Những bài cùng tác giả
Cần phân biệt trường tư
"vị lợi" hay "vô vị lợi"
Năm 2007 đánh dấu một số chuyển biến tích cực đáng trân trọng của ngành
giáo dục qua các cuộc vận động
hai không,
bốn không. Tuy nhiên, những
tiến bộ còn ít và mới ở vòng ngoài, có tính chất bề nổi, chưa thật sự
động đến cốt lõi cơ bản.
Điều
người dân mong đợi là các vấn đề cơ bản dù chưa kịp động đến nhưng phải
thấy hướng ra, phải thấy triển vọng sáng sủa để tin tưởng. Mong sao năm
2008, Bộ GD-ĐT sẽ chú ý điều đó. Sau đây chỉ xin nêu một số vấn đề cấp
bách nhất.
Đầu tiên
là chuyện học phí. Cần hết sức cẩn trọng vì đây là việc thể hiện quốc
sách giáo dục mà chúng ta thường nêu cao. Xin nhắc lại rằng người dân
hiện đã đóng góp 40% chi phí giáo dục (chứ không phải 25% như thống kê
của Bộ GD-ĐT) và hiện còn tới hàng triệu người thu nhập mỗi tháng dưới
200.000 đồng. Nguyên tắc công bằng xã hội đòi hỏi trường công lập không
thể dùng tiền đóng thuế của dân để ưu tiên phục vụ nhóm người có thu
nhập cao.
Rộng hơn
là vấn đề xã hội hóa giáo dục và trường tư thục. Trong khi khả năng ngân
sách Nhà nước còn hạn hẹp, để đáp ứng nhu cầu của xã hội rất cần khuyến
khích và giúp đỡ mở nhiều trường tư thục, nhưng chủ yếu là trường tư
thục vô vị lợi như ở các nước phát triển (lợi nhuận không chia
cho người góp vốn, mà chỉ để phát triển trường, còn vốn góp của tư nhân
là vốn cho hẳn hoặc cho vay với một lãi suất nhất định).
Còn
trường tư thục vị lợi thì phải được đối xử như các doanh nghiệp
tư nhân khác. Đồng thời phải có biện pháp kiểm tra, quản lý chất lượng,
để bảo vệ lợi ích người học.
Đối với
đại học công lập cần tích cực cải cách quản lý theo hướng mở rộng tự chủ
về mọi mặt, kể cả về tài chính, nhưng trong nhiều năm trước mắt chưa
nên cổ
phần hóa.
Việc kết
hợp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH làm một tuy bớt được một
kỳ thi nhưng không hợp lý. Nên theo gương nhiều nước, bỏ thi tốt nghiệp
THPT mà thay vào đó thực hiện nghiêm túc thi học kỳ trong từng năm ở
THPT và kiểm tra thường xuyên để tránh nạn ngồi nhầm lớp. Hết lớp 12,
HS nào đạt yêu cầu thì được công nhận tốt nghiệp, không phải thi.
Còn để
tuyển sinh ĐH, chỉ nên có một kỳ thi sơ tuyển nhẹ nhàng kiểu SAT ở Mỹ,
sau đó từng đại học tổ chức xét tuyển theo yêu cầu của mình, dựa trên
kết quả kỳ thi này và học bạ THPT. Làm như vậy vừa đỡ tốn kém vừa có
hiệu quả hơn.
Một vấn
đề lớn khác là chương trình THPT phân ban có nhiều bất hợp lý. Nên bỏ
cách chia ban cứng nhắc, tiến tới tổ chức chương trình THPT giống như ở
nhiều nước tiên tiến, vừa chú ý sở thích, xu hướng của học sinh, vừa mềm
dẻo cho phép họ điều chỉnh sự lựa chọn. Phân ban THPT theo kiểu cứng
nhắc là cách làm lạc hậu, vừa nặng nề đối với số đông, vừa không tạo
điều kiện cho nhóm có năng khiếu rút ngắn thời gian học tập.
Vượt qua sức ì kìm hãm
giáo dục
Về ĐH,
thiếu sót lớn nhất của chúng ta từ hàng chục năm nay là chưa nhận thức
rõ vai trò người thầy trong việc nâng cao chất lượng ĐH và sự cần thiết
phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế khi xây dựng đội ngũ giáo viên.
Hiệu
trưởng một đại học lớn mà còn quan niệm luận án tiến sĩ không cần chứa
đựng gì mới về khoa học “vì mọi cái mới đều do nước ngoài làm hết cả
rồi”, thì việc hàng trăm, hàng nghìn tiến sĩ của ta chỉ là
tiến sĩ giấy
là điều rất dễ hiểu. Ngay ở Hội đồng chức danh GS Nhà nước còn tranh cãi
thế nào là một bài báo khoa học thì có lạ gì khi hàng nghìn GS, PGS của
ta thua xa chuẩn mực quốc tế.
Điều trớ
trêu là trong khi đó người ta vẫn cố tình gạt ra không ít người trẻ có
tài. Như trong đợt xét GS, PGS mới rồi, riêng về toán học có một giảng
viên ĐH trẻ, năm nay 36 tuổi, bảo vệ tiến sĩ ở Pháp năm 2000. Đến nay,
thầy giáo này đã có 10 năm giảng dạy ĐH trong nước và trong 8 năm qua đã
có 15 công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín,
được chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. Nếu theo chuẩn mực quốc tế thì
hoàn toàn xứng đáng là PGS giỏi, nhưng ở ta đã bị rớt khi đưa lên Hội
đồng chức danh GS Nhà nước, vì không đạt tiêu chuẩn PGS Hội đồng đã đề
ra.
Thật
đáng hổ thẹn cho nền đại học của ta! Không đánh giá nổi thế nào là một
PGS thì làm sao chỉ trong mấy năm tới sẽ xây dựng được một ĐH đẳng cấp
quốc tế?
Với cách
tuyển chọn GS, PGS vô trách nhiệm như vậy, tiến sĩ trẻ giỏi cứ tiếp tục
bị cản đường, thì
đào tạo thêm
20.000 tiến sĩ nữa có ích gì ? Đây là một sự lãng phí lớn, chưa kể
nó đi ngược hẳn lại quyền lợi đất nước và tiếp tục làm thối chí mọi trí
thức tài năng ở nước ngoài đang ngóng trông về nước phục vụ.
Đương
nhiên ĐH của ta tụt hậu, xuống cấp là do nhiều nguyên nhân, song một
nguyên nhân cơ bản chính là sai lầm trong chính sách đối với người
thầy, và trong chính sách này thì trước hết là sai lầm trong việc
tuyển chọn GS, PGS ngày càng kéo tụt chất lượng và hướng đại
học của ta đi chệch khá xa con đường chung của thế giới. Trong lúc yêu
cầu nhân lực rất gắt gao, mà hệ thống đào tạo nhân lực bất cập ngay từ
khâu tuyển chọn giáo viên, thì hậu quả tai hại thật khó lường.
Cuối
cùng, vấn đề sử dụng tài chính trong giáo dục là chuyện rất khó nói,
nhưng cần nói, vì nó là gốc của mọi sự trì trệ, mọi sự lãng phí, mọi sự
bảo thủ trong ngành. Chừng nào còn duy trì tình trạng chỉ một phần nhỏ
thu nhập của các quan chức giáo dục là do lương cơ bản, còn phần chính
do phong bì, phụ cấp đủ loại, thiếu minh bạch, thì sẽ không thể có một
nền giáo dục lành mạnh.
20 năm
qua ngành giáo dục VN đã trì trệ vì một sức ì bảo thủ kỳ lạ: Mất 8 năm
trời mới bỏ được việc thi theo bộ đề; sau 10 năm mới bỏ được hai kỳ thi
(tiểu học và THCS), cũng một thời gian như thế mới chịu sửa đổi quy chế
đào tạo TS, mới bắt đầu xét lại việc phân ban ở THPT, cải tổ công tác
chức danh GS, PGS, và tuy cải tổ mới nửa vời nhưng cũng lùi thời hạn
thực hiện để chờ các vị đương trách nghỉ hưu.
Trong
một thế giới đổi thay cực nhanh, đã đến lúc không thể chấp nhận để sức ì
bảo thủ đó tiếp tục kìm hãm ngành giáo dục, từ đó kìm hãm sự phát triển
của đất nước.
- Vietnamnet
Lan Hương (ghi)
(VietNamNet) - "Chất lượng đào tạo tiến sĩ
(TS) thấp. Nhiều đề tài nghiên cứu trùng lặp không gắn với thực tế. Thậm
chí, nhiều đề tài viết dài dằng dặc nhưng không thấy có thông tin mới..."
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long bức xúc tại hội thảo tìm lời giải cho
"bài toán" nâng chất lượng đào tạo TS kinh tế tổ chức sáng 14/12, tại Hà
Nội.
Gần 70% nhà quản lý "đổ xô" kiếm bằng TS...
GS.TS Đỗ Kim Chung, Trưởng
khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội) nêu
thực tế, nhận thức của xã hội về đào tạo TS kinh tế có nhiều lệch lạc.
Cụ thể, học vị TS được coi là
tiêu chuẩn để cất nhắc và bổ nhiệm các chức vụ quản lý của công chức. Dẫn
đến, nhiều cấp/ngành đã có nhận thức xã hội chưa đúng về văn bằng TS và sử
dụng trình độ học vấn TS.
Ông dẫn dụ, kết quả khảo sát
của Hội đồng GS nhà nước cho thấy 70% người tốt nghiệp TS làm quản lý. Chỉ
chưa đầy 30% làm nghiên cứu và giảng dạy...
Bất cập nữa là đánh giá của
xã hội về TS làm quản lý cao hơn TS làm chuyên môn. Điều này đã khiến 68%
cán bộ quản lý không có nhu cầu nghiên cứu mà "đổ xô" tìm kiếm văn bằng. Bên
cạnh đó cũng không ít người nhìn nhận, khi nhận học vị TS được coi là kết
thúc "sự nghiệp" nghiên cứu. Không loại trừ suy nghĩ của một số người muốn
có bằng TS là để "trang sức" cho việc thăng tiến hơn là có kỹ năng nghiên
cứu.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH
Kinh tế quốc dân Phan Công Nghĩa cho rằng, mặc dù chất và lượng được nâng
lên trong mấy năm gần đây như so với thế giới vẫn còn khoảng cách lớn. Điểm
khác biệt của Việt Nam là không có quy định về đạt đến trình độ nào, chuyên
ngành gì thì được đào tạo TS mà tất cả mọi người đều có thể làm TS. Mà cứ
đào tạo là đậu!?
Không học vẫn bảo vệ TS
thành công
Số đông đại biểu đồng quan
điểm, vấn đề bị phê phán nhiều đối với quy trình đào tạo TS ở Việt Nam là
thủ tục hành chính quá rườm rà.
PGS.TS Trần Thọ Đạt, Viện đào
tạo Sau ĐH (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) dẫn dụ, từ lúc nộp hồ sơ đăng ký dự
tuyển NCS, được công nhận trúng tuyển...đến khi được cấp bằng TS ở Trường ĐH
Kinh tế quốc dân thì trung bình 1 NCS phải trải qua khoảng 300 loại văn bản
và báo cáo thống kê với xấp xỉ 400 chữ ký các loại. Trong đó, có gần 200 văn
bản cần dấu của cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý NCS.
Mặc dù dự thảo quy chế đào
tạo TS đã khẳng định việc giao quyền tự chủ trong đào tạo cho các trường ĐH.
Tuy nhiên, theo những điều khoản đưa ra vẫn còn một số quy định mang tính áp
đặt và rườm rà. Ví như, đòi hỏi bộ môn "đề xuất với Thủ trưởng cơ sở đào tạo
danh mục các tạp chí khoa học chuyên ngành mà NCS phải gửi công bố kết quả
nghiên cứu" và cơ sở đào tạo "phê duyệt danh mục các tạp chí đăng tải kết
quả luận án cho từng chuyên ngành đào tạo" là không cần thiết..., ông Đạt đề
xuất.
Các môn học của chương trình
cần xây dựng, sắp xếp và tổ chức giảng dạy khoa học với quan điểm không học
lại các môn học ở trình độ cử nhân, thạc sĩ...Vì nhước điểm dễ nhận thấy
trong các chương trình đào tạo từ trình độ ĐH trở lên ở Việt Nam là sự trùng
lặp kiến thức giữa các bậc học.
Một thực tế của Việt Nam
trong đào tạo TS hiện nay chẳng giống các nước: đơn giản và dễ
dãi. Tại
nhiều cơ sở đào tạo, NCS chỉ phải thực hiện 3 chuyên đề TS rồi tự làm luận
án "tại nhà hay tại cơ quan". Thậm chí có trường hợp NCS trong 3 năm đào tạo
hầu như không có mặt tại cơ sở đào tạo, không nghiên cứu, sinh hoạt chuyên
môn...nhưng vẫn bảo vệ thành công luận án TS!
Không thay đổi chất lượng
= mất thị trường
Theo GS.TS Đỗ Kim Chung,
trước xu thế hội nhập, mở cửa của thị trường giáo dục và đào tạo dẫn đến
tính cạnh tranh cao. Do vậy, giáo dục đào tạo TS trong nước nên không nâng
chất lượng rất dễ mất thị trường. Bởi, nhiều trường nước ngoài vào Việt Nam
mở lớp đào tạo TS với mức học phí cao nhưng vẫn "hút" người học...
Ông Phan Công Nghĩa nhìn
nhận, chất lượng đào tạo TS thấp do phương pháp đào tạo chậm đổi mới. Mặc
dù, chương trình đào tạo TS đã có nhích lên một chút nhưng có người ví von
"nếu đào tạo ĐH là cấp 4 thì chương trình đào tạo sau ĐH là cấp 5..." Chương
trình đào tạo xa rời thực tế nên đòi hỏi có cái mới trong nghiên cứu là rất
khó.
Hiện nay giảng viên có
trình độ tiến sĩ ở các trường ĐH mới đạt 14,7%; CĐ là 1,4%.
Tỷ lệ này đến năm 2010 phải đạt chỉ tiêu
đối với ĐH là 20% giảng viên có trình độ tiến sĩ và CĐ là 5%.
Sẽ xây dựng 20 trường ĐH nghiên cứu;
trong đó, giảng viên có trình độ TS phải đạt 75% trở lên.
Vụ trưởng Vụ ĐH&Sau ĐH Trần Thị Hà cho
biết ngày 14/12 |
Để nâng chất lượng, ông Chung
kiến nghị, trong phân công giáo viên hướng dẫn NCS Bộ GD-ĐT không nên quy
định "cứng" mà nên theo năng lực. Việc quy định "cứng" là không coi trọng
nguyện vọng của NCS và giáo viên. Hơn nữa, Bộ không thể kiểm soát được 1
giáo viên trường A còn bao nhiêu "quota" để nhận NCS trường khác để hướng
dẫn.
Thực tế, đã có giáo viên phải
hướng dẫn các đề tài ít phù hợp với chuyên môn dẫn đến là chất lượng đề tài
thấp, không khuyến khích giáo viên tham gia hướng dẫn NCS.
Cùng với đó, không nên quy
định cứ phải chương trình ĐH có gì thì cao học mới được đào tạo. Vì như vậy
là bó hẹp cơ hội lựa chọn chuyên ngành nghiên cứu của NCS và ngược với thế
giới, ông Chung bày tỏ. Để đào tạo thực sự có chất lượng nên có một chương
trình đào tạo chuẩn. Chứ chương trình đào tạo cao học của Việt Nam hiện nay
mới chỉ là "chương trình thu nhỏ của ĐH" mà thôi.
Bỏ thi tuyển, đào tạo tập
trung
Ngoài những lý do đề cập đến
bất cập trong chương trình đào tạo, thủ tục quá rườm rà, nhiều ý kiến cũng
lên tiếng kinh phí cho 1 NCS hiện là quá ít.
GS.TS Đỗ Kim Chung cho biết,
kinh phí đào tạo quy định từ năm 1994 đến nay vẫn chưa có thay đổi. Nghĩa là
1 NCS được cấp từ 4,5 - 5 triệu đồng / năm, cộng với tiền đóng thêm lên đến
9 triệu đồng / 1 NCS là không đủ trang trải cho quá trình tổ chức đào tạo.
Trong khi đó, mức kinh phí
cho các lưu học sinh (LHS) Việt Nam ở các trường ĐH trên thế giới lên tới
20.000 - 30.000 USD/ năm. Ông so sánh, mức kinh phí 1 LHS được cấp gấp gần
100 lần NCS trong nước.
Tại Trường ĐH Nông nghiệp 1,
các NCS trong nước hoàn thành luận án thì chi phí thấp nhất khoảng 50-80
triệu đồng, cao nhất là 300 triệu đồng. Chi phí bình quân cũng từ 120-150
triệu chưa tính các khoản có thể tự làm... Do vậy, kinh phí không đủ là "rào
cản" lớn cho các NCS trong quá trình thực hiện đề tài.
Vụ trưởng Vụ ĐH&Sau ĐH (Bộ
GD-ĐT) Trần Thị Hà cho biết, trong Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ có đề xuất
mức đầu tư tối thiểu cho 1 NCS trong thời gian tới là 110 triệu đồng. Đối
với NCS đào tạo trong nước sẽ có từ 3 đến 6 tháng khảo sát, nghiên cứu ở
nước ngoài...để nâng chất lượng.
Quy chế đào tạo TS mới cũng
sẽ có nhiều thay đổi phù hợp với thực tế. Cụ thể, trong tuyển sinh đào tạo
tiến sĩ tới đây quy chế mới quy định sẽ không còn thi tuyển. Đồng thời, Bộ
GD-ĐT sẽ phân cấp mạnh cho các trường. Các cơ sở đào tạo được quyền phê
duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển, được toàn quyền trong mọi hoạt động
đào tạo NCS và cấp bằng TS.
Điểm thay đổi có tính "đột
phá" để nâng chất lượng trong đào tạo TS tới đây là bãi bỏ hình thức học
không tập trung, buộc NCS phải học tập trung. Đổi mới này nhằm ngăn chặn
kiểu TS "tại chức" đang là khiếm khuyết gây nhiều bức xúc hiện nay.
Việc đánh giá năng lực NCS
tới đây sẽ chú trong đến khả năng hoàn thành đề tài đến đâu và mức độ nào.
Chứ hiện nay chỉ chú trọng đến có bài báo công bố nhưng trong đánh giá năng
lực lại không đánh giá có hoàn thành đề tại hay không, Bà Hà khẳng định.
©
http://vietsciences.free.fr
và
http://vietsciences.org
Hoàng Tụy
|
|