Tiêu chí nào để đặt tên “ĐH quốc tế”?

Vietsciences- Hoàng Tụy       12/10/2009

 

Những bài cùng tác giả

 

Điều đáng lo cho thế hệ trẻ là giáo dục được kinh doanh theo kiểu “tiền trao cháo múc” đã mất dần tính chất cao quý truyền thống của nó.


Mấy năm trước, lần đầu nghe tin thành lập Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, tôi cũng hơi nghi ngại. Cái tên đó biểu lộ sự đánh giá chủ quan về khả năng của trường, có lẽ để quảng cáo “tính chất quốc tế” hơn là tham vọng đạt “đẳng cấp quốc tế”. Tuy nhiên, dù sao ĐH ấy được mở ra với mục tiêu và hoạt động tương đối nghiêm túc, không như một vài trường tư thục hay dân lập cũng gọi là “quốc tế” mới xuất hiện gần đây.


Tôi hiểu chữ “quốc tế” hàm ý nội dung giảng dạy có tính chất liên thông quốc tế, người học có thể đến từ nhiều quốc gia khác nhau; phương tiện ngôn ngữ là tiếng Anh. Trên thế giới cũng có những trường lấy tên ĐH quốc tế, chẳng hạn ĐH Quốc tế Bremen ở CHLB Đức. Dĩ nhiên, họ có đủ tính chất quốc tế như nêu trên và vì trường đặt tại Đức nên cũng không dễ gì đánh lừa người học.


Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TPHCM cũng có tham vọng thu hút sinh viên nước ngoài, tham vọng liên thông quốc tế về chất lượng và nội dung đào tạo, hướng tới sự công nhận quốc tế nhất định; thu hút giảng viên quốc tế (nghe nói 30%-40% là giảng viên nước ngoài); giảng dạy bằng tiếng Anh.

Còn Trường ĐH Hồng Bàng cũng xưng là ĐH quốc tế, không hiểu  có được bao nhiêu phần các tiêu chí nói trên? Có thu hút được sinh viên quốc tế nào không hay chỉ toàn sinh viên trong nước? Nên nhớ rằng ngay các ĐH tốt nhất của ta nếu có sinh viên Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... thì cũng  chỉ về các ngành liên quan Việt Nam học, chứ có mấy ai đến ta để học các ngành khoa học tự nhiên hay kỹ thuật.
 


Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng từng phản ứng việc nhà trường bắt mua đồng phục. Ảnh: G.THÙY
 


Cái danh hiệu “quốc tế” trưng ra mà không phản ánh đúng thực chất, như trường hợp ĐH Hồng Bàng, rõ ràng  chỉ nhằm mục đích quảng cáo đánh lừa người học. Tệ hơn, lập lờ để gây ảo tưởng “đẳng cấp” quốc tế, vì trong cách hiểu thông thường chữ “quốc tế” vốn đã hàm ý ít nhiều về đẳng cấp, về chất lượng.


Các trường đẳng cấp quốc tế thật sự chẳng cần xưng danh “quốc tế” vì hữu xạ tự nhiên hương. Riêng tại Việt Nam, hai ĐH Quốc gia và một số trường có chất lượng tốt nhất cả nước hiện nay cũng còn lâu (ít ra vài ba chục năm nữa) và phải phấn đấu cật lực may ra mới đạt tới đẳng cấp quốc tế.


Cho nên thật ngạc nhiên, trường quốc tế gì mà sinh viên than phiền có tháng  không có giờ nào học, lớp học thì di chuyển từ chỗ này đến chỗ kia có khi rất xa, chưa nói những điều kiện lèm nhèm về phòng thí nghiệm...? Không hiểu người ta dựa vào tiêu chí nào để tự xưng “quốc tế”?


Cũng có người biện bạch rằng đặt tên gì là quyền của mỗi trường. Tuy nhiên, không thể tùy tiện dùng tên gọi gây hiểu lầm để dựa vào đó đánh lừa người học rồi có cớ tăng thêm những khoản thu vô tội vạ. Nhà nước cần có sự giám sát, kiểm tra để bảo vệ quyền lợi của người học, không thể cho phép ngang nhiên “treo đầu dê bán thịt chó” trong một lĩnh vực hệ trọng như giáo dục. 


Gốc vấn đề là thiếu trách nhiệm


Sự lạm dụng danh nghĩa “ĐH quốc tế” thật ra cũng chỉ là do buông lỏng quản lý, cho phát triển ĐH tư vì lợi nhuận một cách bừa bãi trong ba năm qua. Mặc cho nhiều ý kiến cảnh báo về nguy hại của quan điểm thị trường cực đoan trong giáo dục, người ta vẫn một mực ủng hộ quan điểm đó.

Thậm chí trong quy chế ĐH tư thục, chỉ ban hành quy chế cho các trường vì lợi nhuận, không có quy chế cho các trường phi lợi nhuận. Theo kế hoạch đổi mới giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT còn đề ra phấn đấu đạt chỉ tiêu đến năm 2010 có 40% sinh viên ĐH, CĐ là sinh viên thuộc khối tư thục. Còn các trường ĐH công lập thì được phép tuyển sinh “ngoài ngân sách” một số khá lớn sinh viên, với học phí cao hơn bình thường gấp nhiều lần, một số trường có lẽ chuẩn bị tiến tới “cổ phần hóa”.    


Thật ra, cũng chẳng có ai phản đối trường tư, nhất là trong điều kiện Nhà nước chưa thể đáp ứng hết nhu cầu học tập của người dân. Nhưng trường tư phải phân biệt 2 loại: Thứ nhất, trường vô vị lợi (phi lợi nhuận); thứ hai, trường hoạt động vì lợi nhuận. Trường vô vị lợi tất nhiên là tốt nhất rồi.

Còn trường vị lợi thì phải được đối xử như doanh nghiệp tư nhân, không thể đòi hỏi Nhà nước cấp đất, cấp kinh phí để kinh doanh lấy lãi cho tư nhân mà trái lại cần nộp thuế như mọi doanh nghiệp khác. Nhiều người nói rằng nếu vậy thì không ai chịu bỏ vốn lập trường tư. Thực tế không như thế, chỉ cần một tính toán đơn giản cũng cho thấy nhiều trường tư không chỉ có lãi mà còn đạt siêu lợi nhuận.


Chỗ khác nhau  giữa hai loại trường vị lợi hay vô vị lợi là lãi được đem chia cho những người góp vốn hay được giữ lại làm quỹ phát triển trường. Còn để có vốn hoạt động, trường tư có thể kêu gọi vay vốn với lãi suất thỏa thuận, chứ không nhất thiết phải kêu gọi góp cổ phần để chia lãi. Đã là cổ phần thì phải chia lãi và đã là kinh doanh thì dễ có xu hướng chạy theo lợi nhuận một cách thiếu trách nhiệm, đó là nguyên nhân hàng loạt chuyện không hay về giáo dục hiện nay.


Sự xuất hiện một số “ĐH quốc tế” như ĐH Hồng Bàng cũng chẳng qua là hậu quả của chính sách sai lầm phát triển ĐH tư bừa bãi.

Phải có quy chuẩn trường quốc tế

. Đề nghị Bộ GD-ĐT xem lại ngôi trường mang tên rất kiêu “Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng”. Tôi cũng có con đang học năm thứ tư của trường này nên rất bức xúc. Trường ĐH quốc tế gì mà cơ sở thuê mướn tùm lum; mỗi học kỳ, sinh viên chạy tìm trường như người ta chạy... lụt. Mỗi khi hỏi con học kỳ này học ở cơ sở nào, con đều trả lời không biết nữa! 

Trần Thị Ngọc Điệp (quận 7 – TPHCM)

 

. Tôi là một giám đốc nhân sự, tôi và những người bạn của tôi sẽ không dám tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp từ ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Biết rằng đây sẽ là thiệt thòi cho sinh viên, nhưng với cách tổ chức đào tạo như vậy thì làm sao dám nhận vào công ty làm việc.

Nguyễn Duy Thành (duythanhit@...)

 

. Một cơ sở sản xuất muốn hoạt động phải kiểm định chất lượng. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng được kiểm tra như thế nào mà còn mang được tên “quốc tế” nữa chứ? Tôi đề nghị cần kiểm tra lại đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã kiểm tra công nhận đủ điều kiện thành lập Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng trình cho bộ trưởng ký.

Nguyễn Thành Ngân (TPHCM)

 

. Điều mà người dân có thể dễ dàng nhận thấy là mặc dù đa số các trường mang tiếng là “quốc tế” nhưng mọi thứ ở bên trong thì không “quốc tế” chút nào cả! Học viên thì gần 100% là học viên Việt Nam, giảng viên Việt Nam chiếm tỉ lệ áp đảo.

Còn điều kiện cơ sở vật chất thì manh mún, chật chội. Tôi cũng không hiểu sao Bộ GD-ĐT lại để tình trạng này xảy ra? Đã tới lúc các cơ quan quản lý cần đưa ra một hệ thống quy chuẩn để xác định thế nào là một trường quốc tế và yêu cầu tất cả các trường phải tuân thủ quy chuẩn này.

Ngô Mai (Huỳnh Tấn Phát, quận 7-TPHCM)

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Hoàng Tụy