Karl Heindrich Marx chào đời vào ngày 5/5/1818 tại Trier trong miền
sông Rhine, thuộc nước Phổ (Prussia). Ông nội của Karl là một giáo
sĩ Do Thái (rabbi). Cha của Karl là một luật sư giàu có, cả hai phía
cha và mẹ của Karl Marx đều thuộc giòng dõi Do Thái nhưng khi Karl
tới tuổi thiếu niên thì cả gia đình này chuyển sang đạo Thiên Chúa
vì các lý do thương mại và xã hội. Có lẽ do mặc cảm về nguồn gốc này
mà về sau, Karl Marx đã chống lại đạo Do Thái.
Vào năm 1835, Karl Marx theo học Luật Khoa tại trường Đại Học Bonn
rồi qua năm sau, đổi sang Đại Học Berlin. Trong thời gian sống tại
Berlin, Karl Marx rất ưa thích môn Triết Học, có cơ hội đọc triết
thuyết của Wilhelm Friedrich Hegel. Tại nước Phổ vào giai đoạn này,
Triết Học (philosophy) là một môn học nghiêng về chính trị trong khi
bên ngoài xã hội, người công dân không được phép tham dự vào các
công quyền (public affairs). Karl Marx đã tham gia vào nhóm các sinh
viên và giáo sư cấp tiến, thiên về phe tả, thường hay chỉ trích gay
gắt cách quản trị xã hội của chính quyền nước Phổ.
Karl Marx tốt nghiệp Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Jena vào năm
1841, có ước vọng trở nên một giáo sư đại học nhưng vì các tư tưởng
chống đối chính quyền nên đã gặp nhiều thất bại. Karl Marx quay sang
ngành báo chí, đã viết nhiều bài theo đường lối cấp tiến cho nhiều
nhật báo trong đó có tạp chí Sông Rhine (the Rheinische Zeitung),
khởi đầu xuất bản vào năm 1842.
Năm 1843, Karl Marx lập gia đình với cô Jenny von Westphalen, một
thiếu nữ trẻ đẹp, con gái của một sĩ quan Phổ, dù cho cả hai gia
đình đều không bằng lòng trước cuộc hôn nhân này. Các tư tưởng cấp
tiến, các bài viết có tính công kích chính quyền của Karl Marx đã bị
kiểm duyệt, người viết bị theo dõi rồi để tránh bị bắt giam, Marx
cùng với vợ chạy qua thành phố Paris. Tại nơi này, Karl Marx gặp
Friedrich Engels, một người cấp tiến khác gốc Đức, cả hai người trở
nên bạn thân, cộng tác với nhau qua nhiều bài viết. Engels là một
người tương đối giàu có, con trai của một chủ nhân xưởng dệt, lại có
tư tưởng xã hội cấp tiến giống như Karl Marx. Nền móng của tác phẩm
sau này “Tư Bản Luận” (Das Kapital) bắt nguồn từ cuốn sách của
Friedrich Engels có tên là “Tình trạng của các giới lao động tại
nước Anh” (Condition of the Working Classes in England).
Các bài viết có tính cách xúi dục nổi loạn của Karl Marx chống lại
chính quyền Đức đã khiến cho chính quyền này vận động với nước Pháp
trục xuất Marx ra khỏi thành phố Paris vào năm 1845. Marx qua
Brussels, nước Bỉ, trú ngụ trong ba năm rồi trở về nước Đức, làm chủ
nhiệm tạp chí Sông Rhine Mới (the Neue Rheinische Zeitung), xuất bản
tại Cologne. Qua tạp chí này, Karl Marx nổi tiếng là một người phát
ngôn của đường lối cải tổ dân chủ cấp tiến.
Sau cuộc cách mạng năm 1848 thất bại tại nước Đức, Karl Marx phải bỏ
chạy qua Paris. Vào năm này, Marx đã cộng tác với Friedrich Engels,
viết ra Bản Tuyên Ngôn Cộng Sản (The Communist Manifesto), một văn
bản cấp tiến nhất, kêu gọi bạo lực và gây nên nhiều ảnh hưởng sâu
đậm về sau: “Các người Cộng Sản cho rằng không cần phải che giấu các
quan điểm và ý định. Họ tuyên bố công khai rằng mục đích của họ chỉ
được thực hiện do cuộc lật đổ bằng bạo lực toàn thể trật tự xã hội
đương thời. Trước Cuộc Cách Mạng Cộng Sản này, các giai cấp cai trị
phải run sợ. Các công nhân không bị mất mát gì cả ngoài gông cùm. Họ
có cả một thế giới để chiếm đoạt. Hỡi các Công Nhân của Thế Giới,
hãy đoàn kết lại!”.
Vào các năm 1848 - 49, các cuộc cách mạng tại châu Âu đã không thành
công, những kẻ xúi dục nổi loạn bị truy lùng, Karl Marx vì vậy phải
bỏ chạy qua thành phố London vào mùa hè năm 1849. Từ tuổi 31, Marx
đã trải qua phần còn lại của cuộc đời trong cảnh túng thiếu. Karl
Marx có 6 người con, ba đứa bị chết yểu, hai trong số còn lại sau
này đã tự sát. Trong cảnh sống cơ cực, Karl Marx đã được Friedrich
Engels trợ giúp cho khỏi chết đói bởi vì lợi tức của Marx chỉ là một
món tiền rất nhỏ nhờ các bài viết cho tờ báo New York Tribune, mô tả
các sự việc xẩy ra tại châu Âu. Do hoàn cảnh sống quá eo hẹp và bất
mãn này mà các bài viết của Karl Marx thường bộc lộ lòng hận thù,
cay đắng. Karl Marx là một người học rộng nhưng mang thành kiến và
tự kiêu, ông ta được nhiều người ngưỡng mộ nhưng có ít bạn bè và rất
nhiều kẻ thù.
Mặc dù thường bị đau yếu vì bệnh tật và sống trong cảnh nghèo túng
trong khu vực Soho buồn tẻ của thành phố London, mỗi ngày Karl Marx
thường ra Viện Bảo Tàng Anh Quốc (the British Museum) tìm kiếm tài
liệu để viết nên một tác phẩm có tên là “Tư Bản Luận” (Das Kapital).
Cuốn sách này đã được soạn thảo trong 18 năm trường, đôi khi bị
ngưng lại vì các lần đau bệnh hay vì vài hoạt động khác của tác giả.
Friedried Engels rất lo lắng cho tác phẩm này, e sợ nó bị dở dang.
Engels đã nói “ngày mà cuốn sách được đưa in, tôi phải uống rượu
thật say để chúc mừng”. Cả hai Karl Marx và Engels đều coi cuốn “Tư
Bản Luận” là “cuốn sách bị nguyền rủa” (the damned book) bởi vì nó
sẽ mang lại một “cơn ác mộng”.
Trong đời sống lưu vong của Karl Marx tại thành phố London, có một
biến cố quan trọng khác, đó là việc thành lập vào năm 1864 Hiệp Hội
Các Công Nhân Quốc Tế (the International Working Men’s Association)
được mọi người sau này gọi là Đại Hội Cộng Sản Lần Thứ Nhất (the
First International). Đây là một tổ chức cố gắng kết hợp các giới
lao động trên thế giới. Karl Marx là người đứng đằng sau sân khấu,
đã soạn ra các tài liệu, nguyên tắc, chương trình, các bài diễn
văn... nhưng về sau các vụ cãi cọ nội bộ, tranh giành quyền chỉ
huy... đã khiến cho tổ chức này bị giải tán sau cuộc sụp đổ của Công
Xã Paris vào năm 1871. Tổ chức công nhân quốc tế này lại được các
nhà xã hội châu Âu tiếp tục bằng Đại Hội Cộng Sản Lần Thứ Hai (the
Second International) rồi về sau bằng Đại Hội Cộng Sản Lần Thứ Ba
(the Third International) hay Tổ Chức Comintern, do các người Cộng
Sản trên toàn thế giới.
Karl Marx đã chuẩn bị cuốn “Tư Bản Luận” trong rất nhiều năm, rồi
vào cuối năm 1866, toàn thể bản thảo của cuốn sách này được gửi sang
Hamburg và vào mùa thu năm sau, cuốn sách ra đời. Cuốn “Tư Bản Luận”
được viết bằng tiếng Đức, bản dịch đầu tiên sang ngoại ngữ khác là
ấn bản tiếng Nga năm 1872 rồi tới năm 1886 mới có ấn bản tiếng Anh.
Vào thời đại của Karl Marx, nước Anh là nơi tượng trưng cho chế độ
tư bản đang phát triển. Các lý thuyết kinh tế của Karl Marx đều dược
rút ra do việc quan sát sinh hoạt của nước Anh này. Tại nước Anh vào
thời đại Victoria, xã hội chứa đầy bất công, nhiều hoàn cảnh xấu xa.
Căn cứ vào các báo cáo chính thức của các nhân viên thanh tra trong
chính quyền Anh, Marx đã trình bày các sự kiện xã hội một cách xác
thực trong cuốn Tư Bản Luận theo đó đàn bà bị thuần hóa như các con
vật, phải kéo các con thuyền dọc theo sông đào, kéo các toa xe nặng
chở đầy than đá trong hầm mỏ. Trẻ em tại nước Anh bắt đầu làm việc
trong các xưởng dệt vải len từ khi lên 9 hay 10 tuổi và phải lao
động cực nhọc mỗi ngày từ 12 tới 15 giờ. Từ khi áp dụng ca đêm, các
giường nằm của trẻ em không bao giờ lạnh cả bởi vì chúng thay nhau
ngủ theo ca! Bệnh lao phổi và các bệnh nghề nghiệp khác đã giết trẻ
em theo một mức độ cao. Việc phản đối các điều kiện làm việc hết sức
tồi tệ kể trên không chỉ giới hạn vào Karl Marx. Những nhân vật có
lòng nhân đạo như Charles Dickens, John Ruskin và Thomas Carlyle đã
viết ra nhiều tác phẩm văn chương với nội dung phơi bày các bất công
xã hội và đòi hỏi các cải tổ. Quốc Hội Anh cũng đặt ra các đạo luật
sửa chữa.
Karl Marx rất hãnh diện về cách tiếp cận các vấn đề kinh tế và xã
hội một cách khoa học. Engels nói rằng: “Giống như Darwin đã khám
phá ra định luật Tiến Hóa trong bản chất hữu cơ, Marx đã tìm ra định
luật Tiến Hóa trong lịch sử con người”. Karl Marx xác nhận rằng:
“các hiện tượng kinh tế có thể quan sát và ghi lại với độ chính xác
giống như khoa học tự nhiên”. Thông thường Karl Marx hay dẫn chứng
các công trình của các nhà sinh học, hóa học và vật lý. Rõ ràng là
Karl Marx mong muốn trở nên một nhân vật danh tiếng về xã hội và
kinh tế giống như Darwin và Newton. Do cách phân tích xã hội theo
khoa học, Karl Marx tin rằng mình đã khám phá ra cách thay đổi từ
thế giới tư bản sang thế giới xã hội chủ nghĩa (a socialistic
world).
Karl Marx qua đời trong thành phố London vào ngày 14/3/1883. Chỉ có
8 người tham dự đám tang của danh nhân này tại nghĩa trang Highgate,
gồm cả người vợ và 2 người con. Trong bài điếu văn đọc trước ngôi mộ
của Karl Marx, Friedrick Engels là người bạn thân nhất, người cộng
tác lâu năm và cũng là một môn đệ của Karl Marx, đã tóm tắt rằng
“Trên hết, Marx là một nhà cách mạng và chủ đích chính trong cuộc
đời của ông là lật đổ xã hội tư bản cùng các định chế do chế độ này
lập nên”.
|