Singapore là nước đã bứt phá ngoạn mục từ kém phát
triển lên tiên tiến trong thời gian 3-4 thập kỷ, nhờ chủ yếu đã biết
chăm lo giáo dục từ sớm. Cho nên lời khuyên của họ có trọng lượng thuyết
phục hơn cả mọi lý thuyết. Phải nói rằng chúng ta cũng đã có những nhà
lãnh đạo sáng suốt nhìn nhận tầm quan trọng “quốc sách hàng đầu” của
việc phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ. Song thực tế nhiều năm
qua cho thấy không dễ gì đưa được quan điểm ấy vào cuộc sống. Trong khi
các văn kiện, nghị quyết nhấn mạnh quan điểm ấy, thì nhiều chính sách
thực tế liên quan giáo dục và khoa học đều thể hiện tinh thần ngược lại.
Hy vọng lần này tác dụng cộng hưởng của hai ý kiến trên của hai chính
khách Việt Nam và Singapore sẽ làm thức tỉnh quan chức ở mọi ngành để có
quyết tâm cao hơn góp sức chấn hưng giáo dục và khoa học vì sự phát
triển của đất nước.
1. Cần một tầm nhìn chiến lược. Muốn vực giáo dục và
khoa học lên, vấn đề đầu tiên không phải là “tiền đâu”. Thật sự nguyên
nhân chính của sự suy thoái giáo dục, khoa học không phải do thiếu tiền
mà do ta không biết cách làm, cách quản lý. Giáo dục, khoa học là một hệ
thống phức tạp, chỉ có thể quản lý tốt trên cơ sở hiểu biết đầy đủ các
đặc thù hệ thống của nó, và chú ý kinh nghiệm của thế giới và các thế hệ
đi trước. Điều quan trọng trước hết là phải có một tầm nhìn chiến lược
về mục tiêu trước mắt và lâu dài, hướng đi, nhu cầu, khả năng trong xu
thế phát triển, tư tưởng chỉ đạo, đường lối tổng quát, cũng có thể gọi
là triết lý làm giáo dục, khoa học thời nay, trong thế giới này. Thiếu
một tư duy hệ thống, một tầm nhìn chiến lược bao quát thì dễ sa vào sự
vụ, nay thế này mai thế khác, “cải cách” liên miên nhưng vụn vặt, chắp
vá, không nhất quán, rốt cục tiêu tốn nhiều mà kết quả chỉ là làm rối
thêm một hệ thống vốn đã què quặt, không có sinh khí. Thế giới ngày nay
biến chuyển mau lẹ, xây dựng giáo dục và khoa học trong thế giới đó đòi
hỏi những người lãnh đạo không chỉ có tâm trong sáng và trung thực mà
còn phải đủ tầm nắm bắt nhanh nhạy những biến chuyển đó và có khả năng
suy nghĩ sáng tạo để tìm ra chiến lược phát triển thích ứng nhất.
2. Một lỗi hệ thống cần sửa. Không đâu cần bốn chữ cần
kiệm liêm chính hơn trong lĩnh vực giáo dục, khoa học. Một nền giáo dục,
khoa học đã thiếu vắng các đạo đức cơ bản ấy tất nhiên hoạt động không
bình thường và sớm muộn lâm vào bế tắc. Khi đó chỉ bằng những điều chỉnh
cục bộ theo cơ chế phản hồi trong điều hành không cứu nổi hệ thống, mà
phải tìm cho ra các lỗi hệ thống và sửa các lỗi đó mới mong đưa được hệ
thống ra khỏi khủng hoảng. Vậy cái lỗi hệ thống gì khiến cho giáo dục,
khoa học của ta thiếu cần, thiếu kiệm và thiếu cả liêm, chính? Câu hỏi
này đặt ra không chỉ cho giáo dục, khoa học mà cho cả bộ máy nhà nước
ta. Chính vì cái lỗi hệ thống đó nên cuộc chiến chống tham nhũng cho đến
nay vẫn chưa thành công. Mấu chốt nằm ở nghịch lý lương/thu nhập: lương chỉ bằng một phần nhỏ thu
nhập ngoài lương, thì đương nhiên người lao động giáo dục, khoa học phải
dồn phần lớn tâm trí, khả năng để kiếm thu nhập ngoài lương, mà phần này
thì phân phối tùy tiện, bất công, không có kiểm toán chặt chẽ, cho nên
là nguồn gốc nhiều sự tiêu cực mà ai cũng biết. Vì sao nói đó là lỗi hệ
thống? Vì nó chi phối, làm méo mó mọi quan hệ trong hệ thống. Đến mức
bây giờ dù có tăng lương cho đủ sống mà không sửa cái lỗi hệ thống đó
thì cũng chẳng thay đổi được tình hình. Thậm chí lỗi hệ thống đó đã sản
sinh ra những quan hệ vận hành lâu ngày trở thành một phần cấu trúc của
hệ thống nên ngay khi đã sửa lỗi đó rồi cũng phải đợi một thời gian và
có thể phải sửa thêm một số lỗi hệ thống khác nữa mới đưa được hệ thống
về hoạt động bình thường.
Dù sao, giải tỏa cái nghịch lý lương/thu nhập là điều kiện tiên quyết để
đảm bảo cần, kiệm, liêm, chính và do đó nâng cao chất lượng của hệ thống
giáo dục, khoa học. Tôi dám cam đoan còn tồn tại nghịch lý đó thì giáo
dục, khoa học còn hư hỏng. Mà giải tỏa cái nghịch lý đó hoàn toàn khả
thi về tài chính, nhưng đương nhiên khó khăn tư tưởng khá lớn vì nó đụng
chạm đến một bộ phận khá đông quan chức được hưởng lợi từ cách quản lý
thiếu minh bạch này. Chung quy vấn đề là ta có thật sự muốn xây dựng một
nền giáo dục, khoa học lành mạnh hay không, đó chính là câu hỏi phải trả
lời trung thực.
3. Tư duy toàn cầu. Muốn thắng cuộc trong thế giới toàn
cầu hóa, tất nhiên mọi suy nghĩ và hành động đều phải chú ý tới luật
chơi chung. Phải hướng tới và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong mọi
lĩnh vực hoạt động thì mới có thể hợp tác và cạnh tranh được. Tiếc thay,
từ việc đào tạo tiến sĩ, việc tuyển chọn giáo sư, tiêu chuẩn đánh giá
trình độ một công trình khoa học, một nhà khoa học, một trường đại học,
chúng ta đều có tiêu chuẩn riêng chẳng giống ai. Có những công trình
khoa học, những luận văn tiến sĩ của ta ngay cả về những ngành học thuật
có tính quốc tế như khoa học cơ bản, kinh tế, v.v..., nếu xét theo tiêu
chuẩn thông thường ở các nước thì thậm chí chỉ là những mớ giấy lộn. Đội
ngũ GS của ta thì nhiều người hữu danh vô thực, số khá đông dưới xa
chuẩn mực quốc tế bình thường nhất. Oái ăm là trong khi đó nhiều người
có năng lực xứng đáng, nhất là người trẻ, lại bị loại vì không đạt các
tiêu chuẩn vớ vẩn, không giống ai, của ta. Chẳng lạ gì có những ông A bà
B trong nước được coi là nhà khoa học nổi tiếng mà trên quốc tế hoàn
toàn vô danh. Thời gian gần đây lại xuất hiện ngay trong hàng ngũ các
quan chức hàng loạt viện sĩ “hữu nghị”, viện sĩ “chạy”, viện sĩ “mua”,
hoàn toàn không xứng với danh hiệu mà nhiều người vẫn tưởng là dành cho
những tài năng lỗi lạc.
Chuẩn mực xô bồ như vậy mà ngày nọ tôi còn thấy môt vị lãnh đạo của Hội
đồng Chức danh GS tuyên bố trên báo rằng GS... phải là người xây dựng
được trường phái học thuật của mình(!). Thật tình tôi không biết cái gọi
là trường phái học thuật đó có gì chung với khái niệm trường phái học
thuật theo cách hiểu thông thường ở các nước. Với chuẩn mực khác người
như vậy, làm sao có thể hội nhập quốc tế dễ dàng được..
Cái nguy hại của việc huênh hoang bất chấp các chuẩn mực quốc tế là ta
tự lừa dối ta quá dễ dàng, cuối cùng thật giả lẫn lộn, chẳng còn sự phân
biệt nào giữa người có năng lực thật và những kẻ bất tài. Các chức danh
GS, PGS ở Việt Nam bây giờ quá rẻ, đến độ khi bàn về nhân tài mà nêu GS
nọ GS kia, nhiều người nghe cũng đủ ớn.
4. Trách nhiệm cộng đồng. Kinh tế tri thức thực chất là
nền kinh tế dựa vào chất xám và tài năng. Cho nên công cuộc hội nhập
muốn thành công phải coi trọng đặc biệt vấn đề thu hút nhân tài. Đã từ
nhiều năm Nhà nước hô hào người Việt thành tài ở nước ngoài về nước làm
việc. Chủ trương đó rất đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên sự thực thì vấp
phải quá nhiều rào cản, mà rào cản lớn nhất là chủ trương chung thì
thoáng nhưng đi vào cụ thể thì còn nhiều chính sách rất bí. Từ cấp lãnh
đạo cao đến người dân chưa phải ai cũng đã thật sự thông suốt với chủ
trương này.
Chẳng hạn các cơ quan quan trọng như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Văn phòng
Chính phủ đều có nhiều quy định kỳ lạ, thể hiện những quan niệm rất bảo
thủ và lạc hậu hoàn toàn không đếm xỉa gì đến những yêu cầu tối thiểu về
điều kiện làm việc cho các nhà khoa học. Một vài ví dụ: theo quy định
của bộ Tài Chính, tiêu chuẩn không gian nơi làm việc cho giáo sư thấp
hơn cả trưởng phó phòng hành chính, giáo sư phải chen chúc nhiều người
trong một phòng chật hẹp, tìm đâu có chỗ để nghiên cứu, thảo luận, gặp
gỡ giúp đỡ sinh viên. Tiền thù lao giờ giảng thì phụ thuộc chức vụ hành
chính một cách lố bịch (Thứ, Bộ trưởng được thù lao giờ giảng cao hơn
hẳn GS, PGS). Xếp ngạch bậc lương thì GS bậc cao nhất cũng chưa bằng
chuyên viên cao cấp bậc thấp nhất, và số bậc nhiều đến mức phần lớn nhà
khoa học giỏi làm việc nghiêm túc đến khi nghỉ hưu vẫn chưa leo lên được
đến bậc cuối cùng, trừ khi tuổi hưu được gia hạn đến... 90 hay 100.
Hôm nọ tôi thấy trên báo còn có độc giả phát biểu: những người được đi
học thành tài ở nước ngoài chưa đóng góp được gì cho Tổ quốc mà đòi hỏi
điều kiện đãi ngộ này nọ là không ổn. Ai dám bảo ý kiến đó sai, nhưng
sao mà nó giống với ý kiến: giáo sư là gì mà đòi hỏi buồng riêng, hoặc:
anh là nhà khoa học Việt kiều, đã sống sung túc bao nhiêu năm, bây giờ
về nước công tác sao còn đòi hỏi ưu đãi nọ kia. Với những quan niệm như
thế thì thôi xin đành gác lại chủ trương thu hút người tài, và lùi cái
thời hạn đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu sang thế kỷ 22 hoặc sau
nữa.
5. Tư duy tốc độ. Để hội nhập thành công trong thế giới
ngày nay, không chỉ cần hiệu quả mà còn cần tốc độ, hay nói đúng hơn đáp
ứng nhanh trở thành một lợi thế đáng kể trong kinh doanh, nhiều khi còn
quan trọng hơn hiệu quả.
Số là, cho đến gần đây, tiêu chí hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh là
hiệu quả và thông thường các hãng tập trung vào dự đoán nhu cầu của
khách hàng và tăng hiệu quả đồng vốn. Logic kinh doanh đó thích hợp khi
thị trường ổn định và thay đổi chậm. Nhưng ngày nay, khi thị trường khó
tiên liệu và thế giới biến chuyển nhanh chóng mặt, thì cái logic ấy
không còn thích hợp mà phải nhường chỗ cho một logic mới đặt ưu tiên vào
khả năng thích ứng mau lẹ nhiều hơn là hiệu quả. Trước kia cặm cụi
“làm-ra-và-tiêu-thụ” – make-and-sell thì bây giờ phương châm hoạt động
là thường xuyên “nắm-bắt-và-ứng-đáp” – sense-and-respond. Tốc độ, khả
năng thích ứng mau lẹ trở thành yêu cầu tối quan trọng, nếu không muốn
bỏ lỡ cơ hội.
Trong cái thế giới đổi thay cực nhanh này, khó ai chấp nhận kiểu làm
việc lề mề, chậm chạp như chúng ta. Cải cách hành chính hơn mười năm
chưa thấy kết quả gì, chỉ thấy làm rối thêm một số việc đơn giản. Nhiều
lỗi hệ thống là nguyên nhân chủ yếu sinh ra tham nhũng, quan liêu, lãng
phí tràn lan, nhưng vẫn cứ tồn tại năm này qua năm khác. Kỳ họp Quốc hội
nào cũng lên án mạnh mẽ tham nhũng, thế mà rồi cái quốc nạn ấy không hề
bị đẩy lui. Ngay cái tập quán phong bì là nét văn hóa đáng xấu hổ của xã
hội ta mà hàng chục năm rồi vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí văn phòng
một cơ quan đầu não còn làm gương xấu. Giáo dục, khoa học trì trệ, trong
lúc chất xám bị sử dụng hết sức lãng phí. Năm này qua năm khác, hội thảo
đi rồi hội thảo lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn không có được một
chính sách cụ thể khả dĩ đem lại chút niềm tin trong vấn đề này. Bàn đi
tính lại mãi chuyện khuyến khích tài năng, cuối cùng chỉ làm được mỗi
việc là ghi tên các thủ khoa đại học vào bảng vàng để ở Văn Miếu! Từ
hơn mười năm về trước đã có biết bao đề nghị hợp lý về cải cách, chấn
hưng giáo dục, từ việc đào tạo tiến sĩ, công nhận GS, PGS, đến nhiều
việc cụ thể khác về thi cử, phân ban, tuyển sinh, tự chủ đại học,v.v. có
thể nói không có vấn đề gì thiếu những đề nghị cải cách cụ thể, nhưng
mãi đền gần đây một số những đề nghị ấy mới bắt đầu được nghiên cứu. Cải
cách quản lý luôn là những chủ đề nóng của giáo dục và khoa học, nhưng
cũng không có lĩnh vực nào đổi mới chậm chạp hơn giáo dục và khoa học.
Ngay gần đây nhất cái ý tưởng hay lập một đại học đẳng cấp quốc tế, từ
lúc được Thủ Tướng chấp nhận và nêu ra, được nhiều nhà khoa học Mỹ nhiệt
tình ủng hộ, đến nay đã gần hai năm vẫn chưa thấy hình hài rõ ràng. Anh
bạn tôi kể lại trong khi đó Thủ tướng Trung Quốc vừa sang thăm một nước
Phương Tây, thỏa thuận với họ cho một đại học nổi tiếng mở chi nhánh ở
Bắc Kinh thì chỉ mấy tháng sau họ đã chiêu sinh. Cơ hội gì cũng chỉ
trong thời gian nào đó, có bao giờ là vĩnh viễn.
Sống trong thời đại internet, tên lửa vũ trụ, điện thoại di động, mà cứ
giữ nếp tư duy chậm chạp và làm việc rùa bò thì mọi thời cơ bay đi hết.
Không ai đủ kiên nhẫn chờ chúng ta. Thời đại công nghệ thông tin vừa mới
bắt đầu chưa lâu la gì thì nay họ đã bàn chuyển qua thời đại công nghệ
nano, chưa biết rồi sẽ còn những gì bất ngờ nữa đây để liệu mà vừa làm
vừa nghĩ vừa chạy, vẫn không kịp “sense-and-respond”.
http://www.fetp.edu.vn/inthenews/tiasang_02feb2007_1.htm
©
http://vietsciences.free.fr
và
http://vietsciences.org
Hoàng Tụy