Đại học tư thục và những sự áp đặt

Vietsciences- Huỳnh Hữu Tuệ                     05/10/2009

 

Những bài cùng đề tài

(TuanVietNam)- Bộ Giáo dục và Đào tạo đang áp đặt lên các trường ĐH quá nhiều: Chương trình khung, kiểm soát tài chính và cơ cấu nhân sự. – GS, TSKH Huỳnh Hữu Tuệ – Hiệu trưởng ĐH tư thục Bắc Hà.

Áp đặt chương trình khung và cơ cấu nhân sự

Giáo dục là một bộ phận hoạt động của xã hội, là tấm gương phản ánh trung thực xã hội đó; không thể có cải cách giáo dục nếu tách khỏi cải cách xã hội. Cơ chế của chúng nặng biết bao nhiêu mà kể, nó cần thời gian để thay đổi. Đó là chưa kể, có người còn có ý muốn duy trì quán tính này nữa.

Một lực lượng đóng vai trò không nhỏ trong hệ thống giáo dục ĐH hiện nay là khối các trường ngoài công lập. Nhưng đang gặp không ít trở lại trong bước phát triển của khu vực này. Có thể thấy vấn đề nổi cộm là Bộ Giáo dục đã quyết định cho thành lập ĐH tư thục, nhưng vẫn áp đặt cơ cấu bộ máy và chương trình khung.

Thứ nhất, về chuyện áp đặt chương trình khung. Thử đặt vấn đề Bộ có đủ chuyên viên để viết hết các chương trình không, hay giao cho một chuyên viên viết? Mặt khác, một chuyên viên có viết nổi một chương trình đào tạo ĐH không?

Thường ở các nước, một chương trình như vậy cần có một hội đồng gồm nhiều chuyên viên cao cấp đầy đủ kinh nghiệm, nghiên cứu 4 -5 năm mới đi đến kết luận, và cứ khoảng 10 – 15 năm họ đổi một lần, song song với quá trình cập nhật thường xuyên các kiến thức mới. Đó phải là những người biết rất rõ hiện trạng xã hội, có khả năng dự báo sự phát triển xã hội, để xây dựng một chương trình thích hợp.

Muốn hiểu rõ nội dung một chương trình như vậy, phải mất khá nhiều thời gian. Chưa nói đến chuyện muốn nhận định, suy nghĩ, nghiên cứu thì còn lâu lắm.

Để “phản biện” chương trình của chúng tôi, phải là những người có chuyên môn cao mới đủ sức thẩm định. Đằng này, ban kiểm soát xuống nhìn, nói chương trình thiếu cái này cái nọ, thêm cái này cái kia. Làm việc như thế, về mặt khoa học rất lệch lạc. Nếu thẩm định về vốn đầu tư, về lực lượng cán bộ, là một nhẽ; nhưng thẩm định về giá trị của một chương trình, thì cần phải nghiêm túc hơn rất nhiều.

Thứ hai, về cơ cấu tổ chức, cũng có sự can thiệp khá sâu.

Cái này tôi hoàn toàn không hiểu. Đã cho trường tư thục hoạt động, lại hoạt động như một công ty kinh doanh, tại sao Hiệu trưởng của một trường đại học tư thục phải được Bộ công nhận?

Đây chỉ là một chi tiết rất nhỏ trong cơ cấu tổ chức, nhưng minh họa khá rõ tính gia trưởng, làm nặng nề thêm rất nhiều guồng máy quản lý của Bộ. Đưa ra những qui định, mà bản thân Bộ cũng không thể kiểm tra, thành ra cuối cùng tất cả mọi chuyện cũng chỉ có tính hình thức.

Điều nguy hiểm là sẽ làm phát sinh tính tùy tiện của hệ thống. Và chính tính tùy tiện này mà xã hội của ta gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.

Trong quá trình cải cách hành chính, tôi nghĩ Bộ nên giải phóng nhiều hơn nữa những cơ chế mà chuyên viên của Bộ đã đặt ra. Đã là một tổ chức tư nhân, thì mọi quyết định về tổ chức, về nhân sự phải do chính Hội đồng quản trị của tổ chức đó chịu trách nhiệm.

Điều độc nhất mà Bộ cần quản, là nội dung chính trị phải đi đúng đường lối của Đảng. Còn chất lượng của tổ chức, thì chính xã hội có trách nhiệm đánh giá, chứ không phải do Bộ.

Những cơ chế do Bộ đề ra trông giống như một tổ chức của nhà nước; không thích hợp với một tổ chức tư nhân; mặt khác, kinh nghiêm cho thấy nó sẽ là rào cản rất mạnh đối với sự nghiệp cải cách giáo dục. Chúng ta đang đẩy mạnh cải cách hành chính – đây là điểm Bộ nên suy nghĩ lại.

Nếu tôi hiểu không nhầm, thì cái lí của sự can thiệp đó là Bộ e ngại phát sinh nhiều vấn đề nhập nhằng của công – của tư, có sự giành giật nhau tiền bạc và quyền lực. Nhưng nếu có chuyện đó thì hãy để luật pháp xử lí, chứ Bộ không cần phải can thiệp. Nếu Bộ không tin luật pháp thì lại là chuyện khác.

Tinh thần luật pháp

Nhưng ở một mặt nào đó, sự can thiệp của Bộ Giáo dục xuống các trường lại có tính hình thức. Với hơn 200 trường ngoài công lập hiện nay, Bộ không thể quản hết được. Không quản hết được, nhưng khi cần vẫn có thể trừng phạt được.

Trong xã hội mình, bất cứ tình huống nào cũng tìm được cái sai. Với “cái sai” đó, người ta có thể trừng phạt mình bất cứ khi nào. Cách làm như thế là dùng búa điện lực ngàn tấn, để giết con ruồi 2 gam.

Cách làm việc hành chính của mình là như vậy. Tinh thần luật của mình vậy, biết thế nào được!

Chẳng hạn, trường này (ĐH Quốc tế Bắc Hà) được giấy phép làm tại Bắc Ninh, nhưng chưa xây nổi nhà ở Bắc Ninh. Vì một ngàn lý do không hình dung nổi.

Trường có 15 ha đất, có số đỏ, nhưng không có đường vào. Muốn mở đường thì phải thương thuyết trở lại – thương thuyết từ trên xuống – quá trình mất hơn 1 năm. Điều may mắn là lãnh đạo của tỉnh Bắc Ninh nắm rõ tình hình, đã hết sức hỗ trợ, cho nên Trường cũng đã có được giấy phép xây đường. Bây giờ phải nghiên cứu tình hình đầu tư

Và còn muôn vàn chuyện khác nữa…

Một ví dụ khác. Những năm trước, lúc Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển sang thăm Úc, đánh giá tình hình giáo dục Úc. Nhà nước Úc đã mời các vị đến thăm một số trường, trong đó có trường Đại Học Griffith. Cả Thủ tướng Phan Văn Khải và Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đều nói đó là mô hình mà Việt Nam nên học.

GS Đặng Hữu lúc đó cũng đi theo đoàn, muốn đem mô hình của Griffth về xây dựng ở Việt Nam. Ông liên hệ với Griffith University và nhận được sự đồng ý của phía Trường bên đó. Cuối cùng, ta phải tiến đến bước xây dựng chương trình liên kết với trường bạn. Sau đó, chính Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lúc đọc diễn văn thành lập trường ĐHQTBH cũng nhấn mạnh ý là ĐHQTBH là một mô hình đúng đắn, trong đó Nghiên cứu là hoạt động nền tảng nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, và với sự giúp đỡ của Đại học Griffith, sẽ nhanh chóng phat triển như mục tiêu đã đề ra.

Nhưng đến khi nộp hồ sơ lên để làm chương trình liên kết. Người ta bảo làm sai, làm lại. Sai ở chỗ nào ư? Ở nước này, làm gì cũng có thể sai. Vì tinh thần luật, lẽ ra trên thế giới luật mới ra đời là triệt tiêu luật cũ. Nếu không muốn triệt tiêu, thì phải ghi rõ công nhận những điều nào của luật cũ. Đằng này, luật mới ra chưa chắc đã triệt tiêu luật cũ. Người nào muốn sử dụng luật cũ để phê phán tình hình mới vẫn có quyền. Không cách gì gỡ nổi.

Vì cơ chế nhập nhằng, nên người ta đấu tranh nhau về quyền lực và tiền bạc. Nhìn mặt nào, người ta cũng có cái lý riêng. Mà như thế thì cuối cùng ai có ưu thế về vị thế chính trị thì sẽ thắng.

Trách nhiệm của ĐH là tạo ra các trí thức thật

Mười năm qua, có một câu nổi tiếng trong giới kinh doanh ở VN: giáo dục là siêu lợi nhuận. Vì sao vậy? Vì người ta bán bằng chứ không quan tâm đến nội dung chất lượng. Nếu mục tiêu là xây dựng chất lượng thì phí tổn cực cao, và lúc đó những nhà kinh doanh chẳng ai quan tâm đến lĩnh vực giáo dục nữa!

Trong thời gian tranh tối, tranh sáng thì điều đó là hiển nhiên. Xã hội có nhu cầu về bằng cấp, thì ĐH cũng đáp ứng nhu cầu đó. Nhưng về đường trường, xã hội sẽ phát triển lên, dân trí lên, đến lúc người ta đòi hỏi chất lượng chứ không chỉ là hình thức.

Lịch sử truyền thống của người VN là ham học. Đến nay, khối ĐH công chỉ nhận hết 20% số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, số còn lại đi đâu? Vì cách dạy của mình, tốt nghiệp trung học chưa làm được gì cả. Vậy thì sau trung học, học sinh vẫn phải đi học tiếp. Và như thế, áp lực xã hội buộc ta phải cho ra những trường mới.

Bây giờ mình đi theo kinh tế thị trường. Nghĩa là thị trường quyết định giá trị từng hoạt động, từng thành phần. Vậy cứ để hệ thống ĐH tự bộc phát. Đi đúng quy luật khách quan với sự phát triển xã hội.

Công nghiệp của ta chưa trưởng thành đúng mức để cần lực lượng lao động chất xám cao cấp. Nền sản xuất của mình là gì: dầu hỏa – hút dưới đất lên, cao su, gỗ – chặt cây mà sống, chế biển thủy hải sản – vớt biển mà ăn, giày dép áo quần – lao động rẻ tiền. Đừng nói chuyện đóng tàu, ô tô… – đó chỉ là vẽ vời. Công nghiệp nặng, công nghiệp mũi nhọn chưa có. Nền sản xuất của ta chưa có nhu cầu chất xám cao cấp rộng rãi. Vậy nhà nước quyết định xây dựng một số ĐH “đẳng cấp quốc tế” để làm gì? Muốn hệ thống giáo dục phát triển thì cần xã hội chín muồi. Còn đòi hỏi giáo dục đi trước để dẫn dắt xã hội ư? E là quá tham vọng trong thời điểm này.

Nền giáo dục là tấm gương trung thực phản ánh chính xác tình hình xã hội. Cả hệ thống ĐH thì không thể tiên phong và dẫn dắt, nhưng từng trí thức một thì có thể làm việc đó. Mối liên hệ hữu cơ là ĐH có trách nhiệm đào tạo ra người trí thức. Và trách nhiệm của lãnh đạo là làm sao để người trí thức có cơ hội đưa xã hội ngày càng đi lên. (Và cái cực kì mâu thuẫn của xã hội VN là ở điểm này).

Nói gì thì nói, chính trị vẫn phải đi trước. Bây giờ mình cần trí thức, cần suy nghĩ và phản biện về những vấn đề mà nhà nước đang đối mặt.

Đặt giả thiết, nếu mọi chuyện là để phục vụ chính trị thì chúng ta có thể ngừng ở đây, không cần tiếp tục thảo luận nữa. Còn nếu tất cả mọi hoạt động là nhằm phục vụ quá trình tiến lên của xã hội, thì chúng ta mới tiếp tục nói chuyện được. Đây không phải là vấn đề chính trị hay phản biện gì cả, đây là nói chuyện thuần tuý về trách nhiệm của trí thức.

Xã hội hôm nay chưa cần chất xám cao cấp. Cái cần là cần sự phản biện xây dựng chiến lược thích hợp cho sự phát triển của xã hội. ĐH là để đào tạo những trí thức thật có khả năng như thế.

Thủy Linh (ghi)

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Nguồn: http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/8134/index.aspx