Vua Khải Định, hình ảnh và sự kiện

Vietsciences-Võ Hương An      14/08/2007
 

Những bài cùng tác giả

1  -  2 3  -  4  -  5  -  6  -  7  -  8  -  9

4. NGỰ GIÁ BẮC TUẦN, 1918

         Người dị ứng với ngôn ngữ thời quân chủ sẽ không ưa cái tựa đề này.  Sự thật, nó chỉ có nghĩa đơn giản là  vua đi kinh lý Miền Bắc, vua đi thăm miền Bắc.  Tôi giữ nguyên cái tựa đề này cho đúng ngôn ngữ thời đại.

            Các vua đầu Nhà Nguyễn  đều có “ngự giá Bắc tuần” một lần trong thời gian trị vì. Chẳng hạn, vua Gia Long bắc tuần vào năm 1804; vua Minh Mạng, vào năm 1821; vua Thiệu Trị, vào năm 1842.  Nhưng sao lại chỉ bắc tuần mà không nghe nói tới nam tuần?  Và tại sao chỉ đi có một lần trong đời mà thôi?  Thực ra, đối với các vua, việc bắc tuần này cũng có vẻ bất đắc dĩ, vì các vua đều biết rằng mỗi  chuyến đi như vậy là cả một sự tốn kém cho ngân quỹ quốc gia, và gây xáo trộn sinh họat địa phương.  Các tỉnh có vua đi qua, không phải chỉ lo việc nghinh đón, cung phụng vua mà còn phải lo phục vụ cả một đoàn quan quân hộ tống đông đảo lên đến hàng nghìn người.  Bởi vậy, các vua đều kết hợp việc thăm dân cho biết sự tình với việc ra Thăng Long tiếp nhận sắc phong của vua Nhà Thanh, và tiếp nhận sắc phong thì mỗi vua chỉ làm một lần trong đời.  Cứ lấy cuộc bắc tuần của vua Minh Mạng năm 1822 cũng đủ thấy sự phức tạp như thế nào. Hồi đó, vua đã mang theo một đoàn 1,792 quan văn võ lớn nhỏ, và 5,150 lính hộ vệ.  Sở dĩ vua phải đem theo một đòan quan quân đông đảo như thế là vừa để bảo đảm vấn đề an ninh, đề phòng những cuộc nổi lọan đánh úp bất thần; mặt khác, cũng cần phải phô trương thanh thế với thiên triều.     

            Vua Khải Định có bề ngoài không cường tráng , nhưng  là một con người thích họat động.  Theo ghi nhận của R.Orband, tác giả của thiên phóng sự bắc tuần, thì khi đang còn là ông hoàng, vua đã từng ra Bắc, vào Nam, du lịch với tư cách cá nhân.  Chẳng hạn, ngày 14/2/1907, Phụng Hóa Công đã cùng với người bạn thân, tên Hường Đề ( kể về vai vế dòng họ thì ông này thuộc hàng ông),  làm một chuyến du lịch về phương Nam. Hai người đi tàu lửa vô Đà Nẵng, rồi xuống tàu Manche để vô Sàigòn.  Ông Hường Đề vừa là bạn đồng hành, vừa là thông dịch viên. Khi lên ngôi, vua Khải Định đã cử ngay người bạn thời tiềm để làm Ngự tiền Văn Phòng.

             Nếu sự ghi nhận của R.Orband  hoàn toàn trung thực thì cuộc du lịch này rõ ràng là cuộc viếng thăm của một chính khách chứ không phải một người bình thường.  Theo đó, ông hoàng Phụng Hóa đã đi dự dạ vũ do chính quyền tổ chức tại Tòa Đốc lý, ăn cơm tối với Thống đốc Nam Kỳ Klobukowski,và sau đó,với Phó Thống Đốc M. Outrey;  đi  thăm  bệnh viện bản xứ, , thăm trường mù, trường câm điếc, trường dạy nghề, trường trung học Chasseloup Laubat, thăm pháo hạm Acheron đậu trên sông Sàigòn, vô Chợ Lớn thăm nhà máy xay lúa, đi Thủ Đức thăm ông Lê Phát An, đi Biên Hòa dự lễ phát thưởng cuộc thi canh nông kỹ nghệ, dự cuộc đua ngựa v.v  Ở chơi như vậy mười ngày (17/2-27/2/19, hai người mới xuống tàu thủy để về Huế.

            Lên làm vua vào giữa tháng 5/1916 thì ngày 7/9/1916, vua đã mở một cuộc viếng thăm ngắn hạn Đà Nẵng-Quảng Nam trong ba ngày với Quyền Khâm sứ Trung Kỳ Le Marchant de Trigon. Đi theo vua lần này có Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Hân, Thượng thư Bộ Binh Nguyễn Hữu Bài và Thống chế Lê Văn Bá, cùng một thư ký của Viện Cơ Mật và một viên quan mang hai cái ấn Ngự Tiền Chi Bửu và Hành Tại Chi Chỉ để phòng khi cần làm việc tại chỗ.  Theo ghi nhận của Orband, chương trình thăm viếng của vua khá sát sao.  Tới Đà Nẵng vào chiều hôm 7/9/1916 thì sáng hôm sau vua đi thăm Hội An.  Sau khi dự cuộc lạy mừng của quan lại địa phương tại hành cung, vua đi Phú Thượng để thăm các xưởng chế biến trà xuất khẩu của công ty Derobert & Fiard.  Tối hôm đó, vua lên thăm tàu Paul Lecat của hãng Messageries Maritimes đang bỏ neo trong vịnh Đà Nẵng; ngày 9/9 vào Tam Kỳ, đi thăm mỏ vàng Bồng Miêu, và hôm sau, 10/7, thì trở về Huế.

            Cùng với hai cuộc viếng thăm vừa kể, chuyến du hành thứ ba của vua Khải Định vào năm 1918 sẽ cho chúng ta thấy một vài cá tính đặc biệt của vua mà dư luận ít khi biết đến. 

            Năm 1917 có lễ Tế Nam Giao.  Toàn quyền Albert Sarraut  từ Hà Nội vào dự.  Nhân dịp này, vua ngỏ ý muốn đi thăm miền Bắc một chuyến, theo truyền thống của các đời vua tiền triều, trước là để  bái yết lăng mộ tổ tiên tại Gia Miêu Ngọai Trang (thường gọi là Quí hương) thuộc huyện Tống Sơn (thường gọi là Quí hưyện) ở Thanh Hóa, nơi phát tích của Nhà Nguyễn, sau là thăm dân cho biết sự tình và mục kích tận mắt những đổi thay của đất nước.  Trước nhiệt tình muốn đi đó đi đây của vua, Sarraut đồng ý trên nguyên tắc, nhưng hẹn để về lại Hà Nội, xem xét  chương trình làm việc rồi mới xác định được thời điểm tiếp đón.  Đầu năm 1918, Toàn quyền Albert Sarraut gởi thư cho vua, thông báo rằng ông ta  sẵn sàng đón tiếp vua và phái đòan khoảng nửa sau của tháng Tư.  Nhận được thư, lập tức vua Khải Định cho phát động ngay guồng máy hành chánh để chuẩn bị cuộc du hành.

            Ngày 29/3/1918, vua xuống chiếu nói về cuộc ngự giá bắc tuần, với lý do như đã nêu trên, trong đó có ấn định rõ ngày lên đường, miễn cho dân các phủ huyện việc đón rước và đặt bàn hương án bái vọng khi vua đi qua, để cho dân yên ổn làm ăn.  Về chi phí thì trích từ quỹ dự trữ của Nam triều để địa phương khỏi tốn kém.

            Vua chỉ định một phái đoàn tháp tùng gồm các nhân vật sau đây:

            -Viện trưởng Viện Cơ Mật kiêm Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Hân,

            -Thượng thư Bộ Công kiêm Bộ Binh Đoàn Đình Duyệt,

            -Thống chế Lê Văn Bá,

            -Tham tri Bộ Lễ Bửu Thạch,

            -Chưởng vệ Nguyễn Hữu Tiễn,

            -Tham tá Nội Các Phạm Hoan,

            -Ngự tiền Văn phòng kiêm Thông ngôn Hường Đề,

            -Lang trung Ty Cẩn Tín Ưng Bàng.

 

            Ngoài ra, quan lại tùy tùng còn có 2 ngự y, 8 thị vệ, 2 quan Nội Các, và một nhân viên Viện Cơ Mật.

            Về phía Pháp, lúc đầu Charles,  Khâm sứ Trung Kỳ, định đi theo vua, nhưng tới ngày đi thì bịnh, nên cử Đổng lý Văn phòng Le Fol đại diện, tháp tùng có R.Orband, quan cai trị , và thông ngôn riêng của Tòa Khâm là Bùi Thanh Vân.

            Trong thời gian vua vắng mặt, việc triều chính như thế nào?  Dụ ngày 12/4/1918 giao cho Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài và  Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung trách nhiệm điều hành tổng quát; giao Trung quân Đô thống  Hường Thỏa và Thống chế Võ Văn Kiêm trông coi về mặt an ninh Kinh thành và Đại Nội.  Ngoài ra, trong khi hai ông Thượng thư Tôn Thất Hân và Đoàn Đình Duyệt vắng mặt, thì tại mỗi Bộ vua cử ra một Tham tri và một Thị lang xử lý thường vụ và chịu trách nhiệm về ấn tín của Bộ.

             Để cho phái đoàn thêm  trang trọng, bề thế, ngày 15/4 vua cấp phát áo mới  cho các quan lớn trong phái đoàn để dùng vào dịp đặc biệt này.

            12giờ30 ngày 19/4/1918, một chuyến xe lửa đặc biệt khởi hành từ ga Huế, đưa vua và phái đoàn ra Bắc, cùng lúc, trước Kỳ đài, chín phát ống lệnh nổ vang kinh thành báo hiệu chuyến ngự giá bắc tuần bắt đầu.  Tiễn đưa vua hôm đó tại ga Huế có một số người Pháp, các quan của triều đình Huế và tỉnh Thừa Thiên, học sinh các trường và rất  đông dân chúng. 

            Orband, viên chức Pháp, tác giả thiên phóng sự bắc tuần, nhận xét rằng phái đòan bắc tuần của vua Khải Định thật là gọn nhẹ, chỉ có 20 người, chứ không đông đảo rộn ràng như xưa kia.  Điều này thì chẳng phải do vua ưa giản dị, mà chỉ vì đi nhiều thì tốn kém.  Vả chăng vua đâu cần tiền hô hậu ủng chi cho nhiều, vì vấn đề an ninh đều do chính quyền Bảo hộ bao biện hết.

            Đoàn tàu tạm dừng bánh ở ga Quảng Trị trong ít phút để  Công sứ và Tuần vũ Quảng Trị lên tàu chào vua và tiễn đưa phái đoàn ra Đông Hà.  Bấy giờ, đường sắt Huế-Hà Nội còn một đọan giữa Đông Hà và Vinh làm chưa xong; vì vậy, đến Đông Hà thì phái đòan phải xuống tàu, sang qua 8 chiếc xe  hơi đang chờ sẵn để tiếp tục hành trình bằng đường bộ đến Đồng Hới, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Bình. 

            Tại  những nơi chưa có cầu, người ta phải kết đò rồi lót ván, làm thành cầu nổi cho đòan xe đi qua.  Mặc dầu vua đã có chiếu chỉ miễn việc đón chào cho các địa phương có vua đi qua, nhưng dọc đường nhiều nơi người ta vẫn bày hương án với cờ lọng, và hương chức khăn đóng, áo rộng chỉnh tề,  cùng dân chúng chực sẵn bên đường , bái vọng  khi xe vua đi qua.   Cái hình ảnh khác biệt giữa việc đón mừng vua ngày xưa và đón chào nguyên thủ quốc gia ngày nay là người ta nôn nóng chờ vua tới, nhưng đến khi thấy xe vua ngang qua thì mọi người lại im lặng, kính cẩn  vòng tay cúi đầu, chứ không vẫy tay hoan hô ầm ĩ,vì làm thế là bất kính.  Quả là phong cách mỗi thời một khác.  Vua Khải Định có thể đã lấy làm hãnh diện và sung sướng khi thấy được dân đón chào như thế, khác hẳn điều đã xảy ra cho vua cha Đồng Khánh, hơn 30 năm về trước.  Hồi đó, sau khi Kinh dô Huế thất thủ (5/7/1885), vua Hàm Nghi chạy ra vùng rừng núi Quảng Bình và Hà Tĩnh, cầm đầu cuộc kháng chiến Cần vương.  Sau khi tìm mọi cách chiêu dụ vua Hàm Nghi trở về không được, người Pháp và triều đình Huế lập vua Đồng Khánh (anh ruột của vua Hàm Nghi) lên thay và đưa vua “ngự giá bắc tuần” để chiêu an dân chúng đồng thời chiêu hồi vua Hàm Nghi trở về.  Nhưng dưới ảnh hưởng của chiếu Cần vương, đi đến đâu vua  cũng bị dân chúng chống đối, cuối cùng phải bỏ dở  hành trình nửa chừng, xuống tàu thủy về lại Huế.

            Những nơi vua chính thức dừng lại là Đồng Hới (19/4/1917), Hà Tĩnh  (20/4), Vinh (22/4), Thanh Hóa (23/4).  Nơi nào vua cũng được đón tiếp long trọng với đầy đủ lễ nghi quân cách, nghĩa là có 21 phát đại bác chào mừng, có quân lính dàn chào, có đầy đủ giới chức Việt và Pháp trong tỉnh cùng học sinh các trường nghênh đón.  Tại tỉnh nào có hành cung không được tiện nghi thì vua tạm nghỉ tại Tòa sứ .  Phái đòan thường đến các tỉnh vào buổi chiều, dự dạ tiệc chiêu đãi ngay tối hôm đó, và sáng hôm sau là lễ lạy mừng của tất cả quan lại trong tỉnh, diễn ra tại hành cung, theo nghi thức đại triều, nghĩa là vua  và hết thảy quan lại đều mặc  triều phục, và các quan lạy vua năm lạy.

            Sau lễ lạy mừng, vua thay thường phục và bắt đầu đi thăm các cơ sở trong tỉnh, thường là bệnh viện, trại lính và trường học.  Tại những tỉnh bắt đầu có  công cuộc phát triển kinh tế,  như mở đồn điền hay cơ xưởng kỹ nghệ , thì vua lại chú trọng thăm viếng những nơi này.  Điều này được thấy rõ khi vua thăm Hà Tĩnh và Thanh Hóa.

            Ở Hà Tĩnh, chiều ngày 21/4/1918, Công sứ và Tuần vũ tỉnh này đã hướng dẫn vua đi thăm các đồn điền cà phê của  mấy người Pháp, như Border, Ferey&Boef,  và Chazet, trưng khẩn  hồi đầu thế kỷ. Được thấy tận mắt những  đồn điền cà phê tươi tốt ngút ngàn với cả trăm ngàn gốc mọc lên từ những vùng trước kia hoang vu, nhà vua rất  thích thú và không tiếc lời khen ngợi.  Tối đó, vua ngủ đêm ở đồn điền của  Chazet, và sáng hôm sau đi thăm con đường đang mở sang Lào.  Khi xe hơi hết đường đi, vua đề nghị xuống xe đi bộ.  Cả phái đoàn đi bộ non hai cây số xuyên qua công trường có 3,000 công nhân đang làm việc và được họ đón chào một cách kính cẩn.

            Từ Nghệ An ra Thanh Hóa, phái đòan dùng xe lửa.  Vào địa phận Thanh Hóa, người ta thấy các nhà ga đều có bày hương án với cờ xí rực rỡ  và đốt pháo chào mừng khi “xa giá” đi qua, trong khi các thân hào khăn áo nghiêm chỉnh quì lạy trên sân ga.  Vua phải cho tàu chạy chậm để chào đáp lễ.  Cuộc đón tiếp tại Thanh Hóa được xem là long trọng và rầm rộ.  Ngoài sự có mặt của tất cả giới chức Tây, ta trong tỉnh, còn có chừng ba chục ngàn dân tụ tập đón mừng.  Điều này cũng dễ hiểu, vì Thanh Hóa là nơi phát tích của Nhà Nguyễn.  Họ đang chào đón một người con vinh quang trở về.  Tại đây, vua  không tạm trú dinh công sứ, vì hành cung đã được chuẩn bị đẹp đẽ và tiện nghi như điện Càn Thành  ở Huế, để vua cảm thấy thoải mái như ở nhà . Ngày hôm sau, 24/4/1918, vua dành trọn một ngày để viếng lăng Trường Nguyên  (lăng của  Nguyễn Kim, được truy tôn làm Triệu tổ Tĩnh Hòang Đế của Nhà Nguyễn) tại núi Triệu Tường, thuộc Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn, và làm lễ tế tại Nguyên Miếu; sau đó thì đi viếng đền Phố Cát,  nơi thờ Công chúa Liễu Hạnh, vốn nổi tiếng linh thiêng, giống như Điện Hòn Chén (điện Huệ Nam) thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na ở Huế vậy.

            Qua ngày mai, vua mới cho các quan trong tỉnh làm lễ lạy mừng tại hành cung, rồi sau đó đi thăm các cơ sở trong tỉnh, như trường học, bệnh viện, trại lính, cơ sở từ thiện của Xơ Arsène, lò gốm Nguyễn Văn Được, và nhà máy diêm quẹt Hàm Rồng, một cơ sở kỹ nghệ nhẹ thu nhận đến 500 công nhân.

            Mười ba giờ chiều hôm đó, 26/4, vua lên xe lửa ra Hà Nội.  Ga Đồng Giao là ranh giới giữa Thanh Hóa thuộc Trung kỳ và Ninh Bình thuộc Bắc kỳ.  Ở đây, tỉnh Ninh Bình  đã dựng một khải hòan môn thật lớn để đón tiếp vua.  Thanh tra Conrandy, đại diện Thống sứ Bắc kỳ, từ Hà Nội vào,  hiệp cùng Công sứ, Tuần vũ Ninh Bình, và  các quan lại , lính tráng, dân chúng,  túc trực để chào mừng vua ngay tại sân ga.

            Sau phần lễ nghi, phái đòan lại lên tàu tiếp tục hành trình, có Thanh tra Conrandy đi theo.  Tàu đi qua các ga Nam Định, Phủ Lý, Đỗ Xá, đều được quan lại địa phương đến chào mừng, nhưng không dừng lại lâu.  Năm giờ chiều hôm đó, 26/4,  thì tàu tới ga Hà Nội.

            Tại sân ga Hà Nội, các viên chức người Pháp và quan lại Việt Nam đã sắp hàng sau lưng Tòan quyền Albert Sarraut để sẵn sàng nghênh đón khi vua vừa bước xuống tàu.  Người ta đưa vua vào một phòng khách danh dự vừa được thiết trí vào dịp đặc biệt này, và Đốc lý Hà Nội, Jabouille, với tư cách gia chủ, đứng ra đọc diễn văn chào mừng.  Sau đó, phái đòan lên xe về Phủ Tòan quyền , nơi đây mới diễn ra cuộc tiếp đón chính thức của Tòan quyền Đông Dương.  Vua tạm trú ngay trong phủ.

            Trong ba ngày kế tiếp sau đó, từ 27/4 đến 29/4, thời khóa biểu của vua Khải Định xem như đặc kín những cuộc viếng thăm và tiếp xúc.  Đầu tiên, ngay sáng ngày 27/4, lúc 8 giờ sáng, các quan đến làm lễ lạy mừng vua tại Phủ Tòan Quyền theo nghi thức đại triều.  Theo ghi nhận của Orband, cuộc lễ này không được trang nghiêm và đẹp đẽ như tại điện Thái Hòa, vì khung cảnh không thích hợp và các quan địa phương vốn không thành thạo về lễ nghi này, dù được quan Tham Tri Bộ Lễ đứng ra điều khiển.  Sau đó, vua thay thường phục để đến thăm và đặt vòng hoa tại tượng đài cựu Tòan quyền Paul Bert.  Có lẽ đây là lần đầu tiên một ông vua Việt Nam có cử chỉ thân thiện và “Tây” như thế nên lôi cuốn một số lớn Tây đầm đi xem.  Sau đó, vua  đi thăm bệnh viện bản xứ, vào tận phòng mỗ để chứng kiến tận mắt một cuộc giải phẫu do bác sĩ Le Roy des Barres thực hiện, để biết kỹ thuật mổ xẻ của Tây y như thế nào..

            Ba giờ chiều, vua đi thăm Trường Thuốc.  Vào thời điểm đó, Trường Thuốc chỉ mới đào tạo Y sĩ bản xứ, chứ chưa phải là bác sĩ, vì không mấy học sinh có bằng Tú tài. Tổng số sinh viên lúc bấy giờ là 150 người, tất cả đều mặc đồng phục trắng, tập họp tại đại giảng đường cùng ban giám đốc để đón tiếp nhà vua.  Sau khi nghe báo cáo về thành tích đào tạo của nhà trường và kế họach phát triển trong tương lai để nâng cao trình độ đào tạo ở cấp đại học, vua hết sức khen ngợi .  Sau đó, vua và phái đòan đi thăm trường Trung học Bảo Hộ (Trường Bưởi).  Hiệu trưởng là người Pháp nhưng cung cách đón tiếp Việt Nam.  Ngay khi xe vua đi vào sân đã nghe trống đánh,kèn thổi và pháo nổ tưng bừng.  Chín trăm học sinh sắp hàng nghiêm chỉnh đón khách.  Ở bậc thềm của ngôi nhà chính, người ta thiết một hương án, khói trầm nghi ngút.  Sau khi Hiệu trưởng Dommadieu giới thiệu ban giáo sư, một học sinh đứng ra đọc chúc từ.  Sau đó, vua và phái đòan đi thăm các lớp, thăm phòng vẽ, phòng khoa học, phòng giáo sư, ký túc xá, phòng ăn v.v. 

            Nhưng có lẽ nơi vua và Tòan quyền Sarraut cảm thấy thích thú là khi thăm viếng  nhà máy sản xuất thuốc lá . Cả hai đã tò mò quan sát tất cả mọi giai đọan trong dây chuyền sản xuất, không bỏ chi tiết nào.  Tối đến là dạ tiệc khoản đãi chính thức do Phủ Tòan quyền tổ chức. Trong số quan khách được mời có nhiều người Pháp không ở trong chính quyền.  Sau dạ tiệc, mọi người được xem  chiếu bóng, một thú giải trí hết sức mới mẻ, tân kỳ  lúc bấy giờ.  Trong các phim đem ra chiếu, có phim quay cảnh lăng tẩm ở Huế và đạo ngự (đòan vua đi) Tế Nam Giao năm 1917.

            Đó là một ngày bận rộn điển hình của vua Khải Định trong thời gian ở Hà Nội.  Hầu như tất cả các cuộc thăm viếng của vua đều do Tòan quyền Albert Sarraut hướng dẫn, và có lẽ vì vậy mà đâu đâu vua Khải Định cũng được đón tiếp trọng thể và nồng nhiệt từ cả hai phía chính quyền Pháp, Việt, và dân chúng.   Ngày 28/4, vua đi thăm Viện Bảo Tàng Thương Mãi, nơi trưng bày các sản phẩm của Đông Dương; dự lễ khánh thành Đại Học Đông Dương, thăm Văn Miếu Hà Nội, dự hội chợ từ thiện do Hồng Thập Tự Pháp ở Đông Dương tổ chức.

            Ngày 29/4, cùng với Tòan quyền và Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương là  tướng Lombard, vua dự cuộc duyệt binh  khai diễn lúc 7 giờ 30 sáng.  Buổi duyệt binh đặt dưới sự chỉ huy của tướng Barrand, Chỉ huy trưởng Pháo binh Đông Dương, với sự tham dự của các đơn vị pháo binh, bộ binh Pháp và lính Khố Đỏ.  Sau lễ duyệt binh, vua đi thăm tỉnh Sơn Tây, rồi  thăm đồn điền cà phê của Borel nằm dưới chân núi Ba Vì, đến chiều  mới trở về Hà Nội.

            Sáng ngày 30/4, vua cùng Tòan quyền Sarraut đi thăm Pháp đình Đông Dương, trường trung học Paul Bert,  và Bệnh viện Mắt.   Vua cũng đi thăm tòa báo và nhà in Viễn Đông (Imprimerie d’ Extrême-Orient), một cơ sở ấn lóat to lớn và tối tân nhất Đông Dương lúc đó.  Vua ngạc nhiên thích thú khi chứng kiến  nhà in đang tiến hành việc in số báo  Buletin des Amis du Vieux Huế, chuyên đề nghệ thuật Huế, với rất nhiều hình màu. Đến chiều thì  vua lên xe lửa đi thăm Lạng sơn cùng với Tòan quyền và Thống sứ.

            Lúc đầu, phái đoàn quả có lên xe lửa thật, nhưng không hiểu sao, đến ga Gia Lâm thì xuống tàu và dùng xe hơi để đi.  Vừa vào ngõ tỉnh lỵ Bắc Ninh thì thấy chính quyền và dân chúng địa phương đã chuẩn bị đẹp đẽ và nồng nhiệt đón chào phái đòan của vua và Tòan quyền.  Trước tình hình như vậy, phái đòan xuống xe đi bộ đáp lễ qua các phố rồi mới lên xe tiếp tục hành trình đến Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang.  Nơi đây việc đón tiếp xem ra cũng rầm rộ không kém Bắc Ninh.  Con đường chính của tỉnh lị đầy cổng chào, hương án và cờ, lọng.  Đặc  biệt, các cổng chào tuy làm bằng vật liệu thông thường của địa phương như tre, lá cọ, lá thiên tuế, hoa v.v. nhưng được trình bày rất nghệ thuật, rất sáng tạo, khiến các phóng viên phải ghi nhận và khen ngợi.  Dân chúng thì chật ních hai bên đường nhưng đón chào trong sự lặng lẽ kính cẩn.  Sau khi nhận sự chào mừng của chính quyền địa phương tại dinh Công sứ, phái đoàn lên tàu tiếp tục hành trình.  Dọc đường, khi qua các ga, tàu phải chạy chậm lại vì ga nào cũng có thiết hương án, đốt pháo mừng và hương lý quì lạy trên sân ga.  Đặc biệt, tàu đã dừng ở ga Bắc Lệ để nhận sự lạy mừng tung hô Vạn tuế của các tù trưởng người Thổ, dưới sự hướng dẫn của Tri Châu, đồng thời cũng để phái đòan viếng nghĩa địa các sĩ quan và binh lính Pháp chết trong trận đánh với quân Tàu vào năm 1884, thường được gọi là trận Bắc Lệ.

            Sáng hôm sau , phái đòan lên xe hơi đi thăm pháo đài Brière de l’Isle trấn thủ biên giới với lực lượng và trang bị khá hùng hậu; kế đó, đi thăm đồn Đồng Đăng, và hang Kỳ Lừa, với các động  Nhị Thanh, Tam Thanh nổi tiếng, còn lưu dấu đề thơ của người xưa.

            Phái đòan trở về Hà Nội bằng xe lửa, khi đi qua các ga, tàu phải chạy chậm lại để đáp lễ các kỳ lão đã chầu chực sẵn trên sân ga lạy chào tiễn đưa.

            Ngày 2/5/1918, vua cùng Thống sứ Bắc Kỳ, Bouvier St-Chaffray, lên xe lửa đi thăm Hải Phòng.  Trên đường, phái đòan dừng lại ở ga Hải Dương để dự một cuộc đón tiếp trọng thể của tỉnh, rồi sau đó mới tiếp tục hành trình đến Hải Phòng.

            Tại Hải Phòng, Đốc lý Maspéro cùng các quan chức thành phố đã sẵn sàng đón vua và phái đòan tại sân ga, xong đưa về Tòa Đốc lý.  Trong diễn văn chào mừng, Maspéro kể lịch sử thành hình thành phố cảng như là một công trình đáng kể của người Pháp ở Bắc Kỳ, và sự phát triển nhanh chóng của nó trong bàn tay người Pháp. Thống sứ Bắc Kỳ thay mặt vua  ghi nhận và khen ngợi  thành tích  phát triển của thành phố đối với xứ Bắc kỳ. Sau đó phái đoàn được hướng dẫn đi thăm bến cảng để chứng kiến tận mắt  những hoạt động thường nhật.  Phóng viên ghi nhận rằng khi được nhìn thấy những nhà kho mênh mông chất đầy những sản phẩm Đông Dương để chờ xuống tàu xuất khẩu qua châu Âu, vua Khải Định có vẻ rất quan tâm.

            Đến trưa thì phái đoàn đi thăm bãi biển Đồ Sơn, ăn trưa ở biệt thự St. Mathurin.  Chiều, đi thăm nhà máy cơ khí  Robert, Guerin et Théard.   Có lẽ đây là lọai cơ sở vua thích thăm viếng nhất, nên đã quan sát chi tiết mọi giai đọan sản xuất, nhìn ngắm thích thú sự vận hành của các lọai máy công nghiệp như máy tiện, máy đột dập, búa máy v.v. và không tiếc lời khen ngợi.  Chiều hôm đó, phái đoàn cũng đi thăm mhà máy ciment, và nhà máy thủy tinh.

            Đến tối hôm ấy, Toàn quyền Sarraut mới đến.  Nửa khuya về sáng, tất cả lại xuống xà-lúp đi Quảng Yên để  sáng ngày 3/5  thăm Vịnh Hạ Long.  Xem như cả ngày hôm đó dành cho Hạ Long, mãi đến chiều xà lúp mới đi về khu mỏ than Cẩm Phả để chuẩn bị cho cuộc thăm viếng sáng hôm sau.  Xà lúp đến bến Cẩm Phả thì đã khuya , nên phải neo tại bến , chờ sáng hôm sau mới có cuộc tiếp đón chính thức.

            Gollion, Giám đốc mõ than của công ty  La Société Française des Charbonages du Tonkin đã đón tiếp và thuyết trình cho phái đoàn nghe về họat động của khu mõ.  Theo đó, trong bốn tháng đầu năm 1918, mõ đã sản xuất được 60,000 tấn, hy vọng sẽ đạt được 225,000 tấn vào cuối năm.  Mõ dự kiến sẽ khai thác 20 triệu tấn than trong năm mươi năm, trung bình 400,000 tấn một năm. Mõ sử dụng một số công nhân từ 12 đến 13 ngàn người, tất cả đều ăn ở trong khu làng do mõ xây dựng. Công nhân ốm đau, có bệnh viện của mõ săn sóc và mõ cũng có trường cho con công nhân theo học.  Dĩ nhiên đây chỉ là phần thuyết trình của phía chủ nhân, còn sự thực thì không phải tốt đẹp như thế. Sau đó phái đoàn được đưa đi xem họat động của khu mõ và ngắm cảnh đẹp của vịnh Bái Tử Long.  Chiều hôm ấy, phái đoàn về lại Hải Phòng và lên ngay chuyến xe lửa đặc biệt  để về Hà Nội trong đêm đó.

            Chiều ngày 5/5/1918. Toàn quyền lại đưa vua đi thăm Thư viện và Viện Bảo Tàng của trường Viễn Đông Bác Cổ (L’Ecole Française d’ Extrême-Orient ) và Phòng Thương Mãi.

            Ngày 6/5, vua chính thức rời Hà Nội.  Lễ tiễn đưa diễn ra long trọng ở nhà ga. Tòan quyền, Thống sứ Bắc kỳ, Khâm sứ Trung kỳ, Charles (mới ra sau) đều lên tàu với nhà vua.  Tàu dừng lại ở ga  Phủ Lý để nhận sự đón tiếp trọng thể của địa phương .  Ở đây, nhân danh chính Phủ Pháp, Toàn quyền tặng vua Bắc đẩu Bội tinh. Vua đi thăm thành phố, bệnh viện, nhà máy sợi và nhà máy dệt.  Sáng hôm sau, 7/5, vua và Khâm sứ lên tàu về Huế, còn Tòan quyền và Thống sứ quay về Hà Nội.   Có lẽ lúc này vua mới thấm mệt nên đã bãi bỏ chương trình  thăm thành phố Vinh và lễ bái kiến ở Quảng Trị.  Khi đến Quảng trị thì có Hòang tử Vĩnh Thụy ra đón, vua chỉ đi thăm vội vã khu điền trang của Thương thư Nguyễn Hũu Bài rồi về Huế.  Cuộc đón tiếp long trọng của dân chúng và chính quyền Nam triều cũng như Bảo hộ tại ga Huế diễn ra vào chiều ngày 8/5/19/8 cùng với bảy phát ống lệnh nổ trước kỳ đài đã chính thức chấm dứt cuộc ngự giá bắc tuần mà vua thường ao ước. 

Ngày lên đường ngự giá bắc tuần, vua Khải Định đã mặc bộ võ phục này.

 

 

Lễ tế tại Nguyên Miếu, Gia Miêu Ngọai Trang, Thanh HóaChuẩn bị đốt chúc văn

Đón tiếp tại ga Đồng Giao. Đồng Giao là ga ranh giới giữa Trung và Bắc kỳ

 

Cảnh đón tiếp tại ga Ninh Bình.

Các quan mặc phẩm phục, quì đón. Lính khố xanh mặc lễ phục bồng súng chào.  Phường môn bằng tre và hoa lá được dựng lên khá công phu.  Đây là lối trang trí phổ biến của Việt Nam thời trước trong các dịp lễ long trọng.

 

 Cảnh đón tiếp vua tại ga Ninh Bình

 

 

Các quan địa phương trong triều phục đang chờ đón tiếp vua tại nhà ga Nam Định.  Một phường môn khá lớn và công phu, khác kiểu ở Ninh Bình, được dựng lên.  Sân ga được trải chiếu cạp vải điều, một dạng của thảm đỏ ngày nay.

 

 

Sau lễ đón tiếp tại ga Hà Nội, vua lên xe về Phủ Tòan quyền.  Cảnh sát mặc lễ phục trắng, cưỡi xe đạp St Étienne, làm nhiệm vụ gìn giữ an ninh trật tự. Cũng có cảnh dân chúng tụ tập chào mừng.

Đặt vòng hoa tại tượng đài Paul Bert, Hà Nội.  Có thể Khải Định là vua Việt Nam đầu tiên làm nghi thức Tây phương này

Trên khán đài danh dự, hôm duyệt binh. Vua Khải Định mặc võ phục, đội nón chóp, ngồi bên trái.Dưới khán đài, phía trước có hai Thị vệ cầm gươm  thị lập (đứng nghiêm đề hầu) và hai thị vệ khác (bi che khuất) cầm quạt hầu

Phái đòan ra về, sau khi thăm Viện Bảo Tàng Thương Mãi .Dàn chào là lính Khố đỏ mặc lễ phục trắng, không phải lính Pháp.

Ra về, sau khi thăm Đại học Đông Dương. Vua Khải Định đội nón chóp, ngồi trên xe với Tòan quyền và Thống sứ Bắc kỳ.

Vua Khải Định và Tòan quyền Albert Sarraut

Trên đường đi thăm một địa điểm ở Lạng Sơn.  Người mặc áo đen, đội nón chóp  là vua Khải Định.  Xem ra, vua cũng chịu khó lội bộ.

 

 

 

Phái đòan thăm hang Kỳ Lừa, Lạng Sơn. Vua Khải Định (áo đen, hàng trước, trái) và phái đòan đang  nghe  Tuần vũ  Lạng  Sơn  thuyết   trình.

 

.

Vua Khải Định thăm tỉnh Hải Dương. Có học sinh sắp hàng đón chào Đón tiếp tại Hải Dương

 

 

Vua Khải Định thăm bến cảng Hải Phòng

 

Thăm Nhà máy Ciment Hải Phòng.  Vua đang chăm chú nghe một viên chức người Pháp dẫn giải.

 

 

Vua Khải Định rời hành cung Nam Định để lên tàu về Huế, Nghi vệ của vua đi ra  là luôn luôn có 2 đến 4 thị vệ cầm gươm hầu đi trước, kế đến là lọng vàng và quạt hầu.

 
 

 

 

Tòan quyền Albert Sarraut và Thống sứ Bắc kỳ tiễn đưa vua Khải Định về Huế tại sân ga Nam Định.  Vua đang giã từ ở  bậc thang bước lên tàu.

 

 

Trong các buổi lễ chính thức, vua Khải Định thường xuất hiện trong trang phục này, một thứ võ phục đã được cải tiến theo ý nhà vua.

© http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Võ Hương An