Năm 2012: Khi cải cách giáo dục là mệnh lệnh cuộc sống

Vietsciences-  Hoàng Tụy        17/01/2012

 

(Toquoc)- Một nền giáo dục khai sáng chỉ có thể bắt đầu với tinh thần dân chủ thật sự và quyết tâm cao xây dựng một xã hội trong sạch, công bằng, văn minh trong giới lãnh đạo.

Năm 2011, GS. Hoàng Tụy nhận được giải thưởng đầu tiên của Đại hội Toán học quốc tế về tối ưu toàn cục. Đó là niềm vinh dự của Việt Nam nhưng với ông, vẫn còn nhiều điều băn khoăn, trăn trở dù đã ở tuổi 84. Ông vẫn đau đáu lo cho nền giáo dục nước nhà, nếu không kịp thời đổi mới thì sẽ “chìm sâu” vào lạc hậu. Nhưng ông cũng đã bắt đầu khấp khởi mừng trước những quyết sách mà ngành giáo dục đã và đang thực hiện. Trước thềm năm mới Nhâm Thìn, Báo điện tử Tổ quốc gửi tới độc giả những quan tâm của vị giáo sư toán học hàng đầu Việt Nam đối với nền giáo dục nước nhà.


 

Vị giáo sư toán học hàng đầu Việt Nam còn rất nhiều điều trăn trở với giáo dục (ảnh: H.C.Bình)
 

PV: Là người có nhiều tâm huyết với giáo dục nước nhà, Giáo sư nhận định thế nào thời cơ và thách thức của Việt Nam trong năm mới ?

- GS Hoàng Tuỵ: Thời cơ và thách thức đối với đất nước là đề tài quá rộng đã được bàn luận nhiều ở nơi khác. Ở đây tôi chỉ trả lời hạn chế  trong phạm vi giáo dục.

Trước hết nói về thời cơ. Hiện nay, giáo dục đang là nỗi bức xúc lớn của người dân, như đã thể hiện rõ trong các phiên họp Quôc Hội và trên các phương tiện truyền thông. Càng ngày cuộc sống càng đòi hỏi gắt gao giáo dục phải đổi mới toàn diện, triệt để, nếu không muốn đất nước chìm đắm mãi trong vòng lạc hậu. Bởi lẽ, không có gì cản trở sự nghiệp phát triển của đất nước hơn là một nền giáo dục yếu kém. Những sai lầm, thất bại, những bất cập, hư hỏng của giáo dục kéo dài trong hàng chục năm qua là điều thật không may cho đất nước, vào đúng lúc thế giới bước vào giai đoạn toàn cầu hoá và kinh tế tri thức. Những bất cập, hư hỏng đã tích lũy đến giới hạn tột cùng rồi, không còn có thể chịu đựng được nữa, cho nên việc cải cách giáo dục toàn diện, triệt để từ nhiều năm nay đã trở thành mệnh lệnh của cuộc sống. Trong ý nghĩa đó, đây là thời cơ để giáo dục lột xác.  Đòi hỏi thực tế bức thiết là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy giáo dục phải thay đổi. Có thể nói chưa bao giờ trong xã hội có sự đồng thuận cao như bây giờ về yêu cầu cải cách giáo dục.

Mặt khác, điều kiện then chốt bảo đảm chất lượng giáo dục là  đội ngũ thầy cô giáo các cấp và đặc biệt là đội ngũ những nhà khoa học tài năng cho đại học.  Từ hàng chục năm nay, những chính sách bất cập tệ hại trong việc đào tạo, quy tụ, sử dụng nhân tài đã là nguyên nhân quan trọng đưa đến sự khủng hoảng trầm trọng nhân tài trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong giáo dục và khoa học. Rất may, những năm gần đây, bên cạnh những thông tin kinh tế không mấy phấn khởi, đã có một số tin vui xuất hiện những nhân tài người Việt tầm cỡ thế giới. Đặc biệt, sự kiện Ngô Bảo Châu đã tạo một niềm hứng khởi lớn cho giới khoa học, giáo dục cả nước. Điều này chứng tỏ tiềm năng to lớn của trí tuệ Việt Nam, cho phép chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào tương lai, nếu biết khai thác đúng tiềm năng đó.

Tóm lại, khi giáo dục tụt xuống quá mức chịu đựng được, thì cũng chính là lúc thức tỉnh cả xã hội, từ người dân cho đến lãnh đạo cao nhất. Tôi được biết, sang năm 2012, sẽ có Hội nghị TƯ bàn kỹ và ra Nghị quyết về cải cách giáo dục. Đây là cơ hội lớn để các nhà lãnh đạo giáo dục suy nghĩ lại, nhanh chóng thoát ra tư duy bảo thủ, giáo điều, để lắng nghe và tiếp thu những tiếng nói xây dựng đầy tâm huyết của các bậc thức giả trong xã hội. Một nền giáo dục khai sáng chỉ có thể bắt đầu với tinh thần dân chủ thật sự và quyết tâm cao xây dựng một xã hội trong sạch, công bằng, văn minh trong giới lãnh đạo.

- PV: Thế còn thách thức, thưa Giáo sư?

- GS.Hoàng Tuỵ: Dĩ nhiên có nhiều thách thức đang “đợi” chúng ta. Một là sự lạc hậu trì trệ quá lâu. Mục tiêu, tổ chức và phương pháp giáo dục quá cũ kỹ, hoàn toàn không thích hợp với thời đại ngày nay.  Nhu cầu hội nhập quốc tế rất bức thiết,  nhưng giáo dục, khoa học của chúng ta lại quá kém khả năng hội nhập. Giáo dục là một hệ thống phức tạp, khi nó sa lầy trong khủng hoảng tức là có những lỗi hệ thống trầm trọng, không cách nào chữa khỏi bằng biện pháp chắp vá, sai đâu sửa đó. Như kinh nghiệm đã cho thấy từ nhiều năm nay, nếu không có tư duy hệ thống thì sửa đâu sai đó, càng sửa càng rối.

Thứ hai là tình hình kinh tế khó khăn đặt ra cho giáo dục những áp lực, những hạn chế khắc nghiệt. Chẳng hạn như việc đầu tiên cần làm để chấn hưng giáo dục là giải toả cái nghịch lý lương/thu nhập tồn tại từ hàng chục năm nay và chính nó là cái nguyên nhân chủ yếu làm suy đồi giáo dục. Thế nhưng thật tình tôi chưa thấy việc ấy có thể giải quyết như thế nào, trong tình hình kinh tế bị lũng đoạn bởi các nhóm lợi ích như hiện nay.

Tuy nhiên, những thách thức vừa nói dù sao vẫn chưa phải là đáng lo nhất. Mà đáng lo hơn nhiều  là về mặt tư duy, tư tưởng, ý thức hệ, chưa sẵn sàng thực hiện cải cách giáo dục nghiêm chỉnh. Điều đáng nói ở đây là sự khác biệt đến trái ngược nhau giữa hai cách đánh giá thực trạng giáo dục của xã hội và cơ quan lãnh đạo: một bên bức xúc, lo lắng về sự xuống cấp, suy đồi, một bên không ngớt tự khen những thành tích “đặc biệt xuất sắc”.  Như vậy rất có thể sẽ lặp lại tình hình trước đây: Nghị quyết rất đúng coi giáo dục, khoa học, công nghệ thuộc quốc sách hàng đầu, nhưng không thực hiện nghiêm chỉnh, cuối cùng đâu vẫn hoàn đó.

- PV: Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang thực hiện nhiều đổi mới, Giáo sư có dự báo gì cho vấn đề này không?

- GS.Hoàng Tuỵ: Có một số thay đổi tôi thấy đúng và hoan nghênh. Như giao quyền tự chủ rộng rãi hơn cho các đại học lớn, đặc biệt trong việc đào tạo sau đại học. Tuy nhiên vẫn chưa đủ, còn phải làm nhiều nữa, như việc công nhận chức danh GS, PGS lâu nay rất nhiêu khê, từ tiêu chuẩn cho đến quy định về bổ nhiệm, nhưng vẫn giữ gần như y nguyên. Với những hệ luỵ tiêu cực mà ai cũng biết. Trong thi cử cũng bắt đầu có thay đổi theo hướng đúng, như giảm nhẹ kỳ thi THPT. Tôi hoan nghênh chủ trương này, với điều kiện coi đây là bước quá độ để tiến dần đến bỏ hẳn thi tốt nghiệp THPT và thay vào đó, học lớp nào, học kỳ nào, học phần nào phải kiểm tra, thi nghiêm túc ngay khi ấy. Giống như trong nhà máy, phải kiểm tra chất lượng từng chi tiết, bộ phận ngay khi làm ra ở các phân xưởng, chứ không ai đợi đến khi lắp ráp thành thành phẩm thì mới lấy từng chi tiết, từng bộ phận ra để kiểm tra chất lượng. Mặt khác việc học và thi như thế nào cho có hiệu quả  là vấn đề phải giải quyết có hệ thống. Với cách tổ chức trung học phổ thông như hiện nay thì dù thi cử có cải tiến thế nào cũng vẫn bất cập vì hàng năm vẫn có hàng chục vạn thanh niên nam nữ sau 12 năm đèn sách, ra đời tay không, không có nghề, chỉ biết làm lao động đơn giản.

Còn một vấn đề hết sức quan trọng khác là các trường tư thục. Tình trạng rối  loạn hiện nay là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, từ 4-5 năm nay đã lợi dụng việc xã hội hoá giáo dục để thực thi bừa bãi quan điểm giáo dục là hàng hoá.  Cũng may chưa kịp cổ phần hoá các trường công lập, chứ không thì kết quả nếu không có tư duy hệ thống còn tệ hại nữa. Với chính sách đó, chỉ loại trường tư thục vì lợi nhuận được khuyến  khích, còn trường phi lợi nhuận thì gặp vô vàn khó khăn.

- PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Hoàng Châu Bình

 

http://www.toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/38/thoi-su-giao-duc/101366/nam-2012-khi-cai-cach-giao-duc-la-menh-lenh-cuoc-song.aspx 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org