Vài chuyện phù thủy Đông và Tây.

Vietsciences- Bùi Trọng Liễu        06/07/2009

 

Những bài cùng tác giả

Chuyện phù thủy thì dẫn cả chục cuốn sách cũng không hết. Tôi chỉ muốn nói tới vài chuyện gây “ấn tượng” cho tôi.

Thuở nhỏ tôi về quê, tôi thuờng nghe mấy người lớn kể chuyện phù thủy. Có ông phù thủy ra chợ, đi rảo qua mấy hàng bánh đúc, đe rằng ông ta đang dẫn theo âm binh, nếu không “cúng” ông ta mấy đĩa bánh để nuôi âm binh, thì chúng sẽ “vầy” làm cho bánh đúc bị thiu, không bán cho ai được cả. Có người tin ngay, có người chưa tin nhưng mùa hè, thời đó không có tủ lạnh, bánh đúc chậm bán, để lâu thì tự nó cũng thiu; rốt cục ai cũng tin. Ông ta vì bịp mà được ăn không trả tiền.

Rồi lại có câu chuyện phù thủy phù phép cho cái hình nộm bằng rơm “đi” được trên cái mâm đồng, bà con ở quê sợ tay phù thuỷ này lắm. Sau Cách mạng mới được giải thích như sau : dưới chân cái hình nộm có độn mấy con ốc đã bị để khát từ lâu, trên mặt mâm đồng, bôi 2 dòng nuớc; ốc đang khát, cứ moi theo đường nước bôi mà uống nên cái hình nộm di chuyển được là như vậy. Tôi chỉ nghe kể mà chưa được chứng kiến, nên không dám khẳng định là đúng hay sai, theo nghĩa khả thi hay không.

Chỉ có điều là tôi đã không tin ma quỉ, thì cũng chẳng tin phù thủy!

Mới đây, tôi đọc thấy bài “Vuốt đùi, vuốt ngực chữa bách bệnh

Tôi dẫn vài đoạn:

“Lấy được tiền lại thỏa máu... dê […]. Đàn ông thì thầy chữa chớp nhoáng, còn phụ nữ thì thầy bảo xắn quần lên cao, vén áo qua ngực rồi hồn nhiên dùng tay điểm, vuốt. Có cô đau mắt mà bị thầy vuốt ngực tới 20 phút […]. Theo người dân địa phương, có lúc hàng chục khách cùng thuê ô tô từ Long An lên rồi thuê phòng trọ ở lại 5-10 ngày để chờ thầy chữa bệnh […]”.

Hoặc, bài “Nườm nượp đi sờ đầu rùa, đánh trống cầu may

“Chiều 2/7, Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) kẹt cứng người đến cầu may trước ngày thi ĐH. để cầu may. Nhiều sỹ tử còn tranh thủ đến những nơi như đền, chùa, miếu, phủ...”.

Thời nay lắm chuyện lạ kỳ, khó tả, nhảm nhí chẳng kém hoặc còn hơn cả thời xưa. Quỉ thần cũng được thương mại hóa, được trả “thù lao” bằng huơng nến, vàng mã. Có lẽ do xã hội không ổn nên một số người muốn dựa vào cái mà họ gọi là “tâm linh” để tìm một sự an bình nào đó chăng? Rồi có một lũ vua bịp, thấy có “cầu” nên sẵn sàng “cung”, theo một cái học thuyết mới được chế biến nào đó. Dù sao, đó chỉ mới là những chuyện bịp bợm ở mức độ cá nhân, lẽ ra chính quyền nên biết ngăn cấm; nhưng chỉ một số người cả tin bị lừa thì cũng chưa tại hại lắm.

Cái tai hại lớn có lẽ là “tư duy phù thủy” nằm chềnh ềnh ngay trong bộ máy hành chính chính quyền. Chắc chẳng cần triển khai dài dòng những “thiên biến vạn hóa” giữa những từ ngữ xì ra nhưng với ý nghĩa ngược lại, những quyết định với những lý lẽ nêu ra và thực tế của kết quả.

Ở đây, tôi cũng muốn đề cập đến một vế khác của chuyện phù thủy “sạch” hơn: phù thủy thành thực nhưng “non” tay ấn. Đó là chuyện “phù thủy tập việc”. Khởi thủy, là nội dung một bài thơ (1797) của văn hào Đức J.W. von Goethe (tiếng Đức là Der Zauberlehrling, tiếng Pháp dịch là L’apprenti sorcier) ; trăm năm sau gợi hứng cho nhà soạn nhạc Pháp Paul Dukas viết bản nhạc giao hưởng vui scherzo symphonique (1897) ; rồi nhà làm phim Mỹ Walt Disney đưa vào cuốn phim hoạt họa Fantasia (1940) mà vai trò « phù thủy tập việc » là chú chuột Mickey.

Nội dung câu chuyện đại khái như sau. Một cậu học nghề phù thủy, được ông chủ, phù thủy, trước khi đi vắng, giao cho nhiệm vụ đổ nước quét nhà. Đáng lẽ phải tự làm, cậu ta phù phép, sai cái chổi làm việc thay mình. Không dè học chưa thấu, niệm thần chú thế nào mà từ một cái chổi, một thùng nước, biến thành mười thành trăm, nước đổ lênh láng lụt cả nhà của chủ, cậu ta không biết làm cách nào ngưng lại được.

Thoạt đầu, tôi ngỡ dịch Der Zauberlehrling ra tiếng Việt là dễ, ai dè khó hơn tưởng : “Phù thủy tập tễnh”, “Học trò phù thủy” , “Kẻ tập làm phù thủy”, “Gã học dỏm làm phù thủy”, vv. nghe ra không thoát hết nghĩa, vì ngày nay ở phương Tây, người ta quen dùng cách gọi này để chỉ một kẻ không có “tầm” (chữ có dấu huyền), học chưa thấu, hiểu biết lõm bõm, mà đã tưởng là mình khôn, đua đòi thực hiện để rồi gây ra tai họa.

Chuyện gốc thì hài hước như vậy. Nhưng sự đời ở thế kỉ 21 này thì không như thế. Không thiếu lĩnh vực bị những gã “phù thủy tập tễnh” gây ra tai họa như trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, giáo dục đào tạo, kinh tế, kiến trúc, bảo tồn di tích, khai thác tài nguyên, vv. Đào tạo ra những loại người học giả bằng thật, tất nhiên họ chỉ có thể là những chuyên gia dỏm ; để rồi khi được đề bạt chức vụ cao, họ có thể có những quyết định bất cập, quái gở, thí dụ như lựa chọn những giải pháp kinh tế lạ kỳ, hay những đề án khai thác tài nguyên tưởng rằng béo bở, mà không thấy những hậu quả tai hại lâu dài.

Câu chuyện “phù thủy tập việc”, cũng làm liên tưởng đến câu chuyện cái “hộp của Pandora”, tóm tắt là chuyện cái hộp mà chúa tể các thần Hy-lạp trên trời trao cho nàng Pandora làm của hồi môn khi nàng này được xuống trần gian lấy chồng. Trao cho cái hộp, nhưng lại dặn là đừng mở ra; nhưng nàng này xuống trần gian rồi, tò mò mở ra xem. Thế là bao nhiêu cái xấu, khổ ải, tai họa, đang nhốt trong đó, tuồn tuột theo nhau chui ra. Nàng hãi quá, vội đậy cái nắp hộp lại, nhưng không kịp nữa, vv ( Xem video Julie Zenatti & MC Solaar - La boîte de Pandore )

 Ngày nay, ở phương Tây, người ta quen dùng cụm từ này để khuyên kẻ chưa đủ “tầm”, thì đừng đụng vào những việc khó ; đụng vào nó rồi thì gây ra hậu quả tai hại, cuống queo muốn sửa cũng không kịp nữa. Hay nói một cách dân dã dễ hiểu như trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân: « [để] rắm đã lìa trôn, còn [cố] đưa tay bịt » – (theo bản dịch của Phan Quân, nxb Khai Trí, Sài Gòn).

Nhưng đó là nói với những người còn có “tâm” (chữ không có dấu huyền). Chứ với nguời không còn “tâm”, thì ta có câu tục ngữ : “Tham thì thâm, Bụt đã nhủ thầm rằng chớ có tham”. “Thâm” đây – (theo Từ điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê) – mang nghĩa “lạm vào một khoản tiền khác”, thí dụ như vì lợi riêng mà tiêu lạm vào ngân quĩ chung, nghĩa là lạm vào ngân quĩ của dân, từ thuế, từ tài sản của Đất nước. Bụt đã nhủ như vậy, nhưng nếu họ cứ tham, thì sao? Có lẽ chỉ Bụt mới biết câu trả lời!

Tìm trong từ điển, tôi chưa thấy có từ nào để chỉ những loại sự việc kể trên xảy ra ở xã hội ta, chúng không thuộc một thứ lôgic nào cả, có lẽ chúng gần gụi với một thứ “tâm linh” nào đó, đồng thời chúng rất kỳ dị, hơn cả phép phù thủy. Không biết gọi chúng là “u dị” – “u” nghĩa là “tối tăm” – có phù hợp không?

Đã đăng trên Diễn Đàn:

 Xin mời đọc trang  http://www.buitronglieu.net

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Bùi Trọng Liễu