Học phí đại học, đến hẹn lại tăng

Vietsciences-Đỗ Hiếu, phóng viên RFA              03/04/2010

 

Những bài cùng đề tài

Học phí đại học năm nào cũng tăng cao, các trường công lập hay ngoài công lập đều tính mức học phí đến hàng chục triệu đồng mỗi năm.

 Trường Đại học Bách Khoa TPHCM.   Photo courtesy of ĐHBK-TPHCM

 

Năm nay học phí thấp nhất là trên dưới 5 triệu đồng một năm, tùy ngành học, còn đối với đại học quốc tế thì sinh viên phải chi 150 triệu đồng, một năm. Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết về đề tài “ngất ngưỡng học phí đại học” hay “năm học mới, học phí lại mới”,  được đưa lên mặt báo mới đây.

Năm mới, học phí mới

Năm 2010, học phí tại các trường đại học ở Việt Nam có khoảng cách rất lớn, từ vài triệu đồng tới hàng trăm triệu đồng. So với năm rồi, học phí đại học đều tăng đồng loạt.

Được xem là có mức học phí vừa phải, gồm những trường bán công như đại học tài chánh, đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, đại học Tôn Đức Thắng, lệ phí phải nạp cho nhà trường là từ 5 triệu đến 7 triệu đồng.

Đối với các đại học ngoài công lập mức học phí tăng gấp bội, từ 19 triệu đồng, một năm với đại học Hoa Sen, đến đại học kinh tế, tài chánh, Khoa Y, đại học quốc gia,  thành phố Hồ Chí Minh,  thu từ 40 triệu đến 55 triệu đồng, một năm. Trường đại học quốc tế RMIT thu gần 150 triệu đồng, một năm.

Trường Đại học RMIT tại Sài Gòn. Photo courtesy of RMIT.

Ông Phong, một công chức ở Sài Gòn có con học đại học nói, khi nhìn vào mức học phí lên tới hàng chục triệu mỗi năm thì người ta xem các trường đại học là cơ sở kinh doanh chứ không còn là nơi giảng dạy, đào tạo nhân tài cho đất nước nữa:

“Với con số 40 hay 50 triệu đồng học phí đại học thì báo chưa nêu lên đó là chi phí đóng cho trường hay còn những món tiền khác phải nộp thêm. Bình quân nếu cần đóng 4 hay 5 triệu đồng tiền học mỗi tháng thì mức lương một công nhân viên không thể nào đạt  tới con số đó được. Theo tôi thì ngành giáo dục đang kinh doanh, chứ không phải phục vụ cho nhu cầu phát triển  xã hội, đầu tư cho tương lai. Thi nhau mở trường nhưng chất lượng giảng dạy, đầu vào, đầu ra đều không bảo đảm. Với học phí cao như vậy, liệu phụ huynh hay sinh viên có đủ khả năng để bước vào ngưỡng cửa đại học hay không?” 

Ông Trọng, chuyên viên kỹ thuật từ Hà Nội cho rằng, với thu nhập trung bình, dù cả hai vợ chồng có công việc cũng phải vay mượn tiền thì mới có thể cho con cái vào đại học được:

Học phí từ 30 triệu đến 40 triệu đồng như hiện nay thì theo tỷ giá của ngân hàng tương đương 2.500 đến 3.000 đô la. Trong khi đó GDP trung bình của một dân Việt là trên dưới 1200 đô la.

Ông Trọng

“Nếu tính học phí từ 30 triệu đến 40 triệu đồng như hiện nay thì theo tỷ giá của ngân hàng hiện nay là khoảng 2.500 đến 3.000 đô la. Trong khi đó GDP trung bình của một dân Việt là trên dưới 1200 đô la, tại khu vực làm ăn với nước ngoài, kiếm nhiều tiền, còn vùng thôn quê thì chỉ đạt một triệu rưỡi đồng tức 60 đô la một tháng, nếu hai vợ chồng cùng kiếm được chừng 150 đô la một tháng, đó là thu nhập lý tưởng. Dù không ăn tiêu gì thì hai vợ chồng nơi vùng thôn quê mới thu được mỗi năm,  2.500 hay 3.000 đô la, nếu muốn cho con theo học đại học thì cũng phải vay mượn khoảng tiền rất lớn. Số tiền ấy không thể mọc lên được mà người ta phải bán đất cát, hay làm gì khác,  mới gởi con vào đại học được.”   

Đành chịu “cày thêm”

Cô Quyên, sinh viên đại học kinh tế, tài chánh đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm nào học phí cũng tăng, tùy mức thu nhập của cha mẹ mà các con được theo  học trường nào. Dù học phí cao, nhưng muốn học thì cha mẹ hay học sinh đều đành chịu “cày thêm”:

 

Photo courtesy of RMIT Một buổi học tại Đại học RMIT

. .

“Tùy theo mức thu nhập của mỗi người mà gởi con vào đại học, cho con học trường quốc tế thường là trưởng phòng, phó giám đốc hay giám đốc trở lên. Người thường có con lên đại học là giàu có hay có thân nhân ở nước ngoài, lương hướng bình thường thì làm sao cho con học đại học được. Nếu học đại học quốc gia hay đại học dân lập thì cha mẹ hay sinh viên đều phải là việc, kiếm thêm, sinh viên thường phải lo bương chải tiền học phí. Nếu nhà có tiền thì được cha mẹ nuôi ăn học, những người quá giàu có thì sẽ gởi con đi học trường quốc tế, mấy trăm triệu một năm cũng không có vấn đề gì thay vì gởi con ra nước ngoài, thì sẽ không chăm lo con được. Trường đại học Úc mở tại Việt Nam, chỉ đóng 600 đô cho một học kỳ tức là bằng một nửa khi ra nước ngoài học. Việc học phí tăng làm cho phụ huynh hay sinh viên lo lắng, nhưng rồi cũng phải đóng thôi, chuyện học phí tăng là đương nhiên, dù chấp nhận hay không thì đều phải đóng, phải cày để đóng tiền học.”

Học phí tăng làm cho phụ huynh hay sinh viên lo lắng, nhưng rồi cũng phải đóng thôi, dù chấp nhận hay không thì đều phải đóng, phải cày để đóng tiền học.

Cô Quyên

Trong một diễn biến khác liên quan đến giáo dục bậc đại học, tại cuộc hội thảo về chương trình hành động và đổi mới quản lý giai đoạn 2010-2012, do bộ giáo dục đào tạo tổ chức, diễn ra tuần trước tại Đà Nẵng, các đại biểu cho rằng, phương pháp quản lý giáo dục ở Việt Nam còn quá nhiều bất cập.

Dịp này, giáo sư Nguyễn Quang Quý, thứ trưởng giáo dục cho hay là số lượng các trường đại học, cao đẳng tăng gần 4 lần, từ 101 trường trước đây, nay tổng số đã lên tới 376 trường, tuy nhiên chất lượng và phương pháp giảng dạy vẫn còn lạc hậu chưa phù hợp với xu thế phát triển hiện thời. Bộ giáo dục dự kiến sẽ cử một ngàn giáo viên đại học, cao đẳng đi đào tạo ở nước ngoài để nâng cao chất lượng giảng dạy.

 
 

 

              http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org