Sáng kiến 1.000 đô la tiền thưởng
 

Vietsciences- Hồng lê Thọ            09/10/2008
 

Những bài cùng tác giả

Thưởng 1000 USD/bài báo
Bàn về việc thưởng tiền cho nghiên cứu sinh có bài báo quốc tế
Sáng kiến 1.000 đô la tiền thưởng
Thưởng 1.000USD/bài báo - không phải việc của Nhà nước


“Báo chí đưa tin tại buổi thăm và làm việc của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Bộ GD-ĐT sẽ thưởng 1.000 USD/bài cho những bài viết được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế. Trường ĐHQG Hà Nội sẽ là nơi đầu tiên thực hiện chủ trương này”.

Đến thăm và làm việc với Đại Học Khoa Học Tự Nhiên-Đại Học Quốc Gia Hà Nội, với tư cách PTT kiêm BT bộ GDĐT vào ngày 23/9/2008 , ông Nguyễn Thiện Nhân đã “làm quà” cho nhà trường nhằm mục đích động viên bằng cách tuyên bố sẽ thưởng 1.000 USD/bài cho những người có bài nghiên cứu đăng báo khoa học quốc tế và Bộ sẽ bắt đầu thực hiện đầu tiên tại ĐHQG Hà nội. Không biết các vị thầy cũng như trò tại đây có phấn khởi vỗ tay cảm ơn tấm lòng hậu hỉ của người lãnh đạo cao nhất về giáo dục ở nước ta hay ngậm ngùi trước điều mà trước đấy họ đã không bao giờ nghĩ đến sự ban phát thiện nguyện đó.
Là một nhà giáo có học hàm học vị cao như PTT Nguyễn Thiện Nhân(GS-TS) chắc chắn Ông hiểu rõ hơn ai thế nào là một bài báo học thuật đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín, được đánh giá cao và trân trọng vì chất lượng nghiên cứu của từng công trình khi được đăng tải. Tất nhiên Ông cũng thừa biết rằng trong số những tạp chí khoa học, có những loại tạp chí “quốc tế” hổ lốn, kinh doanh học thuật để làm tiền(bằng cách nộp lệ phí để được đăng hòng lấy tiếng !). Thế mà Ông đem 1.000 đô la để chiêu hiền đãi sĩ như vậy e rằng nhiều người(trong đó có tác giả bài viết nầy) không thể lý giải nổi sang kiến độc đáo của người đứng đầu ngành giáo dục ở nước ta.
Một đại học hay cơ sở nghiên cứu-- có được công trình nghiên cứu(cơ bản lẫn ứng dụng) chất lượng mà giới học thuật chấp nhận-- cũng đã phải đầu tư trang thiết bị thí nghiệm đầy đủ cho từng bộ môn, gồm những vị giáo sư đầu đàn và ê kíp(tập thể) nghiên cứu . Bên cạnh đó là nguồn tư liệu tham khảo phong phú, có thể theo dõi kết quả của những nhà nghiên cứu trên thế giới và cập nhật kiến thức dễ dàng. Thời gian nghiên cứu một đề tài phải miệt mài hàng tháng, có khi hàng năm mới có thể “báo cáo” trên diễn đàn khoa học. Sự thẩm định nghiêm túc của các nhà biên tập chuyên môn, thậm chí có khi buộc phải viết đi viết lại một bài báo hay làm thí nghiệm, khảo sát lại từ đầu khi chưa đủ sức trả lời phản biện từ nhiều phía của người cùng ngành. Với công sức như vậy cho nên thông thường các đại học ở nhiều nước trên thế giới đòi hỏi sinh viên hay nhà nghiên cứu phải có 2-3 bài báo đã công bố trên tạp chí Khoa học chuyên ngành trước khi xét duyệt luận văn tốt nghiệp Tiến sĩ. Thế mà…1.000 đô la “nhẹ nhàng” đến thế ư !? Với số tiền nầy, nhà nghiên cứu có thể mua vài cuốn sách, sao chụp dăm ba tài liệu từ báo chí chuyên môn ở nước ngoài hay tổ chức ăn mừng với bạn bè sau khi bài báo lên trang!
Thiết nghĩ điều mà thầy và trò ở Đại Học trong nước mong mỏi nhất hiện nay là điều kiện nghiên cứu khoa học cụ thể, trong đó ngoài các vấn đề đã nêu và chế độ lương bổng, khuyến khích các hoạt động học thuật, còn cần có ngân sách để nghiên cứu, giao lưu, mua các tư liệu tham khảo, bài báo, tạp chí chuyên môn, đi tham dự các hội nghị quốc tế chuyên ngành chứ không thể ”nhử” bằng số tiền thưởng “èo uột” để đột phá ách tắt , cứ “hô” lên “được chăng hay chớ” theo kiểu phong trào như sáng kiến đào tạo 20,000 Tiến sĩ trong mấy năm qua.
Với tư duy và vị thế độc lập, việc nghiên cứu khoa học rõ ràng là đem chất xám để phát hiện và sáng tạo ra những gì mà người trong ngành quan tâm, xã hội cần đến hay lý luận, phương pháp tiếp cận mới chứ đâu phải “tự biên tự diễn” kiểu 1.000 đô la. Phải chăng Bộ trưởng đã ‘vui miệng’ nói thế chứ hẳn Ngài cũng tán thành với ý kiến cho rằng nội dung và chất lượng của một bài báo học thuật không hề dễ dàng và càng hiếm khi thầy giáo và sinh viên thiếu người hướng dẫn, không đủ điều kiện nghiên cứu và tiếp cận với môi trường học thuật quốc tế.

Hồng lê Thọ
10/2008
 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.frHồng lê Thọ