Marco Polo không phải là người châu Âu đầu tiên tới được Bắc Kinh
nhưng là người đầu tiên mô tả từng chi tiết về các cung điện, lối
sống và triều đình của Đại Hãn nhà Nguyên tại Bắc Kinh, người đầu
tiên nói về các miền đất Java, Sumatra, Thái Lan và Miến Điện. Sự
giàu có của nước Trung Hoa vào thế kỷ 14 đã là điều nghi ngờ và mơ
ước của các người tây phương, họ hỏi làm sao tới được miền đất trù
phú đó, nếu không bằng đường bộ thì bằng đường biển. Marco Polo đã
trải qua 24 năm tại một thế giới xa lạ và còn bí ẩn đối với người
châu Âu, sự bí ẩn giống như của các hành tinh đối với chúng ta ngày
nay. Câu chuyện kể của Marco Polo về nước Trung Hoa được coi là một
loại huyền thoại và trong 200 năm, cuốn sách “Mô tả về Thế Giới” của
ông đã là nguồn tin tức chính về một xứ phương đông chưa được biết
tới.
1/ Chuyến đi buôn của người cha, Nicolo
Polo.
Vào thế kỷ 13, châu Âu đã trải qua Thời Kỳ Đen Tối (the Dark Ages)
và cô lập, chuyển sang giai đoạn phát triển về thương mại và chiến
tranh với vùng Cận Đông. Dân chúng của châu Âu gia tăng, các thành
phố bắt đầu mở rộng khiến cho có nhu cầu về hàng hóa. Vào thời đại
đó, các nhà quý tộc thường khinh rẻ ngành buôn bán nên đã xuất hiện
một tầng lớp trung lưu gồm các thương nhân tại một số thành phố lớn
nhỏ. Trong các địa điểm đông dân cư đang phát triển, không nơi nào
thích hợp với công việc mậu dịch hơn thành phố Venice của nước Ý.
Đây là nơi lý tưởng, nằm trên biển Adriatic và hướng về phương Đông.
Năm 1254, ông Nicolo Polo cùng người em trai tên là Maffeo, là hai
thương nhân về nữ trang, đã thực hiện một chuyến đi xa, tới thành
phố Constantinople, rồi cũng do công việc thương mại, hai người này
đã đi khá xa về phía đông, tới tận Bukhara, sâu vào bên trong miền
đất thời bấy giờ thuộc quyền kiểm soát của quân Mông Cổ. Người Mông
Cổ đã từ phần đất phía bắc của nước Trung Hoa, tràn qua đánh chiếm
châu Âu và lập nên các lãnh thổ mới do các Khả Hãn cai trị. Tại
nước Nga, người Mông Cổ được gọi là rợ Thát Đát (Tartars).
Hai anh em thương nhân này đã bị mắc kẹt trong xứ của người Thát Đát
trong 3 năm vì các trận chiến quanh vùng, vì các bọn cướp đe dọa
đường về. Cuối cùng, nhân một chuyến về thăm triều đình Đại Hãn tại
Trung Hoa của một vương hầu Thát Đát, hai anh em Polo được mời đi
theo. Đây là cơ hội rời khỏi miền Bukhara một cách an toàn, nên hai
thương nhân này đã nhận lời theo đoàn sứ quân ra đi.
|
|
Năm 1265, sau
hơn một năm trời gian nan trên đường trường, hai anh em Nicolo và
Maffeo đã tới được Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) và được Đại Hãn Hốt
Tất Liệt (Kublai Khan) đón tiếp niềm nở. Đại Hãn là cháu nội của
Thành Cát Tư Hãn, vị hoàng đế đã lập nên đế quốc Mông Cổ rất rộng
lớn, trải dài từ miền bắc châu Á tới tận các phần đất phía đông của
châu Âu.
20 năm về trước, đã có vài người châu Âu là các thương nhân hay các
tu sĩ tới được nước Trung Hoa và xứ Mông Cổ, nhưng Nicolo và Maffeo
là hai người châu Âu đầu tiên được trình diện
trước triều đình của Đại Hãn. Hai thương nhân miền Venice
khi tới Yên Kinh, đã rất ngạc nhiên về nhiều điều mới lạ. |
Đại Hãn Hốt Tất Liệt |
|
|
Kinh đô này có các bức tường thành cao
bao vây chung quanh và phần bên trong tường thành được phân chia
thành nhiều vùng với lâu đài hoàng gia ở giữa. Anh em nhà Polo cũng
rất cảm kích trước lòng hiếu khách của Đại Hãn và sự xuất hiện của
những người xa lạ, từ một xứ chưa được biết tới, đã khiến cho Đại
Hãn Hốt Tất Liệt phải quan tâm. Đại Hãn cũng thắc mắc về đạo Thiên
Chúa nên khi anh em Polo rời khỏi Trung Hoa, nhà vua đã yêu cầu họ
mang một bức thư gửi cho Giáo Hoàng, yêu cầu phái đến triều đình
Mông Cổ 100 tu sĩ học giả. Đại Hãn cũng chân thành mời anh em Polo
trở lại Trung Hoa đồng thời cấp cho họ một giấy phép có đóng mộc
vàng, để bảo đảm an toàn lúc đi đường.
Năm 1269, hai anh em Polo đã về tới Venice thì được biết bà vợ của
Nicolo đã qua đời sau lần sinh hạ một cậu con trai đặt tên là Marco
Polo và cậu này được một người trong gia đình nuôi dưỡng. Lúc này,
cậu Marco Polo đã là một thiếu niên 15 tuổi, lanh lẹ, tháo vát,
thường lân la chơi đùa tại bến tầu và quen biết với khá nhiều thủy
thủ.
2/ Chuyến đi xa của Marco Polo.
Hai năm sau ngày trở về, ông Nicolo lại cùng với người em trai xuống
tầu từ Venice và trong lần viễn du này, có dẫn theo cậu con trai
Marco. Khi đến Jerusalem thì vị Giáo Hoàng quen biết khi trước đã
qua đời trong khi đó các hồng y chưa bầu ra được một Giáo Hoàng mới.
Anh em nhà Polo đành quyết định vẫn ra đi với 2 tu sĩ và một số dầu
thánh (holy oil). Đường đi gian truân đã làm cho 2 tu sĩ nản lòng
rồi vì lo sợ cho sự an toàn, họ đã giả vờ bệnh nặng và trở về, còn
các thương nhân Venice vẫn tiếp tục lên đường. Marco Polo lúc này là
cậu thanh niên yêu thích thiên nhiên, có đầu óc thực tế, biết nhận
xét những điều xa lạ, nên đã giữ sổ nhật ký, ghi lại những điều mắt
thấy tai nghe trong cuộc hành trình.
Rời Jerusalem bằng thuyền, hai thương nhân tới thị trấn Acre rồi thị
trấn Ayas. Tại nơi này họ lên bờ, đi theo đoàn lạc đà. Khi hai
thương nhân đã rời khỏi Jerusalem thì được tin Theobald of Piacenza
được bầu làm Giáo Hoàng Gregori X. Để tránh nơi giao tranh giữa hai
lực lượng Thập Tự Chinh (Crusaders) và các quân Hồi Giáo, họ đã đi
về phía bắc, hướng tới Hắc Hải rồi vòng qua hướng đông, tới gần núi
Ararat, nơi mà nhiều người tin rằng con thuyền lớn của ông Noah đã
được kéo lên bờ. Đoàn lữ hành cũng đã đi qua các ngọn đồi của miền
nam xứ Georgia thuộc nước Nga ngày nay. Các vùng đất này đều quen
thuộc với các thương nhân châu Aâu nhưng riêng với Marco Polo, cậu
rất ngạc nhiên trước các loài chim lạ, loại đá muối, các loại hồng
ngọc và các giếng dầu. Loại dầu này không dùng để ăn mà được người
dân địa phương chữa các bệnh ngoài da cho người và lạc đà, và dùng
để đốt đèn vào ban đêm.
Khi vào xứ Iran, anh em nhà Polo đã dừng chân tại Saba, nơi mà theo
chuyện kể, 3 tu sĩ Magi đã mang quà tặng, theo chỉ hướng của các vì
sao tới thăm viếng Chúa Hài Đồng tại Bethlehem. Tới lúc này, đoàn
thương nhân đã đi quá xa, tới vùng xa lạ và nguy hiểm, đi rất chậm
với tốc độ từ 10 tới 20 dậm một ngày, qua các thung lũng lạnh lẽo,
các xa mạc nóng bỏng và toàn sỏi đá, không còn thấy các cây cối xanh
tươi. Khi đến thị trấn Kerman, anh em Polo cho rằng nên dùng đường
biển để tới Trung Hoa, họ đã đổi hướng về phía nam, tiến tới hải
cảng Hormuz nằm trong vịnh Ba Tư. Trên đường đi, họ đã thấy các làng
mạc ẩn hiện sau các bức tường thành cao đắp bằng đất để ngăn cản
loại quân chuyên cướp bóc Karaunas. Bỗng nhiên, bầu trời tối sầm lại
và trong trận bão cát, đoàn thương nhân bị quân cướp kể trên ập tới
đánh phá. Marco Polo đã kể lại rằng người Karaunas biết dùng phép
phù thủy khiến cho trời quang trở thành tối tăm, mọi người khó nhìn
thấy mặt nhau trừ khi đứng rất gần nhau. Trong trận đánh cướp này,
cha và chú Polo cũng như Marco đã thoát nạn nhờ may mắn, một số
người cùng đi đường bị bắt, nhiều kẻ bị giết. Cuối cùng, đoàn lữ
hành cũng tới được hải cảng Hormuz. Tại nơi này, khi nhìn thấy các
con thuyền đi biển mỏng manh, may bằng sợi dây dừa, các kẻ viễn du
đã phải đổi ý, quay trở lại thị trấn Kerman, theo Con Đường Tơ Lụa
hướng lên phía bắc rồi đi về phía đông, tới thành phố Balkh tại mạn
bắc của xứ Afghanistan.
Balkh 50 năm về trước là một thành phố với các lâu đài tráng lệ xây
bằng đá hoa trắng, là kinh đô của xứ Bactria và cũng chính tại nơi
đây, Đại Đế Alexander đã cưới công chúa của vua Ba Tư Davis. Nhưng
vào lúc này, Marco Polo thấy thành phố đã bị cháy rụi, trở thành
bình địa, tàn phá do đoàn quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn. Sau khi
rời khỏi Balkh, gia đình Polo đã đi về hướng Badakhshan là một tỉnh
nằm về phía bắc của rặng núi Hindu Kush và cũng là nơi có nhiều mỏ
đá màu xanh da trời, gọi tên là “lapis lazuli”. Marco Polo cũng ghi
nhận rằng nơi này sản xuất ra các loại hồng ngọc rất quý và đây cũng
là nơi có khí hậu rất tốt, sớm làm phục hồi sức khỏe của bệnh nhân.
Từ Badakhshan, đoàn lữ hành đi qua cao nguyên Pamir, một vùng mà
Marco Polo đã thấy có rất nhiều loại hươu sừng rất dài. Rồi đoàn
người leo lên trên một cao nguyên 12,000 bộ, được gọi là “Mái nhà
của thế giới” (the Roof of the World). Marco Polo đã ghi trong sổ
rằng: “không thấy có chim muông nào trên miền núi” và “lửa không còn
cho cùng sức nóng như ở các mạn dưới thấp”.
Từ miền núi cao, đoàn lữ hành xuống thấp dần, lọt vào vùng Tân
Cương, một vùng có các ốc đảo xanh tươi và bờ sông đầy loại đá hoa
cương. Khi tới thị trấn Lop, đoàn lữ hành chuẩn bị băng qua phần
phía nam của Sa Mạc Takla Makan. Theo lời ghi chép của Marco Polo
thì “những người sửa soạn vượt qua sa mạc đã nghỉ ngơi tại thị trấn
này một tuần lễ để phục hồi người và vật, rồi họ lo một tháng thực
phẩm cho cuộc hành trình. Khi rời thị trấn này, họ đi vào sa mạc.
Chiều dài của sa mạc lớn tới độ người ta nói rằng phải mất một năm
hay hơn để đi từ đầu này tới đầu kia, và đi theo chiều ngang ngắn
nhất cũng phải mất một tháng”. Người dân địa phương tin rằng sa mạc
Takla Makan có các loại ma quỷ, gọi tên người, giả làm kẻ đồng hành
và đưa các kẻ lữ hành tới chỗ chết. Vì vậy anh em nhà Polo đã phải
rất cẩn thận trước sa mạc cát nóng, tạo ra các ảo ảnh. Trong nhiều
tuần lễ, họ đã đi men theo phía nam của sa mạc Gobi, tới được thị
trấn Kumul rồi vào xứ Mông Cổ. Đây là phần đất có giống người Thát
Đát cư ngụ. Marco Polo đã thấy tận mắt loại thạch miên (asbetos),
nhìn thấy bức tượng Phật nằm rất lớn và đã ghi chép các nhận xét
chính xác về người Mông Cổ : “các người Thát Đát giàu có mặc y phục
bằng lụa và vàng, bằng da và lông của các thú vật với các kiểu cách
sang trọng. Người Thát Đát rất gan dạ trong trận chiến, tới độ cực
đoan. Họ có thể chịu đựng mọi loại thiếu thốn và khi cần, có thể
sống cả tháng bằng sữa của lừa ngựa hoang mà họ săn bắt được. Các
người đàn ông Thát Đát được huấn luyện sống trên lưng ngựa hai ngày
mà không xuống đất, ngủ trên lưng ngựa khi ngựa ăn cỏ. Không một
giống dân nào trên trái đất vượt hơn họ về cách chịu đựng các khó
khăn và kiên nhẫn. Nếu hoàn cảnh cần đến, họ có thể đi bộ 10 ngày mà
không đốt lửa hay dùng bữa. Trong thời gian này, ho sống bằng máu
ngựa”.
Sau khi rời thành phố Venice trong 3 năm rưỡi, anh em Polo đã vượt
qua 8,000 dậm đường, băng qua các miền đất rất khó đi và nguy hiểm.
Sự việc đoàn lữ hành tới đất Mông Cổ đã được báo về cho Đại Hãn rõ
và nhà vua đã cho người đón trước ở khoảng cách 40 ngày đường, ra
lệnh cho mỗi nơi dừng chân dành cho họ các tiện nghi tối đa.
Mùa hè năm 1275, đoàn lữ hành tiến vào cung thành Mông Cổ là Thượng
Đô (Shangtu), nơi có các lâu đài mùa hè rất lớn bằng đá hoa rực rỡ,
tọa lạc trên vùng đất rộng 16 dậm vuông, với các suối nước và thật
nhiều hươu nai cùng các con thú khác mà Đại Hãn đã săn bắt được bằng
các con báo rừng hay diều hâu. Vào thời kỳ này, đế quốc Mông Cổ là
miền đất rộng lớn nhất chưa từng thấy, trải dài từ bờ biển Trung Hoa
ở phía đông tới tận xứ Hungari ở phía tây. Hai ông Polo và cậu Marco
được dẫn tới một đại sảnh có dát vàng rực rỡ. Ở giữa cung điện và
ngồi trên ngai vàng là ĐaÏi Hãn Hốt Tất Liệt mặc áo lụa thêu chỉ
vàng, vào cỡ tuổi 60, là một nhân vật oai vệ, có chiều cao trung
bình nhưng vạm vỡ, với đôi má hồng và “đôi mắt đẹp màu đen”. Sau khi
quỳ lậy, ông Nicolo trình diện cậu Marco là “kẻ hầu của nhà vua và
cũng là con trai của tôi” thì được ĐaÏi Hãn trả lời là rất vui mừng
đón tiếp, rồi nhà vua hạ lệnh tổ chức tiệc rượu.
Thượng Đô là nơi nghỉ mùa hè của Đại Hãn, tọa lạc về phía bắc 200
dậm và không xa Vạn Lý Trường Thành. Tới cuối tháng 8, nhà vua lại
dọn về sống tại Yên Kinh (ngày nay là Bắc Kinh), một nơi có các cung
điện rực rỡ hơn. Marco Polo dần dần trở nên một trong các cận thần
của vua Mông Cổ nên chàng thanh niên xứ Venice này đã có nhiều cơ
hội quan sát và ghi chép về lối sinh hoạt tại triều đình. Đại Hãn
Hốt Tất Liệt tuy bản chất là người Mông Cổ nhưng đã chấp nhận nhiều
lối sống văn minh của người Hán. Nhà vua có 4 hoàng hậu với cả ngàn
người hầu cận. Trong các buổi thiết triều, một trong các hoàng hậu
cũng được ngồi vào ghế danh dự, ngang hàng với nhà vua. Đại Hãn còn
có hàng trăm cung tần và mỗi hai năm, từ 30 tới 40 thiếu nữ mới được
tuyển lựa cẩn thận vào cung theo các tiêu chuẩn về nhan sắc và các
đặc điểm khác như khi ngủ không ngáy to, thân thể không tiết ra thứ
mùi khó chịu. Cha mẹ của các cung tần này thường hãnh diện khi có
con gái được tuyển mộ vào cung cấm và sau vài năm sống tại hậu cung,
các cung tần được nhà vua gả cho các quan trong triều. Đại Hãn là
một con người nhân từ, thường ra lệnh cấp ngũ cốc và gia súc cho
những miền đất bị thiên tai, hạn hán.
Đại Hãn còn có một đội ngũ các chiêm tinh gia, đúng hơn là các thầy
phù thủy và Marco Polo đã mô tả họ là loại người thô lỗ, dơ bẩn,
thường khoe khoang kiểm soát được gió mưa và có các khả năng huyền
bí. Chung quanh Đại Hãn có các võ tướng người Mông Cổ, một số học
giả người Trung Hoa và nhà vua còn dùng vài người ngoại quốc trong
việc cai trị xứ sở. Đế quốc Mông Cổ vào thời kỳ này rất rộng lớn,
gồm 34 tỉnh do 12 vương hầu cai trị và chịu trách nhiệm trước Đại
Hãn. Tuy là một miền đất bao la nhưng người Mông Cổ đã tổ chức được
một mạng lưới thông tin hữu hiệu với khoảng cách 25 dậm có một trạm
liên lạc, với ngựa khỏe và thông tin viên sẵn sàng mang các văn thư,
hiệu lệnh của Đại Hãn tới các nơi xa xôi trong một thời gian kỷ lục.
Marco Polo đã kể lại rằng một kỵ mã thông tin có thể vượt 250 dậm
trong một ngày nhờ đó vào mùa hè, trái cây được hái buổi sáng tại
Yên Kinh, đã được đưa đến Thượng Đô vào buổi chiều ngày hôm sau,
trên một hành trình mà bình thường cần tới 10 ngày đi đường. Marco
Polo còn mô tả về tiền giấy, một thứ tiền được chấp nhận tại mọi nơi
trong đế quốc Mông Cổ, nhờ đó các lái buôn, các kẻ lữ hành đã không
gặp khó khăn khi phải mang tiền đi xa. Người Trung Hoa đã dùng vỏ
cây dâu, đâm vụn thành một thứ bột giấy giống như bông gòn và làm ra
một loại giấy màu đen rồi trên đó có đóng triện đỏ của nhà vua. Việc
làm bạc giả bị trừng phạt bằng tội tử hình.
Trong vài năm sống tại triều đình của Đại Hãn Hốt Tất Liệt, Marco
Polo đã quan sát và học hỏi được nhiều phong tục, tập quán của các
người Á châu, lại nói được ít nhất bốn ngôn ngữ địa phương của đế
quốc Mông Cổ, khiến cho Đại Hãn rất khâm phục trí thông minh của cậu
và đã nhờ chàng thanh niên này thi hành các sứ mạng tại miền nam
Trung Hoa, tại các xứ Bengal và Miến Điện. Do Đại Hãn ưa thích nghe
kể về những gì chưa được biết tới, Marco Polo đã ghi chép nhiều chi
tiết về những miền đất đã đi qua. Trong 17 năm trường phục vụ cho
Đại Hãn, Marco Polo đã đặt chân tới từ miền bắc xứ Mông Cổ tới tận
miền nam là Vân Nam, từ các tỉnh bờ biển phía đông tới xứ Tây Tạng
về phía tây và còn được bổ nhiệm làm quan tại Hàng Châu (Hangchow).
Marco Polo đã mô tả thành phố này giống như Venice của xứ Ý, được
xây dựng trên các giòng sông với chu vi vào khoảng 100 dậm. Nơi này
có hai ngàn cây cầu bắc qua sông và con đường lớn của thành phố rộng
tới 40 bộ theo chiều ngang. Trên đại lộ chính này, có tới 10 trung
tâm thương mại với các cửa tiệm bán thực phẩm, rượu, gia vị, và cả
các nữ trang như ngọc trai. Mỗi tuần, người dân tại nơi đây họp chợ
2 hay 3 kỳ và Marco Polo đã mô tả cảnh phồn thịnh của sinh hoạt tại
Hàng Châu. Nơi chợ có đủ mặt hàng, từ các thú vật như hươu, nai,
công, trĩ, tới bò, heo, gà, vịt, các loại lá cây và trái cây, mùa
nào thức nấy không thiếu chi. Trong khi cha Nicolo và chú Maffeo mải
lo buôn bán nữ trang thì Marco Polo đã đi công tác qua nhiều địa
phương, biết rõ về đất nước Trung Hoa hơn phần lớn các người Mông Cổ
và người Hán. Các lần đi công tác xa xôi không phải là an toàn vì
dọc đường thường có các trộm cướp, các dã thú, các thác ghềnh... Các
đoàn lữ hành thường phải đóng trại vào ban đêm, đốt lửa để xua đuổi
mãnh thú. Marco Polo đã có dịp tới Tứ Xuyên, Vân Nam và Tây Tạng,
một nơi đặc biệt tiêu xài bằng thứ tiền muối. Nơi đây có các suối
muối và người dân đun muối trong các chảo nóng. Khi đã sôi trong một
giờ, muối được cô đọng lại thành một loại bánh nặng chừng 3 gam, mặt
dưới phẳng, mặt trên cong trên đó có đóng triện của nhà vua, để trở
thành một thứ tiền tệ lưu hành trong dân chúng.
17 năm sống tại Trung Hoa, một thời gian quá lâu, đã làm cho các
thương nhân này nhớ nhà, mong đợi được trở về thành phố Venice thân
yêu. Marco Polo đã ghi lại rằng càng ngày, gia đình Polo càng quyết
tâm quay về vì Đại Hãn càng già, nếu qua đời bất ngờ thì khó lòng
xin được các ân sủng để trở về xứ sở. Rồi vào một ngày đẹp trời,
Marco Polo chờ lúc Đại Hãn vui vẻ, đã sụp lậy dưới chân để xin cho
mình và gia đình được phép ra đi. Vào lúc này, Đại Hãn đã tỏ ra bất
bình. Nhà vua có quyền tuyệt đối, việc từ chối thường xẩy ra và ba
người Ý sẽ trở thành các người tù mãn đời trên đất Trung Hoa, và
châu Âu sẽ không có cơ may được nghe kể về một xứ sở giàu sang, rực
rỡ nhất vào thời đại đó.
3/ Cuộc trở về của Marco Polo.
Vào khoảng năm 1286, một thân nhân của
Đại Hãn là Khả Hãn
Tốc Bất Đài (Arghyn Khan) hiện đang cai trị xứ Ba Tư, đã phái sứ giả
về Trung Hoa yêu cầu Đại Hãn kén chọn cho một cô vợ mới. Một thiếu
nữ 17 tuổi, đầy đủ tài sắc, đã được tuyển lựa và phái đoàn này đã
lên đường về Ba Tư theo đường bộ. Nhưng sau một năm, đoàn lữ hành đã
phải quay lại Yên Kinh vì chiến tranh giữa các bộ lạc địa phương.
Chính vào thời gian này, Marco Polo cũng mới trở về sau một chuyến
đi công tác xa và đã được phái đoàn Mông Cổ tại xứ Ba Tư yêu cầu
hướng dẫn họ bằng đường biển. Chương trình cuộc trở về châu Au được
trình lên Đại Hãn và nhà vua bất đắc dĩ phải nhận lời, bằng lòng để
Marco Polo với cha và chú ra đi, đồng thời Đại Hãn cũng gửi theo
đoàn vài bức thư viết cho các nhà vua của châu Âu.
Năm 1292, một đoàn thuyền gồm 14 chiếc với hàng trăm người hộ tống,
gồm có đoàn sứ giả Mông Cổ từ Ba Tư với cô dâu mới, gia đình Polo,
đã ra khơi từ Hàng Châu, xuôi về phía nam,
qua gần bờ biển Việt Nam, tới Singapore, Sumatra, ghé
Ấn Độ, Tích Lan rồi men theo mỏm cực nam của
lục địa Ấn Độ và tới hải cảng Hormuz. Cuộc
hành trình này kéo dài mất hai năm và trên đường đi, Marco Polo đã
ghi nhận những điều mắt thấy, tai nghe về đất đai, con người, sinh
vật... mà người châu Âu chưa từng biết tới.
Marco Polo đã mô tả con tê giác là loại thú có một sừng, kể chuyện
về cướp biển... Các gian nguy trên đường về đã cướp đi nhiều mạng
sống. Cuối cùng, đoàn sứ giả cũng tới được nước Ba Tư và cô dâu được
giao cho triều đình Mông Cổ địa phương nhưng Khả Hãn Tốc Bất Đài đã
qua đời và cô dâu được gả cho người con của Khả Hãn. Đường về từ xứ
Ba Tư tới thành phố Venice còn khá xa. Marco Polo đã theo đường bộ,
băng qua xứ Ba Tư, tới thành phố Trebizond bên bờ Hắc Hải rồi dùng
thuyền, qua Constantinople. Trong cuộc hành trình, Marco Polo nghe
tin báo rằng Đại Hãn đã qua đời năm 1294.
Cuối cùng vào năm 1295, hai ông Nicolo và Maffeo cùng với Marco Polo
đã cập bến cảng Venice, sau 24 năm vắng mặt và cuộc hành trình đi và
về dài 15,000 dậm hay 24,000 cây số. Dân địa phương và các người họ
hàng đã không nhận ra và nhớ được ba kẻ lữ hành này vì họ đã vắng
mặt quá lâu, tiếng nói pha lẫn giọng phát âm Mông Cổ. Ông Nicolo đã
tổ chức một bữa tiệc khoản đãi các người trong giòng họ và bạn thân
rồi sau bữa ăn, ba thương nhân Polo đã dùng dao, rạch các chiếc áo
mà họ đã mặc trên đường trở về từ xứ Trung Hoa, đổ lên bàn nào là
vàng bạc, ngọc trai, kim cương, hồng ngọc và các loại đá quý khác.
Vào lúc này, Marco Polo ở vào tuổi trên 40 và không còn nghĩ tới
chuyện đi xa nữa.
Đã từ lâu, Genoa và Venice là hai thành phố thù nghịch nhau. Năm
1296, quân lính Genoa đã đánh chiếm Venice và Marco Polo bị bắt.
Không có sử gia nào cho biết về các lý do bị cầm tù này. Khi nằm
trong nhà tù, Marco Polo đã kể lại các lần đi xa của mình và trong
số các bạn tù ngồi nghe, có một văn sĩ chuyên nghiệp từ miền Pisa,
tên là Rustichello. Vì bị hấp dẫn bởi cuộc hành trình, Rustichello
đã yêu cầu Marco Polo cho mượn cuốn sổ ghi chép. Từ các câu chuyện
kể lại và cuốn nhật ký, Rustichello đã dùng lối viết văn của minh,
mô tả lại chuyến viễn du của Marco Polo và cuốn truyện được hoàn tất
một năm trước khi Marco Polo được thả ra khỏi nhà tù vào năm 1299.
Cuốn truyện có tên là “Mô tả về Thế Giới” (Description of the World)
được Rustichello viết bằng tiếng Pháp cổ, là ngôn ngữ văn chương của
nước Ý vào thời kỳ đó. Cuốn truyện cho biết các tin tức đầu tiên về
nước Trung Hoa mà vào thời đó còn được gọi là “Cathay” và Marco Polo
đã kể về sự giàu sang của Đại Hãn Hốt Tất Liệt, về cách khai mỏ và
dùng than đá, một loại nhiên liệu mà người châu Âu chưa được biết
tới. Marco Polo cũng mô tả cách dùng tiền giấy trên đó có dấu ấn của
nhà vua, các phong tục của xứ Trung Hoa, các lâu đài tráng lệ, cùng
nhiều sự việc mà người châu Âu thời đó đã không tin, một phần cũng
do Marco Polo nói quá sự thật.
Vào đầu thế kỷ 14, ngành ấn loát chưa được phát minh ra tại châu Âu.
Cuốn truyện “Mô tả về Thế Giới” của Marco Polo đã được một số học
giả chép tay và phổ biến, gợi trí tò mò, gây ảnh hưởng tới các nhà
thám hiểm. Sau khi hai xứ Genoa và Venice tái lập hòa bình năm 1299,
Marco Polo được thả ra khỏi tù. Ông lập gia đình và đã có ba con gái
nhưng không giàu có lúc qua đời vào năm 1324 mặc dù các vàng ngọc
mang về từ xứ Trung Hoa. Marco Polo trở nên nổi tiếng tại địa phương
nhờ các câu chuyện hấp dẫn, khó tin và khi đó nhiều người bạn hỏi
nhà thám hiểm có muốn bỏ bớt những phần nói quá sự thật không, thì
ông đã trả lời “ tôi mới chỉ kể ra một nửa những gì trông thấy”.
Các điều quan sát và tường thuật của Marco Polo đã gây ảnh hưởng
trong nhiều thế kỷ, tới các học giả, các nhà địa dư, các thợ vẽ bản
đồ và các nhà thám hiểm. Một trong các nhầm lẫn của Marco Polo là đã
đặt xứ Nhật Bản giữa Trung Hoa và châu Âu. Sự giàu sang của châu Á
đã hấp dẫn các nhà thám hiểm như Christopher Columbus. Họ tin tưởng
rằng con người nếu không dùng đường bộ, thì có thể dùng đường biển
để tới được xứ Trung Hoa.
Trong thời Trung Cổ tại châu Âu, chưa có nhà thám hiểm nào đi xa về
phía đông như Marco Polo, một nhân vật đã kể về các nền văn hóa
khác, xa lạ với những điều hiểu biết của người đương thời, đã đóng
góp vào việc mở ra các liên lạc đông tây về mậu dịch và kiến thức.
Bài đọc thêm:
Thành Cát Tư Hãn
http://vietsciences.free.fr |