con thuyền cắm sào ngoài dòng thời đại.

Cùng một nghề dạy học, nhưng Võ Hồng có chút gì lạc lõng so với các đồng nghiệp Doãn Quốc Sỹ, hay Nhật Tiến, ba nhà văn nổi tiếng là nhà giáo hiền lành…

Ở đây, chúng tôi chỉ so sánh những cái có thể so sánh được, chứ không đặt Võ Hồng vào toàn cảnh Văn Học Miền Nam. Nhiều nhà giáo viết văn, nhưng Thanh Tâm Tuyền không viết văn trong tư cách nhà giáo, ngược lại với Võ Hồng. Tác giả Hoài cố nhân luôn luôn tề chỉnh, đạo mạo. Văn phong mô phạm có khi làm trở ngại cho danh vọng văn học.

*     *

*
 

Viết văn, khởi đầu thường là sở thích, lâu dần trở thành nhu cầu. Khi tác phẩm có độc giả, sáng tác trở thành một nghĩa vụ. Đây là trường hợp Võ Hồng viết văn để « trả hiếu » với quê hương như lời ông tự sự. Quê hương gồm có vùng đất đai Nam Trung Bộ khốn khó, những con người trầm luân, những biến cố đa đoan, là tình yêu, là ám ảnh, là nguồn cảm hứng – đồng thời là nghĩa vụ cho Võ Hồng. Ông trả lời phỏng vấn năm 1972  «  nếp sống quê tôi chưa hề được một nhà văn nào nhắc đến. Những nếp sống cũ xóa đi. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái dĩ vãng đó vẫn còn chưa đủ » (báo Văn, Sài Gòn, số 299).

Dâng trọn cả cuộc đời cho quê hương : một lý tưởng như thế, không cao quý sao ? Và non nửa thế kỷ sau, từ nước ngoài, Trần Hoài Thư, « nhà văn trẻ » năm nay cũng đã cổ lai hy, năm 2005, đánh giá tổng kết « tác phẩm ông trước sau vẫn ca tụng tình yêu chung thủy, tình yêu quê hương, cái đẹp của tâm hồn, cổ súy đạo nghĩa, ca ngợi và mang lại niềm tự hào của thế hệ ông trong thời kỳ chống Pháp, không kích động hận thù, không xúi dục kẻ khác lao đầu vào cõi chết » (tr.52).

Do đó, anh đã ra một số báo ưu ái, nghiêm túc cho Võ Hồng, và nhận được sự ủng hộ, hợp tác với nhiều người trong và ngoài nước, nhiều thế hệ khác nhau « Những tư liệu, hình ảnh cung cấp quá nhiều, đủ biết là tình thương mến của những người thuộc thế hệ đàn em của ông dành cho ông là to lớn đến chừng nào. Và chính những anh em cầm bút cũ ở trong nước đã đề nghị chúng tôi làm số chủ đề này » (tr.49) 4.

Vì vậy, chúng tôi đã cho rằng, trong hiện tình văn nghệ bị phân hóa ngày nay, trường hợp Võ Hồng là một biệt lệ hy hữu. Nó chứng tỏ trong văn học, đâu đây, đâu đó, vẫn còn le lói một tia sáng đạo lý. Nó là niềm tin cậy.

Võ Hồng quê quán Tuy An thuộc tỉnh Phú Yên. Thiết tha với địa phương quê nhà như vậy mà Võ Hồng ít khi về. Trước 1975 ông có đôi lần về thăm. Sau đó, đất nước thống nhất, an bình nhưng ông chưa một lần về cố quận, cách Nha Trang chỉ khoảng 125 km.

Thế mới hay : quê hương là chút nghĩa cũ càng, là những hình bóng phôi pha, là Nhánh rong phiêu bạt trong hoài niệm.

Ba mươi năm xa Tuy An : thời gian dài gấp đôi kiếp Thúy Kiều lưu lạc.

Tuy An, Tuy An, Võ Hồng chưa một lần về lại Tuy An.


 

Đặng Tiến

Orléans, 6-4-2013


 

1 Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, Truyện, tập 3, tr.1718, nxb Văn Nghệ, California, 1999

2 Nguyễn Lệ Uyên, Võ Hồng nhân cách và chữ nghĩa, tạp chí Thư Quán Bản Thảo, số 21, tháng 10-2005, New Jersey, Hoa Kỳ. In lại đổi tên Võ Hồng, người luôn nặng lòng với quê hương, trong Trang sách và những giấc mơ bay, tr. 5-18, nxb Thư Ấn Quán, New Jersey, 2010. Diễn Đàn đăng lại tại đây.

3 Thư Quán Bản Thảo, báo đã dẫn, có đăng lại nguyên văn bài phỏng vấn này, cùng với nhiều chứng từ quý hiếm. Báo in ra để tặng bạn đọc, hỏi nơi địa chỉ tranhoaithu@yahoo.com

4 Thư Quán Bản Thảo, báo đã dẫn

 

http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/hoai-co-nhan-vo-hong

 

 

 

 

 

Hoài cố nhân
Võ Hồng
(1923-2013)


 

bia

Nhà Văn Võ Hồng, ảnh V.T. báo Tuổi Trẻ

 

Nhà văn Võ Hồng vừa qua đời ngày 31-3-2013 tại Nha Trang ở tuổi 90, xem tiểu sử diendan.org, là một trường hợp đặc biệt trong hiện tình văn học Việt Nam. Sau tập truyện đầu tay Hoài cố nhân, in 1959, qua nửa thế kỷ cầm bút, ông đã để lại cho đời hơn ba mươi tác phẩm : truyện ngắn, truyện dài, thơ và nhiều bài biên khảo rải rác trên báo, chủ yếu viết trước 1975 tại miền Nam, thời Việt Nam Cộng Hòa. Qua cái cầu 1975, ông ở lại Việt Nam, vẫn ở Nha Trang, vẫn tiếp tục viết, dù chỉ lai rai, có khi dưới những bút hiệu khác. Và có thêm khoảng 15 đầu sách, vài ba cuốn tái bản : Gió cuốn, nxb Lá Bối, 1968, nxb. Long An 1989 ; Nhánh rong phiêu bạt, nxb. Lá Bối 1970, nxb. Nha Trang 1989 ; một số tên sách mới, nhưng in những bài viết trước 1975 như Thiên đường ở trên cao, Nghĩa Bình, 1987, Trong vùng rêu im lặng, Nha Trang 1988. Một ít tác phẩm như Chúng tôi có mặt, nxb. Tp HCMinh, 2001, tập truyện giả tưởng viết sau này. Đặc biệt có tập tùy bút Một bông hồng cho cha, được nhà Văn Nghệ trong nước, in 1994, và nhà An Tiêm ở Paris in lại sau đó. Đồng thời, nhiều tác phẩm Võ Hồng được nhà Văn Nghệ ở Hoa Kỳ tái bản, như Trầm mặc cây rừng, 1986, Hoa bươm bướm, 1988, Như cánh chim bay, như vậy người đọc có thể nói : về mặt dư luận Võ Hồng đã đạt một mức đồng thuận nào đó, rất hiếm có trong một đất nước ly tán, mà văn học nghệ thuật là một địa hạt nhạy cảm.

Giới cầm bút có ít nhiều tên tuổi tại Sài gòn trước 1975 hoàn toàn phân hóa : một số ít, rất ít tác giả hợp tác với chính quyền mới (và được chính quyền đó chấp nhận) thường là cán bộ nằm vùng trước kia, đặc biệt là trường hợp Vũ Hạnh ; một số bị bắt giữ, hay bị xếp vào hàng ngũ đồi trụy, biệt kích, bị cấm in ấn ; một số người ngưng viết vì bất hợp tác, hay viết rồi chuyển sáng tác ra phổ biến ở nước ngoài ; có người chấp nhận thỏa hiệp, viết cầm chừng, không va chạm, không xu phụ nên được dư luận chấp thuận (đến mức độ nào đó), như trường hợp Võ Hồng. Dĩ nhiên là cũng có lời ong tiếng ve, như khi ông gia nhập Hội Nhà Văn, 1977.

Võ Phiến, bạn thân thiết cũ, đồng hương, đồng cảnh ngộ thời 1945- 1954, khi viết về Võ Hồng, 1995, trong bộ Văn Học Miền Nam 1, không mấy đậm đà, thậm chí còn gay gắt. Nhưng nói chung là giới văn nghệ tiếp cận Võ Hồng một cách ôn hòa, công bình hơn, đặc biệt có Nguyễn Lệ Uyên trong một bài viết nghiêm túc từ Tuy Hòa trên tạp chí Thư Quán Bản Thảo, xuất bản tại Mỹ, trong số đặc biệt về Võ Hồng vô cùng ưu ái 2.


 

*     *

*

Hoàn cảnh đặc biệt này có những lý do liên quan đến lối sống và lối viết của Võ Hồng. Tại Miền Nam, ông nổi bật vào giữa thập niên 1960, nhất là khi nhà Lá Bối ào ạt xuất bản nhiều tác phẩm, nhưng không phải là tác giả ăn khách, thời thượng ; bằng cớ là trong các tuyển tập truyện ngắn – được xem như là tiêu biểu cho tinh hoa lúc đó – không có tên Võ Hồng, kể cả tuyển tập Ảo Mộng do nhà Lá Bối thân thiết ấn hành 1966.

Lý do chính là : truyện Võ Hồng không nằm trong những dòng cuồng lưu của thời thượng, không đáp ứng thị hiếu độc giả trẻ. Chỉ luận về kỹ thuật thôi : kết cấu không hấp dẫn, tình tiết không éo le, cốt chuyện thàng thàng, ai ai cũng có thể trải nghiệm qua mà không vướng bận. Nhân vật thì thường thụ động, chậm chạp, không phát huy sáng kiến, thậm chí không kịp thời phản ứng. Họ chỉ ngồi im, ước mơ rồi tiếc rẻ. Không có cá tính rõ nét. Võ Hồng kể chuyện kháng chiến, từ thời Nhật thuộc đến hết thời Pháp thuộc, mà ông đã trải qua. Nhưng như khách bàng quan, không dấn thân mà cũng không phê phán. Trong khi thời đại chờ đợi, đòi hỏi một lập trường, một quan điểm. Khi ra số báo Thư Quán Bản Thảo đặc biệt về Võ Hồng, nhà văn Trần Hoài Thư đã viết ngay dòng đầu  « thành thật mà nói, hồi ấy, trước 1975, tác phẩm của Võ Hồng ít để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí của tôi… Bởi vì tác phẩm vủa Võ Hồng ít đề cập thẳng về chiến tranh và những suy nghĩ thao thức của một thế hệ… ». Tuy vậy, trong một chuyến xuất viện sau khi bị thương lần thứ hai tại mặt trận Bình Định, người lính trinh sát Trần Hoài Thư, năm 1969 đã đến thăm Võ Hồng tại Nha Trang và có bài phỏng vấn, đăng ở báo Văn thời đó3.

Thái độ Võ Hồng dửng dưng, vô tích sự như thế là việc lạ, vì đồng hương Khu Năm với ông phần đông là những người có ý chí, lập trường, động cơ chính trị mạnh mẽ, thậm chí quá khích, không chống bên này thì chống bên kia. Thái độ ngoại cuộc của ông không được lòng cả hai phe đương chiến, cả độc giả dấn thân, nhưng ngày nay, lại là chứng từ khách quan quý hiếm. Điều này giải thích địa vị của Võ Hồng trước và sau 1975.

Địa lý văn truyện của Võ Hồng là quê ông, từ Phú Yên lên Đà Lạt, xuống Nha Trang. Nhất là Nha Trang. Một vùng đất ít màu sắc văn học, ít hấp dẫn người đọc. Nhân sự là những con người thật trong việc thật, không được dàn dựng thành biểu tượng, như anh Bốn Thôi hay ông Năm Tản trong Võ Phiến cùng quê. Đặc biệt là ngôn ngữ đúng với lời ăn tiếng nói địa phương. Ví dụ mẩu đối thoại trong Trầm mặc cây rừng với một cô gái đang gánh đọt mía :

«  - mùa này sắp trồng mía rồi sao ?

«  - Dạ không. Em đi này ngọn để dặm vào vạt mía bị rầy áp ».

Không phải độc giả nào cũng hiểu và thưởng thức từ vựng như thế.


 

Nói chung, hành văn Võ Hồng đơn giản, tự nhiên, ít có những câu màu mè, trau chuốt, trừ …cái tựa đề, kiểu Hoài cố nhân, Hoa bươm bướm, Nhánh rong phiêu bạt, Thơm ngát hương cau… Nhiều độc giả bị Gió cuốn vào những tiêu đề. Rồi hụt hẫng (Hoài cố nhân là những chữ Hán khắc trên một con dấu ; Hoa bươm bướm là tên một loài cỏ dại, v.v…).

Võ Hồng là người học rộng, sành tiếng Pháp, nhưng không mấy chịu ảnh hưởng các trào lưu thế giới đang thịnh hành. Ông rất thân với Phạm Công Thiện : người bạn vong niên này liên miên đề xuất các tác giả bốn bể năm châu, thì Võ Hồng chỉ nghiền ngẫm một cuốn Clémentine của Anatole France. Thời gian này, sách báo ngoại quốc tràn ngập trên thị trường miền Nam, thời thượng là những Sartre, Malraux, Bùi Giáng dịch Camus, Võ Phiến dịch Stefan Zweig, Dostoievski, Nguyễn Hiến Lê dịch Somerset Maugham. Riêng Võ Hồng là con thuyền cắm sào ngoài dòng thời đại.

Cùng một nghề dạy học, nhưng Võ Hồng có chút gì lạc lõng so với các đồng nghiệp Doãn Quốc Sỹ, hay Nhật Tiến, ba nhà văn nổi tiếng là nhà giáo hiền lành…

Ở đây, chúng tôi chỉ so sánh những cái có thể so sánh được, chứ không đặt Võ Hồng vào toàn cảnh Văn Học Miền Nam. Nhiều nhà giáo viết văn, nhưng Thanh Tâm Tuyền không viết văn trong tư cách nhà giáo, ngược lại với Võ Hồng. Tác giả Hoài cố nhân luôn luôn tề chỉnh, đạo mạo. Văn phong mô phạm có khi làm trở ngại cho danh vọng văn học.

*     *

*
 

Viết văn, khởi đầu thường là sở thích, lâu dần trở thành nhu cầu. Khi tác phẩm có độc giả, sáng tác trở thành một nghĩa vụ. Đây là trường hợp Võ Hồng viết văn để « trả hiếu » với quê hương như lời ông tự sự. Quê hương gồm có vùng đất đai Nam Trung Bộ khốn khó, những con người trầm luân, những biến cố đa đoan, là tình yêu, là ám ảnh, là nguồn cảm hứng – đồng thời là nghĩa vụ cho Võ Hồng. Ông trả lời phỏng vấn năm 1972  «  nếp sống quê tôi chưa hề được một nhà văn nào nhắc đến. Những nếp sống cũ xóa đi. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái dĩ vãng đó vẫn còn chưa đủ » (báo Văn, Sài Gòn, số 299).

Dâng trọn cả cuộc đời cho quê hương : một lý tưởng như thế, không cao quý sao ? Và non nửa thế kỷ sau, từ nước ngoài, Trần Hoài Thư, « nhà văn trẻ » năm nay cũng đã cổ lai hy, năm 2005, đánh giá tổng kết « tác phẩm ông trước sau vẫn ca tụng tình yêu chung thủy, tình yêu quê hương, cái đẹp của tâm hồn, cổ súy đạo nghĩa, ca ngợi và mang lại niềm tự hào của thế hệ ông trong thời kỳ chống Pháp, không kích động hận thù, không xúi dục kẻ khác lao đầu vào cõi chết » (tr.52).

Do đó, anh đã ra một số báo ưu ái, nghiêm túc cho Võ Hồng, và nhận được sự ủng hộ, hợp tác với nhiều người trong và ngoài nước, nhiều thế hệ khác nhau « Những tư liệu, hình ảnh cung cấp quá nhiều, đủ biết là tình thương mến của những người thuộc thế hệ đàn em của ông dành cho ông là to lớn đến chừng nào. Và chính những anh em cầm bút cũ ở trong nước đã đề nghị chúng tôi làm số chủ đề này » (tr.49) 4.

Vì vậy, chúng tôi đã cho rằng, trong hiện tình văn nghệ bị phân hóa ngày nay, trường hợp Võ Hồng là một biệt lệ hy hữu. Nó chứng tỏ trong văn học, đâu đây, đâu đó, vẫn còn le lói một tia sáng đạo lý. Nó là niềm tin cậy.

Võ Hồng quê quán Tuy An thuộc tỉnh Phú Yên. Thiết tha với địa phương quê nhà như vậy mà Võ Hồng ít khi về. Trước 1975 ông có đôi lần về thăm. Sau đó, đất nước thống nhất, an bình nhưng ông chưa một lần về cố quận, cách Nha Trang chỉ khoảng 125 km.

Thế mới hay : quê hương là chút nghĩa cũ càng, là những hình bóng phôi pha, là Nhánh rong phiêu bạt trong hoài niệm.

Ba mươi năm xa Tuy An : thời gian dài gấp đôi kiếp Thúy Kiều lưu lạc.

Tuy An, Tuy An, Võ Hồng chưa một lần về lại Tuy An.


 

Đặng Tiến

Orléans, 6-4-2013


 

1 Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, Truyện, tập 3, tr.1718, nxb Văn Nghệ, California, 1999

2 Nguyễn Lệ Uyên, Võ Hồng nhân cách và chữ nghĩa, tạp chí Thư Quán Bản Thảo, số 21, tháng 10-2005, New Jersey, Hoa Kỳ. In lại đổi tên Võ Hồng, người luôn nặng lòng với quê hương, trong Trang sách và những giấc mơ bay, tr. 5-18, nxb Thư Ấn Quán, New Jersey, 2010. Diễn Đàn đăng lại tại đây.

3 Thư Quán Bản Thảo, báo đã dẫn, có đăng lại nguyên văn bài phỏng vấn này, cùng với nhiều chứng từ quý hiếm. Báo in ra để tặng bạn đọc, hỏi nơi địa chỉ tranhoaithu@yahoo.com

4 Thư Quán Bản Thảo, báo đã dẫn

 

http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/hoai-co-nhan-vo-hong

 

****

VĨNH BIỆT NHÀ VĂN VÕ HỒNG

NHÃ MY 

 

Nhà văn lớn Võ Hồng, do tuổi cao sức yếu và trọng bệnh, đã thanh thản ra đi vào lúc 14g chiều ngày 31.3.2013, nhằm 20.2 năm Quý Tỵ, tại nhà riêng ở đường Hồng Bàng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, thọ 93 tuổi.   

 Võ Hồng (tên thật cũng là bút danh) sinh ngày 05.05.1921 tại làng Ngân Sơn, An Thạch, Tuy An, Phú Yên. Thuở nhỏ hoc trường làng Ngân Sơn, trường phủ Tuy An, trường huyện Sông Cầu, rồi học trường trung học Qui Nhơn. 1940 học ban tú tài ở Hà Nội. 

 Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, Võ Hồng từng làm bí thư toà Tổng Ðốc 4 tỉnh miền Nam Trung Việt đóng tại Ðà Lạt. Trong thời kháng chiến, ông làm Trưởng Ty Bình dân tộc vụ tỉnh Phú Yên(1949). Ông cùng vợ dạy học ở trung học Lương Văn Chánh (Phú Yên)sau ông làm hiệu trưởng trường này. Năm 1954, ông đưa vợ con về quê vợ ở Đà Lạt. Năm 1956, ông chuyển xuống Nha Trang và sinh sống bằng nghề dạy học ở các trường tư thục. Đến 1957, vợ ông qua đời, Võ Hồng một mình nuôi 3 con nhỏ, vừa dạy học vừa sáng tác vănchương. Sau 1975, ông  làm Hiệu trưởng trường PTCS Tân Lập, Nha Trang đến 1978, nghỉ hưu. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1977.

 Võ Hồng cầm bút khá sớm, truyện ngắn đầu tay "Mùa gặt" được đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Hà Nội, 1939) với bút hiệu Ngân Sơn, khi ông còn là học sinh đệ tam. Mãi đến 1959 Võ Hồng mới thật sự gia nhập làng văn qua tác phẩm đầu tay "Hoài cố nhân". Võ Hồng đã xuất bản hơn 8 tiểu thuyết, truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình. Sự nghiệp văn học của ông sống qua mọi thời đại vì nó luôn gắn chặt với quê hương, với người dân quê mộc mạc Phú Yên.

 Là nhà văn xuất thân nhà giáo, ông có văn phong giản dị, súc tích, giàu tính giáo dục và thẩm mỹ

Sau 1975 Võ Hồng thường viết về đề tài giáo dục và tuổi thơ, sống ẩn dật. Thời gian này ông còn ký 2 bút hiệu khác: Võ An Thạch và Võ Tri Thủy. 

Sinh tiền, ông cư ngụ tại địa chỉ 53 Hồng Bàng, TP Nha Trang. Cả cuộc đời ông vẫn là một nhà giáo và một nhà văn. Với ông, viết và được viết vẫn là điều thú vị.

 

             TIỄN BIỆT NHÀ VĂN VÕ HỒNG

              Đời "Như  (một) cánh chim bay"
              Mà "Hoa bươm bướm" rụng đầy lối xưa
              Hương thơm sách vỡ bao mùa 
              Công thầy nặng nhọc nắng mưa chẳng sờn
              "Vùng trời thơ ấu"  đạn bom
              "Vết hằn năm tháng"  cô đơn cuối đời
              Vườn văn nay mất một người
              Nén nhang thành kính ... "Ngậm ngùi" tiễn đưa
                                                NHÃ MY KÍNH ĐIẾU

 

              * Chữ in nghiêng là tên các tác phẩm của nhà văn Võ Hồng

 

 

***

 

 

 

http://sangtao.org

Ngày 4/4/2013

Cà kê… Võ Hồng

NGUYỄN LỆ UYÊN

 

Sau khi Thư Quán Bản Thảo (TQBT) 20 chủ đề nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn phát hành, các anh trong nước đề nghị TQBT làm một số chủ đề:  nhà văn Võ Hồng cho số 21. Ngoài nước, hai anh bạn văn một thời với chúng tôi (Phạm Văn Nhàn và Trần Hoài Thư) gọi điện thoại về cho tôi, giục tôi phải về Nha Trang gặp những bạn bè cũ, để bắt tay thực hiện chủ đề về Võ Hồng theo yêu cầu.

Thế là tôi thu xếp hành lý, phóng vù về Nha Trang. Cánh cổng căn nhà 53 Hồng Bàng khép hờ, chỉ cần đẩy cổng bước thẳng lên gác chứ không phải bấm chuông và đợi như những năm trước. Bước lên mấy bậc cầu thang, đứng trước cánh cửa gỗ khép hở đã thấy một phụ nữ trạc 50 đang bưng chén cháo ngồi trên ghế đẩu sát ngay cạnh giường. Ông nằm dán người lên mặt nệm, lép xẹp; đầu trùm chiếc mũ len tới tận chân mày. Nghe tiếng động, ông mở mắt. Tôi chào ông và người phụ nữ, rồi “cung khai lý lịch”, nhưng ông không hề nhận biết tôi là ai, mặc dù trước đó là chỗ thân quen, thường xuyên điện thoại, thư từ thăm hỏi nhau.

Tôi nói rõ mục đích chuyến ghé thăm, trao lại bó hồng của anh em TQBT với lời chúc sức khoẻ và gửi một số tập TQBT tới tận tay ông. Ông vẫn nằm yên trên giường và nghe và thở nặng nhọc, nói những lời cảm ơn rất nhỏ, phải chú tâm lắm mới có thể nghe được.

Tôi quay ra ngoài hiên với người phụ nữ. Chị tự giới thiệu là học trò cũ của ông hồi còn học trường Bồ Đề, Nha Trang, nhà tận cầu Dứa. Có năm ba học trò cũ trạc tuổi chị thay phiên nhau đến chăm sóc ông, bởi các con ông thì ở quá xa, còn người giúp việc thì không ai hiểu được tính ông nên hôm trước hôm sau là bỏ về. Chị không nói tên, nhưng cho biết là “ bọn tui đã thay phiên nhau hơn tháng nay, thầy mỗi ngày mỗi yếu đi”. Và chị lịch sự nói: ”Anh ở đây nói chuyện với thầy, chắc là lâu. Khoảng 11 giờ có người khác đến thay. Tôi phải chạy về nhà có chút việc”. Nói và chị thu xếp muỗng chén đặt lên chiếc bàn con rồi quày quã bước xuống cầu thang. Tôi hơi ngạc nhiên. Có thể chị hiểu công chuyện của tôi sẽ kéo dài, quá lâu để chị thành người thừa trong cuộc chuyện trò chẳng mấy liên quan đến chị, hay tôi như một người cũng có trách nhiệm thay thế trong đám học trò ông, bởi tôi cũng đang xưng “thầy con”.?

Tôi đỡ ông ngồi dậy, dựa lưng vào thành giường, thở dốc một hồi rồi với tay lấy chiếc kính thứ hai mang lên mắt. Ông giở từng quyển TQBT, lật từng trang một cách khó khăn, hỏi : “Các toi làm có bán được nhiều không?”. Trả lời: “Độc giả nhiều, nhưng không thu tiền”. Ông ngó ra một lúc: “Cảm động, thiệt cảm động”. Tôi nói: “Thầy ăn sáng đi kẻo nguội”, rồi tôi bưng chén súp lên, ông gạt đi :”Toi để đó cho moi”. Bữa ăn sáng kéo dài gần hai tiếng. Tôi tranh thủ hỏi ông những gì đã định trong đầu và anh em đã dặn dò, nhưng câu chuyện đưa đẩy hầu như là ngược lại. Ông hỏi tôi: “Moi muốn về thăm quê một chuyến, liệu tình hình này có đi được không?”. Tôi nói: “Thầy cứ uống thuốc, tịnh dưỡng khi nào thiệt mạnh thầy gọi anh em đón thầy về”. Ông ngồi lặng hồi lâu, rất lâu. Hình như hình ảnh quê hương trong ký ức hiện về làm ông xúc động. Tuổi thơ ông đã bay qua con sông Cái, làng lụa Ngân Sơn, khu Lò Gốm, Chí Thạnh, Đồng Dài… mà hơn 30 năm qua ông chưa từng chạm mặt. 30 năm đối với ông hình như là nỗi hoài nhớ mang mang để ông đắm chìm và thả nỗi nhớ nhung chất ngất đó vào từng trang sách. Ông đưa đẩy nó đi để cảm thấy như ông còn đang gần gũi với quê nhà An Thạch. Ông kể lại những bờ ruộng, con mương, tên người, tên đất như để đánh lừa mình đang gần thật gần với Tuy An, nơi ông đã sinh ra và lớn lên, từ ấy ra đi trong những cơn mê chếch choáng “back to Sorento”.

Khá lâu sau đó, ông phều phào: “Nay toa viết được nhiều không?”. “Dạ, in ít thôi”. “Moi cũng cố gắng thôi, còn cầm được cây bút ngày nào moi sẽ viết để trả hiếu cho quê hương”. Không biết là lần thứ mấy mươi và với bao nhiêu người thân quen ông nhắc lại chữ hiếu. Nó thôi thúc ông, réo gọi ông từ tâm thức của đứa con xa quê lâu ngày. Nó luôn là nỗi ám ảnh trong ông mỗi khi được nói, được nghe nói về quê ông. Đó là món bún làm bằng bột bắp, khoanh từng sợi vàng mịn như tơ nổi bật lên trên màu xanh của miếng lá chuối, ăn với nước mắm nhỉ lúc xế chiều. Ông khép mắt mơ màng “Ờ, ờ bún…”. Tranh thủ, tôi dọn dẹp chén đữa mang vào bếp rửa. Quay trở ra định đặt lại mấy tờ báo lên ghế. Nhưng ngó quanh quẩn, chỗ này quyển sách, đầu kia rổ may đựng kim chỉ, giấy bút, chiếc gương soi, dao cạo râu, áo quần, khăn mặt… chúng thật lộn xộn, nhưng chừng như là những nơi cố định của chúng để ông có thể với tới là đụng cái này, nắm lấy cái kia theo thói quen. Loay hoay một lúc và quyết định, thôi cứ để y nguyên, không khéo ông nhìn thấy lại bị “ngầy ngà”.

Một người phụ nữ khác bước lên cầu thang, trên tay là gói thuốc. Ngó lên đồng hồ đã 12 giờ. Chúng tôi chào nhau. Chị lại làm công việc mà người trước đã làm. Ông nằm thiêm thiếp trên giường. Trời nắng chói chang. Căn gác lợp toile nóng hầm hập. Ông vẫn nằm dán sát trên giường. Thở nặng nhọc.

Tôi thẫn thờ bước xuống cầu thang với chút bùi ngùi.

Tháng 9.2005

Nguyễn Lệ Uyên

Trích Thư Quán Bản Thảo, số 21 tháng 10.2005

 

***

http://yume.vn/thaydo09/ 

THAY DO ‘ BLOG

Ngày 4/4/2013

 

 

 

http://tapchisonghuong.com.vn   (Tạp chí Sông Hương - Huế)

Ngày 7/4/2013

 

Hàn thuyên cùng nhà văn Võ Hồng

TẠ QUANG SUM

Lần lửa hơn 30 năm tôi mới về lại thăm Thầy. Ngôi nhà số 51 Hồng Bàng vẫn “ Trầm mặc cây rừng ” như ngày xưa lũ học trò chúng tôi có dịp ngang qua. Cầu thang dẫn lên căn gác nhỏ yếu ớt rung lên dưới chân mình, hay….mình run! Tôi chẳng thể nào phân định được, trong phút giây bồi hồi xao xuyến ấy.

-  Thưa Thầy, con xin vào thăm Thầy!

- Ai vậy ? Vào đi em, ngồi chờ qua một chút, dán mãi mấy trang giấy mà chưa vừa

ý …

Trước mặt tôi: Thầy giáo cũ – Nhà văn – Cụ Võ Hồng…Vẫn nguyên vẹn, sừng sững như cội mai già, vẫn vươn cành phát lộc trong nắng ấm cuối xuân. Tóc bạc như cước, vẫn dáng người cao cao nhanh nhẹn và giọng nói sôi nổi, đưa tôi về với bao kỷ niệm êm đềm của năm tháng xa xưa được làm học trò của Thầy.
- Nào ! ta nói chuyện. Em ở đâu? Học với qua bao giờ? Ngồi xuống đi em!

- Thưa Thầy ngày trước con học Võ Tánh, khoảng cuối hững năm sáu mươi con có theo học lớp tiếng Nhật của Thầy dạy trên chùa Hải Đức.

- À ! lâu quá rồi, nhớ không hết, nhưng mà thấy quen. Bây giờ em làm gì? Trước đây có dính lính tráng gì không?

- Thưa Thầy con đậu Tú tài toàn phần năm bảy mốt, ra Huế học mãi tới bảy sáu mới ra trường, bảy bảy được bổ nhiệm đi dạy học từ đó tới nay.

- Ồ hay quá, bắt tay một cái, qua mừng cho em. Học trò cũ tới thăm, đứa nào qua cũng băn khoăn chuyện đó, sợ nó dở dang thân phận, nó buồn tội nghiệp. Qua như người để những ai đau khổ cùng cực thì tới đây đặt bàn tay lên cánh tay qua mà mến thương, mà an ủi…Còn vợ con em ra sao rồi?

- Thưa Thầy vợ con cũng đi dạy học. Các cháu trai và gái đã lớn đều đã có gia đình.

- Ồ ! quý quá, bắt tay cái nữa. Vợ là giáo viên à? Hạnh phúc quá. Trai có – gái có, “ Moi” mừng cho “Toi”.

Thầy bỗng đứng dậy đi vào phòng, cầm theo ra bìa lịch cũ có dán tờ giấy trắng, lục trong rỗ nhỏ tìm cây bút bi.

- Em quý danh chi? Qua ghi vô đây cho nhớ, già rồi lúc nhớ lúc quên. À ! mà em ngồi đây, qua đi lấy cái gì uống chớ!

Phòng ở của Thầy bộn bề sách vở, tập giấy và nhiều trang báo cắt ra. Cái bàn vuông và hai chiếc ghế mây ngòai thềm, có lẽ là nơi sang trọng nhất để Thầy thù tiếp mặc khách – tao nhân!

- Thưa Thầy, hiện thời Thầy sinh hoạt thế nào? Có ai giúp đỡ Thầy không?
Lúc còn học với Thầy, chúng tôi thường nghe kể với nhau về Cô: Một cô giáo trẻ đẹp dạy Anh văn người Đà Lạt, đã sinh cho Thầy ba người con, rồi vĩnh biệt cõi đời khi Thầy chưa qua tuổi bốn mươi. “ Trung niên táng thê, thậm chi bất hạnh”. Thầy đã ở vậy nuôi con khôn lớn thành người.

Dõi mắt nhìn về xa xăm, chốn ấy có nỗi cô đơn tận cùng của một nhà văn cô đơn, Thầy chợt quay lại mĩm cười đôn hậu:

- À, có đứa cháu, gọi hai vợ chồng nó về đây ở chung. Cũng nhờ được bữa cơm bữa cháo, cái áo cái quần. Mà qua có ăn uống bao nhiêu đâu! Lâu lâu có bạn bè, học trò, khách xa tới thăm thì mua bánh mì với chả lụa về ăn quấy quá xong bữa để còn nói chuyện chớ!

- Việc viết văn của Thầy thì sao ạ!

- Vẫn vậy thôi em, cái nghiệp của qua mà. Viết là cách thế làm đẹp cuộc đời, làm đẹp xã hội. Qua gắng viết những trang hồi ức coi như trả hiếu cho tổ tiên, cho quê hương đã nuôi lớn đùm bọc mình. Qua cũng thích viết cho trẻ em, thế giới trường học…Em đọc “Thương mái trường xưa” của qua chưa?  Nhà xuất bản Kim Đồng in 30.750 quyển đó.

- Dạ thưa con đọc rồi, con tưởng như mình có lần là nhân vật trong truyện.
Thật vậy, Thầy viết để quên đi nỗi cô đơn. Hơn thế giọng văn của Thầy luôn đọng lại trong người đọc một nỗi buồn thật dịu một vị mặn mà thấm ngọt dần, trao truyền sự chịu đựng thật khiêm cung nhẫn nại, một lòng thương mến quê hương và những con người nghèo khổ thật thà chất phác, vẫn cong ngón ta mình để giữ lấy quê hương…

Ngân Sơn, An thạch, Tuy An trong Phú Yên văn chương của Thầy Võ Hồng cũng nhỏ bé, cực nghèo và bình dị lắm. Sao gợi lên nỗi nhớ cồn cào mỗi làng quê của mỗi riêng người đọc ! Sao mà bàng bạc tận cùng trong tôi ký ức những lần về thăm quê ngoại thơ bé ngày xưa !!!

Chuyện hiếu thảo cũng vậy, Võ Hồng không viết điều gì to lớn quá thể. “Một bông hồng cho cha” nhẹ như nụ hôn phớt cha âu yếm đặt lên trán con đang ngủ say. Nhưng làm ta ray rức nhớ người cha đã khuất xa bên kia cõi đời, nỗi ân hận có lần làm cha buồn, có lần vì việc riêng không kịp hầu hạ cha…Càng làm đau thương đến ngọt ngào hơn thân phận mồ côi của mình. “ Lời sám hối của cha:  Sẵn cái nịt trên tay cha vụt con một cái. Rồi cha vội vàng dừng lại, nhìn con mở to mắt, mặt nhăn đau đớn…Con ơi, hình ảnh đó cứ theo cha mãi, ám ảnh cha suốt hơn ba mươi năm nay. Có thể là con đã quên, chắc chắn là con không giận, nhưng mà cha thì cứ nhớ…”.

Mỗi lần khép tập sách lại, tôi không khỏi rưng rưng nhớ đứa con đầu lòng đi xa nay đã mười hai năm !!! Xin cảm ơn Thầy, đã viết hộ con: Nỗi đau của người con mất cha, nỗi đau của người bố mất con. Nỗi đau cùng cực ấy, trước đây con chỉ thể tỏ bày bằng nước mắt, cảm nhận nó từ uất nghẹn thân phận con người…

- Em biết Thông Thắng không?

- Dạ!

- Trụ trì chùa sư nữ Linh Sơn – Cầu Đá đó

- Dạ!

- Mấy năm cuối 80, qua có đề nghị với ni cô cho cha xía vô một chút. Mẹ đã là hoa thì cho cha được làm cái dãi nơ thắt. Cha còn thì nơ xanh – cha mất thì dãi nơ trắng.
- Dạ!

- Biết sao không ! Sau đó qua nghe Thông Thắng kể lại : “ Chùa em đã thực hiện lời Thầy, hôm lễ Vu Lan em mời phật tử đứng thành bốn dãy ở lễ đường. Dãy còn đủ cha mẹ song toàn thì hoa hồng nơ xanh – Dãy mẹ còn cha mất thì hoa hồng nơ trắng – dãy mẹ mất cha còn thì hoa trắng nơ xanh – dãy cha mẹ đều mất thì hoa trắng nơ trắng. Hôm đó có một em bé cỡ chín tuổi cài hoa trắng nơ trắng, nhìn dãy hoa hồng nơ xanh đứng đông còn có người lớn tuổi, em tủi thân òa khóc, cả lễ đường cũng sụt sùi khóc theo.

Dạ, thưa Thầy bây giờ con mới hiểu: Những nghi thức của thế gian mang đậm dấu ấn nhân văn, dù có tô thêm nỗi đau – bất hạnh của con người. Thì chính nó lại là một lớp vaseline mỏng, góp phần làm dịu vết thương mà mỗi con người trên thế gian với tấm thân “ Tứ đại – Ngũ uẩn” này, ai mà sẽ không mang đầy vế thương trên thân thể mình?

- Em dạy môn gì?

- Thưa Thầy con dạy Vật lý.

- Tốt, “moi” thích những con người “Tự nhiên” đi lạc vào văn chương. Ở họ không có cái ngớ ngẩn của kẻ ngoại đạo. Lại không tự mãn của người trong cuộc đôi khi sáo rổng quy luật. Trái lại, họ thật thà đam mê không cuồng si.

- Em có khi nào dừng lại một chút trong tiết dạy để cho học trò thư giản tập làm thơ không? Dễ lắm em a! Qua tập cho mấy đứa nhỏ làm được hết. Có hai cô gái một Pháp – một Ý ở Paris qua Việt Nam làm luận án tiến sĩ văn chương tới đây tìm qua, qua bày cho làm được.

Này, thể tứ tuyệt luật bằng vần bằng nhé!


                                              b         B        t        T        T         b        B


                                              t          T        b        B        t         T        B


                                              t          T        b        B        b        T        T


                                              b         B        t         T        T        b        B


      Ghép vô nè :                  Cam  Chanh  Khế  Mướp  Bí     Dưa    Bầu


                                            Bưỡi    Nhản  Dừa  Xoài  Lựu  Mãng   Cầu


                                            Ớt       Táo      Bòn   Bon  Sim   Táo     Thị


                                            Thanh Long   Ổi      Mận  Chuối  Lê     Dâu


    
     Này, thể tứ tuyệt luật bằng vần bằng nhé !


                                              b          B          t           T          b          B


                                              b          B          t           T          t           B          t           B

 

                                              b          b           t           T          b          B


                                              b          B          t           T          b          B          t           B


     Ghép vô nè :       Dê       Chồn   Rận      Rệp      Ruồi      Trâu


                                Thằn     lằn       Bọ       Hóng   Hải         Âu       Chó   Gà


                               Chào    Mào    Rắn     Chuột    Kỳ         Đà


                               Công    Cò       Thỏ     Vịt         Thiên     Nga      Cáo    Cào


     Em thấy dễ chưa?

- Dạ, nảy giờ con mới học được cách làm thơ theo Thầy.

Ôi ! Những điều sơ đẳng mộc mạc mà rất sư phạm ấy, sao ít người nghĩ được ra nhỉ ! cái dễ dạy vẫn dễ học đấy chứ ! Cứ gì phải rất cao xa!

- Thưa Thầy, bạn văn có thường đến thăm Thầy?

- Thường xuyên, vui lắm thân tình lắm: Các ông hoàng Như Mai – Huỳnh Việt Phương – Trần Hữu Tá – Trần Việt Phương – Cao Duy Thảo – Nguyễn Thụy Kha…mấy cô cậu học trò mới làm luận văn Thạc sĩ – Tiến sĩ, mấy học trò cũ…vui lắm, dễ thương lắm.

- Thưa Thầy, lâu nay các anh chị có về thăm?

- Có đó, mới về đó.

- Thưa Thầy các anh chị có mời thầy qua du lịch thăm chơi?

- Mời hoài, mà đi sao được em ! Có trường ở Pháp mời  cũng không sao đi được. Qua già rồi, năm nay Nhâm Tuất – tám mươi ba,, sống rày – chết mai. Còn biết bao nợ nần với quê hương – với bao người – với các em. Có kịp viết để mà trả không đây ! Sao mà đi được em!

Thưa Thầy, con xin lỗi Thầy, con vụng về cứ quen với nếp nghĩ thường tình. Một phút xôn xao trí tuệ đời thường làm con chợt vắng Thầy, xa đi vóc dáng cao lớn và tâm hồn bao dung nhân hậu của Thầy trong : HOÀI CỐ NHÂN – HOA BƯƠM BƯỚM – NHƯ CÁNH CHIM BAY – ÁO EM CÀI HOA TRẮNG –  MÁI CHÙA XƯA – THIÊN ĐƯỜNG Ở TRÊN CAO…. Mong Thầy hiểu cho con. Con vẫn nhỏ bé như ngày xưa ngồi dưới bàn khoanh tay nghe Thầy giảng bài.

- Thưa Thầy con về thăm Thầy, thấy Thầy còn khỏe con mừng. Cầu ơn trên gia hộ Thầy còn sống với chúng con mươi năm nữa !!!

- Cảm ơn em, qua cũng mong vậy. Chỉ sợ trời không chìu lòng, kêu đi bất thình lình thì tiếc lắm chớ em! Còn quá nhiều chuyện chưa làm hết, chưa viết xong mà.

- À ! mà em về đâu?

- Thưa Thầy con về Cam Ranh.

- Ủa ! Cam Ranh hả? Năm bảy bai có người bạn đưa qua vô thăm chơi chỗ cái hồ gì gần cái nhà làm cho ông Tổng Thống Mỹ hồi đó ghé một chút đó! Trở về qua viết Thiên Đường ở trên cao đó em.  Năm bảy tư kiểm duyệt rồi, chưa kịp in thì bảy lăm giải phóng, thời cuộc chuyển biến phải gác lại. Long đong mãi tới tám lăm, sở TTVH Nghĩa Bình mới in 20.000 bản, qua cũng thỏa lòng.

- Thôi em về, khi nào không bận bịu ghé qua chơi.

- Dạ con sẽ thường xuyên về thăm Thầy.

Thầy đưa tôi xuống cầu thang gác, nắm tay người học trò năm xưa bây giờ tóc cũng đã muối tiêu. Thầy cao hơn tôi – Thầy lớn hơn tôi, tôi vẫn nhỏ bé đi bên Thầy.
- Xin Thầy vô nhà kẻo nắng, con về.

- Ừ, em về, qua đứng nắng một chút tiễn em, qua gửi lời thăm vợ con em, có dịp đưa má nó và sắp nhỏ ra chơi cho Thầy biết nghen.

- Dạ

- Ủa ! Ai đây nữa, sao nãy giờ không vô?

- Thưa Thầy em này năm tám mốt là học trò của con, bây giờ làm nhân viên trường con.
- Vậy hả ! thầy trò làm việc với nhau hay quá, bắt tay cái đi.

Thầy giới thiệu với em, đây là Thầy giáo cũ của thầy – Nhà văn VÕ HỒNG

- Úy, trời đất!.....

Kính viếng hương hồn Thầy

T.Q.S

Hiệu Trưởng Trường  PTTH Trần Hưng Đạo - Tp Cam Ranh

4/2013

 

***

 

 

Tạp chí KIẾN THỨC NGÀY NAY

Số  816 - Ngày 10.4.2013

 

NHỚ NHÀ VĂN VÕ HỒNG

TẦN HOÀI DẠ VŨ

 

Tôi sinh sau nhà văn Võ Hồng 25 năm. Cho nên, về mặt xã hội, tôi chỉ có thể là học trò của học trò ông; bởi thời kháng chiến chống Pháp, khi tôi chưa học đánh vần thì ông đã làm Trưởng ty Giáo dục tỉnh Phú Yên, rồi làm Hiệu trưởng trường Trung học Lương Văn Chánh. Sau Hiệp định Geneve 1954, vì tham gia kháng chiến, ông cũng như những người cùng cảnh ngộ, không được chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng. Vì thế, ông chỉ có thể đi dạy ở các trường tư thục tại Nha Trang; chủ yếu là dạy tại trường Trung học tư thục Lê Qúy Đôn. Ông theo nghề dạy học gần như suốt dời, cho tới tuổi nghỉ hưu, vì sau ngày đất nước thống nhất, ông vẫn làm Hiệu trưởng trường THCS Tân Lập tại Nha Trang.

Tôi kém nhà văn Võ Hồng đến 25 tuổi, nhưng lại may mắn được ông xem như là bạn vong niên, ngay từ lần đầu tôi được gặp ông, nhân khi đi coi thi Tú tài tại Nha Trang, trước năm 1975, tôi ghé thăm ông vì đã từng đọc và thích thú với văn chương Võ Hồng, nhất là với những truyện ngắn đầy tình người, và đặc biệt là vô cùng thích thú với “Gió cuốn”. Ngay lần đầu gặp nhau, khi tôi rụt rè bước qua cánh cổng nhỏ của ngôi nhà nhỏ nhưng vô cùng ngăn nắp và tươm tất, 51 Hồng Bàng, Nha Trang; khi tôi, cũng khá rụt rè xưng tên, ông đã thân mật gọi tôi là bạn, dù cả về tuổi đời và những năm tháng trong nghề văn, lúc ấy, tôi chỉ đáng là học trò của ông.

Sau năm 1975, tôi lại có dịp ghé thăm ông nhiều lần, nhất là từ khi tôi vào làm việc ở báo Thanh Niên, từ năm 1988. Có lần, ông tỏ ra không vui, dù bảo “để tôi kể anh nghe chuyện “vui”. ‘Hơn 30 năm cầm bút, với hàng chục tác phẩm đã in, vậy mà tôi mới chỉ là Hội viên dự bị của Hội Nhà văn Việt Nam. Khi được giới thiệu, lớp bạn bè và học trò cũ của tôi đều cười vui, cho rằng, tôi còn…trẻ. Tôi nghĩ cũng đúng, bởi “dự bị” tức là tôi cũng được xem là “có chút năng khiếu viết lách”, nên cần động viên. Về phần tôi, phải hiểu là mình cần và phải phấn đấu hơn nữa”. Vốn là người nói năng nhẹ nhàng, nhưng nếu ai chịu khó để ý quan sát, sẽ nhận ra trong cái cách nói chừng mực, nhẹ nhàng ấy của Võ Hồng,lúc nào cũng như ngầm chứa một chút hóm hỉnh, một nét cười giễu tinh tế, nhân hậu. Lần ấy, tôi cũng không thể không thấy có một chút gì đó bất ổn, nên cũng kịp nói theo: “Chắc đống tác phẩm của Võ Hồng đã được in chỉ mới thể hiện được là…người có năng khiếu!”. Và đấy là lần duy nhất tôi thấy ông cười to, cười thành tiếng, với nét mặt khoan hòa, có lẽ vì cảm thấy có người chia xẻ một cái gì đó sâu kín bên trong, chẳng ngỏ được lâu nay…

Khoảng gần cuối năm 1988, tôi từ TP.HCM ra Nha Trang gặp Thế Vũ, lúc ấy đang công tác ở Hội Văn nghệ Nha Trang, để giúp một người bạn xin “giấy phép xuất bản nhất thời”, nhằm kịp in cuốn ‘Trong vùng rêu im lặng” của Võ Hồng. Gặp ông tại nhà riêng, tôi vẫn nhớ nụ cười nhân hậu của ông khi bàn về nghề văn trong thời kỳ bao cấp với “gạo châu củi quế”. Và tôi được nghe từ ông một ý tưởng rất hay ,tuy phần đầu của ý tưởng ấy là mượn tư tưởng của một nhà văn Pháp; còn phần sau,thì  sau này, dù đi nhiều, gặp gỡ cũng rất nhiều, tôi không bao giờ còn nghe bất cứ nhà văn nào nói điều tương tự. Võ Hồng nói một cách nhẹ nhàng, mà cả quyết, như một thứ tuyên ngôn, đấy là theo cách hiểu của tôi, còn ông thì bao giờ cũng nói nhẹ như không: “Là một người viết văn bình thường, tôi nghĩ, người viết bao giờ cũng phải làm công việc của một người thư ký – thư ký của thời đại. Nhưng không phải người thư ký nào cũng là nhà văn, nếu thiếu nghệ thuật. Tôi viết là để trả hiếu cho quê hương, cho tổ tiên!”.

Nhiều năm tháng qua đi, do điều kiện làm việc, và do cả những yếu tố tình cảm, sau này tôi ít có dịp đến Nha Trang; do đó, trong nhiều năm, không còn được hầu chuyện Võ Hồng. Nhưng, cái cách suy nghĩ của ông thì vẫn không lúc nào tôi quên được, cái tư tưởng đó của ông , thú thật, ít nhiều đã ảnh hưởng đến tôi; “ Viết là để trả hiếu cho quê hương, cho tổ tiên!”. Chỉ riêng điều đó thôi, ta đã có thể hiểu được một tấc lòng, nếu không muốn nói là cả một tấm lòng. Đôn hậu. Trung thực. Và cũng rất mực khiêm cung.

Tôi nhớ, trong một buổi chiều mùa thu nhiều mây, bầu trời như thấp hẳn xuống, ngồi bên ông trên cái sân thượng nhỏ bé, tôi đã đánh bạo hỏi ông về gia cảnh. Có lẽ, trong cái không khí cô tịch của một chiều thu miền biển âm thầm ấy, ông cũng dễ cảm hoài; vì vậy, ông không ngại ngùng tâm sự với tôi, điều mà theo các bạn văn cùng lứa hoặc các thế hệ học trò của ông, chưa dễ đã có nhiều người được nghe. Võ Hồng chịu cảnh góa vợ từ năm 1957, khi mới 36 tuổi. Và cho tới thời điểm đó (1990), ông có hai con gái, một con trai, ba cháu nội và ba cháu ngoại; tất cả đều sống tại châu Âu. Khi tôi thắc mắc, tại sao ông không tục huyền, cứ sống cảnh gà trống nuôi con, trong khi ai cũng biết là thời trẻ, Võ Hồng là một nhà giáo có uy tín, lại tài hoa, khá đẹp trai, và nhất là có cuộc sống tương đối khá giả, so với anh em giáo chức và các văn nghệ sĩ đương thời, ông cho biết: “Vợ tôi là cô Qùy trong truyện dài “Hoa bươm bướm”(Lá Bối xuất bản năm 1966). Sau ngày nhà tôi qua đời, đúng như anh nghĩ,  cũng không phải là không có những phụ nữ khác đến với tôi; nhưng, tôi vẫn sợ sẽ không thể đem lại hạnh phúc cho người ta. Bởi hình ảnh nhà tôi luôn luôn hiện diện trong tôi” – trước đó, ông đã chỉ  chân dung người vợ treo trên tường; đấy là lúc ông như đang đắm mình trong quá khứ. Giong ông như trầm hẳn: “Anh thấy đấy, đã bao nhiêu năm rồi, mà tôi vẫn cứ tưởng như vừa mới đây!”. Trong bầu khí u trầm của buổi chiều thu xứ biển ấy, chân dung của người vợ của nhà văn vẫn như còn thắm thiết nụ cười, và vô cùng xinh đẹp. Võ Hồng cho biết, vợ ông là một phụ nữ chơi đàn dương cầm rất hay. Vào thời ấy, mỗi giờ dạy đàn, người ta trả cho bà số tiền lớn đến cả chỉ vàng. Bà cũng là người nói sành cả hai ngôn ngữ Anh và Pháp, lại là người mê đọc sách, nhất là những cuốn sách viết về Ấn Độ.

Như chợt nhớ ra một điều gì đó, ông hỏi tôi, anh có hay xem phim truyền hình không? Rồi không đợi câu trả lời, ông kể: “Vừa rồi, có đứa cháu đến bảo, trên truyền hình có chiếu bộ phim, có một nữ diễn viên rất giống mợ. Tôi không tin, nhưng cháu ép quá, tôi mới tò mò xem thử. Bộ phim “Tống Khánh Linh và các chị em” ấy mà! Đúng thật anh à. Xem phim, tôi khóc. Cô diễn viên đóng vai Tống Khánh Linh rất giống vợ tôi. Vì thế, tôi đã viết thư cho các con tôi, dặn chúng tìm xem phim ấy, và tìm cả tư liệu về cô diễn viên ấy để gửi về cho tôi”.

 Trong dòng tâm sự của buổi chiều hôm ấy, Võ Hồng cũng nói về mối tình đầu của mình. Ông cho biết, năm 1940, ông theo học Tú tài tại Hà Nội. Và, “mối tình đầu của tôi dã được tôi ghi lại trong cuốn “Hoài cố nhân” (xuất bản năm 1959). Cô Bảo Loan ấy hiện nay vẫn còn sống tại Hà Nội. Sau ngày Giai phóng, cô ấy có cùng chồng ghé thăm tôi. Chúng tôi vẫn coi nhau như bạn. Sau đó, tôi có gửi cho cô và gia đình tấm hình của mẹ cô , mà chẳng biết cơ duyên nào đã giúp tôi vẫn giữ được sau biết bao vật đổi sao dời. Cô ấy đã khóc khi nhận được tấm ảnh của mẹ. Còn có một chuyện khá thương tâm, lại như tiểu thuyết. Trước năm 1975, nhà văn Vũ Hạnh có giới thiệu cho tôi một cô gái xinh đẹp. Cô KC đã đỗ Cử nhân Văn chương, đẹp người, đẹp nết, gia đình lại giàu có. Hè nào cô ấy cũng ra thăm tôi. Tôi vô cùng quý KC, và cứ luôn xem cô như một đóa hoa hồng buổi sớm, cứ mãi sợ mình chỉ chạm nhẹ vào cũng đã đủ làm hỏng cái đẹp mà tạo hóa đã ưu ái ban cho cuộc đời này…Sau này, cô ấy đi tu. Đã có nhiều lúc tôi tự trách mình. Nhưng, nghĩ cho cùng, tôi đã hành động đúng. Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ như vậy hóa ra lại hay. Chúng tôi vẫn là bạn, mãi mãi vẫn là bạn của nhau”.

Nhà văn nhân hậu ấy đã ra đi, đã lặng lẽ ra đi, như đã lặng lẽ sống những năm cuối đời một cách thanh bình. Vào khoảng 14 giờ ngày 31.3.2013 tức ngày 20 tháng 2 năm Qúy Tỵ, ông đã nhẹ nhàng từ giã chúng ta, trong ngôi nhà nhỏ hiền lành ở số 51 Hồng Bàng, Nha Trang .

Nhưng, tôi  tin chắc rằng, trái tim nhân hậu ấy vẫn còn đập trong cuộc đời này, giữa chúng ta, vì những ai đã từng đọc Võ Hồng, từ truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết; thậm chí, cả những truyện thiếu nhi và những bài báo, đều nhận thấy Cái Đẹp Của Tâm Hồn, đều nhận ra chủ nghĩa nhân đạo gần như bao trùm tất cả các tác phẩm của ông. Và chỉ riêng điều ấy thôi, đã đủ để ta biết ơn ông.

 

 ***

 

Tạp chí NHA TRANG

Số  212. Tháng 5/2013

 

NHÀ VĂN VÕ HỒNG

MỘT NGƯỜI ANH, MỘT NGƯỜI BẠN

GIANG NAM

Tin nhà văn Võ Hồng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vĩnh viễn ra đi ở tuổi 92 không bất ngờ đối với tôi nhưng đã gây xúc động lớn trong bạn bè văn nghệ sĩ  có mặt hôm ấy tại Thành phố Hồ Chí Minh. Rất tiếc do hoàn cảnh công tác tôi không về kịp để tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi lật từng trang tập thơ “Thời gian mây bay” có lời ghi của anh “Thân tặng nhà thơ Gian Nam” xuất bản năm 1996, đọc lại bài “Di ngôn” ở cuối tập:

Sau khi tôi chết

Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết

Của những ngày u buồn trĩu nặng hồn tôi

Ðây: cây bút màu đen sớm tối không rời

Ðây: cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt

Kia: chồng sách không bao giờ ngăn nắp

Này: góc vườn, hoa rụng trải lối đi

Trên khung rào thưa, lá khẽ thầm thì

Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế

Kê sát lan can, hướng xuống mặt đường

Nơi những đêm dài, trong tối đầy sương

Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ đợi

Ðợi một người đi không hẹn ngày trở lại ...”

                                                                (1989)

Tôi biết cuộc đời anh đã trải qua nhiều thử thách và nói chung “buồn nhiều hơn vui”. Tuy nhiên, khi đọc những trang sách thơ, văn viết cho thiếu nhi, anh luôn tỏ ra hóm hỉnh, lạc quan, yêu đời để các em “vui mà học”. Cái khoảng trời riêng “u buồn” ấy hình như anh chỉ dành riêng cho mình.

Tôi đọc văn anh từ rất sớm, vào những năm công tác ở nội thành và vùng ven Sài Gòn (1999-1975) trong kháng chiến chống Mỹ. Với nhiệm vụ được giao: sáng tác, nghiên cứu văn học nghệ thuật, đấu tranh chống văn nghệ phản động, đồi trụy của địch, tập hợp quy tụ những văn nghệ sĩ yêu nước, tiến bộ trong thành, hình thành mặt trận văn nghệ và Hội Văn Nghệ Giải Phóng miền Nan, theo sự chỉ đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, cơ sở bí mật trong nội thành có trách nhiệm cung cấp cho chúng tôi tác phẩm của các nhà văn sống trong vùng địch chiếm, từ những nhà văn yêu nước, tiến bộ đến những cây bút chống cộng, nói xấu cách mạng và kháng chiến, làm “tâm lý chiến” cho địch.

Tôi “biết” Võ Hồng từ đó với những tác phẩm viết về Phú Yên, quê anh với làng Ngân Sơn bên bờ đầm đầy thơ mộng, về Nha Trang, Đà Lạt nơi anh đã sống nhiều năm và cuối cùng, anh đã chọn thành phố Nha Trang để sống, để làm quê hương thứ hai của mình. Trong số các tài liệu tôi có được về anh, tôi rất thích thú số đặc biệt của tạp chí Văn dành để giới thiệu riêng về nhà văn độc đáo của miền Trung (số ra ngày 1/3/1974). Trong số này, ngoài bài phỏng vấn của tạp chí còn có các bài viết của bạn bè văn nghệ sĩ và trí thức miền Nam quen thuộc hồi đó như Tuệ Sỹ, Cao Huy Khanh, Phạm Công Thiện, Trần Thiện Đạo, Mang Viên Long, Trần Hữu Cư, Châu Hải Kỳ. Có thể nói, hầu như các tác phẩm của Võ Hồng đã được xem xét, bình phẩm dưới nhiều góc độ khác nhau: chiến tranh và tình yêu, hoài niệm; quê hương và trí nhớ con người; Về nguồn; Ý nghĩa giáo dục trong tác phẩm Võ Hồng ... Như thế, theo tôi đã là hạnh phúc lắm rồi đối với một nhà văn.

Thật tình đối với chúng tôi hồi đó, tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá nhà văn  là thái độ chính trị qua tác phẩm và qua các hoạt động xã hội khác. Về mặt này, Võ hồng là nhà văn thật đặc biệt vừa là nhà văn, vừa là nhà giáo, luôn say mê tận tụy với nghề, đã sống,  qua mấy chế độ (thời thuộc Pháp, thời Việt Nam độc lập, Vùng tự do Liên Khu 5); thời đế quốc Mỹ thống trị ở miền Nam và sau 1975 là thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất. Trong tâm hồn và tác phẩm của anh có sự kết hợp giữa đạo đức truyền thống và nhu cầu thay đổi để tiến lên, tính nhân văn, lòng yêu thương con người và niềm tự hào dân tộc, cổ vũ làm điều thiện và lên án cái ác, cái giả dối ...

Sau giải phóng 1975, tôi về Nha Trang với mong ước được gặp qanh, một tác giả của quê hương của miền Trung mà tôi từng ngưỡng mộ. Những buổi gặp đầu tiên thật thú vị. Anh ít nói, luôn lắng nghe, và tôn trọng người đối thoại. Tôi báo tin vui: Hội Nhà văn Việt Nam và Hội văn nghệ giải phóng miền Nam sẽ hợp nhất thành các Hội chuyên ngành: Hội nhà văn, Hội nhạc sĩ, Hội điện ảnh, Hội sân khấu ... Anh tỏ ý rất đồng tình. Dù lớn hơn tôi đến tám tuổi, anh luôn gọi tôi là anh, là bạn, khi cao hứng còn dùng tiếng Pháp rất thân mật: Moa, toa ...(có thể dịch là anh, tôi; bạn, tôi; cậu, tớ) rất thân tình.

Một việc bất ngờ xảy ra khiến tôi vừa buồn cười, vừa xấu hổ với anh. Năm ấy tôi ở Sài Gòn về thăm gia đình. Chưa kịp đến chào anh thì anh đã đạp xe lọc cọc đến gặp tôi tại nhà. Sau vài chung trà, vài lời chào hỏi sức khỏe, đột ngột anh hỏi tôi, giọng tỉnh bơ:

- Giang Nam biết không, tôi vừa nhận được công văn của Hội nhà văn. Anh biết công văn viết gì không ? Rằng Ban chấp hành quyết định kết nạp tôi vào Hội nhà văn Việt Nam, làm hội viên dự bị của Hội. Thật hết biết! Các anh làm ăn kiểu gì vậy ?

Tôi biết chị em văn phòng Hội ở Hà Nội đã làm sai, vô tình xúc phạm anh. Tôi vội vàng nắm tay anh xin lỗi:

- Anh Hồng ơi, tôi xin thay mặt Ban thường vụ Hội nhà văn Việt Nam xin lỗi anh. Anh chị em ở Văn phòng căn cứ theo điều lệ: “ Nhà văn mới kết nạp phải trải qua một thời gian dự bị một năm” mà gửi văn bản. Các anh chị ấy không biết anh là nhà văn kỳ cựu đã viết từ năm 1939, là thầy của lớp nhà văn kháng chiến như tôi. Cũng có phần lỗi ở Văn phòng, vì đây là đợt kết nạp đặc biệt mà không không giải thích với các anh chị ấy. Chẳng lẽ các anh chị như Sơn Nam, Bình Nguyện Lộc, Phương Đài, Vũ Hạnh, Lữ Phương, Võ Hồng ... của Sài Gòn mà phải được  thử thách về nghề nghiệp hay sao? Tôi sẽ liên lạc với Hà Nội để các bạn ngoài ấy rút kinh nghiệm.

Như trên tôi đã viết, anh cố giấu nỗi buồn về gia đình, với sự ra đi vào cõi vĩnh hằng rất sớm của người vợ nghệ sĩ và hiền thục của anh, về bệnh tật và nỗi cô đơn. Tôi quý anh nhưng cũng có lúc rất lo lắng sợ anh “bỏ nghề” vì không chịu nỗi gánh nặng về tinh thần và vật chất của anh. Tôi nhớ thời gian ấy, vào năm 1996, tôi đã có một bài thơ tặng anh trong thời kỳ mà tôi nhận xét anh có “khủng hoảng”. Anh đã đọc và đã bắt tay tôi. Có lẽ trong các người anh, các bạn thơ ... của tôi chưa có ai tôi dám đường đột như vậy vì tôi vẫn luôn coi anh như một người anh, một người bạn.

 

 

***

 

 cand.com.vn  Website báo CÔNG AN NHÂN DÂN

Ngày 24/4/2013

 

Nhà văn Võ Hồng trong ký ức tôi

NGÔ KINH LUÂN

Chiều chủ nhật tuần trước, đang lang thang ngắm hoa bò cạp vàng ở công viên gần nhà, thì tôi nhận được tin nhắn của nhà thơ Trần Hoàng Nhân, anh báo tin nhà văn Võ Hồng vừa từ trần lúc 14 giờ. Tự dưng, thấy đời sống trở nên hiu hắt quá. Lên mạng, lục lại bài viết cũ của mình về Võ Hồng, chớm cái mà đã gần 6 năm. 6 năm chắc đủ xa để gọi là ký ức. Thậm chí, mỗi ký tự vừa viết ra đã là ký ức, huống hồ gì là năm lẫn tháng với ngày.

1. Mùa hè năm 2007, tôi ra Nha Trang. Thói quen thời còn độc thân vẫn vậy, thích thì một mình đi đâu đó vài ngày rồi lại về Sài Gòn. Đi như là đi thôi, viết cũng được, không viết cũng được, gặp ai đó cũng được, mà không gặp ai đó cũng được. Tức là, đi đúng nghĩa công việc chỉ là thứ yếu. Nha Trang ngày đó, con đường Trần Phú bị mấy anh mấy chị làm lãnh đạo quy hoạch sao đó, đùng phát chặt trụi cây, nắng như trút lửa xuống con đường thoáng đãng nhưng cực kỳ vô duyên ở thành phố biển này. Tôi không có bạn ở Nha Trang, nhiều năm trước, tôi ít bạn. Cứ lủi thủi đi, lủi thủi viết, bạn bè chỉ một nhúm nhỏ ở Sài Gòn và một vài tỉnh thuộc miền Tây. Lang thang mãi cũng chán, giở sổ đọc mấy mẩu ghi chép vụn, thấy có địa chỉ nhà của nhà văn Võ Hồng nên qua đại.

Hồi ấy, nhà văn đã 86 tuổi. 86 tuổi, tất là đã ở cái ngưỡng xưa nay hiếm, thế nên đừng nghĩ rằng giữa tôi và nhà văn Võ Hồng có một cuộc trò chuyện đúng nghĩa. Chỉ là khi tôi gõ cửa căn nhà nhỏ, có cái sân xi măng râm bóng mận mát, cô học trò của nhà văn mở cổng chào đón tôi. Còn nhà văn, ông nằm bất động trên giường, đôi mắt bắt đầu mờ đục, hướng ánh nhìn về phía tôi. Chắc là, nhìn cũng như không. Mà cũng có lẽ ông không nhìn tôi. Tôi như khách đến trễ, vài tháng trước khi tôi bấm chuông căn nhà của ông, cơn tai biến đã đánh gục ông một cách tàn nhẫn.

Tất cả những gì tôi muốn biết về nhà văn, đều do cô học trò của ông cung cấp. Nhớ là, cô có nói với tôi năm 18 tuổi nhà văn Võ Hồng có truyện ngắn Mùa gặt in trên tờ báo văn chương mà tất cả văn nghệ sĩ thời điểm đó đều muốn góp mặt, tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy.

Vậy mà sau Mùa gặt, ông không giới thiệu thêm bất kỳ sáng tác nào của mình nữa. Cứ như cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng thời trai trẻ, thích thì chơi, không thích thì nghỉ. Ông nghỉ khoảng thời gian dài, rất dài. Năm 1939 ông có Mùa gặt, mãi đến năm 1957, ông mới giới thiệu đến bạn đọc Hoài cố nhân. Đó như là biến cố lớn của cuộc đời ông. Hoài cố nhân, tiêu đề đã ẩn chứa hết biến cố mà ông nhận lãnh, ông trở thành người đàn ông góa vợ. Góa vợ, ông ở vậy, đi dạy, viết văn và nuôi con. Niềm vui kiếm thêm là dạy học miễn phí cho trẻ con láng giềng. Sau Hoài cố nhân, ông còn viết hàng loạt tác phẩm khác, như  Chúng tôi có mặt, Nhánh rong phiêu bạt, Lá vẫn xanh biêng biếc, Thiên đường trên cao, Vết hằn năm tháng, Gió cuốn,v.v.

2. Cô học trò của ông, người chăm sóc ông, người lưu giữ gần như toàn bộ sáng tác của ông, kể với tôi cuộc sống của ông theo nhịp chuyển động đều, gần như bất di bất dịch. Đi dạy về, ngồi vào bàn viết. Xen kẽ giữa khoảng thời gian nghỉ giải lao, là chơi với trẻ con và… hết.

Đều đặn như vậy bao nhiêu năm rồi. Tính ông không la cà phố xá, bạn bè thích hàn huyên thì cứ đến nhà, ông rất quý khách. Có thể nói, ông là hình mẫu của một nhà giáo quy củ, chuẩn mực. Vì vậy, đưa ra nhận định này nếu có cảm quan quá mong mọi người bỏ quá cho, văn của ông chỉ dừng lại ở nỗi buồn dịu dàng tỉnh lẻ. Như khi đọc những câu thơ của nhà thơ Yến Lan vậy: “Cô em/ Tỉnh lẻ/ Nằm xem/ Kiếm hiệp”. Tuy nhiên, nếu xem đời sống văn chương Việt Nam trải ra nhiều mảnh chiếu riêng biệt, thì chắc chắn ông đã có được mảnh chiếu cho riêng ông, ông có lượng độc giả trung thành cho ngôn từ của ông. Bởi hy vọng vào một sự phá cách trong một ngòi bút được xuất phát từ người viết tuân thủ theo sự chỉn chu mô phạm thì là điều quá khó.

Khi viết bài về nhà văn Võ Hồng, tôi có nhắc đến chi tiết “Trong kháng chiến chống Pháp, ông kế nhiệm ông Trần Suyền - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên lúc đó, làm Hiệu trưởng Trường chuyên - Trường THPT Lương Văn Chánh (Phú Yên). Sau khi ông thôi chức Hiệu trưởng, “ông nghè bút thiếp” - Bùi Xuân Các, người vinh dự được Bác Hồ phong cho danh hiệu ấy vì chữ đẹp, tiếp tục làm công việc của Võ Hồng để lại. Những thế hệ học trò cũ ở Trường Lương Văn Chánh cứ ngấm ngầm so sánh xem chữ của ông hay chữ của “ông nghè bút thiếp” đẹp hơn. So sánh chán, mọi người quyết định chữ của hai người đẹp… như nhau”.

Thú thật là chi tiết này tôi được một nhà thơ nổi danh gốc Phú Yên kể cho nghe. Thấy anh phân tích vô cùng hợp lý, mà chi tiết lại hay, nên tôi đưa vào bài viết. Sau khi Chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng in bài này, bác Bùi Xuân Các có gọi điện thoại và gửi thư đến Ban Biên tập, để xác tín lại thông tin. Cho đến giờ thì tôi không nhớ rõ lắm bác Bùi Xuân Các yêu cầu đính chính gì, chỉ nhớ là sau lúc trò chuyện qua điện thoại với tôi, có vẻ bác hài lòng. Bác có cho tôi địa chỉ nhà, dặn ra Hà Nội thì ghé sang nhà bác, bác sẽ cung cấp thêm nhiều chi tiết. Tiếc rằng, mỗi bận ra Hà Nội, mải vui với bạn bè tôi lại quên mất cái hẹn này. Mà cũng xa lắc rồi, không biết giờ bác Bùi Xuân Các còn khỏe mạnh không? Tôi vẫn hối hận vì chưa trọn lời hứa với bác.

Ngồi nhớ nhà văn Võ Hồng, lại lan man nhớ đến nhà văn Nguyễn Khải. Ngày bác Nguyễn Khải còn sống, tôi có sang hầu chuyện bác ở nhà riêng, căn nhà cao tầng có cả thang máy nằm ở mặt tiền con đường nhỏ tại quận 4. Ngồi chơi với bác, tôi có nhắc đến bác Võ Hồng, bác Nguyễn Khải đưa ra nhận định: “Cái tay ấy lành, mà viết cũng hay”. Đọc nhiều giai thoại văn chương, thấy đa phần các văn nghệ sĩ nhận xét về tính cách bác Nguyễn Khải theo chiều hướng kỳ kỳ, tôi không thích lắm. Cuối đời, bác chỉ ở nhà đọc triết học, nhắc tôi là nên đọc cuốn này, cuốn kia… Hôm bác bệnh phải nằm viện, biết bao lần tôi muốn sang thăm mà cứ ngại. Nghĩ rằng, mình là cái quái gì lại đi thăm nhà văn tên tuổi như bác. Vậy đó, cho đến khi bác mất. Quên mất rằng, đi thăm một người bệnh món quà lớn nhất là tình cảm chứ không phải danh tiếng phù du. Có chuyện về bác Nguyễn Khải vui cực, cái này là bác kể với tôi. Hồi con bác đi học cấp II, cô giáo dạy văn ra đề phân tích tác phẩm Mùa lạc. Con thấy cô giáo ra đề phân tích tác phẩm của bố thì mừng lắm, mang về nhờ bố… phân tích giúp. Bác Nguyễn Khải được con nhờ, trịnh trọng ngồi vào bàn làm việc, chuyển tải toàn bộ điều mà bác muốn hướng đến trong Mùa lạc. Đùng cái, chiều con về nhà mếu máo trách bố: “Bố làm bài giúp con sao mà cô giáo phê… lạc đề”(?!). Chắc là, chính bác Nguyễn Khải cũng không biết vì sao mình phân tích chính tác phẩm của mình mà còn bị cô giáo phê là lạc đề..

3. Cô học trò của nhà văn Võ Hồng tên là Nguyễn Thị Đạm. Tôi chưa thấy ai giữ trọn đạo hiếu thầy trò như cô. Con cái nhà văn Võ Hồng đều thành danh và định cư ở nước ngoài, yêu mảnh đất Nha Trang nên ông ở lại, phụ việc ông chỉ có cô học trò ngày xưa. Gọi là học trò theo đúng danh phận, chứ hôm trò chuyện với tôi, tóc cô đã hoa râm.

Tôi học thầy Huỳnh Như Phương, giảng viên cũ của tôi môn Lý luận Văn học thời Đại học, thấy thầy có trích một ý ngắn của nhà văn Võ Phiến khi viết về nhà văn Võ Hồng như sau: “Võ Hồng quả được an thân. Sống từ chế độ này qua chế độ kia, thế cuộc bao phen đổi thay, ông vẫn an, vẫn nhàn, vẫn khỏe. Vẫn viết lách để răn đời. Răn toàn điều lành…”. Theo thầy Huỳnh Như Phương, thì đây là nhận định có ý trách móc một cách tế nhị.

Phận làm trò, tôi không dám phản bác quan điểm của thầy Huỳnh Như Phương. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ đây là nhận xét chung của nhiều văn nghệ sĩ khi nhắc đến nhà văn Võ Hồng, chứ không có ý trách cứ gì. Bởi, cái tính của nhà văn Võ Hồng đã là vậy.

Trước khi chia tay cô Đạm ra về, tôi có xin phép cô được nắm tay nhà văn Võ Hồng thay cho lời tạm biệt. Đôi bàn tay gầy, rất ấm, vậy mà lại gợi cảm giác của một sự chia xa.

Cũng cần phải nói để bạn đọc hình dung thêm về cô Đạm. Thời điểm tôi đến thăm nhà văn Võ Hồng, tôi bị chứng chèn dây thanh quản, mất tiếng hoàn toàn. Bác sĩ đã chỉ định mổ, tôi gạt ngang, cứ mặc kệ. Câm hơn cả tuần, mới được cất tiếng lại. Về sau, chẳng hiểu thế nào tự dưng nói lại được. Chứ hồi đó cũng hoảng loạn lắm, ú ú ớ ớ chỉ tay suốt ngày. Vì vậy, toàn bộ buổi trò chuyện giữa tôi và cô Đạm chỉ là người viết ra giấy, người trả lời bằng miệng. Nhắc chi tiết này, để thấy cô Đạm quý khách đến thăm người thầy của mình như thế nào

 

***

 

Tạp chí KIẾN THỨC NGÀY NAY

Số  816 - Ngày 10.4.2013

 

VÕ HỒNG - NHÀ GIÁO & NHÀ VĂN

CỦA LÒNG NHÂN ÁI

TRẦN HỮU TÁ

 

Còn nhớ, cách đây kh1 lâu, có dịp ra Nha Trang thăm Võ Hồng, ông đã đưa tôi đến thăm Long Sơn tự - một thắng cảnh của “xứ trầm hương”. Vị hòa thượng trụ trì ở đó, tuổi cũng đã cao, thân hành ra tiếp với lời lẽ, thái độ hết sức kính trọng. Sau này hỏi ra mới biết, hòa thượng vốn là học trò Trường Lương Văn Chánh trong những năm kháng chiến chống Pháp. Thời đó, Võ Hồng vừa là hiệu trưởng trường này - ngôi trường trung học nổi tiếng của tỉnh Phú Yên - vừa trực tiếp lên lớp các môn Văn, Sử.

Dưới sự lãnh đạo của ông, trường đã vượt qua những gian khổ, khó khqa8n của thời chiến tranh và trở thành trung tâm đào tạo đội ngũ trí thức trẻ cho Cách mạng, không chỉ khoanh lại trong phạm vi Phú Yên, mà rộng ra cho cả mấy tỉnh miền Nam Trung Bộ. Sau năm 1954, Võ Hồng tiếp tục dạy học ở Nha Trang (các trường trung học Lê Quý Đôn, Bồ Đề).

Lại có một dịp khác ghé thăm ông - căn lầu nhỏ số 51 đường Hồng Bàng khá tĩnh lặng, ông vui vẻ bắt tay “Toa (tiếng Pháp: “toa” - anh, cậu, mày ... cách xưng hô thân mật giữa các bạn bè) mới ra Nha Trang đấy ư ? Ngồi chơi, xem sách, chờ moa (tiếng Pháp: “moi” - tôi, mình, tớ...) một chút”.

Tôi không xem sách, mà xem ông dạy học. “Môn đệ” chỉ có một, chừng 9, 10 tuổi, rõ ra con nhà nghèo. Thầy Võ Hồng đang dạy cháu ghép vần. Thầy dạy tận tâm, trò học chăm chỉ. Thầy trò nhỏ nhẹ ân cần với nhau như ông với cháu. Buổi học qua đi một cách êm đềm, vui vẻ.

Võ Hồng là thế. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với bảng đen phấn trắng, đến lúc nghỉ hưu, thậm chí khi bước qua ngưỡng tuổi “xưa nay rất hiếm”, ông vẫn chí tình giúp cho bà con nghèo thoát cảnh mông muội. Ông nói vui với tôi: “ Toa biết ra đường moi ngại nhất chuyện gì không? ”. Thấy tôi lúng túng, ông cười: ” Sợ bà con chào nhiều quá. Mắc cỡ lắm! ”. Không nói quá lời, ông rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Chỉ tiếc rằng quyết định hợp đạo lý, thuận nhân tình này đã không trở thành hiện thực.

Mấy năm nay sức khỏe của ông suy giảm nhiều, đầu óc không phải lúc nào cũng tỉnh táo, cho nên tiếp khách - dù là khách văn chương, vẫn là một việc làm quá sức, thành thử dù có ra Nha Trang, tôi cũng ngại làm phiền ông. Chính vì thế, những chuyến đi không trò chuyện được với Võ Hồng vẫn cứ đem lại cho tôi một cảm giác thiếu hụt. Bởi lẽ đơn giản, đến với ông, và trước năm 1992 đến thăm nhà thơ Quách Tấn, như đến với một đại diện có thẩm quyền vế mặt văn hóa, tinh thần của thành phố biển Nha Trang, giúp mình hiểu thêm, yêu thêm vùng đất ấy. Cảm giác thiếu hụt ấy cũng đến với tôi khi ra Huế nếu không gặp được Hoàng Phủ Ngọc Tường, vào Đà Nẵng không gặp được Nguyễn Văn Xuân, về Bến Tre không thăm được Trang Thế Hy ... Võ Hồng xứng đáng được tôn trọng, quý mến không chỉ vì ông là người thầy chân chính như nói ở trên, mà còn vì công sức lao động cần cù và thành tựu sáng tạo xuất sắc trong sưốt 60 năm cuối thế kỷ XX trên lĩnh vực văn chương. Ngay lúc còn là học sinh Trường Trung hoc Qui Nhơn (1939), Võ Hồng đã có tác phẩm đầu tay - truyện ngắn Mùa gặt đăng trên tuần báo Tiểu thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội. Bút danh Ngân Sơn (tên quê hương Võ Hồng: làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) ghi dưới tác phẩm này, cũng như bút danh Võ An Thạch ít được tác giả dùng tới; hầu hết các tác phẩm của ông đều được ghi tên khai sinh: Võ Hồng.

Võ Hồng viết khá nhiều tiểu thuyết: Hoa bươm bướm, Gió cuốn, Như cánh chim bay, Thiên đường ở trên cao ..v..v.. Mỗi cuốn có những nét duyên riêng, nhưng gây ấn tượng nhiều hơn là cả hai cuốn tiểu thuyết liên hoàn: Hoa bươm bướmNhư cánh chim bay - những tác phẩm tìm cảm hứng từ cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp.

Qua Hoa bươm bướm Như cánh chim bay, ông tái hiện một cách trung thực hình ảnh cuộc kháng chiến gian khổ nhưng anh dũng này. Qua các trang văn của Võ Hồng, người đọc thấy được những khó khăn, tổn thất, những lúng túng vụng dại của quân dân ta ở Đà Lạt, cũng như ở Liên khu Năm, trong những ngày đầu đối phó với quân thù. Tác giả không ngần ngại xây dựng những bộ mặt đớn hèn, ti tiệ, phản dân hại nước lọt vào hàng ngũ kháng chiến của những tên cơ hội như Huỳnh Bộ, Trần Chắc. Điều quan trọng hơn, ông đã ghi nhận một cách khách quan con đường đến với cách mạng, gắn bó với cuộc kháng chiến của nhiều đối tượng khác nhau: say mê hồ hởi như lão Tâm - tiêu biểu cho lớp người bần cùng “dưới đáy”; chín chắn, sâu sắc, đầy ý thức như Luân, Quì - những trí thức trẻ, những người được tác giả gửi gắm một phần cuộc sống và tâm hồn, tình cảm của mình cũng như người bạn đời đã quá cố vào đây. Ông dành cho họ tình cảm mến yêu, quý trọng. Ông đã trả lại cho cuộc kháng chiến giá trị đích thực của nó: tính chính nghĩa cao cả, tính nhân đạo sâu sắc. Cần nói thêm, văn phong tiểu thuyết của ông có cái duyên riêng, khó lẫn: trong sáng và trau chuốt, mạch truyện diễn tiến không gấp gáp, mạnh mẽ. Tất cả đều khoan thai, từ tốn, như câu chuyện tâm sự nhỏ nhẹ giữa những người thân thiết. Giọng kể này không gây ấn tượng mạnh nhưng có khả năng đọng lại bền lâu. Gíá trị của Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay một phần ở cốt truyện, chủ đề, số phận nhân vật và còn ở cả tấm lòng của nhà văn đối với một chặn đường đấu tranh cam go của dân tộc. Các cuốn tiểu thuyết khác của Võ Hồng chưa có được sức hấp dẫn  như hai tác phẩm kể trên. Và xét trên tổng thể, giữa hai thể loại văn xuôi - tiểu thuyết và truyện ngắn - thì thể loại sau mới là lĩnh vực sở trường hơn cả của ông.

Ngay khi đất nước chưa liền một dải, chúng tôi may mắn đã lần lượt được đọc gần hết các tập truyện ngắn của cây bút tài hoa này: Hoài cố nhân (1959), Lá vẫn xanh (1962), Vết hằn năm tháng ((1965), Con suối mùa xuân (1966), Khoảng mát (1966), Bên kia đường (1968), Những giọt đắng (1969), Nhánh rong phiêu bạt (1970), Trầm mặc cây rừng (1971) v.v... Hồi ấy, nhiều lúc chúng tôi đọc các tác phẩm nói trên giữa tiếng còi báo động máy bay Mỹ xâm nhập vùng trời Thủ đô, làm đứt đoạn mọi sinh hoạt đời thường.

Phải sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới có dịp đến thành phố biển Nha Trang gặp ông, nhưng ngay trong thời gian lịch sử khắc nghiệt của những năm chống Mỹ, tôi đã yêu truyện ngắn  ủa Võ Hồng cũng như yêu văn Vũ Bằng, Sơn Nam, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hạnh và của nhiều cây bút trẻ, yêu nước nồng nhiệt, thực sự có tài, xuất hiện đông đảo từ 1965 đến 197 trong các thành thị miền Nam.

Ngẫm ra, gia tài văn chương Việt Nam hiện đại, dù bất cứ thể loại nào, ở miền Bắc, ở vùng giải phóng hay ở các thành thị miền Nam trong 21 năm đất nước cắt chia, giờ đây trải qua cuộc sàng lọc khắc nghiệt nhưng tất yếu của thời gian, không ít trang văn đã bị chìm trong quên lãng. Và những gì còn đọng lại trong lòng người đọc hôm nay thực sự có giá trị đáng nể. Vườn hoa văn chương đó muôn màu muôn vẻ, riêng khu vực truyện ngắn đã rất đa dạng, có khóm rực rỡ, có cây lộng lẫy, có cành kiêu sa. Riêng Võ Hồng, có cảm giác như ông lặng lẽ vun trồng, tưới tắm trong một góc vườn cho một gốc ngọc lan, ở đó những đóa hoa nhỏ xinh, trắng nuốt không phô trương, ít gây ấn tượng mạnh, thường khiêm tốn lẩn vào những nhành lá xanh rươi. Và cứ tối tối, cũng như lúc ban mai, hương hoa thanh khiết của nó lại lan tỏa, đem đến cho người đọc sự thanh thản, thư thái rất cần cho cuộc sống đang ầm ào chuyển động hết công suất của một xã hội văn minh công nghiệp.

Một cách tự nhiên, Võ Hồng đã mê mải lãng du trên dòng sông trữ tình của những nghệ sĩ cùng thế hệ, nhưng đi trước ông mươi năm trong lĩnh vực văn chương: Xuân Diệu (Phấn thông vàng), Thạch Lam (Gió đầu mùa), Hồ Dzếnh (Chân trời cũ), Thanh Tịnh (Quê mẹ) ...

Kể cũng lạ, nhân vật người kể chuyện ở đây có khi ở ngôi thứ ba có vẻ khách quan, bình thản, nhưng thường là ngôi thứ nhất dung dị và sâu sắc. Nhân vật “tôi” ấy có thể là một chủ gia đình nho nhỏ, nghèo tiền nhưng rất giàu tình thương mến; cũng có thể là một người đàn ông sống cảnh gà trống nuôi con; có khi lại là một cô gái nhỏ kể về cuộc sống có vẻ đơn giản nhưng đầy ắp những kỷ niệm ấm lòng về người mẹ đã khuất, người cha hiền từ, người anh năng động, người chị dễ thương và đôi lúc cũng dễ ghét.

Ai đã được biết Võ Hồng hẳn đều giật mình, hóa ta tác phẩm nào của ông cũng ít nhiều mang tính tự truyện, cũng chứa đựng một mảnh tâm sự riêng, một chút kỷ niệm riêng sâu sắc, ngọt ngào nhưng không ít lúc cay đắng của tác giả. Chuyện về người bác tình nghĩa hết lòng vì con cháu (Người về đầu non), về những người bạn thuở thiếu thời (Hoài cố nhân, Ngày xưa), về một vài thiếu nữ dịu dàng, đằm thắm đã lướt qua đời mình thời thanh niên (Hà Vi, Rồi trái cây sẽ chín). Có hẳn một mảng truyện ông viết về  cái gia đình nhỏ bé lẽ ra rất hạnh phúc của mình, người vợ hiền hậu, đảm đang một cách lặng lẽ nhưng rồi đột ngột từ trần; những đứa con ngoan, biết yêu thương nhau và kính yêu cha mẹ nhưng rời cũng lần lượt trưởng thành, rời xa tổ ấm, khẳng định tương lai ở những phương trời xa (Một ngày cho mẹ, Từ giã tuổi thơ v.v...).

Những nhân vật ấy, những câu chuyện ấy cũng có khi được đặt, trong thì hiện tại, trong khung cảnh Sài Gòn, Nha Trang có ánh hỏa châu chập chờn, có tiếng phi cơ thám thính ầm ì trên trời cao, có những cáo phó trên báo - lạnh lùng hay chua xót, loan tin người thân tử trận; nhưng chủ yếu tác giả đắm mình vào quá khứ - những ngày ngột ngạt trước năm 1945 và những ngày vất vả gian khổ trong kháng chiến chống Pháp. Thời gian hoài niệm ấy rất thích hợp để nhà văn lắng lòng mình, suy tưởng và bộc bạch về sự va đập, chìm nổi của số phận những con người. Hoàn cảnh có thể gieo neo vất vả, thậm chí có thể là bi kịch, nhưng những nhân vật của Võ Hồng thường vượt trên bất hạnh, vì trái tim họ luôn ấm nóng tình người. Tình yêu quê nghèo (Người về đầu non), tình với cây trứng cá quen thuộc trước sân nhà (Vĩnh biệt cây trứng cá), với con chó nhỏ thân thương (Người bạn nhỏ tên Tô), cho đến tình bạn thuở học trò (Cánh thiệp đầu xuân), tình yêu nam nữ (Tia nắng rớt, Trầm mặc cây rừng ...). Và cảm động làm sao, tình yêu thương của những bé thơ mất mẹ, của người mẹ trẻ khắc khoải  lúc gần đất xa trời, của người cha hiền từ nhưng đầy nghị lực hết lòng vì đàn con mồ côi (Từ giã tuổi thơ, Một ngày cho mẹ, Người anh vắng mặt v.v..). Chính vì thế, khi đọc truyện của Võ Hồng, cái buồn dịu dàng như cứ phảng phất đâu đây. Nhưng thật kỳ lạ, tâm trạng của người đọc không bị chùng xuống, yếu đi, mất lòng tin vào cuộc sống, mà ngược lại, như bình tĩnh, thanh thản hơn. Bởi lẽ, nhà văn như muốn gửi tặng người đọc một điều trải nghiệm dù trong hoàn cảnh bi đát đến đâu, con người vẫn có thể tìm được một hạnh phúc giản dị, nhưng cần vô cùng, miễn là ai cũng luôn có thái độ cảm thông, có sự tôn trọng, yêu thương nhau, quan tâm chu đáo, hết lòng vì nhau.

Thông điệp đậm chất nhân văn “người yêu người, sống để yêu nhau” rất mực chân thành nói ở trên đã là nguồn cảm hứng tưởng như không vơi cạn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật dài hơn nửa thế kỷ của Võ Hồng. Thông điệp ấy được ông chuyển tải một cách tự nhiên, bằng một lối diễn đạt tinh tế, trong sáng, trau chuốt và đậm chất thơ. Ít có nhà văn nào nghiêm khắc với văn của mình như Võ Hồng. Tôi có cảm giác nhà văn Võ Hồng đã làm trái với quy luật méo mó của đời thường “ tự kỉ văn chương, tha nhân thê thiếp “ (văn mình, vợ người) mà bất cứ lúc nào ông cầm bút  cũng được nhà giáo Võ Hồng ở liền bên, kiểm duyệt một cách khắt khe, tuyệt đối không chấp nhận lối đặt câu, dùng từ cẩu thả. Vì thế, mỗi tác phẩm của ông như một tiếng đờn độc huyền, rung lên rồi cứ ngân vang không dứt trong tâm tưởng người đọc giữa đêm vắng.  Trước đây, không ít độc giả đã rưng rưng xúc động trước những trang văn của cây bút đôn hậu này. Tôi nghĩ, hôm nay và có thể cả sau này, tác phẩm của Võ Hồng chắc chắn sẽ góp phần làm tâm hồn mỗi chúng ta  phong phú hơn, trong sáng và tốt đẹp hơn. Bỡi lẽ, dù cuộc sống chuyển vần ra sao, GDP có tăng gấp bội phần  so với hiện nay, thì tình người nhân bản với tất cả vẻ đẹp thầm lặng và vô giá của nó vẫn là hành trang cần thiết cho mỗi chúng ta trong suốt cả cuộc đời. Chính vì vậy, nên có thể đoan quyết: dù đã về cõi vĩnh hằng chiều 31.3.2013, dù ở tuổi 93 đại thọ nhưng Võ Hồng - nhà văn và nhà giáo của lòng nhân ái - sẽ còn sống rất lâu trong tâm tưởng những người yêu văn chương Việt. Với những ai có điều kiện, nếu đến Nha Trang, có thể đến tưởng niệm trước phần mộ của ông  tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Nơi đó Quách Tấn - một tên tuổi khác của nền thơ Việt Nam hiện đại - đã chờ ông từ 21 năm rồi.

 

***

 

 

 

NGÔ VĂN BAN

VIẾT VỀ THẦY

 

ĐỌC NHỮNG TÁC PHẨM GIÀU TÍNH GIÁO DỤC

CỦA NHÀ VĂN - NHÀ GIÁO VÕ HỒNG

 

 

Qua ba tác phẩm của Võ Hồng do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1992-1993: “VẪY TAY NGẬM NGÙI”(tập truyện), “THƯƠNG MÁI TRƯỜNG XƯA” (truyện dài), “HỒN NHIÊN TUỔI NGỌC” (tập thơ) ta thấy Võ Hồng không những là nhà văn của tuổi thơ mà còn là nhà thơ của tuổi thơ ngà ngọc. Hơn nữa,Võ Hồng còn là một nhà giáo đã nhiều năm dạy học. Trong những năm tháng với mái trường, với học sinh, với những tình cảm thầy trò, cùng sinh hoạt, cùng vui buồn với học trò ... nhà văn Võ Hồng có nhiều chất liệu để tạo nên những tác phẩm sâu sắc về tuổi học trò. Những người đọc hôm nay đã từng được thầy Võ Hồng dạy dỗ, chăm sóc sẽ thấy bóng dáng mình, ngôi trường mình học, bạn bè cùng học trong các tác phẩm ấy.

“VẪY TAY NGẬM NGÙI” có những truyện về lứa tuổi học sinh trước năm 1975 (như truyện Một ngày cho mẹ, Cánh thiệp đầu xuân, Tuổi học trò...).

 

Còn “THƯƠNG MÁI TRƯỜNG XƯA “ (TMTX) là tập truyện nhỏ nhắn, xinh xắn về một tập thể học sinh cấp 2 sau năm 1975 tại một ngôi trường trong thành phố mà tác giả đã từng giảng dạy và điều hành. Tập truyện mở đầu bằng “Ngày khai giảng” và kết thúc bằng “Nụ cười rưng rưng” trước khi rời xa mái trường thân yêu, đầy ắp kỷ niệm của một thời cắp sách.

Qua thời gian của một năm học, có những câu chuyện nho nhỏ đã được tái hiện thật sinh động, truyền cảm về người thầy chủ nhiệm hết lòng chăm lo cho học sinh lớp mình phụ trách, về quý thầy cô bộ môn đầy lòng nhiệt tình và trách nhiệm, về những bạn bè mỗi đứa một tính, về những lần sinh hoạt không thể nào quên trong các hoạt động của lớp, của trường ... Hơn nữa, những truyện tuy nho nhỏ ấy nhưng đầy tính giáo dục cao.

 

Như bài học về tổ chức là cách xếp đặt chỗ ngồi cho học sinh, chia tổ học tập sao cho hiệu quả, phân công trực lớp trực trường cho khoa học, tổ chức cho học sinh góp nhiều sách cho thư viện trường, cách kiểm tra học sinh, tổ chức thể dục đồng diễn, tổ chức sinh hoạt hè sao cho có kết quả tốt ... Ta còn thấy có những bài học về ngôn ngữ, từ ngữ tiếng Việt, về cây cỏ, về văn học, về hóa học, về Anh ngữ ... bên cạnh những bài học về cách đối xử với bạn bè, về tình bạn, tình thầy trò ...

Những thế hệ học sinh học với thầy Võ Hồng, ai cũng nhớ về thầy dạy văn học của mình, thầy đã dạy học sinh làm thơ, viết một bài văn “nối điêu” [1] một truyện của một nhà văn nổi tiếng. Bài luận văn nào của học sinh trong lớp có một hay hai ba câu Thầy phê là “khá” và Thầy cho gom lại cho vào một “album”, để rồi cuối năm đăng vào tờ đặc san của trường. Đó là chưa kể, mỗi bạn có một tập thơ chép tay của các bạn trong lớp tự sáng tác, mỗi người lưu giữ như một kỷ niệm không bao giờ quên của một thời đi học, của một thời học văn Thầy dạy. Ngoài dạy môn Văn, Thầy còn dạy môn Sinh vật, môn Ngoại ngữ và trong tác phẩm thể hiện được những phương pháp học, học sinh hiểu bài, tiếp thu dễ dàng.

Cuối mỗi truyện trong tác phẩm là một nhận định, một nhận xét như những câu cách ngôn, châm ngôn đầy tính giáo dục. Như khi kết thúc truyện “Tổ học tập”, có câu:” Khi mình quyết tâm làm điều tốt giúp kẻ khác thì mình không bị thua thiệt gì hết. Mà trái lại, người được hưởng điều tốt, đầu tiên lại chính mình”. Hay cuối truyện “Không coi thường những khuyết điểm nhỏ”, ta đọc được : “ Tôi thành thật muối đổi cái túi đằng sau mang ra đằng trước để thường xuyên nhìn thấy những khuyết điểm mà sửa chữa”...

Những câu chuyện nho nhỏ đầy cảm động, đầy vui thích, bổ ích. đầy ắp những kỷ niệm của tuổi học trò đó cứ thế mà thấm dần vào tâm hồn người đọc, khơi lại trong tâm trí người đọc một thời cắp sách của mình dưới mái trường xưa. Một thời đã qua, nhưng làm sao quên được những tình cảm thầy trò, những bạn bè thân yêu ... Cho nên “mỗi khi có người nhắc đến tên trường” là “chúng tôi hồi hộp như chợt nghe ai gọi đúng tên mình” ... và có dịp “Về thăm trường cũ” :

... Lũ chim thơ dại đã xa bầy

Ai còn ? Ai mất ? Ai thương nhớ ?

Ai ghé qua thăm lại chốn này ?

(Hồn nhiên tuổi ngọc)

 

Trước khi bước vào tuổi hoa niên của một thời học sinh cấp 2, cấp 3 là một thời của hồn nhiên tuổi ngọc. Những tri thức đầu tiên đến với tuổi thơ ngây là do “Cô giáo vỡ lòng”. Cô “như một mẹ hiền chăm sóc đàn con”, “cầm tay chỉ, như truyền cho sức mạnh”, “đôi mắt dịu dàng, mắt nhìn thấu suốt” ... Cho nên “từ xa quê hương, tấm thân phiêu dạt, vẫn nhớ hoài cô giáo nhỏ trường xưa” ... Những bài thơ nho nhỏ trong HỒN NHIÊN TUỔI NGỌC là những bài thơ thật là hồn nhiên, trong sáng, dễ thương như tuổi thơ của các cháu. Những bài thơ như những lời dạy bảo nhỏ nhẹ của người Ông, người Cha, người Mẹ ... về những vấn đề trong cuộc sống, như về tình người (Những món nợ), về “Công ơn Tổ tiên”, về người bà già yếu, về người cha cực nhọc, về người mẹ thân yêu, vể đứa em nhỏ cần chăm sóc ...

Nhưng tuổi thơ cũng có những nhận định, quan sát, biểu lộ tâm hồn ... thật hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Tác giả đã ghi lại, đã nắm bắt được những điều ấy bằng cái nhìn tinh tế, sâu sắc của mình mà những người cha người mẹ chưa chắc đã nắm bắt được. Những gì ở chung quanh trẻ, từ những người thân yêu đến cảnh vật thiên nhiên, những cây cỏ, con vật, chim chóc ..., trẻ đã cảm nhận, vui thích, thưởng thức theo cách của chúng với cách nhìn, cách cảm đầy hồn nhiên, thơ ngây, đáng yêu. Trẻ cũng ngạc nhiên trước những đổi thay của vạn vật như “Lịch của loài cây” (...Cây mai trên rừng/ cũng lén coi lịch/ Thấy ghi chữ “Tết”/ Kết nụ tưng bừng), “Cây mảng cầu mùa Hạ” ..., đã biết thưởng thức những quả ngon trái ngọt của “Mùa trái chín”, nhưng trẻ cũng biết “suy nghĩ vẩn vơ” trước cái tên của cây trái, thú vật, chim chóc ...để từ đó trẻ “nhớ công lao của tổ tiên / Cũng nhờ Người / Lần chịu khó đặt tên”. Cây bàng cô quạnh, cây khế góc vườn, cây dừa cung cấp trái ... những cây trái cô quạnh, khiêm tốn, ít người để ý, nhưng qua mắt tuổi thơ, đó là hình ảnh đẹp, gợi cho trẻ những bà mẹ nghèo, người bạn của những người bất hạnh và đầy sự khiêm tốn:

Suy ra Dừa hơn Người

Người mà công lao vậy

Thì khoe khoang hết lời

Thì ba hoa biết mấy

(Cây dừa khiêm tốn).

Những bài thơ trong HỒN NHIÊN TUỔI NGỌC không những mang những bài học về lịch sử, địa lý, sinh học, ngôn ngữ mà còn mang tính giáo dục một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không mang những quy tắc, giáo huấn nặng nề.

Phần Phụ lục của tác phẩm tác giả dạy “Bé làm thơ”, cũng mang tính khoa học, giáo dục, dạy cho trẻ có tâm hồn yêu thích thơ văn, và làm được những bài thơ do tự mình sáng tác. Những hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu, luật bằng trắc, hiệp vần kèm những ví dụ rõ ràng, trẻ có thể hiểu được và có thể làm những bài thơ nho nhỏ để tặng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè ... và đó là những gì trẻ có thể lưu giữ cho mình những kỷ niệm một khoảng đời với những câu thơ đầy ắp hồn nhiên tuổi ngọc của mình.

Năm 1995, nhà văn Võ Hồng cũng đã được nhà xuất bản Trẻ ấn hành tác phẩm TRẦM TƯ. Đây là những lời mà tác giả cho rằng đã “ghi rải rác trong những trang nhật ký, trên bìa cuốn vở nháp, sau lưng cuốn sách, cuốn lịch... là những suy nghĩ nhỏ, bất chợt. Nay chọn lọc lại, xét cắt, trang điểm, đặt tên là “Trầm tư” “.

Trong 538 “Trầm tư”, người thầy giáo Võ Hồng đã dành 16 “Trầm tư” cho giáo dục như tác giả đã ghi trong Mục lục : Trầm tư số 1, 24, 33, 55, 58, 74, 111, 112, 277, 297, 303, 352, 390, 401, 415, 495.

Về việc đối nhân xử thế, trong việc khen chê : ”Đừng ưa chê bai kẻ khác. Con hãy nhìn vào gương. Khi chê ai, mặt con nhăn nhíu xấu xí. Khi khen ai, mặt con rạng rỡ xinh tươi. Hỏi còn có thuật trang điểm nào đơn giản mà hiệu quả hơn không?” (Trầm tư số 1). Hay : “ Khi phê phán cụ thể công việc của ai, đừng dùng chữ “Dốt” để chê, bởi sự Dốt rộng như vũ trụ, dày như đêm tối, bao trùm con người từ buổi Sáng thế đến ngày Tận thế” (Trầm tư số 495).

 

 

 

Về việc giáo dục trẻ hư thì : “ Đừng mắng trẻ con bằng những từ ngữ tổng hợp mà nên phân tích cái lỗi, cái sai. Mắng “mày ranh mảnh, nói láo, ganh tị ...” thì nhiều khi lại chính là dạy chúng ranh mãnh, nói láo, ganh tị ... “ (Trầm tư số 74). Cũng như tác giả cảnh báo những người có thể làm trẻ hư : “ Có điều này để nhà làm phim giáo dục bớt lạc quan: khán giả trẻ con không thích nhớ đoạn chót của phim mà ưa nhớ đoạn giữa, không muốn nghe lời khuyên răn ở phần cuối mà khoái bắt chước những hành động xấu ở phần đầu: du côn, ăn cắp, nói dối ... “ (Trầm tư số 24).

Với thế hệ học sinh, tác giả có những trầm tư: “ Có điều này để an ủi người học trò nghèo: Phải học mới thuộc, mới giỏi. Không thể lấy bạc vàng thuê người thầy giỏi học thuộc thay mình “ (Trầm tư số 277). Hay : “ Khiêm tốn không có nghĩa là trong lớp có 40 học sinh thì con quyết giữ vị trí thứ 38, trước một bạn nói ngọng và một bạn gù lưng. Khiêm tốn là muốn đứng hạng thứ hai, thứ ba, nhưng điểm quá cao đành phải đứng thứ nhất “ (Trầm tư số 297). Hay : “ Đừng nói: “ VÌ dốt nên phải học” mà nói “Gắng học cho biết”. Khi học, ta thấy rõ có thêm cái biết, chớ ít thấy có bớt cái dốt. Bởi càng học càng thấy thêm những điều mình còn dốt, dốt ở quá nhiều lĩnh vực” (Trầm tư số 303). Và : “ Mỗi ngày lẩm nhẩm nhớ một kiến thức phổ thông: sông nào dài nhất, núi nào cao nhất, tỷ trọng mặt trăng, vận tốc sao chổi ... Mỗi năm thuộc được 365 kiến thức. Bắt đầu lúc mười tuổi thì khi lên 30 tuổi bước vào đời đã biết tới 7.300 điều rồi, tới ngần ấy rồi. Nhưng lạ, dễ vậy, rõ ràng vậy mà chẳng mấy ai chịu làm “ (Trầm tư số 352).

Và còn nữa, bây giờ, những trầm tư mang tính giáo dục đã in và sắp in tiếp. Những trầm tư đó, nhà văn - nhà giáo Võ Hồng đã rút ra được trong những lần tiếp xúc, trao đổi về những vấn đề giáo dục với các thầy cô giáo đã và đang đứng trên bục giảng. Cho tới bây giờ, tuổi đã cao,  sức đã yếu, nhưng tâm huyết chăm lo giáo dục thế hệ trẻ ở tác giả vẫn chưa cạn. Điều đó đã thể hiện rất rõ trong cuộc đời dạy học đã qua cũng như đã thể hiện qua những trang văn, trang thơ đầy tính giáo dục của nhà văn - nhà giáo Võ Hồng.

NVB. 1992

 

 

***

Bài đã đăng trên tạp chí LONG AN CUỐI TUẦN, số 45/93, ngày 20/11/1993.

Và đã đăng trên THƯ QUÁN BẢN THẢO, Tập 21 tháng 10-2005, Chủ đề viết về nhà văn Võ Hồng.

 

“ NỐI ĐIÊU”

 PHƯƠNG PHÁP DẠY MÔN VĂN ĐỘC ĐÁO

CỦA NHÀ GIÁO - NHÀ VĂN VÕ HỒNG

 

 

Năm 1969, trên nguyệt san Giáo Dục, xuất bản tại Sài Gòn, số ra ngày 30.5 có một bài viết nhan đề: “NỐI ĐIÊU, một phương pháp dạy quốc văn mới” của Võ Hồng. Bài viết có đoạn: “ Thơ Kiều có câu: Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu / Hay hèn lẽ cũng nối điêu ...”. Nối điêu là lời tự khiêm để chỉ việc viết tiếp một bài văn, một bài thơ vốn có giá trị. Hơn mười năm trước tôi có dạy một lớp Đệ Ngũ. Trong chương trình Luận của lớp Đệ Ngũ có đề mục Thuật sự (...). Tôi bày ra trò chơi “Nối điêu” này để học sinh có thêm hứng thú. Thật vậy, giữa một tác giả hữu danh và người học sinh nhỏ, cái hố cách biệt thật quá lớn, thế mà họ được ủy nhiệm viết tiếp câu chuyện của nhà văn hữu danh kia, xếp đặt cái gút như thế nào là tùy theo sáng kiến của họ. Tôi chọn dịch truyện “Những ngôi sao” (Les Étoile) của Alphonse Daudet là một chuyện tình nhẹ nhàng thuộc chương trình giáo khoa bậc Trung học, trao cho mỗi học sinh một bản dịch và, giữa lớp học, trong hai giờ, mỗi người học sinh phải kết thúc câu chuyện tùy theo ý họ”.

Tiếp đó, Thầy Võ Hồng “giới thiệu bản dịch “Những ngôi sao” và ba bài ”Nối điêu” viết khá hơn hết. Tác giả ba bài đó: Nguyễn Thị Kim Cúc, Ngô Văn Ban, Nguyễn Văn Hòa bây giờ đều đã thành đạt. Trong số ba người thì hiện có một đang đem những kiến thức Đại học của mình để phụng sự Văn học nghệ thuật. Con đường chí hướng như đã được vạch sẵn từ những ngày còn thơ “.

“Nối điêu”, theo Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh [2] đã cho ta biết thêm :

Điêu là một loài chồn, đuôi to lông dài, sống ở gần bắc cực. Ở Trung Quốc xưa quan hầu cận nhà vua thường dùng đuôi con điêu làm ngù mũ. Đến cuối đời Tấn, Triệu Vương Luân cướp ngôi, phong quan chức cho bọn tôi tớ, mỗi khi triều hội thấy đầy người đội mũ đuôi điêu, người đời có câu rằng : “ Điêu bất túc, cẩu vĩ tục” nghĩa là đuôi điêu không đủ thì nối bằng đuôi chó. Vd : Hay hèn lẽ cũng nối điêu, 1317 : Câu này ý nói khiêm tốn rằng mình tuy kém, nhưng đáng lẽ cũng phải họa vần để nối tiếp thơ hay của Thúc Sinh “.

Với phương pháp “Nối điêu”, viết tiếp câu chuyện trong hai giờ (thật sự có 90 phút) tại lớp, lại là một tác phẩm của một nhà văn danh tiếng nước Pháp, thật là quá khó khăn với chúng tôi, những học sinh cấp 2 trình độ tiếp thu văn học chưa khá lắm. Nhưng chúng tôi cũng đã có nhiều cố gắng để hoàn thành những phần nào yêu cầu của Thầy.

Truyện “Những ngôi sao” là chuyện anh mục đồng chăn cừu trên dãy núi cao, trơ trọi một mình với con chó và bầy cừu. Cứ mười lăm ngày một lần, Thằng nhỏ người làm hay dì Norade mang lương thực lên tiếp tế. Và điều anh chú ý nhất, bắt kể cho nghe được là về nàng Stéphanette xinh đẹp nhất vùng, con của ông bà chủ, có những sinh hoạt gì ở làng, có ai ngấp nghé chưa... Tuy anh biết rằng những chuyện ấy chẳng có ích gì cho anh, một kẻ chăn cừu nghèo khổ ở xó núi này. Và một hôm, thật bất ngờ, nàng Stéphanette xinh đẹp xuất hiện trước mặt anh. Đó là vì dì Norade về nghỉ ở nhà dì, Thằng nhỏ bị ốm, nên nàng phải mang lương thực lên cho anh. Đối với anh, thật không gì hạnh phúc hơn, sung sướng hơn khi đối diện, trao đổi với người đẹp nhất vùng ... Khi nàng xuống núi, anh vẫn còn bàng hoàng. Nhưng lại bất ngờ nữa, nàng lại xuất hiện khi trời vừa xẩm tối. Con lạch Sorgue tràn nước sau trận mưa nên nàng không thể lội qua về nhà được. Và tối đó, nàng ở lại trong căn lều nhỏ bé của anh. Còn anh ngồi bên đống lửa. Nàng không ngủ được, ra khỏi lều ngồi bên anh, ngước mặt lên bầu trời đầy sao, để rồi anh có dịp kể cho nàng nghe tên các ngôi sao, những sinh hoạt, cuộc sống, vận chuyển ... của chúng. Trong khi anh đang say sưa giảng giải về những ngôi sao thì anh cảm thấy có cái gì mát mẻ và êm ái đè nhè nhẹ lên vai anh. Đó là đầu của nàng Stéphanette xinh đẹp vì quá buồn ngủ đã dựa lên vai anh. “Xung quanh tôi, các ngôi sao tiếp tục cuộc hành trình lặng lẽ, ngoan ngoãn như bầy cừu lớn và đôi lúc tôi tưởng tượng rằng, có một trong các ngôi sao ấy, ngôi sao thanh tú nhất, ngôi sao rực rỡ nhất đi lạc đường và đậu trên vai tôi mà ngủ “.

Chuyện kết thúc ở đây, lũ học trò chúng tôi ... nối điêu.

Bạn Cúc thì kết thúc chuyện khi nàng Stéphanette mang lương thực lên lần sau đã báo cho anh biết nàng sắp lấy chồng. Tin như sét đánh đó làm anh bàng hoàng và tiếng vó của con ngựa chở nàng về “vang đều đều rồi nhỏ dần, nhỏ dần .. Cũng như hình bóng nàng dần dần phai mờ trong lòng tôi”.

Bạn Hòa thì “nối điêu” bằng câu chuyện kể, khi anh mục đồng lúa đàn cừu xuống núi về nhà tránh Đông đã chứng kiến nàng Stéphanette đang chuẩn bị hôn lễ về nhà chồng. Anh cảm thấy thân phận nghèo nàn của mình, buồn bã, bỏ đi cùng con chó Labri của mình, vì “tôi không đủ can đảm đứng nhìn cảnh này được “.

Riêng bài viết của tôi, tôi “nối điêu” theo hướng khác :

“Thời gian cứ trôi qua ...

Cuộc đời tôi vẫn theo thời gian mà âm thầm trôi mãi. Cứ đến mười lăm ngày, tiếng nhạc của con la vang lên, là tôi nhận được lương thực trong nửa tháng do Thằng nhỏ hay dì Norade mang lên.

Thỉnh thoảng, có đêm ngồi ngắm các ngôi sao trên cao thăm thẳm, tôi lại mơ màng đến cô chủ tôi, đến cái đêm đẹp nhất đời tôi, cái đêm mà cô chủ Stéphanette xinh đẹp kia, như một vì sao lạc đường đã đến tựa trên vai tôi ngủ. Ai cấm tôi mơ tưởng đến cô, đến con người xinh đẹp ấy ? Mơ tưởng thì mơ tưởng nhưng tôi không thể nghĩ đến ngày cùng cô song song bước đến nhà thờ ... vì gì ai cũng hiểu. Tôi, một kẻ chăn chiên nghèo nàn làm sao sánh được với cô chủ tôi, con người giàu có sang trọng. Bên nàng, biết bao chàng trai giàu có khác đang ngấm nghé. Làm sao tôi dám mơ tưởng đến ngày ấy chứ ?

Nhưng cuộc đời không thể ngờ được. Cũng như tôi cứ sống bình thản như dòng lạch Sorgue thì làm sao tôi lại có ngày hôm nay.

Chiều hôm ấy, mặt trời đã ngả về Tây, đàn chim ríu rít bay về tổ. Tôi đuổi đàn cừu về chuồng. Đi dọc theo lạch Sorgue, bỗng tôi nghe tiếng kêu cứu ở phía trước. Tôi chạy nhanh đến khúc quẹo của con lạch thì thấy trên mặt nước, ẩn hiện một bóng hình người chơi vơi giữa dòng nước đang cuồn cuộn chảy vì cơn mưa hồi sớm.

Không kể đến đàn cừu, không kể đến áo quần sẽ bị ướt lạnh, tôi liền nhảy xuống lạch bơi lại gần kẻ sắp chết đuối. Bơi đến nơi, tôi mới biết người gặp nạn là một thiếu nữ và khi rõ mặt, tôi kêu lên:

- Trời ! Cô chủ ...

Tôi kêu lên thế khi thấy gương mặt trái xoan, đôi mắt nhắm nghiền, đôi môi tái nhợt ... Tôi ôm nàng bơi nhanh vào bờ, xốc nàng lên lưng, cõng nàng vừa chạy vừa xua đuổi đàn cừu về chuồng.

Về đến lều trại, tôi đặt nàng vào lều và dùng phương pháp xốc nước từ bụng nàng ra. Một đống lửa được đốt lên để sưởi ấm nàng.

Một chốc thì nàng tỉnh dậy, mở mắt ra, nhìn quanh, nhìn tôi như thầm hỏi. Nhìn đôi mắt đen láy của nàng tôi cảm thấy thật bối rối. Một lát sau tôi mới thốt nên lời:

- Cô đi đâu mà đến nỗi gần bị nước lạch cuốn trôi như thế ?

Nàng hỏi tôi trong hơi thở yếu ớt:

- Thế anh cứu tôi à?

Tôi khẽ gật đầu. Nàng nhẹ nhàng nói tiếp:

- Tôi đi lên trại đem lương thực cho anh và bảo anh lùa đàn cừu về sớm ngay sáng mai vì thời tiết trở lạnh sớm. Đi đến lạch, tuy thấy nước lớn, nhưng tôi cũng cố lội qua, tôi bị sẩy chân và nếu không có anh chắc tôi ... giờ này ...

Nàng ngập ngừng không nói gì nữa, mắt đăm đăm nhìn tôi thầm vẻ biết ơn và tôi thấy sự trìu mến qua cái nhìn đó. Điều đó làm tôi xúc động... Tôi vội nói lãng đi, khuyên nàng hãy ngủ ngon cho lại sức để sáng mai xuống núi.

 Tôi bước ra lều, ngồi cạnh đống lửa. Trời thu buồn buồn, gió núi cắt da. Nhưng tôi cảm thấy có một hơi ấm thoảng qua làm lòng tôi thấy âm ấm. Hơi ấm của cô chủ tôi thoảng qua hay hơi ấm của đống lửa ? Tôi nhìn lên trời. Các ngôi sao bị mây che phủ, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng rằng ngôi sao sáng nhất không bị mây che mà đêm nay lại hiện đến nơi đây, trong lều vải nghèo nàn, bên cạnh tôi kia ...

·   

Sáng hôm sau, tôi thu xếp công việc, đến trưa thì chúng tôi lùa đàn cừu về đồng bằng. Đàn cừu về đến nhà an toàn. Ông bà chủ chạy ra cổng cùng dì Norade và lộ vẻ vui mừng khi thấy cô Stéphanette xinh đẹp của ông bà vắng mặt cả đêm, nay theo gót đàn cừu trở về.

Sau khi chào hỏi ông bà chủ, rồi để cho ông bà vui vẻ hỏi han đứa con gái xinh đẹp, tôi lùa đàn cừu vào chuồng, đem thức ăn, thức uống cho chúng và sau đó cùng dì Norade lo việc nhà.

Sau bữa cơm chiều, ông bà chủ gọi tôi lên nhà.

Vì có công cứu nàng Stéphanette thoát khỏi tai nạn và thấy tôi chăm chỉ làm ăn, coi sóc đàn cừu mập mạnh, an toàn nên ông bà chủ sẽ thưởng cho tôi và phần thưởng đó ông bà cho phép tôi lựa chọn. Ông bà chủ cho biết như thế khi tôi lên phòng khách ngồi vào chiếc ghế tựa.

Thưa các bạn, tôi muốn gì bây giờ ... ngoài cô Stéphanette xinh đẹp kia? Nhưng ý tưởng đó bị dập tắt ngay khi đến thân phận của mình. Không thể ước muốn như thế được.

Thấy tôi chần chừ chưa quyết định, bà chủ tôi mở lời:

- Tôi thương anh cũng như con trong nhà. Tôi thấy anh làm việc chăm chỉ và nhờ anh mà con Stéphanette khỏi chết đuối. Tôi cảm ơn anh bội phần. Hồi chiều con Stéphanette nó nói nó rất có cảm tình với anh, nó biết ơn anh đã cứu nó thoát chết. Vậy, vợ chồng tôi có ý định gả nó cho anh, anh nghĩ sao ?

Còn nghĩ sao nữa ! Thật như vậy sao ? Tôi có mơ không ? Nếu như thế thì còn gì bằng. Sung sướng quá nên tôi chẳng nói nên lời, chỉ lắp bắp được trong miệng hai tiến “cảm ơn”.

Đám cưới của chúng tôi cử hành vào mùa xuân tươi đẹp. Hai chúng tôi song song bước vào nhà thờ để cha Sở ban phép lành cuộc hôn phối.

Khi hai chúng tôi yêu nhau, những cách biệt giai cấp không còn nữa. Và vì vậy hai chúng tôi lấy nhau. Việc đó không ngờ lại có, cũng như ai đó có tin rằng, một ngôi sao xinh xắn có ngày sánh duyên cùng anh mục đồng xứ Provence nghèo khổ”.

 

Bài “nối điêu” của tôi cũng như của các bạn đồng lớp là những kỷ niệm vô giá trong đời đi học của tôi. Sau này, khi vào nghề sư phạm, trong giờ Làm văn, tôi cũng đã thực hiện theo phương pháp “nối điêu” của Thầy, gây nhiều hứng thú cho học sinh và là dịp để học sinh phát huy được óc tưởng tượng của mình trong việc kết cấu câu chuyện.

Như có năm, tôi cho học sinh thực hiện việc “nối điêu” chuyện HÀ BÁ LẤY VỢ.

HÀ BÁ là tên vị thần trông coi việc dưới sông nước, tích Phùng Di chuyên việc trị thủy, ngày tháng Tám sang sông bị chết chìm, trời phong làm Hà Bá. Truyện Tây Môn Báo trong Sử Ký Tư Mã Thiên, phần Hoạt kê truyện, có chép truyện Hà Bá lấy vợ, tóm tắt như sau: Thời Ngụy Vân Hầu, Tây Môn Báo người nước Ngụy, sống vào thời Chiến Quốc, rất thanh liêm, chính trực, lo cho dân.

Tương truyền, có lần ông được cử làm huyện lệnh ở đất Nghiệp, thấy dân khổ sở nên mới tìm đến các vị trưởng lão để hỏi duyên cớ. Trưởng lão trả lời : “Khổ vì chuyện Hà Bá lấy vợ nên dân nghèo “. Trưởng lão giải thích thêm: Quan Tam Lão (chức quan ngày xưa coi việc giáo huấn trong làng) thu thuế trích ra mấy mươi vạn cưới vợ cho Hà Bá, còn lại giao cho ông đồng bà cốt chia nhau bỏ túi. Các bà đồng cốt, bói toán lên đồng nói rằng ở dưới sông có thần Hà Bá, mỗi năm lấy một bà vợ đẹp, nếu không, Thần sẽ nổi giận, làm nước sông dâng lên, mùa màng hư hại, người chết, nhà cửa tiêu tan. Do đó, bọn đồng cốt đi khắp trong xứ, thấy con gái đẹp là dọa bắt đem về gả cho thần Hà Bá. Ai có tiền chuộc thì khỏi. Ai không có tiền chuộc thì chịu. Tây Môn Báo nói khi nào làm lễ cưới vợ cho Hà Bá, báo cho ông biết để dự và mời Tam Lão đến cùng để đưa dâu. Đến ngày đưa dâu, có mặt Tây Mô Báo, Tam Lão và các bà cốt. Một lát, có tiếng reo hò báo cho biết người con gái sắp làm vợ Hà Bá đến. Tây Môn Báo nhìn mặt người con gái, giả bộ chê xấu, Ông nói người con gái này không đẹp, phiền bà cốt xuống sông báo cho Hà Bá biết, đợi tìm người đẹp, hôm khác sẽ đưa dâu. Nói xong, ông ra lệnh quân lính bắt một bà cốt liệng xuống sông. Đợi một lát sau, ông nói sao bà cốt xuống dưới lâu thế. Lại sai quân khiêng ba tên đệ tử của bà cốt ném xuống sông, bảo xuống giục bà cốt về. Sau đó, không thấy ai từ dưới sông lên, ông sai khiêng một Tam lão ném tiếp xuống sông để hỏi rõ sự tình. Ông lại ngỏ ý muốn sai một người thuộc hàng trưởng lão xuống sông để nắm đầu đuôi câu chuyện. Các ông này mặt mày tái mét, vội vàng quỳ xuống giập đầu van xin, sắc mặt xanh xám như tro, sẵn sàng chịu tội. Quan, dân, bà cốt đất Nghiệp từ đó vô cùng khiếp sợ, nên về sau không ai dám nói đến chuyện Hà Bá lấy vợ nữa [3] .

Sau khi tóm tắt xong cốt chuyện, tôi bảo học trò “nối điêu”. Tôi bảo nếu em là Tây Môn Báo thì em dùng cách gì để trừ nạn mê tín dị đoan kể trên. Nghĩa là Tây Môn Báo làm cách gì cho Hả Bá không còn lấy vợ nữa để cho những người con gái xinh đẹp không bị chết oan.

Thế là học trò tôi ... “nối điêu”. Khi chấm bài, tôi thấy một số học sinh có óc tưởng tượng rất phong phú.

Có em kể rằng Tây Môn Báo liệng một bà đồng xuống sông mời Hà Bá lên nhận vợ. Lâu quá, không thấy lên, Tây Môn Báo nói như thế là Hà Bá không muốn cưới vợ nữa.

Có em kể rằng Tây Môn Báo đêm trước cho người lặn giỏi vẽ mặt mày vằn vện, hung ác núp dưới nước trong khóm tre um tùm nào đó, đến khi có lệnh của Tây Môn Báo, người đó từ dưới sông vọt lên la to : “ Ta không muốn cưới vợ nữa” rồi lặn xuống.

Có em kể rằng Tây Môn Báo dùng chất nổ cho nổ dưới sông và nói rằng Trời cho Thiên Lôi xuống đánh chết Hà Bá rồi, kể từ nay không đưa cô gái nào cho Hà Bá lấy vợ nữa.

V...v...

Với phương pháp này, giờ Văn trở thành sinh động hứng thú hơn.

 

 


 

[1] “Nối điêu” là một phương pháp dạy văn của thầy Võ Hồng, xem bài tiếp theo đây.

[2] Đào Duy Anh, Tự điển Truyện Kiều, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974.

[3] Tư Mã Thiên, Sử ký Tư Mã Thiên, bản dịch của Nhữ Thành, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1988, trg.796.

 

***

 

baokhanhhoa.com.vn

Ngày 12/4/2012

Gửi lại cho đời chút dư hương

DƯƠNG TRANG HƯƠNG

 

Cuối tháng 3 đầu tháng 4, giới văn nghệ Việt Nam phải ngậm ngùi tiễn biệt 3 văn nghệ sĩ đáng kính: Nhà văn đất Nam Trung bộ Võ Hồng (mất ngày 31-3), Nghệ sĩ Ưu tú Hồ Kiểng (mất  ngày 3-4) và nghệ sĩ Văn Hiệp (mất ngày  9-4). Vẫn biết, đời người rồi cũng về với đất, nhưng ta vẫn thực sự thấy nhói lòng khi thắp nén hương cho các nghệ sĩ.


Võ Hồng - nhà văn của miền đất Nam Trung bộ

Tôi rất thích cách dùng từ của nhà báo Đỗ Hồng Ngọc trong một bài viết nói về nhà văn Võ Hồng là “nỗi cô đơn uy nghi”, bởi tôi đã đôi lần đến và bắt gặp hình ảnh một ông già đeo kính mổ lồi như kính lúp, miệng móm mém cười nhưng lại đầy trầm ngâm khi ngồi một mình dưới tán khế. Có lẽ, suốt bao năm cô đơn từ sau khi vợ ông mất, để lại cho ông giáo 3 đứa con thơ, Võ Hồng đều nhìn 1 quả khế chín vàng đong đưa trước gió thu. Tuyệt diệu làm sao phải tới 92 mùa lá vàng, “quả khế Võ Hồng” mới lìa cành về với đất.

Khi gặp ông, người ta sẽ hiểu rằng đây là mẫu người của ông thầy giáo làng rất hiền từ xen với sự lịch thiệp của một công chức thời Pháp, bởi ông rất hay dùng đại từ tiếng Pháp “toa, moa”. Nhiều người cứ mãi nhớ về những trang viết trong sáng, hồn nhiên như dòng nước sông Ngân Sơn (có thời ông lấy làm bút danh) miền đất Tuy An, Phú Yên và ngỡ ngàng khi đọc những trang viết  mang màu sắc ngụ ngôn trong tập “Chúng tôi có mặt” mà cứ dịp cuối năm, báo Tuổi trẻ Chủ nhật dành đăng cho ông. Chỉ có mấy con beo, con cáo, con mèo dưới ngòi bút của Võ Hồng nhưng lại cực kỳ hấp dẫn và thâm hậu.

Không cần nhắc thêm về văn tài của ông, chỉ nói về phong cách đầy lịch lãm và ý nhị cũng thấy ông là người rất thâm thúy. Thâm thúy hơn cả một ông đồ Bắc Hà. Vốn là nhà giáo, sau ngày đất nước giải phóng, ông vẫn tiếp tục nghề “gõ đầu trẻ” ở trường Tân Lập, Nha Trang. Bởi thế, ông rất quý trẻ em và những người trẻ. Khi đón tiếp người trẻ tới đàm đạo văn chương hay phỏng vấn viết bài, ông luôn nhiệt tình và tôn trọng. Và đó là phong cách của ông, rất chân thành, lịch thiệp. Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự nhận mình là học trò của ông,  vì trong một lần tiếp tôi, ông cầm cành khế khô vẽ trên nền đất chữ “xe” của Hán tự với sự lý giải cực kỳ dễ hiểu: “Chữ xe có cái thùng, 2 bên có 2 bánh xe và cái càng kéo về phía trước”. Có lẽ trong cuộc đời ông đã có hàng nghìn học trò nhỏ như tôi đây.

Có thể nói, miền đất Phú Yên đã sinh ra Võ Hồng, đất Khánh Hòa dành cho ông nơi ở và làm việc với tình yêu thương nhất. Cùng với 2 nhà văn Quách Tấn, Giang Nam, Võ Hồng xứng đáng là “tam kiệt” văn hào của Khánh Hòa.

 

***

Báo TUỔI TRẺ

Ngày 5/4/2013

Tiễn đưa nhà văn Võ Hồng...

PHAN SÔNG NGÂN

 

TT - 15 giờ chiều hôm qua (4-4-2013), ở thành phố Nha Trang, nhà giáo - nhà văn Võ Hồng (Tuổi Trẻ ngày 1-4) đã rời căn nhà thân thuộc cùng gác văn của ông tại số 51 đường Hồng Bàng, TP Nha Trang, đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Suối Ðá, ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa.

Trong cuộc tiễn đưa, có con trai và con gái lớn trong ba người con của ông ở nước ngoài đã về lo hậu sự cho cha, cùng thân quyến và rất đông bạn bè cố tri, học trò, xóm giềng, nhiều đồng nghiệp là nhà giáo ở những trường mà ông đã từng dạy, nhiều nhà văn, nhà thơ ở Khánh Hòa và những người mến mộ ông...

Trong bài thơ Di ngôn (1989) của mình, Võ Hồng đã viết và dặn dò: “Sau khi tôi chết/Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết/Của những ngày u buồn trĩu nặng hồn tôi/Ðây: cây bút màu đen sớm tối không rời/Ðây: cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt/Kia: chồng sách không bao giờ ngăn nắp/Này: góc vườn, hoa rụng trải lối đi/Trên khung rào thưa, lá khẽ thầm thì/Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế/Kê sát lan can, hướng xuống mặt đường/Nơi những đêm dài, trong tối đầy sương/Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ đợi/Ðợi một người đi không hẹn trở lại/Hun hút đường dài... vun vút xe qua/... Cho đến một ngày kia... tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ/Hạnh phúc yêu thương... Băng giá mây mù.../Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó/Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu”.

Chiều qua, trên sân cũ trước phòng văn của Võ Hồng hoa vẫn nở, lá vẫn xanh và nhẹ rung theo từng làn gió biển thổi vào. Chỉ những trái xoài non từ nhà hàng xóm rụng xuống sân văn của ông là vẫn nằm im bên những chậu hoa không có người kịp nhặt... Trong căn phòng nhỏ nhắn, đơn sơ của ông đã bớt đi bừa bộn, sáng sủa hơn. Trên đầu giường của ông vẫn là tủ sách để nguyên cho tiện tay với. Phía vách cuối giường là ba chiếc kệ kê sát vào nhau chứa đầy những tác phẩm của Võ Hồng cùng rất nhiều sách và sách... Căn gác là nơi không chỉ gắn bó với nhà văn Võ Hồng suốt mấy mươi năm và là “xuất xứ” nhiều tác phẩm của ông ở quãng đời sau này cho đến ngày ông dừng bút, mà còn là chốn thân thương với nhiều nhà giáo, nhà văn nổi tiếng, với nhiều học trò, người ngưỡng mộ nhà giáo - nhà văn Võ Hồng tìm đến để được nghe ông chuyện trò, giảng giải... mỗi khi đến thành phố biển Nha Trang.

Cuộc tiễn đưa nhà văn Võ Hồng về nghĩa trang Suối Ðá vào chiều hôm qua không có lộ trình đi vòng ra đường Trần Phú ven biển Nha Trang như nhiều đám tang khác ở thành phố này. Thế nhưng, trong cả cuộc đời và văn chương của ông thì thấm đượm rất nhiều tấm lòng, tình yêu của Võ Hồng với những vùng đất ông sống, với dải đất miền Trung và cả nước Việt mến yêu...

Ðó cũng chính là những giá trị không chỉ về mặt văn chương mà còn sẽ là sử liệu cho nhiều thế hệ mai sau, khi muốn tìm hiểu những giá trị văn hóa, muốn dựng lại những hình ảnh về cuộc sống một thời, về con người với những vùng đất đã đọng lại chân thật trong văn chương Võ Hồng. Tiễn biệt ông và cũng chính là một lần ta tạ ơn ông về những giá trị nhân văn mà ông đã để lại, góp cho cuộc đời...  

 

 

***

 

daophatngaynay.com

Ngày 5/4/2013

 

Lễ An táng Thầy Võ Hồng

TRÍ BỬU

Lúc 15 giờ, chiều ngày 04-04 (nhằm ngày 24-02- Quý Tỵ) tại nhà số 51 đường Hồng Bàng, phường Tân Lập, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã làm Lễ di quan tiển biệt nhà giáo, nhà văn, một trí thức Phật tử thuần thành về nơi an nghĩ cuối cùng tại Nghĩa Trang Suối Đá, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa)

Chứng minh và hộ niệm tiếp dẫn có chư Tôn giáo phẩm Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa: HT.Thích Chí Viên, HT. Thích Tâm Trí, HT.Thích Nguyên Quang, TT. Thích Giác Nghĩa cùng chư tôn đức Trú trì các tự viện tại TP Nha Trang, trong đó có nhiều Thầy đã từng là học trò cũ của trường Trung học Bồ Đề Nha Trang  và đông đảo đồng nghiệp Chi hội Cựu Giáo chức TP Nha Trang, Trưởng Tân Lập 2, cựu giáo chức trường Bồ Đề  Nha Trang, Nha Trang Nghĩa Thục, các Phật tử, bạn bè, các thế hệ học trò cũ trong và ngoài tỉnh đến tiển…

Lúc Thầy Võ Hồng đi xa các con của Thầy đều không có mặt. Hôm nay, anh Hào ở Đức, chị Hằng ở Pháp cũng đã kịp về đưa tiển người cha thân yêu nhất của mình đến nơi an nghĩ cuối cùng yên giấc nghìn thu. Nhìn anh Hào khóc cha khi cầm ba cây hương khấn nguyện, cầu nguyện hương hồn người sớm về nơi cõi Phật. Thế mới biết:

 “Công Changhĩa Mẹ cao vời.

 Nhọc nhằn chẳng quản, suốt đời vì ta.

Nên người, con phải xót xa.

Đáp đền nghĩa nặng, như là trời cao.”

Kính lạy Thầy, Thầy đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng  Di ngôn của Thầy vẫn còn vang mãi trong trái tim của nhiều người:

“…Cho đến một ngày kia… tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ

Hạnh phúc yêu thương… Băng giá mây mù…

Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó

Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu.”

 

 

***

 

http://vanvn.net - HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Ngày 5/4/2013

Hội Nhà văn Việt Nam viếng nhà văn Võ Hồng

 

Được tin nhà văn Võ Hồng từ trần, ngày 02/4/2013, Đoàn Hội nhà văn Việt Nam, do nhà thơ Lê Quang Trang - Phó chủ tịch Hội dẫn đầu đã đến viếng nhà văn Võ Hồng, sau đó, ngày 04/4/2013, đã dự Lễ truy điệu nhà văn tại nhà riêng ở Thành phố Nha Trang. Cùng đến viếng nhà văn Võ Hồng có nhà văn Hoàng Nhật Tuyên - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa và nhà thơ Trần Chấn Uy - Chi hội trưởng nhà văn Việt Nam tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã gửi vòng hoa đến viếng nhà văn Võ Hồng.

PV.

 

***

 

m/archive/blog-nguyen-xuan-hoang

 

 

Võ Hồng và những dòng chữ kỷ niệm Tuy Hòa

Ngày 9/4/2013 TRẦN CỦNG SƠN

http://www.voatiengviet.com/content/vo-hong-va-nhung-dong-chu-ky-niem-tuy-hoa/1638120.html

 

 

 
Trung tâm Thành phố Tuy Hòa (Wikipedia)

 

Nhà văn Võ Hồng 1921-2013
 
Nhà văn Võ Hồng vừa từ trần tại tư gia ở TP Nha Trang, Khánh Hòa, vào lúc 14 giờ chiều 31/3/2013, nhằm ngày 20 tháng 2 năm Quý Tỵ, hưởng thọ 92 tuổi.
 
Từ nhỏ Võ Hồng đã mê đọc, nhờ thân phụ của ông tuy là một nông dân nhưng ưa đọc sách báo, nhất là báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng.
 
Thời gian học tú tài ở Hà Nội, Võ Hồng làm quen với văn chương và được gặp những nhà văn thời danh bấy giờ như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo... Tuy nhiên, phải tới 20 năm sau kể từ khi truyện ngắn đầu tiên Mùa gặt được đăng, Võ Hồng mới trình làng tập truyện đầu tay Hoài cố nhân vào năm 1959 do Nhà xuất bản Ban Mai ấn hành.
 
Từ năm 2006, do tuổi cao, ông đã có lần bệnh rất nặng, phải nhập viện cấp cứu và điều trị.

Sau 1975 trong một hoàn cảnh xã hội phân cực trầm trọng (trong và ngoài nước), muốn tiếp tục giữ vững ngòi bút độc lập của mình và tránh mọi thị phi hiểu lầm, Võ Hồng đã giới hạn sinh hoạt văn nghệ của mình nơi địa phương Nha Trang, Khánh Hòa, giới hạn ngòi bút của mình trong đề tài giáo dục và tuổi thơ, giữ cuộc sống trầm lặng ẩn dật. Cũng trong thời gian này ông đã phải ẩn mình dưới 2 bút hiệu khác là Võ An Thạch (2) và Võ Tri Thủy (3).
 
Cho đến nay Võ Hồng đã cho ra đời 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, và nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi… Vän nghiệp của ông luôn gắn chặt với quê hương, với người dân quê mộc mạc Phú Yên của ông.
 
Gia đình cho biết ông ra đi đột ngột và nhẹ nhàng trong giấc ngủ trưa. Lễ khâm liệm diễn ra lúc 8 giờ ngày 1/4, di quan lúc 15 giờ chiều ngày 4/4, an táng tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).
 
Chú thích
 
(1) Đây là ngày ghi trong giấy khai sinh, Võ Hồng sinh vào ngày 5 tháng Chạp năm Nhâm tuất tức vào ngày Chủ nhật 21/01/1923.
(2) Sau 1975 trong những sinh hoạt với Hội Văn Nghệ địa phương Võ Hồng dùng bút hiệu này "để đề phòng ngòi bút biên tập thường tự ý sửa" - như lời giải thích của ông. Sau năm 1990 khi tờ Tuổi trẻ Chủ Nhật "bật mí" bút hiệu này ông đành lấy lại bút hiệu Võ Hồng.
(3) Vào những năm đầu sau 1975 việc ấn bản tác phẩm của một nhà văn Miền Nam là một việc không tưởng. Vì thế năm 1984. tác phẩm Ông Cháu của nhà văn Võ Hồng đã được in tại nước ngoài với bút hiệu Võ Tri Thủy, lấy tên người con gái út của ông. Mãi đến năm 1988 Thiên đường ở trên cao mới được phép xuất bản trong nước như tác phẩm đầu tiên của ông sau 1975. -
Nguồn: Trang Võ Hồng
Đất Tuy Hòa Phú Yên vẫn được coi là cằn cỗi về văn học so với các tỉnh miền Trung lân cận. Đây là một nhận xét dựa vào mấy chục năm trước, còn tương lai sau này thì chưa thể kết luận được. Và trên mảnh đất cằn cỗi văn học đó đã nảy lên một đóa hoa đẹp mang tên Võ Hồng. Ông sinh năm 1921 - lứa tuổi ba má tôi - tại làng Ngân Sơn, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách Tuy Hòa ba chục cây số về hướng bắc.
 
Trong giờ Việt Văn thời trung học, tôi được dạy về những bài mẫu trích từ tác phẩm của nhiều nhà văn miền Bắc, miền Trung và miền Nam, cũng may trong số đó có tên Võ Hồng, cho nên mình cũng có thể ngẩng mặt mà trao đổi chuyện văn nghệ với bạn bè các tỉnh khác.
 
Tôi vẫn nhớ những đoạn văn tả cảnh miền quê ở tỉnh Phú Yên, đặc biệt là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn, thấy nó gần gũi và thơ mộng. Trời trưa hè Tuy Hòa dễ làm buồn ngủ; thời niên thiếu, trước khi ngủ trưa, tôi hay cầm cuốn truyện dài Hoa Bươm Bướm của Võ Hồng, đọc vài trang cho cảm giác nhẹ nhàng lây lan từ văn phong của ông và mơ màng. Đó là kỷ niệm đặc biệt mỗi khi nhắc tới ông.
 
Từ sau năm 1975, nhà văn Võ Hồng vẫn viết đều. Mặc dù sống trong hoàn cảnh chính trị tế nhị của đất nước thời chiến tranh cũng như hòa bình, ông vẫn đóng vai một nhà văn sống với chữ nghĩa văn chương.
 
Mười mấy năm trước có dịp về Tuy Hòa, tôi được một ông chú họ bảo nên ghé Nha Trang thăm nhà văn Võ Hồng, nhưng không hiểu sao tôi lại quên mang theo địa chỉ. Ở San Jose cũng có một cô bạn ái mộ ông, bảo là thỉnh thoảng nói chuyện qua điện thoại với ông. Và tới khi nghe tin ông mất vào tuần trước thì tôi đã không còn cơ hội để diện kiến một nhà văn gốc Phú Yên tài hoa.
 
Thời gian theo năm tháng đổi thay, dân số Việt Nam tăng lên gấp đôi gần trăm triệu người, các thị xã lớn lên thành thành phố, Tuy Hòa cũng có bộ mặt khác.
 
Xin trích một đoạn văn trong cuốn Trầm Mặc Cây Rừng - Chuyến Về Tuy Hòa của ông tả về phố cũ mấy chục năm trước để nhớ và tặng cho những đồng hương của miền đất Núi Nhạn Sông Đà Rằng:
 
“Chúng tôi cùng tới ‘Cafe Thảo’. Nghe nói khung cảnh nơi đây mộc mạc đơn sơ và những người trầm lặng suy tư hay tìm tới đây. Chúng tôi không hẳn là những người có đặc điểm quí báu đó, riêng tôi thì chỉ vì tò mò mà thôi. Đến thành phố nào, những người ít tiền cũng hay tìm một chỗ ngồi nơi một quán cafe. Ít tốn kém. Một lối trang sức tinh thần. Ở đây có cà phê Mây Hồng, cà phê Tùng, cà phê Hoài Bắc, cà phê ‘Chỗ chúng ta’. Một cô thâu ngân có khuôn mặt học trò hay có mái tóc Liêu trai thường thay thế cho hương vị của cà phê bởi rất nhiều khi người ta tới để ‘nhìn’ hơn là để ‘uống’. Đến một thành phố, người ta cũng hay tìm để bước vào những hiệu sách. Có cái gì thân mật nơi đó, người ta bắt gặp những khuôn mặt quen của tờ nhật báo quen đọc, những tập nguyệt san, tuần san quen được lật trên tay. Nhạn Đà, Vạn Kim, Đà Giang, Hùng Cường. Sinh hoạt tinh thần được chuyển về trọn vẹn từ thủ đô, được bày trên các ngăn tủ, được kẹp trên các sợi dây thép chăng ngang dọc.
 
“Mười giờ hơn khi chúng tôi về nhà. Lúc nãy đi ngang cô nhi viện Mằng Lăng tôi cảm thấy bùi ngùi. Mằng Lăng là một địa điểm của xã hội, nổi danh vì ngôi nhà lớn, họ đạo đông và giàu. Họ đạo di cư vào Tuy Hòa, nhà mồ côi di chuyển theo, được xây cất cao rộng kiên cố và mang tên cũ. Như là một hoài niệm không nguôi, như tấm lòng người Do Thái lang thang lúc nào cũng nghĩ về Đất Thánh của mình. Ngót một nửa số ruộng phì nhiêu của cánh đồng quận Tuy An thuộc quyền sở hữu của nhà thờ Mằng Lăng. Ngày Chúa nhật các họ đạo ở Gò Chung, ở Đồng Đất, ở Lò Giấy, ở Long Hòa, ở Diêm Điền… đều tụ hội về nhà thờ lớn Mằng Lăng xem lễ. Người ta đi thành từng đoàn dài trên những con đường nhỏ quanh co. Những đoàn người mặc áo dài đen nghiêm chỉnh đi thành hàng một hướng về ngôi nhà thờ lớn như những chân dài ngoẵng của một loài nhện khổng lồ.
 
“Khi nghe tôi về Tuy Hòa, một người bạn dặn: - Đi Tuy Hòa thì đừng quên con đường xuống Tòa Hành chánh, một con đường đẹp lý tưởng. Đường rộng trồng toàn cây dương mát. Hai bên đường có một đoạn có ruộng lúa. Lâu ngày sống xa ruộng lúa nay được ngửi mùi bùn, mùi nước, mùi lá lúa thật không gì êm mát bằng.
 
“Khi tôi chợt nhớ đến lời người bạn thì đã trễ. Buổi tối đoạn đường đó cấm đi lại.
 
“Ngày mai tôi sẽ trở lại Nha Trang bằng chuyến xe sớm. Cầu mong cho đêm nay yên tĩnh đừng có những cuộc pháo kích, những trận tấn công. Tôi muốn ở lại dài ngày giờ hơn để đi thăm những bạn quen, những người mà tôi xa cách đã mười lăm năm nay. Mười lăm năm, đó không phải là một thời gian ngắn. Cứ chồng nó lên ba lần là đủ để thành một đời người. Tôi cũng muốn đi thăm lại những cơ sở quen thuộc: trường Trung học Nguyễn Huệ, chùa Bảo Tịnh, nhà thờ Thiên Chúa giáo, trường Nữ Tiểu học, nhà thờ Tin Lành, cô nhi viện Phật giáo…”
 
Xin phép nhà văn Võ Hồng cho tôi nhắc tên quán cà phê Nhớ gần trường Đặng Đức Tuấn và nhà ga Tuy Hòa, có cô chủ quán mái tóc dài giống Juliette trong phim Romeo & Juliette thập niên 70.
 
Trần Củng Sơn


California, ba tháng tư năm hai ngàn mười ba

 

 

 

***

 

 

Văn học và đời sống dưới mắt Nhà Văn Võ Hồng

Nguyễn Trần Diệu Hương

 
 
 
 
Từ lúc đọc tác phẩm Nhánh rong phiêu bạt của nhà văn, nhà giáo Võ Hồng, một tác phẩm được dùng làm phần thưởng trong các kỳ thi Đố vui để học cho học sinh trước năm 1975, Thúy không còn thấy tên mình chỉ là thị Thúy, cụt ngủn, bình dân; không đẹp như Quỳnh Hoa, Thu Vân, Thanh Thủy..., không kiêu sa như Tố Nga, Đài Trang, Huyền Trân...Mà ngược lại Thúy tự hào là tên mình đã được nhà văn Võ Hồng đưa vào văn học sử qua Nhánh rong phiêu bạt.
 
Nhân vật chính của Nhánh rong phiêu bạt cũng tên Lê Thị Thúy, cũng 12 tuổi như chúng tôi lúc đó, vào những ngày cuối của chiến tranh.
 
Không phải mỗi Thúy, cũng xinh đẹp, cũng con nhà giàu như nhân vật Lê Thị Thúy, mà cả lớp đều mơ có ngày được gặp và nghe nhà văn Võ Hồng dạy dỗ như ông đã từng dạy nhiều thế hệ ở các trường Trung học ở Nha Trang.
 
Ước mơ nhỏ nhoi, rất dễ thực hiện vì nhà văn Võ Hồng, thuộc thế hệ của ông bà chúng tôi, ở đường Hồng Bàng, một con đường nhỏ, yên tỉnh, gần biển Nha Trang. Vậy mà vĩnh viễn chẳng bao giờ đạt được.
 
Hồi đó, chúng tôi đạp xe đi qua, đi lại nhà ông ít nhất là mỗi tháng một lần, cả chục cặp mắt cùng nhìn vào cổng nhà ông. Căn nhà nhỏ ẩn mình sau hàng rào hoa tóc tiên như một tấm lá chắn  thiên nhiên che chở bảo vệ nhà văn trước một xã hội đảo lộn sau tháng 4 năm 1975.
 
Một vài lần chúng tôi dừng xe trước cổng nhà ông, định kéo chuông gọi ông như mấy chữ ghi bằng sơn đen trên một tấm thiếc nhỏ bằng nửa cuốn sách treo lủng lẳng bên lề cổng "kéo dây gọi Võ Hồng". Miếng thiếc được treo bằng một sợi dây dù chạy từ cái cổng nhỏ bò qua những nhánh cây lêkima vào đến cửa sổ nhà; đầu dây bên kia là 3 cái lon sữa bò rỗng cột vào nhau.
 
Nhiều lần như vậy, nhưng chưa lần nào chúng tôi dám "kéo dây gọi Võ Hồng" vì nếu có hân hạnh được ông cho vào nhà, cũng chỉ chào mà không biết nói chuyện gì với một nhà giáo, nhà văn kỳ cựu đáng tuổi ông ngoại của mình.
 
Văn phong của Võ Hồng là ngôn ngữ của một nhà giáo. Dưới cả hai thể loại truyện ngắn và truyện dài, ông gởi những lời khuyên của một nhà mô phạm đến độc giả. Có những chuyện ngắn về khu rừng với đủ muôn thú sư tử, cọp, nai, sóc… người đọc thấy rõ xã hội loài người với đủ cá tính, đủ trình độ. Có một truyện ngắn về cỏ và cây, nhưng người đọc thấy rõ cây bách tùng được ông gởi gắm hình ảnh một người lãnh đạo, cây chùm rụm (chùm ruột?) mang tính cách của một công dân bình thường lặng lẽ góp phần xây dựng đất nước...
 
Truyện ngắn "Vĩnh biệt cây trứng cá" lấy được những giọt nước mắt của tôi. Câu chuyện rất đơn giản: có một cậu bé lớn lên cùng với cây trứng cá, một loại cây rất sai trái ăn không ngon nhưng trái non màu xanh có thể làm đồ chơi cho trẻ con. Tuổi thơ của cậu bé êm đềm bình yên dưới bóng mát to rộng của cây trứng cá. Cây trứng cá chứng kiến cậu lớn lên với một tuổi thơ bình yên, hạnh phúc; như một chứng nhân, một người bạn trung thành của cậu. Lúc cây trứng cá bị đốn đi, cậu âm thầm khóc như mất đi một người thân. Tôi mê nhất truyện này vì chừng như nhà văn nghe tôi kể lại tâm trạng khi tôi chia tay với cây trứng cá, rồi giúp tôi trải lòng trên trang sách. Còn hơn thế, tuổi thơ hạnh phúc với bóng râm của cây trứng cá với bóng mát chở che của Ba Mẹ luôn luôn nằm trong lòng tôi mặc dù tôi đã phải vĩnh biệt cả Ba lẫn cây trứng cá.
 
Mỗi một truyện ngắn của ông trang trải nỗi lòng tâm sự của ai đó. Có lẽ vì vậy ai đã từng đọc qua một tuyển tập truyện ngắn của Võ Hồng đều thấy NHÀ VĂN rất tinh tế và mặc dù chỉ sống trong góc một căn phòng nhỏ nằm trên đường Hồng Bàng ở Nha Trang, ông đã viết giùm được tâm trạng của cả người Việt trong nước lẫn người Việt lưu vong.
 
Ngẫu nhiên, ông đã tài tình thấy được Lê Thị Thúy của chúng tôi sẽ trở thành Nhánh rong phiêu bạt. Chỉ có khác là "nhánh rong" trên trang sách của Võ Hồng phiên bạt từ tuổi 12 và chấm dứt phiêu bạt trong vòng vài năm. Nhánh rong của chúng tôi, và cả chính tôi, cùng cả triệu người Việt Nam trở thành những "nhánh rong phiêu bạt" cả nhiều thập niên, không biết đến bao giờ mới hết đời phiêu bạt?
 
Võ Hồng không chỉ thành công trong vai trò một nhà văn, mà những tác phẩm để lại của ông sẽ làm cho Thầy Võ Hồng là một nhà giáo có đông học trò nhất. Không một hội cựu học sinh sinh viên nào lưu lạc ở ngoại quốc không biết đến tự truyện Nửa chữ cũng Thầy của Võ Hồng. Và đã theo gương ông, theo những lời dạy của của ông trải dài trên những trang sách. Ngày nào nhà văn Võ Hồng còn có thêm độc giả, ngày đó nhà giáo Võ Hồng còn có thêm học trò mới.
 
Cuối tháng 3 năm nay chia tay ông, văn học Việt Nam mất đi một nhà văn mô phạm và chúng tôi mất đi một bậc thầy khả kính trong văn học lẫn đời sống.
 
Santa Clara, tháng 4/2013
Nguyễn Trần Diệu Hương

Ý kiến

bởi: ThanhNgoc từ: VùngTrờiXaXôi

28.04.2013 18:14

 

Ra Đi

Ra Đi để lại đau thương
Ra Đi để lại nỗi buồn mênh mang
Ra Đi về chốn thiên thu
Ra Đi là chuyên đau buồn triền miên
Ra Đi để lại nhớ nhung
Ra Đi để lại con đường vắng nhau
Ra Đi gửi lại Nhatrang
Những chiều êm ả, sóng buồn ru đêm
Trăng đêm thắp sáng không gian
Hàng dừa rung nhe, gió chiều thiết tha
Cát vàng bãi biển Nhatrang
Đã từng in vết chân mình dạo chơi
Giờ đây tất cả xa xôi
Chỉ là kỷ niệm, chỉ là xa xưa
(ThanhNgoc, 2013/4/28)

Thanh Ngọc làm bài thơ này để tưởng nhớ đến Nhà Văn Võ Hồng, Ông là một người bạn văn chương của Nữ Sỹ Tương Phố năm xưa, bà nội của tôi, khi xưa Nữ Sỹ Tương Phố còn sinh sống ở Nhatrang, đồng thời TN Xin gửi bài thơ này đến cô con gái yêu quý của Ông là Cô Võ Thị Diệu Hằng để Chia Buồn cùng cô và gia đình của cô . Xin Đa Tạ. (ThanhNgoc-(tdh))

 

bởi: Quan Huy Nguyen từ: Australia

22.04.2013 10:35

 

Cám ơn Diêu Hương đã cho tôi dịp để nhớ về quê hương Nha Trang mến yêu của tôi và nhất là thấy mình may mắn hơn Diệu Hương dù chỉ là một chú học trò ngốc nghếch và quậy phá của Thầy Võ Hồng. Nhớ lắm những lúc của 1980s khi tôi còn là học trò của trường Lê Quí Đôn (tên gọi trước năm 1975) hoặc là Tân Lập II sau này (trường ở đường Tô Hiến Thành) Nha Trang bây giờ! Vào năm lớp sáu, tôi được Thầy Võ Hồng dạy Anh Văn ở cơ sở II của trường Tân Lập II còn gọi là trường Sơn Ca, nằm ở trong con hẻm cụt đổ ra đường Nguyễn Thiện Thuật. Tôi đã được thầy đưa vào một thế giới của văn học, sinh vật, tiếng anh và cả tiếng nhật nữa. Hơn nữa thằng con trai tuổi mới lớn như tôi đã bị nhiều lần thầy "trừng phạt" bằng những hình ảnh minh họa nguệch ngoạc trên bảng ở trong giò học trước lớp, để động viên và cả trêu chọc sự lười học và ham chơi của tôi nữa. Nhà tôi ở đường Trần Nguyên Hãn và cũng gần nhà thầy lắm nên tôi còn nhớ như in ngôi nhà của Thầy khuất sau giàn hoa vàng và cánh cổng sắt hoen gỉ màu thời gian. Nhiều lần cùng với lũ bạn cùng xóm và cùng lớp là Tường Vi, Bảo Ngọc, Lan Hương, Văn Đồng, và Đăng Quang đi học về ngang qua nhà thầy để nhìn vào cái chuông ống lon mà lòng đầy cám dỗ, là kéo nó vài lần rồi bỏ chạy như lũ học trò nghịch ngợm được xếp chỉ đứng sau quỉ và ma mà thôi, nhưng rồi cũng không dám vì không biết vì sao nữa. Bây giờ ở xa, mỗi lần đọc tin tức mà thấy tin về Thầy Võ Hồng thì kỷ niệm chợt ùa về bất tận. Nha Trang của tôi là một khoảng lặng và sâu như tiếng biển khi mạnh mẽ khi mềm mại nhưng chứa chan sức đẩy từ bên trong, là những bài học của Thầy Võ Hồng trên lớp và thế giới trong truyện, là lũ bạn lam lũ thời buổi thật khó khăn nhưng rất thơ ngây đến độ tinh khiết! Xin cám ơn Thầy Võ Hồng vì đã góp phần làm dầy thêm nét nhân văn và lịch sử cho Nha Trang và cả cho tôi nữa.


bởi: Thaile từ: US

20.04.2013 20:36

 

Tôi có nghe qua tên VÕ HỒNG có thể một truyện ngắn nào đó mà tôi đã đọc Hôm nay qua Nguyễn Trần Diệu Hương tôi mới biết rõ về Ông . Xin chia buồn cùng tang quyến và cầu chúc cho ông siêu thoát nơi vĩnh hằng. Những tác phẩm của Nhà Gíáo Hồng sẽ sống mãi trong lòng người Việt


bởi: Kim Minh từ: USA

19.04.2013 07:27

 

Diệu Hương làm ơn chỉ dùm trong văn học sử chổ nào có tên Thúy mà Võ Hồng đưa vào .


bởi: Tuong từ: Australia

19.04.2013 04:30

 

Nguyễn Trần Diệu Huơng đã kể cho mọi người một câu chuyện rất đặc biệt về cái chuông cửa của Nhà văn Võ Hồng mà không mấy ai được biết! Rất thú vị, thành thật cảm ơn.


bởi: đính chính

18.04.2013 23:03

 

Cây chùm nụm chứ không phải là chùm rụm. Chùm nụm khác với cây chùm ruột. Chùm nụm thường trồng làm hàng rào, lá nhỏ và rậm, có trái tròn tròn nho nhỏ, màu xanh cỡ như hột đậu pea, không ăn được vì rất chát. Còn cây chùm ruột thi nhiều người biết, có trái từng chùm, màu xanh hình dáng như trái sa ri, có vị chua hay ngọt, có thể làm mứt.

 

 

****

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org