Gian nan công cuộc chấn hưng giáo dục |
Vietsciences- Hoàng Tụy 20/09/2007 |
Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà
Sự sa sút của giáo dục đã được phát hiện từ lâu và hơn một thập kỷ qua Nhà Nước
cũng đã có nhiều cố gắng để vực giáo dục lên, kể cả đầu tư bằng ngân sách, vay
mượn các nước, và huy động đóng góp của dân. Thế nhưng mặc dù có những tiến bộ
nhất định, giáo dục Việt Nam vẫn chưa rút ngắn được khoảng cách với thế giới.
Nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải khi từ nhiệm đã thừa nhận giáo dục chưa thành
công, và ông Lý Quang Diệu khi sang thăm Việt Nam cũng nhận định giáo dục là
điểm yếu cơ bản của chúng ta khi cạnh tranh với các nước.
Cách đây 3 năm một nhóm 23 nhà khoa học, giáo dục, văn hóa trong nước và người Việt ở nước ngoài đã gửi lên TƯ Đảng và Chinh Phủ một bản kiến nghị về chấn hưng, hiện đại hóa giáo dục, đến nay có lẽ vẫn chưa lạc hậu. Vừa rồi, nhân năm học mới, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp lại có một bài phát biểu về “Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà”. Thật đáng quý khi chúng ta được nghe những lời chân tình, tha thiết, và đầy ưu tư trăn trở đối với giáo dục của một nhà cách mạng kỳ cựu đã từng làm nên Điện Biên Phủ lẫy lừng và từ nhiều năm nay vẫn luôn quan tâm theo dõi giáo dục và mang nặng trong lòng khát vọng về một ĐBP trên mặt trận chống dốt nát và lạc hậu của đất nước. Mong sao bài phát biểu đó, với sức nặng uy tín của tác giả của nó, lần này sẽ được lắng nghe nghiêm túc hơn.
Trong những nguyên nhân trực tiếp đưa đến sự trì trệ của giáo dục phải kể quản lý kém cỏi, mà trước hết là nhận thức nông cạn và tầm nhìn thiển cận thể hiện ở nhiều chính sách sai lầm kéo dài . Nhưng dù sao, nguyên nhân sâu xa đã tác hại nghiêm trọng nhất đến sự nghiệp giáo dục, tôi nghĩ cần nhìn thẳng vào sự thật, đó là quốc nạn tham nhũng hoành hành từ ba bốn thập kỷ nay nhưng chưa bao giờ bị đẩy lùi, mặc dù Chính Phủ và Quôc Hội năm nào cũng tỏ thái độ tuyên chiến quyết liệt với nó.
Để đáp ứng các yêu cầu chấn hưng giáo dục phục vụ sự nghiệp phát triển của đất
nước, rất cần những khoản đầu tư lớn. Với khả năng tài chính hiện tại của chúng
ta, những khoản đầu tư ấy ước tính có lẽ không quá một nửa số tiền thất thóat do
lãng phí, quan liêu và nhất là tham nhũng gây ra, mà một phần rất nhỏ vừa được
Kiểm Toán Nhà Nước phanh phui qua hai đợt kiểm toán. Thành thử trên thực tế các
quan tham đã vô tình (!) cướp mất cơ hội học tập của con em nhiều gia đình nghèo
và cản trở mọi cố gắng chấn hưng giáo dục đã được nhiều bậc thức giả kêu gọi
không mệt mỏi từ bao năm nay.
Trong môi trường quản lý đã bị ô nhiễm nặng như thế thật khó cho ngành giáo dục
có thể trong sạch được, giữ được mình không tha hóa, xuống cấp với chính mình,
chưa nói với các chuẩn mực chung trên thế giới. Nói ra thật tủi hổ nhưng có bao
nhiêu nhà giáo, nhà khoa học thật sự cảm thấy tự hào mang danh nhà giáo, nhà
khoa học Việt Nam ?
Tuy nhiên, cũng xin chúng ta đừng quên vai trò tiên phong của giáo dục trong việc khai dân trí, chấn dân khí mà Phan Chu Trinh đã hô hào từ đầu thế kỷ trước. Xã hội dù còn nhiễu nhương, giáo dục vẫn phải cố giữ vững nề nếp kỷ cương của mình để từ đó tác động ngược lại xã hội. Vẫn biết rất khó khăn, vì ngay về tài chính có biết bao quy định, chế độ vớ vẩn vô lý, chỉ tạo thêm điều kiện cho tham nhũng và dối trá phát triển, mà ngành giáo dục vẫn phải tuân thủ. Song dù sao điều đó không thể làm giảm trách nhiệm của ngành giáo dục đối với tình hình quản lý yếu kém của mình. Xin hãy dũng cảm làm một cuộc tổng kiểm toán nội bộ, rà soát lại có bao nhiêu chế độ, quy định, tổ chức nhiêu khê của riêng ngành đã khiến hiệu quả sử dụng đồng tiền Nhà Nước đầu tư cho giáo dục quá thấp ? Tại sao trong khi ở nhiều nơi trên thế giới (chẳng hạn Malaysia) học sinh đi học không phải trả học phí, còn được cấp sách giáo khoa, thậm chí có nhiều nước cấp cả tiền quần áo, tiền ăn trưa, và tiền xe đi lại nếu ở xa trường, thì ở ta ngành giáo dục thu lãi riêng về sách giáo khoa hàng năm đến hàng trăm tỉ đồng. Tại sao có cả một biên chế hàng trăm thầy cô giáo được coi là chọn lọc (trước đây 500, gần đây nghe nói đã giảm còn .. vài trăm), và một kinh phí “nghiên cứu giáo dục” rất lớn, mà đã mấy chục năm trời chương trình và sách giáo khoa bậc phổ thông không ngớt có vấn đề ? Tại sao, theo số liệu phân tích thống kê, tiền ngân sách và đóng góp của dân hoàn toàn đủ để trả lương đàng hoàng cho giáo viên các cấp, mà thực tế lương không đủ sống, giáo viên phải đầu tắt mặt tối làm nhiều việc khác, có khi hạ phẩm chất, mới có đủ thu nhập bổ sung cho đồng lương còm ? Tại sao những hiện tượng tiêu cực, gian trá về giáo dục đã bị lên án từ mấy thập kỷ mà qua hai đời bộ trưởng vẫn nghiễm nhiên phát triển, chỉ đến thời gian gần đây mới bước đầu được khắc phục, mà việc khắc phục đâu phải tốn kém gì.
Tôi thiển nghĩ đó là những nghịch lý quá rõ mà ngành giáo dục cần giải quyết rốt ráo để tìm nguồn kinh phí bổ sung trước khi yêu cầu tăng học phí. Đồng thời Chính Phủ, Quốc Hội cần thật sự ra tay quyết liệt chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, để lành mạnh hóa xã hội, hỗ trợ mạnh mẽ cho công cuộc chấn hưng giáo dục, đổi mới giáo dục có tính cách mạng như mong mỏi của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và tất cả những ai tha thiết với tương lai Tổ Quốc.
Có một điều băn khoăn day dứt là tại sao một dân tộc kiên cường bất khuất trong
cuộc chiến dành độc lập laị mất hết nhuệ khí khi chiến đấu chống tham nhũng ?
Tôi nghĩ vừa qua Kiểm Toán NN đã làm một việc rất có ích khi công bố kết quả hai
đợt kiểm toán. Kết quả ấy đã chứng minh hai năm rõ mười rằng tham nhũng lãng phí
chưa hề giảm và điều nguy hại nhất trên xứ sở này là nó tràn lan, có tính
hệ thống, xảy ra khắp các ngành, khắp các địa phương, khắp các cấp chính quyền, và
thường được che dấu dưới nhiều hình thức tinh vi, không dễ nhận dạng. Chính do
tính chất tràn lan, tính chất hệ thống đó nên tham nhũng ở nước ta rất khó
chống. Trong một cơ quan, một tập thể mà không ít thì nhiều hầu như ai cũng có
dính đến những thu nhập không chính đáng, dù có khi vẫn hợp pháp, ai sẽ lên
tiếng chống cái kiểu tham nhũng tập thể đó ? Hầu như người nào cũng cảm thấy có
điều gì không ổn ở ngay nơi mình làm, ngay trong công việc của chính mình, nhưng
vì cuộc sống phải chấp nhận sống chung với nó. Do đó cấp dưới tham nhũng thì cấp
trên thông cảm, bao che, dung túng, cấp trên tham nhũng thì cấp dưới che chắn,
bênh vực hay ít nhất không dám tố cáo. Nguy hại khôn lường cho đất nước nếu cứ
để tiếp diễn tình trạng đó, khiến tham nhũng, gian dối ăn sâu vào nếp sống của
xã hội, biến thành một căn bệnh nan y. Chỉ cần căn bệnh này kéo dài thêm vài
thập kỷ nữa thì coi như số phận đất nước an bài. Tiếng kêu SOS đã gióng lên từ
lâu, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo ngay từ vài tháng sau khi chế độ dân chủ
cộng hòa ra đời. Hiện nay chúng ta hô hào học tập đạo đức Hồ Chí Minh, tưởng
không có gì bức thiết hơn mấy chữ cần, kiệm, liêm, chính mà Hồ Chủ Tịch đã nêu
cao. Đồng thời tính chất tràn lan của tham nhũng cũng cho thấy chống tham nhũng
mà chỉ có những biện pháp như ta đang làm tuy cần thiết nhưng hoàn toàn không
đủ, vì những biện pháp ấy chỉ nhằm chống hành vi tham nhũng lẻ tẻ mà không ngăn
ngừa được tham nhũng tràn lan, tham nhũng hệ thống, trong khi đây mới chính là
kênh thất thoát công quỹ nhiều nhất, làm thiệt hại đất nước nhiều nhất. Nguyên
nhân trực tiếp của tham nhũng tràn lan là lỗi hệ thống trong cơ chế quản lý tài
chính công: thu nhập của công chức chỉ có một phần nhỏ là lương, không đủ sống
theo mức sống tương ứng với trình độ kinh tế, còn phần lớn là những khoản trợ
cấp, phụ cấp, bồi dưỡng này nọ, và những bổng lộc đủ loại, tùy thuộc vào vị trí
trên thang công quyền, thiếu minh bạch, thiếu kiểm tra, nhưng cũng đều rút từ
ngân sách nhà nước hoặc từ hầu bao của dân. Cái lỗi hệ thống đó không lo sửa,
thì có đánh dập được con rắn tham nhũng ở đầu này nó lại mọc lên ở đầu kia,
không có cách nào diệt được nó. Mà tham nhũng với bạn đồng hành tất yếu của nó
là lãng phí, quan liêu còn nặng thì đầu tư cho giáo dục còn khó khăn, dẫu có
muốn tăng học phí, đẩy hết gánh nặng cho dân thì cũng không thể cứ năm này tăng
năm sau tăng, vô hạn độ. Cho nên cái vòng luẩn quẩn mà có người nêu ra để biện
minh cho việc tăng học phí (học phí thấp
→
giáo dục kém
→đất nước nghèo→ học phí
thấp) thật ra chỉ do tham nhũng sinh ra và chỉ có thể tránh được bằng cách diệt
tham nhũng chứ không phải bằng cách “cởi trói” cho học phí tăng, và tham nhũng
muôn năm để đưa đất nước đến diệt vong.
© http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences. org Hoàng Tụy
|