Ngày 16-10, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ
chức hội nghị đầu tiên tại Việt Nam về hội nhập quốc tế trong giáo dục
đại học (GDĐH). Đây là cơ hội để phía Việt Nam học hỏi nhiều kinh nghiệm
của GDĐH nước ngoài.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lê Hương, Vụ phó Vụ GDĐH, Bộ
GD-ĐT, trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế không là ngoại lệ đối
với GDĐH. “Không hội nhập thì không thể biết được mình đang ở đâu, đứng
ở vị trí nào trong bản đồ giáo dục thế giới. Thông qua việc hội nhập,
chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, tinh hoa từ nước
bạn”, bà Hương khẳng định.
Thực tế, để hội nhập GDĐH, nhất là về mặt công nhận
chất lượng của nhau, Việt Nam đã có những bước đi cụ thể. “Việt Nam đã
liên kết với các tổ chức kiểm định trên thế giới. Ngoài việc mời các
chuyên gia về kiểm định sang Việt Nam, Bộ còn tiến hành xây dựng bộ tiêu
chí kiểm định chất lượng đại học trên cơ sở tham khảo từ các nước châu
Á, châu Âu, Úc…”, bà Hương cho biết thêm.
Bên cạnh đó, trong việc thực hiện xây dựng trường ĐH
đẳng cấp quốc tế, Việt Nam cũng đã mời các chuyên gia để tư vấn về mặt
kỹ thuật, xây dựng trường, cách thức điều hành trường… Về phía các
trường ĐH, hiện nay hàng lọat các trường đã đẩy mạnh liên kết đào tạo,
từ việc gửi giảng viên, sinh viên đi đào tạo tại nước ngoài theo các đề
án được chính phủ phê duyệt đến việc hợp tác công nhận văn bằng lẫn nhau
giữa hai bên.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế, để hội nhập
quốc tế, đòi hỏi GDĐH Việt Nam phải tăng tốc hơn nhiều so với hiện nay.
Bởi lẽ, chất lượng đào tạo ĐH trong nước hiện nay ở khía cạnh nào đó còn
chưa tạo được sự tin cậy của “người trong nhà” chưa nói đến quốc tế.
Ngay chính Vụ phó Vụ GDĐH Nguyễn Thị Lê Hương cũng thừa nhận, từ năm
2005, khi chúng ta thực hiện các chương trình đào tạo tiên tiến (đến nay
đã tuyển khóa thứ 4 với 23 chương trình tiên tiến do Nhà nước đầu tư),
thì bản thân ngành giáo dục đã nhận rõ sự khác biệt. “Những chương trình
được thực hiện theo các thức giảng dạy của nước ngoài có những điểm khác
biệt so với chương trình đào tạo ĐH trong nước. Đơn cử như chương trình
giảng hoàn toàn bằng tiếng Anh, sinh viên phải tham gia vào những bài
tập lớn rất nhiều, khả năng tự học được tăng cường. Việc xem xét đánh
giá sinh viên học cũng khác...”, bà Hương nói. Không ít giảng viên ĐH
Việt Nam khi tham gia đào tạo chương trình này cũng cho biết, họ học hỏi
được rất nhiều về cách nêu vấn đề như thế nào, dẫn dắt sinh viên vào bài
giảng ra sao. Ngoài ra, khi ở các trường ĐH Việt Nam vẫn còn chưa biết
tới khái niệm trợ giảng, thì ở chương trình tiên tiến, sinh viên mới ra
trường, nghiên cứu sinh... đã được tham gia.
Nhiều điều phải “học”
Theo Giáo sư Drummond Bonne, Chủ tịch Ban cố vấn -
Giám sát các chương trình liên kết đào tạo GDĐH Vương quốc Anh, nếu các
nước liên kết đào tạo thành công sẽ mang lại lợi ích cho sinh viên, giáo
viên và cả 2 phía. Tuy nhiên, liên kết đào tạo phải được quản lý chặt
chẽ mới mang lại hiệu quả như mong đợi.
“Quản lý chất lượng GDĐH ở nước Anh được quản lý bằng
Cơ quan về đảm bảo chất lượng giáo dục. Cơ quan này gồm Chính phủ và một
bộ phận đại diện của tất cả các trường ĐH trong cả nước. Khi một trường
mới ra đời và đi vào hoạt động thì người ta phải trải qua một quy trình
rất dài, mới có được giấy phép hoạt động. Trước khi họ có giấy phép hoạt
động chính thức thì họ phải có 1 - 2 năm chạy thử nghiệm chương trình
của trường đó”, GS Drummond Bonne chia sẻ về kinh nghiệm quản lý chất
lượng GDĐH của Anh và tỏ rõ sự ngạc nhiên ở Việt Nam không có tổ chức
này.
Vị GS này cũng cho biết, khi trường ĐH nào ở Anh có
vấn đề, thì chính Cơ quan về đảm bảo chất lượng giáo dục đến thanh tra
các trường và kết quả thanh tra sẽ công bố trên các phương tiện thông
tin đại chúng. Việc công khai này cùng với kết quả điều tra ý kiến của
sinh viên trên toàn quốc những khóa học của trường ĐH khiến các trường
có thể bị tổn hại đến danh tiếng, gây ảnh hưởng rất lớn đến trường nếu
như chất lượng đào tạo không ổn.
Những chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia giáo dục
nước ngoài cũng cho thấy, để nâng cao chất lượng GDĐH, Việt Nam không
chỉ phải thay đổi về quy trình quản lý chất lượng, mà phải đổi mới đồng
bộ, từ phương pháp dạy và học, chương trình đào tạo đến việc loại bỏ các
trường yếu kém.
“Không nên duy trì phương thức cổ xưa trong giảng
dạy ĐH là giáo viên đứng trên bục giảng để giảng bài, có bao nhiêu kiến
thức mang ra trình bày và bảo các sinh viên đọc sách. Hiện nay, các
trường ĐH ở Anh chú trọng đưa đến cho sinh viên các bài tập thực tế.
Giáo viên và sinh viên cần có nhiều trao đổi, sinh viên cần tăng cường
học nhóm. Đây là phương pháp giảng dạy động, sẽ có tương tác tốt với
nhau”, vẫn GS Drummond Bonne chia sẻ.
Lâm Nguyên |